Monday, 1 February 2021

Hồn Trẻ 20 và bạn hữu

Tư tưởng thiền học
của
phái Trúc Lâm Yên Tử

 

Gs Nguyễn Vĩnh Thượng

 

Trong chương này, chúng tôi sẽ trình bày:

 

Dẫn nhp: Dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.

Phần thứ nhất: Tư tưởng Thiền học của Trần Nhân Tông.

I. Tiểu sử của vua Trần Nhân Tông.

II. Tư tưởng Thiền học của Trần Nhân Tông:

A. Tư tưởng dung hợp đạo với đời.

B. Tinh thần “hoà quang đồng trần”.        

C. Dung hợp Phật giáo với Nho giáo, Lão giáo và các tư tưởng trong các sách ngoại điển khác.

D. Vấn đề sanh và tử.

E. Thơ thiền của Trần Nhân Tông

F. 22 bức văn thư ngoại giao gởi đến vua, quan nhà Nguyên-Mông.

III. Kết luận về vua Trần Nhân Tông.

Phần thứ hai: Pháp Loa, Đệ nhị tổ của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Phần thứ ba: Huyền Quang, Đệ tam tổ của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Phần thứ tư: Kết luận về thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

 

-----------------

 

Dẫn nhp:

Năm 1293, vua Trần Nhân Tông thoái vị, nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, lên làm Thái Thượng Hoàng.

Năm 1299, Ngài xuất gia đi tu ở núi Yên Tử, chăm chỉ tu đạo theo hạnh khất thực, lấy hiệu là Trúc Lâm Đầu Đà. Yên Tử Sơn hay núi Yên Tử là một dãy núi cao nằm ở phía Đông Bắc Việt Nam, nằm ở ranh giới 2 tỉnh Bắc Giang và Quảng Ninh. Núi Yên Tử cao 1.068m, hiện còn giữ nhiều di tích lịch sử gắn liền với sự ra đời và phát triển của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Ngài lập chùa, cất tịnh xá, khai giảng các lớp học để giáo dục tăng chúng. Sau đó, Ngài đến chùa Phổ Minh ở phủ Thiên Trường lập giảng đường, giảng dạy Phật Pháp nhiều năm, đệ tử rất đông.

Cư sĩ thiền sư Tuệ Trung Thượng Sĩ đã truyền tinh thần thiền cho vua Trần Nhân Tông. Sau khi Tuệ Trung qua đời, Trúc Lâm Đầu Đà Trần Nhân Tông đã đứng ra thành lập phái thiền  Trúc Lâm ở trên núi Yên Tử, nên thường gọi là thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử kế thừa tư tưởng thiền học của ba thiền phái Vinitaruci, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử ghi rõ bản sắc dân tộc Việt Nam, tinh hoa của tư tưởng nhà Trần. Trong thiền phái Trúc Lâm Yên Tử có 3 vị Tổ quan trọng là: Trần Nhân Tông (Sơ Tổ), Pháp Loa (Nhị Tổ) và Huyền Quang (Tam Tổ).

Nội dung chủ yếu của tư tưởng thiền học của phái Trúc Lâm Yên Tử là: Phật tại tâm, bất nhị, dung hợp đạo với đời, hòa quang đồng trần, thong dong tự tại, dĩ tâm truyền tâm, truyền y bát.

Sau đây chúng tôi sẽ lần lượt tìm hiểu Tư tưởng Thiền học của  Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang”:

 

Phần thứ nhất:
Tư tưởng thiền học của Trần Nhân Tông,
vị Tổ thứ nhất
của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

 

I.-Tiểu sử của Trần Nhân Tông (1258 – 1308):

Thái tử Khâm là con trưởng của vua Trần Thánh Tông và Hoàng hậu Nguyên Thánh. Năm 1279, vua Trần Thánh Tông thoái vị để lên làm Thái Thượng Hoàng, Thái tử Khâm lên ngôi vua là Trần Nhân Tông.

Thuở nhỏ, Ngài rất thông minh và hâm mộ Thiền tông. Ngài là đệ tử của Cư sĩ Thiền sư Tuệ Trung Thượng sĩ. Cư sĩ Tuệ Trung đã giảng dạy tất cả yếu chỉ Thiền tông cho Ngài. Vua Trần Nhân Tông, rất hiếu học, Ngài thông suốt nội điển (Kinh sách Phật giáo) và ngoại điển (Nho giáo, Lão giáo và các sách vở ở ngoài đời khác).

Vua Trần Nhân Tông đã chỉ huy dân quân kháng chiến đánh đuổi quân xâm lược Nguyên - Mông, 2 lần đại thắng vào năm (1284 – 1285) và (1287 – 1288). Khi giặc Nguyên – Mông sang xâm chiếm nước ta, Ngài đã xếp Kinh kệ nhà Phật qua một bên và dốc lòng chống quân thù để bảo vệ sự độc lập cho đất nước, sự ấm no và tự do cho dân tộc.

Năm 1293, vua Trần Nhân Tông thoái vị và truyền ngôi cho Thái tử Trần Thuyên tức vua Trần Anh Tông để lên làm Thái Thượng Hoàng.

Tháng 10 âm lịch năm 1299, Trần Nhân Tông xuất gia đi tu ở núi Yên Tử (Quảng Ninh). Ngài tu theo hạnh đầu đà (tu khổ hạnh), lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà. Ngài còn có đạo hiệu là Trúc Lâm Đại Đầu ĐàGiác Hoàng Điều Ngự. Sau đó, Ngài lập chùa, khai giảng các lớp thuyết giảng Phật pháp để tiếp độ tăng chúng và giáo hóa Phật tử, rất đông người đến học. Sau này, Ngài lập chùa Phổ Minh ở phủ Thiên Trường, giảng dạy Phật Pháp.

Trần Nhân Tông đã tổng hợp tông phái thiền Vinitaruci, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường vào dòng thiền Trúc Lâm. Ngài tuyên bố thành lập phái thiền Trúc Lâm ở trên núi Yên Tử. Ngài là Sơ Tổ của dòng thiền này. Là một Thái Thượng Hoàng thiền sư nên Ngài được vua, quan và dân chúng theo rất đông. Thiền phái Trúc Lâm đã được phát triển vượt bực trong thời gian Ngài còn sanh tiền.

Năm 1301, Thái Thượng Hoàng đi sang Chiêm Thành để lịch lãm phong cảnh, và đã hứa gã công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Thành là Chế Mân. Sau đó, Chế Mân sai đem sính lễ cầu hôn gồm có vàng bạc và dâng hai châu Ô và châu Rí, vua Trần Anh Tông thuận gả. Tháng 6 năm 1306, vua đưa công chúa về Chiêm Thành. Vua Trần Anh Tông đổi châu Ô và Rí thành Thuận Châu và Hóa Châu rồi cử Đoàn Nhữ Hài vào kinh lý và đặt quan cai trị. Cuộc hôn nhân này đã không được tất cả triều thần tán đồng và dân chúng cũng bực tức:

Tiếc thay! cây quế giữa rừng,

Để cho thằng Mán, thằng Mường nó leo.”

(Ca dao)

 

Năm 1304, Ngài đã gặp và thu nhận Pháp Loa (1284 – 1320) tại huyện Nam Sách (Hải Dương) nhân chuyến đi giảng dạy Phật Pháp. Sau này, Ngài đã truyền thừa thiền phái Trúc Lâm cho Pháp Loa là Đệ nhị Tổ.

Tháng 11 Âm lịch năm 1308, Trúc Lâm Đại Đầu Đà Trần Nhân Tông viên tịch ở trên núi Yên Tử. Ngài thọ được 51 tuổi. Tương truyền rằng trước khi Ngài sắp ra đi thì có 4 hôm trời đất âm u, gió lộng, mưa phủ cả rừng cây, vượn kêu khóc quanh am, chim rừng kêu thương thống thiết. Đến ngày mồng một tháng 11 Âm lịch, giữa đêm tối, bầu trời bổng sáng rực. Vua tỉnh dậy và nói rằng giờ ta đi đã đến, lấy tâm ấn trao truyền cho Đại sư Pháp Loa.”

 

Vua Trần Nhân Tông nói bài kệ cho Đại sư Pháp Loa:

 - Nguyên văn chữ Hán:                      

 

 

 

 

 

 

 - Phiên âm Hán Vit:

Nhất thiết pháp bất sinh,
Nhất thiết pháp bất diệt;
Nhược năng như thị giải,
Chư Phật thường hiện tiền,
Hà khứ lai chi hữu.

 

- Dịch thơ:

 

Tất cả pháp không sanh,
Tất cả pháp không diệt,
Nếu hiểu được như vậy,
Chư Phật thường trước mặt,
Nào có đến đi gì?.

(Thiền sư Lê Mạnh Thát dịch)

 

Nghĩa là thế giới hiện tượng biến đổi vô thường, chỉ có “đạo lý” thì vĩnh cữu thường hằng nên không lệ thuộc vào điều kiện nào, nên không biến đổi: không sanh, không diệt. Nếu hiểu được như vậy thì các vị Phật ở trước mặt. Làm gì các vị có đến có đi.

