NGƯỜI VIỆT vs.
SAIGON NHỎ: NHỮNG CƠ HỘI ĐIỀU ĐÌNH BỊ BỎ LỠ (kỳ 8)
Saturday, January 24, 2015 6:04:31 PM
HÀ GIANG /NGƯỜI VIỆT
LTS - Sự kiện
công ty Người Việt được tòa xử thắng bà Hoàng Dược Thảo và hệ thống tuần báo
Saigon Nhỏ trong vụ kiện phỉ báng là đề tài được dư luận đặc biệt chú ý trong
những ngày qua. Ngay sau khi kết quả vụ kiện được công bố, hàng loạt ý kiến,
bình phẩm, bình luận, ở nhiều hình thức khác nhau, được dư luận luân chuyển
khắp nơi. Người Việt thực hiện loạt bài viết này nhằm trình bày các phương diện
luật pháp đáng chú ý của hai vấn đề liên quan mật thiết với nhau: Quyền tự do
ngôn luận và quyền được bảo vệ trước những lời vu khống làm tổn hại uy tín. Xin
mời độc giả theo dõi.
***
WESTMINSTER - Cuối Tháng Bảy, 2012, việc nhật báo Saigon Nhỏ tung ra bài
viết, cáo buộc Người Việt là do Cộng Sản làm chủ, Tổng Giám Ðốc Phan Huy Ðạt là
người đứng tên “làm vì,” còn bà Hoàng Vĩnh, phó giám đốc phụ trách thương vụ,
thì là một người vừa không có khả năng trí tuệ, vừa có nhiều tai tiếng về tình
ái, khiến Hội Ðồng Quản Trị công ty Người Việt sửng sốt.
Tài
liệu của tòa, lúc ông Phan Huy Ðạt nói về ảnh hưởng những lời phỉ báng
của bà Hoàng Dược Thảo lên nhân viên báo Người Việt. (Hình: Người Việt)
Chắc chắn phải có sự nhầm lẫn nào đây.
Các thành viên Hội Ðồng Quản Trị của báo Người Việt đọc đi đọc lại bài báo, băn
khoăn hỏi nhau.
Tai bay vạ gió
Chưa kịp có câu trả lời cho bài báo thứ
nhất, đăng ngày 28 Tháng Bảy, thì ngày 3 Tháng Tám, 2012, bài báo này tái xuất
hiện, gần như nguyên văn, trên các tuần báo của Saigon Nhỏ, phát hành khắp nơi
ở Hoa Kỳ.
Quyết định đầu tiên của Hội Ðồng Quản
Trị công ty Người Việt là gửi đến Saigon Nhỏ hai lá thư yêu cầu đính chính, lời
lẽ cứng rắn nhưng nhã nhặn, kỳ vọng rằng những cáo buộc vô căn cứ này sẽ được
tác giả cải chính, và cơn bão sẽ qua đi.
Thư yêu cầu đính chính được gửi đi vào
ngày 8 Tháng Tám.
Vài ngày sau, 11 Tháng Tám, 2012, nhật
báo Saigon Nhỏ xuất hiện bài viết “Báo Saigon Nhỏ trả lời thư yêu cầu cải chánh
của ông Phan Huy Ðạt và bà Hoàng Vĩnh.” Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn, vì
trong bài viết mới này, bà Hoàng Dược Thảo đáp trả yêu cầu đính chính của Người
Việt bằng cách đưa ra nhiều dẫn chứng là đã phỏng vấn nhiều người và nghiên cứu
kỹ lưỡng, về báo Người Việt cũng như ông Phan Huy Ðạt và bà Hoàng Vĩnh, và giải
thích cùng độc giả của bà rằng những cáo buộc bà đưa ra là chính xác, không có
lý do gì để cải chính.
Trong thời điểm mà lời xin lỗi của báo
Người Việt vì đăng tải lá thư độc giả “Sơn Hào,” có lời lẽ xúc phạm đến quân,
dân, cán, chính VNCH chưa làm cộng đồng hoàn toàn nguôi giận, hai bài báo của
bà Hoàng Dược Thảo, đưa tin sai sự thật rằng báo Người Việt là do Cộng Sản làm
chủ, có thể xem là nhát dao chí tử đánh vào báo Người Việt, và làm phân hóa
thêm cộng đồng người Việt tị nạn, từ trước đến nay vẫn bị nạn chụp mũ Cộng Sản
vô tội vạ làm tê liệt.
