Saturday 25 February 2012

Các sáng tác khác của Hồn Trẻ 20

NGUYÊN NGHĨA
Du Tử Lê, phết một cái,
Năm 1973, trong tủ sách của tôi có thêm tập Thơ Du Tử Lê 1967-1972. Tôi đã mua tập thơ ấy ở thư quán Hiện Ðại trên đường Lê Lợi, góc Công Lý, cách rạp chiếu bóng Vĩnh Lợi chỉ dăm bước đường. Thư quán ấy là một kiosque quá bé, chỉ hai người đứng cũng đã chật, không sao sánh nổi diện tích các nhà sách Khai Trí, Xuân Thu. Thế nhưng tôi vẫn thích ghé đấy, mỗi khi cần tìm những tờ tạp chí cũ vài tháng trước, ngay cả dăm cuốn sách chưa được nhiều người biết đến.

Ðã hẳn, thưởng thức thơ không ai đọc vèo một mạch. Tôi đã nhẫn nha với những dòng Thơ Du Tử Lê, nhưng ngay cả khi mở tập thơ ra, tôi cũng không dám mạnh tay -sợ làm rách lớp bìa giấy mỏng bọc ngoài cái bìa chính của tập sách. Dường như, một phần nào, vì vậy khiến tôi vẫn nhớ tập thơ ấy chịu cùng số phận với rất nhiều sách khác, đã lọt vào tay những người không hiểu giá trị văn chương, và không biết trân trọng thơ, lúc họ vào nhà tôi “đánh tư sản”.

Tôi mất hết sách, và cả tập thơ ấy, nhưng những dòng thơ vẫn còn.

Và cơ duyên còn cho tôi gặp lại tập Thơ Du Tử Lê một dịp khác, dù không phải là tập thơ tôi đã sở hữu.

Năm 1981, tại nhà một người bạn du học ở Vaihingen, ngoại ô Stuttgart, bên Tây Ðức, tôi thấy tập thơ trên kệ sách. Có lẽ người bạn ấy đã mang theo rời Sài-gòn sau chuyến nghỉ hè.

Bình thường, ít ai nhớ nhiều chi tiết về một cuốn sách. Riêng tôi, cho tới bây giờ mỗi khi trò chuyện với bạn bè về thơ Du Tử Lê, tôi vẫn nhắc đúng những nét đặc biệt của tập thơ ấy. Ðó là một tập sách hai bìa, với tranh Hạ Quốc Huy, với bìa giấy mỏng bọc ngoài, với những đoạn thơ Du Tử Lê còn in trong trí nhớ tôi:
...
đời xa chưa thể về gần
loanh quanh nỗi chết chờn vờn hơi quen
thù ghìm trong một dao điên
chém ngang vai mỏng xẻ nghiêng mặt buồn
(bài chờ nhắm mắt)

...
thụy ơi và thụy ơi
đừng bao giờ em hỏi
vì sao mình yêu nhau
vì sao môi anh nóng
vì sao tay anh lạnh
vì sao thân anh rung
vì sao chân không vững
vì sao anh van em
hãy cho anh được thở
bằng ngực em rũ buồn
hãy cho anh được ôm
em, ngang bằng sự chết
...
(khúc thụy du)

người ở đây, ta cũng ở đây
lòng không như mặt, lòng lệ đầy
chân đi gió tạt sầu ba hướng
tay vói một trời, trời mưa bay
...
(tình sầu du tử lê,)

Khi đó,với “Thơ Du Tử Lê” tôi cảm nhận như thể vừa khám phá một món ăn lạ miệng. Món ăn lạ thường làm người ta ngần ngại không dám thử. Nhưng khi đã thử lần đầu, đã quen, người ta bắt đầu thưởng thức. Giống như khi nhắp ngụm cà phê đầu tiên, chỉ thấy đắng mà chưa biết ngon. Lần kế đó cà-phê sẽ ít đắng hơn một chút, và dần dà người ta khó lòng từ bỏ cà-phê.

Thơ Du Tử Lê trong tập sách ấy có nhiều dấu phẩy, mà tôi quen gọi dấu phết, theo cách gọi của người miền Nam.

Tôi thích những dấu phết, chen giữa dòng thơ và ở cuối mỗi cái tựa đó. Tôi nghĩ, chắc sắp qua rồi cái thời ca dao xuôi chảy, lục bát tròn trịa; chắc đủ nhiều rồi những bản nhạc tình điệu Bolero nghe mãi không còn cảm xúc, cần có những bản mới với tiết điệu Moderato, Andantino, với “chậm buồn, kể lể”, để người ta có thể diễn tả tùy tâm cảnh, tùy sự rung động bên trong. Cái trăn trở, cái vật vả, cái hoảng hốt, cái rất gần với tuyệt vọng, không diễn tả hết được bằng “cao dao”, sáu-tám, bởi dòng chảy của nó vốn êm ả đều đều. Vì vậy mà phá cách, ngắt quãng, cắt rời, bằng những dấu phết nên được coi là những nhịp thở cần thiết để tạo nên các tiết điệu mới cho thơ.

