KHÓC TRONG VÔ THỨC
Đỗ Cao Cường
Ngày hôm nay, tôi định dành cả buổi để nghiên cứu kỹ hồ sơ, dựng phim về
những người dân oan ngoài Hà Nội, nhưng vô tình đọc được tin tức về những người
đồng bào bị lũ cuốn trôi, chứng kiến cảnh những đứa con Tây Bắc nằm sõng soài,
bất lực trước quê hương, đất nước, nhiều ngôi nhà che mưa che nắng nay đã không
còn, tài sản, gia súc, gia cầm cũng bị lũ cuốn theo... thật khó mà cầm lòng cho
được.
Năm nào cũng vậy, một năm mấy bận, con mất mẹ, vợ mất chồng, nhiều đứa
trẻ đỏ hỏn quanh năm thiếu ăn thiếu mặc, nhiều đứa trẻ nuôi hy vọng là được ra
thủ đô chơi một lần cho biết, vậy mà, giờ đã không kịp nữa rồi.
Tôi cũng xin phép được nói thẳng, thiên tai chỉ là
một phần, còn phần khác, chính quyền định đổ tội cho ai?
Các bạn cứ ngẫm mà xem, từ bao đời nay, đồng bào vẫn sinh sống yên bình,
dựng nhà dựng cửa giữa vùng thung lũng, lấy vợ sinh con, sau bao thế hệ mà có
làm sao đâu. Vậy mà, chỉ trong vòng mấy năm nay, sao mà khổ quá trời!
Trong chuyến đi thực hiện phóng sự “Tiếng kêu cứu từ rừng Tây Nguyên” của
mình, mặc dù rất âm thầm, nhưng không hiểu sao sau khi làm việc với kiểm lâm,
vừa ra khỏi cổng trạm thì lập tức có vài thanh niên lạ mặt bám theo, tôi đoán
được rằng họ đã báo cho nhau biết, nên mới có câu chuyện “con voi chui lọt lỗ
kim, còn con kiến thì không”.
Một thanh niên chở 2 thớt gỗ dễ dàng bị phát hiện, bị khởi tố, còn nhiều
xe gỗ được chở âm thậm, qua bao nhiêu trạm mà lại không ai biết?
Nhiều người dân địa phương đã phải thốt lên rằng, “còn rừng nữa đâu mà
làm phóng sự hả chú”.
Chắc cũng chỉ mấy năm nữa thôi, nhiều trận lũ lịch sử cũng sẽ tìm đến
đồng bào Tây Nguyên, không riêng gì miền Trung, miền Bắc. Chính ông chủ tịch
huyện Buôn Đôn cũng đã thừa nhận với tôi, “giám đốc vườn quốc gia chính là lâm tặc”.
Cùng với đó, việc xây dựng các đập thủy điện không minh bạch, không tính
toán kỹ về khoảng cách an toàn, mức độ, lưu lượng... cũng là nguyên nhân gây ra
lũ.
Còn nhớ thời điểm năm 2015, thủy điện Sông
Miện 5 xây vượt thiết kế và tích nước vượt quy định an toàn cho phép, nhiều
người dân Hà Giang kêu cứu, sau đó họ bất lực ngồi nhìn, và bây giờ họ vẫn đang
ngồi nhìn nhau, nhưng ngồi ở bên kia suối vàng.
Công trình thủy điện không phép, với nhiều sai phạm, nhưng không hiểu sao
nó vẫn ngang nhiên tồn tại, tôi biết, bạn biết, nhưng nói ra thì người ta lại
quy cho mình cái tội phản động.
Làm thủy điện không minh bạch, phục vụ các nhóm lợi ích, muốn xả lúc nào
thì xả, làm sân golf, biệt thự, trang trại cũng không minh bạch, chiếm hết đất
rừng, làm cháy rừng, phá rừng nguyên sinh trồng cây công nghiệp không mang lại
hiệu quả lâu dài...
Và cuối cùng, nhiều cánh rừng nguyên sinh đã bị chặt hạ không thương
tiếc… kéo theo đó là người, gia súc cũng chết theo, ruộng nương, xóm làng tiêu
điều, đồng bào vốn đã khổ nay còn khốn khổ hơn.
Một số chết rồi còn đỡ, chứ sống mà cứ phải nhìn cảnh nhiều người thân bị
lũ cuốn trôi, chó cưng, nhà cửa, quê hương cũng không còn, đêm xuống thì quần
áo ướt nhèm, không biết ngủ ở đâu, cũng chỉ biết ngồi khóc, khóc từ ngày này
qua ngày khác, sống như thế, có khi còn khổ hơn là chết.
SỐNG TẠM
Đất nước tôi sao mà buồn đến thế
Hết cây xanh bị chặt đến rừng thiêng bị phá
Biển đầy tôm cá bất lực trước nhân tai
Ruộng lúa hoang mang, cò bay đâu hết cả?
Giếng nước trong lành là ký ức đã ngủ quên
Tuổi thơ khốn khó nghèo nàn, em tôi ơi đừng khóc
Mùa đông không áo không quần, em còn đứng đợi ai?
Cơn lũ này chưa qua, lũ sau đã lại về
Người mẹ già còng lưng đợi con mình đi biển.
Sao mãi chẳng chịu về, các con ơi?
Nước mắt cứ rơi…
Vì những gánh hàng rong còn dang dở
Phường thu hết rồi, u biết lấy gì nấu cháo nuôi em?
Thôi tối nay cố nhịn, đừng buồn, con yêu nhé
Rồi sớm mai u lại gánh hàng rong ra chợ
Dù ngày mai có chết, ta vẫn phải lê lết, các con ơi.
Đỗ Cao Cường
No comments:
Post a Comment
Note: only a member of this blog may post a comment.