Thursday 24 October 2013

Thơ của các tác giả Hồn Trẻ 20

VŨ NGỌC ĐỨC
Nói với người nằm xuống
 
Nghe không em nhạc chiêu hồn
Dường như từ cổ mộ buồn vọng ra
Người từ huyệt lạnh tha ma
Về chung chén rượu chén trà cùng vui
Người ngàn năm sẽ ngủ vùi
Nghĩ ra chia ngọt xẻ bùi đã lâu
Tương tư hề! Bạc mái đầu
Bằng thơ gọt giũa từng câu mật mềm
Ôi triền miên hơi thở êm...



Đoạn tả về đời chàng

          Chàng đi ngựa sải ngang trời
          Buổi về tự thú nghẹn lời nói năng

Ta trở về mang nỗi buồn thi rớt
Và người yêu thì đã bỏ đi rồi
Con quỳ lạy trước bàn thờ sướt mướt
Lần cuối cùng ta đáp nghĩa thôi nôi

Thôi giã từ cha giã từ nội ngoại
Tạm biệt bạn bè tạm biệt anh em
Lần mẹ chết cũng mùa nầy năm ngoái
Cuộc đời ta theo đó cũng hao mềm

Những ngày tháng Ba Xuyên ta vẫn nhớ
Từ sinh ra cho đến lớn đến khôn
Cây trái để ăn không khí để thở
Tỉnh Ba Xuyên ta thấy ngọt lịm hồn

Ta ngoảnh lại hơn một lần lầm lỡ
Vốn liếng gì đâu? Thi sĩ nửa mùa
Sự nghiệp trắng tay học hành dang dở
Dăm bài thơ đem bán chẳng ai mua

Ta khốn nạn ta làm con bất hiếu
Ngước nhìn lên, thiên hạ bỉ khinh ta
Ta xin cảm ơn ta xin nhận chịu
Loài ngựa hoang chưa tìm thấy sơn hà. 

Vũ Ngọc Đức

(Trích trong "Tác giả tác phẩm - Người Đồng Hành Quanh Tôi", tập V, của NGÔ NGUYÊN NGHIỄM, nxb Thanh Niên 2013) 

Wednesday 23 October 2013

Các sáng tác khác của Hồn Trẻ 20

Nguyên Nghĩa
 
QUÀ TẶNG ĐỜI NGƯỜI

Bài dưới dạng hình scan sau đây - "Quà Tặng Đời Người" - do Nguyên Nghĩa viết, đã đăng trên tuần báo Thời Báo số 1460, phát hành ngày 26 tháng 1-2008 tại Toronto.

Hồn Trẻ 20 phổ biến lại bài viết này của  Nguyên Nghĩa, ngõ hầu giúp quí vị thêm tài liệu cho những cuộc vận động tìm tủy phù hợp cho những bệnh nhân ung thư cần thay tủy.


Sunday 20 October 2013

Hồn Trẻ 20 gặp nhau

Lại gặp gỡ ở Cần Thơ


8 giờ sáng 20 tháng 10-2013, HT20 Lý Thừa Nghiệp từ Sóc Trăng lên Cần Thơ gặp HT20 Phù Sa Lộc.

Hai thi sĩ đi tàu trên sông Hậu, làm một vòng xem cầu Cần Thơ, thăm chợ nổi Cái Răng và nghe đờn ca tài tử trên sông.

Sau đó hai người vào nhà hàng An Bình (Cần Thơ) ăn một bụng no nê cá đồng rồi chia tay nhau lúc 2 giờ chiều.


Hình chụp trên tàu sông Hậu: Phù Sa Lộc (bên trái), Lý Thừa Nghiệp (bên phải).

Thursday 17 October 2013

Các sáng tác khác của Hồn Trẻ 20

NGUYÊN NGHĨA

Nghĩ sao viết vậy (3)

Manh giáp tả tơi rồi
Phen này thì xanh cỏ (*)
Còn đâu mà đỏ ngực! (*)

-----
Ghi chú: 
(*) Xanh cỏ, đỏ ngực: Ý nói chết hoặc huy chương đeo đầy ngực áo

Tuesday 15 October 2013

Thơ của các tác giả Hồn Trẻ 20

VŨ NGỌC ĐỨC

Và anh sẽ về thăm

 
Và anh sẽ về thăm Sóc Trăng
Ngày xưa cũ đó đã khô cằn
Trải bao năm tháng cùng vun xới
Mở lối khai đường sông nước ngăn

