PHÙ SA LỘC
Tiếng rao
Những ngày đầu giãn cách xã hội, theo Chỉ thị 16/TTg của Thủ tướng Chánh phủ, “ai ở đâu, ở đó, người cách người, nhà cách nhà”, theo khẩu hiệu 5K. Thỉnh thoảng có cơ hội ra đường phố, không còn cảnh tấp nập, “ngựa xe như nước” nữa, mà chỉ thấy lẻ loi vài ba chiếc xe gắn máy, mấy chiếc ô tô con vun vút lao đi. Vẫn còn đó những cột đèn tín hiệu giao thông hoạt động cầm chừng, lúc bật đèn xanh rồi đèn vàng và đèn đỏ. Cảnh tượng buồn hiu hắt.
Buồn hơn là vắng những “tiếng động quen thuộc” luôn hiện diện bất cứ thời khoảng nào trong ngày. Đó là tiếng rao hàng. Những tiếng rao hàng hiện đại với âm thanh lớn phát ra từ mấy chiếc loa thùng, làm lay động không gian sống của chúng ta. Vậy là nhớ. Nhớ những tiếng rao thân thương của những chị, những cô, những bà lụm cum lê đôi chân mòn mỏi qua những đường phố thênh thang, những hẻm nhỏ ngoằn ngoèo. Nhớ lắm tiếng rao “có ca có kệ”, “lên bổng xuống trầm”, “ngân nga luyến láy” một cách “nghệ thuật” của những người bần hàn đó. Nào là “ai ăn chè bưởi”, “ai ăn bánh bò, bánh tiêu”, “bánh mì nóng giòn mới ra lò”… Tất cả kéo dài giọng rồi kết thúc bằng một tiếng dài hơn với âm sắc buồn tê tái: “hôn…”, “đây…”. Buồn cháy ruột!
Rồi, một ngày kết thúc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/TTg của Thủ tướng Chánh phủ, áp dụng Chỉ thị 15/TTg, những dây giăng, rào cản, chốt trên các ngả đường không còn nữa, người dân dù vẫn áp dụng theo khẩu hiệu 5K cũng thở phào nhẹ nhõm như trút một gánh nặng ngàn cân. Một sáng, chợt nghe lại âm thanh vắng bặt bấy lâu. Đó là tiếng kêu. Không phải tiếng rao hàng mà là tiếng kêu ngộ nghĩnh với tiếng còi vang vang âm thanh “éc… éc…”. Hai tháng mấy bó rọ, quên rồi, không biết tiếng kêu gì. Chợt nhìn thấy chiếc xe gắn máy chậm qua với một số giấy carton, chai nhựa rỗng cột sau bọt-ba-ga, mới chợt nhớ, đó là “tiếng rao” của những người thu mua “ve chai”. Đời sống dần hồi phục, trở lại bình thường với những tiếng rao càng ngày càng nhiều hơn. Nhưng, tiếc thay, những âm thanh rao hàng dìu dặt lên bổng xuống trầm của những bà, những chị xưa không còn nữa. Thay vào đó là những “tiếng rao hiện đại” được thâu sẵn trong cuộn băng và phát ra qua chiếc loa gắn trên xe gắn máy. Nào là “keo dán chuột siêu dính”, “long não thơm lừng”, “chổi lông gà, chổi quét nhà”, “dao, kéo, đá mài dao”… Đó là buổi xế trưa, buổi trưa. Còn buổi sáng, cũng với “tiếng rao hiện đại” ấy, người ta bán bánh giò, bánh chưng; bánh tiêu, bánh bò; bánh lá dừa Bến Tre... Buổi xế chiều thêm một vài món ăn nhẹ khác phục vụ người phố chợ… Tất cả, dù ngắn gọn hay dài hơn, đều đưa cái âm thanh chói tai vào màng nhĩ người nghe.
May thay, còn sót lại âm thanh tiếng rao bằng miệng của một vài người không thể “hiện đại hóa tiếng rao” của mình. Ấy là vài tiếng rao ngọt ngào, dù bán một món hàng không thơm tho. Đó là tiếng rao của một cặp vợ chồng áo quần lam lũ. Chồng cầm tay lái xe gắn máy, vợ ngồi phía sau vòng tay ôm cái thùng thiếc đặt trước bụng chồng. Người vợ lớn tiếng rao, dù không dìu dặt, thánh thót nhưng nghe cũng sướng cái lỗ nhĩ: “Cá rô, cá lóc bà con ơi!”… Lâu lâu, thấy một ông sồn sồn kéo chiếc xe rùa chở đầy mấy buồng dừa, cất tiếng: “Dừa tươi ngọt lừ đây”. Trời đất ơi, tiếng rao xưa cũ được tái hiện khiến người nghe bụng dạ “ngọt như đường cát, mát như đường phèn”! Một vài tiếng rao đơn độc ấy đã làm sống dậy trong tâm thức những người đã từng sống ở thôn quê nay dời lên phố thị một nỗi niềm xao xuyến khôn nguôi. Nhưng, tiếc thay, đó là mấy tiếng rao “nghiệp dư”, là mấy tiếng rao “thời vụ”, “không chuyên nghiệp” như những tiếng rao qua loa. Vài tiếng rao “thời vụ” là “âm thanh” chớ không phải “tiếng động” với “tiếng rao hiện đại” qua băng phát loa. “Tiếng động” vô hồn ấy có chiều hướng càng ngày càng… hiện đại hơn, giết chết “âm thanh” sâu lắng đầy tình cảm thuở nào. Không buồn sao được!
PHÙ SA LỘC
Nguồn: Tác giả gửi
No comments:
Post a Comment
Note: only a member of this blog may post a comment.