Lá thư Canada
THÔNG ĐIỆP
BÀN TAY 5 NGÓN
Trà Lũ
Canada đã vào xuân thật rồi. Cụm
Hoa Xuyên Tuyết trước cửa đã nở tràn
đầy. Cụm mai vàng cuối vườn đã nở hết cỡ và lá xanh mơn mởn bắt đầu phô ra. Vườn sau nhà tôi ăn thông với Công viên High Park nơi có nhiều mảng cây
anh đào cũng đã nở hoa, và du khách từ
khắp nơi đang ùn ùn về Toronto này để chiêm
ngắm và chụp hình quay phim.
Tôi yêu Toronto mùa xuân này quá.
Toronto được coi là đứng đầu danh
sách 10 thành phố đẹp nhất Canada. Montreal đứng thứ hai nha. Tôi và gia đình có số trời cho được ở Toronto. Tôi nói có số là vì ban đầu, hồi tháng 6 năm
1975, tôi được chính phủ Canada xếp
cho ở Montreal vì biết tiếng Pháp, nhưng gia đình tôi đã chỉ ở Montreal một năm rồi đi Toronto ngay.
Tôi coi đây là cái số. Vì là số đỏ
nên mới có duyên gặp hai danh nhân người
Việt nổi tiếng, đó là nhà văn MC Nguyễn Ngọc Ngạn và GS Học Giả Đỗ Khánh Hoan. Ông Ngạn ban đầu ở mãi miền tây BC. Ở mấy năm rồi ông bị Toronto lôi cuốn,
và ông nổi danh từ miền đất này. Ông
làm cho Thúy Nga bên Mỹ hơn 30 năm, đi đi về
về như đi chợ, ấy thế mà dứt khoát ông không dọn sang Mỹ, bây giờ đã gần 80 năm cuộc đời mà vẫn chọn
Toronto này làm quê hương. Ông quả là một đại danh nhân. Chỉ cần
xem 2 băng Paris by Night 133 và 134
là thấy ngay cái thiên tài của ông.
Băng 134 ở Thái Lan, trong băng
cho thấy mấy ngàn người Việt ở khắp
nơi trên thế giới đổ về thủ đô Bangkok để được nhìn thấy ông trực tiếp. Ai cũng tỏ ra quý mến, ái mộ, phục tài. Xưa nay chưa có MC nào tài giỏi và có duyên bằng
ông. Ông đã tròm trèm 80 mà vẫn còn đỏm dáng và cuốn hút. Xin chúc
Thúy Nga giữ được thiên tài họ Nguyễn
này lâu hơn nữa.
Và người thứ hai của đất Toronto
này là danh nhân Đỗ Khánh Hoan. Ông từng
du học Úc Châu và Mỹ Châu, là thày dạy danh nhân
Nguyễn Ngọc Ngạn ở Chu Văn An khi xưa ở Saigon. Rồi từ Chu Văn An ông về dạy Đại Học Văn Khoa, rồi làm trưởng ban Anh Văn cho tới năm 1979. VC từ Hà Nội vào
mà vẫn phải nể phục cái kho kiến thức
của ông. Năm 1979 ông mới bỏ nước ra đi,
và Canada đã nhận ông vào Toronto. Dạy
học chỉ là nghề tay trái, nghề tay phải
của ông mới là chính, đó là dịch thuật. Theo tôi nhớ thì tác phẩm ‘Animal Farm’ của George Orwell, 1945/ ‘Nông Trại Súc Vật’ ông dịch từ thập niên
1960 là tác phẩm đầu tiên. Thời đó,
túi anh chị học sinh nào hầu như cũng có cuốn này, và đặc biệt nhất là cuốn ‘Thơ Tagore’, tác phẩm được tái bản 14 lần. Danh xưng giáo sư của ông dần
dần được đổi sang ‘học giả’ vì ông
thông thái quá. Ông đã dịch và dẫn giải rất nhiều đại tác phẩm quốc tế, như toàn bộ văn học Anh từ khởi thủy đến năm 1950, như những danh tác của châu
Mỹ Latin, như chuyển ngữ trọn vẹn hai
thi tập trường ca Iliad và Odyssey của Homer,
toàn bộ ‘Đối Thoại’ của Platon, ‘Đạo Đức Luận’ của Aristote.