Và anh sẽ về thăm xứ Sóc
Lâu rồi không tới viếng chùa Miên
Anh nghe tiếng hót loài chim chóc
Lòng vẫn còn mơ nét dịu hiền

Và anh sẽ về thăm Khánh Hưng
Một người con gái mắt rưng rưng
Chàng trai xa xứ giờ trở lại
Bè bạn xưa, tay bắt mặt mừng

Và anh sẽ về thăm đất Khánh
Đại Ngãi liền qua tới Bãi Xàu
Vũng Thơm hiu hắt mùa mưa lạnh
Long Phú nhìn sang Kế Sách đau

Và anh sẽ về thăm Ba Xuyên
Có cô thôn nữ mỉm cười duyên
Dòng kinh nước ngọt êm đềm chảy
Quê hương minh đẹp quá hở em!

Vũ Ngọc Đức

(Trích trong
"Tác giả tác phẩm - Người Đồng Hành Quanh Tôi", tập V, của NGÔ NGUYÊN NGHIỄM, nxb Thanh Niên 2013) 



Sunday 13 October 2013

Hồn Trẻ 20 và bạn hữu



Hãy Cùng Quách Vĩnh Thiện 
Gìn Giữ Kho Tàng

Kim Phượng

Lục địa Úc Châu chuyển mình vào xuân. Xuân của đất trời, hoa khoe sắc, tỏa hương ngào ngạt. Tại thành phố Melbourne, trong khuôn viên Đền Thờ Quốc Tổ, Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện, đến từ kinh đô ánh sáng Paris. Sự hiện diện của ông, xuân nơi đây thêm rực rỡ, háo hức hơn.
 
Xuân của lòng người!


Quách Vĩnh Thiện, ông là ai?
Đó là cậu bé 8 tuổi đời, đủ kiên nhẫn, lắp ráp một chiếc xe đạp cho riêng mình. Tuổi lên 9 lên 10, cậu đam mê cả võ thuật lẫn âm nhạc. Do duyên lành, lúc còn là học sinh của trường Petrus Ký, cậu được nghe thuyết giảng về hai chữ “Có - Không”. Vốn đam mê âm nhạc từ bé, nhưng gia đình không cho phép cậu xuất hiện nơi công cộng. Dù bị ngăn cấm, dù bị nhừ đòn, vẫn không ngăn nổi tiếng đàn đang thôi thúc trong lòng chàng trai trẻ. Cậu đã có mặt trong những buổi đại nhạc hội, đệm đàn cho các danh ca một thời như Thái Hằng, Thái Thanh, Thanh Thúy, Cao Thái… Đầu thập niên 60, cậu thành lập ban kích động nhạc Les Fanatiques và nổi tiếng ngay khi chơi bài Apache. Tiếng đàn còn vượt xa hơn, đến tận các Club ở phi trường Tân Sơn Nhất hoặc các rạp hát lớn như Đại Nam, Khải Hoàn, Đa Kao. Hẳn một số người cùng thời, có lẽ vẫn chưa quên.


Những ngày huy hoàng, đáng nhớ ấy, tưởng chừng bất tận, nhưng tiếc thay, đành khép lại khi cậu lên đường sang Bordeaux du học. Rời quê hương, xa vòng tay ấp yêu của cha mẹ, tạm dung “sống nhờ đất khách”. Cậu vừa đi học vừa bươn chải kiếm sống. Sinh ngữ là trở ngại lớn trong việc học, lại quá nhiều vất vả trong việc làm thêm, nhưng thấm vào đâu với những đêm xong việc, ra về trong đơn lạnh, dưới buốt giá xứ người. Chừng ấy về thời niên thiếu, đã ảnh hưởng gì đến cuộc đời ông!?

Đó là chuyện về sau.

Mỗi người được sinh ra là một tặng phẩm tinh khôi ban cho đời và theo thời gian…cuộc đời mỗi người một khác.

Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao*


Hai câu thơ trên đã ứng thế nào vào vận mệnh đời ông!?
Một Quách Vĩnh Thiện, kỹ sư, sau những năm tháng truân chuyên. Một Quách Vĩnh Thiện, nhạc sĩ, thỏa mãn thú đam mê âm nhạc. Có lẽ chàng thư sinh ngày nào, nhuốm “phong trần” từ lúc rời Việt
Nam, sống tha phương, trải qua nhiều dâu bể, lắm đoạn trường. Sống nơi phồn hoa, tráng lệ ấy, không ai “cho thanh cao”, mà tự ở ông và đã giữ hướng đi cho riêng mình.
 
