Luân Hồ Triệu
CON DẾ
TÔN TẨN
(tiếp theo)
(Hồi 9)
Hồi đó
thằng Nhỏ cũng thường giả bộ muốn mua dế rồi chúi đầu vô mấy cái đụt của mấy người bán dế ngắm dế cho đỡ ghiền mặc dầu trong túi
không có xu teng nào hết. Nó thấy con nào
con nấy đều ở yên tại chỗ. Mấy con chạy loanh quanh kiếm chỗ đụng mấy con đã
an vị trí rồi liền bị người ta nhe càng gáy rét rét đuổi đi chỗ khác chơi tức thì. Thôi thì thôi thế thì phải đi thôi! Ít khi nào nó thấy cảnh nội chiến, và nhất là không có cảnh nhiều con dế
họp nhau lập bè lập đảng thông đồng lập kế hoạch dành chỗ đứng của những con dế
yếu thế cô đơn. Bởi vậy người ta mới có dế để bán chớ, nếu không tụi dế cắn nhau lia chia rồi sau những cuộc nội chiến dành đất dành đai đó con thì chết, con thì què, con sứt càng, con rụng râu người ta còn dế đâu
để mua với bán.
Suy
nghĩ hoài thằng Nhỏ thấy loài dế nó yêu thích hồi đó có hai đặc điểm rất đáng
yêu là dế cắn đau mà không truyền nọc độc, và loài dế biết tôn trọng sự sở hữu hang ổ đất đai của mình và của hàng xóm cho nên tụi nó không lập bè lập đảng đi chiếm hang chỗ
trú ngụ lẫn nhau. Nó
còn nhớ hồi nhỏ khi về quê nội ra ruộng
ra đồng bắt dế, nó nghe dế gáy xung quanh rền trời, và khi nó kiếm được cái hang dế và đào
lên thì bắt được mỗi hang một con thôi. Không bao giờ nó bắt được một tập đoàn dế nào trong cùng một hang hết.
Phải chi lúc đó có một tập đoàn dế tham tàn
nào đó đang ở trong một cái hang rộng rãi thênh thang có thiệt nhiều động nhỏ do chúng uy hiếp và chiếm đoạt được từ những con dế lẻ loi yếu thế khác chắc chắn nó sẽ khoái trá lắm lắm vì trúng mánh, và tóm được cả một tập đoàn dế đầy đủ trống mái.
(Hết Hồi 9,
xin xem tiếp Hồi 10)
(Hồi 10)
Càng
nghĩ thằng Nhỏ càng thấy dế biết tôn trọng quyền tư hữu lẫn nhau! Bởi
vậy cho nên "trăm hang mới thật sự đua nhau gáy",
tạo thành khúc nhạc đồng quê hấp dẫn quá xá. Bởi vậy cho nên
nhiều văn thi sĩ đã đem tiếng dế gáy hay con dế của tuổi thơ vào văn chương sách báo của họ, ví dụ như cố thi sĩ nổi danh Tô
Thuỳ Yên, mặc dù bị hành xác cả chục năm trong tù ngục vẫn còn trong đầu tiếng dế gáy vang trong bụi cỏ bên nẻo đường về quê nhà, và ông có viết trong một bài thơ dài đầy tính nhân bản sâu sắc tựa là Ta Về hai câu hay hết sức:
“...Con dế vẫn là con dế ấy
Gáy ven bờ cỏ giọng thân quen...”
Ngoài
ra cố thi sĩ triết gia Bùi
Giáng cũng có viết hai câu
thơ về dế trong bài
Thiếu Phụ
Trở Về
như sau:
“...Em về nghe động trong xương
Hồn xưa con dế lên đường viễn du...”
Thằng Nhỏ thấy hai điểm tương đồng ngộ ngộ ở hai nhà thơ lớn trên khi làm thơ có hình ảnh con dế.
