LÊN ĐỈNH TÀ LƠN
Bài và ảnh: CÚC TẦN
Tà
Lơn tiếng Anh là Elephant Mountains. Đỉnh cao là Phnom Bokor, tức Tà Lơn theo
cách gọi của người Việt. Đây là nơi các đạo sĩ nước ta thường lên tu tập, Đáng
chú ý là các vị Nguyễn Thành Đa (Cử Đa, đạo hiệu Ngọc Thanh), Huỳnh Phú Sổ (Giáo
chủ đạo Hòa Hảo), Ngô Văn Chiêu (Khai sáng một nhánh đạo Cao Đài)…
Hình 1: Phong cảnh ngoạn mục
Con đường từ chân dãy Elephant Mountains lên đến đỉnh
Bokor dài 34km, qua những tán cây xanh mướt hai bên đường. Các cây bá tùng thấp
nhỏ, gân guốc như một thuật sĩ tu luyện lâu năm với lá của cây bách và cây tùng
trên cùng một thân cây. Thấp hơn là địa lan và cây nắp nước cùng những ngọn cỏ
lá mảnh và nhọn. Con đường quanh co, uốn lượn qua ba ngọn núi của dãy Elephant Mountains rộng lớn, phẳng lì nên khách
thượng sơn chỉ mỗi việc mê mắt ngoạn cảnh.
Tà Lơn huyền bí
Tà Lơn (Bokor, Kampot, Campuchia) là đỉnh cao nhất của
dãy Elephant Mountains, 1.079m. Nơi đây có vô số khối
đá bị nước biển ăn mòn với vỏ sò dính trên đó; cát trắng mịn nên người ta cho
rằng hàng triệu năm trước Tà Lơn nằm sâu đáy biển. Một tác động nào đó khiến nó
vươn mình lên cao khỏi mặt đất như ngày nay với biết bao huyền bí. Thời xa xưa
đó, Tà Lơn được nhà văn Sơn Nam diễn tả trong tác phẩm”Thơ núi Tà Lơn” bằng bài
vè mà ông ghi chép, có đoạn như sau: “…Xứ
hiểm địa chim kêu vượn hú/Dế ngâm sầu nhiều nỗi đa đoan/Ngó dưới sông con cá
mập lội dư ngàn/Nhìn trên suối sấu nằm dư khúc/…/Loại thú cầm trông thấy chỉnh
ghê/Giống chằn tinh lai vãng dựa xó hè/Con gấu ngựa tới lui gần xó vách/Bầy
chồn cáo đua nhau lúc nhúc/Lũ heo rừng chạy giỡn bát loạn thiên/Trên chót núi
nai đi nối gót/Cặp dã nhân kêu tiếng rảnh rang/Ngó sau lưng con kỳ lân mặt đỏ
như vàng/Nhìn phía trước ông voi đen huyền như hổ/Hướng đông bắc con công tố
hộ/Cõi tây nam gà rừng gáy ó o…”. Thật là một quang cảnh rợn người, duy
nhất là nơi một số người Việt đầu thế kỷ 20 chọn làm nơi tu luyện.
Hình 2: Du khách
Với người Campuchia, theo truyền thuyết, Bokor được
cai quản bởi một vị nữ thần tên Ya Mao (Veang Kh’mau hay Diay Mao, người Việt
gọi bà Mau, dì Mau). Có hai truyền thuyết về Ya Mao: Ya
Mao là một phụ nữ ở một làng thuộc khu vực Ream.