Cuộc sống đang êm ả, cây đời đã bám rễ sâu nơi đất người, nhưng định mệnh nào, một lần phủi bụi thời gian khi sắp xếp lại chồng sách cũ. Hồi ức bất chợt trở về trong phút giây tình cờ, khi ông đọc đến câu thơ thứ 890, trong tác phẩm Đoạn trường Tân Thanh của Đại thi hào Nguyễn Du:

Sống nhờ đất khách thác chôn quê người*

Câu thơ 8 chữ đã mãnh liệt khơi lại cả quảng đời đã qua. Ông cảm thân mình, thương vay phận Kiều, nỗi nhớ cố hương, nơi một lần ra đi đã mất lối quay về. Kể từ đó, một sợi dây vô hình, đã buộc chặt đời ông vào nội dung tác phẩm nằm trong cuốn sách cũ kỹ kia.

Truyện Kiều, nói về thân phận người con gái tài sắc vẹn toàn, sống trong bối cảnh xã hội đầy hệ lụy, muôn đời vẫn làm rung cảm con tim của những ai biết khóc cười trước tình tiết éo le và Quách Vĩnh Thiện, không ngoại lệ. Sự đồng cảm nơi ông bởi trải nghiệm cuộc sống chính mình và Trường ca Kim Vân Kiều ra đời sau 5 năm ròng thực hiện. Mối giao duyên Thơ Nhạc là sự đồng hành của Đại thi hào Nguyễn Du với 3254 câu thơ lục bát và Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện với Trường ca Kim Vân Kiều gồm 77 bài nhạc đủ thể loại, từ nhạc tân thời đến cổ điển, được gói gọn trong 7 CD.

Có thể nói, truyện Kiều của Nguyễn Du trước đây, phần lớn chỉ phổ thông trong nước, qua đọc, ngâm hay dùng làm sách bói. Nhưng qua dòng nhạc của Quách Vĩnh Thiện, Kim Vân Kiều trở thành một tuyệt tác được nhiều quốc gia trên thế giới biết đến.
 
Điều cao quý mà người nghe có thể cảm nhận, tìm thấy, trong dòng nhạc của ông, là sự tôn trọng ông đã dành cho Nguyễn Du. Ông giữ y nguyên, không đánh mất hay thay đổi vị trí lời thơ của người để tìm sự dễ dàng, độc đáo hơn cho dòng nhạc của mình. Và càng cao quý hơn với tâm nguyện bảo tồn, gìn giữ văn hóa nước Việt Nam, cho bây giờ và tiếp nối những thế hệ mai sau. Thế hệ của những người dù không học đến, nhưng có thể biết qua, hiểu được và thuộc lòng ít nhiều về Đoạn Trường Tân Thanh. Ngoài ra, việc làm của Quách Vĩnh Thiện là một minh chứng cho lời nói Học giả Phạm Quỳnh, vẫn còn giá trị cho đến ngày nay: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; Tiếng ta còn, nước ta còn”.

Có lẽ, những hạt mầm “Có – Không” được gieo vào lòng ông ở thời khá trẻ ngày nào, đây là lúc hoa trái thiện tâm đến thời rộ nở. Thấp thoáng đâu đó, Quách Vĩnh Thiện dốc lòng bên phím đàn là Quách Vĩnh Thiện thời thơ ấu khổ công hoàn tất chiếc xe đạp. Một Quách Vĩnh Thiện nuôi dưỡng tâm bằng “Có – Không” thời trẻ cũng là Quách Vĩnh Thiện hôm nay đã cố gắng chuyên chở, nhắc nhở cho chính ông và cho mọi người về “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”*.



