Tư tưởng
Thiền học
của
Tuệ
Trung Thượng Sĩ
Gs Nguyễn Vĩnh Thượng
Trong chương
này, tôi sẽ trình bày:
I. Tiểu sử của Tuệ Trung Thượng Sĩ.
II. Tinh thần phá chấp triệt để:
A. Vấn đề ăn chay và ăn mặn.
B. Vấn đề giới luật.
III.
Pháp môn bất nhị.
IV. Tinh thần “hoà quang đồng trần”.
V. Vấn đề sống chết.
VI. Kết luận về Tuệ Trung Thượng Sĩ.
I. Tiểu sử của
Tuệ Trung Thượng Sĩ (1230
– 1291):
Tuệ Trung là
Pháp danh, tục danh là Trần Tung hay Trần Quốc Tung. Ông là con trưởng của Trần
Liễu, anh ruột của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Hoàng Hậu Nguyên Thánh
Thiên Cảm (vợ của vua Trần Thánh Tông và là mẹ của vua Trần Nhân Tông).
Ông là một tôn
thất nhà Trần dưới vương triều Trần Thánh Tông. Thuở nhỏ, Trần Tung bản chất
thông minh.Lớn lên có sức học uyên bác về nội
điển (Kinh sách Phật giáo) và ngoại
điển (các sách vở ở ngoài Phật giáo như Tứ Thư, Ngũ Kinh…). Nhờ ông đã có
thiện duyên học hỏi các vị đại sư tài giỏi người Việt Nam và Trung Hoa, nên ông
đã trở thành một cư sĩ thâm cứu sâu xa giáo lý nhà Phật và đã đạt được yếu chỉ
của Thiền tông. Ông tu tại gia, có vợ con và hầu thiếp (xem thêm phần Thượng sĩ hành trạng ở
cuối cuốn sách Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục).
Ông đã từng cầm
quân đánh đuổi giặc ngoại xâm Nguyên-Mông hai lần (1285 và 1287-1288). Sau khi
kháng chiến thành công, Trần Tung được phong chức Tiết Độ Sứ cai quản quân dân ở
đất Lộ Hồng (hay Hồng Lộ). Lộ Hồng vào thời Trần là một lãnh địa rất quan trọng
về chiến lược đối với Kinh đô Thăng Long. Vào thời Lê, Lộ Hồng gọi là trấn Hải
Dương. Lộ Hồng vừa là vựa lúa, vừa là vùng đất án ngữ để bảo vệ mặt phía Đông của
Kinh Đô, ngăn cuộc tấn công, nếu có, của địch quân từ biển Đông. Sau đó không
lâu, ông lui về ấp Tịnh Bang (nay là huyện Vĩnh Bảo, ngoại thành Hải Phòng). Rồi
ông đổi tên là “Vạn Niên Hương” (Quê
hương muôn tuổi), và lập “Dưỡng Chân
Trang” để tạo cảnh yên tĩnh và tu hành thiền đạo. Đây không phải là chùa,
không phải là am, mà là một “dã thự”,
một biệt thự nơi thôn dã, có nhà, có vườn với một vùng phong cảnh xanh tươi
khoáng đạt; đây chính là nơi ẩn cư của ông. Nơi đây, Ông giảng dạy Phật pháp
cho mọi người: dân, quan, vua, và dìu dắt người sơ cơ.
Vua Trần Thánh
Tông rất kính nể kiến thức uyên bác của ông nên vua tôn ông là sư huynh và ban
cho hiệu là Thượng Sĩ (1)
, còn nhờ ông dạy Phật học, thiền học cho Thái Tử, sau này là vua Trần Nhân
Tông.
- - - - - - -
Chú thích:
(1)
Thượng Sĩ là Bồ-tát. Theo Luận Du-Già giải thích: -
không lợi ta, lợi người là Hạ Sĩ; - có lợi ta, không lợi người là Trung Sĩ; -
có lợi đủ cả hai thứ gọi là Thượng Sĩ.
(2) Khi Trần Tung
qua đời, vua Trần Thái Tông phong cho Thượng Sĩ tước hiệu Hưng Vương Ninh. Sau khi
Tuệ Trung mất, vua Trần Nhân Tông đã tuyển lựa các bài thuyết pháp của Ngài làm
thành cuốn sách “Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục(2)”; ở cuối sách là bài tóm tắt tiểu sử của
Tuệ Trung có nhan đề là “Thượng Sĩ hành
trạng”.
- - - - - - -
Chú thích:
(1)
Ngữ lục: là lời nói rất
có giá trị của các bậc đại sư được ghi chép lại.
Tuệ Trung Thượng
Sĩ mất vào năm 1291 dưới đời vua Trần Nhân Tông. Vua Trần Nhân Tông nhớ ơn dạy
dỗ của Ngài, nên sai người làm chân dung để thờ Ngài, và lập nên phái thiền
Trúc Lâm.
II. Tinh thần
phá chấp triệt để:
A.
Vấn đề ăn chay và ăn mặn:
Tuệ Trung là một
cư sĩ thiền sư, tu tại gia. Một hôm Hoàng Thái Hậu, là em gái của Tuệ Trung,
thiết đãi tiệc lớn, bà cho làm các món cao lương mỹ vị gồm có món mặn và đặc biệt
món chay dành riêng cho anh mình là Tuệ Trung. Bà nghĩ Tuệ Trung là một cư sĩ
thiền sư nên phải ăn chay. Khi tiệc được bày ra, Tuệ Trung Thượng Sĩ gặp thịt cứ
ăn. Hoàng Thái Hậu lấy làm ngạc nhiên hỏi:
“Anh tu thiền mà ăn thịt thì sao thành Phật
được?”
Tuệ Trung đáp:
“Phật tự Phật, huynh tự huynh. Huynh đà bất yếu
tố Phật. Phật đà bất yếu tố huynh. Bất kiến cổ đức đạo: Văn Thù tự Văn Thù, giải
thoát tự giải thoát.
-Dịch nghĩa:
“Phật
là Phật, anh là anh. Anh chẳng cần làm Phật, Phật chẳng cần làm anh. Em chẳng
nghe các bậc cổ đức nói: “Văn Thù(1) là Văn Thù, giải thoát là giải
thoát đó sao?”
----------
Chú thích:
Văn-thù-sư-lợi (Hán
文殊師利,
Srt. mañjuśrī) là tên dịch theo âm, gọi tắt là Văn-thù,
là một vị Bồ Tát tượng trưng cho trí huệ, một trong những vị Bồ Tát nổi
tiếng của Phật giáo. ----------
Ăn chay được xem là một hình thức
tu tập của Phật giáo, khi ăn chay giúp tâm được thanh tịnh, tránh sát sanh.
Trong một tháng âm lịch thường có 4
cách thức ăn chay như sau:
1. Ăn chay 2 ngày trong tháng nhằm
ngày mùng 1 và ngày rằm (15).
2. Ăn chay 4 ngày
trong tháng nhằm ngày mùng 1, mùng 8, ngày rằm (15) và ngày 23. Hoặc nhằm ngày
mùng 1, ngày 14, ngày rằm (15) và ngày 30 (tháng thiếu là ngày 28 hoặc 29).
3. Ăn chay 6 ngày trong tháng nhằm
ngày 8, 14, 15, 23, 29, 30 (tháng thiếu là ngày 28 hoặc 29).
4. Ăn chay 10
ngày trong tháng nhằm ngày 1, 8, 14, 15, 18, 23, 24, 28, 29, 30 (tháng thiếu là
ngày 27, 28, 29).
Thật ra ăn chay không phải giáo lý
chính thống của Phật giáo. Khi đức Phật Thích-ca còn tại thế, và ngày nay các
trường phái Theravada (Thượng Tọa Bộ) đều đi xin ăn / khất thực hằng ngày, ai
cho món gì thì ăn món đó, không phân biệt đó là món chay hay món mặn.
Đứng về mặt đạo đức, trong văn
chương truyền khẩu Việt Nam có câu tục ngữ: “Ăn mặn nói
ngay còn hơn ăn chay nói dối”. Tiến xa hơn: “khẩu Phật tâm xà” là những câu nói để châm biếm kẻ tu hành giả mạo
mượn áo tu sĩ, dùng hình thức ăn chay, niệm Phật, nói lời Phật dạy nhưng tâm địa
là những điều xấu xa, lợi dụng, gạt gẫm người dễ tin. Bởi vậy, Ngài Pháp Loa
trong “Tam Tổ Thực Lục” ở bài “Yếu Minh Học Thuật” đã viết:
“[…] Kim kiến học giả vị văn đạo, tự
xưng tu đạo, tu hà đạo hồ?
