Nguyên Nghĩa
Đánh Dấu 40 Năm Bỏ Nước Ra Đi Tìm Tự Do
Cách
đây 20 năm, ngày 30 tháng 4 năm 1995, với sự hỗ trợ đặc biệt của thành phố
Ottawa, người Việt tị nạn tại Canada đã long trọng khánh thành Đài Kỷ Niệm
(Thuyền Nhân) Việt Nam, ngay tại thủ đô Ottawa.
Năm
nay 2015, đánh dấu 40 năm cả triệu người Việt Nam bỏ nước ra đi tìm tự do sau
khi Cộng Sản chiếm Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) ngày 30 tháng 4 năm 1975. Dịp này, bên
cạnh việc đặt viên đá đầu tiên xây dựng Đài Tưởng Niệm Nạn Nhân Của Chủ Nghĩa Cộng
Sản tại thủ đô Ottawa vào ngày 30 tháng 4 (công trình này được chính phủ Canada
hỗ trợ hơn 1 triệu Gia-kim); người ta còn được biết có Dự Luật S-219 “Journey to Freedom Day” (Ngày Hành Trình
Tìm Tự Do) do Thượng nghị sĩ Ngô Thanh Hải đệ trình, đang được bàn thảo tại
Hạ viện.
Hệt
như 20 năm trước, lần này chính phủ Cộng Sản Việt Nam (CSVN) lại ồn ào phản đối
chính phủ Canada, đồng thời tìm mọi cách vận động các đảng đối lập trong Quốc Hội
Canada cũng như một số phần tử có liên hệ với chế độ CSVN; để mượn tay họ ngăn
trở Dự Luật S-219 hoặc ít nhất cũng gây trì hoãn cho tới sau ngày 30 tháng 4
năm 2015, là dịp đánh dấu 40 Năm Người Việt
Bỏ Nước Ra Đi Tìm Tự Do.
Thủ
tướng CSVN lẫn Bộ Ngoại giao CSVN gửi văn thư phản đối. Đảng và nhà nước CSVN
sau 40 lần 30 tháng 4 nay đã vô phương để bào chữa cho chế độ rồi, nên lý luận
trong văn thư của họ chỉ có thể chống chế rằng Dự Luật S-219 “xuyên tạc lịch sử, khơi lại quá khứ đau buồn,
chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam”.
Lẽ
dĩ nhiên CSVN đời nào chịu nhìn nhận một sự thật rằng: Cả triệu đồng bào đã phải
liều chết ra đi tìm tự do, chạy trốn chế độ Cộng Sản, sau khi Cộng quân xâm chiếm
miền Nam (VNCH) ngày 30 tháng 4 năm 1975 và áp đặt chế độ Cộng Sản lên cả nước!
Ai
cũng biết, 30 tháng 4 năm 1975 là ngày mà CSVN thường ca tụng là ngày “đại thắng
mùa xuân”. Nên tự hỏi, nếu đã tự hào “đại thắng” thì “bên thắng cuộc” phải vui
chứ sao lại buồn? Khi giờ đây CSVN nói rằng Dự Luật S-219 “khơi lại quá khứ đau buồn, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc”,
điều đó có nghĩa là trong thâm tâm, Cộng Sản Việt Nam nhìn nhận 30 tháng 4 năm
1975 là một vết thương chưa lành!
Vậy thử hỏi, bên
nào đã gây nên vết thương 30 tháng 4 năm 1975?
Dân
biểu liên bang Brad Butt (đơn vị Mississauga-Streetsville) nói trong một lá thư
gửi cho tác giả bài viết này, rằng:“Cộng
Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã công kích Dự Luật S-219, viện lý do là “Luật
Ngày Hành Trình Tìm Tự Do” sẽ khơi lại những
vết thương cũ. Nếu chúng ta (Canada) lý luận theo kiểu CSVN thì chúng ta không
nên có ngày lễ Tưởng Niệm Chiến Sĩ Trận Vong (Remembrance Day) vào ngày 11
tháng 11. Kinh nghiệm của Canada cho thấy các vết thương không thể lành được bằng
cách lờ chúng đi. Chúng ta (Canada) đã đem bài học này ra áp dụng trong việc xử
sự đối với những giai đoạn u ám trong lịch sử của chính chúng ta, bằng cách nhận
trách nhiệm và xin lỗi về việc đã Đánh Thuế Đầu Người lên người Trung Hoa, về
việc đã lập các trại tập trung người Nhật trong thời Đệ Nhị Thế Chiến và về việc
đã lập các trường nội trú bắt buộc trẻ em Thổ Dân phải vào đó”.