Hôm nay, lúc 2 giờ chiều ngày 28 tháng 9 năm 2013, trong Đền Thờ Quốc Tổ, có sự đồng cảm, đồng tâm họp lực của số đông người đến tham dự. Điều vinh dự là sự có mặt các vị đại diện Cộng Đồng Úc Châu ở
Melbourne. Ngoài sự hiện diện của một số ca sĩ cộng tác cho chương trình thêm phần linh động, ông Kiều Tiến Dũng, một người tuổi đời khá trẻ, so với số tuổi ra đời của tác phẩm, nhưng ông luận về Kiều qua cái nhìn của một nhà Toán học, thật sâu sắc và khi ông nối kết câu thứ nhất với câu thứ 3254 của cụ Nguyễn Du, khiến người nghe cảm phục và đáng suy ngẫm. Chắc rằng, những người có mặt trong buổi chiều nay, sẽ là người cùng đồng hành với Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện trong việc gìn giữ, chuyên chở, phổ biến di sản thêm sâu rộng và xa hơn nữa. May mắn thay, những hình ảnh ngày đáng nhớ này, đã được một nhiếp ảnh thiện lương Bùi Quốc Hùng ghi lại. Một người làm việc bằng trái tim nhân ái, anh đến và đi trong âm thầm, nhưng đã để lại những hình ảnh quý báu, cho đến muôn đời sau.


Trong khung cảnh trang nghiêm, với bài vị, hình ảnh tiền nhân, anh hùng tử sĩ, những vị quá cố có công lao đóng góp, hương trầm nghi ngút, ánh nến lung linh. Một cảm giác chợt đến… hồn thiêng như đã hòa vào, quyện lấy dòng nhạc và mối thương tâm không kềm chế… dòng lệ chợt rơi… Dòng lệ của người tha hương đang sống trên đất khách.


Quách Vĩnh Thiện người gìn giữ kho tàng văn học, di sản của nhân loại qua dòng nhạc và chắc chắn rằng, hôm nay sẽ có nhiều người ở thế hệ này và thế hệ mai sau sẽ tiếp tục thừa kế di sản của ông, hầu đóng góp vào sự mất còn của nước Việt bằng thiện tâm. Và tôi tự hỏi, những người đã khóc cho thân phận một nàng Kiều của mấy trăm năm trước, có biết ở thời đại này, còn bao nhiêu nàng Kiều vẫn còn lưu lạc xa xứ, để báo đáp công ơn nuôi dưỡng của mẹ cha. Hãy đặt mình vào cương vị nàng Kiều, để biết khóc cười trước vận nước nổi trôi, không trách mệnh trời, tiếp tay với Quách Vĩnh Thiện và làm một điều gì đó trong việc gìn giữ Tiếng Ta và Nước Ta vậy

Kim Phượng
Úc Châu 28.9.2013


* Thơ của Đại Thi Hào Nguyễn Du

Các sáng tác khác của Hồn Trẻ 20


Bùi Viên Mỵ
Núi này núi nọ

anh ngủ núi này mơ núi nọ
mơ chỗ căng tròn chỗ trũng êm 
chỗ Secret của cô người mẫu
gọi là che mà để hớ hênh.

Bùi Viên Mỵ 


















Nguồn: Tác giả gửi

Thơ của các tác giả Hồn Trẻ 20


VŨ NGỌC ĐỨC

Ngựa ca

Thưa em ngựa đã xa bầy
Với tên tuổi lạ tháng ngày héo hon
Trận đời in dấu ngựa bon
Còn thương đứt ruột dáng đoan trang hiền

Thưa em ngựa vẫn ưu phiền
Đêm khuya nằm mộng những nghiền ngẫm thân
Bóng thời gian hắt hiu dần
Bỏ sau lưng đó phiên thần thoại ca

Thưa em giờ ngựa đã già
Phận điêu tàn cũng làm quà tặng em. 

Vũ Ngọc Đức  

(Trích trong "Tác giả tác phẩm - Người Đồng Hành Quanh Tôi", tập V, của NGÔ NGUYÊN NGHIỄM, nxb Thanh Niên 2013)

Thursday 10 October 2013

Hồn Trẻ 20 và bạn hữu

Lại gặp gỡ tại Sóc Trăng

Tháng này, thi sĩ Lý Thừa Nghiệp từ Úc đang về thăm nhà.

3 thi sĩ Hồn trẻ 20 gồm Lý Thừa Nghiệp, Lệ Lệ, Phù Sa Lôc đã có dịp gặp nhau một bữa tại quán cà-phê Ti Gon (Sóc Trăng) hôm 5 tháng 10-2013.

(Ảnh do Phù Sa Lộc chụp).