Trước là dế hằn sâu trong tâm thức hai người, và cả hai đều nhớ về dế khi lưu lạc chốn xa xôi giống như bây giờ nó đang xa nhà
và nhớ dế. Thằng Nhỏ nó nhớ dế quá nhưng không nhớ kịch liệt đến độ thấy mình hoá thành dế như mấy thi sĩ đời xưa thấy mình hoá thành bươm bướm và đời nay lại có văn sĩ Tây tên Kafka ngủ một đêm sáng ra thấy mình hoá thành con sâu hù thiên hạ. Vậy mà bây giờ nó biết được có nhà thơ Đoàn Nhã Văn đã
cảm thấy mình như chú dế qua bốn câu thơ trần tình mà thằng Nhỏ thấy rất dễ thương:
“...Đêm hôm qua thấy
mình
như chú dế
Nơi đầu hang đợi một ánh trăng rơi
Nhìn sương khuya còn đọng trên cọng cỏ
Say sưa ca một bài hát không lời...”
Qua
bốn câu thơ, chẳng những thằng Nhỏ được nghe lại tiếng dế trong những đêm
khuya, nhưng còn thấy được hình ảnh long lanh của những giọt sương trên những ngọn cỏ rung rinh khi nó bước nhè nhẹ đến gần cái hang nơi có một con dế đang trình tấu những bài Serenades từ đêm
hôm qua tới lúc bình minh khi trời đã
lờ mờ sáng nhưng vẫn chưa có chị dế nào tới thăm, để rồi bị nó chụp... nhưng mà nó chụp hụt, và con dế phải co giò
phóng thật xa, rồi nhảy vô bụi trốn. Ôi! Dế buồn dế gáy miên man bởi vì đâu?
Thằng Nhỏ còn được biết là bốn câu thơ trên còn được Võ Thị Như Mai chuyển qua tiếng Anh để
giới thiệu con dế như sau đây:
“...Last night I saw
myself as a cricket
At the cave top
waiting for the moon falling
Looking at the dew
drop on the grass hanging
Singing a song, a
song without words...”
Thằng Nhỏ lại còn loáng thoáng nghe lóm được chuyện cố thi sĩ Du Tử Lê khi thất tình lại nhớ về người bạn thân thuở còn thơ là con dế ông yêu quý. Từng là một thằng nhỏ ham chơi... dế vì nhà nghèo, ba má không có tiền mua đồ chơi, nên ông phải kiếm dế bắt đem về chơi. Chuyện là hồi đó
khi lớn lên, và mới biết yêu, ông trân trọng mối tình đầu của mình như con dế hồi còn nhỏ ông nuôi và rất thương nó như thằng Nhỏ thương con Tôn Tẩn vậy đó. Khi cuối nẻo đường tình là những lời cuối của một bài tuyệt tình ca, ông đâm
ra buồn lắm, buồn đến độ nghĩ rằng con dế tuổi thơ mà ông tưởng rằng sẽ sống mãi trong tim đã ra đi và tự tử mất rồi, nên ông viết một bài thơ trong đó
có một câu thiệt lạ lùng, nhưng mà hay lắm, đó là:
“...Con dế buồn tự tử giữa đêm sương...”
và
ý bài thơ đó đã
được nhạc sĩ Từ Công Phụng phổ ra thành bài nhạc tên Trên Ngọn Tình Sầu mà mỗi lần thằng Nhỏ nghe ca sĩ nào trên YouTube hát đến câu...con dế buồn tự tử giữa đêm khuya... thì cụm thần kinh cảm
giác của nó chạy rần rần làm cho nó rợn da gà luôn. Thiệt ra, lần
đầu tiên nó nghe được câu thơ đó là qua buổi họp mặt tiếp đón
ra mắt các người mới tới định cư do mấy người qua đây
trước tổ chức. Có người bạn lên đóng góp văn nghệ cây nhà lá vườn với bài ca đó. Thuở đó nó còn quê một cục, chưa biết ất giáp gì về bài ca cũng như về người nhạc sĩ họ Từ. Sau buổi văn nghệ, nó lại còn không rõ ngay cả cái tựa bài ca và tên tác giả. Nhưng nó lại nhớ như in hai câu lạ lùng đưa nó về tuổi thơ của dế và chim ở quê nhà:
“...Con dế buồn tự tử giữa đêm sương
…Bầy sẻ cũ cũng qua đời lặng lẽ...”
