Tuesday 28 March 2017

Hồn Trẻ 20 và bạn hữu



Thơ NS

Thương

Thương nhau gian khổ bước chung đường
Thương kẻ khó khăn suốt dặm trường
Thương cảnh thiên tai đầy bất trắc
Thương người bất hạnh thiếu thân thương
Thương đời côi cút tìm nương náu
Thương  chữ ân tình đã ý vương
Thương mẹ già mong cầu hạnh phúc
Thương con thơ nguyện ước yên khương
Thương đường mòn cũ chạy trăm nẻo
Thương kẻ quê xa rải khắp phương
Thương vó âm thầm nằm giãy chết
Thương thuyền vò võ lật bi thương
Thương dân chài đợi chờ đàn cá
Thương biển chiều trông ngóng ánh dương
Thương nước mình thăng trầm khốn khổ
Thương người dân lặn hụp phi thường!

NS Canada

Biển Việt Nam đã chết vì Formosa thải chất độc ra biển, 
hủy diệt môi trường sống.

Sunday 26 March 2017

Hồn Trẻ 20 và bạn hữu

PHẠM QUANG NGỌC

Mẹ

Tôi lạ cả người, lạ cả tôi
Lạ cả trăm năm, bia đá cười
Chỉ lúc mẹ tôi về vuốt mắt
Bấy giờ nước mắt chảy về xuôi.

Trong tôi nhịp thở theo tim mẹ
Mắt mẹ vàng trưa, rộn mặt trời
Máu mủ tình thân, nương sóng bụi
Tôi còn gì nữa, cảnh mồ côi!!!

Mẹ hong tóc bạc, mây đầu ngõ
Lúa trổ thầm thì đọn tóc xanh
Thoang thoảng hương thơm mùi lúa mới
Mẹ về reo ánh nắng vàng hanh.

Tiếng chim xào xạc trong lùm tre
Ngỡ mẹ hồn thiêng thác trở về
Chán cảnh trần gian không có mẹ
Gai nào đâm thấu nỗi buồn tê?

Phạm Quang Ngọc


Nguồn: Tuyển tập 6 Nhà Thơ Úc Châu, Australia 2010











Ảnh bên: thi sĩ Phạm Quang Ngọc

Hồn Trẻ 20 và bạn hữu

Thơ NS

ĐỜI TÔI

Đôi khi quên khuấy cuộc đời tôi
Đôi lúc giận thầm chuyện đãi bôi
Đôi bận trách người tâm chẳng tận
Đôi lần thương bạn chuyện qua rồi
Đôi chân vẫn tới nơi vô định
Đôi mắt còn tìm chốn viễn khơi
Đôi bóng ngày xưa giờ khép một
Đôi tay nắm lại… chỉ mình thôi !

NS CANADA


Tuesday 21 March 2017

Hồn Trẻ 20 và bạn hữu

Nhớ Cao Nguyên - tháng 3/1975 tiêu tùng!

Thơ xướng, họa

KS
BẢN THƯỢNG

Bản Thượng còn đâu lán khói chiều
Nhà sàn dăm chiếc vẻ đìu hiu
Trâu bò về ngõ đồi hoang vắng
Phụ lão nhìn trời cảnh tịch liêu
Văng vẳng tiếng khèn hòa tiếng dế
Bập bùng bếp lửa quyện âm tiêu
Tang thương biến đổi người buôn chạy
Bản Thượng còn đâu lán khói chiều!
NS CANADA

HỒNG PHƯỢNG
YÊU SAO
Yêu sao quê mẹ sớm trưa chiều
Trầm lắng êm đềm gió hắt hiu
Tiếng sáo dư âm thời trẻ dại
Lời ca điệp khúc thuở hàn liêu
Suối khe róc rách làn Quan họ
Rừng trúc rộn ràng nhịp phách tiêu
Khoảnh khắc ngóng chờ giờ đã điểm
Yêu sao quê mẹ sớm trưa chiều.
HỒNG PHƯỢNG

Thursday 16 March 2017

Hồn Trẻ 20 và bạn hữu


Báo chí loan tin, bà Phạm Thị Minh Hiếu - Phó giám đốc Sở Tư Pháp tỉnh Bình Thuận (csVN) - hôm 4 tháng 3-2017 trong khi đi du lịch đã bẻ mấy cành hoa bên hồ Tuyền Lâm, Đà Lạt, để làm dáng chụp ảnh (mặc dù đã bị ngăn cản đừng bẻ hoa vì đó là của công). Cho nên thi sĩ NS Canada mới cảm hứng làm bài thơ sau đây:

Thơ xướng, họa
CÀNH HOA…

Hoa ẩn rừng sâu đẹp mặn mà
Dạo chơi ngắm cảnh chỉ mình ta
Công viên cây cỏ nhiều màu sắc
Dị thảo kỳ lan thắm xứ Đà
Bẻ một cành đào đang hé nụ
Ghi hình kỷ niệm để khoe bà
Có chi lại phải làm to chuyện
Nơi chốn thiền môn Phật cũng tha!
NS

Ảnh bên: Phạm Thị Minh Hiếu, Phó giám đốc Sở Tư Pháp Bình Thuận tay cầm cành hoa mới bẻ.

