Tuesday, 12 July 2022

Hồn Trẻ 20 và bạn hữu

Nguyễn Tuấn Khanh

Giải mã người đầu tiên thành lập "Hội Nghệ sĩ Ái hữu Tương tế"

LTS: Trên chuyên mục Câu chuyện Văn hoá của Người Đô Thị online ngày 5.10.2019 có bài viết "Người bí ẩn đã lập nên 'Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế' là ai?" và ngày 2.12.2020 tiếp tục có bài viết "Nói thêm về người lập nên ‘Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế’" của tác giả Lê Đại Anh Kiệt. Các bài viết ghi chép và cung cấp thông tin nhằm góp thêm câu chuyện ai là người đã lập nên Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế.

Sở dĩ có cách tiếp cận như vậy, vì được thành lập từ năm 1948 và hoạt động liên tục từ đó đến nay, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của sân khấu cũng như việc đoàn kết giúp đỡ, chăm sóc giới văn nghệ sĩ... tuy nhiên việc ai là người thành lập Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế lại là một bí ẩn.

Nhận thấy đây là vấn đề lịch sử văn hóa khá quan trọng, tác giả các bài viết đã muốn có thời gian đào sâu, tìm thông tin tư liệu làm rõ vấn đề có bài viết đầy đủ hơn. Rất tiếc, vào thời điểm đó (năm 2020) soạn giả Nguyễn Phương đã tạ thế, Nhạc sư Vĩnh Bảo đang lâm trọng bệnh. Bằng sự cầu thị, trước khi kết thúc bài báo, tác giả mong rằng từ thông tin bài viết, cộng đồng yêu thích cải lương sẽ quan tâm góp thêm thông tin làm rõ câu chuyện...

Hơn một năm rưỡi sau ngày bài báo Nói thêm về người lập nên ‘Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế’ được công bố, mới đây tác giả Nguyễn Tuấn Khanh (nhà nghiên cứu, tác giả của cuốn Bước đường của cải lương) đã gửi tới Người Đô Thị bài viết liên quan đến câu chuyện ai là người đã lập nên Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế với những thông tin, tư liệu hoàn toàn mới. Để rộng đường dư luận, Người Đô Thị công bố bài viết này, đồng thời rất mong tiếp tục nhận được phản hồi từ bạn đọc, đặc biệt là những thông tin, tư liệu mới liên quan đến vấn đề đang bàn, để làm phong phú hơn câu chuyện lịch sử, văn hoá về tổ chức đặc biệt này.

Dưới đây, Người Đô Thị trân trọng giới thiệu tới bạn đọc bài viết của tác giả Nguyễn Tuấn Khanh.

Ngôi nhà số 133 Cô Bắc (TP.HCM) xưa nay vốn được xem như nhà thờ tổ của sân khấu cải lương. Ảnh: Bùi Minh Thu


Trên trang Người Đô Thị ngày thứ bảy (5.10.2019) có đăng bài Người bí ẩn đã lập nên ‘Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế’ là ai? của nhà báo Lê Đại Anh Kiệt đã đưa ra một chi tiết mới là Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế do ông Nguyễn Văn Phát, anh ruột của nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo (từ trần ngày 7.1.2021) là người sáng lập và kiêm luôn chức Hội trưởng. 

Nhà báo Lê Đại Anh Kiệt đã dựa trên những chứng cứ của gia đình nhạc sư Vĩnh Bảo cung cấp gồm thẻ Hội viên hành sự của nghệ sĩ hát bội Nguyễn Thị Út của đoàn Bầu Thắng do ông hội trưởng Nguyễn Văn Phát ký năm 1950 và 2 bản Cấp Bằng Hào Tâm do Chánh hội trưởng Nguyễn Văn Phát ký ngày 19.11.1949 và 23.9.1950.

Với những bằng chứng trên, nhạc sư Vĩnh Bảo đã viết một lá thư đề ngày 29.9.2019 khẳng định: "Anh trai tôi Nguyễn-văn-Phát là bạn chí thân của ông Arondelle Đô Trưởng thành phố Sài gòn-Chợ lớn (Préfet de la Région Saigon-Cholon) nên khoảng năm 1948 đứng ra xin mảnh đất số 133 đường Cô Bắc (Mon Seigneur Dumortier) để lập Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế. Ông Võ-đình-Ban (sui gia của ông Nguyễn-văn-Lượng Nhà thuốc [N]hành Mai) là mạnh thường quân bỏ tiền ra xây cất nhà Hội. Như vậy anh hai tôi Nguyễn-văn-Phát là người sáng lập Hội Nghệ sĩ ái hữu và kiêm luôn chức Hội trưởng, Tổng Thơ ký là nghệ sĩ Nguyễn-thành-Châu thời bấy giờ”.