Sử gia Ngô Thời Nhiệm đã nhận xét về vua Trần Nhân Tông như sau:

“[. . .]. Khi nước rút thì bờ bến hiện ra, gặp vận cùng thì lòng tiết nghĩa mới rõ rệt. Khi vô sự và khi lâm nạn, hoàn cảnh khác mà lòng người thường thay đổi, mới biết những kẻ khéo nói, sốt sắng không bằng người thật thà chất phác mà chuyên nhất. Hai lần đánh quân Nguyên, trèo non lội biển, gối giáo nằm sương thật là công lao to lớn của chư thần, yêu người mà yêu lây cả chim quạ đậu nóc nhà, quen mặt nhớ tên, gặp ở đường cũng ân cần thăm hỏi, có tình chủ bộc thần yêu nhau. Vua Nhân Tông như thế thật là khoan hậu.”

(Bản dịch Việt sử Tiêu án của Ngô Thời Nhiệm, trích dẫn bởi Cố Gs Nguyễn Đăng Thục trong quyển Lịch sử tư tưởng Việt Nam, tập 4, HCM: TP HCM, 1992, tr. 249 – 250)

 

Vua Trần Nhân Tông viên tịch, từ triều đình đến dân dã đều than khóc vang động đất trời, họ suy tôn Ngài với danh hiệu: “Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu Đà Tĩnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Tổ Phật”.

 

Tác phẩm:

Các tác phẩm của Ngài gồm có:

-Thiền lâm thiết chủy ngữ lục (nghĩa: Ngữ lục về thiết chủy trong rừng thiền)

-Tăng già toái sư (nghĩa: Chuyện vụn vặt của sư tăng)

-Thạch thất mỵ ngữ (nghĩa: Lời nói mê trong nhà đá; do Đại sư Pháp Loa soạn lại lời nói của Vua Trần Nhân Tông)

-Đại hương hải ấn thi tập (nghĩa là Tập thơ ấn chứng của biển lớn nước thơm)

-Trần Nhân Tông thi tập (nghĩa: Tập thơ Trần Nhân Tông)

-Trung Hưng thực lục (nghĩa: Chép việc bình quân Nguyên – Mông xâm
lược)

 

Các tác phẩm trên đều không còn.

Hiện nay chỉ còn lại:

-32 bài thơ, kệ chép trong các sách :Thánh Đăng ngữ lục, Thiền Tông bản hạnh, An Nam Chí Lược, Nam Ông mộng lục, Việt Âm thi tập và Toàn Việt thi lục, 3 chuyện phiếm trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư và An Nam Chí Lược.

-22 bức thư ngoại giao gởi cho vua quan nhà Nguyên-Mông.

-2 bài giảng ở chùa Sùng Nghiêm và Viện Kỳ Lân.

-2 tác phẩm: 1. Cư trần lạc đạo phú, 2. Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca.

 

II. Tư tưởng Thiền học của Trần Nhân Tông:

Trần Nhân Tông đã kế thừa tư tưởng thiền học của vua Trần Thái Tông, vua Trần Thánh Tông và của vị bổn sư của mình là Tuệ Trung Thượng Sĩ.

Tư tưởng thiền học của Trần Nhân Tông có thể được diễn tả trong:Thiền Lâm thiết Chuỷ ngữ lục”,  Đại hương hải ấn thi tập”. Nhưng các tác phẩm này không còn, nên chúng ta chỉ có thể tìm hiểu tư tưởng của vua Trần Nhân Tông qua các phần trích dẫn lời nói của Ngài được chép lại trong Tam Tổ thực lụcThánh Đăng lục, thêm vào đó là các bài kệ, bài thơ… của Ngài còn lưu lại và qua cuộc đời của Ngài.

Sau đây là tư tưởng thiền học của vua Trần Nhân Tông:

 

A. Tư tưởng dung hợp đạo với đời:

Theo quan niệm thông thường thì một một khi đã xuất gia thì vị tu sĩ Phật giáo chỉ lo chú tâm vào thiền định, tụng kinh niệm Phật, thuyết pháp cho đại chúng nhất là buông bỏ hết mọi chuyện thế tục. Vua Trần Nhân Tông sau khi đã lãnh đạo đại thắng hai cuộc xâm lăng của quân Nguyên – Mông, Ngài thoái vị để làm Thái Thượng Hoàng và trao ngôi cho con là Trần Anh Tông. Ngài xuất gia tu theo hạnh đầu đà (Srt. Dhudanga). Tu hạnh đầu đà là lối tu khổ hạnh, từ bỏ chuyện xác thịt, đi khất thực (ai cho cái gì thì ăn cái nấy, không phân biệt chay hay mặn) nhằm mục đích đi tìm chân lý để giải thoát. Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông đã thành lập thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, Ngài là Sơ Tổ của Thiền phái này. Nhưng sau khi vua xuất gia, mặc áo cà sa, tu ở núi Yên Tử, vua Trần Nhân Tông với cương vị Thái Thượng Hoàng, Ngài đã không xao lãng việc nước mà vẫn làm cố vấn cho vua con Trần Anh Tông điều hành việc nước. Ngài đã tiếp đón phái đoàn ngoại giao Trung Hoa, lo việc bình định sự khuấy phá của Ai Lao, và quan hệ ngoại giao với Chiêm Thành để mở mang bờ cõi về phương Nam. Nhân chuyến công du sang Chiêm Thành, vua Trần Nhân Tông đã gặp vua Chiêm Thành là Chế Mân, Ngài đã thuyết phục Chế Mân, và để mối bang giao tốt đẹp giữa hai nước, Ngài đã hứa gả Công chúa Huyền Trân cho Chế Mân. Vua Chế Mân đã dâng hai Châu Ô  và Rí làm sính lễ. Như vậy Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông đã mở mang bờ cõi một cách yên bình. Ở triều đình rất nhiều vị quan phản đối và ngay cả dân chúng cũng đàm tiếu cuộc hôn nhân này. Nhưng vua Trần Nhân Tông vì nghĩ đến việc mở mang bờ cõi mà bất chấp lời dị nghị.

Như vậy, trong giai đoạn xuất gia, làm Sơ Tổ thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông đã không sống cuộc đời tu hành tĩnh dưỡng. Do đó, chúng ta thấy không có sự phân biệt giữa đạo với đời, giữa tại gia với xuất gia, giữa xuất thế với nhập thế.

Đây là điều chủ yếu của tư tưởng không phân biệt tại gia và xuất gia của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử dưới thời Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông. Dòng thiền thế tục này rất được nhiều vua, quan và quãng đại quần chúng theo rất đông. Trong “Cư trần lạc đạo phú”, Trần Nhân Tông đã quan niệm:

Trần tục mà nên, phúc ấy càng yêu hết sức,

Sơn lâm chẳng cốc, họa kia thật khá đồ công.”

Như vậy tư tưởng Trần Nhân Tông đã dung hợp tư tưởng xuất thế của Phật giáo với tư tưởng nhập thế của Nho giáo.

 

B. Tinh thần “hoà quang đồng trần”:

Dưới thời vua Trần Nhân Tông, tinh thần hoà đồng từ vua đến dân rất khắn khít: có sự thuỷ chung của mọi người, trong hoạn nạn cũng như trong vui sướng cũng được chia sẻ với nhau. Nhờ tinh thần đoàn kết như keo sơn của dân tộc mà Trần Nhân Tông đã huy động tiềm lực của dân tộc để lãnh đạo 2 cuộc xâm lăng (1284 – 1285) và (1287 – 1288) của Nguyên - Mông. Toàn dân đã đem lại thắng lợi vẻ vang cho dân tộc.

Tinh thần “hoà quang, đồng trần” là tinh thần hoà đồng, không phân biệt các thành phần xã hội: không phân biệt tuổi tác, không phân biệt tôn giáo, không phân biệt chủng tộc. Trong hàng ngũ quân đội chúng ta thấy bao gồm giới hoàng tộc nhà Trần như Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Tung, Trần Quang Khải; giới bình dân như Phạm Ngũ Lão; giới nô tỳ như Yết Kiêu, Dã Tượng; giới thanh niên như Trần Quốc Toản; giới bô lão đã hỗ trợ tinh thần “quyết chiến, quyết thắng” ở Hội nghị Diên Hồng; giới dân tộc thiểu số như Hà Đặc, Hà Chương.

Trong quảng đại quần chúng, đạo Phật được tin tưởng và nương tựa vào Đức Phật cho nên đâu đâu cũng thấy chùa thờ Phật. Đạo Phật như chất keo sơn nối kết “tâm” của nhà tu hành, của giới hoàng tộc, của vua quan, của đại chúng.