Và ngay đầu mùa xuân 2023 này, ông
vừa dịch xong một thi tập tiếng Latin
của Thi sĩ Virgile thế kỷ 1 trước công nguyên, thi tập dài hơn 10.000 câu thơ. Thi phẩm mang tên Latin AENEIS, tác giả lấy chữ Hy Lạp Aeneid đặt tên cho thi
phẩm vì dựa vào hai thi phẩm của
Homer. Dịch giả họ Đỗ vẫn giữ tên của nguyên tác. Tên tiếng Pháp là Énéide, tên tiếng Anh là Aeneid. Đây là tác phẩm thơ nhưng
tác giả không dịch ra thơ vì sợ không diễn tả
hết ý nên ông chỉ chuyển sang văn xuôi. Tôi rất thích cái lập trường này. Thơ là tinh hoa của ngôn ngữ,
hiểu được trọn vẹn ý câu thơ đã là
khó mà lại dịch ra thơ nữa thì còn khó biết bao nhiêu. Đọc đến đây chắc độc giả muốn biết tác phẩm này nói về điều gì. Thưa, Aeneid là câu chuyện kể về
người Anh hùng Aeneas và cuộc hành
trình tìm ra vùng đất mới cho dân tộc Troy sau
khi thành này bị sụp đổ. Đế quốc La Mã không còn nữa, tàn lụi từ lâu rồi, nhưng thi sĩ Virgile vẫn
còn sống với đời, vượt không gian và
thời gian. Dịch giả họ Đỗ cho biết thi phẩm cách đây hai ngàn năm, thế mà bây giờ đọc ông còn thấy mới như hôm qua... Nể cụ học giả họ Đỗ
quá. Mà chưa hết. Tuy đã dịch hơn 80
đại tác phẩm, sau cuốn này hình như cụ Đỗ còn tiếp tục cầm bút. Bản dịch đã được chuyển cho nhà in Học Viện Công Dân, ICEVN, ở Texas. Hy vọng chúng ta
sớm được đọc tác phẩm danh tiếng này. Tôi đem việc này ra trình làng An Lạc của
tôi trong tuần qua, ai cũng gật gù
thán phục. Đây là việc sách vở nên sẽ kể hầu các cụ về sau.
Bữa nay họp làng có một việc quan
trọng nhưng ai cũng muốn giữ kín đến
phút chót. Phe các bà phụ trách nấu nướng. Bữa
nay các bà nổi hứng làm món bánh phồng tôm, ôi miếng bánh dòn và thơm phức cuộn với các lá rau thơm chấm nước mắm chua cay ngọt ăn kèm với những sợi dưa
chua cà rốt và cải trắng sao mà nó
ngon làm vậy. Vừa ăn ngon vừa nói cười nghiêng
ngả, sao mà nó sung sướng cách gì. Suốt bữa ăn, ngoài chuyện chữ nghĩa của MC Nguyễn Ngọc Ngạn và GS Đỗ Khánh Hoan, làng tôi đã cười nghiêng ngả khi
nghe anh John nói về cái hay của tiếng
Việt khi học ngôn ngữ mẹ đẻ của Chị Ba
Biên Hòa.
Anh John kể nhiều chuyện lắm, như
chuyện những câu nói thường ngày của
người Việt chúng ta: -Tui muốn bịnh
chắc phải đi khám bác sĩ, anh John bình luận: Nào có ai muốn bịnh bao giờ, ta bị mắc bịnh chứ, và khi ta có bịnh thì đi gặp bác sĩ để ông khám bệnh
cho ta chứ ta có đi khám bác sĩ đâu!
Ngoài ra bác sĩ sẽ cho ta uống thuốc trị nhức đầu chẳng hạn chứ làm gì có thuốc nhức đầu…
- Cô Tư đi sửa sắc đẹp, sắc đã đẹp
rồi thì việc gì mà đi sửa!
- Về thiên nhiên, nước không có
chân sao ta nói nước đứng, mây không
có chân sao ta nói chân mây, gió không có miệng sao ta nói gió thổi, con kiến không có răng sao ta nói kiến cắn, con muỗi không có lửa sao ta nói muỗi đốt?
-Cô hàng bán thịt hỏi bà khách
quen đi chơi xa mới về: Sao lâu quá
bác không ăn thịt cháu?
Các cụ đã thấy anh John này có những
nhận xét hay không, phải là người ngoại
quốc mới nhìn ra. Mà chưa hết. Anh còn bảo
đa số người Việt Nam mình khi nói tiếng Anh thường cho dấu huyền vào. Như order thì nói là o-đờ, bilingual thì nói là bai-linh gờ, busy thì nói là bí-gì, cable thì nói
là kê-bồ, thắng cháu tên Michael thì được gọi là thằng Mai-cồ, New Orleans được nói
là niu-óc-lần, Bob Dole bị gọi là thắng
Bóp-đồ, Toronto được đọc là Tô-rốn-tồ,
Melbourne là meo-bần, Sydney là sít-nì…
Cả làng đã phá ra cười vì không ngờ
cái tai và cái miệng của phe ta kỳ
quá!
