Wednesday 25 September 2019

Hồn Trẻ 20 và bạn hữu

NGUYỄN TUẤN KHANH
Xin... loạn bàn về “3 bài Nam” trong 20 bài Tổ của nền cổ nhạc miền Nam:

Từ khi bộ môn Đờn Ca Tài Tử (ĐCTT) được UNESCO công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” vào năm 2013 thì cả miền Nam rộ lên những câu lạc bộ ĐCTT, tuy nhiên, hiện giờ chỉ còn một số ít người biết đờn và ca theo phong cách ĐCTT cho nên ngay cả hôm UNESCO trao bằng vinh danh ĐCTT, chỉ có 1 số đơn vị trình diễn bài bản theo hơi điệu ĐCTT, còn phần lớn là đờn ca theo phong cách Cải Lương. Ông thủ tướng mê cải lương Nguyễn Tấn Dũng còn yêu cầu cho... cải lương vô chương trình vinh danh ĐCTT cho... vui. Ổng ra chỉ có 1 ngày trước buổi lễ, báo hại ban tổ chức phải yêu cầu các ca sĩ cắt bớt vài đoạn trong bài ca của mình để nhường giờ cho cải lương theo đòi hỏi của ông thủ tướng. Nghệ sĩ Lệ Thủy được mời trước tiên nhưng cô đã từ chối và nói rằng đây là chương trình của ĐCTT, không liên quan đến cải lương, sau đó ban tổ chức mời “Cải lương chi bảo” Bạch Tuyết thì bà ta nhận lời.

Từ đó đến nay, có nhiều chương trình sinh hoạt về ĐCTT nhưng vì thiếu ca/nhạc sĩ biết về bộ môn này nên họ đành phải cho thêm cải lương cho xôm thành “Chương trình Đờn Ca Tài Tử & Cải Lương”.

Cách đây gần 2 năm tôi có thu âm 3 bài Nam theo phong cách ĐCTT với bài ca in năm 1903 mà tôi sưu tầm được. Thoạt tiên tính thu để giữ làm tài liệu riêng, nhưng khi thu xong mọi người thấy cần phổ biến nên 1 câu lạc bộ Đờn Ca Tài Tử ở VN yêu cầu cho họ làm CD để phổ biến và họ đã phân phát cho một số CLB ĐCTT các tỉnh thành ở miền Nam. Sở dĩ tôi chọn 3 bài Nam này là vì trong 4 thể điệu Bắc, Hạ, Nam, Oán của 20 bản Tổ thì 3 bài Nam này đã có 3 thể điệu là Bắc, Nam và Oán. Mời quý HT vô trong link cuối bài để nghe, còn phần dưới đây là giải thích về 3 bài Nam của cổ nhạc miền Nam.

NGUYỄN TUẤN KHANH

___________

Nói về điểm khác nhau của ba bài Nam, mỗi bài một hơi khác nhau, nhưng lại nằm trong một bộ Nam, vì thứ nhất là cùng trên một thang âm, có âm chủ đạo là xang, tuy mỗi chữ xang mỗi khác nhưng đó cũng là đặc điểm chung cho bộ này.
Nam xuân nghiêm trang, thư thái, điềm tĩnh, hơi điệu toát lên một vẻ đứng đắn đàng hoàng, như một kỳ lão nhìn cuộc đời cũng như một mùa xuân êm dịu và thư thả, không vướng bận mà có phần sâu lắng, nét nhạc ung dung chậm rãi, như một con thuyền thả nhẹ trên dòng bích lặng lờ trôi, khoan thai trong dòng chảy thời gian êm dịu, để cho người nghệ sĩ có thời gian ôn lại những trải nghiệm của cuộc đời, dành chút êm đềm lắng đọng để chiêm nghiệm lại những gì đã trải qua mà tự tỉnh, suy xét, cân nhắc lại. Bỗng như hồn Xuân lai láng, chợt gợi nên trong lòng một tình cảnh thú vị nào, sự bừng dậy của cảm xúc pha lẫn với sự hiên ngang, cái hào sảng ấy đã làm nên nét nhạc của bài Trống xuân lâng lâng dựng dựng, với nhịp trống cơm long bong như múa vui cho cuộc đời tươi đẹp.
Nam ai mang một nét buồn áo não, gợi một trạng thái hoài niệm nhớ nhung da diết về những kỷ niệm đẹp trong quá khứ, những tình thương của những người, những gì đã trải qua, Nam ai không như một lời than vãn uất ức, mà như một niềm luyến tiếc, ưu tư, sự da diết của một niềm nhớ nhung, một niềm tâm sự. Sự da diết ấy không thể nguôi ngoai ở cuối bài, sự nhớ nhung càng thêm áo não với nét nhạc Mái ai, lớp Mái ai được bập bùng bằng tiết tấu của trống cơm như thôi thúc cho người ta suy nghĩ về cuộc đời, dồn hết tất cả những tâm trạng thê thảm nhất để đúng theo nguyên lý dịch học “bỉ cực thới lai”, sự thới thạnh ấy đến trong cái cơn bỉ cực, đó là sự mở đầu cho nét nhạc Đảo ngũ cung.
Đảo ngũ cung thì nghiêm trang pha lẫn trầm hùng, sự kiêu hãnh, sự hiên ngang bất khuất, như một dũng tướng đã về già, nhớ lại những lúc xông pha ngoài chiến trận, những lúc phải lăn lộn với mũi đạn lằn tên, vì đã trải qua một sự vào sanh ra tử, nên cái sự hiên ngang ấy vô hình trung đã sinh ra và ngự trị trong tâm khảm của người, toát nên một vẻ vừa hiên ngang vừa ngạo nghễ, đôi lúc dạt dào như những kỷ niệm hào hùng dội về sôi động trong lòng, để rồi cuối cùng cũng chợt tỉnh, cùng với những khí phách hào hùng ấy là những vấp ngã của cuộc đời từng trải, những thất bại, những lúc gian nan nguy hiểm như có tử thần chầu chực để rước linh hồn đi, làm cho họ sâu lắng, ê chề hơn khi chuyển sang lớp Song cước mà nhịp trống cơm vỗ bong bong khiến cho tâm hồn chợt thức tỉnh.
(Nguyễn Phúc An, Đờn Ca Tài Tử Nam Bộ - Khảo & Luận, NXB Tổng Hợp, 2019, Tr.207-209).