Bây
giờ nghĩ lại thằng Nhỏ thấy rằng âu chẳng qua là số phần hẩm hiu của tuổi thơ với dế với chim của nó, của mấy thi sĩ,
nhạc sĩ và của rất nhiều người khi ở phương xa nhớ về quê nhà mỗi khi nghe được tiếng dế gáy thật là hiếm hoi ở những thành phố thương mãi kỹ nghệ phương Tây nơi loài dế thiếu đất sống, chúng phải tìm chỗ trú thân chốn đồng quê hay trong rừng trong bụi mặc dầu đó là chỗ ở của mấy con thú
thích thịt dế như ếch, nhái, ểnh ương, rắn, và rất nhiều loại chim chóc. Hình ảnh và kỷ niệm tuổi thơ phải chịu trôi nổi, trồi sụt, khi mất khi còn theo những cuộc đời lưu lạc lúc thì êm ả, lúc đầy sóng gió và mưa bão loạn ly, cuồng
nộ như nước biển Thái Bình Dương được hồi sinh khi bắt gặp tiếng dế gáy. Có một lần trong giấc ngủ ban chiều,
cái đồng hồ điện tử phát ra tiếng báo động giống như tiếng dế gáy lúc thằng Nhỏ đang mơ màng và nó lan man thấy hình như mình đang sống ở quê nhà với những sinh hoạt
đặc thù hồi nhỏ trong những
cảnh vật như xưa cho tới lúc bàng hoàng thức dậy mới biết rằng chỉ là mơ.
Thằng Nhỏ thương con Tôn Tẩn vì khoái coi nó đá,
thích nghe nó gáy, muốn nó với vợ nó sản sinh ra nhiều con dế cho nó nuôi, đơn giản là một tình yêu thương cơ bản phát ra từ tham, sân,
si, hỉ, nộ, ái, ố tầm bậy tầm bạ mà trúng tùm lum tà la của đám
bạn nhỏ, và của chính nó thôi. Bây giờ biết được mấy ông thi văn nhạc sĩ lại thương mấy con dế theo kiểu
của mấy ổng. Thiệt
là cái tình yêu dế gì mà yêu quá cỡ thợ mộc luôn. Chắc là như vậy mấy ổng làm thơ mới xuất thần khiến cho ai đọc cũng bị hớp hồn mà bái phục.
Thằng Nhỏ dạo sau này cũng theo thời đại Google, và
biết là hình ảnh con dế trong văn
chương văn nghệ còn nhiều lắm. Nó hy vọng một ngày nào đó sẽ có được một sưu tập văn nghệ kha khá về dế, để rồi những khi buồn
buồn nó đem ra coi cho đỡ nhớ mấy con dế hồi còn nhỏ và nhắc cho nó
nhớ lại những kỷ niệm thời còn nhỏ.
(Hết Hồi 10,
xin xem tiếp Hồi 11)
(Hồi 11)
Trở lại chuyện con Tôn Tẩn, thằng Nhỏ thấy sao lại có một sự khác biệt rất lớn giữa cái hộp kiếng đựng thuốc tễ và cái lỗ lù, mặc dầu thuở đó con Tôn Tẩn đều nằm trong bàn tay sinh sát điều khiển của một thằng Nhỏ ham đá
dế trong cả hai trường hợp. Điều này chỉ có con Tôn Tẩn mới trả lời được mà thôi. Nhưng con Tôn Tẩn với vợ nó đã
bay đi trốn cơn mưa ào ạt đêm
đó, và đã quên lối về cái lỗ lù nhà nó từ lâu lắm rồi. Vả, lúc đó thằng Nhỏ chỉ là một thằng Nhỏ khoái bắt dế bỏ vô hộp, đậy lại nuôi, lâu lâu bắt ra đem đi đá
tỉ thí, kể cả đi đá bắt xác thì làm sao nó biết, làm sao nó hiểu được tiếng nói của loài dế mà hỏi với han. Có lẽ tại vậy mà con dế Tôn Tẩn "câm"
khi còn nằm trong hộp thuốc tễ???
Thằng Nhỏ nghĩ có lẽ nhiều ông thi văn nhạc sĩ đã hay là đang cố gắng giải ảo điều nó thắc mắc này rồi, và nếu nó chịu bỏ ngày giờ tìm kiếm trên thế giới ảo nó đang đối mặt mỗi ngày thì sẽ có lời giải đáp thôi. Mong lắm thay!
