Sunday, 10 April 2016

Những sáng tác khác của Hồn Trẻ 20

PHƯƠNG KIỀU
Gió chướng thơm mùi tôm càng nướng

           Những năm 1950, tôm càng không là “đặc sản”. Chúng có mặt rất nhiều trên các nhánh sông khu vực Đồng Bằng Sông Cửu Long, cả các ao đìa… Vì vậy tôm càng được người dân địa phương (kể cả người nghèo) chế biến thành nhiều món ăn ngon trong gia đình. Lúc bấy giờ ngoài kho tàu, kho rim, người ta còn dùng tôm càng làm nguyên liệu chính để nấu canh chua bông so đũa. Mùa gió chướng (thời gian trước và sau Tết Nguyên đán) là mùa bông so đũa trắng nở rộ. Canh chua tôm càng bông so đũa là món ngon ai từng thưởng thức cũng đều tắm tắc khen. Vì giá rẻ nên tôm càng còn được người dân nơi đây làm chính phẩm cho món “ăn chơi”: bánh mặn. Tôm càng lột bỏ vỏ băm nhỏ trộn gia vị xào sơ, rải lên mặt bột gạo được đổ hấp chín thành nhiều lớp, hấp chín lần cuối. Khi ăn, xắt từng miếng hình thoi, rải dưa chua, chan nước cốt dừa cùng nước mắm pha là món lót lòng buổi sáng nhiều hấp dẫn. Món này trẻ con rất thích, nhưng chúng thích nhất được ăn mấy cái càng tôm nướng thơm mùi củi lửa…
          Anh bạn văn nghệ kể thời bao cấp nhà văn Sơn Nam xuống một huyện ở An Giang về khoe với nhà văn Mai Văn Tạo được đãi một bụng no nê những món ăn từ tôm càng. Nhà văn Mai Văn Tạo hóm hỉnh nói: “Ông làm như mới đi nước ngoài về”. Thời bao cấp, mình tôm càng là đặc sản xuất khẩu. Người trong nước chỉ được thưởng thức cái đầu tôm. Ca dao có câu: “Đầu tôm nấu với ruột bầu/Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”. Theo nhiều người, đầu tôm là bộ phận ngon nhất của con tôm. Ngon vì nó giòn mềm, rồi vị béo ngọt tiết ra hậu bùi, lâng lâng khoái cảm. Té rá cái món người ngoại quốc chê lại là món ngon số một của con tôm mà dân trong nước được hưởng.
          Càng về sau này, tôm càng càng được người nông dân nuôi dưới chân ruộng, mở ống bọng đầu các mương vườn để tôm con từ sông vào trú ngụ. Những con tôm nầy lớn lên theo năm tháng, mình đóng rong rêu. Vì được nuôi trong môi trường không bình thường nên tôm không ngon thịt. Chỉ có những con tôm sống giữa khoáng đạt sông nước bao la mới là những con tôm cho chất lượng ngon nhất. Tôm càng có mặt hầu như quanh năm, nhưng rộ nhất vào mùa gió chướng, đặc biệt là theo con nước rong (đầu hoặc giữa tháng ậm lịch). Tôm sông được ngư dân đánh bắt bằng các phương tiện: câu, chài, chất chà, cào... Để phân biệt tôm sông và tôm nuôi người ta chú ý đến đặc điểm: tôm nuôi trắng tươi và lớn đều như nhau, trong khi đó tôm sông trắng xanh cùng một kích cỡ. 
          Người ta nói ăn món gì có thể giấu lối xóm được nhưng thưởng thức tôm càng nướng thì không. Vì cái mùi tôm chin trêtn bếp than hồng lan tỏa khắp xung quanh, “thơm” tới “nứt mũi”. Tôm càng nướng ăn với rau sống đã ngon, nhưng khi kết hợp với bún thành món ngon trứ tuyệt. Tôm kho tàu hoặc kho mẳn là những món ngon nhớ đời. Có vài cách làm món tôm kho tàu. Trong đó có cách lặt đầu tôm, lấy gạch để trong chén ướp tiêu, bột ngọt, bột nêm, mỡ, trộn đều, sên trên bếp lửa nhỏ đến khi sánh. Tôm lột bỏ vỏ, chừa đuôi cho đẹp, rửa sạch, để ráo. Cứ một phần muối hột dùng ba phần đường cát trắng cho vô nồi, xóc đều, để chừng ba bốn tiếng, mình tôm thấm gia vị, săn trong. Cho nồi lên bếp lửa than lớn. Khi những chiếc bong bóng phập phù trong nồi, để lửa liu riu tới lúc không còn chiếc bong bóng nào là lúc nước đã rút hết vào mình tôm, tôm chín, nhưng chưa kỹ. Gạt than khỏi bếp, khi tôm ửng đỏ, chế chén gạch tôm vào, xóc cho tôm thấm đều gạch và gia vị, để trên bếp lửa một lát rồì dọn ra bàn. Tôm kho tàu vàng ươm ăn nóng cùng với sà lách, rau thơm, dưa leo và cà chua xắt lát. Món này ngon ngoài mùi vị đặc trưng của tôm, vị tiêu cay, còn nhờ mùi than củi tỏa thấm mình tôm. Ngon không thể tả là khi ăn tôm kho tàu với cơm gạo lúa mới dẻo thơm.