Trong văn bia của Lê Quát đặt ở chùa Thiệu Phúc tại Bái thôn thuộc Bắc Giang vào năm 1270, và sử gia Ngô Sĩ Liên đã chép lại trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, tờ 36 a3 - b-4 như sau:

Nhà Phật lấy họa phúc để cảm động lòng người, sau được người ta tin sâu bền như thế. Trên từ vương công cho đến dân thường, hễ bố thí vào việc Phật thì tuy đổ hết tiền của cũng không sẻn tiếc, ví như ngày nay gửi gấm vào tháp chùa thì lòng hớn hở như cầm được khoán ước để hưởng được sự báo ứng này về sau. Cho nên trong từ kinh thành ngoài đến các châu phủ, cho đến thôn cùng ngõ hẻm, không bảo mà theo, không thề mà tin. Chỗ nào có nhà người ở, tất chỗ đó có chùa Phật, hỏng rồi lại xây, hư rồi lại sửa. Lâu đài chuông trống so với dân cư chiếm đến nửa phần. Đạo Phật thịnh rất dễ dàng, mà sự tôn sùng lại rất lớn. Ta tuổi trẻ đọc sách, khảo xét xưa nay cũng hiểu sơ được đạo Thánh hiền để giáo hóa dân này, mà rốt cuộc chưa thể làm cho một làng tin theo, từng dạo xem núi sông, dấu chân in đến nửa thiên hạ mà tìm cái gọi là nhà học văn miếu,thì chưa từng có thấy một nơi. Ta do thế rất lấy làm xấu hổ với tín đồ nhà Phật, bèn viết ra đây để tỏ lòng”.

(Trích dẫn bởi Thiền sư Lê Mạnh Thát trong Toàn Tập Trần Nhân Tông, HCM: NXB TP HCM, 2000, tr. 265 – 266).

 

C. Dung hợp Phật giáo với Nho giáo, Lão giáo và tư tưởng trong các kinh sách ngoại điển:

Vua Trần Nhân Tông rất am tường nội điển và ngoại điển. Chính cuộc đời của Ngài, Ngài đã thực hành Phật giáo và Nho giáo, một đời sống vừa xuất thế của một kẻ tu hành vừa nhập thế giúp đời, giúp nước. Bởi thế nên, khi Sơ Tổ Trần Nhân Tông trao truyền y bát cho Đại sư Pháp Loa để tiếp nối làm vị Tổ thứ hai của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, vua Trần Nhân Tông đã trao cho Pháp Loa 100 hộp Kinh sử ngoại thư và 20 hộp Kinh điển Phật giáo”:

“Hơn thế nữa, nếu phân tích buổi lễ trao truyền vị thế kế thừa dòng thiền Trúc Lâm cho Pháp Loa, như chính văn bia Pháp Loa ghi lại trong Tam Tổ thực lục, tờ 18 b3 – 19 a8, ta thấy nổi bật một sự kiện khác thường, không tìm thấy ở bất cứ một trường hợp truyền trao nào khác dù ở Trung Quốc hay Việt Nam. Bài văn bia này cho ta biết trước hết vào tháng 5, Điều ngự lên ở am tại đỉnh núi Ngọa Vân. Ngày rằm bồ-tát xong, đuổi tả hữu ra, đem y bát và viết tâm kệ giao cho sư, bảo phải giữ gìn. Ngày mồng một tháng giêng năm Mậu Thân Hưng Long thứ 16 (1308), sư vâng lệnh làm trụ trì nối dòng pháp ở”Cam Lộ đường” tại chùa Siêu Loại. Để khai đường và làm lễ trao truyền, vua cho đặt bài vị của liệt tổ, tấu đại nhạc, đốt hương thơm. Điều Ngự dẫn sư lên lễ tổ đường xong. Sau khi ăn cháo, sai tấu nhạc, đánh trống pháp, tập hợp đại chúng lên pháp đường. Bấy giờ Anh Tông xa giá đến chùa. Sau khi đặt ngôi chủ khách xong, vua Anh Tông vì là đại thí chủ của Phật pháp đứng vào ngôi khách ở pháp đường, thượng tể đem bá quan đứng ở dưới sân. Điều Ngự lên tòa thuyết pháp. Giảng xong, bèn đi xuống, đỡ sư lên tòa. Điều Ngự đứng đối diện chắp tay hỏi han. Sư đáp lễ xong, nhận pháp y mặc vào. Điều Ngự bèn bước sang một bên, ngồi trên giường khúc lục, nghe sư thuyết pháp. Đem chùa Siêu Loại cửa sơn môn Yên Tử sai sư kế thế trụ trì làm đời thứ hai của dòng Trúc Lâm. Lại đem “ngoại thư kinh sử 100 hộp và Đại Tạng 20 hộp nhỏ chép bằng máu chích ra”, để mở rộng việc học nội và ngoại điển”

(Trích dẫn bởi Thiền sư Lê Mạnh Thát trong Toàn tập Trần Nhân Tông”, HCM: NXB TP HCM, 2000, tr. 311).

 

Khi được truyền y bát để kế thừa dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, Pháp Loa mới có 24 tuổi, Đại sư còn rất trẻ. Vua Trần Nhân Tông đã dặn dò Đại sư Pháp Loa phải mở rộng việc học bên trong cũng như bên ngoài Phật giáo. Đời phải dung thông với đạo như chính cuộc đời của vua Trần Nhân Tông. Vua Trần Nhân Tông đã thực hiện tư tưởng thiền tông của ông nội mình là vua Trần Thái Tông, như Trần Thái Tông đã trình bày trong lời tựa của Thiền tông chỉ nam”:

Giáo lý của Đức Phật phải nhờ tiên thánh mà truyền lại cho đời sau.

Như trước đây vua Lý Thái Tông (1000 – 1054) đã thực hiện việc dung hợp giữa Phật giáo và Nho giáo khi Ngài cho xây dựng Văn Miếu vào năm 1070, và thiết lập Quốc Tử Giám.

Vua Trần Nhân Tông đã biểu lộ tư tưởng về một mẫu người Phật tử qua việc trao truyền y bát cho Pháp Loa tại Cam Lộ đường ở Chùa Siêu Loại. Như đã biết, sau buổi lễ này, vua nghe Pháp Loa thuyết pháp, rồi đem 20 hộp đựng Đại tạng Kinh Phật giáo và 100 hộp đựng Kinh điển ngoại thư giao cho Đại sư Pháp Loa, và căn dặn Pháp Loa: hãy mở rộng việc học bên trong và bên ngoài.”

Chúng ta nhận thấy mẫu người lý tưởng của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là mẫu người dung hợp giữa con người trượng phu của Nho giáo với con người Bồ-tát của Phật giáo. Mẫu người này rất khác xa mẫu người của các dòng thiền trong Phật giáo Trung Hoa. Vua Trần Nhân Tông đã trình bày mẫu người lý tưởng này trong Cư trần lạc đạo phú”:

Sạch giới lòng (1), dồi giới tướng (2),

Nội ngoại nên Bồ-tát(3) trang nghiêm.

Ngay thờ chúa, thảo thờ cha,

Thi đỗ mới trượng phu(4) trung hiếu(5).”

-------------

Chú thích: 

-(1) giới lòng: tiếng Hán Việt là tâm giới   là tiếng gọi tắt của “bồ-đề tâm giới  hay cũng gọi là bồ-tát giới. Đây là một giới luật đặc biệt dùng chung cho người xuất gia và tại gia.

-(2) giới tướng: có 4 loại giới tướng: 1. Không trộm cắp, 2. Không dâm dục, 3. Không sát sanh, 4. Không nói dối.

-(3) Bồ-tát là chữ viết tắt của Bồ-đề- tát-đỏa phiên âm từ Srt. Bodhisattva. Bồ-tát là vị có tấm lòng từ bi sẳn sàng hy sanh, giúp đỡ người hoạn nạn.

-(4) trượng phu: là người đàn ông tài giỏi, có chí lớn, có khí phách, đây là mẫu người của Nho giáo.

-(5) trung hiếu: theo Nho giáo,trung là hết lòng với vua với nước không thay lòng đổi dạ, hiếu là hết lòng với cha mẹ (hiếu thảo).

-------------

Như vậy mẫu người trượng phu và mẫu người Bồ-tát cần kết hợp với nhau để tạo thành mẫu người của Phật giáo của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Mẫu người này khi học Kinh điển Phật giáo thì không loại bỏ những cái học bên ngoài Phật giáo, và ngược lại những môn học bên ngoài Phật giáo không loại bỏ những môn học Phật giáo. Khi Trần Nhân Tông nhấn mạnh đến “tâm giới” thì ông không phân biệt xuất gia hay tại gia. Nho giáo tồn tại ở Việt Nam thông qua mẫu người Phật giáo Nhà Trần dung Nho giáo như là một công cụ phục vụ lợi ích Phật giáo và ngược lại lợi ích Phật giáo phục vụ Nho giáo như là một lợi ích của Phật giáo.

Vua Trần Nhân Tông, Sơ Tổ phái thiền Trúc Lâm Yên Tử đã đặt kỳ vọng vào Đệ nhị Tổ Pháp Loa sẽ nối tiếp tinh thần xuất thế dung hợp với nhập thế của mình. Nhưng trong 22 năm làm vị Tổ thứ hai của thiền phái Trúc Lâm, Pháp Loa chỉ chăm chú vào tham thiền, tụng kinh, thuyết pháp, công việc thuần túy của kẻ tu hành, và đã không tham gia bất cứ công việc nào ở ngoài đời. Từ đây, thiền phái Trúc Lâm chú tâm vào việc tu đạo của kẻ xuất gia.