Chồng bà đi làm ở Koh Kong. Vào một mùa mưa, người phụ nữ đi tìm chồng rồi bị
bão chìm thuyền. Bà hiển linh, báo mộng cho dân chúng ở phía nam, bảo vệ ngư
dân, dạy bảo mọi người sống tốt đẹp. Đôi khi bà cũng yêu cầu người dân cúng một
biểu tượng Linga. Thuyết khác, Ya Mao giận những người đàn ông vì bắt chồng đi
xa nên bà bắt đàn ông trong vùng phục vụ. Năm tháng qua đi, nghĩ rằng bà không
còn sức nữa nên người ta cúng chuối... Tượng bà Mau trên đỉnh Bokor, do ông Sok
Kong cho dựng. Tượng cao 22m trên bệ 15m, trên diện tích khoảng 1.500m2, vào
tháng 2-2012, dưới Quốc lộ 3 có thể nhìn thấy trong ngày quang mây. Ngoài việc
cúng chuối, người dân cùng dựng tượng linga để thờ. Hiện nay, trước mặt tượng bà
Mau trên đỉnh Bokor mịt mù mây khói, về phía trái, gần biệt điện hoang phế của
Sihanouk còn có tượng linga rêu phong theo năm tháng.
Vòng
vèo qua những đỉnh núi nhiều trảng trống xe dừng lại bên dưới chùa Năm Thuyền
(Wat Sampov Pram), là nơi cũng thu hút rất đông người đến cúng viếng. Chùa Năm Thuyền được xây dựng vào năm 1924 bởi vua
Monivong, mang phong cách đặc trưng Khmer với thần Chim Garuda trên các cột
chống. Chánh điện có những bức bích họa phật tích tuyệt đẹp có tuổi thọ 90 năm.
Đối diện chùa có bốn tảng đá nằm song song, đằng sau có tảng đá khác cùng hướng
về một phía. Tất cả giống như năm chiếc thuyền. Vì vậy chùa có tên Năm Thuyền. Theo
truyền thuyết, ngày xưa, Hoàng tử Preah Thong vâng lệnh vua cha nhường ngôi cho
em. Trong khi du ngoạn, chàng gặp nàng Nagani (Công
chúa thủy tề) xinh đẹp. Họ yêu nhau rồi kết thành gia thất. Long vương tặng vợ
chồng chàng 5 chiếc thuyền buồm khổng lồ chứa đầy châu báu làm của hồi môn,
cùng 500 gia nhân. Họ dong thuyền và xây dựng vương quốc mới và chàng được xem
như cha đẻ nền văn minh Khmer. “Thương hải biến vi tang điền”, nước biển rút
đi, mặt đất trồi lên cao, 5 chiếc thuyền buồm biến thành đá như hiện trạng.
Phía sau chùa Năm Thuyền là khu đất cỏ
mọc rậm với nền nhà hoang phế. Từ đây, nhìn thẳng là vực biển xanh mờ, ẩn hiện
xa xa trong trời mây là đảo Phú Quốc của nước ta. Nhìn sang phải, nơi mỏm đất
nhô ra có ngôi chùa Khmer mới xây vàng chóe với tượng Phật cao to in nền trời.
Từng đợt, từng đợt mây mù trắng đục từ vực biển trào lên như tấm voan lãng mạn
và thơ mộng phất nhẹ qua đời.
Từ chùa Năm Thuyền theo đường Nắp Ấm hiểm trở với
nhiều tảng đá hình thù kỳ quái là đến khu vực đậm chất huyền bí của Tà Lơn đối
với người Việt, là nơi có các điện: Tứ Giao, Minh Châu, Trung Tòa, Lan Thiên, Bình
Thiên, Bàn Ngự, Hàm Long, Cán Dù…- nơi các vị tổ của Huyền môn, các
vị giáo chủ bản địa Việt Nam chọn tu luyện, cũng là nơi các tín đồ Phật giáo
Hòa Hảo đến tĩnh tọa, tham thiền.
