LÂM HẢO DŨNG
QUANH TÌNH NGƯỜI
KIM PHƯỢNG
Tôi nhớ đôi khi tiếng gió chiều
Thổi qua làn khói mái tranh xiêu
Và trong giếng mắt buồn tê dại
Mẹ đứng nhìn quanh tủi phận nghèo*
Những
câu thơ quá quen thuộc này, tôi rất thích, đã thuộc lòng và “biết” được Nhà Thơ
Lâm Hảo Dũng, qua chừng ấy dòng thơ. “Biết” bởi lời thơ, quá mộc mạc mà đằm
thắm, không chải chuốt nhưng sâu sắc, đã lay động trái tim tôi, kéo trào dòng
nước mắt và như thể ông đã thay tôi nói lên cảnh nghèo của mẹ mình vậy. “Biết”
ông đã từ lâu, nhưng đến hôm ra mắt Tập Thơ “Những Bài Thơ Của Tôi”, tại
Footscay Arts Centre, tôi mới “thật sự biết” về ông. Vâng, “thật sự biết” khi
nhìn tận mắt “ngôn ngữ cử chỉ” của Tác Giả, ngần ấy đủ lột tả, tỏ rõ hơn về Nhà
Thơ Lính, Lâm Hảo Dũng.
Hình
ảnh đầu tiên, khi ông đón tiếp anh em thân hữu. Đó là một Lâm Hảo Dũng điềm
tĩnh, im lặng, ngồi trước những Tập Thơ sắp phát hành và mỉm nụ cười ấm, hiền,
cùng cái gật đầu nhẹ, chào từng người một, khi khách tham dự đến. Ông không có
một cử chỉ nào nôn nóng, bận rộn hay vội vã, dù chương trình sắp sửa bắt đầu.
Có lẽ, ông đã được ai đó chu tất mọi việc. Tôi tự nghĩ như thế. Thật là một tư
cách đặc biệt, có được từ một nhân vật chính, khác hẳn những lần tôi đã tham
dự. Chương trình bắt đầu, ông lặng lẽ đi vào hàng ghế sau cùng. Nhưng cô MC
không để ông yên, đã mời gọi và tiếng người giục giã ông lên ngồi hàng ghế đầu.
Chừng ấy ông bước đi và nói khẽ:
- Sao tôi ngại quá!
Vâng
ông rất ngại! Có người đã cho biết, ông rất ngại khi xuất hiện trước đám đông,
cũng như ngại khi xướng ngôn viên đài phát thanh có nhã ý phỏng vấn ông.
Qua
phần giới thiệu chương trình và lời chào mừng quan khách của Tác Giả. Buổi Thơ
Nhạc bắt đầu. Tiếng hát ngọt ngào, cất cao của Nhạc sĩ Cẩm Văn qua nhạc phẩm
Còn Chút Gì Để Nhớ… "một buổi chiều
nào lòng vẫn bâng
khuâng" bởi "Em
Pleiku má đỏ môi hồng"**…có lẽ dòng nhạc trữ tình, gợi lại ít
nhiều kỷ niệm cho Nhà Thơ và có lẽ, ông ngồi đây mà hồn thả tận xa xăm…
Sau
bài hát, bác sĩ Trần Xuân Dũng, người gốc nhà binh, đưa quan khách về thực tại
qua lời phát biểu. Ông phân tích tỉ mỉ, chính xác, ngắn gọn mà đầy đủ, khi đã
chọn lọc và đưa những câu thơ dẫn chứng. Ông không soạn bài để đọc mà chỉ nói,
có lẽ lời nói từ cảm xúc của trái tim ông, khiến người nghe dễ đồng cảm và như
đã đọc qua hầu hết những tuyệt tác của Nhà Thơ Lâm Hảo Dũng, trong khoảnh khắc
thời gian ngắn nhất mà ông Trần Xuân Dũng nói lên cảm tưởng. Cả hội trường im
phăng phắc và tràng pháo tay vang dội, nồng nhiệt khi ông Trần Xuân Dũng chấm
dứt. Một cảnh tượng lần đầu tôi được chứng kiến. Điều này cho thấy sự thu hút
của tác phẩm, cùng cái tình, sự trân trọng của Người nhận xét đã dành cho Tác
Giả cũng như cho người đang tham dự. Và một tình cảm sâu sắc nhất mà tôi không
thể không nói ra là cái tình của lúc ấy, của hai người chiến hữu, ông Trần Xuân
Dũng và Lâm Hảo Dũng. Mặc dù chưa quen biết nhau, nhưng họ như đã trao nhau
bằng tình Huynh Đệ Chi Binh ngày trước. Thật cảm động!
