Sunday, 18 December 2011

Sáng tác khác của Hồn Trẻ 20

Paris by Night 
“The Best of Lam Phương”
(chủ đề “Đường về Quê Hương”)

bài Nguyên Nghĩa

“Nhạc sĩ Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh năm 1937 tại Rạch Giá….”

Paris by Night 88 “The Best of Lam Phương”, đã được thu hình tại Houston, Texas, bắt đầu bằng đoạn dẫn nhập như trên. Cùng với những lời giới thiệu về nhạc sĩ Lam Phương, trên tấm phông lớn phía sau là những đoạn phim clips về người nhạc sĩ này. Nhạc sĩ Lam Phương “khởi nghiệp” năm 15 tuổi, lúc đó ông đã phải đi mượn tiền của bạn bè để in nhạc phẩm đầu tiên. Tính đến nay nhạc sĩ Lam Phương đã sáng tác khoảng hơn 200 nhạc phẩm.

Từ hình ảnh con đò đã in sâu trong trí nhạc sĩ Lam Phương từ thời thơ ấu, về sau ông sáng tác bài “Chuyến Đò Vĩ Tuyến” (Tâm Đoan hát trong chương trình này), là nhạc phẩm mà chắc hẳn rất nhiều người trong chúng ta vẫn chưa quên: “Đêm nay trăng sáng quá anh ơi, sao ta lìa cách bởi dòng sông bạc hai màu. Lênh đênh trên sóng nước mông mênh, bao đêm lạnh lẽo em chờ mong gặp bóng chàng. Vượt rừng vượt núi đến đầu làng, đò em trong đêm thâu sẽ đưa chàng sang vĩ tuyến. Phương Nam ta sống trong thanh bình, tình ngát hương nồng thắm bên lúa vàng ngào ngạt dâng…”

Có thể nói, nhạc sĩ Lam Phương là một trong số rất ít nhạc sĩ Việt Nam đã sáng tác hàng trăm nhạc phẩm nổi tiếng, để đời; những bài hát của ông được các ca sĩ hát đi hát lại và được thính giả nghe mãi đến độ thuộc lòng. Số “đào hoa” của ông, những mối tình lớn trong đời ông chính là nguồn cảm hứng cực kỳ mạnh mẽ đã giúp ông sáng tác một số lượng nhạc phẩm dồi dào và phong phú đến như vậy. Nhưng cũng giống như sân khấu vắng tanh sau một buổi diễn nhộn nhịp, sau những khoảng thời gian hạnh phúc là những tan vỡ, những đớn đau, những điều đó làm cho khán thính giả yêu thương quí trọng nhạc sĩ Lam Phương nhiều thêm.

Khoảng giữa chương trình Paris by Night 88, khi nhạc sĩ Lam Phương được đẩy ra sân khấu trên chiếc xe lăn, và ông được dìu đứng lên, tất cả khán thính giả đã không ai bảo ai, cùng đứng dậy vỗ tay nồng nhiệt, bày tỏ sự kính trọng, cảm phục nhạc sĩ Lam Phương. Ông nói những lời rất độ lượng. Thỉnh thoảng, có lúc ông im lặng một chút để kiềm chế sự xúc động và ông bày tỏ những lời đầy lạc quan về tương lai. Điều đó cho thấy ông là người có nghị lực mạnh mẽ. Điều đó càng làm dâng tràn niềm xúc động trong lòng mọi người hiện diện. Trong một khoảnh khắc im lặng bất ngờ, người ta có thể nghe được tiếng sụt sùi của những khán giả đang thấm nhanh những giọt lệ nơi khóe mắt.

Nhạc sĩ Lam Phương, với Nguyên Nghĩa đứng phía sau
 (c) by TuDoMagazine, Canada

Một trong những điểm đặc biệt nhất của Paris by Night 88 là chẳng những đây là một chương trình thu hình “live”, mà còn được thu âm “live”, nghĩa là các ca sĩ hát thật vào micro và giọng hát của họ được phát ra trực tiếp cho khán thính giả nghe, chứ không phải “hát nhép”.

Điểm đặc biệt khác, trước tiên là phản ứng hân hoan của khán thính giả khi họ nhìn thấy ông Nguyễn Ngọc Ngạn vẫn còn đảm nhận vai trò MC trên sân khấu Paris by Night chứ không phải như những lời đồn đãi ông đã “về hưu”. Cô Nguyễn Cao Kỳ Duyên đã tinh nghịch khôi hài chuyện đi vắng của ông Ngạn trong hai chương trình “Talent Show” vừa qua, khiến khán giả cười ầm lên. Bên cạnh phần vụ của đồng giám đốc sản xuất Tô Ngọc Thủy và Huỳnh Thi, người thường xuyên theo dõi Paris by Night nhận ra ngay, chương trình đặc biệt này có sự góp sức, cố vấn của Nguyễn Ngọc Ngạn, qua các đoạn phim clips thu hình nhạc sĩ Lam Phương và những lời dẫn giải của Nguyễn Ngọc Ngạn.

