Saturday 30 June 2018

Thơ của các tác giả Hồn Trẻ 20

Thùy Thanh Trương
Chân thật

em xưng chân thật mà yêu, ghét
giữ trong lòng, không nói thẳng ra
tôi chẳng tò mò nhưng muốn biết:
em yêu ai, và có ai là?

riêng tôi thật quá đôi khi vụng
yêu, ghét ai, tỏ lộ ra liền
em chẳng tò mò nhưng tôi vẫn
thú thật: chưa hề dám ghét em!

Thùy Thanh Trương






Friday 29 June 2018

Hồn Trẻ 20 và bạn hữu

Nói chuyện túc cầu
Người Xứ Bưởi
28 tháng 6 năm 2018

Trước vòng bát kết & sau 48 trận/World Cup 2018: Ai thắng & ai bại?

Sau 48 trận đấu, World Cup 2018 chính thức bước vào vòng bát kết đầy sôi nổi.
16 trận đấu cuối cùng trong vòng bảng vừa qua đã quyết định ai phải cuốn gói ra đi và ai có quyền ở lại tiếp tục tham dự "cuộc vui" vào vòng bát kết.
Đúng như người viết đã phân tích và báo động ngay sau trận đấu đầu tiên trong vòng bảng với kết quả Đức (Germany) thua Mễ Tây Cơ (Mexico) với tỷ số 0:1 như sau:
"Nếu nhìn kỹ lại trong các kỳ World Cup vừa qua đã có hiện tượng "đặc biệt" là các đương kim vô địch đều bị "văng" ra và "cuốn gói" đi về ngay trong vòng bảng. Điển hình như đội tuyển Ý trong World Cup 2010. Hoặc đội tuyển Tây Ban Nha trong World Cup 2014. Thành ra chuyện đội tuyển Đức không vào được vòng bát kết là chuyện có thể xảy ra vì khi đang giữ chức vô địch thì thường hay "làm phách chó" nên dễ bị thua ẩu lắm". (xem nguồn 1 phía dưới).
Vâng, không ngờ đội tuyển Đức bị loại ra khỏi vòng chiến không được vào bát kết. Hình ảnh "khóc ròng" cho thấy nỗi buồn thê thảm khi đá thua Nam Hàn (South Korea) với tỷ số 0:2 nên đành đứng hạng "bét" trong bảng F. Chuyện này chưa hề xảy ra trong lịch sử cả gần trăm năm túc cầu của Đức. Chắc chắn có những lỗi lầm lớn mà cả nước Đức đã bàn tán "khủng khiếp" sau trận đại bại "nhục nhã" đó.

I/ Kết quả sau 48 trận / World Cup 2018
Kết quả 48 trận đấu vừa qua cho thấy 16 đội tuyển bất ngờ đã lọt được vòng bát kết và 16 đội tuyển phải " cuốn gói đi về nước":

1) Group A
Uruguay 3 – 0 Russia
Egypt 1 – 2 Saudi Arabia
Russia 3 – 1 Egypt
Uruguay 1 – 0 Saudi Arabia
Russia 5 – 0 Saudi Arabia
Uruguay 1 – 0 Egypt

2) Group B
Portugal 2 – 2 Spain
Iran 1 – 1 Morocco
Portugal 1 – 0 Morocco
Iran 0 – 1 Spain
Iran 1 – 0 Morocco
Portugal 3 – 3 Spain

3) Group C
France 0 – 0 Denmark
Peru 2 – 0 Australia
France 1 – 0 Peru
Denmark 1 – 1 Australia
France 2 – 1 Australia
Denmark 1 – 0 Peru

4) Group D
Argentina 2 – 1 Nigeria
Croatia 2 – 0 Iceland
Croatia 3 – 0 Argentina
Nigeria 2 – 0 Iceland
Croatia 2 – 0 Nigeria
Argentina 1 – 1 Iceland

5) Group E
Brazil 2 – 0 Serbia
Costa Rica 2 – 2  Switzerland
Brazil 2 – 0 Costa Rica
Serbia 1 – 2  Switzerland
Serbia 1 – 0 Costa Rica
Brazil 1 – 1 Switzerland

6) Group F
Sweden 3– 0 Mexico
Germany 0 – 2 South Korea
Mexico 2 – 1 South Korea
Germany 2 – 1 Sweden
Mexico 1 – 0 Germany
Sweden 1 – 0 South Korea

