Monday 13 October 2014

Những sáng tác khác của Hồn Trẻ 20

NHẠC SĨ TRÚC PHƯƠNG –
những năm ở Vĩnh Long

người viết: CÁT TƯỜNG 

Trong một bài viết về cố nhạc sĩ Trúc Phương (1933-1996), nhà văn Nguyễn Đình Toàn, ở Mỹ, đã cảm khái: “Đôi khi nghe tin ai đó chết, người ta có thể chảy nước mắt khóc nhưng cũng có phần mừng cho người ấy không phải sống nữa. Trúc Phương, Lâm Tuyền sống ra sao những ngày cuối đời? Chúng ta không biết”. Qua bài viết này, chúng tôi hy vọng giúp Nguyễn Đình Toàn và “chúng ta” biết được phần nào cuộc đời nhạc sĩ Trúc Phương khi sống ở thị xã Vĩnh Long (nay là thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long), với những nỗi “buồn vào hồn không tên…”.

nhạc sĩ Trúc Phương (chụp trước 1975) 

Nổi tiếng từ đầu thập niên 1960 với các ca khúc: “Đò chiều”, “Tình thắm duyên quê”, “Nửa đêm ngoài phố”, “Mưa nửa đêm”,…, qua giọng ca “liêu trai” của Thanh Thúy, nhạc sĩ Trúc Phương rất được nhiều người ái mộ. Giai điệu dặt dìu âm vang miền sông nước của loại nhạc Boléro với ca từ chọn lọc, sắc sảo, nhiều ẩn dụ nhưng mỗi bài của Trúc Phương lại có một nét riêng. Đó là nét “đẹp buồn”, như cuộc đời của anh. Cuộc đời nhạc sĩ Trúc Phương trước năm 1975 đã đẹp vì những ca khúc do anh sáng tác được nhiều người hâm mộ, nhưng lại “buồn” vì cuộc sống không mấy “đẹp” với anh. Nghiệp chướng “đẹp buồn” vẫn đeo đẳng anh sau năm 1975, nhất là khi trở về sống ở quê nhà những năm 1986. Đó là lúc anh được ông Huỳnh Anh Kiệt - tên thường gọi Ba Kiệt, lúc ấy đang làm chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật (còn gọi Hội Văn nghệ, hay hội) tỉnh Cửu Long – “rước” về. Tỉnh Cửu Long lúc bấy giờ bao gồm hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh, lấy thị xã Vĩnh Long làm trung tâm tỉnh. Dù sống ở thị xã Vĩnh Long, nơi có trụ sở hội, nhưng vì như đã nói, kể như Trúc Phương sống ở quê nhà (xã Mỹ Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh).

bìa trước của bản nhạc "Mưa Nửa Đêm"




        Ba Kiệt là một người quý trọng tài năng anh em làm văn nghệ, bất kể “mới”, “cũ”. Ông đã thu nhận vào làm việc (biên chế) tại hội một vài tay “cũ”. Riêng Trúc Phương, ngoài việc trân trọng một nhạc sĩ đã làm rạng danh quê hương miền sông nước, ông còn quý mến anh vì ông cũng là một người có sáng tác nhạc. Về với hội, Trúc Phương được ăn lương nhà nước chỉ với nhiệm vụ sáng tác. Nhưng suốt thời gian sống ở đây, Trúc Phương sống hết sức “lè phè”, đi chơi long rong và hình như chỉ sáng tác được mỗi một bài “Chín dòng sông hò hẹn”. Bài hát rất hay này mang âm hưởng “Boléro 1960” của Trúc Phương, giống với những “Tàu đêm năm cũ”, “Hai chuyến tàu đêm”,… Tại đây, Trúc Phương còn được Ba Kiệt ưu ái cấp một căn phòng riêng ngay phía trước, bên phải cổng vào hội. Tuy là căn phòng nhỏ mái lá, vách mê bồ, nhưng đó cũng là không gian ấm áp cho chàng nhạc sĩ đa tài, lãng mạn này. Trúc Phương sống lặng lẽ tại đây như bản tính của mình và đã để lại khá nhiều “giai thoại” đáng yêu và đáng ghét.

bìa trước của bản nhạc "Tàu Đêm Năm Cũ"



