Sunday, 29 July 2012

Những bài viết khác


Blog Hồn Trẻ 20 đăng tải nơi đây "Hoàng Sa Nộ Khí Phú" là một tiếng thét hào khí chất chứa phẫn nộ của Kha Tiệm Ly - một tác giả trong nước - trước cảnh những kẻ tuy cầm quyền nhưng gục mặt cúi đầu không can đảm xác nhận chủ quyền trên lãnh thổ của một dân tộc tự hào có quá khứ "chưa hề khuất phục ngoại xâm".

Mời bạn đọc. Dưới đây là:
Hịch Hoàng Sa, Trường Sa


HOÀNG SA NỘ KHÍ PHÚ
Kha Tiệm Ly - Thái Quốc Tế

Ngựa cũ quen đường,
Đĩ già lậm nết.
Việc phế hưng mỗi thuở khác nhau,
Mộng bá chủ bao đời y hệt!

Ta thấy ngươi,

Từ Đông Chu bị họa Thất Hùng,
Đến Hậu Hán bị xiềng Tam Quốc.
Đất Trường An thây chất chập chùng,
Bờ Vô Định xương phơi chất ngất!
Đã biết,
Hễ gieo chinh chiến là kín đất đau thương,
Nếu động can qua thì mịt trời tang tóc.

Vậy mà sao,

Chẳng lo điều yên nước no dân,
Lại quen thói xua quân chiếm đất?

Như nước ta,

Một dải non sông, nam bắc chung giềng,
Trăm triệu anh em, trước sau như nhất.
Hoàng Liên, Tam Đảo, Hồng Hà, Cửu Long, là máu là xương,
Phú Quốc, Côn Sơn, Trường Sa, Hoàng Sa là da là thịt.
Máu xương đâu lẽ tách rời,
Thịt da dễ gì chia cắt?
Mà là liền tổ quốc phồn vinh,
Mà là khối giang sơn gấm vóc.
Người trăm triệu nhưng vốn một lòng,
Tim một trái dẫu nhiều sắc tộc!
Nữ nhi chẳng thiếu bậc anh hùng,
Niên thiếu cũng thừa người kiệt xuất.
Mười năm phục quốc, gươm Lê Lợi thép vẫn sáng ngời,
Ba lượt phá Nguyên, sông Bạch Đằng cọc còn nhọn hoắt.
Thùng! Thùng! Thùng! Liên hồi giục, trống Ngọc Hồi hực bước tiến quân.
Đánh! Đánh! Đánh! Luôn miệng thét, điện Diên Hồng, vang lời sát thát.
Ải Chi Lăng, Liễu Thăng chết còn lạc phách kinh hồn,
Sông Nhị Hà, Sĩ Nghị chạy còn đứng tim vỡ mật.
Thoáng thấy vó câu Thường Kiệt, Khâm Châu ngàn dặm, không còn bóng quỉ
bóng ma,(1)
Chợt nghe tiếng sét Đống Đa, Quảng Đông toàn tỉnh chẳng tiếng con gà
con vịt. (1)
Hùng khí dù dậy trời Nam,
Nghĩa nhân lại tràn đất Bắc:
Thương ngươi binh bại, tàn quân về còn cấp xe ngựa rình rang (2)
Trọng kẻ trung can, hổ tướng chết vẫn được khói hương chăm chút.(3)
Mạc Cửu đem quân lánh nạn, chúa ta vẫn mở dạ đón người,
Hoa kiều mượn đất ở nhờ, dân ta vẫn chia cơm xẻ thóc.

Phúc cùng hưởng khi mưa thuận gió hòa,
Họa cùng chia lúc sóng vùi gió dập.
Giúp các ngươi như kẻ một nhà,
Thương các ngươi như người chung bọc!

Thế mà nay,

Ngươi lại lấy oán trả ơn,
Ngươi lại lấy thù báo đức!
Ăn đàng sóng, nói đàng gió, y như đĩ thúi già mồm.
Lộn bề ngược, tráo bề xuôi, khác chi điếm già bịp bạc.

Kéo neo tuần hạm, ào ào đổ bộ Hoàng Sa,
Quay súng thần công, ầm ỉ tấn công Đá Bắc.
Chẳng chấp hải qui,
Chẳng theo công ước.
Quen nết xưa xấc láo, giở giọng hung tàn,
Lậm thói cũ nghênh ngang, chơi trò bạo ngược.

Nói cho ngươi biết; dân tộc ta:

Từng đánh bọn ngươi chỉ với ngọn giáo dài,
Từng đuổi bọn ngươi chỉ bằng thanh kiếm bạc.
Từng đánh Tây bằng ngọn tầm vông,
Từng đuổi Nhật với thanh mác vót!
Vì khát tự do mà uống nước đìa,
Vì đói độc lập mà ăn cơm vắt.
Sá chi tóc gội sa trường,
Đâu quản thây phơi trận mạc.