Các tác giả thuở Hồn Trẻ 20

THỦ BÚT VŨ NGỌC ĐỨC

Anh em Hồn Trẻ 20 vừa tìm lại được bản chép tay một bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt của Vũ Ngọc Đức (tên thật Trương Đức), người sáng lập nhóm Hồn Trẻ 20.

Bài thơ đã đăng trên tạp chí Văn (nhà xuất bản Nguyễn Đình Vượng) tại Sài-gòn trước 1975.


Sunday 6 October 2013

Những bài viết khác

CHẾ LAN VIÊN 

3 bài thơ được công bố muộn màng,
in trong tập 
DI CẢO CỦA CHẾ LAN VIÊN

AI TÔI?

Mậu Thân, 2000 người xuống đồng bằng
Chỉ một đêm còn sống sót có 30
Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2000 người đó?
Tôi !
Tôi - người viết những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình
trong mọi lúc xung phong
Một trong 30 người khi ở mặt trận
về sau mười năm
Ngồi bán quần trên đường nuôi đàn con nhỏ
Quán treo huân chương đầy mọi chỗ
Chả Huân chương nào nuôi được người lính cũ!
Ai chịu trách nhiệm vậy?
Lại chính tôi!
Người lính cần một câu thơ giải đáp về đời
Tôi ú ớ!
Người ấy nhắc những câu thơ tôi làm
Mà tôi xấu hổ!
Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay
giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ
Giữa buồn tủi chua cay
Tôi có thể cười!...

1987. (Di cảo của Chế Lan Viên)


BÁNH VẼ!

Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ
Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn
Cầm lên nhấm nháp
Chả là nếu anh từ chối
Chúng sẽ bảo anh phá rối
Đêm vui!
Bảo anh không còn có khả năng nhai
Và đưa anh từ nay ra khỏi tiệc...
Thế thì còn đâu dịp nhai thứ thiệt?
Rốt cuộc anh lại ngồi vào bàn
Như không có gì sảy ra hết
Và những người khác thấy anh ngồi,
Họ cũng ngồi thôi
Nhai ngồm ngoàm...

(Rút trong tập Văn học và Dư luận,

NXB Trẻ TP HCM - Di cảo của Chế Lan Viên)


TRỪ ĐI!

Sau này anh đọc thơ tôi nên nhớ
Có phải tôi viết đâu ? Một nửa
Cái cần viết vào thơ, tôi đã giết đi rồi!
Giết một tiếng đau, giết một tiếng cười,
Giết một kỷ niệm, giết một ước mơ.
Tôi giết cái cánh sắp bay...
trước khi tôi viết
Tôi giết bão táp ngoài khơi
cho được yên ổn trên bờ
Và giết luôn mặt trời lên trên biển.
Giết mưa và giết luôn cả cỏ
mọc trong mưa luôn thể
Cho nên câu thơ tôi gầy còm như thế
Tôi viết bằng xương thôi,
không có thịt của mình.
Và thơ này rơi đến tay anh
Anh bảo đấy là tôi?
Không phải!
Nhưng cũng chính là tôi - người có lỗi!
Đã giết đi bao nhiêu cái
Có khi không có tội như mình!

(Rút trong tập Di cảo (4) của Chế Lan Viên)


