LÂM HẢO KHÔI
TRƯỜNG HOÀNG DIỆU,
VỀ NHỮNG NGƯỜI LÀM THƠ TÔI TỪNG BIẾT
Vào những năm của thập niên 60, thời cực thịnh của nền văn học Miền Nam theo đà nở rộ của các bút nhóm văn nghệ tỉnh lẻ ở miền Nam trên các nhật báo ở Sài gòn hàng ngày đăng thơ, truyện ngắn của anh em văn nghệ một cách đều đặn kể cả các tạp chí văn
học. Phần lớn họ là học sinh sinh viên một số là công chức hoặc đã đi vào quân đội. Chỉ nói riêng ở miền Tây và trong phạm vi hiểu biết rất hạn hẹp chúng tôi ghi nhận một số nhóm hoạt động như sau:
Châu Đốc với nhóm của anh Ngô Nguyên Nghiễm, nhóm này phát triển mạnh một thời và vào thập niên 70 phát hành đặc san Khai Phá với sự trình bày mỹ thuật của Lưu Nhữ Thụy, cũng như in thơ cho người trong nhóm. Cần Thơ có nhiều người làm văn nghệ nổi tiếng, nhưng tôi chỉ biết vài anh em trong nhóm Về Nguồn của anh Lê Trúc Khanh, anh Lê Trúc Khanh còn phụ trách “Chương trình thi văn Về Nguồn” trên đài phát thanh Cần Thơ, cũng giống như chương trình Mây Tần của nhà thơ Kiên Giang trên đài phát thanh Sài Gòn. Cà Mau có nhóm Đất Mũi với Hoài Diễm Từ.
Riêng tại Sóc Trăng tôi có nghe tên một số người làm thơ thời đó như: Lan Sơn Đài, Lệ Trường Giang, Triều Uyên Phượng.
Phần ghi chép nhỏ này chỉ giới hạn riêng trong ba bút nhóm đ. được thành lập và hoạt động dưới mái trường Hoàng Diệu trong thập niên 60 mà thôi. Thời đó chúng tôi chỉ là lũ học sinh ham mê thơ thẩn cho nên tập tành làm thơ gởi cho các báo và tạp chí ở Sài gòn, gởi xong thì chờ tin ở mục “Tin thư“ hoặc mục “Bài nhận được” của tòa soạn. Khi có bài được đăng báo thì mua tờ báo về rồi chuyền nhau đọc. Học lớp mười chúng tôi vẫn chưa dám ngồi quán cà phê, tôi cảm thấy ngồi quán cà phê là một điều gì khác thường lắm cho nên bọn tôi thường họp nhau trong lớp hoặc ở nhà đứa này đứa kia trong nhóm.
Hồn Trẻ 20
Tôi không nhớ rõ năm và nguyên do nào đẩy đưa chúng tôi họp thành bút nhóm. Chỉ nhớ một bữa nọ Vũ Ngọc Đức và Đặng Phước Đức tới rủ tôi cùng đi tới nhà một cô nữ sinh cùng trường để mời cô ấy vô nhóm thơ. Sau này biết cô ấy là Đỗ thị Minh Giang.
Sau đó một thời gian nhóm HồnTrẻ 20 ra đời. Như vậy nhóm Hồn Trẻ 20 đã góp mặt trên các báo và nguyệt san ở Sài g.n khoảng giữa thập niên 60.
Trưởng nhóm:Trương Đức (bút hiệu Vũ ngọc Đức)
Các thành viên trong nhóm gồm:
Đặng Phước Đức (bút hiệu Thương Tử Tâm), Võ Minh Đường (bút hiệu Triều Phượng Dung), Huỳnh Kim Xoàng (bút hiệu Lệ Lệ, Đỗ thị Minh Giang (bút hiệu Hồng Diễm), Lâm Hảo Khôi (bút hiệu Trần Tử Lan), Nguyễn văn Em (bút hiệu Khánh Xuyên), Lý Thừa Nghiệp (Trầm Mặc Nghệ Thế). Ngoài ra còn có một số người của nhóm không phải là học sinh Hoàng Diệu, gồm: Lê Tiền Duyên, Phù Sa Lộc, Trương Thanh Thùy (Nguyên Nghĩa), Trần Kiêu Bạt.