Những đoạn phim clips được lồng vào đúng lúc đúng chỗ, đóng vai trò những lời dẫn nhập của MC trước khi vào một tiết mục trình diễn, giúp cho khán thính giả chia sẻ được cái nỗi cay đắng, sự đớn đau cũng như niềm vui thâm trầm của người nhạc sĩ, làm nổi bật ý nghĩa và tăng thêm giá trị của bài hát. Những điểm đó, chắc chắn phải do người hiểu biết rộng, đầy sáng tạo và lão luyện thực hiện. Chẳng hạn đoạn phim clips chiếu hình ảnh nhạc sĩ Lam Phương ngồi với chiếc lồng chim ở hậu cảnh, tiếng chim hót, và nhạc dạo, Hương Giang vào bài “Một Mình” với những lời nhạc rất xúc động: “Sớm mai thức giấc, nhìn quanh một mình…”

Kể cả, việc mời các ca sĩ Bạch Yến và Họa Mi trình diễn trong chương trình này là  ý tưởng táo bạo và độc đáo của những người góp công dàn dựng chương trình. Phần phỏng vấn Bạch Yến mang lại những nét vui tươi nhẹ nhàng xen với nhiều xúc động, sau màn trình diễn nổi bật hiếm có của Trần Thu Hà và Bạch Yến trong tiết mục “Cho Em Quên Tuổi Ngọc” (Cho em quên cơn mộng ảo xa xôi thơ ngây ngày nào…) Bạch Yến hát “C’est Toi” lời Pháp do chính nhạc sĩ Lam Phương viết. Ca sĩ Họa Mi trong chương trình này đã hát một cách xuất thần nhạc phẩm “Em Đi Rồi” (Em đi rồi đường xưa có nắng không anh? Lá hoa còn xanh, hay tàn theo tháng ngày?…)  

Bên cạnh sự tái xuất hiện sau nhiều năm vắng bóng của Bạch Yến và Họa Mi, Paris by Night 88 có sự trở lại của Chế Linh, Ý Lan, Như Quỳnh, Dương Triệu Vũ, Thủy Tiên…

Chế Linh và Mai Quốc Huy với liên khúc “Thành Phố Buồn” & Tình Như Mây Khói”. Những nhạc phẩm này từng là những bài hát ăn khách nhất của nhạc sĩ Lam Phương  và là những bản nhạc “tủ” của ca sĩ Chế Linh. Nay qua chương trình Paris by Night 88, thính giả khám phá ra rằng “trường phái” Chế Linh vừa có thêm một “đệ tử chân truyền” là Mai Quốc Huy. Giọng hát Mai Quốc Huy giống Chế Linh nhất, và hứa hẹn sẽ là một ca sĩ ăn khách hàng đầu như Chế Linh thời trước 1975.

Ý Lan lại có mặt trên sân khấu Paris by Night lần này trông thanh thoát nhẹ nhàng với “Kiếp Nghèo” (Đường về đêm nay vắng tanh, dạt dào hạt mưa rớt nhanh. Lạnh lùng mưa xuyên áo tơi, mưa chẳng yêu kiếp sống mong manh…”) 

Phần trình diễn của Như Quỳnh sau một thời gian ngắn vắng mặt, lần này với Thế Sơn, trong một tiết mục xuất sắc, được dàn dựng công phu nhất, đông diễn viên nhất và dài nhất là nhạc cảnh “Chuyện Tình Thời Chinh Chiến” (gồm các nhạc phẩm: “Ngày Tạm Biệt”, “Khóc Thầm”, “Chiều Hoang Vắng”, “Con Tàu Định Mệnh”, “Mất”, “Vĩnh Biệt Người Tình”) do Như Quỳnh và Thế Sơn trình diễn chính, với các giọng phụ của Lương Tùng Quang, Trịnh Lam, Huy Tâm và Quỳnh Vi.

Nghe Như Quỳnh song ca với Thế Sơn trong nhạc cảnh này, khán thính giả không khỏi liên tưởng đến nhạc phẩm “Bọt Biển”, cũng do nhạc sĩ Lam Phương sáng tác, trước đây đã là một trong những nhạc phẩm được ưa chuộng nhất hải ngoại.

Thủy Tiên tam ca cùng Bảo Hân và Lương Tùng Quang liên khúc “Thiên Đàng Ái Ân”, “Chỉ Có Em”, Tình Vẫn Chưa Yên”, là một tiết mục tươi, vui; cũng như Quỳnh Vi và Huy Tâm với nhạc phẩm “Mùa Thu Yêu Đương”; góp phần làm cho chương trình trẻ trung, sống động trở lại.   

Dương Triệu Vũ song ca với Trịnh Lam, “Say & Lầm”(“Anh đã lầm khi đưa em sang đây…”), là màn trình diễn rất được tán thưởng do chính hai nhạc phẩm “nóng bỏng” này cũng như do hai ca sĩ rất được mến mộ hiện nay.   

Điểm đặc biệt khác nữa của chương trình này là có những màn trình diễn của các ca sĩ nổi bật vừa được khán giả cũng như trung tâm Thúy Nga tuyển chọn từ “Talent Show” (Paris by Night 86 và Paris by Night 87): Trịnh Lam, Quỳnh Vi, Huy Tâm, Ngọc Loan và Hương Giang.

Nhạc phẩm mở màn Paris by Night 88 là bài “Đoàn Người Lữ Thứ” (“Kìa là rừng sâu âm u dưới sương trời khuya, một đoàn tàu đi quanh co giữa đêm trăng đầy…”) với 12 ca sĩ, gồm 6 nữ và 6 nam, trong số đó có các sĩ mới như vừa kể trên, mang lại sự sôi nổi lôi cuốn ngay từ màn đầu. Nhạc phẩm kết thúc chương trình là bài “Một Mình” (Sớm mai thức giấc, nhìn quanh một mình…”), với tiếng hát mới Hương Giang, khơi nguồn cho những giọt lệ ứa âm thầm nơi khóe mắt những khán giả mà hầu hết đều nhạy cảm.    