Du Tử Lê 
 
Cách đây đúng hai năm, gặp thi sĩ Du Tử Lê ở Ðại Hội Báo Chí Truyền Thông Việt Ngữ tại Florida, trong giờ ăn trưa, tôi đã đùa với thi sĩ là thơ Du Tử Lê có lúc chỉ dành để ngâm mà không nên đọc như đọc chính tả. Tôi nêu thí dụ, sau câu tỏ tình chẳng hạn “anh yêu em” có một dấu phết, nếu đọc chính tả sẽ phải đọc là “phết một cái”. Ðọc 6 chữ kế tiếp nhau như vậy thì chẳng khác nào giết thơ!

Và nếu chỉ nói về những dấu phết, mà không nói về những mở và đóng ngoặc, những gạch giữa, và những gạch nối, để đưa ra một ý tưởng khác hoặc để cột chung một số từ vào thành cụm từ, thì chưa tả hết cái “nét” thơ Du Tử Lê đã khiến tôi mải mê trôi trong dòng thích thú bất ngờ.
...
thơ vui đấy, em hãy cười lúc đọc
nếu có buồn hẵng gượm để hôm sau
hãy để mai kia, anh được phép trầu cau
đến sêu hỏi em hẵng buồn một thể
bởi lúc ấy biết đâu cả hai chẳng cùng lụ khụ
cùng xác xơ vì đã quá âu lo
nên anh chắc thơ anh sẽ còn buồn bã mãi
(nhưng em đừng buồn nản giống thơ anh)
phải nghĩ bao lâu, mới có cuộc tình
mà hai kẻ yêu nhau đã vô cùng khốn khổ
...
(dỗ giấc người bất hạnh)

người qua đó, chân giầy, xin bước chậm
để chim về kịp thở chút hương tan
để ta về kịp nhận vết thương non
kịp gọi khẽ (để cho giun dế ngủ)
(bài cuối năm)

ta như cỏ nên nhận phần héo úa
người như sương nên ướp lạnh hồn buồn
tình đã được đặt trên bàn mổ xẻ
thì hiểu gì? em, tảng đá cô đơn
hiểu gì em? cọng lá sâu ăn
hiểu sao được! cuộc đời -anh khinh bạc
...
(sau ba mùa tăm tối)

Ở đầu tập thơ, Du Tử Lê đã viết Vài hàng cũng xin gọi là tựa,:

“Tôi làm thơ vì những hạnh phúc không đạt được, nếu hiểu hạnh phúc là mục đích cuối cùng của đời người. Do đó thơ tôi là những khúc ca ngắn cho-một-mình hay cho-hai-người.
Xin cám ơn những-một-mình và những-hai-người.”

Có ai chăng, thắc mắc tại sao thi sĩ không dùng những cụm từ khác, những-con-người-lẻ-loi và những-đôi-lứa chẳng hạn? Với cách nghĩ rất riêng tư, tôi cho rằng một-mình khác với lẻ-loi, và hai-người không nhất thiết là đôi-lứa. Một-mình, có thể là tự nó tách ra khỏi cái cận kề chung quanh, trong khi đó, lẻ-loi, cho thấy những thứ chung quanh nó xê ra dang ra khỏi nó. Hai-người, không nhất thiết là không tách ra được, không có nghĩa là sẽ không trở thành những-một-người. Như vậy, cái hạnh phúc mà Du Tử Lê nói đến, nếu có đạt được cũng chưa chắc đã là thứ hạnh phúc gắn bó, mãi mãi...

Thiết tưởng nên nói thêm, không phải là tôi cảm thơ (Du Tử Lê) chỉ vì những hạnh phúc (tôi) không đạt được, hoặc vì nó phù hợp tâm cảnh tôi. Bởi lúc tôi đọc Thơ Du Tử Lê và yêu những bài thơ trong đó, tôi đang trong tình trạng hai-người chứ không phải một-mình.

Mỗi người có cách nghĩ, cảm nhận và lối diễn đạt khác nhau. Sự cảm nhận ở tôi rất riêng tư, không bị ràng buộc bởi qui tắc nào. Tôi không tán đồng việc soi thơ bằng kính lúp khoa học và việc dùng khoa học phân tích thơ. Tôi nhìn thi sĩ hoàn toàn không như nhìn người thợ nề, không như nhìn chuyên viên xây cất. Tôi chỉ quan niệm giản dị, thi sĩ là người chắp lại những mảnh rời, tùy hứng, tùy thích. Tôi cho rằng thi sĩ là nghệ sĩ sáng tạo, và trong sự sáng tạo không có sắp xếp một cách cố ý. Nếu trong thơ có sự gò bó thì bài thơ hỏng. Thì thơ thành vè, thơ thành sớ, hoặc thành bất cứ thứ gì khác không phải là thơ.