Công viên quốc gia Bokor
Phong cảnh Bokor hoang vu, mát mẻ, có chỗ lạnh như xứ
ôn đới, nên giới quý tộc Pháp cai trị đất nước Campuchia chọn làm nơi nghỉ
dưỡng.Từ năm 1925, họ xây dựng nhà thờ, trường học, bưu điện, biệt thự, khách
sạn cao cấp, casino… với tên gọi Bokor Hill Station, công nhận Bokor là Công
viên quốc gia. Người Pháp lên đây tiệc tùng. Người Trung Quốc lên đánh bạc. Rất
nhiều người thua cháy túi nhảy xuống vách đá phía sau casino. Thập niên 1950 –
1960, vua Sihanouk, hoàng tộc và giới tài phiệt Campuchia chọn nơi đây làm nơi
nghỉ dưỡng, thư giãn. Thời hoàng kim của Bokor rồi cũng qua đi, tất cả các công
trình đồ sộ đều hoang phế đến đỗi người ta gọi nó là “Thành phố ma”. Song, cái
vẻ hoang tàn, kỳ bí ấy đã khiến các nhà làm phim chọn làm bối cảnh quay hai bộ
phim “City Of Ghost” (2002) và “R-Point” (2004).
Hình 3: Khách viếng thăm Casino
Đối lập với “nơi kỳ lạ nhất thế giới”, ngày nay
Bokor là một phần của Công viên quốc gia Preah Monivong (1993), có khu giải trí nghĩ dưỡng phức hợp đang
hình thành là Thansur Bokor, mang phong cách Khmer hiện. Quy mô khu nghỉ dưỡng
rộng trên 60.000m2, trên độ cao 1.079m, với hơn 412 phòng nghỉ tiêu chuẩn và
cao cấp; khu ẩm thực phong phú với tổ hợp 12 nhà hàng; khu giải trí quốc tế với
các trò chơi đa dạng, không gian hội nghị, phòng tiệc rộng lớn, nhà hát tân kỳ
sức chứa hơn 6.000 người; khu giải trí sang trọng với các phòng KTV, disco được
thiết kế đặc biệt; khu spa đẳng cấp kết nối phòng tập thể hình, hồ bơi hiện
đại; sân golf 18 lỗ được thiết kế bởi golf thủ lừng danh, Arnold Palmer; khu
giải trí giáo dục trẻ em rộng trên 200m2… Thansur Bokor do tập đoàn Sokha thực hiện. Sokha là con gái tỉ phú đô la
Sokkong, người sinh ra tại Prey Veng (Campuchia) nhưng có cha mẹ gốc Việt. Khởi
nghiệp với 1,5 chỉ vàng, Sokkong giờ làm chủ nhiều ngành nghề trên đất
Campuchia và Việt Nam.
Ông là người Việt duy nhất được Quốc vương Sihanouk ban tặng tước hiệu Oknha
(Công tước) vì những cống hiến cho xã hội…
Hình 4: Khách thăm
Con
đường lên núi khi mới mở phải tốn 5 đô la Mỹ mới được vào, nay không còn nữa.
Công viên quốc gia Bokor có nhiều thú hoang dã, các loài chim quý hiếm. Bokor là
ngọn núi có thể nói đẹp nhất đất Chùa Tháp. Vào mùa mưa, trên lưng chừng núi dầy đặc sương mù, có khi cách 1m không
nhìn thấy nhau. Đến với Bokor là đến với huyền thoại đậm chất dân gian và hiện
thực sinh động đang dần biến nó thành nơi du lịch sinh thái hấp dẫn nhất
Campuchia.
Bài & ảnh: CÚC TẦN
-----
Chú thích:
Hình 1. Phong cảnh ngoạn mục nơi chùa Năm Thuyền làm say đắm du khách.
Hình 2. Du khách và khách hành hương viếng tượng bà Mau trên đỉnh Bokor.
Hình 3. Khách tham quan casino trong khu phức hợp Thansur Bokor.
Hình 4. Khách tham quan nào cũng thích có tấm ảnh kỷ niệm nơi phái sau lưng, bên
trái, xa xa là đảo Phú Quốc (Việt Nam).