Viết tới đây tôi cảm thấy thiếu một điều gì nên điện thoại xuống Melbourne hỏi Lý Thừa Nghiệp mới biết thêm chi tiết: Lý Thừa Nghiệp (tức Trầm Mặc Nghệ Thế) cùng Vũ Ngọc Đức và anh Thuận cũng là dân Hoàng Diệu (không bút hiệu) là 3 người sáng lập nên nhóm Hồn Trẻ 20. Anh Nghiệp còn cho biết trong nhóm lúc đó còn có một nhân vật nữ khác với bút hiệu Song Thương. Tôi muốn ghi lại đây vài kỷ niệm với từng người trong nhóm.
1-Vũ Ngọc Đức (VNĐ)
Cha mẹ anh đều là người Hoa nên sau nầy anh em thân mật gọi anh là Đức Tàu, anh vẫn vui vẻ nhận cái biệt danh đó. Dường như mọi hoạt động gì của chúng tôi đều do VNĐ sắp đặt. Có lần anh đề nghị ra một tuyển tập lấy tên là “Lưng Trần”, kêu gọi anh em mỗi người góp một bài thơ. Một tuần sau thơ thì có nhưng làm sao gom góp tiền đủ để in. Chúng tôi chợt nhớ tới nhà sách Thanh Quang một địa điểm rất quen thuộc…
Nhà sách Thanh Quang nằm ở đường giữa tức đường Hai Bà Trưng, Sóc Trăng là nơi chúng tôi thường tới coi báo cọp, khi nào báo có đăng thơ trong nhóm thì mới bấm bụng mà mua tờ báo đó. Còn không thì cứ đọc xong xếp báo lại chỗ cũ chào ông chủ một cái rồi đi về. Tôi không biết ông tên gì nhưng chắc là ông quen lắm những gương mặt coi báo cọp hằng ngày của bọn tôi. Thật ra “nghề nầy” còn có cả một ông giáo già dạy Việt văn ở một trường tư nữa. Ông này đã mất lâu nay và từng mang băng đỏ sau 30 tháng 4, nên không cần phải nói tên ông ta ở đây.
Nhà sách Thanh Quang thật sự không phải sống nhờ bán báo bán sách mà chính là nhờ vào những cái máy in. Tuyển Tập ”Lưng Trần” của chúng tôi được ông chủ nhà in nhận lời in chiều hôm đó bọn tôi mừng rối rít bởi phải qua nhiều giờ thương thuyết với ông chủ nhà in.
Bọn tôi đứa xin tiền cha mẹ, đứa mượn bạn bè, đứa cầm cái đồng hồ gom lại chỉ được chưa đầy phân nửa tiền in. Tôi nhớ ông nói với chúng tôi một câu rất thân tình “thôi phần còn lại chú cho tụi mầy thiếu, chừng nào bán được thì trả sau”. Ngày lấy thơ, tuyển tập thơ của chúng tôi là một mảnh giấy in khổ bằng nửa tờ báo. VNĐ cột chồng thơ sau xe đạp rủ tôi cùng đạp xe đi nhà bà ngoại Đức ở tuốt dưới Kho Dầu. Bước vô nhà vừa chào bà ngọai xong tôi nghe Đức lên tiếng “bữa nay bà ngoại cho tụi con ăn cơm ở đây với bà ngoại nghe”. Bà ngoại Đức vừa vo gạo vừa hỏi “chớ giấy tờ gì vậy con?”. Đức trả lời “thơ”. Thơ là cái gì? Bà hỏi tiếp. Thì thơ là thơ chớ gì, mà ngoại không biết đâu. Tôi im lặng nghe mẩu đối thoại giữa Đức và bà ngoại vừa xếp tuyển tập thơ của chúng tôi.
Ngày hôm sau chúng được bày trên kệ ở vài nhà sách như Tiến Hóa, Tân Sanh và dĩ nhiên nó cũng ngồi một chỗ khiêm nhường nhưng sáng sủa trong tiệm sách Thanh Quang. Sau đó chúng tôi còn có tuyển tập “Lá”. Hết lớp đệ nhị VNĐ bỏ học lên Sài gòn theo nghiệp làm báo, có thời làm tờ Sân Khấu Kịch Trường (?) chuyên viết về các ca sĩ cải lương cho nên anh cũng thao thức lo âu chia sẻ buồn vui với họ khi cánh màn nhung khép lại. Có lẽ vì thế mà suốt mấy mươi năm cho tới bây giờ VNĐ vẫn còn gắn bó với sân khấu cải luơng. Anh chuyển từ người mê thơ thành người mê viết về sân khấu. Dường như anh chưa in tập thơ nào dù thời học sinh anh làm thơ đăng báo rất nhiều. Rất tiếc chúng tôi không có một bài thơ nào của VNĐ.