 

D. Vấn đề sanh tử:

Vấn đề sống và chết là một vấn đề trọng đại. Theo Trần Nhân Tông, trên cõi đời này làm gì có bất tử, ai cũng chết. Nhưng vấn đề không phải là chết hay không chết, nhưng phải chết sao cho có lợi cho chúng sanh, có lợi cho dân tộc, cho đất nước. Trên thực tế, chúng ta không thấy bất cứ một thiền sư nào vượt qua được cái chết”, mặc dầu có thiền sư đã giác ngộ nhưng rồi cũng chết. Bởi vậy, Trần Nhân Tông, Sơ Tổ thiền phái Trúc Lâm, vẫn ưu tư và hoài nghi về vấn đề sống chết. Ngài đã dặn các đệ tử:

Các người hãy xuống núi lo tu hành, đừng coi sanh tử là một vẻ thần bí”.

Sống chết là lẽ sinh diệt. Trước khi chết, vua Trần Nhân Tông đã đọc bài kệ:

- Nguyên văn chữ Hán:

 

  

 

 

 

 

- Phiên âm Hán Việt:

Nhất thiết pháp bất sinh,  
Nhất thiết pháp bất diệt;
Nhược năng như thị giải,
Chư Phật thường hiện tiền, 
Hà khứ lai chi hữu.

 

- Dịch nghĩa:

 

Mọi pháp đều không sanh,
Mọi pháp đều không diệt.
Nếu hiểu được như thế,
Chư Phật thường trước mặt,
Vậy còn có gì là đi với đến.

 

Bài kệ này có 4 câu đầu trích trực tiếp từ Kinh Hoa Nghiêm. Phái thiền Trúc Lâm Yên Tử lấy Kinh Hoa Nghiêm làm nền tảng chủ yếu cho tư tưởng. Thiền phái Trúc Lâm không loại bỏ Kinh điển.

Sinh diệt là phù du, là vô thường ở trong thế giới hiện tượng nhưng bản chất của sinh diệt là hư vô, nên chẳng có sanh mà cũng chẳng có diệt, chẳng đến, chẳng đi, không đầu không cuối. Cho nên Trần Nhân Tông cho rằng chúng ta cần chấp nhận sanh tử như một lẽ thường nhiên.

Vua Trần Nhân Tông quan niệm sống, chết”, “có, không chỉ tồn tại là do sự tương liên giữa sống và chết”, giữa có và không”. Có và không, không và có chỉ tồn tại trong tương liên với nhau mà thôi. Vua Trần Nhân Tông đã giảng:

 

-Nguyên văn chữ Hán:

 

 


[. . .]













  

 

- Phiên âm Hán Việt:

Hữu cú vô cú


[. . .]

Hữu cú vô cú,
Phi hữu phi vô.
Khắc chu cầu kiếm,
Sách ký án đồ.

Hữu cú vô cú,
Hỗ bất hồi hỗ.
Lạp tuyết hài hoa,
Thủ chu đãi thố.

Hữu cú vô cú,
Tự cổ tự kim.
Chấp chỉ vong nguyệt,
Bình địa lục trầm.
 [. . .] 

 

- Dịch thơ:

 

Câu không câu có.

 

[. . .]

Câu không câu có,
Chẳng có chẳng không.
Khắc thuyền tìm gươm.
Bản đồ kiếm ngựa.

 

Câu có câu không,

Đắp đổi hay không.
Nón tuyết giày bông,
Ôm cây đợi thỏ.

 

Câu có câu không,
Từ nay từ xưa.
Quên trăng giữ ngón,
Chết đuối trên bờ.
 [. . .]

(Thiền sư Lê Mạnh Thát dịch)

 

E. Thơ thiền của Trần Nhân Tông:

Thơ thiền là bài thơ diễn tả cực kỳ giản dị chứa đựng một triết lý sâu xa về cuộc đời, chứ đựng tư tưởng của nhà Phật, diễn tả tâm trạng của tác giả trước cảnh sắc của thiên, những cảm xúc sâu sắc của tác giả trước cảnh đẹp của thiên nhiên. Nhà thơ thiền nhìn cuộc đời, nhìn cảnh vật như là một triết gia; tư duy của nhà thơ thiền vượt ra ngoài ngôn ngữ của bài thơ: ý tại ngôn ngoại”.

Đối với Trần Nhân Tông, thiền là gì? - thiền tức là sống thực với chính mình, hoan hỷ hoà đồng với thiên nhiên: đói thì ăn”, “khát thì uống”, “buồn ngủ thì ngủ”, “chẳng hối tiếc quá khứ”, “chẳng mong đợi tương lai”, “sống thanh thản với hiện tại”, “chấp nhận cuộc đời hiện có”.

Trần Nhân Tông đã chịu nhiều ảnh hưởng của thầy mình là Tuệ Trung Thượng Sĩ. Có những vấn đề thường gặp trong cuộc sống hằng ngày như ăn chay và ăn mặn, Tuệ Trung quan niệm: “Chúng sanh quen với việc uống rượu ăn thịt thì làm sao tránh được tội báo?”. Đối với Tuệ Trung là đừng đặt vấn đề ăn chay, ăn mặn vì đối với ông thì chuyện uống rượu, ăn thịt, ăn mặn chẳng có gì là tội, chẳng có gì là phúc. Ông nói:

Ăn cỏ với ăn thịt,

Chúng sanh có mỗi thứ.

Xuân về trăm cỏ xanh,

Chỗ nào thấy tội phúc”.

 

Chịu ảnh hưởng của thầy mình nên Trần Nhân Tông diễn tả lại quan điểm trên trong Cư trần lạc đạo phú (Ở đời mà vui với đạo, phú):

Ở đời vui đạo hãy tùy duyên,

Đói cứ ăn, mệt ngủ liền.

Báu có trong nhà thôi khỏi kiếm,

Vô tâm trước cảnh hỏi chi thiền.

 

Đối với Trần Nhân Tông không có sự phân biệt tội phúc, Phật giáo là cuộc sống, là một hành trình đi tìm chân lý. Chân lý là điều chân thật có ngay trong lòng cuộc sống. Trần Nhân Tông coi giáo lý Phật giáo như là một ngón tay chỉ mặt trăng, như chiếc bè đưa ta sang sông. Cho nên khi đạt được chân lý thì phải buông bỏ giáo lý nhà Phật thì mới có thể giác ngộ được cũng như khi đã qua được bên kia sông thì phải rời bỏ con đò thì mới bước lên bờ được. Do đó, vua Trần Nhân Tông mới chủ trương: đời mà vui đạo (“Cư trần lạc đạo”), tức là sống thực với mình: Đói thì ăn, mệt thì ngủ, chẳng hối tiếc quá khứ, chẳng mong đợi tương lai, an nhiên tự tại trong cuộc đời thế tục này.

Trong bài Thiên Trường viễn vọng”, tâm trạng của Trần Nhân Tông hoà đồng với cảnh vật, nắng chiều vương nhẹ vào lòng Ngài, cảnh sắc chập chờn như có như không:

 

- Nguyên văn chữ Hán:


天長晚望 

村後村前淡似煙,

半無半有夕陽邊。

牧童笛裡歸牛盡,

白鷺雙雙飛下田。

 

- Phiên Âm Hán Việt:

 

Thiên Trường viễn vọng

Thôn hậu, thôn tiền đạm tự yên,

Bán vô, bán hữu tịch dương biên.

Mục đồng địch lý quy ngưu tận,

Bạch lộ song song phi hạ điền.

 

- Dịch nghĩa:

 

Đứng ở Phủ Thiên Trường trông ra xa xa

Đứng ở Thiên Trường, trông ra xa, nơi trước làng sau đều lờ mờ như đám khói nhạt.

Dưới bóng hoàng hôn, nắng chiều dường như có lại dường như không.

Trẻ chăn trâu thổi kèn dẫn trâu về hết,

Từng đôi cò trắng rủ nhau bay xuống ruộng.

 

- Dịch thơ:

 

Phủ Thiên Trường buổi chiều đứng trông

Trước xóm, sau thôn tựa khói lồng,

Bóng chiều man mác, có dường không.

Theo hồi kèn mục, trâu về hết,

Cò trắng thi nhau liệng xuống đồng.

(Ngô Tất Tố dịch)

 

Trần  Nhân Tông đứng trong phủ Thiên Trường nhìn thấy cảnh chiều như nửa hư nửa thực, bóng chiều man mác, ánh mặt trời lặn dần, bóng chiều bao phủ cảnh vật. Vua Trần Nhân Tông ngắm cảnh đồng quê khi mặt trời lặn, mục đồng thổi kèn đuổi trâu về chuồng, và đàn cò trắng bay lượn trong cánh đồng cỏ. Trước cảnh mờ mờ ảo ảo, nửa có, nửa không trong buổi chiều tà chẳng khác nào tinh thần từ bỏ giác quan ngoại tại lui vào nội tâm để tìm cảnh thanh tĩnh trong tâm hồn.

