Ông Tô Văn Lai có tên Thánh là Phêrô (Peter). Ông chào đời ngày 11 tháng 5 năm 1937 tại xã Bình Hòa, Gia Định. Thân Mẫu ông là Cụ Bà Tô Thị Trọng. Thuở nhỏ ông sống với Mẹ, nên ông đã dành tất cả tình yêu thương cho Thân Mẫu của ông. Vì thế, không lấy gì làm lạ khi ông Tô Văn Lai luôn luôn ấp ủ việc thực hiện những chương trình ca nhạc vinh danh các Bà Mẹ, chẳng hạn như cuốn băng video Paris by Night chủ đề “Mẹ”, và gần đây nhất là chương trình nhạc hội live, chủ đề “Con Thương Nhớ Mẹ”, đã được tổ chức ngày 8 tháng 5 vừa qua tại Pechanga Casino Theater, Nam Cali; nhân dịp Mother’s Day 2022.
Thời còn đi học, ông Tô Văn Lai đã đậu bằng Thành Chung (Diplôme, tức là bằng tốt nghiệp Trung học Pháp). Sau đó, vì gia cảnh nên ông chọn theo học ngành Sư Phạm và trở thành giáo sư Triết. Ông đã dạy tại trường trung học Lê Ngọc Hân, Mỹ Tho.
Năm 1972, gia đình ông Tô Văn Lai mở gian hàng Thúy Nga bán băng nhạc, bên trong thương xá Tam Đa (Crystal Palace) ở khu đường Nguyễn Trung Trực & Công Lý & Lê Lợi, Sài Gòn. Bà Nguyễn Ngọc Thúy đứng ra trông coi gian hang này. Nơi đây, ngoài những tuồng cải lương được thu vào băng cassette, Thúy Nga cũng đã sản xuất một số băng cassette với các tiếng hát được thính giả ưa chuộng nhất, như Thái Thanh Selection, Tiếng Hát Thanh Tuyền v.v…
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông Tô Văn Lai đã phải bỏ nghề dạy học. Do vợ ông là bà Nguyễn Ngọc Thúy có quốc tịch Pháp nên cả gia đình ông Tô Văn Lai đã được nhận vào nước Pháp theo diện công dân Pháp hồi hương. Ông cùng gia đình sang Pháp vào khoảng tháng 10 năm 1976, cư ngụ trong một chung cư dành cho những người có quốc tịch Pháp hồi hương. Gia đình ông đã sống tại Oissel là một thành phố nhỏ gần thành phố lớn Rouen, cách thủ đô Paris 200 km.
Tháng 2 năm 1979, gia đình ông Tô Văn Lai mở một cây xăng ở thành phố Bondy, ngoại ô Paris. Nhờ cây xăng này mà gia đình ông có nguồn tài chánh để về sau lập nên trung tâm Thúy Nga trên đất Paris.
Do niềm đam mê văn hóa nghệ thuật chảy trong huyết quản, nên năm 1981, ông Tô Văn Lai mở tiệm băng nhạc Thúy Nga ở số 45, Boulevard Saint-Germain-des-Prés thuộc quận 5 trong thành phố Paris. Hằng ngày, cũng bà Nguyễn Ngọc Thúy trông coi tiệm Thúy Nga Paris. Nơi đây gia đình Thúy Nga bán các băng cassette sang lại các băng nhạc đã phát hành trước năm 1975. Ngày khai trương tiệm Thúy Nga ấy có sự tham dự của nhiều người khách đặc biệt, như: nhạc sĩ Lam Phương, ca sĩ Hương Lan, ca sĩ Ngọc Hải, nhà tổ chức ca nhạc Hà Phong, ca sĩ Bạch Yến, ca sĩ Thanh Mai v.v…
Thế rồi năm 1985, tiệm Thúy Nga được về địa chỉ 44 Avenue d’Ivry, thuộc quận 13 Paris vì lúc đó cộng đồng người Việt tại Paris tập trung đông đảo ở quận 13. Đây là thời điểm đánh dấu những bước tiến đầy sáng tạo của gia đình ông Tô Văn Lai, từ đây trung tâm Thúy Nga bắt đầu vươn tới để đạt đến vị trí hàng đầu của nền văn nghệ Việt Nam nơi hải ngoại như mọi người đang nhìn thấy.
Năm 1983, ông Tô Văn Lai gom góp tất cả số tiền mà gia đình ông dành dụm được, tìm đến đài truyền hình TF5 của Pháp để thương lượng nhờ đài này thu hình cho ông cuốn băng Paris By Night đầu tiên. Nhờ khả năng Pháp ngữ thông thạo của ông Tô Văn Lai đủ sức thuyết phục, nên giám đốc đài truyền hình TF5 là ông Jean-Pierre Barry đã nhận lời thực hiện cuốn băng video cho trung tâm Thúy Nga. Thế là sản phẩm Paris By Night số 1 ra đời, nhờ kỹ thuật cao của công ty Euromedia.
