Wednesday, 23 March 2016

Những sáng tác khác của Hồn Trẻ 20

Về Bạc Liêu vui Tết Thanh-minh

PHÙ SA LỘC

           Du lịch Bạc Liêu có những điểm tham quan hấp dẫn như Vườn chim Bạc Liêu, tháp cổ Vĩnh Hưng, Khu du lịch Nhà Mát – Quan Âm Phật đài, Giồng Nhãn,.. Bạn nên sắp xếp thăm thú các danh lam thắng cảnh này 1 ngày trước ngày Tết Thanh-minh – lễ hội đậm nét văn hóa người Hoa sống hàng mấy trăm năm trên mảnh đất ven biển đồng bằng sông Cửu Long này.  
          Năm nay, Tết Thanh-minh diễn ra ngày 4-4-2016, tức 27-2 âm lịch. Nhưng trong suốt tháng 2 hoặc tháng 3 âm lịch, người Hoa, đặc biệt là người Tiều (Triều Châu, Quảng Đông, Trung Hoa) rộn rịp chuẩn bị cho ngày Tết quan trọng nầy. Cả gia đình họ cùng nhau đi tảo mộ - quét tước sạch sẽ phần mộ người thân, sơn phết những tấm bia mộ phai màu qua thời gian mưa nắng, nhổ sạch cỏ dại trên hoặc chung quanh nấm mộ. Đặc biệt, tiêu diệt những cây thân mộc, vì họ cho rằng rễ cây đâm xuyên vào phần mộ sẽ khiến ông bà cha mẹ quá cố của họ nằm không yên, khiến gia đình họ làm ăn không được hanh thông…        
          Thành phố Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) là nơi có đông cư dân người Tiều sinh sống lâu đời. Xưa kia họ định cư đông đến nỗi ca dao có câu (xin lỗi): “Bạc Liêu là xứ cơ cầu/Dưới sông cá chốt trên bờ Tiều Châu). Chính vì vậy mà Tết Thanh-minh là ngày vui nhất, rộn rịp nhất đối với cư dân địa phương, là tết đoàn viên, biểu tỏ bổn phận con cháu đối với tiền nhân đã khuất. Nên con cháu dù đi làm ăn xa, nhất là nước ngoài, cũng cố gắng sắp xếp công ăn việc làm trở về tham dự. Đây là ngày giỗ chung để mọi người trong gia tộc báo hiếu với tổ tiên. Từ tang tảng sáng, khi trời chưa đâm mây ngang, trong ngọn gió mát lành thổi vào từ biển,  là họ đã tay xách nách mang những vật phẩm cúng tế đến Triều Quang Sùng Thiện Đường (nghĩa địa Tiều) cách trung tâm thành phố Bạc Liêu 3km. Những chiếc xe gắn máy è ạch chở nặng hương đèn hoa quả, bánh mứt cùng các thức cúng mặn. Những chiếc xe bốn bánh chở cả gia đình cũng với nhiều thức cúng cùng nhau hướng về khu nghĩa trang. Không khí như một ngày hội. Cụ Nguyễn Du đã diễn tả: “Thanh-minh trong tiết tháng ba/Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh”, khung cảnh cũng gần giống như vậy ở Bạc Liêu.

Mộ Tiều ở Nghĩa trang Tiều Bạc Liêu trong ngày Thanh-minh.

          Nghĩa trang Triều Châu Bạc Liêu là khu đất rất rộng. Nơi đó là tập hợp nhiều ngôi mộ lớn nhỏ nằm ngay ngắn, song hành. Gồm hai khu: Khu xi măng dán gạch men là mộ cải táng. Còn lại là những ngôi mộ đất. Mộ Tiều truyền thống luôn chiếm diện tích lớn. Bao quanh nấm mộ là bờ thành đất hình vòng tay mở, phía lưng cao hơn như có ý che chở, giữ sự ấm áp cho nấm mộ chính. (Ngày nay đất chật người đông, loại mộ chiếm nhiều diện tích như vầy không còn nhiều). Trước nấm mộ có ba phần: Phần nhỏ nhất là bia mộ với những hàng chữ Hoa khắc sâu, sơn đỏ, tên người nằm dưới mộ được sơn màu xanh hoặc đỏ. Màu đỏ là mộ phần của người dưỡng già (còn sống). Còn màu xanh biểu thị dưới lòng đất lạnh là nắm xương người đã khuất. Hai bên bia mộ là cặp liễn đối. Phía trước bia mộ là không gian khá rộng được lót đá phiến hoặc gạch tàu, hay tráng xi măng. Đó là nơi người ta dọn thức cúng. Lễ cúng Thanh-minh được chuẩn bị chu đáo với một bộ tam sên, nhang, đèn, giấy tiền, vàng bạc, quần áo giấy… cùng các loại bánh trái, thức ăn, thức uống… Đặc biệt, người khá giả thường có heo quay. Tuy nhiên trong thức cúng nhất thiết phải có bánh bao không nhân. Vừa đến mộ phần, người dọn thức cúng, người lo gắn giấy ngũ sắc lên nấm mộ, gọi là “bận áo mới cho mộ”. Thường thì trẻ con rất thích thú công việc nầy. Vì vậy, nhìn tổng quan khu nghĩa trang rất vui mắt, không buồn thảm như ngày thường. Cúng xong mấy tuần trà, rượu, người ta đốt giấy tiền, vàng bạc, quần áo giấy… rưới chút rượu, rải muối gạo chung quanh là hoàn tất. 