Hội Ðồng Quản Trị công ty Người Việt
họp khẩn. Thái độ của bà Hoàng Dược Thảo đẩy giới lãnh đạo công ty vào thế đối
diện với điều mà, vào lúc đầu, họ chưa muốn tin: Tờ báo đang là nạn nhân của
một vụ phỉ báng.
Qua quyết định không đính chính này, bà
Hoàng Dược Thảo không những đã bỏ lỡ cơ hội đầu tiên để giải quyết thỏa đáng
một vấn nạn lớn do chính bà gây ra, mà còn cho thấy bà cố tình tạo ra vấn nạn
này cho báo Người Việt.
Rất khó nói hết tâm trạng của nhân viên
và các thành viên điều hành tờ báo Người Việt lúc đó. Phẫn nộ có, đau lòng có,
và tinh thần suy sụp cũng có.
Hãy đọc một đoạn trong tài liệu của tòa
về lời khai của nhân chứng Phan Huy Ðạt, khi Luật Sư Hoyt Hart, đại diện bên
Người Việt, hỏi ông về ảnh hưởng của bài báo viết ngày 28 Tháng Bảy của bà
Hoàng Dược Thảo (tài liệu tòa: Nhân chứng PHD, December 12, 2014, trang 119,
line 4).
- “Những điều viết dối trá này làm ông
đau lòng?” Luật Sư Hoyt Hart hỏi.
- “Vâng. Rất là đau buồn.” Phan Huy Ðạt
trả lời.
- “Xin cho biết tại sao.”
- “Phản ứng đầu tiên của tôi là một nỗi
phẫn uất. Phẫn uất là làm sao mà một người có thể thêu dệt ra những điều như
thế về tôi và về tờ báo. Chúng tôi [những sáng lập viên của nhật báo Người Việt
- NV] đã cống hiến cả cuộc đời cho việc đấu tranh cho dân chủ, cho nhân quyền.
Tại Việt Nam, trước năm 1975, ngoài Việt Nam, sau 1975, chúng tôi đã dành biết
bao nhiêu nhiệt huyết để xây dựng một chuẩn mực dân chủ cho xã hội, cho cộng
đồng. Chúng tôi đã yểm trợ nhiều sinh hoạt đấu tranh cho dân quyền và dân chủ
trong Việt Nam, và giờ đây có kẻ nói rằng chúng tôi là Cộng Sản.”
- “Vâng, ngoài ra bài báo ngày 28 Tháng
Bảy, 2012 còn có điều gì dối trá nữa?”
- “Ngoài việc ném ra những lời nói hoàn
toàn sai sự thật, giọng điệu của toàn bài viết có mục đích làm mất phẩm giá của
tờ báo, của nhân viên chúng tôi, những người làm việc trong đó.”
- “Làm mất phẩm giá của họ?”
- Vâng, nó liên quan đến phẩm giá của
nhiều người làm việc tại báo Người Việt, nhưng điều ác ôn nhất là cáo buộc về
bà Vĩnh Hoàng.”
Tài
liệu của tòa, lúc bà Hoàng Vĩnh tâm sự trước tòa rằng, nếu bà Hoàng
Dược Thảo đính chính thì bà đã không đi kiện. (Hình: Người Việt)
Và
đây là lời khai của nhân chứng Hoàng Vĩnh, khi Luật Sư Hoyt Hart hỏi bà về ảnh
hưởng của lời phỉ báng trong bài báo nói trên (tài liệu tòa: Nhân chứng HV,
December 11, 2014, trang 134, line 8).
-
“Ngay sau khi bài báo được đăng lên, bạn bè tôi ở mọi nơi gọi tôi và hỏi về
chuyện này [việc bà bị viết là có nhiều tai tiếng xấu về tình ái - NV]. Cả
những người trong gia đình tôi, các em chồng tôi, cháu trai và cháu gái. Ðây là
những người từ trước đến giờ vẫn thương yêu và kính trọng tôi, giờ đây họ hỏi
tôi về chuyện này.”
......
-
“Ðiều này khiến bà bị bệnh?”
-
“Và nó làm tôi hoàn toàn suy sụp tinh thần, khiến tôi gần như không thể làm gì
được, làm việc hay làm bất cứ làm việc gì.”