Ông bà Jean-Pierre Barry và ông Tô Văn Lai
Do hệ thống phát hành chưa hoàn hảo, việc thu lại vốn khó khăn, nên phải đợi đến 3 năm sau, tức là năm 1986, trung tâm Thúy Nga mới có đủ khả năng tài chánh để thực hiện các cuốn băng Paris By Night đều đặn mỗi năm.
Bên cạnh đó, trung tâm Thúy Nga cũng đã sản xuất rất nhiều băng video cải lương, chẳng hạn như tuồng Tuyệt Tình Ca (Thúy Nga Video #1), Lương Sơn Bá & Chúc Anh Đài (Thúy Nga Video #3), Khi Hoa Anh Đào Nở (Thúy Nga Video #7), Cho Trọn Cuộc Tình (Thúy Nga Video #8) v.v…
Thêm vào đó, tấm lòng yêu nước và hoài bão về một ngày quê hương Việt Nam yêu dấu có được tự do của ông Tô Văn Lai khiến ông dốc tâm huyết thực hiện những cuốn băng video được coi là những tuyệt tác để đời, chẳng hạn như: Giã Biệt Sài Gòn (Thúy Nga Video #10), Giọt Nước Mắt Cho Việt Nam (Thúy Nga Video #13), Nước Non Ngàn Dặm Ra Đi (Thúy Nga Video #16), Mùa Xuân Nào Ta Về (Thúy Nga Video #32), Chúng Ta Đi Mang Theo Quê Hương (Paris By Night 49), Cây Đa Bến Cũ (Paris By Night 59), Huế - Sài Gòn - Hà Nội (Paris By Night 91) v.v…
Ngoài sự đam mê nghệ thuật như đã nói trên, ông Tô Văn Lai còn có tài nhận xét tinh tế và nhạy bén trên thương trường. Ông là người đã ra sức thuyết phục gia đình ông dọn sang Hoa Kỳ mở trung tâm Thúy Nga ở Bolsa Ave, Westminster, Cali; là nơi có cộng đồng người Việt đông nhất hải ngoại. Ông là người đã mời nhà văn Duyên Anh viết lời thuyết minh cho những cuốn băng video như Giã Biệt Sài Gòn, Giọt Nước Mắt Cho Việt Nam v.v... Ông là người đã mời nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn sang Paris làm MC cùng với cô Nguyễn Cao Kỳ Duyên cho các chương trình Paris By Night. Ông là người đã đưa ý kiến nên thực hiện nhiều chương trình chủ đề về những nhạc sĩ và các tác phẩm tiêu biểu của họ. Ông cũng là người khuyên ban giám đốc trung tâm Thúy Nga nên ngừng sản xuất loại băng VHS để chuyển sang DVD và đĩa Blu-ray v.v…
Vợ chồng Huỳnh Thi & Tô Ngọc Thủy Executive Producers của trung tâm Thúy Nga/Paris By Night
Sự ra đi của ông Tô Văn Lai rời khỏi thế gian này là một mất mát vô cùng to tát cho nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam nói chung, chứ không riêng gì hải ngoại. Xin hiệp lời cầu nguyện cho linh hồn Peter Tô Văn Lai sớm được hưởng nhan Thánh Chúa.
Có thể nói mà không ngại quá lời, là hàng chục triệu người Việt Nam ở khắp thế giới sẽ không bao giờ quên tên trung tâm băng nhạc Thúy Nga – mà người ta vẫn quen gọi Paris By Night – và hai người gây dựng nên trung tâm băng nhạc này là ông Tô Văn Lai và bà Nguyễn Ngọc Thúy. Nếu không có sự khởi đầu của ông bà Tô Văn Lai là can đảm dốc hết tiền bạc dành dụm để thực hiện cuốn băng video đầu tiên với công ty Euromedia của Pháp, thì chắc gì sinh hoạt văn nghệ hải ngoại trỗi dậy mạnh mẽ và vững vàng từ sau năm 1975 cho đến bây giờ là năm 2022.
Ông Tô Văn Lai xứng đáng được người Việt khắp thế giới vinh danh vì công lao của ông góp phần vào việc bảo tồn văn hóa Việt Nam cũng như làm cho văn hóa Việt Nam càng ngày càng thêm phong phú.
(Nguyên Nghĩa viết, 7/2022)
No comments:
Post a Comment
Note: only a member of this blog may post a comment.