Wednesday, 30 March 2016

Những bài viết khác

TUẤN KHANH

Cái ác trỗi dậy, vì người Việt không còn niềm tin
















Ảnh từ internet, của tác giả KiraUsagi

Người Việt đang bị đay nghiến là những kẻ độc ác với đồng loại. Rất nhiều chứng cứ cho thấy tâm tính ngàn đời của dòng giống Lạc Hồng đang vào cơn lốc thay đổi đến chóng mặt: hàng ngàn người va chạm nhau trong dịp lễ Tết, xung đột đến mức vào bệnh viện, nông dân âm thầm bỏ hóa chất vào ruộng đồng, người chăn nuôi bơm thuốc độc vào sản phẩm trước khi mang ra chợ. Đất nước như đang vào một cuộc nội chiến không tên gọi. Cuộc chiến không có người chiến thắng mà chỉ có tự hủy diệt như trong đấu trường La Mã Colosseum, còn những kẻ chủ mưu nào đó thì hò hét và vỗ tay trên các khán đài.

Hóa ra, như cách nói hiện nay thì người Việt âm ỉ mang cái ác trong lòng từ lâu, chỉ chờ thời cơ để bùng nổ hay sao? Dân tộc ngàn đời sống với lúa nước, với chài lưới hiền lành lại giao truyền lại cho nhau tính hiếu sát?

Thật khác biệt với những gì lịch sử ghi chép về một đất nước mà Nguyễn Trãi viết Bình Ngô Đại Cáo để không phải mở đại sát giới, phát lương thực cho kẻ quy hàng hồi hương. Bạn có nghĩ giống tôi không, rằng dân tộc mình không như những gì đang thấy, mà đang vào giai đoạn bị bỏ độc vào tư duy, trở nên biến dị lạ thường.

Trong một lần được chất vấn về thế nào là sức mạnh, Đức Phật đã trả lời rằng “hiền lương mạnh nhất”. Bởi hiền lương không tạo ra kẻ thù, và cũng không thể có kẻ thù. Hiền lương sống và tồn tại với thế gian trong tâm thế hợp nhất, không gì có thể đổi dời được. Dân tộc Việt Nam trãi qua hàng ngàn năm luôn chiến thắng mọi sức mạnh bên ngoài bởi không cí ham muốn dùng sức mạnh nào để cướp đoạt hay thống trị. Mà chính sự hiền lương của một dân tộc biết nhớ thương mái đình, ngôi làng, con trâu, mảnh lưới… của mình khiến họ cuỡng lại được mọi loại cường quyền. Người Việt hôm nay rất mạnh và khác biệt. Người Việt thích khoe sức mạnh, thích giới thiệu đẳng cấp và vượt lên hào nhoáng trên đám đông. Người Việt đang trong một quá trình lọc máu tim mình, học đòi theo những hình mẫu khác và đânh mất dần sức mạnh thật sự của mình là sự hiền lương.

Vì sao đánh mất sự hiền lương? Cuộc sống hôm nay quá đỗi eo sèo, đang hối thúc những con người chân chất nhất phải nhìn lại mình, rằng mình có đang rất ngu ngốc không giữa cuộc đời đang ngày càng ích kỷ và vô tâm này. Vài năm trước, người ta đọc tin một đôi vợ chồng trẻ ở Bắc Kinh bán đứa con nhỏ để mua iphone đời mới. Ít lâu sau ở Việt Nam đã có người giết ông bà của mình để lấy tiền chơi game. Ở Thượng Hải từng có video đường phố, ghi lại cảnh đứa con khỏe mạnh đánh đập cha mẹ già giữa đường vì tức giận phải mang vác chữ hiếu trong khi muốn tận hưởng đời riêng. Không lâu sau, Việt Nam cũng nổi lên những câu chuyện tương tự, làm nát lòng những người tử tế trên đất nước mình, với câu hỏi vì sao?

Hãy nhớ lại cách đây không lâu, người Trung Quốc từng tố cáo các loại thực phẩm độc hại, quảng bá các công ty, cá nhân ở Trung Quốc đang không màng đến sống chết của người khác, miễn là được tư lợi. Thật nhanh chóng, làn sóng này ập đến Việt Nam, quy mô hơn và ác hiểm hơn. Việt Nam và Trung Quốc như trong trong câu chuyện thế giới song song của Nobieta và Doraemon. Soi vào nhau, chúng ta đang thấy mọi thứ hiện ra của đường trượt dài vào cái chết. Hãy tự hỏi mình là vì sao chỉ có Việt Nam và Trung Quốc, chứ không có nơi nào khác sát đường biên như Thái Lan, Lào, Campuchia hay thậm chí là Mông Cổ, Tây Tạng?