Cổ Đức vân: Thực đắc sổ hạnh thái,
xưng đạo Tổ sư trai. Hựu vân: như ngưu chung thân thực thảo, hà tằng thành Phật
đa?”
-Dịch nghĩa:
“[. . .] Nay thấy người
học chưa nghe đạo, tự xưng là tu đạo. Vậy họ tu đạo gì?
Bậc Cổ Đức nói: Ăn được mấy cuống rau, nói là ăn chay theo đạo Tổ. Lại nói: như trâu bò kia suốt đời ăn rau cỏ, mà chưa
từng thành Phật bao giờ?”.
Trong sách Thượng Sĩ ngữ lục, Tuệ Trung Thượng Sĩ đã phát biểu:
“Không cần phải ăn chay, vì ăn cỏ hay ăn thịt là tập quán tự nhiên của mỗi
loài vật khác nhau; cũng như xuân về thì trăm cây cỏ nẩy mầm, không có cái nào
là tội, cái nào là phúc”:
-Nguyên văn chữ Hán:
持戒兼忍辱
喫草與喫肉,
種生各所食。
春來百草生,
何處見罪福。
-Phiên âm Hán Việt:
Trì giới kiêm nhẫn nhục
Khiết thảo dữ khiết nhục,
Chúng sinh các sở thực.
Xuân lai bách thảo sinh,
Hà xứ kiến tội phúc?
-Dịch nghĩa:
Giữ giới và nhẫn nhục
Ăn rau hay ăn thịt
Chúng sinh loài nào ăn theo loài đó
Mùa xuân đến, trăm cỏ mọc
Có thấy tội phúc gì đâu?
Hiện nay các
Tăng sĩ thuộc phái “Tân Tăng” ở Nhật
Bản, họ ăn mặn cùng với ăn chay, lập gia đình như các Mục sư Tin Lành. Còn các
Tăng sĩ trên thế giới thì như thế nào? Theo sự kể lại của các bậc cao tăng ở
miền Nam Việt Nam đã từng đi dự ba lần Đại hội Phật giáo Thế giới, trong đó có Hoà
Thượng Thích Đức Nghiệp: hai lần ở Bangkok và một lần tại Kuala Lumpur vào các
năm 1957 – 1958 – 1969 thì đến bữa cơm trưa chỉ thấy phái đoàn Phật giáo Việt
Nam và Trung Hoa là ăn chay còn 30 phái đoàn Phật giáo ở các nước khác đều ăn
mặn; Đại hội Phật giáo gồm có 32 phái đoàn.
(Xem thêm bài tham luận “Thượng Sĩ ngữ lục trong văn hoá dân tộc” của H.T.
Thích Đức Nghiệp tại Hội thảo Khoa học “Tuệ Trung
Thượng Sĩ với Thiền Tông Việt Nam” ở Đà Nẳng, 2000).
Như vậy, vấn
đề ăn chay hay ăn mặn thì không có một giá trị đạo đức nào cả. Tuy nhiên tuỳ
theo cơ thể mọi người, tuỳ theo quan niệm của mọi người mà họ chọn lựa ăn chay
hay ăn mặn. Chúng tôi không bàn sâu vào vấn đề này.
Theo Phật giáo
Ấn-độ thì chính Đề-bà-đạt-đa (Srt.
Devadatta) là người chủ trương: “không ăn
thịt cá, ăn chay” trong đạo Phật nhằm chứng tỏ mình cao siêu hơn Đức Phật
lịch sử Thích-ca Mâu-ni nhằm chia rẽ tăng đoàn, chia rẽ tình đoàn kết trong
Giáo hội. Vậy thuyết “không ăn thịt cá”
này là việc bắt nguồn từ Đề-bà-đạt-đa. Về sau, Phật giáo Phát triển/ Phật giáo Đại
Thừa đã lấy thuyết “không ăn thịt cá, ăn
chay” để truyền bá.
Đề-bà-đạt-đa
là anh em chú bác với Đức Phật Thích-ca, từng tham gia tăng đoàn của Phật
Thích-ca. Về sau ly khai để thành lập Tăng đoàn khác. Theo Phật Giáo Nguyên
Thuỷ, ông là kẻ phá hoại Đức Phật, đã phạm nhiều trọng tội. Ông này đã âm mưu
sát hại đức Phật nhưng không thành.
B. Vấn đề giới luật:
Đạo đức là
phần cốt yếu của Phật giáo.
Giới là điều luật mà Tăng Ni cũng
như người cư sĩ phải tuân thủ. Đây là điều hướng dẫn căn bản cho hành vi đạo
đức của các thành viên trong Tăng đoàn. Sau khi Đức Phật Thích-ca đắc đạo trong
khoảng 12 năm thì giới luật chưa đặt ra, bởi vì Tăng sĩ, Cư sĩ vào lúc đó đã có
lối sống đạo đức trang nghiêm, không có ai làm điều gì sai trái, lỗi lầm. Nhưng
qua năm thứ 13, có một người đệ tử của Đức Phật đã phạm lỗi tà dâm, nên Đức
Phật mới bắt đầu thuyết giảng giới luật. Giới
luật nhằm giúp ngăn chận điều sai trái, chấm dứt các việc ác, và nhờ vậy mà
tạo được điều thiện cho chính mình và cho chúng sanh khác.
Đối với Cư sĩ
có 2 tập hợp giới luật như: Ngũ giới, Tám giới.
Đối với Tăng
sĩ: - hàng Sa-di (các vị xuất gia dưới 20 tuổi) có mười giới; - các vị Tỳ-kheo
và Tỳ-kheo Ni thì giới luật có nhiều điều cấm hơn.
*Đối với Cư sĩ:
Có 2 tập hợp của giới luật dành cho hàng cư sĩ (lay
Buddhists) hay Phật tử tu tại gia là:
A.-Ngũ giới hay 5 điều cấm (the five Precepts of the Buddhism) gồm có:
1.- Không sát hại
sanh mạng (Do not destroy the living being). Sanh mạng ý
chỉ tất cả sinh vật có đời sống: từ côn trùng, loài vật đến con người.
2-. Không trộm cướp (Do not steal) tức là không lấy đồ vật gì mà không được tặng
cho.
3-. Không tà dâm (Do not commit sexual misconduct). Tà dâm là các quan hệ
tình dục giữa nam-nữ không được đạo đức xã hội thừa nhận. Quan hệ tình dục giữa
vợ chồng thì được chấp nhận.
4-. Không nói dối (Do not lie) tức là không nói điều không đúng sự thật, không
nói điều thêu dệt: chuyện có nói không, chuyện không nói có, không dùng vọng ngữ.
5-. Không uống rượu
say sưa (Do not drink strong and intoxicating
liquours).
B.-Tám giới (The eight Precepts of Buddhism) còn gọi là Bát Quan Trai.
Người Cư sĩ có
thể tự nguyện thọ Bát Quan Trai giới
tức là giữ gìn 8 điều cấm để thân tâm được thanh tịnh trong vòng 24 giờ đồng hồ
bằng cách sống ở trong chùa, gần với bậc xuất gia để tập cho quen đời sống
thanh tịnh.
-Bát= 8
-Quan= nghĩa đen là cửa ải, nghĩa bóng là điều
ngăn cấm.
Như vậy, Bát
Quan có nghĩa là 8 điều cấm để giúp ngăn chận các điều bất thiện.
-Trai= khi đã qua giờ Ngọ (12 giờ trưa) thì
không được ăn nữa.
Tám điều cấm gồm
có:
1.-Không sát sanh.
2.-Không trộm cướp.
3.-Không dâm dục (Do not make love/ sexual
activity/ sexual intercourse).
4.-Không nói dối.
5.-Không uống rượu say sưa.
6.-Không múa hát, không xem múa hát, không mang
tràng hoa,
không thoa dầu thơm, không trang điểm,
không mang nữ trang (Do not dance, sing music, go to see entertainment,
wear garlands, use perfumes, make up, wear of ornaments and decorations).
7.-Không nằm giường cao và sang trọng; Không ngồi chỗ cao (Do not lie on a high
or luxurious sleeping bed; do not use of high seats)
8.-Không ăn quá giờ ngọ: tức là trong
ngày thực hành Bát Quan Trai giới, người cư sĩ chỉ ăn bữa cơm trưa mà thôi, sau
đó không ăn gì hết trong vòng 24 tiếng đồng hồ (the lay Buddhist takes his /
her main meal at midday, and do not eat again during that day).
