Monday, 27 January 2014

Thơ của các tác giả Hồn Trẻ 20

Lý Thừa Nghiệp

THƠ TRÊN ĐỒI MƯA













Làm thơ trên đồi mưa
Đàn ngựa hí vang trời
Mai vàng chưa nở hết
Đợi Tết người về chơi.
*
Thơ rơi bàn tay nhỏ
Em đầu ngõ mùa xuân
Lòng ta hề! lộng gió
Nên thơ đề thậm thâm.
*
Thơ xanh tràn trên lá
Hàng đàn bướm bay qua
Đất trời kia vô ngã
Nên tâm lượng hải hà.
*
Thơ reo từng hạt lúa
Chập chùng biển quê hương
Em ơi, màu mây lụa
Là tim máu cội nguồn.
*
Em bốn mùa hương sắc
Trên đồi núi hoa vàng
Thơm lên từng chân tóc
Nên thơ rót ngút ngàn.
Lý Thừa Nghiệp

Nguồn: Tác giả gửi

Friday, 24 January 2014

Những sáng tác khác

Xuân Quê Ta

Nhạc phẩm: NHẬT TRUNG
Các đoạn xướng: NGUYÊN NGHĨA viết


Nối từ: YouTube


Năm cũ sắp qua
Năm mới cận kề
Người xa trở về
Gia đình đoàn tụ
Con cháu đông đủ
Đón rước ông bà
Sửa sọan cửa nhà
Gọn gàng năm mới
Đầu năm mừng tuổi
Chúc khắp mọi người
Một năm tươi vui
Hưởng nhiều lộc phước
Sức khỏe là trước 
Mới đến tiền tài
Trẻ già gái trai
Sống đời sung sướng
....

.....
Chúc hết mọi người
Năm mới lên hương
Ngành nghề doanh thương 
Tha hồ hốt bạc
Con cháu Hồng Lạc
Lúa gạo đầy kho
Lứa tuổi học trò
Thành tài đỗ đạt
Ca sĩ đi hát
Nhạc hội thành công
Khách tới coi đông!
CHÚC MỪNG NĂM MỚI
..... 
(Nguyên Nghĩa)

Wednesday, 15 January 2014

Các sáng tác khác của Hồn Trẻ 20

NGUYÊN NGHĨA
Nghĩ sao viết vậy (5)

(về chuyện công bằng)

Quí vị vẫn ung dung thoải mái xài sản phẩm copy, sản phẩm giả mạo, thì chuyện nhà sản xuất sản phẩm chính gốc bị mất mát bạc triệu, bị lỗ lã mấy chục năm nay không phải là chuyện khó hiểu.

Khi việc kinh doanh thua lỗ thì người chủ đó có bán đi hoặc sang nhượng cơ sở kinh doanh đó, cũng là chuyện thường tình. Quí vị lấy tư cách gì để chê trách, bài bác hoặc ngăn trở việc bán hoặc sang nhượng đó? (Huống chi, quí vị chẳng có chứng từ gì mà cứ đồn ầm lên rằng người chủ đó đã bán cơ sở kinh doanh rồi và ngay cả đã bán cho VC!)

Trong khi quí vị vẫn tiếp tục ung dung thoải mái xài sản phẩm copy, sản phẩm giả mạo!

Sunday, 12 January 2014

Thơ của các tác giả Hồn Trẻ 20

LÂM HẢO KHÔI
Trên đường về

Hôm ta về xếp đôi tờ giấy trắng
Xếp làm tư làm tám giữ trên tay
Xếp như gói bóng hình ở lại
Trên vai ta đằm thắm tóc em dài

Sông là để những thuyền hoa về bến
Đời có khi nào con nước xuôi
Có chèo chống một mình qua nước ngược
Thì khóc theo sông bên lở bên bồi

Hôm ta về như qua dòng sông cũ
Xếp trên tay tờ giấy trắng em trao
Xếp như gói đời ta ở lại
Với dòng sông bến bắc năm nào

Hôm ta về là hôm ta ở lại
Đường phố xa hạt bụi nhớ thêm gần
Em chắc biết ly café lặng lẽ
Nói dùm ta về một nỗi bâng khuâng.