Tôm kho mẳn thì lột bỏ vỏ tôm, ướp gia vị rồi cho vào nồi nước cùng một ít muối hột, bắc trên bếp lửa riu riu. Nước cạn, xăm xắp, tôm chín. Nước tôm kho lợn cợn những váng gạch hồng lợt, chan cơm ăn đã ngon, nhưng chấm đậu rồng non mới khoái khẩu. Đậu rồng non nổ giòn trong răng, chan chát mùi đất đai cùng vị mặn thơm của gia vị, của thịt tôm hòa quyện khẩu cái. Đậu rồng non có mặt khi gió bấc hiu hiu ngọn. Cái ngọn gió chướng sảng khoái càng khiến món tôm kho tàu hoặc kho mẳn ăn với cơm gạo lúa mới nóng hổi càng thêm hao cơm.


Từ nhiều năm nay, tôm càng được các nhà hàng chế biến thành nhiều món nhậu hấp dẫn. Trong đó đáng chú ý là tôm hấp bia, tôm lăn bột chiên, tôm xốt me, tôm xốt nước tương…
Theo thị trường, giá tôm sông lúc nào cũng cao hơn tôm nuôi, dao động theo từng địa phương. Tôm sông “chánh hẩu” khoảng 240.000đ/kg, tùy theo con nước. Hôm qua, 19-2-2016, tại chợ chồm hổm bến phà qua Xóm Chài, tôm sống bơi trong thau nhôm được rao với giá “bèo”: 200.000đ/kg.
                                  
Bài và ảnh: PHƯƠNG KIỀU
------------------------------
Ghi chú ảnh:
1.    Tôm kho tàu đỏ màu gạch son ngon mắt

2.    Tôm nướng ăn sướng cái thần hồn


Thursday, 7 April 2016

Hồn Trẻ 20 và bạn hữu

Lưu Nguyễn
Ba "Ngả Rẽ" Vào Y Khoa U.S.A.

Nước Mỹ có ba nhóm (typers) Bác Sĩ Y Khoa tiêu biểu. Cả ba được đào tạo cùng lúc, trong cùng một khoảng thời gian cần phải có, cho mỗi loại (typer) là mười một năm: 4 năm Đại Học + 4 năm Y Khoa + 3 năm residency. Đó là:

1. Doctor of Medicine. Viết tắt là M.D.
2. Doctor of Osteopathic Medicine. Viết tắt là D.O.
3. Doctor of Podiatric Medicine. Viết tắt là D.P.M

Bởi có ba "typers" Bác Sĩ Y Khoa, nên cũng đã có ba "loại" trường Đại Học Y Khoa khác nhau để đáp ứng nhu cầu. Sinh viên nào xây mộng ước tương lai hành nghề Bác Sĩ Y Khoa. Chắc chắn các em đã phải tìm hiểu thật kỹ lưỡng về từng "loại" trường. Sau đó mới quyết dịnh chọn ra một, trong ba loại trường Y Khoa sau đây, để nộp đơn xin được tuyển chọn vào. Đó là:

1. School of Medicine, đào tạo M.D
2. School of Osteopathic Medicine, đào tạo D.O.
3. School of Podiatric Medicine, đào tạo D.P.M

Qua tìm hiểu được biết tất cả ba "loại" Bác Sĩ Y Khoa nói trên, đều được hưởng thụ nền giáo dục tương tự. Phương cách tuyển chọn sinh viên cũng giống y chang như nhau. Trong Hồ Sơ Xin Nhập Học, cả ba "loại" trường Y Khoa đều đòi hỏi các sinh viên cần phải có:

- Đơn Xin Nhập Học.
- Phiếu điểm GPA (Grade Point Average) bậc Đại Học.
- Điểm MCAT (Medical College Admission Test)
- Những Thư giới thiệu.
- Bài Luận Văn (Essay)

Vậy M.D, D.O và D.P.M không có gì khác biệt?

Trước hết, nếu chỉ so sánh giữa hai "loại" Doctor of Medicine(M.D) và Doctor of Osteopathic Medicine(D.O). Ta sẽ thấy cả hai giống nhau như một cặp song sinh, chỉ khác nhau một chữ viết để phân biệt "loại" trường Y Khoa nào họ đã theo học. Đó là Allopathic (M.D) hay là Osteopathic (D.O). Cả hai cùng có chung các môn học, thời gian cần phải học bằng như nhau trong "School of Medicine" (Allopathic) M.D hoặc là trong “School of Osteopathic Medicine" D.O.