Bức thư có chữ ký của nhạc sư Vĩnh Bảo (Nguồn: Người Đô Thị) [i] 


Hội Nghệ sĩ ái hữu được thành lập từ năm 1948 và từ đó cho tới bây giờ, mọi người đều biết là hội do các nghệ sĩ tiền phong như Trần Hữu Trang, Nguyễn Thành Châu, Bảy Nam, Phùng Há, Năm Phỉ, Bảy Nhiêu, Tư Chơi... sáng lập và kinh phí để xây căn nhà số 133 đường Cô Bắc mà sau này được gọi nôm na là “Nhà thờ Tổ sân khấu” là do từ các buổi hát gây quỹ cùng với tiền nguyệt liễm của hội viên và mạnh thường quân đóng góp như đạo diễn Nguyễn Hồng Dung (con gái của cố NSND Năm Châu) đã giải thích trong bài An vị bàn thờ Tổ sân khấu tại ngôi nhà sau tu sửa hơn 800 triệu đồng của Thanh Hiệp trên báo Người Lao Động ngày 29.12.2017: “Ngôi nhà 133 Cô Bắc này có được là nhờ vào tích lũy từ các đợt hát gây quỹ vận động mạnh thường quân đóng góp, thu tiền nguyệt phí của hội viên và để làm trụ sở hoạt động công khai hợp pháp cho các cơ sở cách mạng hoạt động tại nội thành”.

Nay với chi tiết mới của nhạc sư Vĩnh Bảo đưa ra nhưng những người trong cuộc đều đã ra người thiên cổ nên khó kiểm chứng. Thời may, chúng tôi liên lạc được với soạn giả Nguyễn Phương ở Canada, lúc đó ông đã 98 tuổi, kém nhạc sư Vĩnh Bảo 4 tuổi và đã hoạt động trong ngành nghệ thuật sân khấu từ năm 1948 để hỏi về sự kiện này.

Ngày 26.10.2019 soạn giả Nguyễn Phương đã viết bài Ai là Hội Trưởng đầu tiên của Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu Tương Tế Saigon? để gởi đăng trên Thời Báo ở Canada và trên trang mạng www.namkyluctinh.org. Soạn giả Nguyễn Phương cho biết là lúc đó soạn giả Trần Hữu Trang được liên lạc viên của cách mạng đưa vào chiến khu 8 họp và được gợi ý thành lập Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế để các nghệ sĩ giúp đỡ lẫn nhau. Khi trở về Trần Hữu Trang tới gặp nghệ sĩ Thanh Cao để cám ơn đã giới thiệu người đưa ông vô chiến khu 8 và đã thuật lại việc này với sự có mặt của soạn giả Nguyễn Phương.

Cũng theo soạn giả Nguyễn Phương: “Đây là thời kỳ có chiến tranh Việt Pháp. Pháp không bao giờ cho người không được Pháp tin tưởng lập hội. Các vụ tụ tập đông người trong việc quan, hôn, tang, tế đều phải xin phép, được ông Cò sở tại cấp giấy phép thì mới được tổ chức” nên họ đã kiếm một người công chức được nhà cầm quyền Pháp tin tưởng để đứng đơn xin lập Hội Nghệ sĩ ái hữu và ông Nguyễn Văn Phát được mời làm hội trưởng.

Sau bài báo của soạn giả Nguyễn Phương, ngày 2.12.2020 nhà báo Lê Đại Anh Kiệt viết tiếp bài Nói thêm về người lập nên ‘Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế’ được đăng trên Người Đô Thị nêu lên nghi vấn của nhạc sư Vĩnh Bảo:

Một số điểm còn tồn nghi theo tinh thần bài viết của soạn giả Nguyễn Phương ghi lại câu chuyện của nghệ sĩ Trần Hữu Trang thì ông Phát chỉ được mời đứng đơn xin phép. Nhạc sĩ Vĩnh Bảo không tranh luận nhưng bảo lưu ý kiến là ông Nguyễn-văn-Phát là bạn chí thân của ông Arondelle Đô Trưởng thành phố Sài gòn-Chợ lớn (Préfet de la Région Saigon-Cholon) nên không chỉ đứng đơn xin lập Hội, đứng tên Hội trưởng mà khoảng năm 1948 ông đứng ra xin mảnh đất số 133 đường Cô Bắc (Mon Seigneur Dumortier) để lập Hội.

