Sunday, 21 September 2014

Những bài viết khác

Cảnh báo sự dễ dãi trong việc sử dụng thành ngữ tục ngữ

 By 

Ca dao tục ngữ Việt Nam đã từng được các nhà sưu tầm nghiên cứu dân gian tìm hiểu giới thiệu khá kĩ càng mà rồi trong cuộc sống khi vận dụng vẫn xảy ra nhiều sai lạc, có khi lạc quá nguyên gốc thành vô lí mà người ta cứ nói cứ viết như không.







Ví dụ khi làm xong cái nhà, nhập nhà mới, người dán bùa trấn yểm làm ẩu, cái dán phía Đông lại dán sang phía Tây, mới bảo là “dán bùa lộn kèo”. Bây giờ thành ra thành ngữ “dán bùa l. mèo” dung tục và vô nghĩa mà người ta cứ nói mà không biết là nhầm.
Một câu nữa: “Có tiền mua tiên cũng được/ Không tiền mua được cũng không bị biến thành: “Có tiền mua tiên cũng được/ Không tiền mua lược cũng không”. Sai lệch ở đây là chữ “được” và “lược”. Không tiền thì giá bán có được cũng không mua được. Đã không tiền thì còn mua cái gì được nữa, huống hồ nói chuyên mua lược.
Câu “Trâu dữ mất họ/ Chó dữ mất hàng xóm” bị biến thành “Dâu dữ mất họ/ chó dữ mất láng giềng”. Trâu dữ thì bảo “họ” (đứng lại) nó cũng không nghe. Thế là mất họ… Thì ở đây trâu thành dâu (con dâu), dâu mà dữ tính là mất họ hàng như chơi! Toàn bộ thành ngữ này bị biến nghĩa khác hoàn toàn. Xưa nào có người dân quê nào ví con dâu với chó bao giờ!
Câu: “Vênh váo như khố rợ phải lấm” bị biến thành “Vênh váo như bố vợ phải đấm” thì biến nghĩa một cách hoàn toàn. Ngày xưa người dân quê thường đóng khố bằng vải rợ (vải dệt thô). Khi đi lội ruộng, bùn lấm lem vào. Lúc khô bùn cứng lại vênh bên nọ vẹo bên kia, hở hang cơ thể, trông thành trò cười nên mới có câu đó.
Câu “Bám anh em xa, mua láng giềng gần” là cách nghĩ và ứng xử mối quan hệ rất nhân văn trong nhà ngoài ngõ bị biến thành: “Bán anh em xa? Mua láng giềng gần”. “Bám” biến thành “bán”, thì quả là sai một li, đi một dặm, chỉ vì nghĩ chữ “bán” đối với chữ “mua”!
Câu ca dao: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không lịch cũng vẫn người Tràng An” bị dùng một cách phổ biến hiện nay là “Chẳng thơm cũng thể hoa lài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Lịch ở đây là lịch lãm, lịch thiệp, hàm ý rộng hơn, thanh lịch thì là vẻ bề ngoài.
Còn có thể tìm ra nhiều ví dụ nữa về việc dễ dãi trong khi dùng thành ngữ tục ngữ. Tuy vậy cũng dễ phát hiện thôi. Khi nghe thấy vô lý hoặc thô thiển thì cần tìm cách tra cứu để nhận diện ra nguyên gốc chứ đừng viết theo thói quen.
(Bài và tranh minh hoạ: Đỗ Đức)

No comments:

Post a Comment

Note: only a member of this blog may post a comment.