Người dân của đất nước Trung Hoa vĩ đại đang coi cuộc sống của mình trên quê hương như những dự án ngắn hạn và tạm thời. Khi cảm thấy thu thập đủ họ sẽ ra đi và để lại phần khốn khó nhất cho tất cả những người ở lại, mà họ đã tàn hại và bóc lột được. Họ không còn niềm tin trên quê hương mình ngoại trừ những kẻ đang vẫn còn được quyền lợi hay những kẻ đang còn tận dụng những âm mưu để nạo vét đất nước mình. Khi ôm đủ những đồng tiền đầy máu và rũ bỏ sự hiền lương, họ sẽ rời khỏi đất nước không nuối tiếc. Người Việt cũng đang có những khuynh hướng không khác gì. Những dự án ngắn hạn như vậy cũng đang hoành hành trên đất nước này. Có thể nhiều người sẽ không có một cơ hội để ra đi nhưng ít ra, họ tự an ủi rằng họ có thể sống sót ở một thế giới mà họ còn quá ít niềm tin.

Chắc sẽ có người nói rằng, dẫu sao thì người Việt cũng ác, nhưng cái ác không tự sinh ra. Cái ác là một tập tính, tiếng vỗ tay và lời hò reo hiểm độc từ các hàng ghế của bọn quan lại trong đấu trường Colesseum. Cái ác của chúng ta và người bạn Trung Quốc, lúc này, cũng hết sức cá biệt trên thế giới.

Tháng 9/2015, có một tai nạn kinh hoàng diễn ra ở thung lũng Mina, gần thánh địa Mecca, Saudi Arabia. Một vụ ùn tắc nhỏ trong đám đông hàng chục ngàn người hành hương đã dẫn đến sự hỗn loạn, biến thành thảm kịch giẫm đạp lên nhau để thoát ra ngoài, gây nên 2000 người chết và bị thương. Đám đông hiền lành và đầy đức tin đó, trong tích tắc đầy hoảng sợ và không  còn lối thoát đã trở thành những kẻ đạp lên đồng loại của mình một cách không thương tiếc, tìm cách sống sót, bất chấp mình có thể phải giết một ai đó.

Cái ác của người Việt trong cuộc sống, được nói tới lúc này, cũng như những kẻ hành hương mang trái tim hiền lương đi về phía trước, nhưng rồi bất ngờ phải tàn bạo để có thể sống sót.

Đức Phật nói con người hiền lương là con người mạnh mẽ nhất. Chúng ta đang bị đầu độc tư duy để làm suy nhược sự hiền lương của dân tộc này, đất nước này. Sự hiền lương vốn được chứng nhiệm ở đất nước Miến Điện, nơi chính quyền phải buông súng để nhường chỗ cho những cánh hoa sứ cài trên tóc. Sự hiền lương khiến họ cũng đủ niềm tin để gọi tên Trung Quốc là kẻ ác, và từ chối đánh mất mình.

