Những tờ báo cũ miền Nam
Viên Linh
Một vài hình ảnh về sách báo cũ trước 1975, nay được tìm mua và được bán
ra với giá cao.
Có một hôm đang làm việc tại tòa soạn trong khu báo chí ở Little Saigon, một người đàn ông bước vào hỏi tên tôi, và vào đề ngay: “Nghe nói ông muốn mua sách báo cũ miền Nam, tôi có nguyên bộ tạp chí Văn, không thiếu số nào vì tất cả đã đóng gáy mạ chữ vàng, ông có muốn mua không?” Câu trả lời là có, và kinh nghiệm dạy rằng cần phải để xem người bán muốn bán đến độ nào, người bán là dân trong nghề văn nghề báo hay dân mại bản.
Tôi từng chưng hửng khi cách đó khoảng năm năm, một người ở Houston liên lạc về chuyện báo cũ, chủ đề là bộ Bách Khoa, và nói giá một cách rất hăng hái: phải 15,000 Mỹ kim mới bán.. Bách Khoa có hai đời chủ nhiệm, sống được khoảng 18 năm, từ 1957 tới 1963 tên Bách Khoa, chủ nhiệm Huỳnh Văn Lang, thư ký tòa soạn Lê Ngộ Châu, từ 1964 tới 1975 phải đổi tên là Bách Khoa thời đại, vì ông Huỳnh là người của chế độ cũ, mà chế độ đó vừa bị lật đổ hồi 1 tháng 11 năm trước, nên ông Châu lên làm chủ nhiệm, sống thêm 11 năm nữa. Báo ra hai kỳ một tháng, nếu không “sốt tê” (nhảy) một số nào, số chót phải là 432, nhưng chắc chắn không tới con số bụ bẫm toàn vẹn đó, thiếu hụt đâu khoảng vài ba chục số. Thời Việt Nam Cộng Hòa, các tạp chí bán ra khoảng thập niên 60 trung bình, đổ đồng là 30 đồng một số, đầu thập niên 70 giá lên đến 200 đồng một số, đại khái so với Mỹ kim mỗi số báo chỉ giá vài chục xu, mà đòi bán 15,000 Mk bộ Bách Khoa khoảng 400 số, thì quá đáng, cho dù đã đóng bìa cứng mạ chữ vàng đi nữa. Bách Khoa như cái tên, bài viết có từ khoa học quân sự kinh tế chính trị đến văn học nghệ thuật, mình chuyên về có một môn, mua tờ báo có tới 5 môn, là mình không dùng tới 4 môn kia, phí quá.
Nhưng đó là một vụ lẻ loi. Người đàn ông tới tòa soạn tờ báo kiếm tôi muốn bán bộ tạp chí Văn 245 số đã đóng thành 42 tập. Ðương nhiên là tạp chí Văn đối với người viết văn đáng quí hơn là tạp chí Bách Khoa. Người bán không chịu ra giá. Hỏi nhiều lần anh cũng không nói. Người bán không nói giá, người mua không biết đâu mà tính, nhưng cứ khả năng mình, tôi nói sẽ biếu anh nguyên bộ Khởi Hành trị giá lúc ấy khoảng 300 Mỹ kim, cộng thêm 1500 Mỹ kim tiền mặt, anh nhìn tôi lặng lẽ đi ra. Khoảng vài chục thước, anh quay lại nói: “Tôi nợ credit card sát ván rồi, nên mới phải bán bộ báo Văn.” Hỏi anh bộ báo của chính anh mua rồi mang từ Việt Nam qua hay của ai, anh nói khi còn ở Việt Nam, anh chỉ mua tiểu thuyết đọc, chứ không mua tạp chí.
Nhưng một hôm vào cái ngõ ở khu Tân Ðịnh, thấy một ông mập mạp cởi trần đang ngồi bán mấy thứ lặt vặt trước nhà, anh hỏi mua sách, thì ông nói có bộ báo Văn, có mua thì ông bán. Ông mang ra cho xem mới thấy ở gáy tập báo nào cũng có tên chủ nhân mạ chữ vàng in nổi trên cái bìa simili màu xanh xám: Trần Phong Giao. Tôi im lặng nhưng lòng trĩu nặng, đó là thư ký tòa soạn tạp chí Văn, đó là bạn tôi, đó là người mang hết tinh hoa kiến thức của mình gầy dựng nên tờ báo văn chương có nhiều năm bán chạy nhất ở miền Nam. Năm 1975 từ Virginia tôi gửi thư về địa chỉ ở Tân Ðịnh cho bạn, nhưng thư bị trả về, bên ngoài phong bì có nét bút gạch chéo sỗ sàng, và mấy chữ “không có ở đây.” Người bán sách cũ nói thêm anh không định mua bộ báo, chỉ khi biết người đó là Trần Phong Giao, người làm ra bộ báo, anh mới mua, để giúp ông, vì đoán chừng ông đang cùng quẫn ở thành phố bị giặc đỏ hoành hành. Anh chỉ thích mua tiểu thuyết, không thích báo bao nhiêu.