Allopathic (M.D.)
Osteopathic (D.O.)
Pre-Medical
Biology (8 Hours)
Physics (8 Hours)
Inorganic Chemistry (8 hours)
Organic Chemistry (8 Hours)
(Passage of the MCAT)
Biology (8 Hours)
Physics (8 Hours)
Inorganic Chemistry (8 hours)
Organic Chemistry (8 Hours)
(Passage of the MCAT)
Medical School
Four Years
Four Years
Residency Program Options
 Approved Programs
 or AOA
 Approved Programs
Residency
Specialty Dependent
Three (Emergency Medicine) to seven years (Neurosurgery)
Specialty Dependent
Three (Emergency Medicine) to seven years (Neurosurgery)
Licensing
Requirements Vary by State
Requirements Vary by State

Sau khi tốt nghiệp Y Khoa, cả hai M.D và D.O cần phải hoàn tất thời gian làm Bác Sĩ Thực Tập trong bệnh viện (Medical Resident), theo chuyên khoa mình tự chọn (Residency Program Options).

Một M.D hoặc D.O nếu chọn làm Bác Sĩ Gia Đình (Family Medicine), thời gian cả hai cần "residency" là 3 năm. Nếu chọn chuyên ngành Y Khoa Chỉnh Hình (Orthopedic Medicine) thì M.D và D.O cần tới 5 năm Residency.

Nói tóm lại "cặp đôi" Bác Sĩ Y Khoa M.D và D.O. có trình độ học vấn, khả năng như nhau, có thể kê toa thuốc và điều trị các bệnh. Bây giờ xin đề cập đến "loại" Doctor of Podiatric Medicine (D.P.M)..

Doctor of Podiatric Medicine/Podiatrist được đào tạo chuyên khoa điều trị từ cổ chân đến bàn chân. Nhưng Podiatrist có thể chuyên về nhiều lĩnh vực, bao gồm phẫu thuật, y học thể thao, chăm sóc vết thương, chăm sóc bệnh nhân bị các bệnh mãn tính như bệnh tiểu đường, bệnh tim, bệnh động mạch ngoại biên, viêm khớp, béo phì. Những bệnh này có thể dẫn đến nhiều "vấn đề" ở bàn chân và mắt cá chân. Nếu được điều trị thích hợp từ một Bác Sĩ Y Khoa về chân (Podiatrist) thì các biến chứng nghiêm trọng hơn có thể tránh được.

Muốn phân biệt ra từng "loại" Bác Sĩ Y Khoa M.D, D.O hoặc D.P.M, xin hãy nhìn những mẫu tự, được viết kèm theo sau họ tên của vị Bác Sĩ. Ví dụ như:

- Doctor Nguyễn Thế Trần Hoài, M.D.
- Doctor Phạm Hoài Hương, D.O.
- Doctor Tạ Thanh Bình, D.P.M.

Sẽ rất thú vị khi tìm hiểu, so sánh giữa PODIATRIST (D.P.M) và ORTHOPEDIST (M.D hoặc D.O)

- PODIATRIST (D.P.M)

được đào tạo trong khoảng thời gian là 11 năm (4 năm Đại Học + 4 năm Y Khoa + 3 năm Residency. Trong 3 năm nội trú bệnh viện (residency) đào tạo chuyên khoa điều trị các "rối loạn", bệnh tật liên quan đến bàn chân và mắt cá chân, gây mê và phẫu thuật. Mỗi D.P.M (bắt buộc) phải thực thành thành công it nhất 275 trường hợp, phẫu thuật bàn chân và mắt cá chân trong thời gian Residency.

- ORTHOPEDIST (MD or DO) được đào tạo trong khoảng thời gian là 14 năm, gồm 4 năm Đại Học + 4 năm Y Khoa + 5 năm Residency, thời gian này đào tạo nội trú phẫu thuật chỉnh hình tổng quát + thêm 1 năm dành riêng cho "điều trị bàn chân và mắt cá chân" (đây là chuyên khoa của D.P.M học hành trong 11 năm).

Hiện nay theo thống kê của chính phủ Mỹ cho biết một cách tổng quát: khi bàn chân và cổ chân có "vấn đề", 39% bệnh nhân chọn Podiatrist (DPM), trong khi chỉ có 15% chọn Orthopedist (M.D hoặc D.O). Riêng đối với tình trạng ngón chân đầu búa (Hammertoes) và bệnh viêm bao dịch hoạt ngón chân cái (Bunion), thì có tới 63% bệnh nhân chọn Podiatrist, 12% chọn Orthopedist.