Lâm hảo Khôi
(12/11/13)

 
Nguồn: Tác giả gửi

Wednesday, 8 January 2014

Hồn Trẻ 20 và bạn hữu

VŨ ĐÌNH TRƯỜNG

Thêm Một Chuyến Đi Nhớ Đời

Bị bọn đạo tặc tặng cho một kỷ niệm khó quên trong lần đi chơi Toronto với các bạn từ Texas đến, tôi đã lòng dặn lòng rằng nhất định sẽ không trở lại thành phố đó. Ấy thế mà không hơn 2 tháng sau tôi và Non Nước lại lục tục khăn gói quả mướp trở lại cái thành phố rất ư là đáng ngại này.

Thú thật, đây không phải là lần đầu tiên tôi được dân anh chị ở Toronto "dàn chào". Cách đây khoảng 15 năm tôi đã có dịp ghé qua Toronto. Lần đó tôi cũng đi bằng chính chiếc xe mà tôi đã đi trong chuyến đi gần nhất, chuyến đi "khi đi lỉnh kỉnh áo quần, khi về một bộ trên thân ngậm ngùi". Tôi nhớ trong chuyến đi Toronto cách đây hơn 15 năm, giá xăng dầu đang lên cao, và hầu như trạm xăng nào ở Toronto cũng đầy ắp xe xếp hàng chờ đổ xăng.

Sau khi đi ăn ở một nhà hàng Tàu - lâu quá rồi không nhớ nhà hàng tên gì, chỉ biết là rất đông khách, đông đến nỗi bọn tôi và nhiều thực khách khác đã phải xếp hàng (lại cũng xếp hàng) đứng đợi - bọn tôi chất nhau lên xe đi đổ xăng trước khi về khách sạn. Chạy ngang qua một trạm xăng thấy giá thấp hơn nhiều trạm xăng khác, tôi tấp vào dù biết rằng sẽ phải chờ lâu vì hàng khá dài.

Tôi kiên nhẫn chờ và cuối cùng thì chiếc xe trước mặt tôi cũng vừa đổ xăng xong. Sang số nhưng chưa kịp chạy tới trước cột đổ xăng thì bất ngờ có một chiếc xe từ đâu đó đâm thẳng ngay vào đầu xe tôi rồi đậu ngay phía trước cột đổ xăng. Một tên da ngăm đen, trông có vẻ giống người Ấn độ, tướng tá khá cao lớn mở cửa xe bước xuống đổ xăng cho xe anh ta. Nghĩ bụng có lẽ anh ta không biết tôi đã phải xếp hàng chờ, tôi vội vàng bước xuống cho anh ta biết là đến lượt tôi đổ xăng và lẽ ra anh ta cũng phải xếp hàng như nhiều người khác. Nhìn tôi với ánh mắt khiêu khích, anh ta nói "So what? This is my city, I can do anything I want!" Lỉếc nhìn nhanh chiếc xe cũ móp méo của anh ta, tôi thấy có 2 tên khác đang ngồi chờ trên xe. Hai tên có vẻ như đang theo dõi động tĩnh của tôi. Nghĩ lại trên xe mình chi toàn là đàn bà con trẻ, tôi biết mình phải nhịn nhục chứ không thể làm gì khác hơn. Những chiếc xe phía sau xe tôi cũng không có thái độ gì. Chừng như họ biết không dại gì dây với hủi, hay đang áp dụng câu tránh voi chẳng xấu mặt nào.

Đêm đó khi về đến khách sạn tôi ức lắm. Tôi nghĩ giá mà xe tôi không đầy đàn bè trẻ nít thì không chừng tôi đã liều mạng thua đủ một trận với chúng rồi tới đâu thì tới. Sau này khi về Mỹ, kể câu chuyện đó cho những người đã từng đi Toronto nghe, họ nói tôi chưa bị bọn đó bắn là may. Tôi nghe nhưng bán tín bán nghi. Tôi nghĩ không lẽ Toronto, một thành phố lớn nhất nhì của Canada, lại đầy những hạng người...mất dạy như tên gốc Chà-và ấy. Sinh sống tại Virginia hơn 30 năm, chưa một lần tôi nghe ai nói có chuyện khinh thường, khiêu khích người khác như thế. Chưa bao giờ tôi phải lo ngại chuyện xe tôi sẽ bị đập, ngay cả lúc tôi để hàng hóa ngay trên ghế phía trước xe sau khi đi chợ hay đi thương xá . Người dân nơi tôi ở hiền hòa, hiếu khách, sẵn sàng bỏ thì giờ giúp chỉ đường cho du khách đi lạc hay những chuyện nhỏ nhặt khác. Thậm chí đôi khi có người còn dám ngừng xe lại trên highway để giúp người bị bể bánh xe, nhất là phụ nữ. Vì nghĩ như vậy, tôi đoán có lẽ mấy người bạn của tôi lo lắng thái quá. Tôi nghĩ, Toronto, như Montreal, một trong những thành phố của Canada mà tôi thích nhất, cũng hiền hòa như thành phố nơi tôi đang ở. Một vài con sâu nhất định không thể làm rầu nồi canh và bọn giựt dọc thảo khấu lưu manh mất dạy nơi nào chả có, không nhiều thì ít.