Như trên vừa nói, những “nguồn cảm hứng” cho nhạc sĩ Lam Phương, những ca sĩ đã  “gắn liền” vào dòng nhạc tình của ông, dĩ nhiên họ được mời hát trong chương trình này. Giờ đây, qua Paris by Night 88, một vài câu chuyện tình mà từ trước đến nay chưa được tiết lộ, giờ đây được phơi bày, chẳng hạn như do đâu mà nhạc sĩ Lam Phương sáng tác những bài như “Chờ Người” trong đó có những câu: “Chờ em chờ đến bao giờ… Mấy thu thuyền đã sang bờ…" hoặc bài  “Tình Bơ Vơ” với những câu: “Về làm chi rồi em lặng lẽ ra đi, gom góp yêu thương quê nhà, dâng hết cho người tình xa…” hay là bài “Cho Em Quên Tuổi Ngọc” với những lời xót xa như: “Mai đây khi hoa tàn úa xanh xao phong ba dập vùi, em xin nằm xuống mang theo con tim ngậm ngùi. Giấc mơ nhỏ nhoi, đưa em vào cõi thiên thu yêu thương đời đời”.  

Nói đến nhạc Lam Phương không thể không nhắc đến những ca sĩ thời trước đã hát rất nhiều nhạc phẩm của ông, và phần nào nhờ những nhạc phẩm của ông mà làm nên tên tuổi của họ. Paris by Night 88 do đó còn có Hoàng Oanh với nhạc phẩm “Chiều Tàn” (“Chiều tàn, trời man mác nắng thơm lành đã dần phai…”) , Hương Lan với bài “Tiễn Người Đi” (“Tôi tiễn anh lên đường, trời hôm nay mưa nhiều lắm…”) và những ca sĩ tiếp tục truyền bá dòng nhạc Lam Phương: Nguyễn Hưng, Mạnh Quỳnh, Trường Vũ, Tâm Đoan, Như Loan…

Khánh Hà diễn tả “Nghẹn Ngào” (“Thôi anh đi về đi, xa xôi rồi thăm nhau mà chi…”) với y phục và phông cảnh rực rỡ và hợp sắc, thêm vào đó cô khai thác sở trường trong giọng hát uốn lượn bứt rứt điêu luyện của cô, tạo nên sức thu hút lớp khán thính giả chọn lọc.

Khánh Ly qua “Bài Tango Cho Em” chứng tỏ tại sao nhiều người tặng cho cô ca sĩ này biệt danh “nữ hoàng Tango”. Tiết mục này có sự phụ diễn của Thùy Vân & Tuấn Hùng khiêu vũ “nền” cho “Bài Tango Cho Em” (“Từ ngày có em về, nhà mình tràn ánh trăng thề. Dòng nhạc tình đang tắt lâu, tuôn trào ngọt ngào như dòng suối…”). Đây là một tiết mục hay và đẹp mắt, đúng với cái ý tươi vui sinh động của bài hát, tuy gọi là “múa nền” nhưng sự chú ý của khán thính giả tập trung vào đôi vũ công ở “hậu cảnh” nhiều hơn là vẻ khép nép của người ca sĩ đứng phía trước ở góc bên phải sân khấu.  

Minh Tuyết trình bày nhạc phẩm “Mình Mất Nhau Bao Giờ” (“Tình như treo đầu ngõ. Một sáng mùa xuân chim gọi gió. Tình đã vội vàng bay, mang vấn vương vào tháng ngày…”) với các vũ công Paris by Night nhảy múa tưng bừng, làm tăng thêm sinh động cho màn trình diễn và Minh Tuyết càng lôi cuốn hơn, nhất là đối với những khán thính giả trẻ tuổi lẫn những khán thính giả “trẻ lại”.

Ngọc Liên và Trần Thái Hòa với liên khúc “Trăm Nhớ Ngàn Thương” (“Mất em rồi, xa em rồi. Hoa đã tàn, nhụy đã phai…”) & “Tình Bơ Vơ” (“Càng nhìn em, yêu em hơn và yêu em mãi, dù phút êm đềm xa xưa nay đã đi vào quên lãng…”), là một tiết mục thu hút, đẹp mắt và xứng hợp.

Bằng Kiều với “Phút Cuối” (“Chỉ còn gần em một giây phút thôi. Một giây nữa thôi là xa nhau rồi…”) mới chỉ bắt đầu vào câu đầu tiên của bài hát, những tiếng vỗ tay đã nổi lên rầm rộ của khán thính giả hiện diện, vì đây là một bài mà hầu hết những người mến mộ nhạc Lam Phương đều thuộc tiết tấu nhịp điệu. Hát “Phút Cuối” nhưng Bằng Kiều cho biết đây là lần đầu tiên anh có dịp trình bày một nhạc phẩm của Lam Phương.

Hai ca sĩ Hương Thủy, Hà Phương trong các chiếc áo bà ba xinh tươi, song ca liên khúc “Nắng Đẹp Miền Nam” (“Đây trời bao la ánh nắng mai hé đầu ghềnh, lan dần tới đồng xanh…”) & “Khúc Ca Ngày Mùa” (“Kìa thôn quê dưới trăng vàng bát ngát. Ánh trăng thanh chiếu qua làng xơ xác…”) là những nhạc phẩm rất bình dị miền Nam, được sáng tác vào thập niên 1950, thu hút những khán thính giả say mê dòng nhạc “tình tự quê hương” tươi thắm.    