(Hết Hồi 11,
xin xem tiếp Hồi 12)
(Hồi 12)
Nhưng trông mong hy vọng mấy ổng có được lời giải thích cho điều thằng Nhỏ thắc mắc lại tuỳ thuộc nhiều vào số "dế"
mà mấy ổng đang thả ra mỗi ngày để đi vào cõi ảo mộng mơ để giải ảo. "Dế" của mấy ổng bây giờ không có hai càng bốn chân ngắn hai chân
dài như dế của tuổi thơ nữa, mà là những tàn thuốc nghẹt cứng trong cái gạt tàn, vì mấy ổng hút thuốc dữ lắm mới đủ sức giải ảo. Thằng Nhỏ biết như vậy vì trong truyện ngắn Những Cái Gạt Tàn Thuốc, cố nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh có viết về chuyện hút thuốc của người cha nghệ sĩ của mình như sau:
“...Cha lại nghiện thuốc lá vào hạng nặng. Buồn phải hút thuốc cho quên, vui cũng phải hút một điếu gọi là đánh dấu
cái
niềm vui ấy. Có bạn đến phải hút thuốc cho câu chuyện thêm hào hứng, một mình cũng phải hút thuốc cho bớt cô đơn. Nói chung, điếu thuốc là một nguồn cảm hứng, gợi hứng vô biên... Ai làm con của một người cha nghệ sĩ đều trải qua những phút vui buồn như thế. Người cha nghệ sĩ không thích ăn, cha bảo ngồi ăn mất thì giờ. Nhưng người cha nghệ sĩ thích hút thuốc vì khói thuốc, cốc rượu, chén trà đều là những thứ gợi hứng, gợi cảm... Cha vẫn dặn rằng ngày nào cha chết, các con có cúng
thì chỉ cần cúng một bao thuốc, một quyển sách thật hay, một bản nhạc giá trị, thế là cha về ngay....”
Hút
thuốc nhiều nên thằng Nhỏ nghĩ mấy ông thi văn nhạc sĩ nuôi "dế" cũng nhiều, cho nên con cái đi xa hay mua "chuồng" về cho mấy ông nuôi dế. Trong câu chuyện bà Minh Đức Hoài Trinh có viết:
“...Muốn làm quà cho cha thì chỉ có hoặc sách báo, hoặc gạt tàn thuốc tuy rằng trong nhà đã có hàng
nghìn
quyển sách, hàng trăm cái gạt tàn thuốc...”
Ghiền thuốc như vậy thì hết nước nói luôn!
Bởi vậy, nhiều khi hết thuốc nửa chừng trong đêm
thâu khi mọi người đang ngủ, khi tiệm tùng đóng cửa hết rồi, hay khi hết tiền mua thuốc,
mấy ông thi văn nhạc sĩ phải đi bắt "dế", tức là bươi cái gạt tàn lên tìm mấy con "dế" nào còn kha khá để hút tiếp, hay xé ra lấy thuốc còn sót gom lại, quấn vào giấy quyến rồi hút đỡ ghiền để lấy hứng giải ảo, rồi sáng tác hiến dâng cho cuộc đời đầy phù du mộng ảo này với những tác phẩm nghêu ngao ngất ngưỡng như những tiếng dế gáy xé lòng trong đêm
tối âm u. Mấy ông thi văn nhạc sĩ có từ chuyên môn gọi đó
là đi "bắt dế". Ôi! Đời văn thi nhạc
sĩ trong lúc gió sương! Và đó
là chuyện có thiệt mà thằng Nhỏ nghe nhiều
người nói lắm. Tội nghiệp thay! Tất cả cũng vì mấy ông thi văn nhạc sĩ muốn giải ảo nhiều chuyện rắm rối của cuộc đời, nhất là những sợi tơ lòng lòng thòng đang lòi ra nên phải đi "bắt dế", vì
nếu không làm vậy thì như nhà văn Thủy Tinh ở
Nam Úc đã báo động:
“... Tơ lòng thòng nó lòi ra
Nếu không chịu gõ (phím) ắt là rối beng...”