Sau lần bị đập xe ở phố Tàu Toronto, những gì tôi nghĩ tốt về Toronto ít nhiều đã bị thay đổi. Tôi thấy Toronto không còn là một nơi hiền hòa nữa, và có lẽ nó cũng "dữ" như New York, Chicago, Los Angeles vân vân. Càng nghĩ đến Toronto tôi lại càng thấy mình có phước khi nhìn quanh nơi tôi ở, người nào cũng hiền hòa, lịch sự và thân thiện. Có phải vì "ở đâu quen đó" chăng?

Trở lại với chuyện dự tính đi Canada lần thứ hai của chúng tôi.

Giữa tháng 10 có được vài ngày nghỉ, tôi rủ Non Nước trở lại thăm thác Niagara lần nữa vì lần đi trước quá gấp rút chẳng thưởng ngoạn được gì. Tôi bàn với Non Nước là nhân dịp này mình sẽ trở lại...Toronto để tìm thăm xếp TTL. Chuyến đi trước bọn tôi cũng có ý định muốn tìm gặp xếp TTL nhưng xếp quá bận nên không chúng tôi không gặp được. Mặt khác, nhân dịp này tôi sẽ tìm gặp 2 người bạn học cùng trường MĐC với tôi - một thuộc lớp đàn anh và một thuộc lớp đàn em - hiện đang sinh sống tại ngoại ô thành phố Toronto. Xem như một công hai chuyện, nhất cử lưỡng tiện, vừa đi chơi vừa có dịp thăm người thân quen. Nghe nói đến Toronto ("tổ rồng to"!) Non Nước có hơi ái ngại nhưng nghĩ đến chuyện biết đâu lần đi này sẽ có cơ hội gặp được xếp TTL, nàng không phản đối.

Thế là chỉ trong không đầy 2 tháng, chúng tôi lại đi Toronto. Lần này vì chỉ có 2 người cho nên chúng tôi mướn xe và mua thêm bảo hiểm để đề phòng xe bị đập lần nữa. Đi chơi mà cứ lo ngai ngái, thật là khổ. Bị thiệt hại mất mát một lần, chúng tôi như chim bị ná thấy cành cong cũng sợ.

 
Click here to view the original image of 1016x762px


Cảnh chợ ở Phố Tàu Suối Gà (Mississauga)

Nhưng rồi mọi chuyện cũng êm xuôi. Đúng như dự tính, tôi gặp được 2 người bạn đồng môn MĐC là anh Nguyên Nghĩa và anh TMT tại quán phở Đầu Bò ở Mississauga (anh Nguyên Nghĩa nói người Việt ở đây gọi Mississauga là "Suối Gà"!). Sau chầu phở, anh Nguyên Nghĩa rủ tôi và Non Nước về nhà anh chị ăn bánh uống trà trước khi đi London Green, Toronto thăm xếp TTL. Nhân dịp này, tôi nhờ anh NN chỉ đường nào đi gần và nhanh nhất. Anh lấy giấy vẽ đường rất tỉ mỉ và dặn dò tôi rất kỹ lưỡng rằng trước khi đến London Green tôi sẽ phải chạy trên đường Jane và khu Jane-Finch là một khu không mấy yên ổn. Bị tai nạn một lần cho nên nghe anh nói như thế, tôi ái ngại lắm. Đã thế chiều hôm đó trời còn mưa rả rít nữa. Phố lạ, đường lạ, trời lại mưa, khu phố sắp tới lại có tiếng xấu như khu Harlem của Nữu Ước hay SE của Washington, DC, tôi bàn với Non Nước rằng mình sẽ tùy cơ ứng biến. Nếu đến đó mà thấy bọn bất lương đứng đầy trên đường phố thì tôi sẽ làm một cú U-turn ngoạn mục rồi nhắm hướng Niagara Falls trực chỉ. Thà là mang tiếng nhát còn hơn là bị đập xe, cướp đồ thêm lần nữa.

