Phù Sa Lộc
Hớt tóc
Tin ông thợ hớt tóc mà tôi là thân chủ vừa mới mất chỉ khiến tôi thương cảm. Rồi thôi, chuyện nhỏ mà. Khi tóc đến lứa, ngứa ngáy, tôi mới băn khoăn suy tính tìm một chỗ nào khác để hớt. Nghĩ tới nghĩ lui, đảo qua đảo lại mấy tiệm hớt tóc sang trọng, mấy “tiệm” vỉa hè, gần hoặc xa nhà, đều thấy ngại vì nhiều lý do. Cuối cùng, tóc dài quá lứa, ngứa không chịu được, tôi đành tấp vào cái nơi hớt tóc lề đường gần nhà. Cũng áo thun, quần cụt, ngồi dựa ngửa trên ghế “phô tơi” cho ông thợ là người em ông thợ hớt tóc đã mãn phần hớt. Ông ta hớt xong, nhìn tấm kiếng treo trước mặt, tôi thấy một người lạ hoắc. Ông thợ này cùng anh ông ấy đều được cha truyền nghề, sao tay nghề lại khác nhau quá vậy! Không nản, lần hớt tóc sau, tôi vẫn đến ông thợ đó. Và, sau một hồi chỉ dẫn của tôi, ông ta sửa bên này một chút bên kia một ít, rốt cuộc tôi có mái tóc còn cao hơn lần trước. Vô cơ quan ai cũng cười. Vậy là bỏ ông ta. Vô phòng hớt tóc máy lạnh, mái tóc vẫn không như ý và quen mắt bạn bè đồng sở...
Bấy giờ tôi mới thấm thía cái sự chết đi của ông thợ hớt tóc của mình không phải chuyện nhỏ. Hồi đó, chỉ cần thả đến chỗ ông ta, nếu không có khách thì thảnh thơi ngồi vào ghế, còn có khách thì hỏi chừng bao nhiêu phút sẽ trở ra thì vừa. Yên lòng ngồi vào ghế cho ông ta “vò đầu xoa mặt” theo trình tự hớt, sau đó tôi khoan khoái về nhà với mái tóc trăm lần như một. Giống như xưa kia ba ông ta đã từng hớt cho tôi dù đường dao không ngọt bằng cha ông khi cạo mặt, cổ và gáy tôi. Hồi đó, ba ông ta chiếm cứ một góc cây sao của khu công viên gần nhà tôi. Ngồi cho ông hớt tóc, tôi thả mắt ngắm nhìn những bông sao đầu mùa rơi lả tả khắp không trung. Nhưng đã nhất là những tháng đầu mùa mưa, những cơn gió quằn quại thổi khiến đám trái sao già bay chấp chới khắp muôn nơi. Cảnh tượng đẹp vô cùng. Và, trong khung cảnh lãng mạn ấy, tôi chợt nhớ đến cái ngày xưa, thật xa, khi tôi còn nhỏ.
Ngày đó, ở thị trấn quê tôi có một ông thợ hớt tóc già ở tuốt xóm sâu, cứ cả nhà tôi tới cữ hớt tóc là ông lững thững xách cái thùng thiếc nhỏ đựng đồ nghề tới. Ba tôi nhanh nhẹn bắc chiếc ghế đẩu sân nhà rồi ngồi lên hớt trước. Sau đó tới hai anh tôi, sau cùng mới tới tôi. Đám tóc vụn vun đống dưới chân ghế, ba tôi cẩn thận hốt bỏ rồi dặn má tôi sáng mai đi chợ mua huyết heo xào giá hẹ ăn xổ “độc” - những sợi tóc vô tình “lạc” vô bụng.
Thị trấn quê tôi có vài tiệm hớt tóc. Nhưng cái tiệm ở ngã tư thị trấn mới hấp dẫn. Trưa trưa tôi ưa cùng mấy đứa bạn tới đó ngồi nghe ông thợ hớt tóc lửng tửng mấy tiếng đờn ghi ta phím lõm buồn còn hơn ngọn nắng hè oi ả. Cũng có lúc cao hứng, ông cùng số bạn của mình, kẻ đờn kìm, người đờn gáo, ai đó thủ cây vĩ cầm, cùng réo rắt những điệu buồn âm vực cổ nhạc trong tiếng mưa rơi gió hú não nùng, thỉnh thoảng ngân vang tiếng song lan giòn khướu. Rồi, trong những tiếng đờn đắm mê ấy, có ai đó cất cao giọng hát một bài vọng cổ ba mươi hai câu. Mùi rệu. Tiệm hớt tóc này hấp dẫn tôi đâu chỉ có vậy, vì còn một chuyện nữa mà tôi ưa thích tới ngồi. Đó là những câu chuyện xảy ra ở loanh quanh thị trấn, xa nhất là ở các tỉnh khác, do ông thợ kể lại. Toàn những chuyện mới lạ ở những nơi mà bước chân bé nhỏ của tôi chưa hề đặt tới. Tôi thầm phục cái ông hớt tóc này tài làm sao khi ở một chỗ mà biết bao chuyện trên trời dưới đất. Có thể nói ông là một cái đài, nhanh hơn báo ngày, có khi còn hơn “báo giờ” điện tử ngày nay. Lại còn một chuyện “lạ” nữa là cái bảng hiệu tiệm hết sức kỳ cục: HỚTÓC. Không đúng chánh tả, nhưng ai cũng đọc được là HỚT TÓC!
Hớt tóc hồi đó, hơn nửa thế kỷ trước, có chừng năm bảy kiểu: trọc, bảy ba, ổ gà, đầu tém… Lại còn uốn, ép, sấy, gội, nhuộm, cho thêm phần đa dạng. Hớt rồi, tắm chải xong xuôi, người ta o bế cái đầu bằng cách xức brilliantine cho láng mượt “con ruồi đậu phải chống gậy”. Cả chục năm nay, bên cạnh những kiểu truyền thống như cao, thấp, hớt tóc còn có những kiểu “thời thượng” “không gống ai”, ví như cái đầu trọc lóc phần ót chỉ chừa chỏm tóc trên mỏ ác, lại còn nhuộm xanh nhuộm xanh dỏ tím vàng… cho thêm phần “hiện đại” (?). Sự “cầu kỳ” nầy dễ thấy ở những người trẻ, nhứt là ở khá nhiều cầu thủ bóng đá. Để làm đẹp, còn có gel xức tóc đen mượt, hấp dẫn mắt nhìn. Trước kia còn có “hớt tóc thanh nữ”, phục vụ các đấng nam nhi “tới bến”. Cạo mặt hoặc lấy ráy tai bên trái thì cô gái phục vụ đứng bên phải, kê bầu ngực ú nu vào sát mặt khách… Thiệt là “sướng… tạo”!Ông bà ta từng nói “cái răng cái tóc là gốc con người”. Cho nên người ta vô tiệm hớt tóc để o bế cái đầu theo ý mình, là làm đẹp, giữ cái “gốc”. Cái gốc ấy được chăm chút ở những barber shop, nơi có máy lạnh chạy êm ru. Nhưng đã mất đi nét văn hóa ở những tiệm hớt tóc xưa. Đó là chẳng thể nào thấy mấy cây đờn cổ nhạc treo trên vách để có dịp nghe giọng ca mùi mẫn và tiếng đờn buồn não ruột của những “nghệ sĩ chân đất”. Rất may là các ông thợ hớt tóc vẫn là “cái đài” “phát” đủ thứ chuyện “trên trời dưới đất” mà họ thu thập được từ nhiều nguồn khác nhau kể cho khách nghe… giải trí./.
PHÙ SA LỘC