CHO QUA

Triệu đóa hoa khoe sắc thắm mà
Đẹp lòng lữ khách nào riêng ta
Đua nhau bấm máy bao hình ảnh
Chen chúc ngắm xem cảnh xứ Đà
Một phút chao lòng nên ngắt đại
Cành hoa xinh xắn gọn tay bà
Chuyện tuy chẳng nhỏ, nhưng cho qua
Cuộc sống cần nhiều sự thứ tha.
HP

BẺ MẤY CÀNH HOA

Bẻ mấy cành hoa đẹp thế mà
Cũng nên hãnh diện với người ta
Lâm Đồng cảnh vật đâu cay cú
Đà Lạt công viên lắm đậm đà
Ý nghĩ đùa vui người thiếu nữ
Lòng riêng mê đẹp tứ đàn bà
Hãy xin thứ lỗi cho nhau nhé
Thiên hạ muôn đời chuộng vị tha.
LÊ VIÊN NGỌC
(Đà Lạt 12-3-2017)



Ảnh bên: Phạm Thị Minh Hiếu, Phó giám đốc Sở Tư Pháp Bình Thuận cầm cành hoa làm dáng để chụp ảnh. 

Nguồn: Các tác giả gửi.

Sunday 12 March 2017

Hồn Trẻ 20 và bạn hữu

Tháng 3... là tháng tạ từ
Thơ NS 

TẠ TỪ

Đưa tiễn nhau đi phút tạ từ
Còi tàu báo hiệu vỡ sầu tư
Người đi bỏ lại tình dang dở
Kẻ ở chôn vùi chốn thảo lư
Làn khói mờ tan theo nẻo khuất
Tâm hồn lơ lửng tới đường mơ
Sân ga vắng lặng lòng ngơ ngẩn 
Bóng dáng xa rồi nuối tiếc ư?

NS

Những bài viết khác

9 câu ngụy biện điển hình của người Việt

Có một thói quen rất nguy hiểm mà người Việt thường xuyên sử dụng trong giao tiếp, đó là thói quen ngụy biện. Thói quen này đã lây nhiễm một cách vô hình từ giao tiếp thường nhật, từ tâm lý thắng thua khi tranh cãi, và nhất là trong cộng đồng cư dân mạng…

Ngụy biện hay Fallacy là khái niệm để chỉ những cách lập luận tưởng chừng là đúng, nhưng thực chất lại là sai lầm và phi logic trong tranh luận. Ngụy biện có thể biến một vấn đề từ sai thành đúng, và từ đúng trở thành sai. Ngụy biện có thể dẫn đến những cái nhìn sai lệch và tư duy sai lầm mà chính bản thân người nói cũng không nhận ra được.

Những ai đã có kiến thức về ngụy biện đều hiểu một điều đáng buồn rằng: Người Việt rất hay ngụy biện và tư duy ngụy biện! Chúng ta đều biết hai chữ “ngụy biện”, nhưng liệu chúng ta có thật sự hiểu về nó? Bạn có tin rằng tại Việt Nam, ngụy biện đã cướp đi mạng sống của con người?

Trên thế giới, ngụy biện đã trở thành một kiến thức được biết đến rộng rãi, và các nhà nghiên cứu đã thống kê khoảng trên dưới 100 loại ngụy biện khác nhau. Đáng tiếc là tài liệu về ngụy biện tiếng Việt chỉ có một vài nguồn, đó là trang GS Nguyễn Văn Tuấn, trang Thư viện khoa học, hay trang “Ngụy biện – Fallacy” của TS. Phan Hữu Trọng Hiền. Dưới đây xin được tổng hợp lại 9 câu “ngụy biện” điển hình của người Việt đã được nêu ra tại các nguồn tài liệu trên:

1. “Nhìn lại mình đi rồi hẵng nói người khác”.

Mình làm sai thì là sai rồi, sao lại không nhận sai, không nói thẳng vào vấn đề “mình sai” mà lại quay qua tìm điểm yếu của người khác? Việc này cũng giống như là khi nhận được góp ý: “Viết sai chính tả rồi kìa”, thì thay vì sửa sai, bạn lại bốp chát: “Thế mày chưa viết sai bao giờ à?”

2. “Có làm được gì cho đất nước đâu mà to mồm”.