Thật ra, tổn thương bàn chân có nhiều mức độ. Bệnh có thể diễn tiến đến sự tàn phế, nếu không được chữa trị kịp thời. Phương pháp điều trị tổn thương bàn chân tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ của bệnh tật. Một trong những bệnh về bàn chân là "bàn chân bẹt" ở trẻ em và người lớn. Những người bị chứng bàn chân bẹt, sẽ không có vòm cong dưới lòng bàn chân và đây là nguyên nhân của nhiều chứng đau cột sống xương khớp. Những người bị đau ở cổ, lưng, đầu gối, mắt cá và bàn chân, hầu như không có ai nghĩ đến nguyên nhân, do "bàn chân bẹt" của mình gây ra. Thêm vào đó có cả tình trạng bị viêm cơ mạc bàn chân (Fasciitis Plantar), đau nhức gót chân (Hell Spurs), ngón chân đầu búa (Hammertoe), viêm bao hoạt dịch ngón chân cái (Bunion) và đau bàn chân ở người bị tiểu đường. Nếu phát hiện sớm, các tổn thương này có thể điều trị khỏi hoàn toàn, từ một Podiatrist (D.P.M) hoặc một Orthopedist (MD, DO), khi các "vấn đề" chưa trở nên quá phức tạp.

Để "chăm sóc đặc biệt" đôi chân. Nước Mỹ có chín trường "School of Podiatric Medicine". Trong số đó có trường Samuel Merritt University - California School of Podiatric Medicine. CSPM được thành lập từ năm 1914 tại California. Tính "tuổi" ra, thì California School of Podiatric Medicine, có thể được coi là Đại Học Y Khoa về Chân, đã "thượng thọ" hơn 100 năm tuổi. CSPM có truyền thống rất đặc biệt trong hai ngày:

1. Ngày sinh viên CSPM được trao White Coat (áo khoác màu trắng).

Theo truyền thống của California School of Podiatric Medicine, những sinh viên Y Khoa năm thứ nhất của CSPM, chưa được mặc đồng phục White Coat khi đến lớp, như những sinh viên Y Khoa của các trường khác. Để được mặc white coat, sinh viên CSPM năm thứ nhất, phải chăm lo học hành ngay tức thì. Sau khi đã hoàn tất năm thứ nhất, những sinh viên không bị rớt bất cứ lớp nào trong năm học, mới được nhà trường trao cho những Thiệp Mời, để tự tay gởi về nhà, mời thân nhân đến CSPM tham dự buổi lễ trao "white coat". Còn gì vui hơn, lần đầu tiên sinh viên CSPM được mặc chiếc áo khoác màu trắng, trên miệng túi có đính sẵn bảng tên. Chiếc áo khoác này được chính tay thầy, cô mặc cho các sinh viên, chuẩn bị bước lên năm thứ hai, trước sự chứng kiến của phụ huynh. Buổi lễ này được tổ chức rất chu đáo, trang trọng và được kết thúc bằng một bữa "dinner" gồm những món đặc sản của California. Trong bầu không khí thân mật, đầm ấm tình gia đình xum họp. Thực sự đây buổi lễ trao white coat rất ý nghĩa, đánh dấu sự thành công khởi đầu của sinh viên trường Y Khoa California School of Podiatric Medicine.

2. Ngày sinh viên CSPM tốt nghiệp, nhận văn bằng Doctor of Podiatric Medicine.

Trong ngày trọng đại theo truyền thống của CSPM. Những sinh viên tốt nghiệp Bác Sĩ Y Khoa D.P.M, được hân hạnh mời cha mẹ hoặc anh chị em, những thân nhân ruột thịt của mình, cùng sánh bước lên khán đài. Trên khán đài, khăn choàng (gown) được vị khoa trưởng CSPM trao tay cho người thân, để họ choàng qua vai con, em khi đón nhận học vị Doctor of Podiatric Medicine.Điều kiện đòi hỏi người thân cùng lên khán đài với sinh viên CSPM, phải có học vị "Doctor" trong các ngành Nha - Y - Dược. Khi xướng danh sinh viên CSPM lên nhận văn bằng, nhà trường cũng trịnh trọng xướng danh và địa vị của người thân được hân hạnh mời lên khán đài.

Điều đáng tiếc là bố mẹ không có đủ "điều kiện", nên Bình đã ghi danh một trong số các anh chị đủ tiêu chuẩn được mời lên khán đài, hãnh diện khoác khăn choàng cho em trai trong Buổi Lễ Tốt Nghiệp, tại California School of Podiatric Medicine.

Chị cả Tạ Tường Anh choàng "gown" cho em trai thứ năm Tạ Thanh Bình.

Có thể nói về những người chơi các môn thể thao, đôi chân của họ luôn cần được chăm sóc đặc biệt. Trên đôi chân dẻo dai vững chắc, người chơi thể thao có thể dùng bàn chân khỏe mạnh làm "bệ phóng”, tung mình ra thật xa hoặc chạy nhanh lấy đà, phóng vút lên bằng cây sào nhỏ, dễ dàng vượt qua xà ngang đặt trên cao. Có không ít những “em” đã quyết định trở thành Doctor of Podiatric Medicine, chỉ vì đã phải đem chân đến "thăm” Bác Sĩ Y Khoa D.P.M một đôi lần, trong thời gian chơi thể thao. Như Bình chẳng hạn.

