Sunday 22 February 2015

Thơ của các tác giả Hồn Trẻ 20













Lý Thừa Nghiệp
HÁI MÙA XUÂN
 
Ai hái mùa xuân thả thênh thang
bên đồi rực rỡ những hoa vàng
trời bát ngát hương thời xa lắc
trong mắt em xanh cả nỗi mừng

Ta chép tặng người dăm trang kinh
trí tuệ nghìn năm sáng lung linh
Ai như một bóng chim cô độc
từ mùa xuân trươc - chứng vô thinh

Ai vẽ mà xanh cả sơn hà
màu hoa bỗng nở ở quanh ta
trong cõi xuân sang trùng điệp đó
thổn thức làm sao tiếng Di-Đà

Ta hái mùa xuân thả trên sông
mai kia ra biển với muôn trùng
tịnh yên hóa hiện trời xanh biếc
nghìn kiếp nào trôi suốt bổn tâm.

Lý Thừa Nghiệp
Melbourne 99

Nguồn: Tạp chí Tự Do (Toronto) số 131, tháng 1-2000

Saturday 21 February 2015

Những bài viết khác của Hồn Trẻ 20

DẤU CHÂN NGƯỜI TỊ NẠN VIỆT NAM ĐẾN CANADA trong cuộc HÀNH TRÌNH TÌM TỰ DO

Nguyên Nghĩa

Tôi muốn phổ biến lại các ảnh chụp những bài báo dưới đây, để mọi người cùng nhớ lại rằng 20 năm trước đây, 1995, chính phủ Cộng Sản Việt Nam đã từng giận dữ phản đối chính phủ Canada và hủy bỏ một chuyến viếng thăm đã dự trù của phái đoàn thương mãi Canada sang Việt Nam, vì khi đó thành phố Ottawa – cũng là thủ đô của Canada – hỗ trợ cho cộng đồng người Việt tị nạn tại Canada xây dựng Đài Kỷ Niệm (Thuyền Nhân) Việt Nam ở góc đường Preston và Somerset.





Đài Kỷ Niệm Việt Nam nói trên đã được khánh thành tại Ottawa đúng vào ngày 30 tháng 4 năm 1995, đánh dấu 20 năm người Việt bỏ nước ra đi tìm tự do.

Và giờ đây, năm 2015 đánh dấu 40 năm người Việt bỏ nước ra đi tìm tự do. Tại Canada, một Dự Luật do Thượng nghị sĩ Ngô Thanh Hải đệ trình, là Dự Luật S-219 “Ngày Hành Trình Tìm Tự Do” (Bill S-219, “Journey to Freedom Day”) đang được Hạ nghị viện bàn thảo. Nếu mọi việc suôn sẻ thì sắp tới đây, Dự Luật S-219 sẽ được Quốc Hội Canada thông qua và trở thành Luật.

Lần này, chính phủ Cộng Sản Việt Nam lại càng phản đối với chính phủ Canada mạnh mẽ hơn 20 năm trước.

Chắc hẳn nhiều người đã nghe bàn tán chung quanh Dự Luật S-219, “Ngày Hành Trình Tìm Tự Do” này. Có một số đồng bào tị nạn, nhất là ở các quốc gia khác, vốn không rõ về những đặc điểm, truyền thống đa văn hóa của Canada và sinh hoạt của người Việt tị nạn tại Canada, cho nên thắc mắc rằng tại sao Dự Luật không đề nghị ngày 30 tháng 4 là “Ngày Quốc Hận” hoặc “Tháng Tư Đen” mà lại là “Ngày Hành Trình Tìm Tự Do”… 

Tôi xin phép mở dấu ngoặc nơi đây. Cá nhân tôi thường giải thích một cách đơn giản với bạn bè về tên tiếng Việt của “Journey to Freedom Day” là Ngày Bỏ Nước Ra Đi Tìm Tự Do. Nghe tôi nói như thế, bạn bè tôi đều đồng ý. Như vậy, nếu ngày 30 tháng 4 được Luật Canada xác định là “Journey to Freedom Day”, thì đây chính là để tưởng nhớ ngày mà khoảng một triệu người Việt Nam bắt đầu Bỏ Nước Ra Đi Tìm Tự Do và trong số đó có khoảng 250,000 người bỏ mình trên biển cả, và hàng trăm ngàn người Việt đã đến được miền đất lành Canada.
  