3 giới mới được
thêm vào 5 giới trên để có tổng cộng là 8 giới. Có điểm khác biệt giữa 5 giới
và 8 giới ở chỗ Không tà dâm (giới thứ
3) trở thành Không dâm dục / không làm
tình có nghĩa là trong ngày thọ giới Bát Quan Trai thì không được giải quyết
sinh lý dù là với vợ hay chồng.
*Đối với tu sĩ:
-Hàng Sa-di có mười giới luật (The ten Precepts of
Buddhism):
10 giới luật được
Đức Phật đặt ra cho hàng Sa-di (Srt
& Pa. Sramameras). Sa-di là vị xuất gia dưới 20 tuổi, Nam Nữ xuất gia có tuổi
đời 20 trở xuống thì không được thọ giới Tỳ-kheo và Tỳ-kheo Ni.
10 giới luật này
có xuất xứ từ 8 giới luật bằng cách phân chia giới luật thứ 6 (liên hệ tới giải trí) ra thành 2 điều luật;
và cộng thêm một điều cấm giữ vàng bạc
(tiền). Sau đây là 10 giới luật:
1.-Không sát sanh.
2.-Không trộm cướp.
3.-Không dâm dục (Do not make love/ sexual
activity/ sexual intercourse).
4.-Không nói dối.
5.-Không uống rượu say sưa.
6.-Không múa hát, không xem múa hát (Do not dance,
sing music, go to see entertainments).
7.-Không mang tràng hoa, không thoa dầu thơm, không
trang điểm, không mang nữ trang (Do not wear garlands, use perfumes, make
up, wear of ornaments and decorations).
8.-Không nằm giường cao và sang trọng; không ngồi chỗ cao (Do not lie on a high
or luxurious sleeping bed; do not use of high seats)
9.-Không ăn quá giờ ngọ: tức là trong
ngày thực hành Bát Quan Trai giới, người cư sĩ chỉ ăn bửa cơm trưa mà thôi, sau
đó không ăn gì hết trong vòng 24 tiếng đồng hồ (the lay Buddhist takes his /
her main meal at midday, and do not eat again during that day).
10.-Không cầm giữ vàng, bạc (tiền) [Do not accept
gold and silver (money)].
-Hàng Tỳ-kheo và
Tỳ kheo Ni:
Đối với các vị
xuất gia trên 20 tuổi là các vị Tỳ-kheo và Tỳ-kheo Ni thì giới luật có nhiều điều
cấm hơn:
*Theo Phật giáo
Nguyên Thuỷ và Thượng Tọa Bộ / Theravada thì:
-Tỳ-kheo có 227
giới.
-Tỳ-kheo Ni có
311 giới.
*Theo Phật giáo
Phát triển / Đại thừa Phật giáo thì:
-Tỳ-kheo có 250
giới.
-Tỳ-kheo Ni có
348 giới.
Tuy nhiên, Tỳ-kheo
Ni còn phải tuân thủ thêm 8 giới để được chấp nhận vào cộng đồng tu sĩ Phật
giáo. Đó là “Bát Kính Giới” (Eight
Rules of Respect) hay “Bát Trọng giới”
(Eight Heavy Rules). “Tám Trọng Giới” này bắt buộc Nữ tu sĩ / Tỳ-kheo Ni
phải cung kính tôn trọng Nam tu sĩ/ Tỳ-kheo Nam suốt đời.
Như đã biết, giới
luật nhằm giúp ngăn chận điều sai trái, chấm dứt các việc ác, và nhờ vậy mà tạo
được điều thiện cho chính mình và cho chúng sanh khác. Người cư sĩ, người xuất
gia giữ gìn và tuân thủ giới luật sẽ giúp cho thân tâm được thanh tịnh để đi đến
chỗ diệt trừ khổ đau.
Trong khi đó, Tuệ
Trung Thượng Sĩ nói với vua Trần Nhân Tông trong 2 bài kệ:
-Nguyên văn chữ Hán:
-Phiên âm Hán Việt:
Trì giới kiêm nhẫn nhục,
Chiêu tội bất chiêu phúc.
Dục tri vô tội phúc,
Phi trì giới nhẫn nhục.
-Dịch nghĩa:
Giữ giới và nhẫn nhục,
Chỉ chuốc tội chứ không được
phúc.
Muốn biết không tội phúc,
Đừng giữ giới, và đừng nhẫn nhục.
Rồi
Tuệ Trung nói tiếp:
-Nguyên văn chữ Hán:
-Phiên âm Hán Việt:
Như nhân thượng thụ thời,
An trung tự cầu nguy.
Như nhân bất thượng thụ,
Phong nguyệt hà sở vi?
-Dịch nghĩa:
Như khi người leo lên cây,
Đang yên lành lại tự tìm lấy điều nguy hiểm.
Nếu như người ấy không leo cây,
Gió trăng chẳng làm gì được?.
Nói xong 2 bài kệ
này, Tuệ Trung Thượng Sĩ dặn Vua Trần Nhân Tông rằng: “Chớ bảo cho người xằng bậy biết”. Nói như vậy thì Cư sĩ thiền sư Tuệ
Trung đã ý thức về dụng ý của ông khi ông phát biểu điều này. Tuệ Trung biết
trình độ Phật pháp của vua Trần Nhân Tông; vua thiền sư Trần Nhân Tông, Sơ tổ thiền phái Trúc Lâm Yên Tử có trình độ nội điển (Kinh
sách Phật giáo) thâm hậu nên Tuệ Trung mới nói những điều này.
Lời nói của Tuệ
Trung Thượng Sĩ quả đã gây cái “sốc”,
làm “động não” người bình thường; chẳng khác nào Thiền sư Vô Môn Quan đã nói:
“Phùng Phật sát Phật, phùng Tổ sát Tổ”
(Gặp Phật giết Phật, gặp Tổ giết Tổ).
Dưới cặp mắt của
người bình thường thì những điều “phá giới”
sẽ gây tội lỗi, nhưng với cái nhìn đạt đạo của Bồ-tát Tuệ Trung thì tất cả hiện
tượng đều giả danh, với quan niệm bất nhị
kiến của Tuệ Trung thì “trì giới” và “phá
giới”, cả “tội” và “phúc” đều không có. Bởi vậy, ông mới
nói, xin lặp lại:
Giữ giới và nhẫn nhục,
Chỉ chuốc tội chứ
không được phúc.
Muốn biết không tội
phúc,
Đừng giữ giới, và đừng
nhẫn nhục.
Tuệ
Trung như muốn lặp lại lời Đức Phật Thích-ca đã dạy: “Ngón tay chỉ cho thấy mặt trăng, nhưng muốn
thấy mặt trăng thì đừng dừng lại ở ngón tay,” và “Kinh điển chỉ cho sự tìm hiểu chân lý, nhưng muốn được chân lý thì đừng
dừng lại ở Kinh điển, như khi đã qua được con sông thì phải bỏ lại con đò, con
thuyền để lên bờ.”
Khi
Tuệ Trung nói: “Trì
giới và nhẫn nhục là tội lỗi” thì chúng ta phải hiểu ý thiền ngược lại là người xuất gia hay
cư sĩ không trì giới và không nhẫn nhục được thì phải mắc tội. Theo Tuệ Trung nếu
kẻ xuất gia làm Tăng sĩ mà sống không đạo đức, không trì giới và không nhẫn nhục,
bị dục vọng thế gian cám dỗ thì làm sao mà không mắc tội được. Lời nói của Tuệ
Trung chẳng khác nào tiếng hét của
phái Thiền Lâm Tế để làm hành giả thiền thức tỉnh.
Như
đã biết, Tuệ Trung đã trả lời Hoàng Thái Hậu:
“Phật tự Phật, huynh tự huynh. Huynh đà bất yếu
tố Phật. Phật đà bất yếu tố huynh.
Bất kiến cổ đức đạo: “Văn Thù tự Văn Thù, giải
thoát tự giải thoát”.
-Dịch nghĩa:
“Phật là Phật, anh là anh. Anh chẳng cần
làm Phật, Phật chẳng cần làm anh.
Em chẳng nghe các bậc cổ đức nói: “Văn
Thù là Văn Thù, giải thoát là giải thoát đó sao?”
Như vậy ăn chay để thành Phật chăng?
Tuệ Trung chẳng cần làm Phật, ông chẳng cần biết ăn chay hay ăn mặn có gì khác
nhau.
Tiến xa hơn, Cư
sĩ Thiền sư Tuệ Trung đã phát biểu:
“Thanh
văn tọa thiền, ngã vô tọa”.
(Tu sĩ ngồi thiền định, ta không ngồi).
và “Bồ-tát nói pháp,
ta nói thực tại”.