“Vô phúc đáo tụng đình”
Quyết định
không rút lại những cáo buộc vô căn cứ của Saigon Nhỏ đẩy Người Việt vào tình
thế không còn cách nào khác hơn là đưa nội vụ ra trước tòa để đòi công lý cho tờ
báo, cho thanh danh của thành viên ban điều hành, và toàn thể nhân viên Người
Việt, đa số giờ đây đang bị người thân, bạn hữu, nhìn bằng ánh mắt nghi kỵ, như
muốn hỏi rằng làm sao quý vị có thể đang tâm làm việc cho Cộng Sản.
Dù biết đi
kiện là giải pháp duy nhất để làm cho sự thực được sáng tỏ, Hội Ðồng Quản Trị của
báo Người Việt đã phải cân nhắc rất kỹ lưỡng nhiều yếu tố trước khi quyết định
nộp đơn kiện Saigon Nhỏ.
Trước tiên,
một vụ kiện giữa hai tờ báo Việt ngữ tại hải ngoại sẽ có lợi hay có hại cho quyền
tự do ngôn luận, nhất là của giới cầm bút, được bảo vệ bởi tu chính án thứ nhất
của Hiến Pháp Hoa Kỳ?
Kế đến, kiện
tụng sẽ rất tốn kém. Một vụ kiện, từ khi được tòa thụ lý cho đến lúc có bản án,
phải trải qua nhiều thủ tục tố tụng phức tạp, kéo dài có khi nhiều năm. Ngoài
tiền bạc, nhiều nỗ lực của ban điều hành sẽ phải dồn vào vụ kiện, những dự tính
phát triển cho công ty phải tạm thời gác qua một bên trong thời gian không biết
sẽ kéo dài bao lâu.
Rồi nếu đi
kiện thì xác suất thắng có cao không. Ðã thắng rồi thì tiền được bồi thường có
xứng đáng cho tiền bạc và công sức bỏ ra hay không. Và dù đã được xử bồi thường
rồi, thì xác suất lấy được tiền có cao không.
Nhưng quyết
định không đi kiện là chấp nhận để cho thanh danh của Người Việt bị chà đạp, là
chấp nhận để cho kẻ ỷ có tờ báo trong tay, lạm dụng quyền tự do ngôn luận, tung
tin đồn thất thiệt một cách vô tội vạ để triệt hạ tờ báo bạn, và quyết định
không đi kiện chính là chấp nhận để cho tệ nạn chụp mũ Cộng Sản trong cộng đồng
tiếp tục làm ô nhiễm, băng hoại và tê liệt sinh hoạt của người Việt tị nạn.
Cuối cùng,
sau bao cân nhắc, Hội Ðồng Quản Trị công ty Người Việt chấp nhận tốn kém, chấp
nhận dành nhiều thì giờ, công sức cho vụ kiện. Lý do kiện không phải vì tiền,
mà là vì danh dự của công ty, vì công lý, vì không thể cứ mãi để cho người ta
áp bức một cách vô lối.
Nhưng nếu
đã kiện thì phải thắng, và phải thắng lớn. Sự thắng kiện lớn sẽ không được đo
lường bằng tiền, mà bằng việc đem về một bằng chứng hùng hồn rằng xã hội chúng
ta đang sống là một xã hội có luật pháp, có công lý, một xã hội không dung túng
những người lạm dụng quyền cầm bút để bôi nhọ người khác một cách vô tội vạ.
Lỡ thêm một cơ hội
Nộp đơn kiện
rồi, quan điểm của báo Người Việt từ đầu đến cuối vẫn là làm sao để những điều
cáo buộc vô căn cứ, những tin tức sai sự thật được Saigon Nhỏ loan tải phải được
bà Hoàng Dược Thảo rút lại.
Trong thâm
tâm, các thành viên Hội Ðồng Quản Trị Người Việt vẫn mong là biết đâu đứng trước
nguy cơ bị kiện, bên Saigon Nhỏ sẽ phục thiện, thấy mình phải tôn trọng sự thật,
và hai bên sẽ có thể điều đình, giải quyết vấn đề một cách thỏa đáng.
Ngày 12
Tháng Mười Hai, 2014, khi ngồi trên ghế nhân chứng, bà Hoàng Vĩnh, một trong ba
nguyên đơn đã có lúc nghẹn ngào nói trước tòa:
- “...Nếu
bà ấy [Hoàng Dược Thảo - NV] đính chính, tôi đâu muốn làm gì bà ấy. Tôi không
muốn đi kiện bà ấy làm gì, vì phải ngồi trước tòa như thế này, là điều rất khổ
tâm cho tôi. Tôi chỉ muốn được an bình...” (tài liệu tòa: (Nhân chứng HV,
December 12, 2014, trang 67, line 15).