Canada
đã cố gắng chữa lành vết thương bằng cách nhận trách nhiệm và xin lỗi người
Trung Hoa, người Nhật và Thổ Dân bản địa. Điều này được hiểu là bao gồm bồi thường
cho các nạn nhân bằng cách này cách khác. Còn CSVN thì sao? Đảng và nhà nước CSVN
chưa hề nhận trách nhiệm đã gây nên cái chết cho khoảng 250,000 đồng bào trên
đường tìm tự do từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. CSVN chưa hề nhận trách nhiệm đã
gây ra cái chết cho biết bao nhiêu chục ngàn người bị tù “cải tạo”, những người
đã phục vụ cho nước VNCH…
Nếu
lùi sâu hơn nữa về quá khứ thì CSVN phải nhận trách nhiệm đã sát hại tập thể
hàng ngàn người dân Huế hồi Tết Mậu Thân 1968. CSVN cũng phải nhận trách nhiệm
đã đẩy hàng chục triệu người dân miền Bắc vào cuộc chiến “sinh Bắc tử Nam” để rồi
kết thúc cuộc chiến đó bằng vết thương
30 tháng 4 năm 75, đến nay vẫn không lành.
Vết thương đó lại càng lở loét thêm khi mà giờ đây CSVN hiện nguyên hình là tay
sai Cộng Sản phương Bắc, hậu quả là mất gần hết biển Đông vào tay Trung Cộng.
Với
mục đích tiếp tay cho CSVN chống phá Dự Luật S-219, một vài phần tử có liên hệ
kinh doanh với Việt Nam cũng lên tiếng phản đối Dự Luật S-219. Họ viện lý do là
Dự Luật này làm tổn hại mối liên hệ mậu dịch, mối liên hệ ngoại giao giữa hai
quốc gia. Dĩ nhiên là họ lờ đi các vấn đề khác mà CSVN vi phạm trầm trọng, chẳng
hạn như vấn đề Nhân Quyền, vấn đề Môi Sinh, vấn đề cướp đoạt của cải người dân,
vấn đề vơ vét tài sản quốc gia bỏ vào túi riêng v.v…
Cũng
có một số ít người diễn dịch Dự Luật S-219 theo sự nhạy cảm riêng của cá nhân họ,
vô tình tiếp tay trì hoãn việc thông qua Dự Luật là điều mà CSVN đang mong đợi.
Dân biểu Elizabeth May của Đảng Xanh chẳng hạn, không hiểu do ai “gợi ý” mà bà đề
nghị chọn ngày 27 tháng 7 làm “Journey to
Freedom Day” vì đó là ngày mà chiếc phi cơ đầu tiên chở người tị nạn Việt
Nam đáp xuống Toronto năm 1979. Nhưng chẳng may cho bà May: ngày 27 tháng 7 là
ngày mà Hồ Chí Minh đã chọn làm “Ngày Thương Binh Liệt Sĩ (Cộng Sản) toàn quốc”!
Hội
Tết Ất Mùi tại Toronto được tổ chức hôm đầu tháng 2 vừa qua, sự hiện diện của Thủ
tướng Canada Stephen Harper và phái đoàn của ông đã được thông báo trước trên
poster Hội Tết. Có thể nói, con số khoảng 10,000 đồng bào đã chứng tỏ
có một tập thể người Việt vô cùng đông đảo ủng hộ Thủ tướng Harper, đảng Bảo Thủ
của ông và dĩ nhiên, ủng hộ Dự Luật S-219 “Ngày
Hành Trình Tìm Tự Do” mà đảng Bảo Thủ hỗ trợ.
