Wednesday, 31 January 2018

Thơ của các tác giả Hồn Trẻ 20




Nguyên Nghĩa
Nghe “LY RƯỢU…”

sợi dây đàn cũ dường căng lại
từ đáy hồn sâu mới vẳng lên
từng nốt nhạc rung xao xuyến dậy
trên phím thời gian phủ bụi quên

mùa xuân môi má hồng men rượu
giọng ai rạo rực khúc nâng ly
lời hát lượn chao trên cánh gió
đùa vui cùng đôi én bay về

mùa xuân áo mỏng như tơ nắng
nhà ai hoa hé nụ bên hiên
rủ con bướm nhỏ làm đôi bạn
tô lên đời thêm lớp son duyên

mùa xuân rộn rã tim nồng thắm
ai chúc trần gian hạnh phúc đầy
trên cành yêu thương xây tổ ấm
đôi uyên ương mãi mãi sum vầy

mùa xuân nhẹ gót mây qua cửa
trong tay ai giữ được vô hình
thời gian ở lại cung đàn cũ
tơ chùng tắc nghẹn những âm thanh.

Nguyên Nghĩa

----
Nguồn: tác giả gửi đăng.
(Xuân Quí Dậu, 1993)


Wednesday, 24 January 2018

Những tác phẩm khác của Hồn Trẻ 20

Lý Hậu Giang

Thơ: Đỗ Thị Minh Giang
Nhạc: Nguyễn Văn Thơ
Hòa âm: Phan Thanh Hùng
Ca sĩ: Bạch Lan 

Video: Bùi Tấn Vinh

Nguồn:
Nối từ YouTube
https://www.youtube.com/watch?v=A3CUluF7lf0
 

Hồn Trẻ 20 và bạn hữu

Lâm Hảo Dũng
Tôi Gởi Hồn Tôi 
Xuống Hạ Nguồn

chiều đã vươn vai buồn đã rớt
mây còn thả nổi quả cầu bay
bên kia biên giới nhà thưa thớt
cây tuổi còn xanh đứng thở dài

ốc đảo hoang vu rẽ mấy chiều?
dòng xuôi hữu ngạn có Ai Lao
nghe trong đất Thái sương đùn núi
vườn tược lên hoa ruộng thắm màu

đứng cạnh sông dài bước lãng du
quê xa vằng vặc những sa màu
đá non trong nỗi sầu ôm cát
là thấy trường giang chẳng bến bờ

đò thả xuôi và sẽ ngược dòng
vốc tay hôn nước, nước Mékong
với tôi thân thể mang hồn nước
mang tấm tình riêng để nối chung

hôm nay triều nước xuôi lười biếng
tôi gởi hồn tôi xuống hạ nguồn…

Lâm Hảo Dũng
Bangkok, Thái Lan. Nov 16th 2015

Nguồn: thi tập Tôi Vẫn Còn Đi.
Thơ Lâm Hảo Dũng, xuất bản tại Canada 2017






Ảnh: Tam giác vàng ở Chaing Rai, Thái Lan
(Biên giới Thái & Lào & Miên)

Friday, 19 January 2018

Hồn Trẻ 20 trân trọng giới thiệu

Tuyển tập thơ 
TÔI VẪN CÒN ĐI


Thơ LÂM HẢO DŨNG

Xuất bản tại Canada năm 2017

Wednesday, 17 January 2018

Thơ của các tác giả Hồn Trẻ 20

Thơ PHÙ SA LỘC

Tím

Tím đêm dưới ngọn đèn bàn 
Tím ngày đến lớp nắng tràn sân chơi 
Tím trong trang vở học rồi 
Tím vào lưu bút hè rơi phượng hồng 
Tím vu vơ một nỗi lòng 
Màu hoa phượng ép tím trong ngăn bàn.


Phù Sa Lộc


Hồn Trẻ 20 và bạn hữu

PHẠM QUANG NGỌC
Nỗi nhớ riêng tôi 

Nỗi nhớ riêng tôi, nỗi nhớ rời
Lên từng góc cạnh của đôi môi
Lên từng giọt lệ hoen màu mắt
Nỗi nhớ riêng tôi nhớ cả đời


Nỗi nhớ riêng tôi, con khóc cha
Mẹ mồ thủy táng giữa phong ba
Trôi sông, lạc chợ, thân bèo nổi
Nỗi nhớ riêng tôi, tóc bạc nhòa!