Tâm trạng Trần Nhân Tông trước “bóng trăng soi cửa sổ” bên chồng sách để đầy giường ngủ, tiếng chầy đập vải làm Ngài giật mình thức dậy, thấy có ánh trăng soi qua khung cửa từ ngọn cây mộc chiếu vào bông hoa, Ngài như đã “ngộ” một điều gì. Bài thơ diễn tả tâm trạng vua Trần Nhân Tông đang biến chuyển từ tiềm thức dần dần hiện ra tâm thức giác ngộ:

 

- Nguyên văn chữ Hán:

 

 

半窗燈影滿床書,

露滴秋庭夜氣虛。        

睡起砧聲無覓處,

木樨花上月來初。

 

- Phiên âm Hán Việt:

Nguyệt

Bán song đăng ảnh mãn sàng thư,

Lộ trích thu đình dạ khí hư.

Thuỵ khởi châm thanh vô mịch xứ,

Mộc tê hoa thượng nguyệt lai sơ.

 

- Dịch thơ 1:

Trăng

Bóng đèn nửa cửa, sách đầy giường,

Lác đác sân thu mấy giọt sương.

Ngủ dậy vẳng nghe chầy đập vải,

Trên chùm hoa mộc ánh trăng vàng.

(Ngô Tất Tố dịch)

 

- Dịch thơ 2:

Đèn soi nửa cửa sách đầy giường,

Đêm lắng sân thu đọng móc sương.

Tỉnh giấc tiếng chầy đâu vẳng lại,

Trên cành hoa quế ánh trăng vương.

(Nhất Nguyên dịch)

 

Bài thơ thiền Khuê Oán có ý siêu thoát, tác giả nhìn sự vật một

cách thản nhiên. Tuy nói oán nhưng lại không oán mà cho thấy tia hy

vọng:

 

- Nguyên văn chữ Hán:

 

閨怨 

睡起鉤簾看墜紅,

黃鸝不語怨東風。

無端落日西樓外,

花影枝頭盡向東。

 

- Phiên âm Hán Việt:

Khuê oán

Thuỵ khởi câu liêm khán truỵ hồng,

Hoàng ly bất ngữ oán đông phong.

Vô đoan lạc nhật tây lâu ngoại,

Hoa ảnh, chi đầu tận hướng đông.

 

- Dịch nghĩa:

            
Nỗi oán khuê phòng

Ngủ dậy, cuốn mành xem cánh hồng rụng.

Chim oanh vàng bặt tiếng, oán gió đông.

Không dưng mặt trời lặn phía ngoài lầu tây,

Đầu cành bóng hoa đều hướng về phía đông.

(bản dịch trong Thơ văn Lý Trần (tập II), NXB Khoa học xã hội, 1988)

 

- Dịch thơ:

 

Tĩnh giấc, mành nâng, rụng cánh hồng.

Oanh vàng bặt tiếng, oán đông phong.

Vô cớ lầu tây trời khuất núi,

Bóng hoa đầu cành hướng về đông.

(Lương Trọng Nhàn dịch)

 

Thật vậy, đang ở cảnh tượng hoa rụng tan tác, chim oanh im tiếng hót, oán gió Đông. Rồi thình lình cảnh mặt trời lặn về phương Tây, để rồi lại hướng về phương Đông chờ đợi cảnh rạng đông mới. Vua thiền sư Trần Nhân Tông cảm nhận thế giới như là thật, như là không thật, nửa thật, nửa hư.

Tâm thiền của Trần Nhân Tông có biến chuyển trước cảnh sắc của mùa xuân qua bài Xuân nhật yết Chiêu Lăng”:

 

- Nguyên văn chữ Hán:

 

春日謁昭陵            

仗衛千門肅,            

衣冠七品通。

白頭軍士在,

往往說元豐。

 

- Phiên âm Hán Việt:

 

Xuân nhật yết(1) Chiêu Lăng(2).

Trượng(3) vệ(4) thiên môn túc,

Y quan thất phẩm thông.

Bạch đầu quân sĩ lại,

Vãng vãng(5) thuyết(6) Nguyên Phong(7).

---------------

Chú thích:

(1) yết: thăm viếng, yết kiến.

(2) Chiêu Lăng: Lăng vua Trần Thái Tông, mộ tiên Vương.

(3) trượng: già cả, lão trượng.

(4) vệ: lính hầu, bảo vệ; trượng vệ = người lính già.

(5) vãng vãng: thường thường.

(6) thuyết: nói, kể chuyện.

(7) Nguyên Phong (1251 – 1258) là niên hiệu cuối cùng của vua Trần Thái Tông. Hai niên hiệu trước là Kiến Trung (1225 – 1232) và Thiên Ứng Chính Bình (1232 – 1251)

 

- Dịch nghĩa:

 

Ngày xuân thăm Chiêu lăng.

Lính thị vệ dàn hàng đầy đủ,

Các quan cả bảy phẩm đầy đủ.

Người lính già đầu bạc phơ còn sống đến ngày nay,

Họ thường hay kể lại chuyện thưở Nguyên Phong.

 

- Dịch thơ 1:

 

Ngày xuân thăm Chiêu Lăng.

Nghi vệ(1) nghìn nhà tĩnh,

Xiêm đai bảy phẩm thông.

Lính già đầu bạc phơ,

Kể chuyện thưở Nguyên Phong.

(Ngô Tất Tố dịch)

---------------

Chú thích:

(1) nghi  xuất xứ từ cụm từ nghi phục, có nghĩa là các vật dùng để phô bày ở chốn triều đình hoặc ở các quan thự hay vật đem theo để hầu vua.

          nghi vệ: nghi phục và thị vệ đi theo hầu vua hoặc quan.

 

- Dịch thơ 2:

Ngày xuân thăm mộ tiên vương.

Nghi vệ dàn hàng đủ,

Quần thần đủ mặt đông.

Lính già đầu tóc bạc,

Nhắc nhở chuyện Nguyên phong.

(Cố Gs Nguyễn Đăng Thục dịch)

 

Tác giả nói lại cảnh mình đi viếng mộ tiên vương ( Lăng mộ của vua Trần Thái Tông). Lính hầu dàn hàng nghiêm chỉnh hai bên đường, các quần thần đầy đủ 7 phẩm đi theo hầu, ăn mặc chỉnh tề. Có những người lính già  đầu bạc phơ ngồi kể lại chuyện thời Nguyên Phong - thời của Trần Thái Tông, ông nội của Trần Nhân Tông- mà mình đã nhớ lại khi còn là một chiến sĩ trẻ tuổi: -Năm 1250, ông đã anh dũng đi đánh Chiêm Thành dưới sự chỉ huy của vua Trần Thái Tông để đuổi bọn Chiêm Thành cướp bóc dân lành ở phía Nam và ven biển. - Rồi năm 1257, khi quân Mông Cổ do Ngột Lương Hợp Thai kéo quân sang xâm chiếm nước Đại Việt, ông đã xông pha trước làn tên mũi đạn để đánh đuổi quân xâm lăng cũng dưới sự chỉ huy của vua Trần Thái Tông. Sau những ngày chiến đấu gian khổ, vua quan binh sĩ ta đã chiến thắng và đẩy lui giặc Mông Cổ về Tàu. Lòng tự hào dân tộc của người lính già dâng lên cao vời vợi. Đây là tâm lý rất phổ biến của các cựu chiến binh. Ghi chú: năm 1271, Mông Cổ đổi quốc hiệu là Nguyên. Vua Trần Thái Tông đã đem lại sự thanh bình thịnh trị độc lập cho đất nước đã khiến cho người dân và lính già nhớ mãi. Đó là lòng nhớ ơn tiền nhân:

“Ăn trái nhớ kẻ trồng cây.

Uống nước nhớ nguồn.

Làm người nhớ tổ.”

(Tục ngữ)

 

Tâm trạng thiền của vua Trần Nhân Tông có biến chuyển trước cảnh sắc của mùa xuân qua 3 bài thơ xuân: 1. Xuân hiểu (Buổi sáng sớm mùa xuân); 2. Xuân cảnh (Cảnh xuân); 3. Xuân vãn (Chiều xuân).

 

1. Bài Xuân hiểu:

 

Vua Trần Nhân Tông đã hai lần lãnh đạo kháng chiến chống quân Nguyên Mông, đứng trước buổi sáng mùa xuân, tâm hồn Ngài rung động trước cảnh đôi bướm trắng đang theo đuổi nhau, bay lượn trước những bông hoa rực rỡ. Vẻ xuân thật đẹp:

 

- Nguyên văn chữ Hán:

 

春曉 

睡起啟窗扉,

不知春已歸。

一雙白蝴蝶,

拍拍趁花飛。

 

- Phiên âm Hán Việt:

Xuân hiểu

Thuỵ khởi khải song phi,

Bất tri xuân dĩ quy.

Nhất song bạch hồ điệp,

Phách phách sấn hoa phi.

 

- Dịch nghĩa:

 

Buổi sáng sớm mùa Xuân.

Sau khi ngủ dậy, mở cánh cửa sổ,

Không ngờ ngày xuân đã tới.

Một đôi bướm trắng,

Đang theo nhau bay đến những bông hoa.

 

- Dịch thơ:

 

Buổi sáng sớm mùa Xuân.

Ngủ dậy ngỏ song mây,

Xuân về vẫn chửa hay.

Song song đôi bướm trắng,

Phấp phới sấn hoa bay.