Nhạc phẩm “Đường Về Quê Hương” (“Đến bao giờ trở về Việt Nam, thăm đồng lúa vàng, thăm con đò chiều hoang…”) do Quang Lê hát, được dùng làm chủ đề của chương trình Paris by Night 88 này.

Hài kịch “Lầm” với Hoài Linh & Chí Tài là một màn vui nhộn, thay đổi không khí cho chương trình tươi lên, sau những nhạc phẩm Lam Phương hầu hết là nhạc tình… buồn. Người viết kịch bản cố ý dùng tựa đề một nhạc phẩm “bất hủ” của nhạc sĩ Lam Phương, đó là bài “Lầm”, để đặt tựa cho hài kịch hai màn một cảnh này. Tuy chỉ có hai nhân vật, nhưng tiết mục này được khán giả vỗ tay tán thưởng rầm rộ.

Chương trình Paris by Night 88 được làm phong phú thêm và cũng nhằm mục đích vinh danh nhạc sĩ Lam Phương, bằng phần phát biểu của các vị khách như: cựu đại tá Phạm Hậu (thi sĩ Nhất Tuấn) từng là giám đốc hệ thống truyền thanh quốc gia; ông Trần Đình Trường chủ tàu Trường Xuân (Vishipco Lines) là chiếc tàu đã chở nhạc sĩ Lam Phương ra đi ngày 30-4-1975; và cựu đại tá Nguyễn Văn Nam từng là giám đốc đài Mẹ Việt Nam. Họ đều bày tỏ những lời yêu mến lẫn ngưỡng phục nhạc sĩ Lam Phương.

Nếu phải kể ra những tiết mục đáng nhớ trong chương trình này thì phải nói rằng rất nhiều. Paris by Night 88 này có thể được coi là một tác phẩm để đời, dành vinh danh nhạc sĩ Lam Phương và xứng đáng để được gọi là một công trình muôn đời thuộc vào kho tàng văn hóa nghệ thuật Việt nam; chứ không phải chỉ là một show Paris by Night nối tiếp các show Paris by Night trước theo thời khóa biểu đều đặn.

Riêng về nhạc sĩ Lam Phương, trong lúc hứng khởi ông đã tâm sự rằng: “100 bản nhạc chỉ mới có một người (ý ông muốn nói “người tình”, tức là nguồn cảm hứng của ông)”. Kho tàng nhạc của ông còn vô số bài, và có thể nói rằng bài nào cũng được viết bằng xúc động thật với những người thật, và bài nào cũng được khán thính giả yêu thích! Sau chương trình này, nếu muốn, người ta vẫn có thể thực hiện thêm “The Best of Lam Phương” khác nữa, vì nhạc của người nhạc sĩ này hầu như bài nào cũng “the best” cả.

Người tin dị đoan, nhất là người Hoa, thì tin rằng 88 là con số hên. Người không tin dị đoan thì sẽ nhận thấy Paris by Night 88 The Best of Lam Phương, chủ đề “Đường Về Quê Hương” là một sản phẩm nghệ thuật “nóng bỏng” nhất, bán chạy nhất.

Nguyên Nghĩa
tháng 5-2007

Sunday, 13 November 2011

Về một tác giả thuở Hồn Trẻ 20

TRẦN KIÊU BẠT
Khóc đi yêu dấu tình tôi

Lâu lắm chân anh mới dạt về
Tưởng chừng đôi đứa đã sơn khê
Thăm em buồn lắm trời mưa xuống
Nhà nhỏ đèn lu lạnh bốn bề

Mẹ già tóc bạc hơn mùa trước
Thêm chị theo chồng thôi ở đây
Riêng em đời chẳng thêm gì khác
Chỉ một hồn xưa chết mỗi ngày

Giọng thầm em trách như là khóc
Sao chẳng bao giờ anh viết thư
Để em còn nghĩ là anh nhớ
Tình em vô vọng  mấy năm dư

Lâu  lắm rồi em anh chỉ sống
Chút mộng đêm tàn cơn gió rung
Nhắc làm chi nữa mà đau lắm
Nghe đang nhỏ máu xuống lòng anh

Em hiểu giùm cho không nói hết
Dao đời nhát mạnh chém hằn thêm
Thuyền chao buồm rách mà chưa nghỉ
Sương gió ngày mai biết nổi chìm

Lụn xuống đêm nay lời tuyệt vọng
Gởi em thôi nhé biệt nhau luôn
Thời gian, anh hiểu rồi chôn hết
Chuyện một tình yêu quá đỗi buồn.

Trần Kiêu Bạt
(Trích từ Người Đồng Hành Quanh Tôi của Ngô Nguyên Nghiễm)

================

Tiểu sử văn học
TRẦN KIÊU BẠT

Tên thật: Lê Tấn Nhứt
Sinh năm 1948 tại An Bình Cần Thơ

Tác phẩm đã hoàn thành:
Thơ Tù Binh, 1969
Dù Người Là Ai Xin Hãy Đến, 1970
Trần Gian Đã Mất, 1973
Mười Bài Tỏ Tỉnh, 1974
Thơ Gởi Đỗ Kim Hương, 1975

Thơ in chung, tiêu biểu:
Lãng Mạn Đời Trăng (NXB Mũi Cà Mau, 1989)
và nhiều tuyển tập khác…