Hình ảnh “bông sen trong lửa đỏ” tượng trưng cho
cái “tâm trong sáng”, rồi từ “cái tâm trong
sáng” đó ông đi đến “thực tại”. Một
“thực tại” của cuộc đời, một “thực tại” của đất nước, “cứu dân khỏi giặc ngoại xâm” cũng là Thiền.
Đối với ông, đi cũng
thiền, ngồi cũng thiền, khi cần ngồi thì ngồi, khi cần đi thì đi, thiền hành (đi)
và thiền ngồi chẳng có gì khác nhau:
-Nguyên văn chữ Hán:
-Phiên âm Hán Việt:
Phật tâm ca
Hành diệc thiền, toạ diệc thiền,
Nhất đoá hồng lô hoả lý liên.
Một ý khí thời thiêm ý khí,
Đắc an tiện xứ thả an tiên.
-Dịch nghĩa:
Phật tâm ca
Đi cũng thiền, ngồi cũng thiền,
Một đoá hoa sen trong lò lửa đỏ hồng.
Ý khí mất đi thì lại thêm ý khí,
Được nơi an tiện hãy cứ an tiện.
Tuệ Trung đã phá chấp để cảnh
tỉnh người đời, nhất là đối với những hành giả tu thiền: càng tu thiền thì càng
phải tỉnh táo:
-Nguyên văn chữ Hán:
-Phiên âm Hán Việt:
Tỉnh! Tỉnh! Trước!
Trước! Tỉnh! Tỉnh!
Tứ lăng đạp địa vật khi khuynh.
A thuỳ ư thử tín đắc cập,
Cao bộ Tỳ-lô(1) đỉnh
thượng hành.
-Dịch nghĩa:
Tỉnh táo lên!
Tỉnh táo lên!
Đạp đất bốn bề chớ nghiêng đổ,
Ấy có thể được như lời tin này,
Bước cao trên đầu Tỳ-lô mà đi
lên.
----------
Chú thích:
(1) Tỳ-lô đầy đủ là Tỳ-lô-giá-na, phiên âm chữ
Srt. Vairocana có nghĩa là Pháp thân của Phật, theo Mật tông đó là vị Phật đầu
tiên.
----------
Theo Tuệ Trung
Thượng Sĩ thì Phật ở ngay trong tâm của mỗi người, không phải ở bên ngoài hay ở
trên núi. Ông kêu gọi mọi người hãy tỉnh táo, hãy bỏ sự tìm cầu bên ngoài để trở
về với chính thân tâm mình, lắng nghe âm thanh vi diệu nơi chính bản thân mình.
Hành giả phải làm thế nào để tâm an nhiên, tự tại là đạt đạo, chẳng cần phải niệm
Phật hay tu thiền:
-Nguyên văn
chữ Hán:
-Phiên âm Hán Việt:
Ngẫu tác
Ðường trung đoan toạ tịch vô ngôn,
Nhàn khán Côn Luân nhất lũ yên.
Tự thị quyện thời tâm tự tức,
Bất quan nhiếp niệm bất quan thiền.
-Dịch nghĩa:
Chợt hứng làm thơ / ngẫu nhiên làm thơ
Ngồi ngay giữa nhà, lặng lẽ không nói,
Thảnh thơi ngắm nhìn một làn khói bay trên núi Côn Luân.
Khi nào thấy mệt thì tâm tự nghỉ ngơi,
Chẳng cầu niệm (Phật), cũng chẳng cầu thiền.
Rồi Cư sĩ thiền
sư Tuệ Trung chống “gậy thiền” (Trụ trượng tử 柱杖子 ) đi rong chơi một cách thanh thản:
-Nguyên văn
chữ Hán:
-Phiên âm Hán Việt:
Trụ trượng tử
Nhật nhật trượng trì tại chưởng trung,
Hốt nhiên như hổ hựu như long.
Niêm lai khước khủng như hà toái,
Trác khởi hoàn phương nhật nguyệt lung.
Tam xích Song Lâm hà xứ hữu?
Lục hoàn Địa Tạng khoái nan phùng.
Túng nhiêu thế đạo kỳ thu thậm,
Đất nại tòng tiền bột tốt ông.
-Dịch nghĩa:
Cây gậy
Ngày ngày cầm chiếc gậy trong tay,
Bỗng nhiên như cọp lại như rồng.
Nâng lên, chỉ sợ non sông vỡ nát,
Dựng thẳng, e rằng mặt trời mặt trăng bị che khuất.
Ba thước Song Lâm, biết tìm chốn nào được?
Sáu vòng Địa Tạng thật khó mà gặp gỡ.
Dẫu cho đường đời gập ghềnh biết mấy,
Chẳng còn ngại gì như ông già trước đây đi lại lật
đật.
(Bản dịch
trong sách Thơ văn Lý Trần (tập II), Hà Nội: NXB Khoa học Xã hội,
1988).
Bài “Phóng cuồng ngâm” (Bài ngâm phóng
cuồng) trong “Tuệ
Trung Thượng Sĩ ngữ lục” viết:
“Thượng Sĩ thấy trời đất thênh thang, Ngài chống gậy rong chơi ngoài nơi
chốn không chỗ nơi. Lòng thanh thản tự tại. Trên cao thì mây che đỉnh núi,
xuống dưới là biển cả mênh mông. Cơm thì tuỳ ý thí chủ cúng dường món nào cũng
được. Mệt thì cứ ngủ, không định trước chỗ nào. Cuộc sống tiêu dao tự tại.
Trời đất liếc trông chừ sao thênh thang,
Chống gậy rong chơi chừ phương ngoại phương.
Hoặc cao cao chừ mây đỉnh núi
Hoặc sâu sâu chừ nước trùng dương.
Đói thì ăn chừ cơm tuỳ ý,
Mệt thì ngủ chừ nào có quê hương.”
(Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục, bài Phóng cuồng ngâm(1) (bài ngâm
phóng cuồng). Bản dịch trong quyển Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục giảng giải, của
Hoà Thượng Thích Thanh Từ, 1996, Việt Nam).
----------
Chú thích:
(1) - phóng:
phóng khoáng, rộng thênh thang, tự do không giới hạn, không bị gò bó.
- cuồng: ở
đây có nghĩa là cuồng nhiệt, còn có nghĩa là điên cuồng.
----------
Phụ thêm:
Vài nơi có ghi rằng không nên tin ở Kinh
điển bởi vì sách Mạnh
Tử đã viết: Tận
tín thư bất như vô thư (1)
rồi dịch câu này là “Tin hoàn toàn vào sách thì đừng có sách còn hơn”; dịch câu này như vầy có chỗ không đúng. Thật
vậy, theo sách Mạnh Tử, bản dịch của James Legge (1815 – 1879) - sách Mạnh Tử
gồm có 7 thiên (chương) chia ra làm 2 quyển: -quyển Thượng có 3 thiên, -quyển
hạ có 4 thiên. Thiên chót gọi là Tận Tâm chia ra làm 2: Tận Tâm thượng và Tận
Tâm hạ; trong Tận Tâm hạ ở đoạn đánh số 49 mở đầu như sau:
孟 子 曰: 盡 信 書, 則 不 如 無 書.
(Mạnh Tử
viết: Tận tín “THƯ”, tắc bất như vô “THƯ”.)
Câu trên
(1) bỏ sót chữ tắc, chữ tắc có nghĩa là:
thì, thì là.
Theo James
Legge, chữ Thư được ông đặt trong ngoặc
kép, không có nghĩa là sách vở (books) mà đó là nhan đề cuốn Kinh Thư trong Ngũ Kinh: Kinh Dịch,
Kinh Thư, Kinh thi, Kinh Lễ, Kinh Xuân Thu của Nho giáo. Kinh Thư ghi chép các
sự kiện, biến cố lịch sử Trung Hoa vào thời các vua Nghiêu, vua Thuấn, và ba
nhà Hạ, Thương, Tây Chu. James Legge dịch câu trên như sau:
Mencius said: It would be better to
be without the Book of History than
to give entire credit to it.
-Dịch nghĩa:
Mạnh Tử nói: Thà không
có (Kinh) Thư còn hơn là tin hết vào
(Kinh) Thư.
Mạnh Tử
không hoàn toàn tin vào Kinh Thư bởi
vì có nhiều chỗ nguỵ tác (Av. apocrypha)
do người đời sau thêm vào như thiên “Vũ
Thành” nghĩa là “Thành Tự Chiến Sự”.
James Legge dịch thiên này là Successful completion of the war. Sau câu nói
trên, Mạnh Tử liền nói tiếp theo để giải thích lý do tại sao Ngài không hoàn
toàn tin vào (Kinh) Thư mà chỉ tin (Kinh) Thư một phần nào mà thôi:
吾
於 武成, 取 二 三 策 而 已 矣.
