Thanh trà vàng cam
màu nắng phương Nam
PHƯƠNG
KIỀU
Năm nào cũng vậy, cứ sau Tết Nguyên-đán, dài theo hai
bên đường dẫn lên cầu Cần Thơ (phía TX Bình Minh, Vĩnh Long) là khách qua đường
thấy lạ. Họ vui mắt với những chùm trái thanh trà vàng cam màu nắng treo lủng
lẳng dưới những tán dù, đung đưa trong cơn gió chướng phần phật thổi. Và màu
vàng gợi cảm của những chùm trái cây nhiệt đới này hình như giúp họ dịu đi cơn
khát trong ánh nắng rực rỡ của những ngày gay gắt nắng.
Càng vào sâu mùa trái thanh
trà (khoảng đầu tháng 3 âm lịch), người ta treo bán trái cây đặc sản của TX
Bình Minh dài theo quốc lộ 54, từ ấp Phù Ly (TX Bình Minh) đến khỏi thị trấn
Trà Ôn (Trà Ôn, Vĩnh Long), qua cả TP Cần Thơ. Sáng cũng như chiều tối, hai bên
đường lúc nào cũng lủng lẳng những chùm trái thanh trà mời gọi, “hút hồn” khách
qua đường. Tuy nhiên bán đậm đặc nhất vẫn là khu vực xã Đông Bình, nhất là xã
Đông Thành. Đông Thành có 40 ha đất nông nghiệp, mà diện tích trồng thanh trà
chiếm đến phân nửa, từ ấp Đông Hưng đến ấp Đông Hòa và Mỹ Hòa, nhưng nhiều nhất
là ấp Đông Hưng 2. Có dịp ngang qua đây, tưởng cũng nên vào thăm những khu vườn
thanh trà um tùm dọc theo bờ sông Hậu. Tuy nắng gay gắt nhưng vào đây, người ta
được hưởng bầu không khí dịu mát. Trước mắt là những tàng cây xanh đậm, chi chit
những trái thanh trà vàng cam treo lủng lẳng gọi mời. Bạn sẽ được chủ vườn mời
thưởng thức ly nước thanh trà giải khát và nghe họ kể nguồn gốc loại cây đặc
sản địa phương nầy. Theo đó, ngày xưa, nhà ông cả có mấy cây thanh trà chua.
Người quen thấy cây lạ, có trái đẹp, xin giống về trồng. Mấy năm sau cây ra
trái, thương lái Sài Gòn đi ngang thấy trái màu đẹp mắt, hỏi mua. Rồi từ đó
loại trái cây nầy trở thành sản phẩm ngày càng phát triển, bán cả Sài Gòn...
Theo Dược sĩ Phan Đức Bình
(Tạp chí Thuốc & Sức khỏe, số 331, ngày 1-5-2007) thanh trà là cây mọc
hoang, người xưa gọi xoài hoang dại (Wild Mango), tên khoa học Bouea Oppositifolia (Roxb.) Meissn., tên cũ Mangifera Oppositifolia Roxb, cùng họ Anacardiaceae với cây xoài. Vì giống
trái xoài nhưng lớn cỡ ngón chân cái, nên dân Đông Thành gọi xoài mút (khi ăn
phải mút) hay xoài hột (vì hột to).
Từ một loại cây hoang dã,
thanh trà đã được thuần chủng thành cây ăn trái hấp dẫn. Trái thanh trà khi ăn
phải vò mềm, lột bỏ vỏ, chấm muối ớt. Nếu làm nước giải khát thì vò xong, dằm
trong ly với đường cát, dằn chút muối hột, cho nước sôi để nguội vào, quậy đều.
Người ta còn dùng thanh trà làm gia vị trong món ăn. Vị chua thanh của trái hơn
hẳn vị chua của các loại cây trái khác, hơn cơm mẻ, hèm…, khiến thịt cá chua có
mùi thơm dịu, nhất là nước của nó húp một cái “đã thần hồn”! Người ta còn dùng
trái thanh trà làm thành mứt, dành cho khi mùa trái chấm dứt vào cuối tháng ba
âm lịch.
Theo
y lý, thanh trà có tác dụng ngừa và trị các chứng bệnh: cao huyết áp, người có
thể trạng suy nhược, người bị bệnh nan y, đặc biệt bệnh ung thư. Được như vậy
nhờ thanh trà có chứa nhiều beta carotene, vitamin nhóm B, các hoạt tính chống
oxy hóa, acid ascorbic, các acid amin, enzym, bioflavonoids, giàu khoáng
chất như crome, kali, magne...
Có xuất xứ từ Phú Quốc nên thanh trà được bán ở ngã ba
Rạch Sỏi (Kiên Giang). Đặc biệt, ở Phú Quốc
người ta gọi thanh trà là sơn trà vì nó mọc trên núi cao. Tại hòn đảo
ngọc nầy, gốc rễ và cành nhánh sơn trà già được “nghệ nhân” Nguyễn Văn Dũng ở
Bãi Thơm chế tác thành những chiếc giá võng. Tùy giá võng lớn hay nhỏ, giá dao
động từ 7 triệu đồng đến 16 triệu đồng. Sản phẩm “độc lạ”, “không đụng hàng”, “tác
phẩm nghệ thuật” nầy của ông Dũng đều được các “đại gia” đất liền ưa thích. Giá
mắc như vậy vì loại cây nầy không bị mối mọt xông.
Thanh trà đầu và cuối mùa
luôn cao giá. Năm 2015, nhà vườn Đông Bình đúc kết giá 1kg thanh trà bằng giá 10kg
lúa. Nhưng năm nay giá đó “rớt hàng”, dao động từ 60.000 đồng/kg đến 70.000 đồng/kg,
vì mùa trái “thất”. Thanh trà có hai loại: chua và ngọt. Giá thanh trà ngọt cao
hơn thanh trà chua chừng 10.000 đồng/kg đến 15.000 đồng/kg. Giữa mùa, giá thanh
trà thấp hơn đầu và cuối mùa.
PHƯƠNG KIỀU
----------------------
Chú thích:
Hình 1 và 2: Thanh trà vàng cam màu nắng phương Nam
Hình 3: Giá võng Sơn Trà – hàng “độc”.
No comments:
Post a Comment
Note: only a member of this blog may post a comment.