Anh John định xin hết bài cười,
nhưng chưa xong. Chị Ba vợ anh nhắc
thêm: anh nói về chữ MẬT của tình yêu đi. Anh liền kể ngay: Tiếng Việt Nam đã đổ mật vào tìinh yêu của đôi lứa:
-Bắt đầu yêu là thời kỳ giữ bí mật
-Khi được đáp lại, lúc 2 người yêu
nhau, là thời kỳ thân mật
-Lấy nhau xong là thời kỳ trăng mật
-Sống với nhau lam lũ cực khổ là
thời kỳ giập mật…
Các cụ có thấy cái anh con rể VN gốc
Canada này rí rỏm không? Cả làng An Lạc
ai cũng bảo Chị Ba Biên Hòa lấy anh làm chồng quá tốt quá đẹp.
Khi bàn tiệc vừa dọn xong ly chén
thì đùng một cái từ nhà bếp vang lên
tiếng vỗ tay reo hò và Chị Ba Biên Hòa bưng ra một mâm đồng bánh sinh nhật lớn có 5 ngọn đèn cầy
cháy sáng và trịnh trọng đặt ngay trước
mặt Cụ Chánh. A, hôm nay là ngày sinh nhật
đại thọ 95 của tiên chỉ làng. Cả làng vang lên bài hát Happy Birthday to You. Bài ca quốc tế này dân
làng vừa hát vừa vỗ tay vừa reo hò. Mấy bà định xin cụ Chánh thổi nến và cắt
bánh thì ông Từ Hòe giơ tay. Ông lên
tiếng xin nói lời chúc mừng và lấy từ
dưới ghế lên chai Champagne Dom Pérignon và xin cụ Chánh cùng mở. Ôi vui làm sao. Nút chai nổ đùng kêu thật to và và bay lên tận trần nhà. Cụ Chánh cảm động quá,
nói lời cám ơn mà không thành lời. Và
dân làng vừa ăn bánh sinh nhật vừa uống xâm
banh vừa nói cười ầm ĩ. Mãi mới xong tiệc mừng này.
Bữa tiệc này có thần các cụ ạ.
Xong hết mọi sư mà dân làng vẫn chưa
ai chịu về. Liền chuyển sang việc uống trà. Cả phe các nhà quân tử chúng tôi lẫn phe các bà vẫn còn
thèm ở thêm chút nữa, nói và nghe
thêm chút chuyện nữa. Ông bồ chữ ODP mới hỏi
ông Từ Hòe món rượu xâm banh tên là gì mà nó ngon thế. Phe các bà đều gật gù về câu hỏi này. Ông Từ Hòe như được gãi đúng chỗ ngứa. Ông cười hà hà: Chuyện xâm banh thì phải có đầu có đuôi, nó dài như thế này:
…Giữa thế kỷ 19, phong trào tư tưởng
lãng mạn chế ngự đời sống xã hội và
văn học các nước Tây phương. Một hôm tổng cục
bưu điện Paris nhận được một bức thư ghi địa chỉ như sau: ‘Kính gửi vị Đệ Nhất
Thi Nhân của nước Pháp’, Và chỉ có thế, không
số nhà, không tên đường phố. Nhân viên bưu điện đã họp bàn rồi đồng ý chuyển bức thư ấy đến Thi Sĩ Akfred de Musset vì ông mới xuất bản tập thơ ‘Đêm’
(‘Les Nuits’, 1838), chuyện nổi tiếng
vi mối tình tay ba giữa nhà thơ với nữ thi sĩ George Sand và nhạc sĩ Chopin. Musset không dám nhận bức thư này bèn chuyển tới thi sĩ Lamartine là
thi sĩ đang nổi tiếng vô địch của Trường
phái lãng mạn. Lamartine cũng không dám nhận.
Ông mang tay tới thi hào Victor Hugo, người vừa xuất bản tập thơ bất hủ ‘La Légende des Siècles’ (Truyền Kỳ Thế Kỷ). Dĩ nhiên Hugo cũng không dám nhận. Chuyện
này bèn lan ra báo chí. Và văn giới
được mời tới họp mặt, cùng mở bức thư.
Lá thư viết như thế này: ‘Thư này xin gửi tới nhà sản xuất
Rượu Champagne danh tiếng nhất của nước
Pháp vì không có thi sĩ nào làm được
bài thơ hay, đẹp, cao quý và ngon hơn một chai Champagne’ Thế có nghĩa
là một chai Champagne thì hay đẹp cao quý và ngon hơn một bài thơ!
Vậy Champagne là gì? Thưa, là một
loại rượu vang có bọt, lấy tên miền
Champagne, vùng tây bắc nước Pháp là nơi sản xuất ra rượu này. Ngày nay Champagne trở thành tên chung gọi các rượu vang trắng hay hồng, giữ hơi trong
chai, sủi bọt khi rót vào ly.
Người Ý sản xuất rượu một cách như
thế thì gọi là Spumante.
Người Yphanho cũng sản xuất rượu
như thế thì gọi là Cava.
