Nguyên Nghĩa
QUÀ TẶNG ĐỜI NGƯỜI
Sự cao cả của việc hiến tủy cứu các bệnh nhân ung thư máu
Lần tái khám thường
niên hồi tháng 5 năm 2005, đứa con trai bị ung thư máu của tôi đã được bác sĩ
và y tá của Toronto Hospital for Sick Children hôm đó ký tặng một quyển sách có
tựa đề I’m Cancer Survivor (tạm dịch: Tôi Là Người Qua Khỏi Bệnh Ung Thư). Bác
sĩ nói với cháu ấy rằng: “Cậu hãy đọc để hiểu về mình và biết mình nên làm gì...
Nếu cậu có thắc mắc gì, thì tất cả các câu trả lời nằm trong đó”.
Đương nhiên chúng tôi hiểu rằng con trai chúng
tôi đã chống đỡ được căn bệnh hiểm nghèo này.
Trong đau khổ,
tôi đã thấy hạnh phúc. Vì thế, tôi cầu mong mọi người đều tìm thấy hạnh phúc
nếu lỡ họ có phải đau khổ.
Suốt nhiều năm dài
ra vào bệnh viện với con, tôi đã thấy những đứa bé, ngay cả còn quá bé mà đã đau
khổ vì những căn bệnh thập tử nhất sinh, chẳng hạn như bệnh ung thư. Cùng cảnh
ngộ nên tôi dễ dàng đồng cảm với những đứa bé ấy và gia đình chúng, và bằng
cách này hay cách khác tôi muốn chia sẻ và an ủi họ như rất nhiều người đã từng
chia sẻ và an ủi chúng tôi khi chúng tôi hầu như tận cùng tuyệt vọng. Tôi nhớ lúc
đó khoảng năm 1996, anh Út từ Ottawa gọi cho tôi và chúng tôi dùng tờ báo Tự Do
kêu gọi những đồng bào có lòng ghi danh hiến tủy để may ra tìm được loại tủy bào
phù hợp cứu em Julia Lâm Gia Bình tại Ottawa đang bị ung thư máu trầm trọng. Trước
đó chưa bao lâu, tờ báo cũng nêu lên một số trường hợp trẻ em bị ung thư máu tại
Toronto, để đồng bào thấu hiểu hơn hoàn cảnh của những em bé cần được thay tủy,
vì thời điểm đó hình như ít ai nghe nói về việc thay tủy. Cuộc vận động tại
Ottawa nhằm tìm ra tủy bào phù hợp cho em Lâm Gia Bình đã đưa tới kết quả bất
ngờ là tìm được tủy bào phù hợp cho một phụ nữ Trung Hoa tại New Jersey. Riêng Julia
Lâm Gia Bình lúc đó, loại tủy bào hợp với em là của một người hảo tâm ở Đại Hàn
hiến tặng. Điều đó xảy ra nhờ hệ thống ghi danh hiến tủy toàn thế giới (bone marrow
donor registry).
Như vậy, người
bệnh ung thư máu có cơ hội hiếm hoi được cứu sống, nếu có người sẵn lòng hiến tủy
cho bệnh nhân. Cơ hội càng hiếm hoi hơn vì các đặc tính về di truyền, về nguyên
quán, về chủng tộc...
Cộng đồng người Việt
chúng ta chỉ chiếm khoảng 1% tổng số những người trong danh sách tình nguyện hiến
tủy. Với tỉ lệ quá ít đó, cơ hội cứu sống những người bị ung thư máu, hoặc bị các
bệnh khác về máu, lại càng hiếm hoi hơn.
Gần đây nhất, tôi
được biết một số trường hợp người Việt bị bệnh ung thư máu hoặc các bệnh khác về
máu: Chị Lani Nguyễn sinh sống tại Hawaii, có 4 người con, 3 trai 1 gái, nhưng
không may là cả 3 anh em trai là Tuấn 16 tuổi, Kevin 15 tuổi, Anthony 13 tuổi, đều
bị một loại bệnh hiếm có là Hyper-IgM Syndrome. Tuấn Nguyễn đã qua đời hồi tháng
6-2007, nay còn lại hai đứa em vẫn đang bị bệnh thập tử nhất sinh. Dĩ nhiên không
riêng gì các em bé hay các thiếu niên, mà người trưởng thành cũng bị bệnh ấy.
Trong số những người trưởng thành bị bệnh ung thư máu, có chị Hằng Nguyễn, 33
tuổi, cư ngụ tại Michigan, Hoa Kỳ. Một phụ nữ trẻ tốt nghiệp Đại học, tên là
Michelle Maykin, con gái của chị Hoàng Mộng Thu sinh sống tại San Jose, cũng bị
bệnh ung thư máu. Tất cả những bệnh nhân nói trên, và một số người bệnh khác nữa,
đang rất cần được thay tủy hoặc thay tế bào cuống (stem cell). Những sinh mạng đang
chỉ mành treo chuông ấy rất cần những đồng bào từ tâm tình nguyện ghi danh hiến
tủy. Càng đông người hiến tủy thì cơ hội sống cỏn của họ càng đỡ mong manh.
Tuy nhiên, chúng
ta cũng nên biết rằng việc cho và nhận tủy chỉ chính thức diễn ra khi nào
registry cho biết tìm được người có loại tủy hợp cho người đang cần thay tủy. Trước
tiên người ta chỉ thử máu sơ khởi, sau đó nếu mẫu thử nghiệm (specimen) phù hợp
giữa người cho và người nhận trong registry, thì mới cần thử máu tiếp tục. Chỉ
cần trích vài giọt máu để thử nghiệm sơ khởi, nhưng biết đâu chừng qua việc đó chúng
ta cứu sống được một người đang bên bờ tuyệt vọng. Nếu quí vị ở khoảng tuổi từ 17
đến 50 (tại Hoa Kỳ 18 đến 60) và có sức khỏe tốt, thì quí vị dễ có cơ hội trở
thành ân nhân cứu mạng.
Thiết tưởng nên nhắc lại rằng, việc hiến tủy
hoàn toàn tự nguyện. Bất cứ giờ phút nào chúng ta cảm thấy không thích làm điều
đó nữa (mặc dù tôi lạc quan nghĩ rằng chẳng lẽ những người có lòng lại đổi ý),
chúng ta vẫn có thể đổi ý, rút lui.
Do đó, xin mọi
người tiến tới phía trước một cách ung dung thoải mái. Trong tay chúng ta là món
quà quí giá nhất: quà tặng đời người.
Nếu có vị nào
trong chúng ta cần biết thêm chi tiết về việc hiến tủy hoặc hiến tế bào cuống, cần
hiểu thêm về hệ thống ghi danh những người không thân thuộc hiến tủy toàn thế
giới (Unrelated Bone Marrow Donor Registry, UBMDR), quí vị có thể vào trang liên
mạng của OneMatch tại: www.onematch.ca
Vào trang OneMatch xong, xin hãy bấm vào hàng
chữ “Donors” phía trên, chọn “Type of
Donation”, và chọn “Bone Marrow Donations”. Hoặc, tạm thời, quí vị có thể liên
lạc một vài số điện thoại sau đây để được giải thích bằng tiếng Việt:
Thạch Nguyễn (714) 797-0661, email: tnguyen@ltsc.org hoặc Hoàng Anh Nguyễn (714) 553-0520,
email: anguyen@ltsc.org
NGUYÊN NGHĨA
Toronto, 23-1-2008
Nguồn: Tác giả gửi