       Đáng ghét nhất là một hôm, trên vách trước cửa phòng của anh xuất hiện tấm bảng viết mấy chữ lớn: “Đạo sĩ Trúc Phương”. Anh em văn nghệ xì xào. Người yêu Trúc Phương thì tôn xưng chỗ trú ngụ này của Trúc Phương thành “am”: “Am Trúc Phương”. Còn kẻ ghen ghét tài năng anh thì bảo “anh ta là gì mà dám tự xưng là đạo sĩ?”. Trúc Phương nghe thấy hết, nhưng với bản tính ít nói, anh chẳng thèm phân trần, cứ để mặc tấm bảng nằm đó, “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Tấm bảng thị phi ấy là do một họa sĩ trẻ thuộc Phân hội Hội họa của Hội, họa sĩ Đặng Can nghịch ngợm cho vui, vì anh cũng rất quý trọng Trúc Phương nên “tôn” Trúc Phương như vậy.
       Thị phi thứ hai là khi từ Huế vào Vĩnh Long chơi, nhà thơ Võ Quê gặp Trúc Phương. Vốn yêu thích người nhạc sĩ tài hoa này, Võ Quê có viết một bài ca ngợi ca khúc “Đò chiều” của Trúc Phương trên tạp chí Văn nghệ Cửu Long. Ngay lập tức, một tờ báo của Tỉnh Đoàn Cửu Long lên án kịch liệt, cho rằng Võ Quê đề cao bài hát ca ngợi lính Cộng hòa. Lý do là trong bài hát này ca từ “hoa sắc mặn mà” của Trúc Phương bị sửa thành hoa thắm Cộng hòa”. Vụ việc rồi cũng êm xuôi có lẽ cũng nhờ Võ Quê là tay Việt cộng thứ thiệt...
       Ngoài những thị phi trên, tại thị xã Vĩnh Long, Trúc Phương có khá nhiều kỷ niệm “đẹp buồn”, qua lời kể của một người rất kính trọng tài năng anh và được anh gắn bó và xem như em út. Đó là cán bộ trẻ của hội, sau nầy là nhà văn Trần Thôi (đang định cự tại Hoa Kỳ). Trần Thôi kể: Trúc Phương và vợ vượt biên không thành. Vợ bỏ anh đi lấy một ông Ba Tàu. Khi ở hội, anh sống với đứa con trai. Khi Trúc Phương sống tại hội, có một cô gái điếm yêu thích các ca khúc của Trúc Phương dọn về ở chung với anh tại “am”. Họ sống công khai và ông Ba Kiệt mặc nhiên công nhận. Phòng của Trúc Phương có một chiếc giường cá nhân khoảng 1 thước bề ngang, vừa một người nằm, nhưng hai người thì chật. Lần nào tới, thấy cửa đóng, ghé mắt vào, Trần Thôi cũng bắt gặp cảnh hai người nằm day lưng với nhau. Trần Thôi hỏi Trúc Phương về chuyện “làm ăn”, bị anh mắng: “Người ta dù là gái bán hoa nhưng yêu quý mình, lòng nào làm vậy”. Sống với Trúc Phương nhưng cô gái ấy vẫn tiếp tục bán thân vừa nuôi miệng vừa kiếm tiền giúp chàng nhạc sĩ nghèo mua sắm đồ ăn thức uống thăm nuôi con trai vượt biên bị bắt ở Cà Mau (tỉnh Minh Hải cũ), giam ở trại giam Rau Răm, thành phố Cần Thơ, tỉnh Cần Thơ (Bây giờ là thành phố Cần Thơ).