Nguồn:
Tuấn Khanh's Blog

Thursday, 24 March 2016

Những bài viết khác

Tổng Thống Obama tại Havana

Sau đây là một vài trích-đoạn từ bài diễn-văn của tổng-thống Obama ngày 22/3/2016 tại Gran Teatro (Nhà Hát Lớn) ở Havana, Cuba, dưới sự chứng-kiến của chủ-tịch nước Raul Castro và khoảng một ngàn quan-khách. Buổi nói chuyện cũng đã được trực-tiếp truyền-thanh/truyền-hình đến với người dân Cuba.
Tổng Thống Obama trình bày bài diễn văn của ông tại hí viện Grand Theater of Havana ở Cuba hôm thứ Ba 22/3/2016. Ông Obama nói rằng ông đến Cuba để "chôn cái dấu vết cuối cùng của Cuộc Chiến Tranh Lạnh ở Châu Mỹ."
Ảnh: Desmond Boylan/AP
"Kính thưa quý vị,
Havana chỉ cách Florida có 90 dặm. Vậy mà để đến được đây chúng ta đã phải đi qua một chặng đường quá dài, phải vượt qua bao nhiêu rào cản của lịch-sử, của đau thương, và của ly-biệt...
Biết bao nhiêu trăm ngàn người di dân Cuban đã tìm cách vượt qua khoảng không-gian ngắn ngủi này--bằng phi-cơ hay trên những chiếc bè tự-chế, để đến được bến bờ của tự-do và cơ-hội, bỏ lại sau lưng bao nhiêu tài-sản cũng như bao nhiêu người thân...
Hôm nay tôi đến đây, là để chôn nốt những tàn-dư cuối cùng của cuộc Chiến-Tranh Lạnh. Tôi đến đây để bắt tay và kết bạn với người dân Cuba...
Nhưng chúng ta không thể, và không nên, bỏ qua những dị-biệt giữa hai thể-chế, hai nền kinh-tế và hai xã-hội. Cuba là một chế-độ độc-đảng, Hoa-Kỳ là một nền dân-chủ đa-nguyên. Mô-hình kinh-tế của Cuba là xã-hội chủ-nghĩa, của Hoa-Kỳ là thị-trường mở. Cuba nhấn mạnh vai trò và quyền-lực của nhà nước, Hoa-Kỳ được xây-dựng trên tư-quyền của cá-nhân...
Tôi muốn chia sẻ với các bạn viễn-cảnh về tương-lai của chúng ta theo cách nhìn của tôi. Tôi muốn người dân Cuba, nhất là lớp trẻ, hiểu tại sao tôi tin rằng các bạn có thể hướng đến tương-lai trong niềm hy-vọng chứ không phải bằng những lời hứa hão-huyền tô son thực-tế, hay bằng sự tự-tin mù quáng rằng các vấn-nạn xã-hội sẽ tự biến mất nay mai.
Niềm hy-vọng ấy bắt nguồn từ một tương-lai do các bạn tự chọn lựa, uốn nắn và xây dựng cho quê-hương mình. Tôi tin rằng người dân Cuba thông-minh sáng-tạo không thua bất kỳ dân-tộc nào khác trên thế-giới.
Tôi xác-quyết rằng Hoa-Kỳ không đủ khả-năng cũng như không có ý-định ép Cuba phải thay đổi. Cuba thay đổi hay không là tuỳ vào ý muốn của người dân.
Chúng tôi thừa hiểu rằng mỗi dân-tộc phải tự vẽ ra con đường cho chính mình. Nhưng vì chúng ta vừa thoát ra khỏi cái bóng đè của lịch-sử nên tôi xin phép được thẳng-thắn chia sẻ với quý vị những suy nghĩ của mình, cũng như của nhân-dân Hoa-kỳ nói chung....
Thi-sĩ Jose Marti của Cuba từng viết: "Tự-Do là quyền được sống thật, được suy nghĩ và phát-ngôn mà không cần phải ra vẻ đạo-đức giả." Thế nên tôi cũng xin nói với các bạn những điều tôi hằng tin. Tôi không cần các bạn phải đồng-ý, nhưng các bạn cần biết tôi tin những gì.
Tôi tin rằng tất cả mọi người đều bình-đẳng trước pháp-luật. Tôi tin rằng nhân-phẩm của trẻ em phải được bảo-vệ bằng giáo-dục và y-tế, bằng cơm ăn áo mặc và nhà cửa tử-tế. Tôi tin rằng mọi công-dân đều có quyền phát-biểu ý-kiến mà không sợ bị bắt-bớ. Ai cũng có quyền lập-hội, quyền chỉ-trích nhà nước, và quyền phản-đối trong ôn-hoà. Tôi tin rằng pháp-luật không được phép bỏ tù người dân khi họ sử-dụng những quyền căn-bản này. Tất cả mọi người đều phải có quyền tự-do tín-ngưỡng. Và dĩ-nhiên tôi cũng tin rằng mọi cử-tri phải được quyền chọn người đại-diện chính-phủ cho mình qua những cuộc bầu-cử tự-do và dân-chủ.