Bình học ở Davis High School (California) và chọn chơi môn nhảy sào (polevault)..

Khi tham dự "Polevault High School" tại thành phố Wooland năm lớp 11. Lúc đó Bình mới nhảy qua được xà ngang cao 12 feet chẵn (12 feet in the event ). Đến năm lớp 12, Bình đã lập được kỷ lục mới cho môn "Polevault High School" là 14 feet 1.5 inches, trong kỳ thi toàn khu vực tại thành phố Reno, thuộc tiểu bang Nevada.

Rất hy vọng với ba ngã "rẽ" vào Y Khoa U.S.A, đã không khiến các em yêu thích ngành Y Khoa, phải gặp khó khăn trong sự lựa chọn cho mình một ngành nghề thích hợp. Các em hãy tự tin lựa chọn, cho dù là chọn trở thành M.D hay D.O hoặc D.P.M, cũng là những lựa chọn thật đáng khích lệ.

Lưu Nguyễn


https://www.advising.ufl.edu/wp-content/uploads/2014/10/medicine.pdf

Sunday, 3 April 2016

Những bài viết khác

QUYỀN LỰC VÀ TRÁCH NHIỆM

Khi khẳng định Đảng Cộng sản là người lãnh đạo duy nhất đất nước và dân tộc, và đưa vào điều 4 của hiến pháp nhằm hợp pháp hoá quyền lãnh đạo ấy, thì đồng thời cũng phải hiểu trách nhiệm mà mình gánh vác nặng nề như thế nào? Trách nhiệm cao nhất là giữ nguyên vẹn đất nước mà tiền nhân trải qua hàng ngàn năm vun đắp bằng máu xương và công sức to lớn của lớp lớp người đi trước! Không tội nào lớn hơn tội để mất nước!

Hoàng Lại Giang
(1-4-2016)