Nội dung chi tiết trong Dự Luật S-219 “Journey to Freedom Day” này có giải thích rõ ràng nguyên do nào đã đưa tới cuộc “Hành Trình Tìm Tự Do”. Tôi xin trích dẫn một đoạn trong Dự Luật như sau:

Xét rằng Quân Lực Canada đã từng tham dự Cuộc Chiến Việt Nam qua vai trò giám sát viên và yểm trợ việc thực thi Hiệp định Hòa bình Paris 1973 cho mục tiêu chấm dứt chiến tranh và thiết lập hòa bình;

Xét rằng ngày 30 tháng 4 năm 1975, bất chấp Hiệp định Hòa bình Paris, Lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam và Mặt trận Giải phóng Miền Nam đã xâm chiếm Miền Nam (VNCH), dẫn tới sự sụp đổ của Sài Gòn, kết thúc chiến tranh Việt Nam và thành lập Chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam;

Xét rằng Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc đã báo cáo là do những sự kiện trên cùng với điều kiện sống tồi tệ và vi phạm nhân quyền ở Việt Nam đã đưa đến cuộc di cư của khoảng 840,000 người Việt Nam, những người lúc bấy giờ thường được gọi là “thuyền nhân Việt Nam”, đổ xô đến các quốc gia láng giềng trong những năm tiếp sau đó;

Xét rằng Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc đã báo cáo trong cuộc di cư có ít nhất 250,000 thuyền nhân Việt Nam thiệt mạng vì chết đuối, bệnh tật, đói khát hay bị hải tặc bắt cóc bạo hành;

Xét rằng qua chương trình bảo trợ người tị nạn ở Canada, trợ lực bởi những gia đình công dân, tổ chức từ thiện, hội đoàn tôn giáo và các tổ chức phi chính phủ, Canada đã đón nhận hơn 60,000 người tị nạn Việt Nam, ước tính gồm 34,000 người do tư nhân bảo trợ và 26,000 người do chính phủ Canada bảo trợ;

Xét rằng nghĩa cử cao đẹp của người dân Canada dành cho người tị nạn Việt Nam đã được Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc ghi nhận và trao Giải thưởng Tị nạn Nansen cho “Công dân Canada” năm 1986;

Và xét rằng ngày 30 tháng 4 được nhiều thành viên của cộng đồng người Việt ở Canada quen gọi là “Ngày Tháng Tư Đen”, hoặc một cách khác, là “Ngày Hành Trình Tìm Tự Do”, thì đây quả là một ngày thích đáng dành riêng để ghi nhớ và tưởng niệm những người đã chết, những trải nghiệm khổ đau trong cuộc di cư, sự đón nhận người tị nạn Việt Nam vào Canada, lòng biết ơn của người Việt đối với công dân và chính phủ Canada đã đón nhận họ, và những đóng góp của người dân Canada gốc Việt cho đất nước - mà con số bây giờ lên đến khoảng 300,000 người;

Do đó, thưa Nữ Hoàng, bằng với khuyến cáo và đồng thuận của Thượng Nghị Viện và Hạ Nghị Viện Canada, xin ban hành như sau:

TIÊU ĐỀ TÓM GỌN
1. Đạo luật này có thể được gọi là Ngày Hành Trình Tìm Tự Do (Journey to Freedom Day Act).
NGÀY HÀNH TRÌNH TÌM TỰ DO
2. Trên toàn quốc Canada, mỗi năm, ngày 30 tháng 4 sẽ được gọi là “Ngày Hành Trình Tìm Tự Do”.
3. Cần xác quyết, Ngày Hành Trình Tìm Tự Do không phải là một ngày nghỉ lễ chính thức của quốc gia qui định.
Thượng viện Canada ban hành.

(Nguyễn Thanh Hoàng chuyển ngữ)

Khi biết rõ chi tiết nội dung của Dự Luật S-219, hẳn mọi người đều hiểu tại sao chính phủ Cộng Sản Việt Nam lên tiếng phản đối dữ dội về Dự Luật nói trên.

Đồng bào Việt Nam tị nạn vốn quen gọi ngày 30 tháng 4 là “Ngày Quốc Hận”, hoặc gọi tháng 4 đó là “Tháng Tư Đen”. Lâu dần, cách gọi đó được mặc nhiên công nhận. Cá nhân tôi cũng mặc nhiên công nhận cách gọi đó như mọi người, nhưng thật tình mà nói thì cho tới nay chưa có một văn kiện pháp lý chính thức của quốc gia nào minh định ngày 30 tháng 4 là một ngày lễ tưởng niệm của quốc gia họ, mặc dù tại nhiều quốc gia có hàng trăm ngàn người Việt tị nạn sinh sống và lá phiếu, tiếng nói của họ rất quan trọng. Riêng Canada là quốc gia đầu tiên cho dựng Đài Kỷ Niệm (Thuyền Nhân) Việt Nam tại thủ đô Ottawa đúng vào ngày 30 tháng 4 năm 1995, tức là cách đây 20 năm. Có thể nói, Canada là quốc gia đầu tiên ghi dấu bước chân thuyền nhân Việt Nam vào lịch sử đất nước này.