(Ngô ư “Vũ
Thành”, thủ nhị tam sách nhi dĩ hỹ.
James Legge
dịch câu chữ Hán trên đây như sau:
In the “Completion of the War,” I select two or three passages only, which
I believe.
Nghĩa là:
Trong
[thiên] Vũ Thành, ta chỉ chọn lấy hai hay ba đoạn mà ta tin tưởng.
----------
II. Pháp môn bất nhị:
Pháp môn (法門)là một
cụm từ gồm 2 chữ: - pháp có nghĩa là
cách thức, phương pháp; - môn có
nghĩa là cánh cửa. Như vậy pháp môn có nghĩa là cách thức tu tập nhằm để thấy
rõ chân lý. Cửa ngỏ dẫn vào việc khám phá chân lý.
Pháp môn bất nhị là phương pháp tu tập để loại trừ cái nhìn nhị kiến.
Các nhà thiền học thường
thực hành “pháp môn bất nhị”. Khi đã
đạt được giác ngộ thì các Ngài coi 2 khái niệm “mê” và “ngộ” luôn gắn bó
với nhau. Không phải bỏ “mê” để cầu “ngộ” mà phải đạt được “mê-ngộ” gắn bó với nhau, tức là “mê-ngộ” bất nhị. Tư tưởng thiền học của
Bồ-tát Tuệ Trung là thực hành “pháp môn
bất nhị”. Pháp môn bất nhị đã được “Bát-nhã
tâm Kinh” diễn bày một cách tận tường: “Sắc tức thị Không, Không tức thị sắc. Sắc
bất dị không, Không bất dị sắc”. Chúng ta sẽ tìm hiểu “nguyên lý bất nhị” trước khi tìm hiểu
pháp môn bất nhị trong tư tưởng thiền học của Tuệ Trung.
“1. Thuyết nhị nguyên
(Dualism): Tiếng Latin chữ duo có
nghĩa là “nhị/ hai”, đây là một học thuyết quan niệm rằng vũ trụ thì đặt dưới
hai nguyên lý đối nghịch nhau, nếu một nguyên lý là tốt thì cái kia là xấu; một
cái là tinh thần thì một cái là vật chất; một cái đúng thì một cái sai… Nói
cách khác, thuyết nhị nguyên thừa nhận chân lý gồm có hai thực thể không thể
kết hợp với nhau. Từ quan điểm nhị nguyên, khoa luận lý học Tây phương đưa ra
nhóm nguyên lý đồng nhất:
-Nguyên lý đồng nhất: Một sự vật, một đối tượng phải luôn luôn là chính nó. A là A. cái gì
có là có. cái gì không là không.
-Nguyên lý không nhận mâu thuẫn: Hai ý niệm mâu thuẫn nhau, trái ngược nhau, không
thể nào cùng đúng, phải có một ý niệm đúng và một ý niệm sai. A không thể là
không A. Cái gì có không thể không có. A không thể vừa là A vừa là không A.
-Nguyên lý khử tam: Một phán đoán, một quan niệm hoặc là đúng hoặc là sai chứ không thể
có một giá trị thứ ba. Một cái chỉ có thể hoặc là có hoặc là không có chứ không
thể có trường hợp thứ ba. A hoặc là đúng hoặc là sai chứ không có giá trị thứ
ba.
Như vậy, qua lăng kính nhận
thức nhị nguyên thì không dễ gì hiểu nổi hoặc không thể nào chấp nhận câu nói
của Tâm kinh, có thể cho rằng có sự nghịch lý trong câu: “Sắc tức là Không,
Không tức là sắc. Sắc chẳng khác gì
Không, Không chẳng khác gì sắc”. Bởi vì theo nguyên lý nhị nguyên
thì: Sắc (A) không thể là Không (B).
2. Thuyết bất nhị (Non-dualism): Bất nhị
(Srt. Advaita, Av. non-duality) có nghĩa là “không có hai” (not two) hoặc là “một không thể phân chia khỏi
cái hai” (one undivided without a second). Đây là một học thuyết cho rằng
hai ý niệm có tương liên với nhau thì không thể nào tách rời ra được, cả hai
chỉ là một. Nếu A tương liên với B, thì A không thể tách rời B; như vậy A và B
là một. Nguyên lý bất nhị là một quy luật luận lý vượt qua ý niệm nhị nguyên,
như đã trình bày ở trên: “Nếu A tương liên với B thì A là B, B là A; A không
khác B, B không khác A." Thuyết bất nhị đồng quan niệm với thuyết nhất nguyên (Monism). Ngày nay,
cụm từ thuyết bất nhị thường được dùng nhiều hơn cụm từ thuyết nhất nguyên. Các
học thuyết này phủ nhận sự hiện hữu của sự phân biệt (distintion) hay hai phần
(duality) trong hầu hết các lãnh vực. Thí dụ như sự phân chia tinh thần và vật
chất, ý niệm tốt và ý niệm xấu, nóng lạnh, lớn nhỏ, cứng mềm, thịnh suy, giàu
nghèo…
Để thấy rõ thêm về sự tương
liên (inter-connection), tương khuynh (inter-dependence), tương sanh (dependent
arising), tương hành (inter-action) . . . của quan niệm bất nhị, chúng tôi xin
trích dẫn Chương 2 - Dưỡng Thân trong
quyển “Đạo Đức Kinh” của Lão Tử (Ông
sống ở thế kỷ 4 trước CN, vào thời Bách gia Chư tử, và thời chiến quốc bên Tàu):
DƯỠNG THÂN 養 身
-Nguyên văn chữ Hán:
1.
天 下 皆 知 美 之 為 美, 斯 惡 已; 皆 知 善 之 為 善, 斯 不 善 已. 故 有 無 相 生, 難 易 相 成, 長 短 相 形, 高 下 相 傾, 音 聲 相 和, 前 後 相 隨.
2.
是 以 聖 人 處 無 為 之 事, 行 不 言 之 教.
3.
萬 物 作 焉 而 不 辭, 生 而 不 有, 為 而 不 恃, 功 成 而 弗 居.
4.
夫 唯 弗 居, 是 以 不 去.
-Phiên âm Hán Việt:
1. Thiên hạ giai tri mỹ chi vi mỹ, tư ác dĩ; giai tri
thiện chi vi thiện, tư bất thiện dĩ. Cố hữu vô tương sinh, nan dị tương thành,
trường đoản tương hình, cao hạ tương khuynh, âm thanh tương hòa, tiền hậu tương
tùy.
2. Thị dĩ thánh nhân xử vô vi chi sự, hành bất ngôn
chi giáo.
3. Vạn vật tác yên nhi bất từ, sinh nhi bất hữu, vi
nhi bất thị, công thành nhi phất cư.
4. Phù duy phất cư, thị dĩ bất khứ.
-Dịch nghĩa:
1. Thiên hạ đều
biết cái đẹp là đẹp, từ đó phát sanh ra ý niệm về cái xấu, đều biết thiện là
thiện, từ đó phát sanh ra ý niệm về điều ác. Bởi vì “có” và “không” cùng sanh
lẫn nhau; “dễ” và “khó” cùng thành tựu lẫn nhau; “ngắn” và “dài” tạo thành lẫn nhau; “cao”
và “thấp” cùng lộn lạo ra nhau; “âm” và “thanh” cùng hoà hợp lẫn nhau; “trước”
và “sau” cùng theo nhau.
2. Cho nên thánh
nhân đối xử với nhau theo thái độ “vô vi”,
thực hành “vô ngôn” mà dạy dỗ. [Vô vi = không làm mà như thể là làm vậy,
cứ để dân sống tự nhiên đừng can thiệp vào. Vô
ngôn= không nói gì tức là đừng đem quan niệm về tốt xấu mà uốn nắn dân]
3. Vạn vật sinh
trưởng/hoạt động mà vẫn im lìm; sống động mà không (đòi quyền) chiếm hữu cho
mình; làm mà không cậy công; công thành mà không lưu luyến.