VNĐ hiện sống ở tiểu bang Hawaii, Mỹ.
2- Đặng Phước Đức
Do trùng tên với Trương Đức nên anh em gọi anh là “Đức con”phân biệt với Đức Tàu. Có lẽ thời đó anh yêu người con gái cùng trường Hoàng Diệu tên là Tâm nên lấy bút hiệu là Thương Tử Tâm (TTT). Tôi có 2 lần tháp tùng đi thăm bạn gái của Đức. Lần thứ nhứt khi gia đình cô Tâm dời về Cần Thơ bởi ba cô ta thuyên chuyển về đó. Nhà mới của cô ở trong một con hẻm đường Phan Thanh Giản. Khi vào con hẻm đó Đức kêu tôi đi sát mé nhà còn Đức đi phía ngoài. Ngang qua nhà Đức không dám nhìn vô, dặn tôi cố nhìn coi có thấy cô Tâm không? Căn nhà mái tôn vách ván sơn màu xanh lá cây hôm đó không thấy ai cả. Thật tình tôi cũng chưa biết mặt mũi cô Tâm ra làm sao. Chỉ có vậy thôi mà hai đứa phải lặn lội từ Sóc Trăng ngồi xe đò lên tới Cần Thơ. Cũng may chiều hôm đó được ba Đức đang làm việc ở Cần Thơ dẫn hai đứa đi ăn một bữa cơm gà Hải Ký ngon lành.
Lần thứ hai Đức rủ tôi đi xa hơn, đó là một quận lỵ nhỏ nằm trên đường đi Rạch Giá. Chúng tôi ngồi xe lam lên bến xe mới mua vé đi. Hỏi thăm người bán vé cho biết mỗi ngày chỉ có một chuyến đi và một chuyến về mà thôi. Nhìn đồng hồ, tính giờ đi giờ về chúng tôi chỉ còn độ hai tiếng cho cuộc trùng phùng hội ngộ này. Cuối cùng là - những chiều không có em - chúng tôi lại ngồi trong quán cóc bên lề đường chờ chuyến xe về từ Rạch Giá. Người con gái đó không có nhà. Cả hai lần thăm người yêu đều không gặp, không biết những lần khác thì sao.
Phải chi làm được cơn mưa nhỏ
Rơi mái nhà em đỡ nhớ nhau.
Đức đã viết như vậy gần 40 mươi năm trước. Anh cũng chưa in cho mình tập thơ nào. Lúc chúng tôi làm tuyển tập thơ Úc châu, Đức muốn tham dự nhưng đã trễ, hẹn kỳ sau hoặc có thể anh sẽ in riêng cho mình một tập vì đã hơn 40 mươi năm làm thơ, thời gian quá dài để một người làm thơ in tác phẩm của mình. Năm 2009 có dịp qua Cali, nghe người bạn Hoàng Diệu kể chuyện về cô Tâm. Câu chuyện kết thúc rất là thương-tâm. Người ta thường nói trời không chiều lòng người.
Bạn tôi đã bỏ bút hiệu thời học trò yêu người không dám nói như kiểu bài thơ “Khối Tình” thập niên 40. Nhưng rồi chuyện đời có phải là những con sóng nhỏ cuốn trôi đi không bao giờ trở lại. Có hôm nào một mình trên bến nước chợt thấy hồn mình như muốn chìm tan theo những con sóng nhỏ xa xôi.
Thương Tử Tâm hiện sống ở Mỹ.
3- Lý Thừa Nghiệp, thời học sinh tôi không có nhiều dịp gặp anh, anh bỏ học sớm đi vào quân đội sau những ngày tháng lang bạc ở Sài gòn. Tới trại tỵ nạn Thái Lan anh đã gởi thơ cho Làng Văn và khi định cư ở Úc anh bỏ bút hiệu Trầm Mặc Nghệ Thế thời học sinh. Nay dùng tên thật để ký các bài thơ mang màu sắc và triết lý Phật giáo. Tôi thích những bài thơ anh làm về mẹ.