 
Click here to view the original image of 1016x762p

Ở quán phở Đầu Bò. Logo của quán này giống như logo của phô mai La Vache Qui Rit nhưng thiếu hàng chữ La Vache Qui Rit. Chằng biết hai công ty này có bà con gì với nhau không?

Sau khi chia tay với anh NN, tôi và Non Nước ghé một tiệm rượu (LCBO) gần đó để mua 2 chai ice wine, một để bọn tôi và xếp TTL cùng uống và một để tặng xếp. Trước cửa tiệm rượu có 2 đứa bé người châu Á, có lẽ gốc Đại Hàn, mặc đồng phục, đang đứng bán đồ gây quỹ gì đó. Sau khi mua rượu xong, bước ra tôi dúi vào tay em 2 đồng Canada nhưng không mua hàng. Vừa ngạc nhiên, vừa mừng rỡ, các em cúi đầu cảm ơn. Sau lưng tôi, một người đàn ông da trắng bước ra và các em cũng mời ông mua ủng hộ. Ông này mặt mày bậm trợn hầm hừ nhìn 2 em nói "why should I buy from you!" rồi bỏ đi. Ở Virginia, chưa bao giờ tôi thấy có người ngáo ộp với trẻ em một cách dữ dằn như thế.

Gần đến đường Jane, Non Nước gọi xếp TTL cho biết chúng tôi đang đến để anh chuẩn bị. Chẳng hiểu sao điện thoại của Non Nước lại không xử dụng được. Tôi bảo Non Nước quay đầu xe lại đi tìm nơi nào đó có wifi để vào MGP viết PM cho anh với hy vọng biết đâu anh đang online. Tôi và Non Nước chạy vòng trở lại đường Eglinton Ave, ghé vào tiệm Subway mua một ổ bánh mì để có nơi ngồi xuống mở máy viết PM cho xếp TTL. Viết xong, tắt máy, tôi và Non Nước ra xe. Trời vẫn mưa lất phất. Non Nước nói nhỏ với tôi rằng có mấy tên đứng lố nhố gần đó đang dòm ngó chúng tôi. Có lẽ vì đã có ấn tượng không tốt về thành phố này cho nên chúng tôi thấy cái gì cũng đầy nghi ngại. Cho xe chạy ra khỏi parking lot, nhìn kính chiếu hậu tôi thấy bọn chúng vẫn còn đó. Chẳng hiểu là hạng người nào nhưng thôi miễn chúng đừng rượt theo hay nổ súng vào xe tôi là được rồi.

Đúng theo lộ trình anh NN đã chỉ, khoảng 10 phút sau tôi và Non Nước đến khu London Green. Trời mưa cho nên rất khó nhìn số nhà, tôi tấp đại vào parking lot đầu tiên rồi bảo Non Nước gọi xếp TTL lần nữa. Điện thoại của Non Nước lại cũng bị sao đó nên không gọi được, có lẽ vì ra khỏi vùng roaming của hãng điện thoại chăng? Nhìn quanh quất không thấy có bọn đứng đường như anh NN đã nói, tôi yên tâm mở cửa xe bước xuống đi tìm địa chỉ nhà xếp. Gặp một người đàn bà Á châu, tôi cho bà biết số nhà của anh TTL và hỏi bà số đó là của building nào. Nhận ra bà là người Việt, tôi mừng lắm và xin bà cho dùng điện thoại để gọi xếp TTL. Tôi nghĩ điện thoại của bà sẽ dùng được vì cùng area code với điện thoại của xếp TTL. Nghe tiếng xếp bên kia đầu dây, tôi mừng rơn. Tôi nói qua màn mưa, xếp ơi, xếp ra dẫn đường được không? Xếp nói, cứ chờ nơi đó đừng đi đâu và xếp sẽ đến ngay. Trả điện thoại lại cho chị người Việt, tôi cảm ơn rối rít rồi vào xe ngồi tránh mưa. Một phút sau Non Nước reo lên mừng rỡ, "ảnh" kia kìa! Tôi ngoáy đầu nhìn thì thấy một người đàn ông đang che dù bước đến. Thì ra đó chính là xếp. Tôi chở xếp đến đậu phía sau xe của xếp để xếp dời xe, dành chỗ cho chúng tôi đậu.