Tại
đó, người ta thấy vô số lá cờ vàng ba sọc đỏ, ở cổng vào, ở hai bên lối đi, ở
các gian hàng, trên sân khấu, ngay sát bên diễn giả Thủ tướng Stephen Harper,
trên khăn quàng cổ của Tổng trưởng Jason Kenney, của Thượng nghị sĩ Ngô Thanh Hải,
v.v… Cờ vàng nhiều đến độ sứ quán CSVN phải lên tiếng “ganh ghét” rằng tại sao
lại cho cờ của VNCH xuất hiện bên cạnh cờ Canada mà không thấy cờ đỏ sao vàng tại
Hội Tết Toronto!
Như
vậy, những ai có thắc mắc liên quan đến Dự Luật S-219 này có thể tự thấy rằng, hỗ trợ đông đến như vậy, hẳn là đồng bào Việt Nam tị nạn, tại Toronto nói
riêng, tại Canada nói chung, nhìn ra đây là việc làm chính đáng, có ý nghĩa!
Thủ tướng Stephen Harper & TNS Ngô Thanh Hải với các Cựu SVSQ Trừ Bị Thủ Đức/Ontario.
Tổng trưởng Đa Văn Hóa Jason Kenney tại Hội Tết Ất Mùi, Toronto.
Tôi
tin là, để có cái nhìn sâu hơn, chi tiết hơn, ai cũng nên đọc hết nội dung của Dự
Luật S-219 “Ngày Hành Trình Tìm Tự Do”
trước khi mạnh mẽ nêu ý kiến về Dự Luật này. Xin hãy đọc bản dịch nội dung chi
tiết của Dự Luật này, do Nguyễn
Thanh Hoàng chuyển ngữ, tại: http://thuduc-ontario.ca/tailieu/bandich-daoluat-s219.html
Nhiều
khi các mối liên hệ mậu dịch, liên hệ ngoại giao không thắng nổi lương tâm! Tại
một buổi gây quỹ hôm 31 tháng 5 năm 2014 tại Toronto cho dự án xây dựng tại
Ottawa Đài Tưởng Niệm Nạn Nhân Của Chủ Nghĩa Cộng Sản, Thủ tướng Stephen Harper
đã phát biểu những lời lên án chủ nghĩa Cộng Sản như sau: “Trong thế kỷ 20, học thuyết độc hại và sự áp dụng tàn bạo của chủ
nghĩa Cộng Sản đã được cấy từ từ vào các quốc gia trên khắp thế giới ở mọi lục
địa. Kết quả đó là một thảm họa. Hơn 100 triệu sinh linh đã bị mất đi – đó là
con số khổng lồ không thể nào hiểu được [...] Cái ác đến dưới nhiều hình thức và dường như nó biến hình theo thời
gian. Dù nó tự gọi tên nó là gì đi nữa: chủ nghĩa Nazism, chủ nghĩa Mác Lê-nin
hay chủ nghĩa khủng bố hiện thời; thì tất cả chúng đều có một điểm chung là cướp
đi sự tự do của con người”.
Không
lạ gì khi mà giờ đây Thủ tướng Harper và đảng Bảo Thủ hỗ trợ cho Dự Luật S-219 “Ngày Hành Trình Tìm Tự Do” và công khai
nhắc lại một sự thật lịch sử: ngày 30 tháng 4 năm 1975 Cộng Sản chiếm VNCH,
từ đó khiến cả triệu người Việt Nam bỏ nước ra đi tìm tự do. Trong cuộc Hành Trình Tìm Tự Do này có khoảng 250,000
đồng bào đã bị thiệt mạng.
Nhiều
người hy vọng Dự Luật S-219 “Journey to
Freedom Day” được Quốc Hội Canada thông qua đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm VNCH
lọt vào tay Cộng Sản. Cũng vào dịp này,
tại thủ đô Ottawa sẽ tổ chức lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Đài Tưởng Niệm Nạn
Nhân Của Chủ Nghĩa Cộng Sản. Ngoài ra, 30 tháng 4 năm nay cũng đánh dấu 20 năm
khánh thành Đài Kỷ Niệm (Thuyền Nhân) Việt Nam tại thủ đô Ottawa.
Sự
phản đối ồn ào của CSVN càng tô đậm thêm điểm son cho Dự Luật S-219 “Ngày Hành Trình Tìm Tự Do”.
Nguyên Nghĩa
(14/3/2015)
No comments:
Post a Comment
Note: only a member of this blog may post a comment.