Còn
theo thằng Nhỏ mặc dầu đã xấp xỉ sáu mươi năm cuộc đời đầy đủ mưa, gió, phong sương, cát, bụi... nó vẫn còn nghe tiếng gáy âm u của con Tôn
Tẩn bên cái lỗ lù nhà nó trong những ngày xa xưa dẫy đầy kỷ niệm đang dần dà hao mòn trong ký ức. Nhưng một điều chắc nịch là khi tai nó chưa bị điếc hoàn toàn
Hễ nghe dế gáy nỉ non
Thấy con Tôn Tẩn lon ton trở về
Nhâm nhi hai râu dài
ghê
Phùng hai cánh đẹp ca bài Nhớ Quê
(Hết Hồi 12,
xin xem tiếp Hồi 13)
(Hồi 13)
Thật vậy, bây giờ tuổi thằng Nhỏ đã
gần đến bảy mươi, đã hết sức đi 'bắt dế' như những ông văn thi nhạc sĩ rồi. Ở tuổi này người ta cố níu kéo thời gian, giữ gìn sức khỏe để sống thêm ngày nào hay ngày đó. Thằng Nhỏ cũng vậy, nó ngủ ít đi cho ngày
dài ra thêm chút xíu. Nhưng khi thức dậy sớm lại không làm được chuyện gì hết, nó như nhà văn Thanh Thương Hoàng, thường pha cà
phê rồi pha trà để nhâm nhi và... giết thì giờ... và ngẫm nghĩ sự đời, việc đời xảy ra ngày hôm qua, ngày hôm kia... rồi tháng trước, năm trước. Có khi tới cả quãng đời cách đấy nửa thế kỷ!...
Văn sĩ viết đúng hoàn cảnh sinh hoạt
hiện tại của thằng Nhỏ. Nhưng mà nó không phải là văn sĩ, cho nên nó không bận bịu với những việc mà nhà văn hay làm như “...những
người viết lách như tôi thường là suy nghĩ về một cốt truyện ngắn hoặc bố cục một truyện dài....”
Tuy
nhiên dầu ngủ ít giờ đi cho ngày thêm dài ra, văn sĩ cho biết
là “...Đêm nào không ngủ được là ngày hôm sau thân thể tôi mỏi nhừ rã rời, suốt ngày không muốn làm bất cứ việc gì...”
May
mắn thay, nếu mất ngủ khi có tiếng dế gáy bên tai trong đêm thì văn sĩ cho biết “...Sáng
hôm đó thật
lạ lùng, tuy không ngủ được trọn giấc mà tôi không thấy mệt mỏi rã rời như mọi khi. (Ông lại còn cho biết thêm) Sau khi dùng bữa
sáng
tôi
ngồi vào bàn viết với tâm trạng sảng khoái nhẹ nhỏm. Cám ơn chú dế. Cám ơn bạn hàng xóm mới. Hy vọng đêm nay tôi lại
được nghe tiếp tiếng gáy của chú...”
Đọc câu chuyện Chú Dế Hát Giữa Đêm Đông
của nhà văn kiêm nhà báo Thanh Thương Hoàng, thằng Nhỏ khám phá ra thêm nhiều điều thú vị.Tiếng dế gáy thêm sức và khiến cho việc
nghĩ và viết của các văn thi nhạc sĩ bớt đi những khó khăn mệt nhọc vất vả, và đối với người nghệ sĩ lớn tuổi có một tuổi thơ ham nuôi dế, tiếng dế gáy còn gợi hứng để mấy ổng sáng tác và khỏi cần hút thuốc và tránh hoàn cảnh phải đi “bắt dế”.
Chuyện là trong một đêm đông, và những ngày sau đó, có một chú dế đến tạm cư gần phòng văn sĩ. Chú dế hay gáy khi đêm
về, tiếng gáy làm ông mất ngủ chút chút nhưng nó cho ông thêm sức mới để sống và viết. Ngạc nhiên về việc này, ông suy tư cố sức giải ảo sự kiện lạ đó, và viết truyện ngắn mang tựa nói trên.
Ông
văn sĩ đã
nghe trong đêm đông và kể lại như sau:
“...Tiếng gáy lúc như xa xăm mơ hồ trong tiềm thức dĩ vãng, lúc lại như có thật, sát ngay bên hàng hiên cạnh phòng ngủ...”
Có
phải chăng tiếng dế gáy đưa ông về quá khứ xa xăm tưởng rằng đã
chết mất nhưng được phục sinh qua tiếng dế gáy, và cho ông nghĩ đến thân phận hôm nay của mình trong khi mọi người đang lăn xả vào cuộc đời với những suy nghĩ
lo toan hay với những nụ cười hãnh tiến lao vào tương lai. Ông
văn sĩ mất ngủ vì tiếng dế gáy nhưng ông suy nghĩ và thoáng thấy hình bóng mình ẩn hiện trong tiếng
dế gáy: “...Không biết chú (dế)
đến đây từ
bao giờ và tạm cư hay định cư, chọn nơi này làm quê hương như tôi...”