7) Group G
Belgium 5 – 2 England
Panama  5 – 2 Tunisia
Belgium 5 – 2 Tunisia
England 6 – 1 Panama
Belgium 3 – 0 Panama
England 2 – 1 Tunisia

8) Group H
Colombia 1 – 0 Senegal
Japan 0 – 1 Poland
        Japan 2 – 2 Senegal
Poland 0 – 3 Colombia
Japan 2 – 1 Colombia
Senegal 2 – 1 Poland

II/ Ai thắng?
1) Đó là 16 đội tuyển đã oanh liệt lọt vào vòng bát kết gồm có: Uruguay, Nga (Russia), Spain, Portugal, Pháp (France), Denmark, Croatia, Argentina, Brazil, Switzerland, Sweden, Mexico, Bỉ (Belgium), Anh (England), Colombia và Japan.
2) Sáu đội tuyển có kết quả "ngon lành" nhứt với thành tích "bất bại". Trong đó có Croatia và Uruguay nổi bật với cả 3 trận thắng đuợc 9 điểm tối đa đứng dẫn đầu thiên hạ. Kế tới là Pháp, Brazil không thua trận nào được 7 điểm. Còn lại Spain, Portugal có 2 trận huề nên chỉ được 5 điểm.
3) Japan gặp hên vì có cùng 4 điểm cùng số bàn thắng & bàn bại với Senegal, những so sánh thẻ vàng thì ít hơn nên được lọt vào vòng bát kết.
4) Riêng về đội tuyển Argentina thì vô cùng may mắn vì đến phút chót đã không còn hy vọng gì cả nhưng bất ngờ đá lọt lưới thắng Nigeria với tỷ số 2:1 để được đứng hạng nhì trong bảng D để được vào vòng bát kết. Đúng là đã thực sự "về từ cõi chết".

III/ Ai bại ?
1) Dĩ nhiên là tất cả 16 đội tuyển phải "cuốn gói" mua vé máy bay ra về. Nhưng rất nhiều đội tuyển thuộc loại "nhược tiểu" thì chuyện này đương nhiên vì được tham dự World Cup 2018 là "mừng gần chết" rồi đâu dám mơ ước gì hơn nữa. 
2) Đáng ghi nhận là cả Phi Cháu không còn đội tuyển nào đuợc lọt vào vòng bát kết, mặc dù họ có rất nhiều cầu thủ xuất sắc với "đẳng cấp thế giới". Nhưng túc cầu là môn chơi đồng đội, cho nên tài nghệ một cá nhân chưa phải là yếu tố then chốt để đội banh có thể thắng trận được. Bên cạnh đó, ê kíp huấn luyện viên cũng đóng vai trò quyết định thắng bại của đội banh. Điều này cho tới nay các đội tuyển Phi Châu vẫn chưa khắc phục nổi.