(Ngô Tất Tố dịch)

 

Thiền sư vừa ngủ dậy, mở cửa sổ trông ra vườn thấy mùa xuân tươi sáng, tâm hồn thi nhân như đôi bướm trắng thích thú bay lượn trong vườn xuân đầy bông hoa, lòng xuân nhẹ nhàng như vừa giác ngộ.

 

2. Bài Xuân cảnh

- Nguyên tác chữ Hán:

 

春景 

楊柳花深鳥語遲,

畫堂簷影暮雲飛。

客來不問人間事,

共倚欄杆看翠微。

 

- Phiên âm Hán Việt:

 

Xuân cảnh

Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì,

Hoạ đường thiềm ảnh mộ vân phi.

Khách lai bất vấn nhân gian sự,

Cộng ỷ lan can khán thuý vi.

 

- Dịch nghĩa:

 

Cảnh xuân

Hoa dương liễu nở rậm rạp, chim hót chầm chậm,

Trước bóng thềm phòng vẽ, mây chiều bay qua.

Khách đến nhà, không hỏi về thế sự,

Chỉ đứng tựa lan can ngắm nhìn trời xanh.

 

- Dịch thơ 1:

 

Cảnh xuân
Chim hót dề-dà, liễu tả tơi,

Thềm hoa mây phủ, bóng nhà dài.

Khách vào chẳng hỏi chuyện nhân sự,

Tựa bức lan can chỉ ngắm trời.

(Ngô Tất Tố dịch)

- Dịch thơ 2:

Cảnh xuân

Chim hót ngập ngừng khóm liễu hoa.

Bóng thềm nhà vẽ mây chiều qua.

Việc đời, khách đến thôi đừng hỏi.

Cùng tựa lan can ngắm biếc xa!

(Minh Đức Triều Tâm Ảnh dịch)

 

          Vị khách ở đây chính là tác giả, vua Trần Nhân Tông, đã thoát xác để ngắm nhìn cảnh xuân như là tâm trạng của một khán giả. Cảnh vật trong một ngày mùa xuân: hoa dương liễu nở đầy, tiếng chim hót chầm chậm, bóng của áng mây chiều chiếu xuống thềm phòng vẻ, có một vị khách đến chơi, vị khách này chẳng hỏi han gì đến việc thế sự mà chỉ tựa vào lan can ngắm nhìn trời xanh.

 

3. Bài Xuân vãn:

 

- Nguyên văn chữ Hán:

 

年少何曾了色空,

一春心在百花中。

如今勘破東皇面,

禪板蒲團看墜紅。

 

- Phiên âm Hán Việt:

Xuân vãn

Niên thiếu hà tằng liễu sắc không,

Nhất xuân tâm sự bách hoa trung.

Như kim khám phá đông hoàng diện,

Thiền bản bồ đoàn khán truỵ hồng.

 

- Dịch nghĩa:

Chiều xuân

Khi còn trẻ tuổi, chưa hiểu biết cái lẽ “sắc-không”, đây là thuyết “bất nhị” của nhà Phật: “Sắc tức thị không, không tức thị sắc”. Sắc tức là không, không tức là sắc. Thành ra mỗi khi xuân tới, lòng xuân xôn xao để ý tới trăm hoa đua nở. Ngày nay, đã hiểu lẽ “sắc – không” của nhà Phật, nên đã hiểu rõ bộ mặt của chúa xuân. Do đó mỗi lần ngồi trên chiếc phản ở nhà chùa chỉ ngắm cánh hoa rơi mà chơi.

 

- Dịch thơ 1:

 

Chiều xuân
Thưở trẻ chưa từng lẽ sắc không,

Ngày xuân hoa nở rộn tơ lòng.

Chúa xuân nay đã thành quen mặt,

Chiếu cọ, giường sư ngắm bóng hồng.

(Ngô Tất Tố dịch)

 

- Dịch thơ 2:

 

Thưở bé chưa từng rõ sắc không,

Xuân về hoa nở rộn trong lòng.

Chúa xuân nay bị ta khám phá,

Chiếu trải giường thiền ngắm cánh hồng.

(H.T Thích Thanh Từ dịch) 

 

Kết luận về 3 bài thơ xuân đã trích dẫn ở trên: 

Từ bài Xuân hiểu, Xuân cảnh đến Xuân vãn, chúng ta thấy cái tâm thiền của vua Trần Nhân Tông có biến chuyển theo thời gian. Con đường  thiền học của vua Trần Nhân Tông xuyên qua cuộc đời phụng sự quốc gia dân tộc hoà nhập với thiên nhiên trong một tâm hồn an nhiên tự tại.

 

 -Triết lý về cuộc đời:

Vua Trần Nhân Tông đã trình bày triết lý về cuộc đời qua 4 câu thơ  thiền: “Sơn phòng mạn hứng 1” (Phòng núi khởi hứng- 1):

 

- Nguyên văn chữ Hán:

 

山房漫興其一 

誰縛更將求解脫,

不凡何必覓神仙。

猿閑馬倦人應老,

依舊雲庄一榻禪。

 

- Phiên âm Hán Việt:

 

Sơn phòng mạn hứng kỳ 1
Thuỳ phọc(1) cánh(2) tương cầu giải thoát(3),

Bất phàm, hà tất mịch thần tiên(4).

Viên nhàn(5) mã quyện(6) nhân ưng lão(7),

Y cựu(8) vân trang(9) nhất tháp thiền(10).

-------------

Chú thích:

(1) thuỳ phọc : ai trói buộc.

(2) cánh = lại

(3) tương cầu giải thoát= tìm cầu giải thoát.

cả câu 1: ai trói buộc mà mình lại đi tìm cầu giải thoát.
(4) cả câu 2: không phải phàm thì đâu cần kiếm thần tiên làm gì?

(5) viên nhàn= con vượn nhàn.

(6) mã quyện = con ngựa mỏi mệt.

(7) nhân ưng lão = người thì già.

cả câu 3: vượn hưởng nhàn, ngựa mỏi mệt, người thì già nua, 3 hình ảnh này nói lên sự vô thường của cuộc đời.

(8) y cựu = như xưa.

(9) vân trang = cái nhà ở trên núi.

(10) nhất tháp thiền = một giường thiền.

cả câu 4: dù cho cuộc đời biến chuyển, con người có thay đổi từ trẻ đến già nhưng nơi “vân trang” (am mây) cũ người ngồi trên giường thiền không có gì thay đổi.

 

- Dịch nghĩa:

 

Phòng núi khởi hứng 1

Không có ai bắt buộc mà mình lại đi tìm cầu giải thoát,
Không phải phàm thì đâu cần kiếm thần tiên làm gì?
Vượn đùa, ngựa mỏi mệt, người thì già nua rồi,

Chốn xưa, một chiếc giường thiền trong cái “am mây” ở trên núi.

 

- Dịch thơ:

 

Trói buộc gì đâu, tìm giải thoát?

Không phàm, hà tất kiếm thần tiên?

Vượn nhàn, ngựa mỏi, người thêm lão.

Như cũ, am mây, một chõng thiền!

(Minh Đức Triều Tâm Ảnh dịch)

 

         Cuộc đời có biến chuyển, có vô thường, có phù du, con người có thay đổi từ trẻ đến già nhưng nơi “vân trang” (am mây) trên núi Yên Tử, vua Trần Nhân Tông ngồi trên giường thiền không thấy có gì thay đổi. Quả thật mình phải cải tạo thế giới bên ngoài và cải tạo thân tâm để tạo cho chính bản thân mình được an nhàn và an nhiên tự tại. Đây chính là triết lý về cuộc đời mà vua Trần Nhân Tông muốn truyền đạt cho mọi người trong bài thơ này. Học thiền phải phải có hành thiền mới chứng được thiền, tạo cho bản thân mỗi hành giả một nếp sống lành mạnh, một cái tâm trong sáng, an lạc.

 

F. 22 văn thư ngoại giao gởi cho vua quan nhà Nguyên - Mông:

Vua Trần Nhân Tông đã gởi tất cả 22 văn thư ngoại giao đến vua quan nhà Nguyên - Mông, đây là những bức thư chính luận, vua dùng tâm lý chiến để thuyết phục bọn quân xâm lược. Đọc các bức văn thư này chúng ta thấy được cuộc đấu tranh trên bình diện ngoại giao mà vua Trần Nhân Tông đã vận dụng trong giai đoạn cam go và đầy thử thách của dân tộc Đại Việt.

(Xem thêm quyển Toàn Tập Trần Nhân Tông của Thiền sư Lê Mạnh Thát, HCM: TP. HCM, 2000)

 

Kết luận về vua Trần Nhân Tông:

 

          Vua Trần Nhân Tông là một nhân tài siêu việt, ông đã để lại một sự nghiệp đáng ghi nhớ về quân sự chính trị, tôn giáo và văn học:

 

1.-Về phương diện quân sự chính trị:

Ông đã lãnh đạo nước Đại Việt chống quân Nguyên - Mông 2 lần là cuộc xâm lăng năm (1284 – 1285) và năm (1287 – 1288). Cả hai lần đều đại thắng, đẩy lui được quân xâm lược khỏi bờ cõi Đại Việt, đem lại độc lập, tự do và thanh bình cho dân tộc. Đặc biệt năm 1284, ông đã tập hợp Hội nghị Diên Hồng gồm mọi thành phần dân chúng và có các vị bô lão để hỏi ý kiến: - nên hoà hay nên chiến trước cuộc xâm lăng của quân Nguyên; toàn thể Hội Nghị Diên Hồng đều đồng thanh: quyết chiến. Ghi chú: Năm 1271, Mông Cổ đổi quốc hiệu là Nguyên.