Ông
văn sĩ lại còn viết thêm: “...Tôi đoán chú cũng thuộc vào loại già nên đêm không ngủ
được mới cất tiếng gáy cho đỡ sầu đời...”
Cái
đoán này của ông văn sĩ, theo thằng Nhỏ, nó trật lất đường rầy, và ông cũng biết vậy, nên ông cố tình biện bạch để giải ảo tiếng dế gáy một cách thật là sáng tạo, và thằng Nhỏ cũng nhận thấy hay hay và
khá thuyết phục: “...Tôi cho rằng chú dế này nửa đêm khuya khoắt,
cảm thấy cái cõi đời buồn quá nên cất tiếng hát giúp cho đời vui lên...”
Vui
không quí vị độc giả? Ông văn sĩ còn nâng cấp chú dế lên ngang hàng ca sĩ nữa:
“...Thử tưởng tượng cuộc sống của chúng ta nếu không có những lời ca tiếng hát của các ca sĩ thì buồn biết bao!..."
(Hết Hồi 13,
xin xem tiếp Hồi 14)
(Hồi 14)
Chú
dế không gáy, theo ông văn sĩ, mà là chú đang hát đó!
Thằng Nhỏ rất thích sự so sánh này, và nuôi hy vọng khi tiếng
dế gáy đã hoá thành tiếng hát qua tai nhà văn, ông sẽ hiểu được những gì chú dế muốn gởi gắm cho người ta, cho đời
này, và sau đó thắc mắc của nó sẽ được cho lời giải! Thằng Nhỏ cảm thấy hy vọng đang vươn lên, hy vọng tràn đầy!
Trong
câu chuyện có lúc chú dế ngưng hát nghỉ mệt, và sau đó lại cất tiếng hát, nhưng cái bài sau chú hát theo điệu Boléro hay điệu Slow hay sao làm cho ông văn sĩ phải than:
“...Lần này không hiểu sao tôi nghe tiếng gáy của chú dế lại nỉ non buồn thảm hắt hiu ảo não. Chú gáy mà như than. Có lẽ chú than cho đêm trường
dài
thăm thẳm mênh mông đến vô cùng tận chăng? Cứ từng hồi một như nhịp Slow buồn, chậm rãi thê lương...”
Giải ảo nhạc tính bài ca của chú dế kỹ quá xá luôn! Quá cặn kẽ rốt ráo như ông văn sĩ này khiến thằng Nhỏ cảm thấy chú dế trở thành ca sĩ thứ thiệt luôn. Ông văn sĩ ngồi nghe và thông dịch tiếng hát bài ca của chú dế tới sáng luôn, khi đó chú dế mới hết hát bởi vì theo ông văn sĩ “...Chú dế không muốn tiếng gáy của mình trộn lẫn vào những âm thanh hỗn tạp của đời chăng?...”
Giải ảo tiếng hát chú dế nhiều quá khiến ông văn sĩ ghiền nghe chú dế gáy như người ta mê tiếng hát của mấy danh ca luôn. Ông mới kể lại như sau: “…Buổi
tối, tôi không coi tivi như thường lệ - vì sợ gây tiếng ồn sẽ không nghe được tiếng gáy của chú dế...”
Ôi!
Sao ông văn sĩ này dễ ghét ghê, í nói lộn, sao ông văn sĩ này dễ thương ghê nơi, nhất là khi ông viết tiếp theo “...Trong khi nằm chờ "tiếng hát đêm
khuya" bỗng dưng năm tháng cũ của tuổi thơ tôi ào ào kéo tới lúc nào không biết...”