Tiếng ai như lá trong vườn
Đã rơi từ thuở nỗi buồn còn xanh.
hoặc:
Tay cầm một mảnh tình chung
Đốt lên thì thấy muôn dòng lệ bay.
Thơ anh cũng được nhiều người phổ thành nhạc. Nhạc sĩ Văn Giảng lão thành cũng cư ngụ ở Melbourne đã phổ nhạc nhiều bài thơ của LTN. Anh đã có thi phẩm “Bọt Nước Xao” in riêng và “Lung Linh Hoa Tạng” in chung với tỳ kheo Thiện Hữu. Anh cũng phát hành 3 CD nhạc phổ từ thơ anh do các nhạc sĩ ở Úc viết nhạc.
Anh hiện sống ở Melbourne.
3- Võ Minh Đường bút hiệu Triều Phượng Dung, anh học sau tôi vài lớp không có dịp gặp nhau nhiều. Năm 92 anh gởi tặng tập thơ “Bên Khung Cửa Mặt Trời” in cùng năm. Một đoạn trong bài được dùng làm tên cho tập thơ:
Anh biết là chim chở mùa đi
Đôi cánh nhẹ có chút gì lưu luyến
Mặt trời nhỏ bay hoài khung cửa mở
Buổi mai còn bỡ ngỡ nhớ ngày xưa.
Nghe nói dạo sau này anh uống nhiều rượu.
Võ Minh Đường mất ở Cần Thơ năm 2004 để lại tiếc thương cho các bạn bè, nhất là những người yêu thơ.
4- Huỳnh Kim Soàng
Anh học cùng lớp với Đặng Phước Đức yêu cô nữ sinh cùng trường tên Lệ nên có bút hiệu Lệ Lệ và cô Lệ sau này là vợ anh. Dường như anh ít viết nhứt là sau 75. Rất tiếc là không có nhớ bài thơ nào của anh.
Anh hiện sống ở Sóc Trăng.
5- Đỗ Thị Minh Giang, chị là người nữ duy nhứt trong nhóm mà tôi biết, bút hiệu Hồng Diễm. Gần đây có lẽ HD làm khá nhiều thơ. Không biết chị có in tập thơ nào chưa? Trên trang web Hoàng Diệu có thơ chị. Ngoài ra còn thấy thơ chị ở nhiều trang web khác kể cả những bài thơ được nhiều người viết thành nhạc.
Hồng Diễm đang sống ở Mỹ.
6- Về phần người viết bài này, tôi chưa in tập thơ nào chỉ đóng góp trong các tuyển tập với anh em ở Úc châu.
Về các anh em trong nhóm nhưng không phải là HS Hoàng Diệu:
7- Phù Sa Lộc
Tên thật là Diệp Ngọc Sơn, anh làm nhiều thơ, anh phục vụ quân đội trước 75. Sau này vẫn tiếp tục viết. Gừng càng già càng cay cho nên năm 89 anh có tập “Thơ tình tuổi 40”. Một đoạn trong bài ”Chuyện Tình” trích trong tập thơ trên
Tôi ho đâu phải vô tình
(Đến hồi lá phổi bất bình cái môi)
Tôi ho là để ho thôi
Cho nhà em bớt lẻ loi tiếng người.
Phù Sa Lộc đang sống ở Cần Thơ.
8- Nguyên Nghĩa
Tôi biết Nghĩa từ thời còn là anh học trò nhà ở bến Bãi Sậy Chợ Lớn. Thời mới tập tễnh làm thơ anh có bút hiệu là Trương Thanh Thùy. Chỉ gặp nhau một lần ở nhà chị của Lệ Lệ ở Chợ Lớn thời đó dường như anh học lớp đệ tam rồi mãi cho tới khoảng 89 được thư anh từ Canada sau đó là tập truyện “Chờ Chết” do Xuân Thu ở Mỹ in. Tập truyện viết về những ngày phục vụ trong binh chủng pháo binh sư đoàn 21 của anh. Tập này có nhiều truyện rất hay, tiếc là anh viết không đều tay. Sau tập đó anh làm báo và không còn thấy truyện của anh nữa, cả thơ cũng ít đi. Anh cũng có bài thơ về mẹ rất cảm động
Chạm tay vào bóng đêm giam kín
Tưởng thấy đâu đây chỗ mẹ nằm
Có thời anh làm thơ ký toà soạn cho Làng Văn.