Berlin 27.9.2007 – 8.2013
LXQ

Tuesday 1 October 2013

Hồn Trẻ 20 và bạn hữu


NGUYỄN NGỌC NGẠN

Nghĩ về một chuyến đi

Cách đây 18 năm, đầu mùa hè 1995, tôi đang thu hình tại Paris thì có người đến khách sạn mời tôi và Kỳ Duyên qua Moscow trình diễn. Lúc ấy tình hình bên Nga còn phức tạp mà cô Kỳ Duyên thì đang mang thai đứa con đầu lòng nên chúng tôi từ chối. Từ đó thỉnh thoảng vẫn có người rủ đi Nga, nhưng cả Kỳ Duyên lẫn tôi đều ngần ngại.
Năm nay, 2013, một người bầu show trẻ tuổi ở Moscow có ý định tổ chức một show lớn, tôi thấy mình tuổi đã cao sợ rằng sức khỏe nay mai suy yếu không đi được nữa, nên tôi nhận lời, nhất là cùng đi với tôi có đến gần 10 nghệ sĩ. Trong thâm sâu, tôi muốn viếng thăm Mạc Tư Khoa một chuyến để gặp gỡ khán giả đồng hương bên ấy, tìm hiểu và cảm thông cuộc sống của họ, giống như tôi đã từng đi diễn tại hầu hết các nước Cộng Sản cũ, nay đã đứng vào khối tư bản như Ba Lan, Tiệp Khắc, Slovaskia, Đông Đức và Hung Gia Lợi.
Tuy chưa gặp nhau lần nào, nhưng qua điện thoại, tôi thấy bầu show Nguyễn Huy Hoàng từ Moscow, nói chuyện với tôi chẳng những rất lịch sự mà đúng ra phải nói là rất lễ phép! Hoàng cho biết sẽ có 6,000 khán giả và chắc chắn vé sẽ sold out bởi chúng tôi qua lần đầu. Hoàng mời cả bà xã tôi cùng đi và anh ta thúc giục tôi mua vé business class (chữ Hoàng dùng là vé VIP) Hoàng sẽ trả hết mọi chi phí cho vợ chồng tôi. Hoàng còn bảo:
- Chú tuổi già sức yếu, nếu cần đem theo một bác sĩ thì cháu cũng đài thọ tất!
Lần đầu tiên có một bầu show nói chuyện với tôi mà cứ nhắc đi nhắc lại mãi là “Chú tuổi già sức yếu” làm tôi cũng chợt thấy mình cũng già yếu thật! Mỗi năm tôi đi Úc tối thiểu một lần. Bay Air Canada mất khoảng 23 tiếng từ Toronto sang Sydney. Hành trình đi Moscow chưa tới 12 tiếng, đâu đến nỗi mệt mỏi lắm!
Rồi Hoàng gửi deposit cho tôi 10,000 đô, nhờ một người quen từ Montreal chuyển giúp. Sở dĩ tôi nhắc con số này là để nhấn mạnh một điểm: Hoàng phải chắc chắn lắm về sự thành công của show này, nên mới deposit nhiều như thế. Chứ bình thường bầu show chỉ đặt cọc 1,000 thôi. Hoàng nói:
- Show diễn là ngày thứ bảy 28 tháng 9. Nhưng cô chú nên sang trước mấy hôm để cháu mời cô chú đi tham quan nước Nga. Đồng bào bên này ai cũng mong gặp chú vì bao nhiêu năm nay chỉ nhìn thấy chú trên màn hình…
Hôm sau Hoàng lại phone cho tôi và bảo:
- Lần đầu tiên chú sang Nga, chú nên đem theo một số sản phẩm như băng đĩa, vì ai cũng muốn mua làm kỷ niệm, nhất là có chữ ký của chú và được chụp ảnh với chú!
Hơn 20 năm đi lưu diễn, ít khi tôi bận tâm bán hàng! Lý do chính là lười! Chỉ riêng ở Đại Hội Thánh Mẫu thì tôi luôn luôn ngồi ký băng suốt cả ngày, nhưng đó là bán dùm cho Trung Tâm Thúy Nga chứ không phải của mình. Chỉ có cách đây 2 năm, khi mới phát hành cuốn sách Kỷ Niệm Sân Khấu thì tôi có đem đi một vài show. Nhưng sách nặng quá, tối đa một lần khuân theo được 30 cuốn là cùng và số lượng ít ỏi ấy, có khi chỉ 10 phút đã hết!
Chuyến này đi Nga, do lời đề nghị của Hoàng, tôi muốn có một sản phẩm mới để phát hành bên ấy. Nhớ lại hồi tháng 8 ở Đại Hội Thánh Mẫu, khá đông khán thính giả gặp tôi, cứ yêu cầu tôi thực hiện một băng audio book toàn chuyện cười để họ lái xe xa, nghe cho vui và đỡ buồn ngủ, Tôi bảo:
- Một cuốn audio book trung bình dài 2 tiếng. Lấy đâu ra chuyện cười mà nhét cho đầy 2 tiếng đồng hồ?
Một khán giả bảo tôi:
- Đâu cần phải toàn chuyện mới! Chuyện cũ kể lại cũng vẫn hay. Trên TV hằng ngày, người ta vẫn chiếu đi chiếu lại những show comedy cũ như Seinfeld, Three’s Company, Married With Children, mà vẫn có người coi!
Tôi nghe cũng thấy xuôi tai, thành ra nhân dịp chuẩn bị đi Nga, tôi gọi cho Kỳ Duyên và hẹn ngày gặp nhau tại phòng thu của Thúy Nga để hai người kể jokes thu vào CD.
Kỳ Duyên tiết lộ ý định này cho cô Tô Ngọc Thủy và Huỳnh Thi. Cô Thủy liền gọi cho tôi và hăng hái nói:
- Thu chuyện cười thành audio book uổng lắm chú ơi! Con đề nghị thu hình, phát hành thành DVD!
Thế là từ lúc Thúy Nga quyết định cho tới buổi trình diễn thực thu hình chỉ có 12 ngày. Tôi mời thêm 3 ca sĩ phụ diễn là Tuấn Ngọc, Quang Lê và Hương Thủy bởi cả ba người này ngoài tài ca hát còn kể chuyện vui rất có duyên.
Cũng may là vé bán rất nhanh, khán giả đến đầy rạp và cuốn DVD hoàn tất kịp thời để Kỳ Duyên và tôi đem đi Nga. Đó là cuốn DVD mang tên CHUYỆN CƯỜI PARIS BY NIGHT sẽ phát hành vào ngày 26 tháng 9/2013.
Khác với đại đa số các quốc gia Âu châu, giờ này Nga vẫn đòi du khách đến thăm phải có Visa. Những thủ tục rườm rà, những câu hỏi lý lịch của thời còn Liên Xô, bây giờ chế độ đã thay đổi rồi nhưng họ không cập nhật, vẫn cứ cật vấn đủ thứ, dường như sợ mình sẽ trốn để ở lại nước Nga! Họ đòi giữ passport ít nhất 2 tuần. Với người khác thì không sao, nhưng với tôi thì trở ngại lắm bởi tuần nào tôi cũng cần passport để đi Mỹ trình diễn. Rất may, chị Khánh Hoài ở Montreal, chủ nhân một travel agency lâu năm, chỉ cho tôi một văn phòng chuyên lo visa khẩn cấp đi Nga. Tôi tìm đến gặp họ thì lại vướng một trắc trở khác: Passport của tôi tuy còn 2 năm nữa mới hết hạn, nhưng vì đóng dấu nhiều quá, chỉ còn 2 trang trống. Mà tòa đại sứ Nga đòi phải có 2 trang trống sát bên nhau mới được cấp visa! Tôi lại phải chạy về xin đổi passport mới, loại express, được cấp trong 3 ngày. Sau đó trở lại xin visa express của Nga tốn khoảng 350 đô một người.
Khi tôi thông báo cho bầu show bên Moscow biết tôi đã có đầy đủ vé máy bay và visa để họ biết ngày giờ ra đón tôi tại phi trường Domodedovo thì cũng là lúc Hoàng buồn rầu cho tôi biết Tòa Đại Sứ Việt Nam ở Moscow yêu cầu Ban Tổ Chức hủy bỏ buổi trình diễn của tôi, một mình tôi thôi!
Lúc Hoàng báo tin đó, tôi không cảm thấy ngạc nhiên lắm bởi chuyện đó đã từng xảy ra nhiều lần. Ở Ba Lan, ở Tiệp Khắc, khi quảng cáo tên tôi lần đầu, sứ quán Việt Nam đều gọi bầu show lên năm lần bảy lượt và lần nào cũng yêu cầu bỏ tôi ra khỏi thành phần nghệ sĩ:
- Ca sĩ thì còn duyệt bài trước được, chứ dẫn chương trình (MC) thì biết ông ấy nói cái gì mà dám đưa lên sân khấu!