Suy nghĩ tới lui: nợ credit card hết mức rồi thì chắc là 5,000 Mk, bỏ ra số tiền ấy để mua bộ báo cũ, nhà thơ nghèo không kham nổi. Người bán sách báo cũ nghĩ sao, cho tôi số điện thoại và số nhà ở Los Angeles rồi mới quay đi. Hẳn anh hy vọng biết đâu tôi có thể đổi ý. Quả là cách đây vài ba năm tôi có kiếm anh, vì có một hai bạn đọc tri âm muốn mua bộ báo đó tặng lại tôi, song anh không còn ở chỗ cũ.
Trong vài chục năm nay mua sách báo cũ, thư viện của tôi đã không còn chỗ chứa, nay đang phải làm danh sách để bán bớt đi một nửa, khoảng gần một ngàn cuốn. Sách chồng chất quá cao, lên tới sát trần nhà, kê thêm tủ để chứa sách thành ra lối ra vào không đủ tiêu chuẩn 36” bề rộng, nhân viên chữa lửa đã từng cho chủ nhân cái hạn hai tuần để kê lại. Thế mà gần đây có chàng còn muốn bán rẻ cho tôi 20 cuốn báo Sáng Tạo (không đủ bộ 31 cuốn) đòi có 20 Mk một tờ. Bộ Thời Tập 23 cuốn có đủ, giá mua 500 Mk. Bộ Nghệ Thuật Mai Thảo chủ nhiệm, Viên Linh thư ký tòa soạn, 57 cuốn thiếu 5 cuốn, 500 Mk cộng thêm 25 Mk tiền gửi đi sau khi báo được mang từ Tuy Hòa qua San José, từ San José mang xuống Westminster. Bộ Khởi Hành xuất bản trong nước, 156 số từ 1969 tới 1973 ở Sài Gòn, là bộ báo cũ người viết bài này quí nhất, chủ nhiệm Anh Việt Trần Văn Trọng, nhạc sĩ đại tá chủ tịch Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Ðội, thư ký tòa soạn Viên Linh, tờ báo tôi được trao toàn quyền thực hiện, suốt bốn năm tờ báo hiện diện người chủ nhiệm ít nói, nghiêm nghị mà cởi mở, không bao giờ đến tòa soạn.
Nếu phải mua lại bộ báo quí giá ấy, không biết làm sao người ta có thể kham nổi. Nó quí vì nhiều lý do, tờ báo đã khám phá ra nhiều tài năng mới, sau này nổi tiếng, tờ báo đã được sự cộng tác của hầu hết các tác giả danh tiếng nhất Việt Nam, mà sau một năm có mặt, đã in tên tất cả các tác giả ra ngoài bìa. Chủ nhân bộ báo anh L. Ð. đã tặng không cho tôi với lời thư giản dị: như là báo tôi làm ra, thì anh tặng lại tôi bản chính, chỉ cần gửi lại cho anh một bản photocopy là được rồi. Ðiều ấy đã đáng ca ngợi, nhưng điều đáng kính phục nhất là khi biết tôi đang tục bản tờ báo cũ ở California, thì tờ Khởi Hành bộ cũ của gia đình anh, anh mua từng số khi phục vụ trong quân ngũ, lúc ở Tây Ninh khi ở Sài Gòn, còn để trong thùng sắt, cái thùng còn chôn trong vườn nhà. Khi anh chị qua được Hoa Kỳ, mẹ anh vẫn ở trong ngôi nhà đó.
Cách đây khoảng mười lăm năm, lúc tình hình còn khó khăn, Chị L. Ð. đã về Sài Gòn, và mang hơn một trăm số báo đó bằng máy bay qua Hoa Kỳ, để rồi anh chị đóng thùng, gửi qua bưu điện cho tôi. Không bao giờ tôi có thể quên gia đình anh chị, nhất là mẹ anh đã tích cực bảo tồn các di sản văn hóa của người quốc gia, dù vẫn sống trong gông cùm cộng sản.. Khi những dòng này được viết ra, người trong nước vừa lập ra một hội nhà văn mới, mà ngay lá thư thông báo đã dùng mấy tiếng “văn học đô thị miền Nam” để ngụ ý đó là “văn học miền Nam.” Ðiều đó ngay lập tức vô hình trung đã cảnh báo rằng văn học của miền Nam, sách báo cũ của miền Nam, là di sản càng ngày càng quí, đến nay họ vẫn sợ hay đã quá quen phải tránh nói đến nó, chưa dám nhắc đến nó một cách bình thường. Người ta quí sách cũ không hẳn vì nó hiếm, nó ít ra đã ghi dấu và mang trong lòng những tờ giấy mong manh những thần thức tinh hoa của một thời đại đã mất.
Viên Linh
Viết ngày 6 tháng 8, 2014
Viết ngày 6 tháng 8, 2014
(Posted
on Tháng Tám 7, 2014 by VietnamDaily.News in Tạp ghi, Viên Linh)
Nguồn: Trang
nhà NAM KỲ LỤC TỈNH
No comments:
Post a Comment
Note: only a member of this blog may post a comment.