Ngoài ra Nhạc sư Vĩnh Bảo, cung cấp thêm một số thông tin như sau: “Anh Nguyển-văn-Phát của tôi đàn kìm cổ nhạc với lối chơi khép kín, nghĩa là đờn chơi với anh em trong gia đình. Không bao giờ đờn chơi với các nhạc sĩ bên ngoài. Các nhạc sĩ Hai Khuê Tư Thưởng, Tăng Kim Luông Chánh Dân không biết mặt ông Nguyển-văn-Phát, nhà ở đâu thì làm gì có chuyện mời ông làm Hội Trưởng, đứng đơn xin nhà cầm quyền Pháp cấp giấy phép thành lập Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế. Việc xin thuê đất lập Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế số 133 đường Cô Bắc là nhờ quen thân với ông Arondelle, Đô Trưởng Sàigòn Chợ Lớn ông Nguyển-văn-Phát tự động làm”.

Tóm lại, nhạc sư Vĩnh Bảo dựa trên thẻ Hội viên hành sự và hai bản Cấp Bằng Hào Tâm có chữ ký của ông Hội trưởng Nguyễn Văn Phát ký năm 1949 và 1950 cho rằng anh của ông là người đã sáng lập ra Hội nghệ sĩ ái hữu, còn soạn giả Nguyễn Phương là người được nghe trực tiếp từ soạn giả Trần Hữu Trang thuật lại việc ông nhận chỉ thị của Ban Tuyên truyền khu 8 để thành lập hội chứ không phải do riêng một cá nhân nào tự đứng ra kêu gọi. Cả hai vị khi đưa ra những lập luận trên đều đã cao tuổi, một người đã 102 tuổi nhưng không có liên quan gì đến nghệ thuật sân khấu và một người 98 tuổi có trên 60 năm trong nghề nên khi khảo sát vấn đề, chúng ta không thể bỏ qua việc nhầm lẫn nếu có do tuổi tác ảnh hưởng tới trí nhớ và kinh nghiệm nghề nghiệp. Theo những gì soạn giả Nguyễn Phương thuật lại thì đại khái cũng giống như những gì báo chí đã thuật lại từ trước, riêng chi tiết của nhạc sư Vĩnh Bảo đưa ra khá mới lạ và cần kiểm chứng lại.

Theo định nghĩa, “Hội ái hữu là hình thức tổ chức thấp nhất của những người cùng nghề nghiệp, lập ra thời Pháp thuộc để giúp đỡ nhau và đấu tranh bênh vực quyền lợi trong điều kiện không có quyền lập công đoàn”[ii], nhưng theo nhạc sư Vĩnh Bảo, ông Nguyễn Văn Phát “là nghệ nhân tài hoa về âm nhạc và đam mê đàn ca tài tử”[iii] nhưng “Anh Nguyễn-văn-Phát của tôi đàn kìm cổ nhạc với lối chơi khép kín, nghĩa là đờn chơi với anh em trong gia đình. Không bao giờ đờn chơi với các nhạc sĩ bên ngoài”[iv]  nhưng “Vì tình yêu âm nhạc, yêu thương nghệ sĩ cải lương và với những quan hệ xã hội thuận lợi trong guồng máy công chức chính quyền thuộc địa lẫn với giới văn nghệ sĩ, việc ông Phát đứng ra xin đất, vận động cất nhà trụ sở và thành lập Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế và trở thành Hội trưởng là điều phù hợp logic”. Một người chỉ đờn chơi theo lối khép kín với anh em trong gia đình mà vì yêu âm nhạc và yêu thương nghệ sĩ cải lương mà tự động đứng ra xin đất và thành lập hội ái hữu không liên quan gì đến nghề nghiệp của mình thì thật là khó tin! Nghi vấn thứ hai là Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế được thành lập từ năm 1948 nhưng mãi cho tới năm 2019, 71 năm sau khi hội được thành lập, sự việc ai là người sáng lập ra hội này mới được nhắc đến trong khi những người trong cuộc đã quá vãng thì việc làm này với mục đích gì?

Để tìm hiểu ngọn ngành của sự việc, chúng tôi đã tìm các hồ sơ trong Trung tâm Lưu trữ quốc gia II - Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tại số 17A Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM và đã tìm ra đáp án: Người đứng tên làm đơn vào ngày 19.4.1948 và là hội trưởng đầu tiên của Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế là ông TRẦN KHIÊM CUNG.