Bà Marion Dewar - cố Thị trưởng Ottawa – từng là một trong những người sáng lập “Project 4000”, nhằm mục đích vận động chính phủ Canada thu nhận vào đất nước này đợt đầu tiên 4000 thuyền nhân Việt Nam. Nguyên do khiến các thuyền nhân Việt Nam phải bỏ nước ra đi tìm tự do chính là vì họ mất tự do, sau khi Cộng Sản chiếm Việt Nam Cộng Hòa ngày 30 tháng 4 năm 1975. Như vậy, “Cuộc Hành Trình Tìm Tự Do” chính là cái hậu quả của “Ngày Quốc Hận” trong “Tháng Tư Đen” ấy.

Giờ đây có khoảng 300,000 đồng bào Việt Nam sinh sống tại Canada. Đó là một con số rất lớn, do đó sự thành công của họ cũng rất đáng kể, sự đóng góp của họ cho đất nước Canada không phải là nhỏ. Ngược lại, ngoài việc Canada là một đất nước giàu lòng nhân đạo thu nhận số người Việt nói trên vào đây, Canada cũng tỏ ra tri ân các đóng góp (đặc biệt là về văn hóa) của những người dân có xuất xứ từ các quốc gia khác trên thế giới. Do đó, nếu Quốc Hội Canada bỏ phiếu chấp thuận Dự Luật “Ngày Hành Trình Tìm Tự Do” thì cũng là điều hợp lý, vì mốc thời gian 30 tháng 4 đó có liên quan trực tiếp đến lịch sử Canada.

Tôi xin trích dẫn lời của Dân biểu Mark Adler đã phát biểu tại Hạ viện hôm 5 tháng 2 năm 2015 vừa qua:

“…Ngày 30 tháng Tư năm 1975, chiến tranh Việt Nam kết thúc. Sài-Gòn, thủ đô của miền Nam Việt Nam, rơi vào tay đoàn quân xâm lược Cộng Sản phía Bắc, nhưng câu chuyện không chấm dứt ở đó. 30 tháng 4 năm 1975 là ngày bắt đầu một chương mới trong đời sống của người dân miền Nam Việt Nam.” […]

“Dự luật này là biểu tượng của một truyền thống lâu đời của Canada như một ngọn hải đăng của tự do và dân chủ, một quốc gia đã hào hiệp đón nhận những người tị nạn, những người vô tội buộc lòng phải rời bỏ quê hương.” […] (Trà Mi dịch)

Cũng ngày hôm đó tại Hạ nghị viện, Dân biểu Bob Dechert đã phát biểu như sau:

“Tôi rất cảm kích có được cơ hội để lên tiếng ủng hộ dự luật quan trọng này. Như tôi đã đề cập, nó công nhận có những người đã thiệt mạng và những đau khổ mà họ đã phải trải qua trong cuộc di cư của người Việt Nam sau khi kết thúc chiến tranh Việt Nam vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, ngày mà Sài-Gòn rơi vào tay Cộng Sản. Đó là một cuộc chiến, như chúng ta đều biết, hoành hành trong hơn 10 năm. Một cuộc chiến đẫm máu và bạo lực, và cuộc sống của người dân đã bị xé nát. Nó đã làm mất đi quá nhiều sinh linh vô tội.
Đó không phải là một ngày kỷ niệm hạnh phúc, nhưng đó là một ngày mà chúng ta phải nhớ. Chúng ta phải nhớ những sự kiện lịch sử và cần biết những sự kiện đó đã ảnh hưởng thế nào đến mọi người trên khắp thế giới, đặc biệt là những người ở Canada.

Canada đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ hàng chục ngàn người tị nạn sau khi Sài-Gòn sụp đổ, theo Ủy ban Liên Hiệp Quốc về người tị nạn, có hơn 1,5 triệu người Việt Nam bị buộc phải trốn khỏi quê hương của họ dưới sự đe dọa của một cuộc sống bi đát, và một điều cần được lưu ý là sự vi phạm nhân quyền tràn lan ở đó.” (Trà Mi dịch)

Một vị khác là Dân biểu Kevin Lamoureux cũng đã phát biểu rằng:

“Công nhận Ngày Hành Trình Tìm Tự Do, với chúng ta là việc quan trọng, nó đánh dấu một ngày trọng đại đối với lịch sử chung của cộng đồng người Việt Nam trên khắp thế giới. Nó ghi nhận sự kiện Sài-Gòn sụp đổ vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, sự chiếm lãnh miền Nam Việt Nam của Bắc quân, và việc thành lập chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, đồng thời là điểm bắt đầu của cuộc di cư hàng loạt của hàng triệu người dân Việt Nam rời bỏ quê hương của họ.” (Trà Mi dịch)

Dự Luật “Ngày Hành Trình Tìm Tự Do” lại càng có ý nghĩa hơn khi mà 30 tháng 4 năm nay, 2015 đánh dấu 40 năm Cộng Sản xâm chiếm Việt Nam Cộng Hòa và từ đó, khiến cho khoảng một triệu người phải liều mình vượt biển, Bỏ Nước Ra Đi Tìm Tự Do.