Hãy liệu bảo nhau,

Nhìn thây Gò Đống mà liệu thắng liệu thua,
Thấy cọc Bạch Đằng mà nghĩ sau nghĩ trước!
Đừng để Biển Đông như Đằng Giang máu nhuộm đỏ lòm,
Đừng để Hoàng Sa là Đống Đa xương phơi trắng xác!
Nếu ngươi dựa vào hỏa tiển, phi cơ,
Thì ta cũng có tuần dương, đại bác.
So vũ khí, thì kẻ nhược người cường,
Đọ trái tim, coi ai gang ai sắt?

Thư hãy xem tường,
Hoàng Sa hạ bút.

Kha Tiệm Ly - Thái Quốc Tế 

--------
(1) Sử ghi: Khi Lý Thường Kiệt xua quân qua Khâm Châu, Liêm Châu, cũng như khi quân Thanh bại trận Đống Đa chạy về, thì dân Tàu vùng biên giới kinh hoàng chạy theo. “Từ Nam Quan về bắc hàng trăm dặm vắng tanh, không thấy bóng con gà, con vịt”
 (2) Sự kiện Lê Lợi cấp ngựa và lương thực cho tù binh quân Minh về nước
 (3) Sự kiện dân ta lập miếu thờ Sầm Nghi Đống, hạ tướng của Tôn Sĩ Nghị.



Tác giả Kha Tiệm Ly

NguồnVườn thơ Kha Tiệm Ly

Wednesday, 4 July 2012

Các tác giả Hồn Trẻ 20

Bài trả lời phỏng vấn:

HỒNG NHUNG 
nói về NGUYÊN NGHĨA

Sóng Văn, Vuông Chiếu: Trong cơ duyên nào bà (ông) đã đến với người bạn đời của mình? Và trong chiều dài thăng trầm của cuộc sống, bà (ông) có thể giới thiệu một kỷ niệm buồn, vui ?

Hồng Nhung: Anh ấy là anh con cô con cậu của một cô bạn cùng học với tôi thời Sư Phạm, nhưng phải đợi đến khi tôi sang Canada và anh ấy từ Đức sang chơi Canada, chúng tôi mới thực sự gặp nhau.

Làm đám cưới xong, anh ấy trở về Đức học tiếp, một năm sau mới sang thăm tôi và bé gái đầu lòng lúc đó mới được 3 tháng, rồi lại trở về Đức nữa. Thêm một năm sau đó nữa anh ấy mới sang Canada này sống luôn. Tôi chắc trên đời này ít có ai…“cưới nhau xong là đi” như ông Nguyên Nghĩa chồng tôi vậy.

SV, VC: Nhiều người thường quan niệm rằng: các ông bà tác giả, dù sinh hoạt ở bộ môn nghệ thuật nào, cũng thường có tính lơ là đối với những công việc gia đình. Theo bà (ông), nhận xét này đúng được bao nhiêu phần trăm ? Và riêng ông (bà) nhà thì sao ?

HN: Theo tôi nghĩ thì nó đúng 50%. Nghĩa là lúc thế này lúc thế khác. Có lúc anh ấy cũng “cày sâu cuốc bẩm” như những người không hề là tác giả hoặc những người không hề viết lách gì.

SV. VC: Ngoài những môn sở trường, xin cho biết ông (bà) nhà còn thích hoạt động giải trí thêm với những bộ môn nào khác?

HN: Ngoài viết báo và sáng tác thơ là chính, anh ấy cũng thích vẽ, thỉnh thoảng làm lay-out sách cho bè bạn, sửa hình photoshop chút đỉnh… Mà phải thưa thật, mấy thứ “giải trí” đó làm mất nhiều thì giờ quá chừng!

SV, VC: Xin cho biết một ít thói quen của ông (bà) nhà trong lúc sáng tác?

HN: Ngày xưa thì anh ấy cứ… viết được khoảng mười lăm hai mươi phút lại đứng dậy vào nhà bếp hút thuốc, chỗ cái quạt hút khói phía trên lò. Bây giờ bỏ thuốc rồi thì… hình như anh ấy ít sáng tác hơn. Cả năm mới thấy có một bài thơ, mặc dù viết báo thì vẫn viết đều.

SV,VC: Bà (ông) đã từng có những đóng góp vào công việc sáng tác của ông (bà) nhà?

HN: Có lẽ… có. Thứ nhất, trong một số trường hợp, tôi đã là “thi hứng” của anh ấy. Thí dụ như trong những bài thơ  “Thanh âm”, “Yêu dấu”… Thứ nhì, thỉnh thoảng anh ấy cho tôi đọc một bài mới sáng tác xong, nên sau đó tôi bèn góp ý, cho biết nhận xét của riêng tôi; tôi làm như mình là độc giả đầu tiên đọc bài của tác giả vậy... Thứ ba, khi ông chồng cứ mải mê sáng tác mà có “cơm bưng nước rót” thì chắc chắn là trong việc sáng tác ấy có phần đóng góp của bà vợ chứ làm sao khỏi! 