Người Đức cũng sản xuất như thế
thì gọi là Sekt.
Người Hoa Kỳ cũng sản xuất y như
thế, gọi là Champagne và ghép với tên
địa danh sản xuất, như California Champagne, New York State Champagne…
Như vậy, rượu vang đã đẻ ra Champagne. Thế rượu vang có từ bao giờ? Thưa, từ lâu lắm, có từ thời Cựu Ước trong Thánh Kinh. Mãi tới thế kỷ 17 người ta mới thấy có dấu vết. Sách chép rằng tại Nhà Dòng Bénédictine trong thị trấn
Sainte Menehould trung tâm tỉnh
Champagne có Thày Dòng Dom Piere Pérignon nghĩ được phương pháp làm ra Champagne mà
ta dùng bây giờ. Thày Dom Pérignon là
cha đẻ ra Champagne. Ngày nay hãng rượu Champagne nổi tiếng nhất nước Pháp là Moet Chandon đã lấy tên Cha Dòng đặt cho một loại rượu champagne thượng hạng gọi là Cuvée Dom Pérignon giá đắt gấp
5 gấp 10 loại Champagne thường. Tới đây thì sẽ có người đặt ra câu hỏi: Tại
sao các Nhà Dòng lại làm rượu? Thưa
nó có gốc từ thời thượng cổ khi Đạo Cơ Đốc đi chinh phục Âu Châu, các linh mục cần rượu để làm lễ. Cha Dom Pérignon còn có sáng kiến dùng nút
chai bằng ruột cây liège mà ta quen gọi
là cây điên điển, nó thấm rượu sẽ nở ra
giữ kín cổ chai.
Ông Từ Hòe thấy cụ Chánh đã mệt,
bèn xin Cụ mấy lời cuối. Cụ tỏ ra cảm
động hết sức. Cụ nói như lời trối: Lão không thể ngờ được rằng mình đã thọ hơn tổ tiên. Lão xin mượn lời Bà Crisda Rodrigue một cụ già từng
là hoa khôi từng là một danh ca quốc
tế, từng là nhà thiết kế và tác giả thời trang,
từng là tỷ phú… Bà Rodrigue đã ra đi. Trước khi nhắm mắt bà đã nói những lời này: Hạnh phúc là được sống vui vẻ hạnh phúc mỗi ngày. Tôi có chiếc xe hơi đắt nhất thế giới nhưng bây
giờ tôi phải đi xe lăn. Tủ áo của tôi
có đủ hàng hiệu quần áo giày dép giá trị quốc tế, nhưng bây giờ cơ thể tôi được quấn quanh bằng tấm vải của bệnh viện. Tôi từng di chuyển từ khách sạn
5 sao này sang khách sạn 5 sao khác,
nhưng bây giờ tôi được chở kéo đi từ phòng khám
bệnh này sang phòng khám bệnh khác. Tôi từng có 7 người thợ làm tóc, nhưng bây giờ trên đầu tôi không cón một sợi. Tôi từng có chuyên cơ riêng muốn bay
đi đâu lúc nào cũng được, bây giờ tôi
phải cần tới 2 người để tới được bệnh viện…
Nói tới đây thì cụ Chánh mệt quá,
nghỉ một chút rồi nói tiếp: Mỗi
lần nhớ tới lời trối của bà Rodrigue trên đây thì lão cũng liền nhớ tới ngày lễ an táng Mẹ Teresa Calcutta 13-9-1997 qua đài TV. Người dẫn chương trình tang lễ
hôm đó là một linh mục Canada tên
Philippe Thibodeau ở Montreal. Linh mục
này cho biết cách đó mấy năm ông đã
sang Ấn Độ để xin gặp mẹ Teresa. Ngài
xin mẹ mấy lời khuyên để đem về cho giáo dân. Mẹ liền cầm tay linh mục và nói: Cả cuốn Thánh
Kinh có thể tóm tắt trong 5 tiếng này;
YOU DID IT TO ME, Mẹ nói từng tiếng
và mỗi tiếng Mẹ chỉ vào một ngón tay của tôi. Thì ra bàn tay của tôi, của mỗi chúng ta là một thông điệp:
Yêu tha nhân là yêu Chúa! Yêu bằng việc
làm chứ không phải chỉ nói yêu bằng
miệng. Rồi Cụ Chánh xin hết ý.
Lúc ra về, lời Cụ Chánh vừa nói
làm tôi cảm động và nhớ ngay tới lời
thơ Le Conte de l’Isle mà tôi đọc hằng ngày:
Tóc bạc, da nhăn nhúm
Xin vâng, không phàn nàn
Chỉ xin Trời giữ lại
Đôi mắt đừng khô khan
Trái tim đừng nguội lạnh.
TRÀ
LŨ