Đừng thấy tôi cười, ánh mắt vui
Lòng len ngõ ngách, tối thui rồi!
Muốn chia muôn mảnh thành con nước
Ghép ván thiên thu một kiếp người

Nỗi nhớ riêng tôi, ta mất nhau
Bần thần như kiến cắn chân đau
Nhìn nghiêng cô gái nhà bên cạnh
Mắt đó, môi kia, kỷ niệm đầu!

Nỗi nhớ riêng tôi, nhớ mãi thôi!
Cầm bằng số kiếp, nẻo luân hồi
Vì duyên cầm sắt không nên nợ
Thì để riêng tôi trả hộ người...

Phạm Quang Ngọc








Nguồn:
thi tập "Thương cái đầu biết gật"
xuất bản năm 2014 tại Úc.

Thơ của các tác giả Hồn Trẻ 20

LÂM HẢO KHÔI
Hạt nhớ người gieo

Em gieo hạt nhớ bên đồi biếc
Ta ngắt buồn đi cây trổ bông
Đêm nằm đợi sáng hôm đưa tiễn
Chợt hiểu đời nhau những nỗi lòng

Mùa đi còn níu chân ngày tháng
Lá hát hoa gầy khúc lẻ loi
Sông níu đời nhau bờ bến cũ
Ta níu đời nhau giữa biển người

Đêm vắng đèn phai vai áo chạm
Đàn níu câu thơ hỏi chuyện đời
Em gieo nỗi nhớ đầy nhan sắc
Ta hái đầy tay tiếng thở người

Về nghe mưa niệm câu thần chú
Chợt sáng dung nhan một đoá vàng
Cài then đóng cửa hồn ta lại
Còn vẳng bao la một tiếng đàn.


Lâm Hảo Khôi








Lâm Hảo Khôi (ngồi bên trái) với Nguyên Nghĩa và Lâm Anh Kiệt (ngồi bên phải). Ảnh chụp ở Sydney, tháng 4-2015.

Saturday, 13 January 2018

Hồn Trẻ 20 và bạn hữu

Thơ NGÀN SAU

(thơ yết hậu)



TUYẾT
Ngoài sân xe phủ tuyết trùm trần
Chuông tháp nhà thờ tiếng vọng ngân
Mai* nở lạnh lùng trong giá buốt
Xuân…

*Mai Canada 4 cánh, mọc ở rừng, mùa đông hoa
nở thật sum sê!

BĂNG GIÁ
Tuyết đóng thành băng chốn bản lư
Đường đi trơn trợt kẻ đưa thư
Mong vài giọt nắng tan hơi lạnh
Đừ…

CỜ LAU
Cờ lau tập trận chốn Hoa Lư
Muôn thuở anh hùng chép sử thư
Danh tiếng còn lưu hoài hậu thế
Dư…

MỘT MÌNH
Một mình ngồi ngắm cánh hoa rơi
Lòng bỗng buồn tênh thật khó vơi
Năm mới đang về sao ủ rũ?
Lơi!


Ngàn Sau

Monday, 1 January 2018

Những bài viết khác



Những tờ báo cũ miền Nam
Viên Linh



Một vài hình ảnh về sách báo cũ trước 1975, nay được tìm mua và được bán ra với giá cao.

Có một hôm đang làm việc tại tòa soạn trong khu báo chí ở Little Saigon, một người đàn ông bước vào hỏi tên tôi, và vào đề ngay: “Nghe nói ông muốn mua sách báo cũ miền Nam, tôi có nguyên bộ tạp chí Văn, không thiếu số nào vì tất cả đã đóng gáy mạ chữ vàng, ông có muốn mua không?” Câu trả lời là có, và kinh nghiệm dạy rằng cần phải để xem người bán muốn bán đến độ nào, người bán là dân trong nghề văn nghề báo hay dân mại bản.