Trong
buổi ra mắt, nhìn quanh đâu cũng thấy là tình… Tình của những người đã cùng
uống nước chung dòng với Tác Giả Lâm Hảo Dũng. Đó là những người đồng hương Sóc
Trăng đến tham dự và ủng hộ. Đó là cô em gái miền tây qua vai trò MC, Kiều Thu.
Cô duyên dáng qua tà áo dài và sự chân tình được nhìn thấy từ lúc bắt đầu, đến
suốt cả Chương Trình.
Ngoài ra, tôi thấy rất rõ, tấm thạnh tình, sự nồng
nhiệt của nhiếp ảnh Bùi Quốc Hùng trong buổi ra mắt Tập Thơ này. Anh đã âm thầm
tự đến và âm thầm ra về, nhưng đã để lại cho gia đình Tác Giả nói riêng, cho
người đời này và cả thế hệ mai sau, những hình ảnh sống động, rất thật, qua
giọt nước mắt âm thầm rơi của Nhà Thơ Lâm Hảo Dũng.
Và
dù… “Đời Rất Bạc Chiều
Nay…”, nhưng chiều nay,
rất nhiều Anh Chị Em có tâm hồn nghệ sĩ, không bạc. Qua lời ca, giọng ngâm,
điêu luyện, trữ tình đã đưa thơ, nhạc phổ từ thơ ông đến gần hơn và dễ ru lòng
người nghe .
Tôi
cũng đã tận mắt chứng kiến, tấm tình thắm thìết mà Anh Em, Con Cháu nhà họ Lâm
đã cực lực hết sức mình. Qua lời tâm sự của Nhà Thơ, chính họ đã lo toan tất
cả, để có được một Lâm Hảo Dũng điềm tĩnh trước quan khách. Động lực thôi thúc
ông ra mắt Tập Thơ này, là do sự họp tác của các em ông, lo in ấn, hoàn thành
và trao đúng lúc cho người chị dâu, chính là Bạn Đời của ông Lâm Hảo Dũng,
trước phút lâm chung. Một món quà quá cao cả đã dành cho Bà. Bởi các em ông đã
gói gọn lời tình mà ông gìn giữ, nhắn gửi, sau mấy mươi năm mặn nồng. Bà đã
nhìn thấy và đã ra đi an bình trong niềm tin yêu.
Tôi
trở lại với Nhà Thơ. Ông nói rất ít và điềm đạm khi trả lời. Tuy nhiên, cái khí
phách của người đã từng trải qua một thời đao binh vẫn còn tiềm ẩn. Và tình… “Gửi người của xứ Pleiku” ra
đời. Thơ là trải lòng ông, là âm thầm khóc một mình. Có lẽ sự âm thầm đau đớn
đến không kềm chế và khiến ông khóc giữa đám đông.
Hôm nay ngày vĩnh biệt
Em không còn bên tôi
Hôm nay mây thành tuyết
Tan nơi đất quê người*
…và lời âu yếm đầy hứa hẹn mai sau
Hãy lau dòng nước mắt
Hãy an bình xuôi tay
Đợi ta về bên gốc
Cà phê hương nồng say…*
(Tác giả rơi nước mát khi nhắc về
người bạn đời vừa ra đi và những ngày cùng bạn đồng đội nơi chiến trường xưa)
Ai mà không khóc cho được!?
Những giọt nước
mắt ông khóc cho Người Bạn Tình Chung, sẽ không lẽ loi. Đã có những giọt nước
mắt đồng hành, những xúc cảm sâu xa chia sẻ, của cô Ca Sĩ, Người ngâm thơ và
của rất… rất…đông quan khách đang tham dự.
Phố núi cao phố núi đầy sương…
May mà có em đời còn dễ thương**
May mà có Em…Em
của thời má đỏ môi hồng, để anh đi lên đi xuống, để bắt đầu mối tình thật đẹp,
thật thơ của Tác Giả và may nhờ có Em…của 40 năm sau, một Nhạc phẩm được ra
đời, phổ từ thơ ông, “Gửi người của
xứ Pleiku”. Em bây giờ không còn má đỏ môi hồng, nhưng Em của mấy
mươi năm sau vẫn son sắt tấm lòng, vẫn nồng ấm trái tim yêu người qua những
chia sẻ ngọt bùi và đã cùng ông đi hết quãng đường…
Hôm nay hay hôm khác
Em vẫn là trăng sao
Vẫn bay về phố núi
Thương kỷ niệm năm nào*
Trong sum họp có
mầm của chia ly. Người tình của ông đã đã đến và đi vào cõi thiên thu. Quan
khách đến cùng ông và cũng đến giây phút giã từ.