     Trần Kiêu Bạt cộng tác nhiều tạp chí văn học, nhưng đó không phải là sự đam mê trong phương thức hoạt động văn nghệ của anh. Bản chất rất lãng bạt, phóng khoáng không làm anh gò bó trong mọi vấn đề vật chất hay danh vọng với nhân gian. Điển hình, đến nay Trần Kiêu Bạt cũng chưa có một tác phẩm in riêng cho chính bản thân, dù rằng năm 1975, nhà xuất bản Khai Phá cũng đang lên khuôn thi tập Dù Người Là Ai Xin Hãy Đến, nhưng thời cuộc khiến tập thơ chịu chung số phận, không ra mắt được bằng hữu văn nghệ. Đến nay, không hiểu Trần Kiêu Bạt đã có được bao nhiêu tác phẩm, nhưng điều được biết chắc chắn trước 1975, anh đã hoàn thành hoàn chỉnh 5 thi tập. Và những bài thơ rải rác không kể xiết, rơi rớt nhiều nơi mà chính Trần Kiêu Bạt cũng không ước lượng được. Minh chứng, ví dụ phần giới thiệu nhà thơ Đoàn Kế Tường trong  tập 2 này, có đưa một bài thơ xuôi Trần Kiêu Bạt, mà tôi tra hết trong các thi tập vẫn không thấy vết tích anh lưu lại. Sống với bằng hữu cực kỳ khoáng đạt, nhã nhặn với từng tình cảm cho – nhận với anh em, sự rộng mở của một chân tâm hình như trăm năm có một. Nơi tư gia của Trần Kiêu Bạt bao giờ cũng đầy đủ anh em văn nghệ khắp miền, không ngớt tiếng ngâm thơ, sên phách, và sáng tác… Hầu như, tất cả tấm lòng bát ngát của đồng bằng Nam bộ đều quy tụ về chan chứa tại gia đình anh. Từ song thân, đến huynh đệ của Trần Kiêu Bạt như một vòm ánh sáng bát ngát tình người với tài hoa tuyệt diệu ở nhiều bộ môn nghệ thuật.
     Sự ra đi đột biến của Trần Kiêu Bạt ngày 22/06 âm lịch/2005 (Ất Dậu), đã làm đau lòng bao nhiêu người ở lại. Vĩnh biệt một tài hoa và một tâm hồn trượng nghĩa, lãng bạt… bao giờ cũng ghi nỗi nhớ vô cùng trong lòng bằng hữu quanh cuộc sống.

NGÔ NGUYÊN NGHIỄM
(Trích từ Người Đồng Hành Quanh Tôi)

================

TRẦN KIÊU BẠT
Tôi còn biết nói gì hơn  

Cám ơn em
Những buổi đưa về
Con đường đê mê
Dìu nhau dưới tối

Cám ơn giàn hoa nhà ai đưa hương trong gió
Không gian im vắng
Bóng tối rất đầy
Để anh được nghe con tim em đắm say
Đập qua làn lụa mỏng

Cám ơn cơn mưa bất thần tháng bảy
Tìm chỗ trú chân
Mái hiên lẫn khuất ngày nào
Anh như bọt nước lao xao
Hôn em lần nhứt

Cám ơn mẹ hiền
Cám ơn chị tốt
Cám ơn bữa cơm chờ đón ân cần
Cám ơn căn gác nồng nàn
Những đêm mưa dột
Em đã kể lại đời mình
Trao anh gìn giữ.

Trần Kiêu Bạt
(Trích từ Người Đồng Hành Quanh Tôi của Ngô Nguyên Nghiễm)

Monday, 7 November 2011

Lời Bạt tập thơ Lâm Hảo Khôi

Người Như Lá Biếc

Nguyên Nghĩa

          Bạt thường được viết như một lời giới thiệu trang trọng cho một tác phẩm cần có cái bề thế. Trường hợp tập thơ này có lẽ khác hơn. Thi sĩ Lâm Hảo Khôi lớn tuổi hơn tôi, bắt đầu cầm bút trước tôi và sáng tác đều hơn tôi. Chúng tôi từng đứng chung trong nhóm thơ Hồn Trẻ 20 bên nhà từ những năm 1960. Khoảng 1993 cho đến gần đây, tôi thường đăng thơ Lâm Hảo Khôi trên tạp chí Tự Do xuất bản tại Canada. Đặt bút viết lời bạt này, tôi hi vọng làm đẹp thêm đôi chút cho tập thơ Lâm Hảo Khôi vốn có sẵn những bài thơ rất đẹp rồi.
          Trong huyết quản của Lâm Hảo Khôi và trong những nhịp đập của thơ Lâm Hảo Khôi, người đọc nghe được dòng chảy của sông nước miền Tây, thấy được bầu trời miệt Hậu giang, nơi vạn dặm vẫn quê nhà của tác giả.
Nhìn ảnh người trao, sân đất cũ
Trời xanh như có bóng mây bay
Mẹ đi tháng tám không về nữa
Đem buồn Bố Thảo gởi sang đây.

Sông đâu biết khi vui về biển lớn
Là mang tôi đi bỏ nước xa nhà.

Cây khế vàng trái chín rụng đầy sân
Em nhớ đêm xưa chị nói một lần
Chắc buồn lắm khi rời xa Nhơn Mỹ.

Thôi ngủ lại bến nào êm ái nhứt
Võng đưa sầu kẽo kẹt Lục Vân Tiên.

          Ai hát nghêu ngao bài vọng cổ
          Đêm tàn, ghe chiếu lạnh người ơi.

Nhớ Cần Thơ rất là lâu
Nhớ câu lục bát bắc cầu tôi - em.
...