Cho đến hôm nay vẫn còn có người qui cho Nguyễn Ánh (vua GIA LONG) bán nước! Những tư liệu mà tôi tìm được suốt 50 năm qua thì cái định đề trên không có chỗ đứng cho sự thực lịch sử. Ngược lại vua GIA LONG triều NGUYỄN và chính quyền Pháp đã để lại cho chúng ta một đất nước hoàn chỉnh từ ải Nam Quan cho tới Cà Mau, từ biển đảo Hoàng Sa đến Trường Sa với đầy đủ những tư liệu chính xác mà hôm nay người phát ngôn bộ ngoại giao ta vẫn nhắc đi nhắc lại với giặc Tàu và thế giới về chủ quyền biển đảo không thể chối cãi được!
Biến công ơn thành tội đồ đấy không phải là tính cách của những người có văn hóa. Văn hóa của người Việt là ăn quả nhớ người trồng câyUống nước nhớ nguồn!
Hơn 600 năm trước Nguyễn Phi Khanh bị quân Minh bắt giải sang Tàu. Hai  anh em Nguyễn Trãi đi cùng cha. Đến Ải Nam quan Nguyễn Phi Khanh dừng lại  bảo Nguyễn Trãi quay về Thăng Long nuôi chí diệt giặc mới là làm tròn đại hiếu.
Hồi còn trẻ, thế hệ  tôi đã từng đến Ải Nam Quan, thác Bản Dốc! Nhưng bây giờ thì cái gọi là Hữu Nghị Quan ấy còn đâu nữa? Thác chính của bản Giốc hùng vĩ và thơ mộng là vậy, còn đâu nữa?
Tại sao đang là của ta từ các bản đồ của  triều Nguyễn và chính quyền Pháp có đầy đủ thác chính Bản Giốc, Ải Nam Quan… lại trở thành của Tàu  trong chế độ xã hội chủ nghĩa của ta?
Dù có tính theo cách gì thì vẫn không thuyết phục được lòng dân! Ông cha chúng ta xây dựng đất nước hàng nghìn năm, không phải tự nhiên… mà vào tay con cháu đại Hán! Đấy là món nợ mà hôm nay chúng ta phải trả lời trước lịch sử.
Rồi Trường Sa, Hoàng Sa? Triều Nguyễn còn lưu lại đầy đủ (dù thực dân Pháp có chiếm đất nước ta thì họ vẫn không đánh mất một tấc đất, một hòn đảo nhỏ nào của nước ta).
Khi đất nước chia đôi theo hiệp định Giơ-ne-vơ thì Hoàng Sa thuộc chính quyền Sài Gòn. Chính quyền Sài Gòn đã giữ Hoàng Sa với trách nhiệm rất cao. Chỉ sau hiệp định Paris được kí kết, người Mỹ chấp nhận rút quân khỏi miền Nam Việt Nam thì quân Tàu mới thừa cơ cuộc nội chiến Việt Nam đang căng thẳng, dùng vũ lực đánh chiếm Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974. 74 chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã hi sinh anh dũng, đấy là sự hi sinh anh dũng đáng được tôn vinh và ghi vào lịch sử dân tộc, đáng dựng bia, tạc tượng. Không làm được điều đó là đồng loã với quân cướp nước, có tội với lịch sử. Tôi không đưa ra đây những phát ngôn mang nội hàm bán nước của một số người. Việc này văn học dân gian sẽ … khắc bia vào lòng dân tộc với những thái độ dè dặt, có phần khiếp nhược của một số nhà lãnh đạo hôm nay.
Nhớ lại sau việc « chống lưng » cho bọn Ponpot đánh phá, giết hại bao dân thường của ta ở biên giới Tây Nam, năm 1979 giặc Tàu lại đem quân qua đánh chiếm 6 tỉnh biên giới phía Bắc nước ta. Bao nhiêu dân thường đã chết một cách thảm thương, bao nhiêu chiến sĩ của ta đã ngã xuống! Tội ác này: Trời không dung Đất không tha! Vậy mà sau 30 năm một tấm bia tưởng niệm cũng không có. Ai nghĩ nó sẽ phai nhạt trong lòng dân, người ấy nhầm. Ngược lại, lòng dân sẽ càng bức xúc theo năm tháng về sự xúc phạm trái với đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam, của nền văn hiến nghìn năm của dân tộc!
Năm 1988 bọn hải tặc Trung Quốc lại dùng sức mạnh quân sự ngang nhiên chiếm hàng loạt biển đảo của ta ở Trường Sa!
Và sau đó ai cũng biết chúng kéo giàn khoan 981 cùng hàng loạt tàu hộ tống vào thềm lục địa của nước ta để khoan thăm dò dầu khí!
Cho đến nay thì các đảo chúng chiếm được của ta đã là sân bay, cầu cảng, dàn ra đa và kho chứa đầy vũ khí đã được cấp tập chuyển ra!
Thứ trưởng bộ thông tin truyền thông Việt Nam Trương Minh Tuấn đã dẫn một đoàn ra Trường Sa. Và ông ta đã trực tiếp «chứng kiến hoạt động xâm lấn rầm rộ của Trung Quốc».
Rõ ràng đất nước ta đang từ từ rơi vào tay giặc Trung Quốc!!! Vậy mà có nhà lãnh đạo còn lo lắng về ‘mối quan hệ giữa hai nước, hai dân tộc’ xấu đi, thậm chí có nhà lãnh đạo còn khẳng định mối quan hệ giữa hai nước, hai dân tộc là mối quan hệ truyền thống, môi răng, cần phải giữ gìn. Tôi nghĩ những nhà lãnh đạo ấy cố tình né tránh một sự thật lịch sử: Âm mưu sâu xa của Trung Quốc là biến Việt Nam ta thành chư hầu, thành phiên thuộc của chúng như Nội Mông! Duy Ngô Nhĩ!!!
Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử đấu tranh kiên cường, bất khuất hàng nghìn năm, trước giặc phương Bắc. Với giặc phương Tây lịch sử chỉ ghi có 80 năm mà thôi.
Cái gọi là ý thức hệ, là đồng chí, anh em, 16 chữ, 4 tốt, đại cục, tiểu cục chỉ là cái ‘bẫy’ cho những người nhẹ dạ cả tin và ảo tưởng! Ý đồ xâm lược sâu xa của con cháu nhà đại Hán đã có từ trong huyết quản của chúng, đừng hòng có sự thay máu. Cả nhân loại hôm qua và hôm nay đã biết rất rõ tâm địa của chúng. Không lý gì những nhà lãnh đạo của ta hôm nay không biết!
Tôi rất buồn khi vị bộ trưởng Văn phòng Chính phủ ta lại tin tưởng sẽ dùng biện pháp trao đổi trên cơ sở tôn trọng công ước quốc tế thì kẻ cướp biển đảo của ta sẽ nhận ra lẽ phải. Một sự tin tưởng không thực tế, một sự ấu trĩ cố tình, nếu không muốn nói là đánh lừa công luận đang sôi sục căm hờn!
Lịch sử cho thấy, chưa bao giờ ta mạnh hơn Trung Quốc! Nhưng lịch sử cũng chứng minh chưa bao giờ ta chịu thần phục Trung Quốc!
Từ đầu thế kỷ 11, Tống Thần Tôn lên ngôi, chấp nhận lời thỉnh nguyện của tể tướng Vương An Thạch, đem quân qua đánh Việt Nam. Chúng cho xây thành đắp lũy ở châu Ung, châu Liêm, châu Khâm (Ngày nay là Quảng Đông và Quảng Tây). Lý Thường Kiệt được triều thần ủng hộ, đã chặn ngay ý đồ xâm lược của chúng trên đất của chúng. Lần thứ hai Lý Thường Kiệt đánh tan tác quân Tống trên sông Như Nguyệt! Cùng với sự thất bại của biến pháp, hai trận thua đau trước Lý Thường Kiệt, Tống triều buộc phải cho tể tướng họ Vương về vườn! Vua tôi nhà Trần ba lần đánh tan quân Nguyên Mông! Và gần đây nhất là 29 vạn quân Thanh đã tan tác, bỏ cả ấn tín tranh nhau qua cầu phao, chạy về nước! Gò Đống Đa là nấm mồ lớn nhất nước Nam vẫn còn đó, cùng năm tháng nhắc nhở người Việt về niềm tự hào dân tộc, và nhắc nhở giặc phương Bắc nỗi nhục của kẻ nuôi mộng bá quyền!
 Vua Trần Nhân Tông đã từng nói, ai lơ là để mất dù là một tấc đất của tiền nhân để lại, kẻ đó phải bị chém! Thời hiện đại chúng ta đã để giặc phương Bắc cướp đi bao nhiêu đất đai, biển đảo chưa thấy ai bị chém cả? Câu hỏi giành cho hậu thế.
Đến lúc phải xóa cho được câu đã thành văn học dân gian: ‘Hèn với giặc, ác với dân’ ở thời đương đại. Câu đó xuất phát từ đâu ? Xin thưa từ thái độ mềm mỏng đến nhu nhược trước nạn xâm lăng phương Bắc bằng cách dùng cả một lực lượng công an đồ sộ đàn áp những người yêu nước biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược! Hành động ấy đồng nghĩa với việc thông đồng với giặc triệt tiêu những lực lượng yêu nước chống xâm lăng.
Không phải ngẫu nhiên mà một cháu bé mới tròn 18 tuổi đã dám lấy máu mình viết lên 2 tấm vải 2 dòng chữ bày tỏ một thái độ thiếu cương quyết của chính quyền và hành động hung hăng ngang ngược, lật lọng của kẻ cướp nước. Cháu ấy là Nguyễn Phương Uyên, con một gia đình nghèo khó ở Bình Thuận. Tôi không nghĩ cháu nông nổi! Suy nghĩ và hành động của Phương Quyên là sự cô đúc tinh thần yêu nước và căm thù giặc xâm lược, truyền thống của dân tộc được đúc kết qua hàng ngàn năm giữ nước. Đó cũng là bản lĩnh, là trí tuệ: thà chết vinh hơn sống nhục!
Cũng có nhà lãnh đạo hùng hồn trước việc Trung Quốc cướp Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam rằng: Đời ta không đòi được thì đời con cháu chúng ta sẽ đòi. Tôi nghĩ đấy là một thái độ thiếu trách nhiệm. Vì tình hữu nghị, vì ý thức hệ, vì 16 chữ, 4 tốt giả dối, lừa gạt của kẻ thù hôm nay … mà mơ hồ sẽ ngồi lại đối thoại với nhau để hy vọng đòi lại biển đảo đã để mất là một ảo tưởng nếu không nói là tránh né và dồn trách nhiệm cho con cháu! Đấy không phải là hành động của bậc cha anh mà chính là sự khiếp nhược trước kẻ thù, mới hôm qua đã hết lòng « giúp » ta « giải phóng dân tộc ».
Gần 80 năm của cuộc đời, tôi chưa nghe ai gọi giặc cướp nước mình là bạn, là đồng chí!
Không ít lần chúng ta tuyên bố: Việt Nam là tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa. Chúng ta đã đem triệu triệu sinh mạng của dân tộc giữ vững cái tiền đồn ấy để cho Liên Xô và Trung Quốc rảnh tay xây dựng đất nước họ. Thực chất chúng ta chiến đấu giành lại non sông gấm vóc ta, nhưng cũng là giữ thành trì chủ nghĩa xã hội ở Đông Nam Châu Á – Là người Việt Nam hôm nay ai không thấy ẩn sau sự giúp đỡ nhiệt tình kia mang nội hàm việc bảo vệ thành trì chính họ!