Không phải ai cũng đồng-ý với tôi hay với người dân Mỹ về những điểm này. Nhưng tôi tin rằng các nhân-quyền nói trên áp-dụng cho tất cả mọi người. Nó đúng cho dân Mỹ, cho dân Cuba, và cho tất cả mọi dân-tộc khác trên thế-giới...
Vì vậy, đây là thông-điệp tôi muốn nhắn gửi đến nhà nước cũng như nhân-dân Cuba:
Những lý-tưởng cách-mạng -- của Hoa-Kỳ, của Cuba, của bao cuộc nổi dậy khác trên thế-giới, tôi tin rằng chỉ thật sự có ý-nghĩa khi chúng được đặt trên nền-tảng dân-chủ. Tôi tin như vậy không phải vì nền dân-chủ của nước Mỹ là toàn-hảo, mà bởi vì nó KHÔNG toàn-hảo. Đất nước chúng tôi, cũng như bao quốc-gia khác, cần không-gian rộng lớn của dân-chủ để tự điều-chỉnh. Bất cứ người dân nào cũng có thể là nhân-tố cho sự thay đổi, đưa ra những ý-tưởng mới, sáng-lập những mô-hình xã-hội tốt đẹp hơn. Ngay lúc này và ngay trong nước Cuba, một sự tiến-hoá cũng đang ngầm xảy ra; một thế-hệ người dân Cuban mới đang thành-hình...
Có người nghĩ rằng tôi đến đây để kêu gọi người dân đập đổ một cái gì đó. Nhưng sự thật là tôi chỉ muốn kêu gọi thanh-niên Cuba hãy vực nhau dậy để xây-dựng một cái gì đó.
Tôi hết sức cảm tạ tấm thịnh-tình của chủ-tịch Castro. Tôi tin rằng việc tôi đứng đây hôm nay chứng-tỏ ông không có gì để phải lo sợ từ phía Hoa-kỳ.
Với lòng quyết-tâm bảo-vệ chủ-quyền và sự tự-trị của Cuba, ông cũng không cần sợ tiếng nói đa-chiều của dân-chúng hay lo-lắng khi họ được quyền phát-ngôn, tụ tập hoặc bầu chọn người lãnh-đạo...
Tôi cũng có nhiều kỳ-vọng cho tương-lai bởi vì giữa người Cuban với nhau đang xảy ra một cuộc hoà-hợp hoà-giải. Tôi biết nhiều người Cuban trên đảo vẫn cho rằng những kẻ bỏ xứ ra đi năm xưa vẫn còn ủng-hộ chế-độ cũ. Tôi nghĩ họ cứ tin là những người di-dân kia đã không nhìn thấy những tệ-nạn xã-hội thời tiền-cách-mạng và không chấp-nhận cuộc đấu-tranh để xây dựng một tương-lai mới.
Nhưng tôi có thể xác-định với quý vị rằng những người di-dân kia đang cưu-mang bao nhiêu ký-ức đau thương của những cuộc cách-ly đầy máu và nước mắt. Họ yêu Cuba, và một phần của họ luôn luôn xem nơi đây là chốn quê nhà. Chính vì vậy mà nỗi đau của họ rất sâu, và không ít người đã trở nên quá khích. Riêng đối với cộng-đồng người Cuba mà tôi được dịp gặp-gỡ và tiếp-xúc, đây không phải chỉ là một vấn-đề chính-trị mà còn là chuyện gia-đình. Họ nhớ đến căn nhà cũ, họ mơ được quay về nối lại mối thâm-tình bị đổ vỡ. Họ mong được gầy dựng một ngày mai sáng sủa hơn. Họ đặt niềm tin vào sự kết-hợp và hoà-giải dân-tộc....
Những người Cuba đầu tiên tôi được biết là những người di-dân đầy nhiệt-huyết và tài-năng ở Mỹ. Ngoài sự đau khổ tinh-thần của kẻ biệt-xứ họ còn phải chịu đựng biết bao điều khốn-khó ở một đất nước xa lạ. Họ đã phải làm việc cật-lực để mưu-sinh và để cho con cái mình có cơ-hội vươn lên trong xã-hội Mỹ. Bởi thế cho nên việc hoà-hợp hoà-giải giữa các thế-hệ con cháu của những người cách-mạng và con cháu những thế-hệ di-dân sẽ là nền tảng cho tương-lai của Cuba.
Lịch-sử giữa Hoa-Kỳ và Cuba có cách-mạng, chiến-tranh, đấu-tranh, hy-sinh, ân-oán, và bây giờ là hoà-giải. Đã đến lúc chúng ta bỏ quá khứ lại sau lưng. Đã đến lúc chúng ta cùng quay hướng nhìn về tương-lai. Đây chắc chắn không phải là việc dễ và sẽ có lúc chúng ta gặp phải chướng-ngại. Công việc này sẽ đòi hỏi rất nhiều thời-gian. Tuy nhiên, những ngày ở Cuba vừa qua cho phép tôi đặt niềm tin và hy-vọng vào nhân-dân Cuba. Chúng ta có thể đồng-hành như bạn, như láng giềng, và như người thân trong gia-đình.
Si se puede. Mucho gracias. Thank you."