Anh hiện sống ở Mississauga, Canada.
9- Trần Kiêu Bạt
Là người không học Hoàng Diệu nhưng anh em trong nhóm biết tới nhiều vì máu lang bạt kỳ hồ của anh. Tên thật là Lê Tấn Nhứt, anh cả trong gia đình có 9-10 anh em. Tôi có rất nhiều kỷ niệm với Trần Kiêu Bạt nhứt là những năm tháng học ở trường Khoa học Cần Thơ, cuối tuần tôi hay lên lộ 19 cạnh hãng nước mắm Nam Kỳ ghé nhà Bạt ăn những bữa cơm gia đình ngon lành do má anh nấu. Anh là người mê văn nghệ, cả những cô em gái cũng vậy, ai cũng có giọng ngâm thơ rất truyền cảm và giọng ca rất hay. Tới Mỹ khoảng thập niên 90, máu giang hồ thơ túi rượu bầu vẫn đầy trong anh.
Anh đã mất ở Mỹ trong một tai nạn xe cộ năm 2005. Trong tạp chí Thư Quán Bản Thảo do Trần Hoài Thư chủ trương ở tập số 37 có một chương tưởng niệm nhà thơ Trần Kiêu Bạt. Tôi tìm ở đó bài thơ rất cảm động anh nói về mẹ trích trong bài viết của Lương Thư Trung viết về anh:
Khi về thấy trước hàng ba
Mẹ tôi hiu hắt ngồi pha nỗi sầu
Tấm lòng năm cũ còn đau
Nhìn qua mái tóc mẹ, màu phai đi
(Ghi chú của người viết: Trên các trang web có một nhà thơ khác là Trần Kiêu Bạc, với Bạc chữ “c” cuối là một nhà thơ khác)
Nhóm Khuôn Mặt Học Trò
Đây cũng là một nhóm thơ của những HS Hoàng Diệu. Anh em trong nhóm này có lẽ trẻ hơn chúng tôi. Nhóm có lẽ cũng thành lập sau HT 20. Tôi không biết hết thành viên trong nhóm chỉ nhớ người trưởng nhóm là Bùi Văn Bình. Nhóm này cũng một thời có nhiều thơ đăng trên các báo ở Sài gòn.
Bùi Văn Bình đang sống ở Sài gòn.
Nhóm Cung Thương Miền Nam
Theo tài liệu tôi nhận được từ anh Trần Phù Thế ở South Carolina để bổ sung thêm cho những phần thiếu sót của tôi về nhóm này. Nhóm CTMN được thành lập ngày 15-2-1963 với những thành viên ban đầu là HS Hoàng Diệu và sau này có thêm anh em không phải là dân Hoàng Diệu xin gia nhập nhóm.
Trưởng nhóm: Trần Văn The bút hiệu Mặc Huyền Thương.
Thành viên: Lâm Hảo Dũng bút hiệu Avye và Mây Viễn Xứ, Lưu Vân Nguyễn Văn Hạnh bút hiệu Triệu Ngọc, Nguyễn Lệ Tuân, Trần Biên Thùy.
Tôi nhớ khoảng thời gian thành lập và những năm sau nhóm CTMN đã đóng góp nhiều cho các Giai phẩm Xuân của trường HD vào mỗi dịp Tết. Nếu anh em HD nào còn lưu giữ được những Giai Phẩm Xuân HD những năm 60 thì sẽ rõ điều này. Vì là đàn anh trong trường nên được thầy cô chiếu cố và tin cậy. Thật ra cũng nhờ khả năng viết lách của các anh trong nhóm.