Tôi từng chưng hửng khi cách đó khoảng năm năm, một người ở Houston liên lạc về chuyện báo cũ, chủ đề là bộ Bách Khoa, và nói giá một cách rất hăng hái: phải 15,000 Mỹ kim mới bán.. Bách Khoa có hai đời chủ nhiệm, sống được khoảng 18 năm, từ 1957 tới 1963 tên Bách Khoa, chủ nhiệm Huỳnh Văn Lang, thư ký tòa soạn Lê Ngộ Châu, từ 1964 tới 1975 phải đổi tên là Bách Khoa thời đại, vì ông Huỳnh là người của chế độ cũ, mà chế độ đó vừa bị lật đổ hồi 1 tháng 11 năm trước, nên ông Châu lên làm chủ nhiệm, sống thêm 11 năm nữa. Báo ra hai kỳ một tháng, nếu không “sốt tê” (nhảy) một số nào, số chót phải là 432, nhưng chắc chắn không tới con số bụ bẫm toàn vẹn đó, thiếu hụt đâu khoảng vài ba chục số. Thời Việt Nam Cộng Hòa, các tạp chí bán ra khoảng thập niên 60 trung bình, đổ đồng là 30 đồng một số, đầu thập niên 70 giá lên đến 200 đồng một số, đại khái so với Mỹ kim mỗi số báo chỉ giá vài chục xu, mà đòi bán 15,000 Mk bộ Bách Khoa khoảng 400 số, thì quá đáng, cho dù đã đóng bìa cứng mạ chữ vàng đi nữa. Bách Khoa như cái tên, bài viết có từ khoa học quân sự kinh tế chính trị đến văn học nghệ thuật, mình chuyên về có một môn, mua tờ báo có tới 5 môn, là mình không dùng tới 4 môn kia, phí quá.

Nhưng đó là một vụ lẻ loi. Người đàn ông tới tòa soạn tờ báo kiếm tôi muốn bán bộ tạp chí Văn 245 số đã đóng thành 42 tập. Ðương nhiên là tạp chí Văn đối với người viết văn đáng quí hơn là tạp chí Bách Khoa. Người bán không chịu ra giá. Hỏi nhiều lần anh cũng không nói. Người bán không nói giá, người mua không biết đâu mà tính, nhưng cứ khả năng mình, tôi nói sẽ biếu anh nguyên bộ Khởi Hành trị giá lúc ấy khoảng 300 Mỹ kim, cộng thêm 1500 Mỹ kim tiền mặt, anh nhìn tôi lặng lẽ đi ra. Khoảng vài chục thước, anh quay lại nói: “Tôi nợ credit card sát ván rồi, nên mới phải bán bộ báo Văn.” Hỏi anh bộ báo của chính anh mua rồi mang từ Việt Nam qua hay của ai, anh nói khi còn ở Việt Nam, anh chỉ mua tiểu thuyết đọc, chứ không mua tạp chí.

Nhưng một hôm vào cái ngõ ở khu Tân Ðịnh, thấy một ông mập mạp cởi trần đang ngồi bán mấy thứ lặt vặt trước nhà, anh hỏi mua sách, thì ông nói có bộ báo Văn, có mua thì ông bán. Ông mang ra cho xem mới thấy ở gáy tập báo nào cũng có tên chủ nhân mạ chữ vàng in nổi trên cái bìa simili màu xanh xám: Trần Phong Giao. Tôi im lặng nhưng lòng trĩu nặng, đó là thư ký tòa soạn tạp chí Văn, đó là bạn tôi, đó là người mang hết tinh hoa kiến thức của mình gầy dựng nên tờ báo văn chương có nhiều năm bán chạy nhất ở miền Nam. Năm 1975 từ Virginia tôi gửi thư về địa chỉ ở Tân Ðịnh cho bạn, nhưng thư bị trả về, bên ngoài phong bì có nét bút gạch chéo sỗ sàng, và mấy chữ “không có ở đây.” Người bán sách cũ nói thêm anh không định mua bộ báo, chỉ khi biết người đó là Trần Phong Giao, người làm ra bộ báo, anh mới mua, để giúp ông, vì đoán chừng ông đang cùng quẫn ở thành phố bị giặc đỏ hoành hành. Anh chỉ thích mua tiểu thuyết, không thích báo bao nhiêu.

Suy nghĩ tới lui: nợ credit card hết mức rồi thì chắc là 5,000 Mk, bỏ ra số tiền ấy để mua bộ báo cũ, nhà thơ nghèo không kham nổi. Người bán sách báo cũ nghĩ sao, cho tôi số điện thoại và số nhà ở Los Angeles rồi mới quay đi. Hẳn anh hy vọng biết đâu tôi có thể đổi ý. Quả là cách đây vài ba năm tôi có kiếm anh, vì có một hai bạn đọc tri âm muốn mua bộ báo đó tặng lại tôi, song anh không còn ở chỗ cũ.