-translated by ianbui
(nguồn: TIME)


----------
Nguồn: FaceBook Nghĩa Bùi

Wednesday, 23 March 2016

Những sáng tác khác của Hồn Trẻ 20

Về Bạc Liêu vui Tết Thanh-minh

PHÙ SA LỘC

           Du lịch Bạc Liêu có những điểm tham quan hấp dẫn như Vườn chim Bạc Liêu, tháp cổ Vĩnh Hưng, Khu du lịch Nhà Mát – Quan Âm Phật đài, Giồng Nhãn,.. Bạn nên sắp xếp thăm thú các danh lam thắng cảnh này 1 ngày trước ngày Tết Thanh-minh – lễ hội đậm nét văn hóa người Hoa sống hàng mấy trăm năm trên mảnh đất ven biển đồng bằng sông Cửu Long này.  
          Năm nay, Tết Thanh-minh diễn ra ngày 4-4-2016, tức 27-2 âm lịch. Nhưng trong suốt tháng 2 hoặc tháng 3 âm lịch, người Hoa, đặc biệt là người Tiều (Triều Châu, Quảng Đông, Trung Hoa) rộn rịp chuẩn bị cho ngày Tết quan trọng nầy. Cả gia đình họ cùng nhau đi tảo mộ - quét tước sạch sẽ phần mộ người thân, sơn phết những tấm bia mộ phai màu qua thời gian mưa nắng, nhổ sạch cỏ dại trên hoặc chung quanh nấm mộ. Đặc biệt, tiêu diệt những cây thân mộc, vì họ cho rằng rễ cây đâm xuyên vào phần mộ sẽ khiến ông bà cha mẹ quá cố của họ nằm không yên, khiến gia đình họ làm ăn không được hanh thông…        
          Thành phố Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) là nơi có đông cư dân người Tiều sinh sống lâu đời. Xưa kia họ định cư đông đến nỗi ca dao có câu (xin lỗi): “Bạc Liêu là xứ cơ cầu/Dưới sông cá chốt trên bờ Tiều Châu). Chính vì vậy mà Tết Thanh-minh là ngày vui nhất, rộn rịp nhất đối với cư dân địa phương, là tết đoàn viên, biểu tỏ bổn phận con cháu đối với tiền nhân đã khuất. Nên con cháu dù đi làm ăn xa, nhất là nước ngoài, cũng cố gắng sắp xếp công ăn việc làm trở về tham dự. Đây là ngày giỗ chung để mọi người trong gia tộc báo hiếu với tổ tiên. Từ tang tảng sáng, khi trời chưa đâm mây ngang, trong ngọn gió mát lành thổi vào từ biển,  là họ đã tay xách nách mang những vật phẩm cúng tế đến Triều Quang Sùng Thiện Đường (nghĩa địa Tiều) cách trung tâm thành phố Bạc Liêu 3km. Những chiếc xe gắn máy è ạch chở nặng hương đèn hoa quả, bánh mứt cùng các thức cúng mặn. Những chiếc xe bốn bánh chở cả gia đình cũng với nhiều thức cúng cùng nhau hướng về khu nghĩa trang. Không khí như một ngày hội. Cụ Nguyễn Du đã diễn tả: “Thanh-minh trong tiết tháng ba/Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh”, khung cảnh cũng gần giống như vậy ở Bạc Liêu.

Mộ Tiều ở Nghĩa trang Tiều Bạc Liêu trong ngày Thanh-minh.