Ông Trần Khiêm Cung là ai? Theo nhà báo Ngành Mai trong bài viết Hát bội ở Miền Nam Việt Nam ngày xưa trên RFA ngày 29.6.2014: “Thời thập niên 1940, dài cho đến những năm đầu của thập niên 1950 gánh hát bội Tấn Thành Ban, một trong những đoàn danh tiếng thời bấy giờ do ông Huyện Trần Khiêm Cung làm bầu gánh (Ông Bầu Cung là một trong những người đứng ra xin giấy phép thành lập Hội Nghệ Sĩ Ai Hữu và là hội trưởng đầu tiên năm 1948)”[v]. Nhà báo Ngành Mai cũng như đạo diễn Nguyễn Hồng Dung đã có cuốn Điều lệ hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế in năm 1948 nên họ đã dựa theo cuốn Điều lệ hội đó mà phát biểu những gì liên quan đến hội hoặc căn nhà số 133 đường Cô Bắc.

Thư cảm ơn của ông Trần Khiêm Cung khi hội được chánh quyền chấp thuận cấp giấy phép cho thành lập.


Trong cuốn Điều lệ hội này có ghi rõ Mục Đích và Ý Nghĩa Thành Lập Hội như sau:

Hội thành lập gồm có: các kịch sĩ, văn sĩ, họa sĩ, các chủ gánh hát và tất cả những người sống liên quan mật thiết về nghệ thuật sân khấu; hợp nhau lập thành một hội lấy tên là:

“NGHỆ SĨ ÁI HỮU TƯƠNG TẾ HỘI”

a.     Hội lập ra với mục đích là: lập một ĐỀN THỜ TỔ NGHỀ HÁT để có chỗ tín ngưỡng chung. Hằng năm đến ngày giỗ (11, 12, 13 và 14 THÁNG TÁM ÂM LỊCH) và ngày ĐƯA THÁNH TỔ (24 và 25 tháng Chạp Âm lịch) những nghệ sĩ sống về sân khấu ở các nơi tựu về nơi đây cúng kiến.

b.     Để giúp đỡ các nghệ sĩ bị tai nạn, bịnh tật, mãn phần hoặc vì già nua tuổi tác không thể đeo đuổi để phụng sự cho nghề nữa phải giải nghệ.

Hội quán tạm tại đường ____________________ số ______________ ở Saigon.

Và các việc làm đầu tiên của hội là:

1.     Khi được nhà cầm quyền phê chuẩn cho phép thành lập hội rồi, thì Ban Trị Sự phải lo tổ chức các buổi hát, hoặc tìm cách mua giàn các ban hát đặng có huê lợi cho hội để: Lập tức kiếm mua hoặc mướn một miếng đất ở trong địa phương Saigon-Chợ Lớn cất ĐỀN THỜ THÁNH TỔ và HỘI QUÁN cho hội (nếu chưa tìm được đất thì tạm mướn chỗ: nhà hoặc phố làm Hội Quán và Đền Thờ).

2.     Sau khi hội đã cất Đền Thờ và nhà Hội Quán thì phải kiếm mua một miếng đất ở các vùng ngoại ô phụ cận Saigon-Chợ Lớn đặng làm nghĩa địa cho hội.

3.     Khi huê lợi của hội đặng dồi dào rồi, thì Ban Trị Sự đương niên tại chức phải lập tức cho toàn thể hội viên hay trong một buổi nhóm Đại hội để bàn định việc làm cho huê lợi của hội được sinh sôi nẩy nở như: Cất một rạp hát để:

a.     Ngày thường thì để cho các gánh hát mướn biểu diễn.

b.     Ngày cúng Thánh Tổ dùng rạp làm võ ca để hát cúng.

Hội quán tạm thời lúc đầu được đặt tại số 119 đường Boresse (nay là số 119 đường Yersin thuộc quận 1, TP.HCM và hiện giờ là Diag Laboratorries - Cơ sở lấy máu xét nghiệm) và ông Trần Khiêm Cung làm hội trưởng niên khóa 1948-1949. Xin mở ngoặc ở đây là theo soạn giả Nguyễn Phương, hội quán tạm thời lúc đầu ở đình Cầu Muối, nhưng thật ra theo giấy tờ hành chánh thì trụ sở tạm ở số 119 đường Boresse, không rõ là soạn giả Nguyễn Phương có nhớ lầm hoặc lúc đó các nghệ sĩ hội viên thường gặp nhau ở đình Cầu Muối thay vì ở trụ sở tạm thời?