Bên cạnh cái nét hồn hậu trong thơ Lâm Hảo Khôi, còn có thêm chất lụa-là, tạo nên sự óng- ả mượt-mà cho thơ Lâm Hảo Khôi.
Sao chị hay thêu những đóa hoa vàng
Sao chị để mắt sầu như sơn nữ.

Em chợt đến khi vườn tôi chợt biết
Lá xanh màu đâu hẹn buổi vàng hoa
Trời xanh ngắt đâu hẹn ngày nắng ấm
Đêm mênh mông đâu hẹn bóng trăng ngà.

Mây trắng ở trong vòng cẩm thạch
Mang hồn Tố Nữ mấy mươi năm.

Em bước qua đường tà áo thêu bông
Thấy trên tay anh mấy cành hoa nở.

Này em giữa những hạt mưa
Giữa hai nốt nhạc là vừa mất nhau
Giữa ngày nắng đợi chiêm bao
Giữa đêm là những vì sao xa người.
...

Phảng phất khắp trong tập thơ này, bóng những chiếc áo bà ba, nếu không hiển hiện ngay trước mắt thì cũng in đậm trong ký ức. Điều đó, tôi nghĩ, là từ niềm nhớ thương người mẹ của Lâm Hảo Khôi đã mất tháng tám năm nào ở quê nhà. 
Nhìn ảnh người trao, sân đất cũ
Vẫn hiền đôi vạt áo bà ba
Hoa bưởi mang hương về mỗi tối
Lòng ai sóng vỗ dưới hiên nhà.

Mưa đâu biết tôi thương người đứng đợi
Vẫn vô tình rơi ướt áo bà ba.

Thương chiếc áo bà ba đen của ngoại
Mùi nước sông pha với nắng chang chang.

Tháng chạp về tháng giêng thơm lúa mới
Áo bà ba mẹ có đợi ngoài hiên.

Tôi khôn lớn cũng trên dòng sông đó
Hay thả hồn mơ vạt áo bà ba.

Hỏi mưa mắc cỡ nghiêng vành nón
Sao áo bà ba ướt trắng lưng.
...

Lẽ ra Lâm Hảo Khôi đã in tập thơ đầu tay từ lâu rồi. Lâm Hảo Khôi sáng tác nhiều và hầu như tất cả các bài thơ của Lâm Hảo Khôi đều đầy sức rung cảm như nhau. Thơ anh đăng trên nhiều tạp chí văn học. Gần đây Lâm Hảo Khôi cho in thơ anh trong Tuyển Tập 6 Nhà Thơ Úc Châu (2010). Mãi đến bây giờ mới có Người Như Lá Biếc là tập thơ riêng một tác giả Lâm Hảo Khôi.
Tôi bâng khuâng xếp tập thơ lại, tưởng trước mắt một nỗi nhớ trải dài từ chữ đầu tiên đến chấm câu cuối cùng.
Ngồi đây nghe ấm trời xanh cũ
Tưởng có trong mây bóng mẹ về.

Sao ấm được mái đời nhau trống trải
Bởi đêm dài bóng ngả áo người đi.

Chị có về thăm khu vườn cũ
Hái dùm em mấy đóa hoa tàn.

Mẹ tôi mắt đỏ buồn trong khói
Cười để mênh mông tiếng thở dài.
...

Nếu có ai bàn về thơ, viết về thơ, đọc thơ và thưởng thức thơ Việt Nam, mà ở đó không có thơ Lâm Hảo Khôi thì sẽ là một thiếu sót. Tôi tin rằng, mọi sự thiếu sót đều đáng tiếc.

NGUYÊN NGHĨA
Toronto, 1 tháng 7-2011

Ra mắt tập thơ Lâm Hảo Khôi:

Người Như Lá Biếc

    Tin Melbourne, 30 tháng 10: Thi sĩ Lâm Hảo Khôi và thân hữu đã tổ chức buổi ra mắt tập thơ Lâm Hảo Khôi mang tựa đề Người Như Lá Biếc, vừa mới ráo mực in tại Úc.
    Cũng trong buổi đó, một tập thơ khác có tựa đề là Người Tình của thi sĩ Hư Vô, và một CD của nhạc sĩ & thi sĩ Phạm Quang Ngọc, đã được ra mắt bằng hữu văn nghệ.
    Khi tin này được đưa lên Blog, tiếc là chưa có bài viết nào chi tiết về buổi ra mắt sách và CD này.
    Được biết, bìa tập thơ Người Như Lá Biếc do Đ.K. trình bày, với tranh của Đỗ Duy Tuấn.

Từ trái sang phải: Viễn Trình (chương trình truyền hình Melbourne), Phạm Quang Ngọc, Giáng Thơ (văn đàn Đồng Tâm Melbourne), Hư Vô, Lâm Hảo Khôi và Lê Phú (văn đàn Đồng Tâm Melbourne)
Lê Phú (văn đàn Đồng Tâm) trước poster bìa của hai tập thơ Người TìnhNgười Như Lá Biếc.

Tuesday, 1 November 2011

Lâm Hảo Khôi tiếp đón cựu học sinh Hoàng Diệu họp mặt

Thi sĩ Lâm Hảo Khôi thời niên thiếu từng học ở trường Trung học Hoàng Diệu (Sóc Trăng)
Năm 2010, nhân chuyến Mỹ du, Lâm Hảo Khôi đã đến dự cuộc họp mặt cựu học sinh Hoàng Diệu tổ chức tại Nam Cali. 
Năm nay, Lâm Hảo Khôi hân hoan mở rộng cửa đón tiếp các cựu học sinh Hoàng Diệu sống tại Úc châu về họp mặt tại nhà anh, hôm 29 tháng 10 vừa qua.