Năm 1989-1990, hệ thống chủ nghĩa xã hội ấy sụp đổ trên chính quê hương của Mác, người sáng lập ra chủ nghĩa cộng sản, và Lênin, người thực hiện thành công chủ nghĩa cộng sản ở Nga, người Việt Nam vỡ nhẽ ra, cái gọi là chủ nghĩa xã hội ấy đã bị thực tiễn đào thải. Một học thuyết đã không được nhân dân chấp nhận, đấy là học thuyết ảo. Nếu còn một vài nước vẫn mang tên cái học thuyết ảo kia, thì không phải đấy là chế độ được sự đồng tình của nhân dân, mà nó được bảo vệ bởi họng súng và lưỡi lê của nhà cầm quyền nhằm giữ quyền lực cho chính mình.
Tôi nghĩ đã quá muộn, những người lãnh đạo nên đặt quyền lợi dân tộc lên trên quyền lợi của Đảng Cộng sản, của ý thức hệ mà thay đổi một cách nhìn khác, mới mẻ hơn, hợp với xu thế thời đại hơn, nhằm đòi lại cho bằng được biển đảo của tiền nhân để lại đã bị Trung Quốc chiếm và đang ồ ạt xây phi trường, biến tất cả thành sự đã rồi. Đấy là tội lỗi không thể tha thứ được, không thể biện minh được!
Thời Tam Quốc Tào Tháo còn nói bạn thù quyền biến vô lường. Thời hiện đại, nhà triết học người Anh Lord Pamaroton  nói: Không có kẻ thù vĩnh viễn, không có bạn bè muôn đời, chỉ có quyền lợi dân tộc là vĩnh viễn và muôn đời mà thôi! Hai câu nói ở hai thời đại khác nhau, nhưng cùng chung một mục đích: Quyền lợi dân tộc là trường tồn qua năm tháng.
Không ai lên án vì quyền lợi dân tộc, ta phải liên kết với dân tộc này giành lại trọn vẹn lãnh thổ mà tiền nhân đã đổ bao xương máu, nước mắt và mồ hôi để trao cho chúng ta hôm nay.
Nếu sợ mất hòa khí, đại cục, ý thức hệ mà cố tình tránh né, thậm chí nhún nhường đến mức nhu nhược, hy vọng âm mưu thâm độc đã có truyền thống của Trung Quốc sẽ mang lại kết quả thì đấy sẽ là một thứ hi vọng hão, thì đấy sẽ là hành vi phù hợp với âm mưu thâm độc của con cháu nhà đại Hán.
Qua trường kì lịch sử, không ai hiểu rõ giặc phương Bắc bằng nhân dân Việt Nam. Đừng nghĩ nhân dân Việt Nam im lặng là đồng tình với cách xử sự với giặc phương Bắc của những nhà lãnh đạo hôm nay.
Đừng nhầm sự im lặng – không muốn nói – của dân là sự đồng tình.
Cũng đừng đánh giá thấp tinh thần yêu nước và ý chí kiên cường của nhân dân Việt Nam vốn đã tôi rèn trong trường kì chống ngoại xâm hôm qua?
Phải nhìn xa hơn, đừng để: Tức nước vỡ bờ!
Khi khẳng định đảng Cộng sản là người lãnh đạo duy nhất đất nước và dân tộc, và  đưa vào điều 4 của hiến pháp nhằm hợp pháp hoá quyền lãnh đạo ấy, thì đồng thời cũng phải hiểu trách nhiệm mà mình gánh vác nặng nề như thế nào?
Trách nhiệm cao nhất là giữ nguyên vẹn đất nước mà tiền nhân trải qua hàng ngàn năm vun đắp bằng máu xương và công sức to lớn của lớp lớp người đi trước!
Không tội nào lớn hơn tội để mất nước!
Hãy nghiêm khắc nhìn lại chính mình, đừng dùng mọi phương tiện truyền thông của nhà nước ra rả:
Gia Long cõng rắn cắn gà nhà!
Bây giờ người dân có quyền hỏi:
Thời hiện đại, ai đã rước voi giày mả tổ?
Thời cận đại triều đại Gia Long đã giữ nguyên vẹn lãnh thổ mà tiền nhân để lại, hơn thế nữa, các triều đại thay nhau xác lập cương vực lãnh thổ từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau, từ Quần đảo Hoàng Sa đến Quần đảo Trường Sa… bằng giấy trắng mực đen, bằng các đội binh lính thay nhau  ra túc trực ở quần đảo Hoàng Sa gọi là: Đội  Khao lề tế lính!
Những nhà lãnh đạo đảng Cộng sản phải nghĩ đến trách nhiệm để mất đất nước và biển đảo hôm nay! Người dân Việt Nam ai cũng thấy quân xâm lược Trung Quốc lợi dụng ý thức hệ và ỷ mạnh  “gặm nhấm dần đất nước ta từ tổ con đại bàn thành tổ con chim chích như lời vua Trần Nhân Tông  đã cảnh báo! Và vua Lê Thánh Tông trịnh trọng tuyên bố: “Nếu các người đem một thước sông, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc thì phải tội tru di!”
Khi còn nô lệ về ý thức hệ  thì độc lập, tự do chỉ là thứ bánh vẽ, thứ mỵ dân, lừa dân, phi thực tế!
Không một người dân Việt Nam nào còn chút lòng yêu nước có thể chấp nhận một chính quyền để mất dần đất và nước vào tay kẻ thù truyền kiếp!
--------
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.