4. Vì không lưu
luyến nên sự nghiệp không bị mất. Lão Tử cho biết tất cả các sự vật đều tương đối:
không có cái gì tuyệt đối tốt hay tuyệt đối xấu cả, so với cái này thì tốt, so
với cái khác thì xấu, lúc này tốt, lúc khác thì xấu. Sự “thiện” và “ác” cũng thay
đổi theo thời gian và không gian: điều thiện ở xã hội này là điều ác ở xã hội
khác, tương tự cao thấp, ngắn dài, vui buồn, khôn dại, có không,… đều nương
nhau mà có, có thể nói trên nhận thức “bất
nhị” tất cả đều là một. Thịnh suy, thành bại chỉ là những trạng thái tương
tục thay phiên nhau, tất cả đều là một nhưng chỉ có thể nhận biết được do bậc đại
trí mà thôi. Theo lăng kính nhận thức bất nhị, Lão Tử cho thấy rõ sự tương
khuynh của hai ý niệm đối nghịch nhau, thí dụ cao là vì có thấp và ngược lại,
cao là cao với một cái gì, thấp là thấp đối với một cái gì, hai ý niệm này bất
tương ly (inter-undivided), không thể tách rời ra được (inseparable). Triết học
Lão Tử và Khổng Tử đã đi đến chỗ tổng quát hoá với hai ý niệm về “Âm” và “Dương” cùng nương nhau mà hiện hữu mặc dầu đối lập nhau, thí dụ như
đàn ông và đàn bà, chủ động và thụ động… Hai ý niệm, hai lực đối lập nhau,
nhưng cùng nhau hiện hữu rất hài hoà. Cho nên trong học thuyết Lão Tử có một
hình vẽ biểu hiện cho “Thái cực” là một vòng tròn, trong đó màu đen
(Âm) và màu trắng (Dương) hoà quyện ôm nhau, trong Âm có đốt trắng (Dương) và
trong Dương có đốt đen (Âm): Trong Lão học, dấu hiệu này cho thấy sự tương liên
(inter-connectedness) của hai đối lực như là hai thành tố khác nhau của Thái Cực,
Thái Cực là nguyên lý đầu tiên. Thái cực là Đạo. Đạo của Lão Tử là nguyên lý chủ
động bao trùm đằng sau mọi hiện tượng, là nguyên lý siêu hình sản sanh ra mọi
hình thức của sự sống, và mọi hình thái biểu lộ của đời sống, cuối cùng rồi
cũng quay về đó:
逝 曰 遠,
遠 曰 反.
Thệ viết Viễn, Viễn viết Phản.
-Dịch nghĩa:
Tràn khắp là đi ra, Đi ra là trở lại.
(Lão
Tử, Đạo Đức Kinh: Chương 25 - Tượng
Nguyên)
Sự tương phản của
Âm Dương thì cần thiết để tạo nên một thực thể có thể phân biệt, nếu không có
thực thể này thì chúng ta sẽ không có được cái gì cả.Vì vậy, nguyên lý độc lập
giữa Âm và Dương thực ra là Âm tuỳ thuộc vào Dương, và Dương tuỳ thuộc vào Âm mặc
dầu chúng hiện hữu một cách riêng biệt. Nhìn thực tế, chúng ta thấy sự tương
liên giữa Nam và Nữ, giữa Đàn ông và Đàn Bà, giữa dòng điện Âm và dòng điện
Dương, Âm Dương trong hệ thống điện toán v…v…Nói tóm, mọi vật đều có vật đối lập,
và cặp đối lập thì không phải là hai vật khác nhau trong thực tế như là hai đầu
của một cây gậy. (Every thing has an opposite, and a pair of opposites are not
different things but actually two poles along a single baton).
3. Thuyết
đa nguyên (Pluralism):
Thuyết này có
liên hệ với hai thuyết trên, nên chúng tôi sẽ trình bày thuyết này. Thuyết đa
nguyên như là một học thuyết ở giữa thuyết nhị nguyên (chỉ có hai) và thuyết bất
nhị/thuyết nhất nguyên (chỉ có một). Thuyết đa nguyên chấp nhận có hơn hai giá
trị trong một chân lý. Chân lý trong thuyết đa nguyên có hơn hai yếu tố độc lập
với nhau. Về xã hội, thuyết đa nguyên chấp nhận nhiều nhóm chủng tộc, nhiều
nhóm tôn giáo, nhiều nhóm văn hoá sống chung trong một xã hội. Thí dụ: chủ
trương đa văn hoá (multiculturalism) ở xứ Canada. Về chính trị, thuyết đa
nguyên chủ trương có nhiều lực lượng đảng phái chính trị khác nhau trong cùng một
quốc gia; đối ngược lại với thuyết độc đảng với quyền lãnh đạo chỉ có một đảng
phái mà thôi. Về kinh tế, thuyết đa nguyên chủ trương có nhiều thành phần
thương mại cùng cạnh tranh, không có độc quyền. Nói khác, đứng trên phương diện
văn hoá, xã hội, chính trị thì:
-thuyết đa
nguyên không những chỉ có tính đa dạng, mà tính đa dạng này còn giúp các thành
tố hoạt động, hoà quyện với nhau. - thuyết đa nguyên không những chỉ là sự cởi
mở nhưng còn là những hành động tìm kiếm sự thông cảm giữa những khác biệt.
-thuyết đa
nguyên không phải chỉ là chấp nhận các thực thể khác nhưng còn phải có sự giao
thoa giữa những cam kết và liên hệ lẫn nhau.
-thuyết đa
nguyên đặt nền tảng trên sự đối thoại (based on dialogue). Đối thoại ở đây có
nghĩa là nói và nghe, cho và nhận, phê bình và tự phê bình trong một diễn biến
có sự hiểu biết và những khác biệt thực sự.”
(Trích
trong quyển “Bát-nhã Tâm Kinh – Chú giảng”
của NVT, Toronto, 2018, Amazon phát hành tại USA, tr. 52 – 56).
Cố Hòa Thượng
Thích Thanh Kiểm trong bài tham luận “Pháp
môn Bất nhị trong tư tưởng thiền học của Tuệ Trung Thượng Sĩ” tại Hội thảo
Khoa Học: Tuệ Trung Thượng Sĩ với Thiền
tông Việt Nam ở Đà Nẵng, 2000, đã trích dẫn lời nói của Hoàng Bá Hy Vận(1)
thiền sư như sau:
“Nếu muốn được thành Phật thì không cần phải
học hết thảy Phật pháp, chỉ nên học vô cầu và vô trước. Nếu không cầu, tức trở
thành tâm bất diệt, bất sanh, tức là Phật.”
Tâm mong cầu, chấp
trước đều trút bỏ tức là trong tâm không dính một vật thì đó là Phật.
Hoàng Bá Hy Vận
thiền sư lại nói tiếp:
“Hư không và pháp giới không khác tướng, Phật
và chúng sanh không khác tướng, sinh tử và niết-bàn không khác tướng, phiền não
và bồ-đề không khác tướng, lìa hết thảy tướng tức là Phật.”
----------
Chú thích:
(1) Hoàng Bá /Hoàng Nghiệt (? – 850, đời Đường) người
tỉnh Phước Kiến, thuở nhỏ xuất gia trên núi Hoàng Bá tại Bản Châu.
Theo Tuệ Trung
thì tất cả hiện tượng tuy có khác biệt nhưng rồi cũng trở về “một” tức là “bất nhị”, đây là quan niệm “vong
nhị kiến” tức là bỏ cái nhìn phân biệt hai cái đối đãi, mọi sự đều quy về
chân như:
-Nguyên tác chữ Hán:
-Phiên âm Hán Việt:
Vạn sự quy như
Tòng vô hiện hữu, hữu vô thông,
Hữu hữu vô vô tất cánh đồng.
Phiền não, bồ đề nguyên bất nhị,
Chân như, vọng niệm tổng giai không.
Thân như huyễn kính nghiệp như ảnh,
Tâm nhược thanh phong, tính nhược bồng.
Hưu vấn tử sinh, ma dữ Phật,
Chúng tinh củng bắc, thuỷ triều đông.
-Dịch nghĩa:
Tất cả mọi hiện tượng đều trở về chân như
Từ không hiện ra có, có với không thông nhau,
Có có, không không, rốt cuộc đồng nhất.
Phiền não với bồ-đề vốn chẳng phải là hai,
Chân như với vọng niệm đều không có.
Thân thể như gương ảo, nghiệp như bóng vang,
Tâm như gió mát, bản tính như cỏ hồng.
Chớ hỏi việc sống chết, ma với Phật khác nhau,
Các ngôi sao đều hướng về phương Bắc, nước triều vẫn
chảy về Đông.
(Tuệ
Trung Thượng Sĩ, Vạn sự quy như)
Khi giác ngộ, ta
sẽ nhìn vạn hữu là bình đẳng, không có đối lập, tức là trừ bỏ cái nhìn nhị kiến
để đạt cái nhìn bất nhị:
“Khi mê thấy không sắc,
Lúc ngộ hết sắc không.
Sắc không và mê ngộ,
Xưa nay một lẽ đồng…
Chỉ cần bỏ nhị kiến,
Pháp giới sẽ bao dung.”