Nếu thơ Du Tử Lê không thơ, thì đã không thể gây rung cảm, thì đã không thể gợi nhạc hứng một cách dễ dàng và hẳn đã không có khá đông nhạc sĩ mang thơ Du Tử Lê phổ thành nhạc. Trên ngọn tình sầu, Khi cuộc tình đã chết, Tình sầu Du Tử Lê, Khúc thụy du, Trong tay thánh nữ có đời tôi, Ðêm nhớ trăng Sài-gòn, v.v... là những nhạc phẩm phổ từ thơ Du Tử Lê rất nhiều cảm xúc, dĩ nhiên. Nếu “mồi” không bắt, làm sao thành “cuộc rượu”?

Cho nên, lúc sau này, khi một vài người nhận xét rằng Du Tử Lê chỉ “làm dáng” cho thơ lạ mắt hơn, nôm na là mang thơ đi “thẩm mỹ viện” sửa dung mạo cho thơ, tôi không đồng ý một tí nào. Tôi vẫn tin rằng, khi dòng thơ gợi được những rung động nơi người đọc, thì đó thật sự là thơ và là thơ hay. Còn cái hình dáng bên ngoài, thể thơ xuôi, lục bát, ngũ ngôn, hoặc thất ngôn..., những dấu phết, dấu chấm, dấu chấm hỏi, dấu chấm than, dấu gạch nối, dấu chém/slash..., là những yếu tố cần để tạo nên tiết điệu cho thơ.

Riêng những dấu chém/slash, trong thơ Du Tử Lê lúc sau này không hẳn chỉ là để “ai muốn đảo lộn thứ tự những nhóm chữ giữa hai dấu chém, biến bài thơ thành một bài thơ khác cũng được”, mặc dù chính thi sĩ “cho phép” đảo lộn như vậy. Ðảo lộn, ngay cả có sự “cho phép” của thi sĩ , chẳng qua chỉ là một cách “đùa giỡn chữ nghĩa”, chứ không phải là sáng tạo thơ.

Tôi biết rõ sự giới hạn, tôi không thể nói hết mọi điều về thơ Du Tử Lê. Nên nhường chỗ cho những người khác nói, hay hơn. Nhưng tôi biết chắc là thơ Du Tử Lê sẽ không mai một. Nó không thể mai một, cho dù bất cứ cá nhân, thể chế, chủ thuyết nào nhất quyết xóa nó khỏi những trang sách chăng nữa.

Nguyên Nghĩa
Toronto, tháng 6 năm 2000

Nguồn:

Saturday 18 February 2012

Tin Vui Hồn Trẻ 20

Blog Hồn Trẻ 20 vừa nhận được tin vui:

Phù Sa Lộc (do Tuấn Khanh chụp, tháng  6-2011)

Ngày 4-3-2012 (nhằm ngày 12-2 Nhâm Thìn) sắp tới, 
vợ chồng thi sĩ Phù Sa Lộc sẽ dựng vợ cho thứ nam 
(người thứ ba trong số 3 người con gồm hai trai một gái).

Trong khi chờ nghe thêm chi tiết về tân lang & tân giai nhân,  
anh em Hồn Trẻ 20 xin chung vui cùng anh chị Phù Sa Lộc,
 thân chúc hai họ có được dâu hiền rể quí 
và chúc cho đôi trẻ được bền duyên cầm sắt.

Ảnh thi sĩ Phù Sa Lộc do:

Hồn Trẻ 20 và bạn bè văn nghệ

Ngày 13 tháng 2 năm 2012, 
Phạm Nhã Dự chở Lưu Vân xuống Cần Thơ rủ Phù Sa Lộc đi nhậu. 
Sáng 14 tháng 2, cả ba đi phà Năng Gù để qua Phú Tân (An Giang) 
nhậu với Trịnh Bửu Hoài.
Ảnh (từ trái sang phải): Phạm Nhã Dự, Lưu Vân và Phù Sa Lộc trên phà.
 Sáng 15 tháng 2, cả ba đi núi Cấm (Tịnh Biên, An Giang) 
và Lưu Vân ăn bánh xèo rồi nốc rượu đế.
Ảnh trên: Lưu Vân.
18 giờ 30 phút cùng ngày, cả ba về lại Cần Thơ, 
nhậu thêm hai trận tới 12 giờ khuya.