IV/ Tại sao đội tuyển Đức "đi vào cõi chết"?
Vâng, không còn "về từ cõi chết" nữa như trong trận đấu với Thụy Điển (Sweden) thắng vào giây phút cuối, mà chính thức "đi vào cõi chết" khi thua thê thảm trước Nam Hàn với tỷ số 0:2 và phải "cuốn gói ra về". Mất hết không còn gì nữa, nhứt là mất luôn cả "hào quang" 4 lần vô địch thế giới đối với mọi đội tuyển khác. Thực vậy xem kỹ 3 trận đấu vừa qua trong bảng F với Mexico, Thụy Điển và Nam Hàn cho thấy không phải lối đá với "đẳng cấp vô địch" trước các đội tuyển loại hạng trung cấp.
Câu hỏi được bàn tán xôn xao: Tại sao một đội tuyển đương kim vô địch lại thua thê thảm vậy?
Như người viết đã đưa ra nhận xét ngay khi Đức bị thua trước Mexico là căn bịnh "làm phách chó" khiến các đương kim vô địch như Ý, Spain đã bị loại ngay trong vòng bảng dù chưa gặp đối thủ nặng ký. Lần này Đức còn tệ hại hơn nữa là trong bảng F chỉ có 3 đội tuyển hạng "trung cấp" chưa bao giờ đã tiến vào chung kết. Chính vì vậy ngay sau khi bốc thăm được vào bảng F, dư luận Đức đã vội bình luận là "gặp may" ngay trong vòng bảng và nghĩ rằng ít nhứt cũng phải tiến vào đến vòng bán kết theo lộ trình được đặt ra của World Cup 2018. 
Ngoài lý đó then chốt "làm phách chó" khinh thường đối thủ còn có một vài yếu tố quan trọng khác nữa. Chẳng hạn:
        1) Các cầu thủ trước đây đoạt giải vô địch thế giới nay đã già hơn 4 tuổi nên hết còn tính thần trẻ trung và không có sức dẻo dai để chạy tung hoành nữa. Đặc biệt là tiền vệ Khedira và Kroos chỉ còn là bóng mờ so với World Cup 2014. Nhứt là Kroos đã đưa bánh sai trật một cách lãng xẹt khiến đã thua 2 quả có tính cách quyết định. Tương tự Khedira chỉ lo ngó banh chứ không chạy theo banh nên cũng góp phần làm thua trước Mexico và Nam Hàn.
2) Huấn luyện viên Loew đã nắm chức vụ 12 năm rồi nên mọi chuyện trở thành quá thông thường, nhứt là không hề có đối thủ nào tranh giành với chức vụ này cả nên chả cần phải cố gắng trau giồi nghề nghiệp. Có thể so sánh giống như dân công chức không bao giờ sợ bị mất việc nên ít chịu học hỏi thêm. Sau trận thảm bại "nhục nhã" này thượng sách hơn hết là nên thay đổi sâu rộng về nhân sự như hồi năm 2004 đã can đảm bổ nhiệm ông Klinsmann làm huấn luyện mới và nhờ có cuộc cách mạng nhân sự này nên Đức đã vô địch thế giới vào năm 2014.

V/ Trước vòng bát kết
Vòng bát kết bao gồm 8 trận thư hùng như sau :

1) France  – Argentina
2) Uruguay – Portugal
3) Spain – Russia
4) Croatia  – Denmark
5) Brazil – Mexico
6) Belgium  – Japan
7) Sweden – Switzerland
8) Colombia – England

Nhìn thoáng qua thì thấy 4 trận đấu tương đối rõ ràng "cán cân lực lượng" gồm Spain – Russia , Croatia  – Denmark, Brazil – Mexico và Belgium  – Japan.
Kết quả sẽ cho thấy có thể Spain, Croatia, Brazil và Belgium thắng trận để vào vòng tứ kết.
4 trận còn lại chưa rõ ràng gồm France – Argentina, Uruguay – Portugal, Sweden – Switzerland và Colombia – England  và kết quả tùy thuộc vào "công lực" đạt được trên sân cỏ vào ngày tranh tài.
Rất có thể có kết quả đưa tới cuộc đụng độ trong vòng tứ kết với 4 trận thư hùng như sau :
1) Brazil – Belgium
2) France  – Portugal
3) Spain – Croatia
4) Sweden – England

        Hãy chờ xem !

Người Xứ Bưởi
28 Tháng 06, 2018
------------------- 
Nguồn 1: Báo động ngay sau trận đấu đầu tiên trong vòng bảng: Đức không vào được vòng bát kết là chuyện có thể xảy ra.

Những bài viết khác


KHÓC TRONG VÔ THỨC

Đỗ Cao Cường

Ngày hôm nay, tôi định dành cả buổi để nghiên cứu kỹ hồ sơ, dựng phim về những người dân oan ngoài Hà Nội, nhưng vô tình đọc được tin tức về những người đồng bào bị lũ cuốn trôi, chứng kiến cảnh những đứa con Tây Bắc nằm sõng soài, bất lực trước quê hương, đất nước, nhiều ngôi nhà che mưa che nắng nay đã không còn, tài sản, gia súc, gia cầm cũng bị lũ cuốn theo... thật khó mà cầm lòng cho được.

Năm nào cũng vậy, một năm mấy bận, con mất mẹ, vợ mất chồng, nhiều đứa trẻ đỏ hỏn quanh năm thiếu ăn thiếu mặc, nhiều đứa trẻ nuôi hy vọng là được ra thủ đô chơi một lần cho biết, vậy mà, giờ đã không kịp nữa rồi.

Tôi cũng xin phép được nói thẳng, thiên tai chỉ là một phần, còn phần khác, chính quyền định đổ tội cho ai?