Người ta có làm được gì hay không thì là điều mình chưa biết, hơn nữa bạn đã “lạc đề” rồi. Vấn đề người ta nêu ra thì bạn không trả lời, không đưa ra luận điểm logic, mà lại đi đường vòng, chuyển qua công kích người khác.

3. “Nó ăn trộm chó thì cứ đánh cho nó chết”.

Lập luận này đã khiến cho những kẻ trộm chó vốn không đáng phải chết bị giết chết bởi chính những người dân tưởng chừng “lương thiện”. “Ăn trộm chó” là sai, nhưng “giết người” cũng là sai, hai sai thì không phải là một đúng, mà là sai lại càng sai.

4. “Làm được như người ta đi rồi hãy nói”.

Lại một hình thức “lạc đề”. Luận điểm mà người ta đưa ra thì bạn không xoay quanh mà bàn luận, lại cứ phải công kích cá nhân người khác thì mới vừa lòng sao?

5.  “Nếu không hài lòng thì cút xéo ra nước ngoài mà sinh sống”.

Lời nói này không chỉ đánh lạc hướng vấn đề, mà còn rất bất lịch sự, chuyên dùng để làm người đối diện tức giận, chứ chẳng có một chút logic nào trong đó cả.

6. “Chỉ có những người chân lấm tay bùn từ nhỏ mới là người cần cù chăm chỉ xây dựng đất nước”.

Câu khẩu hiệu này đã từng xuất hiện ở Việt Nam trong quá khứ. Người ta có câu “vơ đũa cả nắm”, ấy chính là để chỉ việc lập luận cảm tính, khái quát cảm tính, mà không hề đưa ra logic hợp lý nào cả. Cũng như vậy, khi phân chia giai cấp và tuyệt đối hóa đấu tranh giai cấp, thì người ta đã mắc sai lầm ngụy biện, ví như chủ đất không nhất định là xấu, chủ doanh nghiệp cũng không nhất định là xấu, và người làm công ăn lương hay nông dân chắc gì đã là một người tốt cần cù chăm chỉ.

7. “Nước nào mà chẳng có tham nhũng”.

Vì nước nào cũng có tham nhũng nên Việt Nam được phép có tham nhũng hay sao? Vì mọi người đều vượt đèn đỏ nên tất nhiên tôi cũng phải vượt đèn đỏ? Vì xã hội thiếu gì nghiện hút nên trong nhà có người hút chích cũng là bình thường?

8. “Nếu anh là họ mà anh làm được thì hẵng nói”.

Đặt mình vào vị trí người khác là một tiêu chuẩn người xưa dùng để tu sửa bản thân, hướng vào bản thân tìm lỗi, là một nét văn hóa rất độc đáo của phương Đông. Tuy nhiên câu nói đó chỉ sử dụng khi một người tự răn mình, chứ không phải là một câu nói dùng trong tranh luận. Việc sử dụng nó trong tranh luận không chỉ là sự bịt miệng những phê bình của người khác, không giải thích các luận điểm của người khác, mà còn chứng tỏ rằng chúng ta đang phá hoại và lãng quên văn hóa truyền thống của chính mình.

9. “Tại sao anh dám nói chúng tôi sai? Anh là một tên phản bội dân tộc”.

Kiểu lập luận chụp mũ này mặc nhiên coi mình là đúng, họ là sai, và những người đồng quan điểm với họ cũng là sai. Nó không hề đưa ra một thứ logic nào, nhưng lại cắt ngang một cái giới tuyến, và tùy tiện định tội cho người khác.

Tất nhiên đây mới chỉ là những câu ngụy biện cơ bản nhất, thường thấy nhất. “Văn hóa ngụy biện” (*) đã ngày càng xuất hiện thường xuyên hơn, muôn hình vạn trạng, và luôn ẩn giấu trong tư duy của người Việt. Vậy nguyên nhân của thói quen này là từ đâu?

Trong phần nhiều các lỗi ngụy biện thường gặp của người Việt, có một tâm lý cơ bản hiện rõ ra khi tham gia thảo luận, đó chính là tâm tranh đấu, hiếu thắng, và không hề tôn trọng người đối diện. Ngoài đó ra, chúng ta cũng hay bị ảnh hưởng của tâm lý đám đông, lợi dụng tâm lý đám đông để che đi trách nhiệm của bản thân mình.

Muốn tránh cách tư duy ngụy biện, chúng ta không những phải sửa lối tư duy vòng vo, thiếu suy nghĩ, mà còn phải sửa chính từ tâm thái của mình khi trao đổi và luận bàn về mọi việc. Điều cơ bản nhất khi tham gia tranh luận là có trách nhiệm trong lời nói của chính mình và biết tôn trọng người đối diện.

Nguồn: trithucvn

Ghi chú của người đăng:
(*): “Thói quen ngụy biện”.