Đọc tới đây,
thằng Nhỏ thấy rõ ràng là tiếng dế gáy có ma lực lạ kỳ với nhiều văn thi nhạc sĩ Việt lưu lạc khắp bốn phương trời, và nó tin chắc mình sẽ gặp người giải ảo cái thắc mắc đang có. Thằng Nhỏ cũng nghiệm ra là bất cứ vật gì việc gì ông Trời tức là Thượng Đế hay Đức Chúa Trời dựng nên trên trái đất đều có sự liên hệ thể lý hay tâm lý tình cảm xã hội lộn xà bần trong cõi người ta, dù
đó chỉ là tiếng dế gáy vô tư trong đêm
đông lạnh vắng, hay là
ngọn cỏ dại mọc ven đường, viên sỏi nhỏ trầm mình lăn tròn trong con suối, sợi tóc bạc của ba còn vương vấn trên chiếc áo ấm ba cho trước
chuyến hải hành gian nan. Như một người bạn nghệ sĩ của thằng Nhỏ tên Vũ Minh có đề trong thơ
từ quê nhà gởi qua cho nó:
“…Mỗi kỷ niệm là một viên cuội già lăn trong dòng suối nhỏ trôi ra sông rồi rơi vào trùng dương không cùng…”
Chuyện này nhà thơ Cao Tần rành lắm, khi ông viết:
“...Thơ quê hương như tên hề ốm nặng
Hồn tang thương sau mặt nạ tươi cười
Son phấn hân hoan phủ nghìn cay đắng
Mắt lệ đầy miệng hát những lời vui...”
Tức là nhà thơ Cao Tần phủ nhận những điều người ta tạo ra trong lá thư nhà ông nhận được, và từ sự chối bỏ đó,
ông mong tìm lại quê hương đích thực của mình qua
“...Gửi cho anh viên sỏi nhỏ bên đường
Anh sẽ đọc ra muôn nghìn lối cũ
Gửi cho anh vài nhánh cỏ quê hương
Anh sẽ đọc đất trời ta đã thở...”
Bi
đát lắm khi người thi sĩ
nhớ quê hương trong kiếp lưu vong!
(Hết Hồi 14,
xin xem tiếp Hồi 15)
(Hồi 15)
Thật là bi đát
phải không? Bi đát đến nỗi ông văn sĩ Thanh Thương
Hoàng phải chụp lấy và nâng niu tiếng dế gáy cho cảm xúc nhớ quê hương trào tràn vào những đêm khuya mùa đông năm đó. Ông đón nghe tiếng hát của chú dế mỗi đêm, từ đó ông hồi tưởng lại tuổi thơ khá "bon chen"
vì dế với bạn bè. Thuở đó,
ông nói, ông có thằng bạn tên Mạnh ác nhơn háo thắng bóp chết con dế
của ông khi nó sắp lên chức vô địch trong một giải thi đá dế toàn thành phố. Sau sự
kiện đó ông thấy trò đá dế hơi vô nghĩa chút xíu, nhưng vẫn mê chơi dế, nhất là khi gia đình ông chuyển về Hà Nội nơi đô hội hiếm hoi dế,
rồi sau đó di cư vô Sài Gòn sinh sống. Ông mất luôn liên lạc với những người bạn đá dế của tuổi thơ. Sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, ông bị đi tù, và biết được Mạnh đang làm thiếu tướng sư trưởng sư đoàn đóng
quân vùng ông học tập cải tạo. Ông văn sĩ giờ trở thành "triết nhân", với một xã hội quan bi đát:
“...Nếu bây giờ tôi gặp lại Mạnh và chơi tiếp trò chọi dế, tôi nghĩ, dầu dế của tôi thắng vẫn bị Mạnh bóp chết và hắn vẫn thản nhiên tuyên bố thắng cuộc như thường!...”
Ông
văn sĩ với một ký ức về dế như vậy nên ông “...Không
biết làm gì hơn, hết nhìn trời nhìn đất, thở dài thở ngắn rồi lại nghe chú dế gáy. Đêm đông giá rét nằm
một mình trong căn phòng im vắng nghe tiếng dế than thở càng thêm não nùng thê thiết. Tâm tư tôi như nhập vào tiếng dế gáy. Tôi đếm từng nhịp từng hồi xem chú dế gáy có bài bản gì không hay chú chỉ gáy theo hứng theo bản năng...”