Có xếp, chúng tôi yên tâm hơn. Phố nhỏ dưới màn mưa trông hoang vắng, buồn buồn. Không một bóng người qua lại. Xếp đưa tôi và Non Nước qua một lối mòn ngắn để đến nhà xếp. Có một người đàn ông đứng khuất dưới hàng hiên hút thuốc, nếu không có xếp thì có lẽ tôi đã nghĩ ngay đến chuyện phải xem chừng chiếc xe mình kẻo bị nó đập. Xếp chào hắn, hóa ra quen. Tôi yên tâm không còn phải lo bị đập xe nữa.

Cửa vừa mở, cận vệ của xếp xông đến ngay. Thoạt đầu tôi tưởng là anh cận vệ nhưng hóa ra lại là cô cận vệ. Cô nhìn tôi và Non Nước lườm lườm như đang dò xét đối phương. Thấy xếp hộ tống chúng tôi vào nên cô ta chỉ lò dò theo sau coi chừng. Vài phút sau, cô cận vệ trở nên thân thiện với chúng tôi hơn và cô cũng nhảy phóc lên ghế ngồi bên cạnh chúng tôi. Bấy giờ thì cô cận vệ 4 chân có tên Phoebe và chúng tôi đã trở thành bạn. Cô rất dễ thương, làm Non Nước mũi lòng nhớ đến chú Otis của cô đã từ giã cõi đời cách đây khá lâu. Chú Otis cùng giống "pug" với Phoebe nên càng làm Non Nước nhớ con chó yêu quý của mình. Phoebe rất khôn, khi...nặng bầu tâm sự biết đi ngay vào góc riêng của cô trong rest room chứ không oanh kích bừa bãi. Thế mới biết cô cận vệ Phoebe đã được huấn luyện chu đáo, xứng đáng để nhận trọng trách bảo vệ xếp TTL.

Click here to view the original image of 1016x762p

Cô cận vệ Phoebe của xếp TTL

Nhìn xếp, Non Nước mừng khi thấy xếp vẫn còn nguyên phong độ của một hiệp sĩ ngày nào. Chỉ mới gặp xếp lần đầu nhưng tôi cũng đồng ý với nhận xét của Non Nưóc. Một mình tả xung hữu đột, xếp tiếp đãi chúng tôi rất chu đáo. Rượu chát rượu ngọt không thiếu thứ gì. Bàn ăn được bày ra với những món ăn do tự tay xếp nấu. Cá thịt ê hề nhưng tôi vẫn còn no vì tô phở quá lớn của quán Đầu Bò và trà bánh của chị Nguyên Nghĩa nên không ăn được bao nhiêu. Ăn uống xong thì cũng gần 9 giờ, xếp khui chai băng tửu rồi cùng chúng tôi cụng ly trước khi chia tay. Lẽ ra chúng tôi đã ngủ lại nhà xếp và xếp cũng đã chuẩn bị phòng cho chúng tôi nhưng vì phải trở lại khách sạn để gặp hai người bạn cũ từ Mỹ sang, chúng tôi đành cáo từ xếp để ra về.

Trước khi ra về, tôi và Non Nước gửi lại tặng xếp một chai băng tửu (ice wine). Chừng như biết chúng tôi sẽ tặng rượu cho nên xếp đã sẵn sàng một chai để tặng chúng tôi. Cũng may là Non Nước có thêm một hai món quà khác cho xếp, một chiếc áo dạ có in chữ Washington DC và một ly cách nhiệt dùng để uống cà phê do công ty Starbucks sản xuất. Áo này có thể mặc được cả 2 mặt trái và phải. Tôi chờ xếp mặc vào rồi bấm máy chụp vài bức ảnh làm kỷ niệm. Không biết xếp mặc đồ "size" số mấy, mua đại, ấymà chiếc áo lại rất vừa vặn với khổ người của xếp.