1-Trần Văn The (Mặc Huyền Thương):
Sau này đi vào quân đội anh vẫn làm thơ và lấy bút hiệu mới là Trần Phù Thế cho tới nay. Nhờ người bạn học trong nhóm HT20 là anh Khánh Xuyên quê Đại Ngãi, cha mẹ anh mướn cho ngôi nhà gần trường HD, tan trường tôi thỉnh thoảng ghé chơi và nhiều lần gặp anh Mặc Huyền Thương ở đó. Chúng tôi thường ngồi tán gẫu với anh rồi chép thơ gởi báo. Anh The là người ăn nói điềm đạm và có vóc dáng của một nhà giáo đạo mạo hơn là một nhà thơ giang hồ lãng mạn. Khoảng đầu năm 80 tình cờ lang thang trên con đường cũ, con đường rất quen và rất lạ, con đường đã mòn bao nhiêu gót giầy thời sinh viên ở trường Khoa học cũ ĐH Cần Thơ tôi gặp anh đang lai rai với một HD cùng lớp. Lúc đó anh đi tù mới về, bà chị có ngâm cho bình rượu thuốc để anh uống hòng trị các căn bịnh do chế độ tù còn tiềm ẩn trong cơ thể anh. Bàn nhậu hết rượu anh về rót một lon guigoz rượu thuốc mang tới, rượu thuốc ửng màu vàng nhạt như màu trà trông rất ngon. Tôi không biết uống rượu nhưng cũng chếnh choáng hơi men chiều hôm đó. Tiệc tàn chia tay tôi vượt biên định cư ở Úc còn anh đi HO. Tới Mỹ anh viết cho các tạp chí Miền đông Hoa kỳ và các tạp chí văn nghệ khác như Thư Quán Bản Thảo…
Anh đã in 2 tập thơ: “Giỡn Bóng Chiêm Bao” (2003) và “Gọi Khan Giọng Tình” (2009). Cả hai tập thơ đều được anh em và những người yêu văn nghệ yêu mến. Ngoài ra anh còn góp mặt trong các Tuyển tập của nhóm Văn hóa Pháp Việt xuất bản ở Pháp. Anh cũng được mời giữ trang Giới thiệu các người làm thơ trên trang web Trẻ News ở Mỹ.
Tôi thích bài Bậu Về trong “Gọi Khan Giọng Tình” của anh
Bậu về liếc mắt đong đưa
Gió xuân đầy mặt như vừa chín cây
Bậu về má đỏ hây hây
Ta mười lăm đã lòng say bậu rồi…
Anh Trần Phù Thế đang sống ở South Carolina Mỹ.
2-Lưu Vân:
Học cùng thời với anh Trần Phù Thế. Nhớ thời những năm sáu mươi, Anh LV gởi bài cho một Giai phẩm Xuân HD, trong một bài thơ anh viết có câu:
Tôi vẫn đón Xuân bằng chén rượu
Bằng dòng khói thuốc quyện không gian
Vị giáo sư Việt văn phụ trách tờ báo đã gọi anh lên để anh được nghe “giảng bài”. Ông nói Em còn trẻ là học sinh mà sớm bi quan tập tành rượu chè thuốc lá đón Xuân thì không được. Không biết kết thúc câu chuyện ra sao. Thời ở HD anh LV làm thơ và còn viết truyện ngắn. Anh đã in 4 tập thơ. Dịch truyện từ Anh sang Việt ngữ 9 tác phẩm.
Lưu Vân hiện sống ở Long Thành (tỉnh Đồng Nai).
3- Lâm Hảo Dũng:
Ban đầu mới làm thơ anh lấy bút hiệu Avye. Cùng tham gia làm các Giai phẩm Xuân HD. Hết lớp đệ tam anh rời HD lên học Nông Lâm Súc Cần Thơ. Có lẽ xa nhà sớm nên anh đổi bút hiệu là Mây Viễn Xứ. Giai đoạn này anh quen biết nhiều anh em cùng trường học tới từ Châu Đốc, trong đó có Trần Biên Thùy cũng là thành viên của Cung Thương Miền Nam sau này. Chính thời gian ở trọ trong con hẻm gần nhà Lê Tấn Nhứt đã làm Nhứt mê thơ hơn và nhà thơ Trần Kiêu Bạt xuất hiện sau đó. Theo bước chân những HD khác anh đi vào quân đội phục vụ trong binh chủng pháo binh. Đơn vị anh đóng là thành phố mà nhà thơ Vũ Hữu Định đã có bài thơ nổi tiếng, thành phố Pleiku.
Thời gian trong quân đội anh ký tên thật cho các bài thơ viêt về cuộc chiến và dùng bút hiệu này cho tới nay.