Theo
dõi tiếng dế gáy lại đưa ông về quá khứ đau lòng của những ngày ở trong trại tù cải tạo nơi những chú dế khi bị chộp lại trở thành “cái bồi dưỡng” cho tù
nhân. Một lần nào đó, văn sĩ đổi ba điếu thuốc rê lấy một con dế than đẹp và bự. Con dế bị nhốt trong hộp quẹt diêm lúc đầu không chịu gáy, và theo ông vì chú dế mất tự do nên ông văn sĩ phải dụ dỗ năn nỉ ỉ ôi, sau đó dế mới chịu gáy cho ông nghe đỡ buồn trong hoàn cảnh chủ và dế đều đang ở tù. Nhưng con dế
đó lại gáy bất kể giờ giấc, cứ thường xuyên gáy ngay giờ nghỉ trưa ngắn ngủn sau buổi sáng lao động ná thở của tù nhân. Tính mạng nó bị đe dọa bởi các bạn tù là điều dĩ nhiên. Nhưng niềm an ủi tuyệt diệu ông nhận được từ chú dế là những lúc “...tôi để nó trong túi áo. Thỉnh thoảng đang cuốc đất nó cất tiếng gáy vang cũng làm cho tôi tạm thời quên đi sự mệt nhọc vất vả với khoảnh đất lớn và cứng như đá...”
(Hết Hồi 15,
xin xem tiếp Hồi 16)
(Hồi 16 và Hết)
Nhưng rồi chuyện gì phải đến cũng đến thôi, và số phần con dế phải làm thức ăn thì phải làm thức ăn thôi!
“...Thế rồi một hôm, sau kèn bảo thức sáng, trở dậy tôi không nghe thấy tiếng gáy thường lệ chào bình minh của chú dế...”
Buồn thay khi ông văn sĩ lấy hộp diêm ra coi thì dế ơi thôi đã thôi rồi! Trại tù sầu thảm ngậm ngùi lòng ông!
“...Hộp diêm bị
bóp
bẹp. Chú dế nát thây, lòi cả ruột. Mấy con kiến đã mò tới
kiếm phần. Tôi biết thủ phạm chính là anh hàng xóm của tôi - người đã đổi
con dế lấy ba điếu thuốc rê! Anh tàn sát nó vì nó cất tiếng gáy làm anh không ngủ được...”
Cũng xong thêm một đời dế của những ngày tháng cũ!
Cùng
mùa đông đó vùng ông văn sĩ đang ở có nhiều gió mưa. Hoà trong tiếng hú của mưa bão, thỉnh thoảng ông vẫn nghe thấy chú dế cất tiếng hát, nhưng tiếng hát của chú dế không còn rộn ràng và dài hơi như trước nữa. Có lẽ chú dế cũng mòn mỏi với thời gian như ông. Nhưng ông văn sĩ đã tìm được phần nào giải đáp
cho cái thắc mắc của thằng Nhỏ khi ông viết “...cố hát cho lắm thì cũng vậy thôi. Đời vẫn diễn đi diễn lại cái trò đá dế
và
bóp
chết dế...”
Đúng rồi! đây
là một phần của lời giải đáp cho điều thằng Nhỏ lâu nay thắc mắc. Càng suy nghĩ thằng Nhỏ càng thấm thía một phần nào sự câm nín thinh lặng của con Tôn Tẩn vào những ngày đầu trong cái hộp thuốc tễ. Suy nghĩ thêm chút nữa, thằng Nhỏ cũng thấy thương thương ngậm ngùi cho cuộc đời của những người làm văn
nghệ đang cất tiếng "hát" mãi cho tới khi già nua sức tàn lực kiệt, dâng hiến cho đời những lý giải về những điều rất nhỏ rất đơn sơ của con người,
của xã hội và của thiên nhiên. Dù đó là những gì rất nhỏ và đơn sơ, chúng vẫn có thể khơi dậy thật nhiều điều tế vi khó hiểu tưởng chừng như đã
quên đang lẩn trốn trong các ngõ ngách li ti của tâm hồn người ta mà các khoa học gia hay triết gia thường hay bỏ
qua hay không bao giờ tìm đến, trong khi đó
những nhà nghệ sĩ luôn luôn cưu mang chúng trong lòng và luôn tìm cách
giải ảo dầu khi tuổi đã cao, ký ức mỏi mòn, sức đã
gần hết và lắm lúc phải “bắt dế” nếu không may mắn được sự trợ lực của tiếng dế tuổi thơ. Như đã nói, cõi người ta sẽ đâm ra buồn tênh nếu những người nghệ sĩ phải câm lặng như những chú dế trước ám ảnh của vồ chụp, của giam cầm,
của bóp nghiền nếu cất tiếng hát.
(Hết)
Luân Hồ Triệu