Trước giờ chia
tay, cô MC Kiều Thu mời gọi những Người Cộng Tác, cùng Tác Giả chụp ảnh lưu
niệm. Mọi ngưòi đã sẵn sàng, nhưng bất ngờ, máy ảnh mắt tôi “chụp được” một bức
hình về chữ Tình nơi ông Lâm Hảo Dũng. Tấm hình “chụp được” bước chân vội vã
của ông, khi ông quay trở xuống hàng ghế quan khách ngồi và khi trở lại có ông
Trần Xuân Dũng đi cùng. Nhìn cảnh ấy “máy ảnh mắt" tôi, nhạt nhòa....
(Chị Ca Dao xúc động với lời thơ và bật khóc sau khi ngâm)
Trời
Melbourne đang mùa đông, nhưng lạ thay, trời đang khuất trên cao vẫn được kéo
dần xuống thấp. Mang nắng lên xoay dần giá buốt. Nắng nhè nhẹ xao động hồn thơ, chút gió thoảng lay
lay những hình bóng cũ quê nhà qua những tà áo dài thướt tha. Phải chăng cái
lạnh của mùa đông được sưởi ấm bởi tình… người đến với người, qua “Những Bài Thơ Của Tôi”. Chắc chắn
rằng, một Tác Giả Lâm Hảo Dũng không đủ làm trời Melbourne ấm lại, mà có cùng
sự đồng tâm, hợp lực của các Cộng tác viên lẫn Khách tham dự, khiến mọi người
quanh đây, hơn nửa đời đất khách dừng chân, như được an ủi, xoa dịu
phần nào nỗi buồn lưu vong, xa xứ. Và những Anh lính nhà binh của ngày xưa,
đang hiện diện, vẫn y nguyên chân dung của người Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa.
Cám ơn Anh Lâm Hảo Dũng…may nhờ có Anh mà người đồng bằng và
dân phố núi Pleiku xích lại gần hơn. Cám ơn Anh, bởi vì may nhờ có “ngôn ngữ cử
chỉ” của Anh mà tôi tìm được tình… người đến với người, cho tôi một cảm giác
thật tự nhiên, vượt qua lằn ranh ái ngại… “thấy sang bắt quàng làm họ”.
Tác Giả Lâm Hảo
Dũng – Quanh tình người, tình ông dành cho quê hương, cho mẹ, cho người tình,
cho anh em, cho bạn hữu, cho tha nhân. Thơ đã trải lòng ông và ai hữu duyên có
cùng đồng cảm, không tránh khỏi bồi hồi vấn vương cùng Tác Giả. Và cám ơn Anh
đã cho tôi nỗi nhớ mẹ khôn nguôi.
Mẹ già lạy phật Thích Ca
Lạy quanh tám hướng căn nhà trống
trơn*
Từ trái: Hoàng Chính Dan, Cẩm Văn, Ca
Dao, Hương Trần Ai, Trúc Ly, Kiều Thu, Thoại Mi, Thanh ương, Bác Sĩ Trần Xuân
Dũng, Thụy Phong và Nhà thơ Lâm Hảo Dũng
Kim Phượng
Úc Châu 25.8.2013
* Trích từ Thơ Lâm Hảo
Dũng
**Lời nhạc Còn Chút Gì Để Nhớ
Một vài hình
ảnh thân mật trong suốt buổi phát hành tập thơ
Bác Sĩ Trần Xuân Dũng và Nhà Thơ Lâm
Hảo Dũng
Chân tình của Những Người Lính năm
xưa
Bác Sĩ Trần Xuân Dũng, Nhà thơ Lâm Hảo
Khôi, Lâm Anh Kiệt,
Nhà thơ Lâm Hảo Dũng
Nữ MC khả ái Kiều Thu
Nhà thơ Lâm Hảo Dũng
Nữ MC khả ái Kiều Thu
Ca sĩ Thanh Hương chấm dứt chương trình với nhạc phẩm " Nửa Hồn Thương Đau của Nhạc sĩ Phạm Đình Chương
Kim Phượng tặng hoa thay lời cảm ơn và trân quý tình Mẹ bao la qua dòng thơ của tác giả
Buổi tiệc do gia đình Nhà Thơ khoản đãi các Cộng tác viên và Quan khách.
Ảnh của Bùi Quốc Hùng
No comments:
Post a Comment
Note: only a member of this blog may post a comment.