(Bà xã) Hồng Nhung và Nguyên Nghĩa

SV,VC: Bà (ông) có những nhận xét tổng quát nào về toàn bộ tác phẩm của ông (bà) nhà đã được giới thiệu rộng rãi trong quần chúng?

HN: Ngoài tập truyện đầu tay có tựa là “Chờ Chết” do nhà xuất bản Xuân Thu in tại Hoa Kỳ năm 1988 và một số truyện ngắn, thơ… của anh ấy đã được in chung trong các tuyển tập với nhiều tác giả, còn rất nhiều (thật vậy, rất nhiều) sáng tác của anh ấy rải ra khắp nơi trên các tờ báo, tạp chí văn học, bây giờ muốn gom lại đầy đủ chắc cũng khó mà gom đủ. Vì vậy khó lòng mà đưa ra một nhận xét tổng quát. Tôi vẫn muốn anh ấy gom lại tất cả những gì đã sáng tác để in thành sách. Tác phẩm in đối với tôi vẫn là một lối phổ biến truyền thống, đồng thời cho thấy có sự chuẩn bị chu đáo của tác giả trước khi cho tác phẩm ra đời.

SV,VC: Xuyên qua việc phát hành, phổ biến các tác phẩm nghệ thuật của ông (bà) nhà, bà (ông) có những nhận định gì về tình hình sinh hoạt văn học nghệ thuật Việt Nam hiện nay tại hải ngoại?

HN: Nói chung, tôi thấy sinh hoạt văn học nghệ thuật ở hải ngoại vẫn còn sôi nổi, vẫn còn triển vọng sống thọ. Các tác phẩm được in ra hoặc được phổ biến trên Internet vẫn được đông đảo độc giả đón nhận vô cùng ấm áp. Nhiều khi giá 10 đô la, hoặc ngay cả 20 đô-la một cuốn sách, độc giả vẫn mua và cuốn sách vẫn bán hết cả ngàn ấn bản. (Nhưng dĩ nhiên cũng tùy tác giả nào, tùy cuốn sách nào.) Cứ nhìn vào số người đọc nhật báo hoặc tuần báo thì biết. Lúc nào tôi cũng tin rằng những người đi trước tạo nên cái nếp cho những người đi sau. Có người đọc thì vẫn còn người viết, và ngược lại. Trước đây mấy ai dám tin là sinh hoạt văn học nghệ thuật ở hải ngoại này sống mạnh sống lâu như vầy…

SV,VC: Cá nhân bà (ông) đã và đang sinh hoạt trong lãnh vực nào? Những sinh hoạt đó có gây trở ngại hoặc hỗ tương trong việc sáng tác của ông (bà) nhà?

HN: Tôi làm công việc như một nhân viên xã hội. Tôi không thấy sinh hoạt thường nhật của tôi gây trở ngại gì cho hoạt động sang tác của anh ấy. Còn “hỗ tương” thì… khi mình là nguồn cảm hứng cho tác giả thì coi như đôi bên đã “hỗ tương” rồi…  

SV,VC: Nếu có thể được, xin bà (ông) vắn tắt cho đôi dòng tiểu sử của ông (bà), những tác phẩm của ông (bà) ấy, và đôi dòng về cá nhân bà (ông), đại khái quê quán, hoài bão...

HN: Anh ấy sinh năm 1952 tại Sài-gòn. Quê cha & quê mẹ: Bắc Ninh. Anh ấy sống ở Tây Đức từ tháng 1 năm 1980 cho đến tháng 12 năm 1987 rồi sang Canada. Sống ở Mississauga (ven Toronto) từ đó đến nay. Chúng tôi có với nhau 3 đứa con, gồm hai gái và một trai.

Theo tôi biết, anh ấy bắt đầu viết lách từ thời còn học Trung học. Nhóm thơ văn của anh ấy từ ngày xưa, hiện đang qui tụ với nhau trên một trang blog tại: http://hontre20.blogspot.com

Như tôi đã nói lúc nãy, anh ấy có một tập truyện mang tựa đề  “Chờ Chết” in tại Hoa Kỳ năm 1988, và có thơ văn đăng trong nhiều quyển sách khác nữa, chẳng hạn tuyển tập Hoa Vườn Mới do Văn Bút VNHN/Trung tâm Quebec chủ trương, tuyển tập Những Cây Viết Miền Nam, tuyển tập Truyện Hay Hải Ngoại do nhà văn Nguyễn Văn Ba chủ truơng, v.v…

Nguyên Nghĩa là cựu chủ tịch Văn Bút VNHN/Trung tâm Ontario. Anh ấy từng là chủ nhiệm tạp chí Tự Do với 3 ấn bản Toronto, Montreal và Vancouver.

Anh ấy đi khỏi VN hơn 30 năm rồi, chưa quay lại thăm một lần nào. Tôi tin là trong những sáng tác anh ấy đã bộc lộ những gì có thể gọi là hoài bão.

Cám ơn anh Luân Hoán (Vuông Chiếu) đã bận tâm đến những người đằng sau những tác giả.