 

2.-Về phương diện tôn giáo:

Năm 1293, vua Trần Nhân Tông thoái vị, nhường ngôi cho con là Thái tử Trần Thuyên tức vua Trần Anh Tông để lên làm Thái Thượng Hoàng. Sau đó Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông xuất gia đi tu, và rồi ông thành lập thiền phái Trúc Lâm  ở trên núi Yên Tử, thường được gọi là Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử với những nét đặc trưng của dân tộc Đại Việt.

 

3.-Về phương diện văn học:

Vua Trần Nhân Tông đã sáng tác nhiều văn thơ (như đã liệt kê ở mục tác phẩm). Đặc biệt ông đã dùng chữ Quốc âm/ chữ Nôm để diễn đạt tư tưởng của mình trong bài phú “Cư trần lạc đạo”. Đây là bước đầu của nền “văn chương Quốc âm” trong lịch sử văn học Việt Nam. Việc sử dụng chữ Quốc âm / chữ Nôm là một hướng đi trong tinh thần thoát Trung Hoa về phương diện văn hoá.

 

Phần thứ hai:                 

Pháp Loa
Đệ nhị Tổ
của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử

 

I.-Tiểu sử của Pháp Loa (1284 – 1330):

Thiền sư Pháp Loa tên thực là Đồng Kiên Cương, sanh năm 1284 tại làng Cữu La, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Cha là Đồng Thuần Mậu, mẹ là Vũ Từ Cứu. Sư Pháp Loa bản chất thông minh, không thích ăn thịt cá.

Năm 1304, Điều Ngự Trần Nhân Tông đi dạo chơi đến mạn sông Nam Sách, thuộc huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, Pháp Loa đến bái xin xuất gia, Sư được 21 tuổi. Điều Ngự đặt tên Sư là Thiện Lai, thâu làm đệ tử rồi dẫn về liêu Kỳ Lân ở núi Linh Sơn cho xuống tóc thọ giới Sa-di”. Ở đây, Sư Pháp Loa tự chuyên tâm nghiên cứu Kinh điển Phật giáo, Sư tự đọc tụng bộ Kinh Hãi Nhãn (có lẽ là Kinh Lăng Nghiêm), Sư đọc tới đọc lui nhiều lần, dần dần thấu đạt được yếu nghĩa của bộ Kinh này. Một hôm Sư thức đến nửa đêm, trông thấy một cái hoa đèn tàn rụng xuống, Sư chợt đại ngộ và quyết chí tu theo Mười hai hạnh đầu đà (Thập nhị đầu đà, phái tu khổ hạnh).

Năm 1305, Điều Ngự Trần Nhân Tông đem Sư lên liêu Kỳ Lân ở núi Linh Sơn cho Sư thọ giới Tỳ-kheo và giới Bồ-tát. Điều Ngự đặt cho Sư hiệu là Pháp Loa.

Năm 1308, Sư được 24 tuổi, vào ngày rằm, sau khi làm lễ Bồ-tát xong (Sám hối tụng Kinh), Điều Ngự đuổi tả, hữu ra ngoài lấy y bát viết tâm kệ trao cho Sư dạy khéo giữ gìn. Hành lễ xong, Điều Ngự đặt Sư làm trú trì ở chùa Siêu Loại và làm chủ Sơn Môn Yên Tử, Sư là Tổ đời thứ hai của thiền phái Trúc Lâm. Điều Ngự còn trao cho Sư ngoại thư 100 bộ,  Đại Tạng Kinh gồm 20 bộđể mong Sư mở rộng sự học trong và ngoài; và bảo vua Trần Anh Tông cúng dường vào chùa cả trăm khoảnh ruộng để dùng hoa lợi phát triển chùa chiền.

Năm 1308, Điều Ngự Trần Nhân Tông viên tịch. Sư phụng mạng cung thỉnh xá lợi về Kinh đô.

Năm 1311, Sư phụng chiếu tiếp tục khắc bản Đại Tạng Kinh. Năm 1313, Sư phụng chiếu đến chùa Vĩnh Nghiêm ở Lạng Giang định chức cho tăng đồ, làm sổ bộ cho chúng tăng. Từ đây, cứ ba năm một lần độ tăng chúng như thế.

Vào tháng 3 năm 1317, dưới đời Trần Minh Tông, Sư bệnh nặng. Nên Sư đem y bát của Điều Ngự và viết bài tâm kệ trao cho Huyền Quang. Sau đó một thời gian ngắn, Sư được lành bệnh.

Năm 1329, dưới đời Trần Hiển Tông, Sư mở thêm nhiều danh dam thắng cảnh ở Côn Sơn và Thanh Mai Sơn. Sư đã sáng tác bài thơ Nhập tục luyến thanh sơn (Vào cõi trần tục tiếc non xanh):

 

- Nguyên tác chữ Hán:

 

  




 

- Phiên âm Hán Việt:

Nhập tục luyến thanh sơn

Sơ sấu cùng thu thuỷ,
Sàm nham lạc chiếu trung.
Ngang đầu khan bất tận,
Lai lộ hựu trùng trùng.

 

- Dịch thơ 1:

 

Vào cõi trần tục tiếc non xanh.

Thưa gầy lan nước vút,
Chó vót ánh soi trong.
Ngẩng đầu coi chẳng hết,
Đường tới lại trùng trùng.

(Trần Tuấn Khải dịch)

 

- Dịch thơ 2:

 

Dòng thu in bóng núi,
Chót vót dưới chiều tà.
Ngước mắt nhìn vời vợi,
Đường vào trập trùng xa.

(Trần Thị Băng Thanh dịch)

       

Năm 1330, cơn bịnh nặng phát khởi trở lại. Huyền Quang và các đệ tử túc trực quanh Sư. Thiền Sư Pháp Loa đọc bài “kệ thị tịnh” trước khi qua đời:

- Nguyên văn chữ Hán:

萬緣裁斷一身閒。
四十餘年夢幻間
珍重諸人休借問。
那邊風月更邇寬

- Phiên âm Hán Việt:

Vạn duyên tài đoạn nhất thân nhàn,
Tứ thập dư niên mộng huyễn gian.
Trân trọng chư nhơn hưu tá vấn,
Na biên phong nguyệt cánh nhĩ khoan.

- Dịch thơ:

Muôn duyên cắt đứt, một thân nhàn,
Hơn bốn mươi năm giấc mộng tàn.
Giả biệt mọi người thôi chớ hỏi,

Bên kia trăng gió rộng thênh thang.

(HT Thích Thanh Từ dịch)

Nội dung bài kệ diễn tả ý tưởng hướng vào nội tâm, Sư muốn rũ bỏ cuộc đời thế tục để đi về cõi tịnh độ.

Đọc xong bài kệ, Sư an nhiên thị tịch, thọ được 47 tuổi. Sau đó, Thái Thượng Hoàng Trần Minh Tông, cha của vua Trần Anh Tông, ban hiệu cho Sư là Tịnh Trí Tôn Giả”.

Tác phẩm:

Các tác phẩm của Thiền sư Pháp Loa còn lưu truyền: Đoạn sách lục, Tham thiền chỉ yếu, Kim cương đạo tràng, Đà-la-na Kinh, Tán Pháp Hoa Kinh khoa số, Bát-nhã Tâm Kinh khoá, bài Kệ Thị Tịch.

II.-Tư tưởng thiền học của Pháp Loa:

Điều Ngự Trần Nhân Tông sau khi xuất gia với cương vị Thái Thượng Hoàng, Ngài vẫn lo việc điều hành việc nước, hướng dẫn giảng dạy vua con. Ngài lo việc quân sự, dẹp cuộc khuấy phá của Ai Lao, lo việc chính trị ngoại giao với Chiêm Thành. Ngài gả Công chúa Huyền Trân cho Chế Mân, vua nước Chiêm Thành, để nhận sính lễ là 2 Châu Ô và Lý.Chúng ta nhận thấy Ngài rất bận rộn việc đạo với việc thành lập thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, tổ chức Phật giáo. Như đã biết, Ngài đã dung hợp xuất thế với nhập thế. Có thể nói Ngài đã mở đầu và thực hành quan niệm Phật giáo dấn thân (engaged Buddhism). Phật giáo dấn thân là một thuật ngữ Phật giáo, thấy xuất hiện vào hậu bán thế kỷ 20 với ý tưởng có điểm tương tự với tư tưởng thiền học của phái thiền Trúc Lâm dưới thời Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông.

Phật giáo dấn thân đề cập đến những Phật tử đang thực hành lối tu áp dụng những thực hành thiền định và những lời dạy của Đức Phật vào việc thực hiện và phấn đấu trước sự khổ đau và bất công của đại chúng về chính trị, xã hội, kinh tế, môi trường (environmental). Như vậy quan niệm Phật giáo dấn thân đã bắt nguồn từ tư tưởng thiền học của Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông, Sơ Tổ thiền phái Trúc Lâm.