Hầu hết các thi sĩ Hồn Trẻ 20 đã học trường Hoàng Diệu, thử xem trong hình có nhận ra người bạn nào cùng lớp hay chăng
(Lâm Hảo Khôi là người đứng thứ nhì từ trái sang phải.
Ảnh do Trịnh Ngọc Thủy cung cấp)

Sunday, 30 October 2011

Lại gặp nhau nữa ở Cần Thơ

 Thi sĩ Lý Thừa Nghiệp về VN chuyến này ghi dấu nhiều kỷ niệm đẹp.
Thứ bảy 29 tháng 10-2011, Lệ Lệ chở Lý Thừa Nghiệp từ Sóc Trăng 
lên Cần Thơ, gặp Phù Sa Lộc. 
Sau đó, ba chàng

ăn trưa tại nhà hàng An Bình ngay ngã ba Ba Láng
(Lý Thừa Nghiệp bên trái) với Lệ Lệ (bên phải)

Sau khi đi chơi khu du lịch Mỹ Khánh, ghé thăm mộ nhà thơ Phan Văn Trị 
ở Trà Niềng (Phong Điền). 
Lý Thừa Nghiệp (bên trái) với Phù Sa Lộc (bên phải)

Lý Thừa Nghiệp (bên trái) với Lệ Lệ (bên phải)

Rồi ra ngồi bên bờ sông, trước mộ nhà thơ Phan Văn Trị, 
ăn dâu Hạ Châu - đặc sản Phong Điền (Cần Thơ). 
Ảnh hai "con tằm ăn dâu": Lý Thừa Nghiệp (bên trái) và bên phải là Lệ Lệ

Tuesday, 18 October 2011

Lại gặp nhau ở Cần Thơ

Hai thi sĩ Hồn Trẻ 20, 
Lý Thừa Nghiệp & Phù Sa Lộc 
lại gặp lại nhau trong tháng này.

Không ngồi quán, không cụng ly bên hiên nhà, cũng không đèo nhau trên xe gắn máy, mà cao hứng rủ nhau đi xuồng dạo chơi trên sông Hậu (để chui dưới cầu Cần Thơ một lần cho biết...)

Lý Thừa Nghiệp
(Ảnh chụp hôm 16 tháng 10-2011 trên sông Hậu.
Phông đằng sau là cầu (thay cho bắc) Cần Thơ)

Phù Sa Lộc (bên trái) cùng Lý Thừa Nghiệp (bên phải)

Monday, 10 October 2011

Sáng tác khác của Hồn Trẻ 20

NGUYÊN NGHĨA
 
Nghe Thế Sơn hát "Những Tình Khúc Chọn Lọc 2"
 
 
     Đầu tháng 6-2005 vừa qua, đĩa CD tiếng hát Thế Sơn “Những Tình Khúc Chọn Lọc 2” đã được trung tâm Thúy Nga phát hành khắp thế giới. 
 
     Có thể nói ngay rằng, khi đặt chủ đề cho đĩa nhạc này là  “Những Tình Khúc Chọn Lọc 2”, đương nhiên nhà sản xuất muốn nối dài sự thành công trước đó của đĩa nhạc Thế Sơn “Những Tình Khúc Chọn Lọc 1”, bởi đĩa CD “Những Tình Khúc Chọn Lọc 1” đã được thính giả nồng nhiệt đón nhận và do đó số bán rất khả quan. 
 
Do đó, đĩa CD “Những Tình Khúc Chọn Lọc 2” riêng cho tiếng hát Thế Sơn vừa được trung tâm Thúy Nga phát hành. Đây không chỉ là một tác phẩm “mới”, mà còn là một tác phẩm “lạ” và  “đẹp” cả về hình thức lẫn nội dung.
 
Ảnh bìa trước của đĩa nhạc là chân dung của Thế Sơn, trông trẻ nhưng chững chạc, khuôn mặt thon hơn, đuôi tóc hai bên tai để dài, chiếc t-shirt màu đen có in nhãn hiệu của nhà tạo mẫu Versace bằng kiểu chữ gothic. Bìa sau cũng bức ảnh chụp Thế Sơn nhưng gần như toàn thân, hơi cúi mặt xuống và đôi mắt hướng vào một nơi nào đó dường như không phải đang tập trung tia nhìn mà chính là đang theo đuổi một niềm suy tưởng. Và người nghe nhạc sẽ thấy nhiều bức ảnh Thế Sơn khác nữa, khi lật ra những trang in của một tập sách mỏng, giấy láng, in lời nhạc. Sự tỉ mỉ, sự tốn kém chi phí thực hiện đĩa CD “Những Tình Khúc Chọn Lọc 2” này chắc chắn phải được hiểu rằng đây là tác phẩm hằng được ấp ủ, được thực hiện một cách cẩn trọng, như “đứa con” được nâng niu chăm sóc hết lòng.
 
“Những Tình Khúc Chọn Lọc 2” gồm các sáng tác của các nhạc sĩ Vũ Thành An, Ngọc Trọng, Trịnh Công Sơn, Trần Quảng Nam, Duy Quang; trong số đó có nhạc phẩm “Tình Khúc Thứ Nhất” do Nguyễn Đình Toàn viết lời và nhạc phẩm “Một Mùa Đông” do Hoàng Trọng Thụy viết lời.
 