Trúc Phương ăn mặc rất “cầu kỳ”. Áo phải là áo “chim cò”. Quần phải là quần trắng. Áo thì có vài cái thay đổi, còn đi đâu đó thì anh diện chiếc quần “kẻng” màu trắng duy nhất. Một bữa Trần Thôi tới thấy Trúc Phương xếp cái quần “kẻng”, vuốt tới vuốt lui cho thật thẳng. Thấy Trần Thôi, Trúc Phương mừng rỡ nhờ đem quần đi bán. Trần Thôi đem ra chợ, đang kỳ kèo giá cả với mấy bà bán hàng “chạy” (ngồi lề đường mua bất cứ thứ gì để bán lại) thì gặp Ba Kiệt. Biết sự tình, Ba Kiệt không cho bán quần, kéo Trần Thôi về cơ quan, cho Trúc Phương một số tiền. Nhưng tình cảnh Trúc Phương nhờ Trần Thôi bán quần “kẻng” không thể không tái diễn. Vì vậy, muốn giúp Trúc Phương những khi cô gái điếm ế khách không có tiền, một bữa Trần Thôi đề nghị “ngủ” với cô với số tiền 20 đồng (*). Cô từ chối thẳng thừng: “Các anh là bạn Trúc Phương, em  làm sao làm được chuyện đó. Hai chục của anh nhằm gì, bữa trước, ông K. đề nghị “ngủ” với em giá năm chục em còn từ chối nữa kìa”.
       Một buổi sáng, trong lúc Trúc Phương ngồi uống cà phê với hai người bạn vong niên, nghe một ông già vừa đàn vừa hát, liên tục hết bài này tới bài khác. Trúc Phương kêu ông tới, hỏi ông hát nhạc của ai, ông lão đáp tỉnh queo: “Trúc Phương”. “Ông có biết Trúc Phương không?”. “Không”. “Là tôi đây”, Trúc Phương kết thúc ngắn gọn. Ông lão sướng quá ôm chầm nhạc sĩ. Trúc Phương nói: “Ông hát nhạc của tôi xin được biết bao nhiêu tiền rồi, bữa nay đãi tụi tôi nhậu một chầu nghe”. Ông lão cười. Nhưng cuối cùng ông chẳng những không mất một đồng nào vì nhậu (bởi Trúc Phương bệnh suyễn không uống rượu được) mà còn được uống cà phê đá do một trong hai anh bạn đi theo Trúc Phương trả.
       Trần Thôi kể: Một buổi trưa, Trần Thôi tới tìm Trúc Phương, dòm qua kẽ vách không thấy anh đâu, chỉ thấy con trai anh (hồi chưa bị bắt vì vượt biên) đang nằm tréo nguẩy say sưa hát hết bài này sang bài khác do cha nó sáng tác. Trần Thôi đứng lặng nghe với cõi lòng xao xuyến, lâng lâng cảm khái đầy thích thú.
       Riêng tôi, trong một lần trò chuyện với Trúc Phương, tình cờ được anh cho biết lý do sáng tác bài “Thói đời”. Bài hát đó “vạch mặt” một người bạn thân của anh hồi ở Sài Gòn trước năm 1975, “khi trắng tay gọi tên bằng hữu. Giờ giàu sang quên kẻ tri âm”. Đáng quý là anh không hề tiết lộ danh tánh tay nhạc sĩ đó. Trúc Phương tâm sự bài hát đầu tiên của anh ở Sài Gòn, là bài “Tình thắm duyên quê”. Vừa mới phổ biến qua làn sóng đài phát thanh, bài hát nhanh chóng nhận được sự ái mộ đặc biệt của đông đảo thính giả khắp nơi. Nhờ đó mà anh trụ tại đất Sài Gòn.




       Nhạc sĩ Phố Thu (hiện sống tại xã Tập Ngãi, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh) trong một lần trò chuyện cùng tôi ở thành phố Trà Vinh đã thố lộ : «Hồi đó Trúc Phương chê tôi vì sáng tác lẹ như… gà. Bởi vì, một bản nhạc của anh phải mất cả năm mới hoàn thành. Chính vì vậy mà nhạc và ca từ chọn lọc đến độ vừa bình dị vừa trau chuốt».
Trần Thôi nói Trúc Phương rời Vĩnh Long về Sài Gòn vào năm 1991. Bấy giờ đang có đợt giảm biên chế. Biết khó tồn tại nên Trúc Phương tự động xin nghỉ, không để người ta “giảm biên” mình.
Bẵng đi một thời gian vì cơm áo, tôi thật bất ngờ nghe tin chàng nhạc sĩ “đẹp buồn”, “ông vua Boléro Việt Nam” đã từ giã cõi đời vào năm 1996, ở Sài Gòn, trong cô đơn và buồn bã!


       Hôm ở Vĩnh Long, tôi gặp Trần Thôi trong một bữa nhậu. Trần Thôi vui miệng kể một số chuyện như trên về người nhạc sĩ có ca từ trau chuốt, ẩn chứa triết lý về cuộc đời đắng cay này. Những câu chuyện rất Người, rất Đời. Thích quá, tôi hỏi xin một số ảnh tư liệu về Trúc Phương lúc ở Vĩnh Long. Nhưng Trần Thôi buồn bã lắc đầu đầy tiếc nuối. Tiếc hơn nữa là căn phòng nhỏ hẹp Trúc Phương tá túc ngày xưa, nay đã là mảnh sân xi măng của Hội Văn nghệ Vĩnh Long (năm 1992, tỉnh Cửu Long chia tách thành 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh) từ hàng chục năm nay, nên chẳng chụp được hình!
       Trong một bài viết về Trúc Phương, Nguyễn Đình Toàn, ở Mỹ, đã cảm khái: “Đôi khi nghe tin ai đó chết, người ta có thể chảy nước mắt khóc nhưng cũng có phần mừng cho người ấy không phải sống nữa. Trúc Phương, Lâm Tuyền sống ra sao những ngày cuối đời? Chúng ta không biết”. Qua bài viết này, chúng tôi hy vọng Nguyễn Đình Toàn và “chúng ta” ở Mỹ biết được phần nào cuộc đời nhạc sĩ Trúc Phương khi sống ở thị xã Vĩnh Long với những nỗi “buồn vào hồn không tên…”.

CÁT TƯỜNG
-------------

Ghi chú: (*) 20 đồng lúc bấy giờ là cả 1 tháng lương.



No comments:

Post a Comment

Note: only a member of this blog may post a comment.