Như đã biết, Điều Ngự Trần Nhân Tông vào năm 1308 đã truyền y bát cho Sư Pháp Loa làm Tổ thứ hai của dòng thiền Trúc Lâm. Điều Ngự còn trao cho Pháp Loa ngoại thư 100 bộ, Đại tạng Kinh gồm 20 bộ để mong Sư mở rộng sự học trong và ngoài. Điều Ngự ước mong sư Pháp Loa sẽ tiếp nối tư tưởng Phật giáo dấn thân chính là tinh thần của thiền phái Trúc Lâm. Nhưng trong 22 năm tu hành, Sư Pháp Loa chỉ chú trọng vào việc thiền định, tụng kinh, thuyết pháp, hướng vào nội tâm hơn là nhập thế. Sư Pháp Loa chỉ muốn buông bỏ rũ sạch việc đời để đi vào cõi tịnh độ như Sư đã trình bày trong bài kệ Thị tịch mà Sư đã đọc trước khi viên tịch.

Nói tóm, tư tưởng thiền học của Thiền Sư Pháp Loa là trầm tư mặc tưởng, không phân biệt mọi pháp, không phân biệt mọi hiện tượng. Sư đã nói: ngủ với tỉnh như một”, “ngủ say với giác ngộ là một”, “bịnh với không bịnh giống nhau”.

Phần thứ ba:                    

Huyền Quang
Đệ tam Tổ
của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử

 

I.-Tiểu sử của Huyền Quang (1254 – 1334):

Thiền sư Huyền Quang có tục danh là Lý Tải Đạo, sanh năm 1254 ở làng Vạn Tải thuộc lộ Bắc Giang. Thân phụ là Huệ Tổ, thân mẫu có họ Lê. Lúc thiếu thời, Huyền Quang có dung nhan kỳ lạ, nhưng rất thông minh.

Năm 1274, dưới thời vua Trần Thánh Tông, Lý Tải Đạo thi đậu Tiến Sĩ (Trạng Nguyên), lúc ấy 21 tuổi. Học giỏi nên được nhiều người muốn gả con gái, vua thì muốn gả Công chúa, nhưng Lý Tải Đạo luôn luôn từ chối. Ông được bổ làm quan ở Hàn Lâm Viện và phụng mạng đi tiếp đón Sứ thần Trung Hoa.

Một hôm, Lý Tải Đạo theo vua Trần Anh Tông đến chùa Vĩnh Nghiêm ở huyện Phụng Nhãn, ông nghe Thiền sư Pháp Loa giảng kinh, ông chợt tỉnh ngộ.

Năm 1305, Lý Tải Đạo xin vua cho xuất gia, làm lễ thọ giới với thiền sư Pháp Loa. Pháp Loa đặt hiệu là Huyền Quang. Từ đó, Huyền Quang cùng với Điều Ngự Trần Nhân Tông và Pháp Loa đi thuyết pháp trong dân gian.

Năm 1317, thiền sư Pháp Loa truyền y bát của Điều Ngự và tâm kệ, truyền tâm ấn cho Sư Huyền Quang làm vị Tổ thứ ba của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Sư Huyền Quang trú trì tại chùa Vân Yên ở trên núi Yên Tử. Ngài thuyết giảng Phật Pháp, học đồ bốn phương đến nghe Pháp rất đông.

Về sau Sư đến Côn Sơn để hoá độ Phật tử. Đến ngày 23 tháng Giêng năm 1334, Sư viên tịch tại Côn Sơn, thọ 80 tuổi.

Vua Trần Minh Tông phong thụy cho Sư là Trúc Lâm Thiền Sư Đệ tam Đại, Đặc Phong Từ Pháp Huyền Quang Tôn Giả.

Tác Phẩm:

           Sư Huyền Quang đã sáng tác: -Ngọc Tiên tập, -Chư phẩm Kinh, -Công văn tập, -Phổ Tuệ Ngữ Lục. Hiện nay chỉ còn một bài thơ được sáng tác theo lối cổ thi và 20 bài thơ theo lối cận đại.

II.-Tư tưởng thiền học của Huyền Quang:

           Huyền Quang đã tiếp nối tư tưởng thiền học của Thầy mình là Thiền sư Pháp Loa, và của Điều Ngự Trần Nhân Tông với tôn chỉ của thiền phái Trúc Lâm là lấy sự giác ngộ của cái tâm; cốt yếu là phá bỏ biên giới giữa ngã và phi ngã để hoà đồng, cảm thông với vũ trụ. Thêm vào đó là sự dung hoà giữa Phật giáo, Nho giáo và Lão giáo trong tinh thần tam giáo đồng nguyên của thiền học Việt Nam.

           Sau đây là 2 bài thơ thiền của Huyền Quang:

 

Bài 1:

 

- Nguyên tác chữ Hán:

 

  




 

- Phiên âm Hán Việt:

 

Sơn vũ

Thu phong ngọ dạ phất thiềm nha,
Sơn vũ tiêu nhiên chẩm lục la.
Dĩ thị thành thiền tâm nhất phiến,
Cung thanh tức tức vị thuỳ đa.

 

- Dịch nghĩa:

 

Chùa trong núi

Đêm khuya gió thu thổi ngoài hiên,
Chùa trong núi im lìm gối vào lùm dây leo xanh biếc.
Lòng ta đã được hoàn toàn yên tĩnh,
Tiếng dế kêu gọi ai vậy.


- Dịch thơ:

 

Chùa núi

Gió thu đêm vắng thổi hiên ngoài,
Chùa núi in lìm gối cỏ may.
Đã được thành thiền tâm một khối,
Rè rè tiếng dế gọi kêu ai.

(HT Thích Thanh Từ dịch)

 

Bài 2: Yên Tử Sơn am cư

 

- Nguyên tác chữ Hán:

 

 



竿



宿

 

- Phiên âm Hán Việt:
 

Yên Tử sơn am cư

Am bức thanh tiêu lãnh,
Môn khai vân thượng tằng.
Dĩ can Long Động nhật,
Do xích Hổ Khê băng.
Bão chuyết vô dư sách,
Phù suy hữu sấu đằng.
Trúc lâm đa túc điểu,
Quá bán bạn nhàn tăng.

 

- Dịch nghĩa:

 

Ở am núi Yên tử

Cao ngất trời xanh, am lạnh lẽo,
Cửa mở tận từng mây.
Mặt trời soi trước Long Động đã một sào,
Tuyết dầy một thước che Hổ Khê.
Giữ thói vụng về không có mưu lược,
Nương cây gậy để đỡ thân gầy.
Rừng trúc nhiều chim ngủ,
Quá nửa làm bạn với sư thầy.

 

- Dịch thơ:

Ở am Yên tử 

Cao ngất am lạnh lẽo,
Cửa mở tận từng mây.

Mặt trời soi Long Động,
Tuyết dầy che Hổ Khê.
Vụng về không mưu lược,
Nương gậy đỡ thân gầy.
Trúc lâm nhiều chim ngủ,
Quá nửa bạn với thầy.

(HT Thích Thanh Từ dịch)


Phần thứ tư:

Kết luận về thiền phái Trúc Lâm Yên Tử

Khi Trần Nhân Tông còn sinh thời, với cương vị Thái Thượng Hoàng, có quyền lực chúa tể trong tổ chức chính quyền trung ương nhà Trần, và là Sơ Tổ thiền phái Trúc Lâm nên vua, quan, quần chúng đều hướng về và gia nhập thiền phái Trúc Lâm. Thiền phái này đã có chỗ hổ trợ và phát triển vượt bực. Nhưng khi Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông viên tịch, giáo hội Trúc Lâm Yên Tử không còn chỗ nương tựa và hổ trợ bởi triều đình như xưa. Nên phong trào thiền Trúc Lâm lắng dịu lần lần, giảm sự rần rộ như dưới thời Trần Nhân Tông. Nói khác đi, phong trào thiền Trúc Lâm không còn hoạt động mạnh mẽ và có khí thế lôi cuốn quần chúng như xưa.

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mang một nét ấn riêng của dân tộc Việt Nam, đã truyền qua nhiều thế hệ và thâm nhập trong lòng dân tộc, trong tầng lớp quảng đại quần chúng tin Phật. Người đời sau nhìn về quá khứ để ca ngợi, để ngưỡng mộ Trần Nhân Tông, một vị vua yêu nước chống ngoại xâm, xuất gia, có khả năng và thế lực để thành lập ra thiền phái Trúc Lâm, và trở thành Đệ nhất Tổ của thiền phái này. Mãi đến cuối thế kỷ 20, Hòa Thượng Thích Thanh Từ mới phục hồi lại thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Toronto, 16 January 2021
Nguyễn Vĩnh Thượng

Nguồn:
Chương 8: Tư tưởng thiền học của phái Trúc Lâm Yên Tử - Tư tưởng Phật giáo trong Văn học thời Trần


No comments:

Post a Comment

Note: only a member of this blog may post a comment.