Có chúng tôi, cô cận vệ Phoebe được một bữa no nê. Tội nghiệp cô cứ đứng nhìn theo chúng tôi như còn luyến tiếc. Lại càng làm cho Non Nước nhớ con Otis! Rồi cũng phải chia tay, không chỉ chia tay với xếp mà với cả cận vệ Phoebe của xếp. Xếp đưa chúng tôi ra đến tận nơi đậu xe và cẩn thận hỏi chúng tôi có biết đường về không. Tôi nói không, nhưng có "bà" GPS đi theo nên chắc chắn sẽ tìm được đường về. Bấy giờ trời đã tạnh mưa. Xếp đứng đợi cho đến khi chúng tôi trở đầu xe nhắm hướng đường cái rồi mới quay lưng đi. Vẫy tay chào xếp lần nữa, chúng tôi theo sự hướng dẫn của GPS chạy thẳng về Niagara Falls.

Chúng tôi ở Niagara Falls thêm một ngày nữa rồi lên đường trở lại Virginia. Chuyến Gia-du lần thứ 2 có thể xem như khá thành công. Tôi gặp và biết thêm được 3 người bạn mới, anh Nguyên Nghĩa, anh TMT và xếp TTL. Nhất là với xếp TTL thì lần này cái duyên của tôi mới thực sự đến vì lần trước ngay trong tầm tay với mà tôi đã không gặp được xếp. Đã không gặp được còn bị người anh em Toronto tặng cho một phát nhớ đời.

Trên đường qua biên giới, ghé lại "duty free shop" mua vài món đồ, chúng tôi lại có cơ hội gặp được một gia đình người Việt cũng là dân Virginia. Càng hy hữu hơn là tại Virginia, tôi và họ chỉ cách nhau có vài dặm đường. Tôi cười và nói với họ "trái đất thấy vậy mà bé quá". Anh M, người tôi mới quen, vì phải chạy theo giữ cô bé con hay cháu gì đó lăng xăng lít xít nên trong lúc bất ngờ đã làm ngã một chai rượu lớn cỡ 2, 3 lít mà cửa hàng dùng để chưng chứ không bán. Chai rượu rơi xuống sàn gỗ, vỡ nát ra từng mảnh. Mùi rượu thơm lừng làm tôi tiếc rẻ vô cùng khi nghĩ rằng giá mà mình là sở hữu chủ của nó. Anh M. lúng túng, lo ra mặt khi không biết hậu quả ra sao, quản lý của tiệm sẽ giải quyết như thế nào. Anh đề nghị bồi thường. Sau vài phút chờ lệnh trên, ban quản lý quyết định không nhận tiền bồi thường. Thật là một cử chỉ đẹp vì tôi nghĩ, nếu họ bắt đền, giá tiền chai rượu vĩ đại đó chắc không phải nhỏ.

Click here to view the original image of 1016x762p

Vài phút sau khi bức ảnh này được chụp, một trong 3 chai rượu trưng bày đã rơi xuống vỡ nát (hình như chai Jameson thì phải)

Những gì mà một số người ở Toronto làm tôi có thành kiến thì bây giờ cử chỉ đẹp của các nhân viên cửa hàng duty free - cũng dân Canada - đã giúp tôi xóa đi phần nào thành kiến không đẹp đó. Nhưng chỉ trong vài ngày sau, thành kiến đó lại trở về với tôi khi tôi nghe tin thị trưởng Rob Ford lại là một tay chơi ma túy, không khác gì đô trưởng Marion Barry của thủ đô Hoa Thịnh Đốn trong hơn 20 năm trước đây. Và tôi lại nhớ đến một bản tin tôi đọc được cách đây khá lâu trên website Yahoo viết về thành phố Toronto là một trong những thành phố nổi tiếng "rude". Thế mà không hiểu sao, cũng từ website Yahoo, mới đây tôi lại đọc được một bản tin khác cho biết một tổ chức nào đó đã công nhận trong số các thành phố đáng được chọn làm nơi sinh sống, Toronto là thành phố đứng hàng thứ 2 trên thế giới.

Biết đâu Toronto đã được tổ chức nào đó xếp hạng cao như thế chẳng qua là vì thành phố này có những người dễ mến như các bạn đồng môn MĐC của tôi và xếp TTL của MGP?


Vũ Đình Trường
Nov 2, 2013


Nguồn:
1 Góc Vũ Đình Trường