          Nghĩa trang Triều Châu Bạc Liêu là khu đất rất rộng. Nơi đó là tập hợp nhiều ngôi mộ lớn nhỏ nằm ngay ngắn, song hành. Gồm hai khu: Khu xi măng dán gạch men là mộ cải táng. Còn lại là những ngôi mộ đất. Mộ Tiều truyền thống luôn chiếm diện tích lớn. Bao quanh nấm mộ là bờ thành đất hình vòng tay mở, phía lưng cao hơn như có ý che chở, giữ sự ấm áp cho nấm mộ chính. (Ngày nay đất chật người đông, loại mộ chiếm nhiều diện tích như vầy không còn nhiều). Trước nấm mộ có ba phần: Phần nhỏ nhất là bia mộ với những hàng chữ Hoa khắc sâu, sơn đỏ, tên người nằm dưới mộ được sơn màu xanh hoặc đỏ. Màu đỏ là mộ phần của người dưỡng già (còn sống). Còn màu xanh biểu thị dưới lòng đất lạnh là nắm xương người đã khuất. Hai bên bia mộ là cặp liễn đối. Phía trước bia mộ là không gian khá rộng được lót đá phiến hoặc gạch tàu, hay tráng xi măng. Đó là nơi người ta dọn thức cúng. Lễ cúng Thanh-minh được chuẩn bị chu đáo với một bộ tam sên, nhang, đèn, giấy tiền, vàng bạc, quần áo giấy… cùng các loại bánh trái, thức ăn, thức uống… Đặc biệt, người khá giả thường có heo quay. Tuy nhiên trong thức cúng nhất thiết phải có bánh bao không nhân. Vừa đến mộ phần, người dọn thức cúng, người lo gắn giấy ngũ sắc lên nấm mộ, gọi là “bận áo mới cho mộ”. Thường thì trẻ con rất thích thú công việc nầy. Vì vậy, nhìn tổng quan khu nghĩa trang rất vui mắt, không buồn thảm như ngày thường. Cúng xong mấy tuần trà, rượu, người ta đốt giấy tiền, vàng bạc, quần áo giấy… rưới chút rượu, rải muối gạo chung quanh là hoàn tất. 

Cúng mộ trong ngày Thanh-minh.

          Tất cả thức cúng dọn ra phần cánh cung rộng lớn ngoài cùng trước mặt mộ, cả nhà xúm xít chung vui với rượu thịt ê hề. Dịp hiếu hỉ này khiến tấm lòng họ rộng mở, bạn đến tham quan sẽ được họ niềm nở mời dự bữa “điểm tâm nặng”. Trong niềm lâng lâng càm khái của một buổi sáng nắng mai hưng hửng, người trộng tuổi kể con cháu nghe ngày xa xưa, buổi cúng Thanh-minh thường diễn ra vào xế chiều. Chiều đó, người ta nườm nượp trên đường gánh gồng thức cúng đến nghĩa trang. Cúng xong, nắng tắt, tiệc bày ra vừa ăn vừa ca hát vui vầy cả đến khi trăng lên, nếu nhằm ngày có trăng. Thật là một không khí đoàn viên ấm cúng, vui tươi. Đây cũng là dịp nam thanh nữ tú quen nhau, kết thân, có khi kết duyên giai ngẫu.
Tiệc đoàn viên trong Tết Thanh-minh.

          Điểm đặc biệt là Thanh-minh ở Bạc Liêu không chỉ với người Tiều mà còn có sự tham dự của người Khmer. Người Tiều lai Khmer. Sự pha trộn huyết thống tạo ra nét văn hóa tâm linh. Theo tập quán, người Khmer qua đời được hỏa táng, gởi nắm xương tàn vào tháp cốt trong chùa. Vì vậy ngày Thanh-minh gia đình họ cũng đến đây dán giấy ngũ sắc lên thành tháp cốt rồi cúng bái, cùng thưởng thức thức cúng một cách an vui. Để thấy được cảnh này, bạn nên rong xe đến chùa Xiêm Cán, cách thành phố Bạc Liệu 12km. Trên đường về, bạn ghé tham quan cây xoài 300 tuổi (xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu) đã được công nhận “Cây di sản Việt Nam”. Đặc biệt, cạnh cây xoài quý này có ngôi mộ “khổng lồ”, gọi “mộ trăm người” – vì chứa hàng trăm hài cốt chưa có người nhận sau khi chính quyền thông báo giải tỏa khu nghĩa trang, gom lại. Dù là mộ “vô chủ” nhưng trong ngày Thanh-minh nấm mộ đất cao vời cũng rực rỡ với những tờ giấy ngũ sắc hình chữ nhật dài phất phơ vui mắt trong gió chướng. 