Đây là một tuyển chọn từ những nhạc phẩm đã gây xao xuyến, đã làm rung động nhiều triệu thính giả. Nhưng ở đây không hẳn là những nhịp điệu quen thuộc mà người ta từng được nghe đi nghe lại, từ cách diễn tả cho đến cách luyến láy của ca sĩ. 11 nhạc phẩm chọn lọc ấy, với hoà âm mới của Tùng Châu và Phạm Hữu Tâm, khởi sắc, xao động tâm hồn. Phần hòa âm mới này khiến cho những nhạc phẩm được “chắp cánh” và giọng hát Thế Sơn tình tứ hơn, ngay cả mượt mà hơn.
 
Trước đó, hầu như Thế Sơn đã hát đủ các loại nhạc, từ “Tình Thư Của Lính”, “Tiền”, “Người Đàn Bà Ngàn Năm Trước”, “Tango Tím”, “Bạn Tôi”, “Chiều Hoang”, “Mùa Đông Cô Đơn”, “Nếu Điều Đó Xảy Ra”, “Chân Tình”, cho đến “Hận Đồ Bàn”, v.v… Đặc biệt hơn nữa, thính giả đến phòng trà, đi xem đại nhạc hội đã có dịp thưởng thức Thế Sơn ở những nhạc phẩm kích động, qua đó Thế Sơn chứng tỏ được rằng giọng hát của mình không những chỉ thu hút, điêu luyện, mà còn bền bỉ, sẽ còn hứa hẹn một đời ca hát rất dài. Chắc hẳn rất nhiều thính giả đồng ý với tôi về nhận xét đó.
 
Điều mới lạ tìm thấy ở đĩa CD Thế Sơn “Những Tình Khúc Chọn Lọc 2” này, là lời giới thiệu để dẫn vào mỗi bài nhạc. Nói cho đúng hơn, đó là những lời tâm tình, thủ thỉ giữa hai người yêu nhau, xa nhau. Hoàng Trọng Bách viết những lời này, trau chuốt ở mỗi chữ, mỗi câu. Giọng đọc Hoàng Trọng Bách ấm, chỉ vài chỗ mới cất lên hơi cao, còn hầu hết là trầm xuống, như những tiếng thở dài sâu lắng…
 
 
Tôi bắt gặp nhiều cảm xúc nhất khi nghe giọng Hoàng Trọng Bách thủ thỉ trước khi Thế Sơn cất tiếng hát “Hãy Khóc Đi Em” (sáng tác của Trịnh Công Sơn):
 
“Cali, chiều nay mưa lại về… Một cơn mưa mùa đông đang về qua phố Việt. Những bóng người vội vã băng ngang đường. Em yêu ơi! Anh đang ngồi đây, nhìn qua khung cửa kính của một quán vắng. Và anh đã ngồi đây từ lâu lắm. Mưa buồn chiều nay đã làm anh nhớ em thật nhiều. Những giọt mưa bên này hay đã là những giọt nước mắt em, người yêu dấu ở lại bên ấy? Trong khói lửa mình đã lạc mất nhau, trong khói lửa mình đã không tìm thấy nhau. Anh đã ra đi theo những cơn sóng xô, nổi trôi về một phương trời vô định. Không một lần gặp cuối, không một lời giã biệt. Và thời gian qua, mình đã mất nhau thật rồi sao…? Về bên ấy, em  còn tìm về lối hẹn cũ của chúng mình? Em có còn chờ anh nơi hẹn cũ… của chúng mình? Em đã khóc… Em đã khóc thật nhiều, em đã khóc bao ngày. Những giọt nước mắt của em, hay là những giọt mưa đang rơi? Và anh vẫn còn ngồi đây… Và anh đã ngồi đây… từ lâu lắm.”
 
     Và cách Thế Sơn diễn tả rất mới, với một chút bay bổng cùng một chút chìm đắm trong bài hát này.
 
     “Hãy… khóc đi em! Cuối cuộc tình… còn đây những mặn nồng… Hãy khóc… hãy khóc đi em! Có còn gì, tình đã mất đường về…! Hãy khó…, hãy khóc đi em! Hãy khóc đi em! Hãy khóc… đi em…!”
 
     CD Thế Sơn “Những Tình Khúc Chọn Lọc 2” mở đầu bằng nhạc phẩm “20 Năm Tình Cũ” và  nối tiếp bằng “Bài Không Tên Số 7”, “Hãy Khóc Đi Em”, “Kiếp Đam Mê”, “Kỷ Niệm Gặp Gỡ”, “Một Mùa Đông”, “Phiêu Lưu Tình Ái”, “Tình Khúc Thứ Nhất”, “Yêu Người”, Xin Mặt Trời Ngủ Yên”, và chấm dứt bằng nhạc phẩm “Một Lần Miên Viễn Xót Xa”. Theo sự cảm nhận của riêng tôi, nhạc phẩm đầu tiên “20 Năm Tình Cũ” của Trần Quảng Nam mở “Những Tình Khúc Chọn Lọc 2” ra mối sầu dịu dàng như một lối dẫn về nơi chốn dấu yêu xưa. Kỷ niệm thường bám chặt lấy ký ức không rời. Tiếng hát Thế Sơn và mỗi bài hát trong “Những Tình Khúc Chọn Lọc 2” này do đó sẽ gắn liền, ở mãi cùng cảm xúc của người nghe.
 
     Nguyên Nghĩa
     6-2005