Số nhà 119 đường Yersin, TP.HCM hiện nay. Vào năm 1948 tên đường là Boresse, ngôi nhà này được dùng làm trụ sở tạm của hội ‘Nghệ sĩ ái hữu tương tế’ khi hội mới thành lập. Ảnh chụp tháng 6.2022. Ảnh: Lê Thể

Thành phần hội viên được chia ra làm hai hạng là Hội viên danh dự Hội viên hành sự. Hội viên danh dự là những người giúp ích cho hội hay có nhiều công với hội, còn Hội viên hành sự là những người có đóng tiền nguyệt liễm hằng tháng và chịu tuân theo điều lệ của hội.

Sau một năm thành lập với 400 hội viên, khi đơn xin lập hội được chính thức chấp thuận trên phương diện pháp lý, hội đã có đủ kinh phí do các hội viên cùng các nhà hảo tâm đóng góp để xây một hội quán, ông Nguyễn Văn Phát được bầu làm hội trưởng để thuận tiện cho việc đứng đơn xin do uy tín và quan hệ ngoại giao của ông ta với chính quyền đương thời.

Có thể trong thời gian vận động kinh phí để xây hội quán, ông Nguyễn Văn Phát đã xin được mảnh đất số 133 đường Cô Bắc và ông Võ Đình Ban cũng đã giúp một số tiền lớn để xây cất hội quán như nhạc sư Vĩnh Bảo đã giải thích trong bức thư ngày 29.9.2019, nhưng họ chỉ là những mạnh thường quân hoặc là Hội viên danh dự chứ không phải là người sáng lập như nhạc sư Vĩnh Bảo đã viết.

Danh sách Ban trị sự tạm thời và Ban trị sự thiệt thọ của hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế năm 1948.


Cũng trong bức thư ngày 29.9.2019, nhạc sư Vĩnh Bảo đã yêu cầu: “Những người trong cuộc đã vào cõi vĩnh hằng, nhưng cái gì của César phải trả lại cho César”, nay chúng ta có thể khẳng định, người sáng lập ra Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế không phải là ông Nguyễn Văn Phát như nhạc sư Vĩnh Bảo đưa ra vì tên của ông ta không có trong danh sách Ban Trị Sự tạm thời hoặc thiệt thọ của hội năm 1948 là năm hội được thành lập, mà gồm những tên tuổi quen thuộc của các vị Năm Phỉ, Bảy Nhiêu, Thanh Cao, Trần Hữu Trang, Ba Vân, Năm Châu, Phùng Há, Tư Chơi, Năm Nở… như báo chí vẫn thường nhắc tới từ năm 1948 cho tới bây giờ, nhưng không vì vậy mà chúng ta quên đi sự đóng góp của ông Nguyễn Văn Phát.

Nhà báo Thanh Hiệp đã ghi nhận ông Phát là một mạnh thường quân trong bài báo kể trên: “Theo hợp đồng mua bán còn lưu lại, người đứng tên trong sổ sách nhà đất là ông Nguyễn Văn Phát - một mạnh thường quân, nhân sĩ trí thức và cũng chính là anh ruột của Giáo sư Nguyễn Vĩnh Bảo”. Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Phát cũng không phải là vị hội trưởng đầu tiên của Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế mà vị hội trưởng đầu tiên của hội là ông Trần Khiêm Cung, tức ông Huyện Cung (hoặc Bầu Cung).

Trụ sở hội "Nghệ sĩ ái hữu tương tế" tại số 133 đường Cô Bắc, TP.HCM. Ảnh chụp tháng 6.2022. Ảnh: Lê Thể


Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế được thành lập ngày 19.4.1948 với hai mục đích chính là xây một Đền thờ Tổ nghề hát và giúp đỡ các nghệ sĩ sân khấu khi bịnh tật, nghèo khó, neo đơn. Mục đích xây đền thờ Tổ là để có nơi thờ phượng Tổ nghề hát. Truyền thống uống nước nhớ nguồn đó các nghệ sĩ sân khấu đã và đang thực hiện từ năm 1948 cho tới bây giờ và họ vẫn thường nhắc nhở tới công lao của các bậc thầy tổ tiền bối mỗi khi họp mặt ở hội quán. Những tin tức dù vô tình hay cố ý có liên quan đến Nhà thờ Tổ nhưng sai lạc của những người không phải trong nghề hát và không rõ họ làm với mục đích gì, chúng ta phải cẩn thận tra cứu độ chính xác trước khi phổ biến để thế hệ mai sau không bị lầm lẫn.

Nguyễn Tuấn Khanh 

San Jose, 26.6.2022

Nguồn:

https://nguoidothi.net.vn/giai-ma-nguoi-thanh-lap-hoi-nghe-si-ai-huu-tuong-te-35575.html

 


 

 

No comments:

Post a Comment

Note: only a member of this blog may post a comment.