Mộ trăm người tuy "vô chủ" nhưng cũng được bá tánh "bận áo mới" trong ngày Thanh-minh.

          Trên đường về, cách đó không xa, bạn ghé Giồng Nhãn (có trên 1 thế kỷ) thưởng thức những chiếc bánh xèo giòn rụm, bùi béo mỡ cùng những cọng rau thơm giòn ngọt chân răng. Chiều về thành phố Bạc Liêu, bạn nên tham quan chiếc đồng hồ đá có một không hai ở Việt Nam do bác vật Lưu Văn Lang sáng tạo và thực hiện. Sau đó, băng qua lộ, bạn vào hậu viện khu nhà Công tử Bạc Liêu (mặt tiền số 31 Điện Biên Phủ). Buổi tối, cũng nên thử một đêm ngủ trong phòng công tử Bạc Liêu nơi khách sạn mang tên người con địa chủ giàu có, để thử hưởng cảm giác “phong lưu công tử” trước khi rời thành phố duyên hải miền Tây. Sáng đó, bạn đừng quên điểm đặc sản Bạc Liêu với bún bò cay hoặc bánh tằm Ngan Dừa hay bánh củ cải. 
PHÙ SA LỘC
-----------------------
Giá vé xe đò Sài Gòn – Bạc Liêu: 
Hãng Mai Linh, giường nằm 40 chỗ: 145.000 đồng.
Các hãng Anh Tuấn, Đức Trọng, Hoàng Cung: giường nằm 40 chỗ: 160.000 đồng. 
Hãng Hân Nghĩa, ghế ngồi 45 chỗ: 160.000 đồng.
-------------------- 
Các điểm du lịch của Bạc Liêu:  
-  Tháp cổ Vĩnh Hưng phát hiện năm 1911, được nhà cầm quyền đương thời xếp hạng thứ 14 trong danh mục các di tích lịch sử ở Nam kỳ. Tháp còn có các tên gọi tháp Lục Hiền, tháp Bhah Dhat… 
-   Nhà thờ Cha Diệp ở Tắc Sậy, thị trấn Hộ Phòng, huyện Giá Rai.  
-    Khu du lịch Nhà Mát – Quan Âm Phật đài ở khóm Nhà Mát, phưởng Nhà Mát, TP Bạc Liêu.



Tuesday, 22 March 2016

Những sáng tác khác của Hồn Trẻ 20


Thanh trà vàng cam 
màu nắng phương Nam

PHƯƠNG KIỀU
      
Năm nào cũng vậy, cứ sau Tết Nguyên-đán, dài theo hai bên đường dẫn lên cầu Cần Thơ (phía TX Bình Minh, Vĩnh Long) là khách qua đường thấy lạ. Họ vui mắt với những chùm trái thanh trà vàng cam màu nắng treo lủng lẳng dưới những tán dù, đung đưa trong cơn gió chướng phần phật thổi. Và màu vàng gợi cảm của những chùm trái cây nhiệt đới này hình như giúp họ dịu đi cơn khát trong ánh nắng rực rỡ của những ngày gay gắt nắng.


       Càng vào sâu mùa trái thanh trà (khoảng đầu tháng 3 âm lịch), người ta treo bán trái cây đặc sản của TX Bình Minh dài theo quốc lộ 54, từ ấp Phù Ly (TX Bình Minh) đến khỏi thị trấn Trà Ôn (Trà Ôn, Vĩnh Long), qua cả TP Cần Thơ. Sáng cũng như chiều tối, hai bên đường lúc nào cũng lủng lẳng những chùm trái thanh trà mời gọi, “hút hồn” khách qua đường. Tuy nhiên bán đậm đặc nhất vẫn là khu vực xã Đông Bình, nhất là xã Đông Thành. Đông Thành có 40 ha đất nông nghiệp, mà diện tích trồng thanh trà chiếm đến phân nửa, từ ấp Đông Hưng đến ấp Đông Hòa và Mỹ Hòa, nhưng nhiều nhất là ấp Đông Hưng 2. Có dịp ngang qua đây, tưởng cũng nên vào thăm những khu vườn thanh trà um tùm dọc theo bờ sông Hậu. Tuy nắng gay gắt nhưng vào đây, người ta được hưởng bầu không khí dịu mát. Trước mắt là những tàng cây xanh đậm, chi chit những trái thanh trà vàng cam treo lủng lẳng gọi mời. Bạn sẽ được chủ vườn mời thưởng thức ly nước thanh trà giải khát và nghe họ kể nguồn gốc loại cây đặc sản địa phương nầy. Theo đó, ngày xưa, nhà ông cả có mấy cây thanh trà chua. Người quen thấy cây lạ, có trái đẹp, xin giống về trồng. Mấy năm sau cây ra trái, thương lái Sài Gòn đi ngang thấy trái màu đẹp mắt, hỏi mua. Rồi từ đó loại trái cây nầy trở thành sản phẩm ngày càng phát triển, bán cả Sài Gòn...