Ở đâu sứ quán cũng nói câu đó với bầu show và yêu cầu cancel tôi. Nhưng bầu show khéo thu xếp cách này hay cách khác, cho nên cuối cùng tôi đều trình diễn được ở Ba Lan, Tiệp Khắc, Đông Đức, Hung Gia Lợi và Slovaskia là những nước xã hội chủ nghĩa cũ. Dĩ nhiên người Việt ở những quốc gia này, tuy không còn nằm trong khối Cộng sản nữa, nhưng áp lực của các tòa Đại Sứ hoặc Lãnh Sự vẫn chi phối họ rất mạnh mẽ bởi gia đình và thân nhân họ đều còn ở Việt Nam. Họ sợ bị sự trù dập hoặc khi cần xin xỏ điều gì thì sẽ gặp khó khăn nên họ vẫn vâng lệnh chính quyền Việt Nam. Cụ thể là muốn tổ chức show ca nhạc mời toàn nghệ sĩ từ Mỹ qua, chắc chắn bầu show phải hỏi ý kiến Tòa Đại Sứ trước và hứa hẹn bao nhiêu vé mời cho các quan chức và nhân viên của tòa Đại Sứ hoặc Lãnh Sự.
Lần này ở Nga tôi cũng tưởng sẽ giống như mấy nước kia, nghĩa là rồi mọi chuyện cũng xong. Nhưng hóa ra không xong! Chẳng phải Tòa Đại Sứ Việt Nam ở Nga cứng rắn, bởi nếu họ cứng rắn, dứt khoát không cho tôi qua ngay từ đầu thì Hoàng đã không gửi cho tôi 10,000 đô! Ban Tổ Chức gửi trước cho tôi số tiền ấy có nghĩa là đã có được sự đồng thuận hoặc ít ra là không phản đối của Tòa Đại Sứ.
Cũng chẳng phải lúc đầu Tòa Đại Sứ chấp thuận rồi phút chót đổi ý. Hoàng cho tôi biết, đây là chỉ thị từ trong nước: Chính quyền bên Việt Nam dứt khoát ép buộc phải bỏ tôi trong show đó!
Tôi nhớ mới cách đây hơn 3 tháng, anh Nguyễn Sĩ, chủ nhiệm tờ Sàigòn Nhỏ ở Minnesota, cũng là một bầu show chuyên nghiệp lâu năm, có ý định tổ chức một show ca nhạc tại Bangkok vào mùa Hè 2013. Show ở Thái Lan tất nhiên nhắm vào khán giả ở Việt Nam, đặc biệt là Sàigòn. Dân Sàigòn bây giờ qua Thái Lan nườm nượp vì không cần visa. Như vậy thì Nguyễn Sĩ phải quảng cáo tại Việt Nam. Nhưng khi anh nhờ người quen bên Sàigòn đăng báo quảng cáo thì không một tờ báo nào dám nhận vì trong poster có tôi. Tờ nào cũng bảo:
- Bỏ ông Ngạn ra thì chúng tôi mới dám đăng!
Cuối cùng Sĩ hủy show không làm nữa vì thấy quá phức tạp. Tôi nhớ nhạc sĩ Thanh Sơn khi mới từ trong nước ra, gặp tôi, kể cho tôi nghe những tiếp xúc thường nhật với các giới chức cao cấp trong nước và kết luận:
- Thời buổi này khi không còn súng đạn nữa thì họ sợ những tiếng nói có tầm ảnh hưởng đối với quần chúng!
Bầu show trong nước nhiều lần mời tôi về, qua điện thoại, qua trung gian những người ở bên này, và nhất là gặp tôi trực tiếp cách đây 2 năm khi tôi trình diễn ở Campuchia. Tôi nghĩ, giả như tôi nhận lời về trình diễn trong nước thì chính quyền lại không ngại, bởi nếu tôi nói điều gì trái ý thì họ có thể bắt giữ ngay. Còn tôi trình diễn ở các nước khác như Nga, như Thái Lan thì họ phải ngăn cản, bởi ở các quốc gia ấy, dù tôi có nói gì đi chăng nữa thì họ cũng đâu có quyền bắt tôi, cho nên thà họ chặn trước cho chắc ăn!
Tôi ít khi nói những lời chính trị mạnh mẽ trên sân khấu. Khi cần, dĩ nhiên tôi vẫn nói nhưng luôn luôn cố gắng ngắn gọn và đơn giản, vì ngắn gọn và đơn giản thì người ta mới dễ nhớ. Chẳng hạn năm ngoái, 2012, khi giới thiệu Quốc Khanh và Đan Nguyên hát bài Anh Là AiViệt Nam Tôi Đâu của Việt Khang ở Melbourne, Sydney, Paris và Na Uy, tôi nói:
“Dù nhìn từ bất cứ góc độ nào, người ta cũng phải thấy rằng, nhân quyền là quyền tự nhiên của mỗi người chứ không phải là ân huệ mà nhà nước ban phát”!
Lời giới thiệu này của tôi, khi có người bỏ lên internet, tất nhiên chính quyền trong nước không vui chút nào. Đó có lẽ cũng thêm một lý do mà họ ngăn cản tôi trình diễn bên Nga năm nay.

Nguyễn Ngọc Ngạn

25 tháng 9/2013