Hãy thử đặt câu hỏi, suốt mấy chục năm chiến tranh dai dẳng, tại sao người Việt Nam không bỏ nước ra đi để lánh nạn? Tại sao khi Cộng Sản “thống nhất” đất nước mà người dân phải liều mình bỏ nước ra đi và có cả triệu người Bỏ Nước Ra Đi Tìm Tự Do, chứ không phải chỉ một số ít người? Hỏi tức là đã trả lời.

Bất cứ lời giải thích nào của chính phủ Cộng Sản Việt Nam cũng không thể bào chữa cho sự tàn bạo mà họ đã hành xử với dân chúng sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, chẳng hạn: bỏ tù hàng triệu cựu quân nhân, cảnh sát, cán bộ, công chức và cả thường dân; cướp đoạt tài sản của người dân; đuổi nhà, đuổi việc, đuổi học các thân nhân của những người từng phục vụ cho Việt Nam Cộng Hòa, v.v… Ngay cả bây giờ, đã 40 năm sau ngày chiếm được Việt Nam Cộng Hòa, đảng và nhà nước Cộng Sản Việt Nam vẫn tiếp tục hành xử tàn bạo với dân chúng, những người đòi hỏi dân chủ, những người nói rằng bất tín nhiệm đảng, những Bloggers vạch trần các tội ác của chế độ Cộng Sản Việt Nam… và cả những cựu đảng viên Cộng Sản Việt Nam dứt khoát từ bỏ đảng. 
   
Hiện thời, Dự Luật S-219 “Ngày Hành Trình Tìm Tự Do” do Thượng nghị sĩ Ngô Thanh Hải đệ trình đã được Thượng nghị viện thông qua, và đang được mang ra tranh luận tại Hạ nghị viện. Thiết nghĩ, người Việt Nam tị nạn nên coi đây là vinh dự, là cơ hội ngàn năm một thuở, vì Canada là quốc gia đầu tiên công nhận ngày 30 tháng 4 là một ngày lễ (tuy không thuộc vào những ngày lễ nghỉ làm được trả lương) và ghi dấu ngày 30 tháng 4 vào lịch sử của quốc gia này.

20 năm trước đây (30 tháng 4 năm 1995) việc dựng Đài Kỷ Niệm Việt Nam tại Ottawa là một cú “bẽ mặt” cho Cộng Sản Việt Nam, thì bây giờ 20 năm sau, khi Dự Luật S-219 được Quốc Hội Canada chấp thuận, trở thành Luật, thì đảng và nhà nước Cộng Sản Việt Nam càng ê chề hơn, càng khó trả lời trước thế giới và trước lịch sử, vì vậy họ cố sức đả phá, phản đối Canada, là điều dĩ nhiên!

Tôi tin rằng, chính phủ Cộng Sản Việt Nam càng phản đối, càng ngụy biện thì càng lộ rõ thêm sự ê chề, bởi lẽ chủ đích của Dự Luật S-219, “Ngày Hành Trình Tìm Tự Do” nhằm đánh dấu 40 năm người tị nạn Việt Nam chạy trốn chế độ Cộng Sản và đặt chân đến được đất nước tự do Canada này.

Nguyên Nghĩa
14/02/2015

Nguồn: Tác giả gửi

Thursday 19 February 2015

Thơ của các tác giả Hồn Trẻ 20

PHÙ SA LỘC

Tiễn bạn về Australia

           * Tặng Lý Thừa Nghiệp

Bạn về nơi ấy xa xăm
Còn ta đứng với mảnh rằm trăng treo
Một mình buồn tẻo buồn teo
Như thân con nhện gieo neo trần nhà
Kiếp đời lận đận phong ba
Buồn như gió rét thổi qua không ngừng
Ta dặn ta đừng buồn
Mà sao nước mắt lưng tròng lại đươm
Bạn đi chân bước ngập ngừng
Cánh bay nhẹ hẫng mà chừng quá xa
Xứ người lại nhận quê ta
Nằm đêm nhớ tiếng canh gà cố hương
Rồi buồn, rồi buồn, rồi buồn
Thân như chùm gởi cánh chuồn xác xơ
Hai ta sẽ gặp bao giờ?
Màu đen của tóc đã phơ phất tàn
Mỗi năm xuân mới mỗi sang
Là ta cái chết muộn càng gần hơn
Mỗi thằng một kiếp ly hương!

Mồng 1 Ất Mùi - 2015
Phù Sa Lộc