       Theo Dược sĩ Phan Đức Bình (Tạp chí Thuốc & Sức khỏe, số 331, ngày 1-5-2007) thanh trà là cây mọc hoang, người xưa gọi xoài hoang dại (Wild Mango), tên khoa học Bouea Oppositifolia (Roxb.) Meissn., tên cũ Mangifera Oppositifolia Roxb, cùng họ Anacardiaceae với cây xoài. Vì giống trái xoài nhưng lớn cỡ ngón chân cái, nên dân Đông Thành gọi xoài mút (khi ăn phải mút) hay xoài hột (vì hột to).
       Từ một loại cây hoang dã, thanh trà đã được thuần chủng thành cây ăn trái hấp dẫn. Trái thanh trà khi ăn phải vò mềm, lột bỏ vỏ, chấm muối ớt. Nếu làm nước giải khát thì vò xong, dằm trong ly với đường cát, dằn chút muối hột, cho nước sôi để nguội vào, quậy đều. Người ta còn dùng thanh trà làm gia vị trong món ăn. Vị chua thanh của trái hơn hẳn vị chua của các loại cây trái khác, hơn cơm mẻ, hèm…, khiến thịt cá chua có mùi thơm dịu, nhất là nước của nó húp một cái “đã thần hồn”! Người ta còn dùng trái thanh trà làm thành mứt, dành cho khi mùa trái chấm dứt vào cuối tháng ba âm lịch. Theo y lý, thanh trà có tác dụng ngừa và trị các chứng bệnh: cao huyết áp, người có thể trạng suy nhược, người bị bệnh nan y, đặc biệt bệnh ung thư. Được như vậy nhờ thanh trà có chứa nhiều beta carotene, vitamin nhóm B, các hoạt tính chống oxy hóa, acid ascorbic, các acid amin, enzym, bioflavonoids, giàu khoáng chất như crome, kali, magne...
       Có xuất xứ từ Phú Quốc nên thanh trà được bán ở ngã ba Rạch Sỏi (Kiên Giang). Đặc biệt, ở Phú Quốc  người ta gọi thanh trà là sơn trà vì nó mọc trên núi cao. Tại hòn đảo ngọc nầy, gốc rễ và cành nhánh sơn trà già được “nghệ nhân” Nguyễn Văn Dũng ở Bãi Thơm chế tác thành những chiếc giá võng. Tùy giá võng lớn hay nhỏ, giá dao động từ 7 triệu đồng đến 16 triệu đồng. Sản phẩm “độc lạ”, “không đụng hàng”, “tác phẩm nghệ thuật” nầy của ông Dũng đều được các “đại gia” đất liền ưa thích. Giá mắc như vậy vì loại cây nầy không bị mối mọt xông.


       Thanh trà đầu và cuối mùa luôn cao giá. Năm 2015, nhà vườn Đông Bình đúc kết giá 1kg thanh trà bằng giá 10kg lúa. Nhưng năm nay giá đó “rớt hàng”, dao động từ 60.000 đồng/kg đến 70.000 đồng/kg, vì mùa trái “thất”. Thanh trà có hai loại: chua và ngọt. Giá thanh trà ngọt cao hơn thanh trà chua chừng 10.000 đồng/kg đến 15.000 đồng/kg. Giữa mùa, giá thanh trà thấp hơn đầu và cuối mùa.
   
PHƯƠNG KIỀU
----------------------

Chú thích: 
Hình 1 và 2: Thanh trà vàng cam màu nắng phương Nam
Hình 3: Giá võng Sơn Trà – hàng “độc”.