Chu Pao ai oán hờn trong gió
Mỗi tấc khăn sô một tấc đường…
Có một thời thơ anh đưọc trích giảng cho học sinh lớp 11- 12, khi các em chọn Việt ngữ là môn nhiệm ý và được tính điểm trong kỳ thi tốt nghiệp trung học ở tiểu bang NSW Úc. Bài “Tôi Vẫn Biết Em Buồn Bên Mái Lá” từng được trích dạy.
Tôi vẫn biết em buồn bên mái lá
Hàng bụp xưa đôi búp nhú ơ hờ
Đất xa trời bao năm mà đất nhớ….
Lâm Hảo Dũng đã in 3 tập thơ:
Ngày đi thương sợi khói bên nhà (Nhân Văn, Hoa kỳ 1985)
Tóc em dài em cài bông hoa lý (Việt Publication, Canada 1989)
Đi giữa thời tan nát (Tác giả ấn hành).
Lâm Hảo Dũng hiện sống và làm báo ở Vancouver, Canada.
4- Triệu Ngọc:
Anh cũng tham gia sinh hoạt trong CTMN nhưng ít thấy thơ anh xuất hiện. Dường như chỉ một thời gian ngắn sau đó anh không còn sinh hoạt nữa. Sau này khi dạy học ở Kế Sách tôi gặp anh, hai vợ chồng anh là giáo viên dạy trường tiểu học, anh có một căn nhà nhỏ ở cạnh trường. Thỉnh thoảng tôi ghé chơi uống một tách trà chớ ít khi nghe anh bàn chuyện thơ văn.
Anh đang sống ở Việt Nam.
5- Trần Biên Thùy:
Không phải là dân HD, anh quê Châu Đốc. Không biết có in tập thơ nào chưa?
6- Nguyễn Lệ Tuân:
Quê Sài gòn cũng không là dân HD. Trước 75 anh có in tập thơ “Việt Nam Quê Hương Máu Và Nước Mắt”. Nguyễn Lệ Tuân đã mất ở Sài gòn.
Thưa các bạn, trên đây chỉ là những ghi nhận theo trí nhớ của tôi. Ghi lại để nhớ cho một thời sinh hoạt của một số anh em HD. Thời gian hơn 40 năm gần nửa thế kỷ chắc cũng đủ dài để chúng ta quên đi rất nhiều chi tiết vụn vặt nhưng thú vị. Chúng tôi cũng nêu một số trường hợp mà chúng tôi vừa biết gần đây:
-Anh Phan Trường Ân (Phan Anh Dũng) hoạt động trong lãnh vực báo chí ở Mỹ và là người lo cho ĐS HD.
-Hoặc như anh Nguyễn Ngọc Mạnh là một trong 7 người trong ban biên soạn quyển sách “30 Năm Văn Học Nghệ Thuật của người Việt ở Úc”, một quyển sách biên soạn khá công phu (xuất bản ở Brisbane 2005 Úc châu).
-Anh Phạm Hùng Kiệt là người đóng góp nhiều cho trang web HD anh là người đầu tiên mà chúng tôi liên lạc để tới với ĐS HD.
-Ngoài ra còn rất nhiều HD khác mà chúng tôi mới biết khi đọc các ĐS kể cả các thầy cô đã viết bài cho HD.
Cũng như trong tựa của bài viết chúng tôi cũng ghi nhận về những người cầm viết từng là giáo sư HD:
1-Thầy Nguyễn Tư Thiếp, bút hiệu Nguyễn Tư. Đã in trên mười tác phẩm gồm: thơ, truyện ngắn và truyện dài.
Thầy Nguyễn Tư đang sống ở Sydney, Úc châu.
2-Thầy Võ Tấn Phước, bút hiệu Võ Kỳ Điền. Đã in một số tập truyện ngắn. Tập truyện đầu “Kẻ Đưa Đường“ được nhiều người ưa thích.
Thầy Võ Tấn Phước đang sống ở Montreal, Canada. Tên tuổi của 2 vị giáo sư HD này thì chúng ta ai cũng biết qua các tác phẩm đã xuất hiện trên các văn đàn hải ngoại hơn ba thập niên qua.
(trích Đặc san Hội Ngộ Hoàng Diệu 2010, in tại Hoa Kỳ)
No comments:
Post a Comment
Note: only a member of this blog may post a comment.