Cũng vì cái nhìn
nhị kiến, nên chúng ta thấy sự vật luôn luôn có hai cực đối lập, nên sanh ra
vui buồn, thương ghét, nhân ngã, thị phi. Khi nào diệt trừ được cái nhìn nhị kiến
thì vũ trụ vạn hữu ở trước mắt ta sẽ phóng khoáng hơn. Với cái nhìn bất nhị thì
hiện tượng vạn hữu và người giác ngộ không thấy có chỗ đối lập nhau:
“Từ không hiện ra có, có với không thông
nhau,
Có có, không không, rốt cuộc đồng nhất.
Phiền não với bồ-đề vốn chẳng phải là hai,
Chân như với vọng niệm đều không có.”
Bậc giác ngộ thấy
tất cả các pháp đều thanh tịnh, không có sự phân biệt dơ sạch, đục trong, tốt xấu:
“Xưa nay không dơ sạch,
Dơ sạch toàn tên suông.
Pháp thân chẳng ngăn ngại,
Có gì là đục trong?”
Nói khác, trên
bình diện hiện tượng, vạn vật có sai khác, nhưng trên bình diện bản thể thì tất
cả chỉ là một; khi ấy:
“Phàm Thánh bất dị,
Mê ngộ bất dị”
-Dịch nghĩa:
Phàm và Thánh không khác,
Mê và Ngộ không khác.
và Tuệ Trung Thượng Sĩ kết luận:
“Đãn nặng vong nhị kiến
Thế giới vận bao dung”.
-Dịch nghĩa:
Chỉ cần xoá bỏ hai cái nhìn đối lập,
Thế giới sẽ dung hoà vậy.
Quan niệm “vong nhị kiến” tức là “pháp môn bất nhị”.
III.Tinh
thần “hoà quang đồng trần”:
Cụm từ “hoà quang, đồng trần” (和光同塵) có xuất xứ từ cụm
từ “hoà kỳ quang, đồng kỳ trần” (和 其 光, 同 其 塵 ) ở chương 4 trong quyển Đạo Đức Kinh của Lão Tử (571 tr. CN – 471 tr. CN)
----------
Chú thích:
-hoà = cùng, trộn
lẫn.
-kỳ = ấy, đó.
-quang = ánh
sáng, sáng tỏ, trong sạch.
-đồng = cùng
nhau.
-trần = phàm tục,
bụi, nhơ nhớp.
“hoà
kỳ quang, đồng kỳ trần” nghĩa đen là hoà ánh sáng cùng với bụi bậm, nghĩa
bóng là hoà mình với sự thấp hèn của vạn hữu.
Trong thuật ngữ
Phật học “hoà quang, đồng trần” có ý
chỉ việc Đức Phật, Bồ-tát vì muốn cứu độ chúng sanh nên phải hoà ánh sáng trí
tuệ để đồng hoá với chúng sanh trong cõi đời phiền não để dẫn dắt chúng sanh đi
vào con đường giải thoát của Phật pháp.
“hoà quang, đồng trần” ý chỉ vị Bồ-tát Tuệ
Trung đã dấn thân vào cuộc đời để phục vụ người đời, như đã dấn thân vào con đường
cứu nước chống giặc ngoại xâm Nguyên – Mông hai lần.
Tuệ Trung đã sống
trong lòng nhân dân, trong thế tục không phân biệt gia thế để dẫn đắt, giáo hoá
người đời theo Phật pháp.
Tuệ Trung Thượng
Sĩ có tinh thần tự do giải thoát, ông có “tinh
thần tuỳ tục” hay “hoà quang, đồng trần”.
Tinh thần tuỳ tục
hay hoà quang đồng trần là đặc trưng nổi bật trong cuộc đời hành đạo của Tuệ
Trung.
Ông nói:
“Khỏa quốc hân nhiên tiện thoát y,
Lễ
phi vô dã tục tuỳ nghi”.
-Dịch nghĩa:
Đến xứ cõi trần thì phải vui vẻ bỏ áo,
Đó không phải là mình quên lễ mà là theo thói tục”.
Đối với ông, mọi
cử chỉ hành vi của con người không vượt ra “thiền định”:
“Đi cũng thiền, ngồi cũng thiền”.
Tiến xa hơn “đánh giặc ngoại
xâm cũng là thiền”.
và: “Đói thì ăn…
Mệt thì ngủ…”
IV. Vấn đề sống chết:
Vấn đề sống và
chết là một vấn đề trọng đại. Con người ai ai cũng muốn sống, có người muốn đi
tìm trường sanh bất tử để rồi họ không đạt được ý nguyện. Tất cả mọi người cuối
cùng đều phải chết. Thân phận chúng sanh đều phải trải qua các giai đoạn sinh,
lão, bệnh, tử. Cái âu lo của con người trước cái chết, và nhiều khi sanh tử là
mối ưu tư của nhiều người, cũng là một đề tài lớn của triết học, tôn giáo và đạo
học.
-Sự sống (life): để có sự sống trong thế giới
này, chúng ta cần đến nhiều vật, nhiều điều để giúp chúng ta sống sót: thực phẩm,
nước, quần áo, nơi ẩn náo, khi bịnh hoạn thì cần thuốc men v…v…
-Sự chết (death) sẽ đến với chúng sanh khi các
điều kiện cần thiết đã nêu trên đi đến chỗ chấm dứt. Như đã biết có nhiều điều
kiện giúp chúng ta hiện hữu tức sanh; và nhiều điều kiện khác giúp ta tiếp tục
hiện hữu ở đây tức là sống.
Sự chết là điều
được khẳng định rằng nó sẽ xảy đến cho tất cả mọi người. Ai cũng đi đến cái chết.
Phần lớn con người
thường âu lo đến việc “sống và chết”,
nhưng đối với Tuệ Trung Thượng Sĩ thì ông tiêu dao tự tại không lo âu gì đến
cái chết, ông chê những người lo âu quá nhiều về chuyện sanh, tử:
-Nguyên văn
chữ Hán:
生死閑而已
愚人顛倒怖生死,
智者達官閑而已。
-Phiên âm Hán Việt:
Sinh tử nhàn nhi dĩ
Ngu nhân điên đảo bố sinh tử,
Trí giả đạt quan nhàn nhi dĩ.
-Dịch nghĩa:
Sống chết là lẽ thường mà thôi
Người ngu sống chết, mải lo âu,
Người trí có cái nhìn thông nhàn, xem
sống chết là lẽ thường mà thôi.
Cái chết không
thể nào tránh khỏi nên Tuệ Trung cứ sống thanh thản, nhiệt tình thong dong tự tại.
Theo ông hãy sống
cho thỏa chí và đến khi không thể tránh thì cũng chết một cách thanh thản:
-Nguyên văn chữ Hán:
放狂吟
適我願兮得我所,
生死相逼兮於我何妨。
-Phiên
âm Hán Việt:
Phóng cuồng ngâm
Thích ngã nguyện hề đắc ngã sở,
Sinh tử tương bức hề ư ngã hà phương.
-Dịch nghĩa:
Khúc ngâm phóng cuồng
Thoả nguyện ta hề, đạt được đúng chỗ ta muốn,
Sống, chết dồn ép, hề đối với ta có ngại gì đâu!
Thơ thiền của Tuệ
Trung chứa đựng một “ý thiền” thật
sâu sắc, chứa đựng một: “triết lý bất nhị”:
sống là một điều giả thì chết cũng là giả:
-Nguyên văn chữ Hán:
生死閑而已
[…]
生自妄生死妄死,
四大本空從何起。
[…]
法身無去亦無來,
真性無非亦無是。
到家須知罷問程,
見月安能苦尋指
[…]
-Phiên âm Hán Việt:
Sinh tử nhàn nhi dĩ
[. . .]
Sinh tự vong sinh tử vong tử,
bản không tòng hà khởi?
[. . .]
vô khứ diệc vô lai,
vô phi diệc vô thị.
Đáo gia tu tri bãi vấn trình,
Kiến nguyệt an năng khổ tầm chỉ.
[. . .]
(Sinh
tử nhàn nhi dĩ)
-Dịch nghĩa:
Sống chết là
lẽ thường tình mà thôi
Sống vốn là
sống giả, chết là chết giả,
Tứ đại vốn
không thì từ đâu mà lại dấy lên.
[. . .]
Pháp thân vốn
chẳng đi đâu mà cũng chẳng từ đâu tới.
Chân tính vốn
chẳng là sai cũng chẳng là đúng.