Các bạn cứ ngẫm mà xem, từ bao đời nay, đồng bào vẫn sinh sống yên bình, dựng nhà dựng cửa giữa vùng thung lũng, lấy vợ sinh con, sau bao thế hệ mà có làm sao đâu. Vậy mà, chỉ trong vòng mấy năm nay, sao mà khổ quá trời!

Trong chuyến đi thực hiện phóng sự “Tiếng kêu cứu từ rừng Tây Nguyên” của mình, mặc dù rất âm thầm, nhưng không hiểu sao sau khi làm việc với kiểm lâm, vừa ra khỏi cổng trạm thì lập tức có vài thanh niên lạ mặt bám theo, tôi đoán được rằng họ đã báo cho nhau biết, nên mới có câu chuyện “con voi chui lọt lỗ kim, còn con kiến thì không”.

Một thanh niên chở 2 thớt gỗ dễ dàng bị phát hiện, bị khởi tố, còn nhiều xe gỗ được chở âm thậm, qua bao nhiêu trạm mà lại không ai biết?

Nhiều người dân địa phương đã phải thốt lên rằng, “còn rừng nữa đâu mà làm phóng sự hả chú”.

Chắc cũng chỉ mấy năm nữa thôi, nhiều trận lũ lịch sử cũng sẽ tìm đến đồng bào Tây Nguyên, không riêng gì miền Trung, miền Bắc. Chính ông chủ tịch huyện Buôn Đôn cũng đã thừa nhận với tôi, “giám đốc vườn quốc gia chính là lâm tặc”.

Cùng với đó, việc xây dựng các đập thủy điện không minh bạch, không tính toán kỹ về khoảng cách an toàn, mức độ, lưu lượng... cũng là nguyên nhân gây ra lũ.

Còn nhớ thời điểm năm 2015, thủy điện Sông Miện 5 xây vượt thiết kế và tích nước vượt quy định an toàn cho phép, nhiều người dân Hà Giang kêu cứu, sau đó họ bất lực ngồi nhìn, và bây giờ họ vẫn đang ngồi nhìn nhau, nhưng ngồi ở bên kia suối vàng.

Công trình thủy điện không phép, với nhiều sai phạm, nhưng không hiểu sao nó vẫn ngang nhiên tồn tại, tôi biết, bạn biết, nhưng nói ra thì người ta lại quy cho mình cái tội phản động.
Làm thủy điện không minh bạch, phục vụ các nhóm lợi ích, muốn xả lúc nào thì xả, làm sân golf, biệt thự, trang trại cũng không minh bạch, chiếm hết đất rừng, làm cháy rừng, phá rừng nguyên sinh trồng cây công nghiệp không mang lại hiệu quả lâu dài...

Và cuối cùng, nhiều cánh rừng nguyên sinh đã bị chặt hạ không thương tiếc… kéo theo đó là người, gia súc cũng chết theo, ruộng nương, xóm làng tiêu điều, đồng bào vốn đã khổ nay còn khốn khổ hơn.

Một số chết rồi còn đỡ, chứ sống mà cứ phải nhìn cảnh nhiều người thân bị lũ cuốn trôi, chó cưng, nhà cửa, quê hương cũng không còn, đêm xuống thì quần áo ướt nhèm, không biết ngủ ở đâu, cũng chỉ biết ngồi khóc, khóc từ ngày này qua ngày khác, sống như thế, có khi còn khổ hơn là chết.

SỐNG TẠM

Đất nước tôi sao mà buồn đến thế
Hết cây xanh bị chặt đến rừng thiêng bị phá
Biển đầy tôm cá bất lực trước nhân tai
Ruộng lúa hoang mang, cò bay đâu hết cả?
Giếng nước trong lành là ký ức đã ngủ quên
Tuổi thơ khốn khó nghèo nàn, em tôi ơi đừng khóc
Mùa đông không áo không quần, em còn đứng đợi ai?
Cơn lũ này chưa qua, lũ sau đã lại về
Người mẹ già còng lưng đợi con mình đi biển.
Sao mãi chẳng chịu về, các con ơi?
Nước mắt cứ rơi…
Vì những gánh hàng rong còn dang dở
Phường thu hết rồi, u biết lấy gì nấu cháo nuôi em?
Thôi tối nay cố nhịn, đừng buồn, con yêu nhé
Rồi sớm mai u lại gánh hàng rong ra chợ
Dù ngày mai có chết, ta vẫn phải lê lết, các con ơi.
Đỗ Cao Cường