Theo luật của
California, trong suốt vụ kiện, từ lúc nộp đơn cho đến ngay trước khi bồi thẩm
đoàn đưa ra phán quyết, bên nguyên và bên bị lúc nào cũng có thể điều đình với
nhau để giải quyết tranh chấp.
Thêm vào
đó, trong tiến trình tố tụng, các thẩm phán thụ lý vụ kiện luôn yêu cầu hai bên
ngồi xuống với nhau để giải quyết vấn đề qua một thủ tục gọi là “Mandatory
Settlement Conference,” qua đó, dưới sự giám sát của một thẩm phán chuyên về điều
đình (arbitration judge), hai bên gặp nhau để thảo luận điều kiện của mình.
Trong buổi
họp điều đình lần cuối cùng vào cuối Tháng Tư, 2014, bên Người Việt vẫn còn sẵn
lòng điều đình, đồng ý dẹp bỏ vụ kiện, miễn là bên Saigon Nhỏ đáp ứng ba yêu cầu
đơn giản. Thứ nhất, Saigon Nhỏ rút lại những lời viết phỉ báng báo Người Việt,
ông Phan Huy Ðạt, và bà Hoàng Vĩnh, theo đúng tinh thần hai lá thư yêu cầu đính
chính họ đã gửi cho bà Hoàng Dược Thảo ngày 8 Tháng Tám, 2012. Thứ hai, Saigon
Nhỏ viết bài xin lỗi ba nguyên đơn. Bài đính chính và bài viết xin lỗi phải được
đăng hai lần trên tất cả các ấn bản trước đây đã đăng hai bài viết phỉ báng bên
nguyên. Và cuối cùng, bồi thường cho báo Người Việt một số tiền nhỏ, và gửi số
tiền này cho một hội từ thiện mà bà Hoàng Vĩnh yêu cầu.
Một lần nữa,
bà Hoàng Dược Thảo lại khước từ, như bà đã khước từ yêu cầu đính chính của nhật
báo Người Việt trước khi vụ kiện xảy ra.
Trong đoạn
phim tại buổi họp báo do ông Nguyễn Xuân Nghĩa tổ chức (exhibit 9), được thẩm
phán chấp nhận cho vào hồ sơ vụ kiện, bà Hoàng Dược Thảo lập luận: “Nếu báo Người
Việt là cơ quan ngôn luận thì phải có người cầm bút viết lại bài viết của tôi
chứ? Tại sao lại đem ra kiện? Kiện có nghĩa là anh không thể nào chối bỏ được
việc tôi viết là đúng...”
Và cũng
trong buổi họp báo này, bà khẳng định: “Tôi rất mong tôi được ra tòa, nói với mọi
người. Tôi nói rõ với luật sư tôi, là tôi không có settlement (điều đình - NV)
gì với Người Việt hết. Tôi muốn chờ đợi cái ngày ra tòa, nhưng tiếc một điều rằng,
tôi sợ là cái ngày đó tôi mong sẽ không xảy ra...”
Mọi nỗ lực
điều đình của báo Người Việt không thành. Chuyện phải đến đã đến. Tòa án là nơi
giải quyết tất cả mọi chuyện.
Hai ngày
trước khi bồi thẩm đoàn đưa ra phán quyết, và một ngày trước khi hai bên luật
sư đưa ra lập luận chấm dứt phiên xử (closing arguments), Thẩm Phán Frederick
P. Horn vẫn còn khuyên “thôi hai bên liệu mà điều đình đi,” nhưng bên bà Hoàng
Dược Thảo vẫn không hề nhúc nhích.
Ngày 30
Tháng Mười Hai, bồi thẩm đoàn đưa ra phán quyết, đòi bên Saigon Nhỏ bồi thường
thiệt hại $3,000,000 cho các nguyên đơn bên Người Việt, và phạt thêm Saigon Nhỏ
$1,500,000 để làm gương.
Không ai
kéo lại được bước chân của thời gian.
Kỳ tới:
Ông Phan Huy Ðạt và Ðinh Quang Anh Thái nói về Người Việt.
––
Liên lạc tác giả: hagiang@nguoi-viet.com
No comments:
Post a Comment
Note: only a member of this blog may post a comment.