Về đến nhà rồi
thì nên biết hãy ngưng hỏi quãng đường đi,
Nhìn thấy
trăng rồi thì việc gì còn phải tìm ngón tay chỉ (mặt trăng).
[. . .]
Tuệ Trung Thượng Sĩ coi chuyện sống chết là lẽ thường tình, nên lúc sắp
chết ông đã thanh thản ra đi:
“ [. . .] Tôi (tức vua Trần
Nhân Tông) đã biết thiền phong của Tuệ Trung thật là siêu việt. Vào một hôm tôi
hỏi về tôn chỉ của Thiền, Tuệ Trung đáp: Hãy quay nhìn lại cái gốc của mình, chứ
không tìm chỗ nào khác. Tôi (tức vua Trần Nhân Tông) bỗng bừng tỉnh thấy được
con đường vào đạo, bèn xách áo thờ làm Thầy.
Ôi! Thượng Sĩ tinh thần
nghiêm trang, thái độ đàng hoàng, thuyết lý về siêu huyền sáng tỏ êm đềm như
trăng trong gió mát. Đương thời các bậc Đại đức trong nước đều cho rằng đức tin
và trí thức của Thượng Sĩ thâm trầm sáng sủa, hành vi thuận nghịch thực khó mà
lường được. Về sau nằm bệnh ở trang “dưỡng chân” không chịu ở trong buồng, mà
là ở trong nhà khách trống, đặt một cái sập gỗ nằm chờ điềm lành, nhắm mắt mà
hóa. Người nhà, nàng hầu òa lên khóc. Thượng Sĩ lại mở mắt ngồi dậy, đòi nước rửa
tay, súc miệng xong khẽ trách người nhà rằng:
“Sống chết là lẽ thường
như thế, sao được luyến tiếc đau thương, làm rối chân tính của ta?”
“Phù sanh tử lý chi thường
nhiên, an đắc bi luyến, nhiễu ngộ chân dã?” (Trần
Nhân Tông, Thượng Sĩ hành trạng(1).)
Nói xong bỗng nhiên yên lặng,
thọ 62 tuổi, năm Trùng Hưng thứ 7 (1292) giờ Tân Mão, ngày 1 tháng 4.
[. . .]
(trích dẫn bởi Cố GS Nguyễn Đăng Thục trong quyển Lịch sử Tư tưởng Việt Nam, tập 4, HCM:NXB TPHCM, 1992, tr. 162 – 164).
----------
Chú thích:
Thượng Sĩ hành trạng hay Hành
trạng của Thượng Sĩ do vua Trần Nhân Tông, Sơ Tổ của thiền phái Trúc
Lâm, khảo đính; do nhị Tổ Pháp Loa ghi chép trong bộ “Trần triều Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục”.
V. Kết luận về
Tuệ Trung Thượng Sĩ:
Tuệ Trung (1230 – 1291) là một tướng
lãnh đã hai lần điều binh chống quân xâm lược Nguyên – Mông để cứu nước, cứu
dân thoát khỏi ách ngoại xâm phương Bắc. Ông còn là một Cư sĩ Thiền sư tu tại
gia, không chấp vào việc ăn chay hay ăn mặn, không chấp vào việc giữ giới.
Vào đầu thời Trần, Đại Đức Tiêu Dao là một Thiền sư Trung Hoa đến Việt
Nam, Ngài là đệ tử của Cư sĩ Thiền sư Ứng Thuận (đời thứ 15 dòng thiền Vô Ngôn
Thông. Ngài đã viết sách khai mở pháp môn thiền học bằng cách giảng giải cặn kẽ
8 chữ:
Sinh diệt diệt dĩ, Tịch diệt vi lạc.
-Nguyên văn chữ Hán:
寂滅 爲 樂
-Phiên âm Hán Việt:
Sinh
diệt diệt dĩ,
Tịch
diệt vi lạc.
-Dịch
nghĩa:
Sinh diệt đã diệt rồi
Thì tịch diệt là niềm vui.
Khi cả hai cái
sinh và cái diệt đều bị diệt rồi thì lúc bấy giờ sự “tịch diệt” (sự yên lặng)
hay “Niết-bàn” chính là niềm vui. Tịch
diệt là Niết-bàn. Một thiện duyên cho Tuệ Trung, Ngài Đại Đức Tiêu Dao đã giảng
dạy cho Tuệ Trung yếu chỉ của 8 chữ này. Tuệ Trung đã tiếp thu được ý thiền và
hành thiền của Đại Đức Tiêu Dao, nhờ đó về sau Tuệ Trung phát triển thành dòng
Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Rồi Tuệ Trung dạy lại cho vua Trần Nhân Tông là Đệ Nhất
Tổ; Trần Nhân Tông dạy lại cho Đại sư Pháp Loa là Đệ Nhị Tổ; Pháp Loa dạy lại
cho Huyền Quang là Đệ Tam Tổ. Huyền Quang dạy lại cho các đệ tử thuộc thiền
phái Trúc Lâm Yên Tử.
Tám chữ trên có
xuất xứ từ một bài kệ trong “Kinh Pháp Bảo Đàn” của Lục Tổ Huệ Năng (Trung Hoa, 638 –
713):
“Chư hành vô thường,
Thị sanh diệt pháp.
Sanh diệt diệt dĩ,
Tịch diệt vi lạc.”
(Kinh
Pháp Bảo Đàn)
Nghĩa là:
“Mọi sự vật luôn luôn biến đổi,
Đó là các pháp sanh diệt.
Sanh diệt đã diệt rồi,
Thì tịch diệt là niềm vui.”
Bát tự (8 chữ) cũng là bài kệ trong Kinh Đại bát Niết-bàn
(Nirvana Sutra). Tương truyền, kiếp trước Đức Phật Thích-ca đã hy sanh thân xác
để bố thí cho quỷ đói La-sát ăn cho đỡ đói. Ngụ ý hãy xã thân, coi việc sống chết
nhẹ như tơ hồng.
Tuệ Trung Thượng
Sĩ, một Cư sĩ Thiền sư, đã đạt đạo Thiền, có một nội lực thâm hậu và gương sáng
cao vời vợi, đã là Thầy dạy thiền cho vua Trần Nhân Tông. Vua Trần Nhân Tông,
Sơ Tổ thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, đã suy tôn Tuệ Trung. Vua Trần Nhân Tông đã
ca ngợi Thầy mình hết lời trong bài “Tán Tuệ Trung Thượng Sĩ”:
-Nguyên văn chữ Hán:
-Phiên Âm Hán Việt:
Tán
Tuệ Trung Thượng Sĩ
Vọng chi di cao,
Toàn chi di kiên.
Hốt nhiên tại hậu,
Chiêm chi tại tiền.
Phu thị chi vị,
Thượng Sĩ chi thiền.
-Dịch nghĩa:
Ca ngợi Tuệ Trung Thượng Sĩ
Càng nhìn càng thấy cao,
Càng khoan càng thấy cứng.
Vừa thấy ở trước mặt,
Bỗng lại ở sau lưng.
Cái đó gọi là
Thiền của Tuệ Trung Thượng Sĩ.
(Trần Nhân Tông)
Rồi vua Trần Nhân
Tông lại ca ngợi Thầy mình hết lời: một điệp khúc ở “Thượng Sĩ hành trạng”.
“ [. . .]
Tôi (tức vua Trần Nhân Tông) đã biết thiền
phong của Tuệ Trung Thượng Sĩ thật là siêu việt. Vào một hôm, tôi hỏi về tôn chỉ
của Thiền, Tuệ Trung Thượng Sĩ đáp: Hãy quay nhìn lại cái gốc của mình, chứ
không tìm chỗ nào khác. Tôi (tức vua Trần Nhân Tông) bỗng bừng tỉnh thấy được
con đường vào đạo, bèn xách áo thờ làm Thầy.
Ôi! Thượng Sĩ tinh thần nghiêm trang, thái độ
đàng hoàng, thuyết lý về siêu huyền sáng tỏ êm đềm như trăng trong gió mát.
Đương thời các bậc Đại đức trong nước đều cho rằng đức tin và trí thức của
Thượng Sĩ thâm trầm sáng sủa, hành vi thuận nghịch thực khó mà lường được.
[. . .]
như đã trích dẫn ở
trên bởi Cố GS Nguyễn Đăng Thục trong quyển Lịch sử Tư tưởng Việt Nam, tập 4, HCM: NXB TPHCM,
1992, tr. 162 – 164).
Toronto, 21 December
2020.
Nguyễn
Vĩnh Thượng
Nguồn:
Chương 7 - Tư tưởng Thiền học của Tuệ Trung Thượng Sĩ - Tư tưởng
Phật giáo trong Văn học thời Trần