Trong vài chục năm nay mua sách báo cũ, thư viện của tôi đã không còn chỗ chứa, nay đang phải làm danh sách để bán bớt đi một nửa, khoảng gần một ngàn cuốn. Sách chồng chất quá cao, lên tới sát trần nhà, kê thêm tủ để chứa sách thành ra lối ra vào không đủ tiêu chuẩn 36” bề rộng, nhân viên chữa lửa đã từng cho chủ nhân cái hạn hai tuần để kê lại. Thế mà gần đây có chàng còn muốn bán rẻ cho tôi 20 cuốn báo Sáng Tạo (không đủ bộ 31 cuốn) đòi có 20 Mk một tờ. Bộ Thời Tập 23 cuốn có đủ, giá mua 500 Mk. Bộ Nghệ Thuật Mai Thảo chủ nhiệm, Viên Linh thư ký tòa soạn, 57 cuốn thiếu 5 cuốn, 500 Mk cộng thêm 25 Mk tiền gửi đi sau khi báo được mang từ Tuy Hòa qua San José, từ San José mang xuống Westminster. Bộ Khởi Hành xuất bản trong nước, 156 số từ 1969 tới 1973 ở Sài Gòn, là bộ báo cũ người viết bài này quí nhất, chủ nhiệm Anh Việt Trần Văn Trọng, nhạc sĩ đại tá chủ tịch Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Ðội, thư ký tòa soạn Viên Linh, tờ báo tôi được trao toàn quyền thực hiện, suốt bốn năm tờ báo hiện diện người chủ nhiệm ít nói, nghiêm nghị mà cởi mở, không bao giờ đến tòa soạn.

Nếu phải mua lại bộ báo quí giá ấy, không biết làm sao người ta có thể kham nổi. Nó quí vì nhiều lý do, tờ báo đã khám phá ra nhiều tài năng mới, sau này nổi tiếng, tờ báo đã được sự cộng tác của hầu hết các tác giả danh tiếng nhất Việt Nam, mà sau một năm có mặt, đã in tên tất cả các tác giả ra ngoài bìa. Chủ nhân bộ báo anh L. Ð. đã tặng không cho tôi với lời thư giản dị: như là báo tôi làm ra, thì anh tặng lại tôi bản chính, chỉ cần gửi lại cho anh một bản photocopy là được rồi. Ðiều ấy đã đáng ca ngợi, nhưng điều đáng kính phục nhất là khi biết tôi đang tục bản tờ báo cũ ở California, thì tờ Khởi Hành bộ cũ của gia đình anh, anh mua từng số khi phục vụ trong quân ngũ, lúc ở Tây Ninh khi ở Sài Gòn, còn để trong thùng sắt, cái thùng còn chôn trong vườn nhà. Khi anh chị qua được Hoa Kỳ, mẹ anh vẫn ở trong ngôi nhà đó.

Cách đây khoảng mười lăm năm, lúc tình hình còn khó khăn, Chị L. Ð. đã về Sài Gòn, và mang hơn một trăm số báo đó bằng máy bay qua Hoa Kỳ, để rồi anh chị đóng thùng, gửi qua bưu điện cho tôi. Không bao giờ tôi có thể quên gia đình anh chị, nhất là mẹ anh đã tích cực bảo tồn các di sản văn hóa của người quốc gia, dù vẫn sống trong gông cùm cộng sản.. Khi những dòng này được viết ra, người trong nước vừa lập ra một hội nhà văn mới, mà ngay lá thư thông báo đã dùng mấy tiếng “văn học đô thị miền Nam” để ngụ ý đó là “văn học miền Nam.” Ðiều đó ngay lập tức vô hình trung đã cảnh báo rằng văn học của miền Nam, sách báo cũ của miền Nam, là di sản càng ngày càng quí, đến nay họ vẫn sợ hay đã quá quen phải tránh nói đến nó, chưa dám nhắc đến nó một cách bình thường. Người ta quí sách cũ không hẳn vì nó hiếm, nó ít ra đã ghi dấu và mang trong lòng những tờ giấy mong manh những thần thức tinh hoa của một thời đại đã mất.




   

Viên Linh
Viết ngày 6 tháng 8, 2014
(Posted on Tháng Tám 7, 2014 by VietnamDaily.News in Tạp ghi, Viên Linh)

Nguồn: Trang nhà NAM KỲ LỤC TỈNH