Cúng mộ trong ngày Thanh-minh.

          Tất cả thức cúng dọn ra phần cánh cung rộng lớn ngoài cùng trước mặt mộ, cả nhà xúm xít chung vui với rượu thịt ê hề. Dịp hiếu hỉ này khiến tấm lòng họ rộng mở, bạn đến tham quan sẽ được họ niềm nở mời dự bữa “điểm tâm nặng”. Trong niềm lâng lâng càm khái của một buổi sáng nắng mai hưng hửng, người trộng tuổi kể con cháu nghe ngày xa xưa, buổi cúng Thanh-minh thường diễn ra vào xế chiều. Chiều đó, người ta nườm nượp trên đường gánh gồng thức cúng đến nghĩa trang. Cúng xong, nắng tắt, tiệc bày ra vừa ăn vừa ca hát vui vầy cả đến khi trăng lên, nếu nhằm ngày có trăng. Thật là một không khí đoàn viên ấm cúng, vui tươi. Đây cũng là dịp nam thanh nữ tú quen nhau, kết thân, có khi kết duyên giai ngẫu.
Tiệc đoàn viên trong Tết Thanh-minh.

          Điểm đặc biệt là Thanh-minh ở Bạc Liêu không chỉ với người Tiều mà còn có sự tham dự của người Khmer. Người Tiều lai Khmer. Sự pha trộn huyết thống tạo ra nét văn hóa tâm linh. Theo tập quán, người Khmer qua đời được hỏa táng, gởi nắm xương tàn vào tháp cốt trong chùa. Vì vậy ngày Thanh-minh gia đình họ cũng đến đây dán giấy ngũ sắc lên thành tháp cốt rồi cúng bái, cùng thưởng thức thức cúng một cách an vui. Để thấy được cảnh này, bạn nên rong xe đến chùa Xiêm Cán, cách thành phố Bạc Liệu 12km. Trên đường về, bạn ghé tham quan cây xoài 300 tuổi (xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu) đã được công nhận “Cây di sản Việt Nam”. Đặc biệt, cạnh cây xoài quý này có ngôi mộ “khổng lồ”, gọi “mộ trăm người” – vì chứa hàng trăm hài cốt chưa có người nhận sau khi chính quyền thông báo giải tỏa khu nghĩa trang, gom lại. Dù là mộ “vô chủ” nhưng trong ngày Thanh-minh nấm mộ đất cao vời cũng rực rỡ với những tờ giấy ngũ sắc hình chữ nhật dài phất phơ vui mắt trong gió chướng. 

Mộ trăm người tuy "vô chủ" nhưng cũng được bá tánh "bận áo mới" trong ngày Thanh-minh.

          Trên đường về, cách đó không xa, bạn ghé Giồng Nhãn (có trên 1 thế kỷ) thưởng thức những chiếc bánh xèo giòn rụm, bùi béo mỡ cùng những cọng rau thơm giòn ngọt chân răng. Chiều về thành phố Bạc Liêu, bạn nên tham quan chiếc đồng hồ đá có một không hai ở Việt Nam do bác vật Lưu Văn Lang sáng tạo và thực hiện. Sau đó, băng qua lộ, bạn vào hậu viện khu nhà Công tử Bạc Liêu (mặt tiền số 31 Điện Biên Phủ). Buổi tối, cũng nên thử một đêm ngủ trong phòng công tử Bạc Liêu nơi khách sạn mang tên người con địa chủ giàu có, để thử hưởng cảm giác “phong lưu công tử” trước khi rời thành phố duyên hải miền Tây. Sáng đó, bạn đừng quên điểm đặc sản Bạc Liêu với bún bò cay hoặc bánh tằm Ngan Dừa hay bánh củ cải. 
PHÙ SA LỘC
-----------------------
Giá vé xe đò Sài Gòn – Bạc Liêu: 
Hãng Mai Linh, giường nằm 40 chỗ: 145.000 đồng.
Các hãng Anh Tuấn, Đức Trọng, Hoàng Cung: giường nằm 40 chỗ: 160.000 đồng. 
Hãng Hân Nghĩa, ghế ngồi 45 chỗ: 160.000 đồng.
-------------------- 
Các điểm du lịch của Bạc Liêu:  
-  Tháp cổ Vĩnh Hưng phát hiện năm 1911, được nhà cầm quyền đương thời xếp hạng thứ 14 trong danh mục các di tích lịch sử ở Nam kỳ. Tháp còn có các tên gọi tháp Lục Hiền, tháp Bhah Dhat… 
-   Nhà thờ Cha Diệp ở Tắc Sậy, thị trấn Hộ Phòng, huyện Giá Rai.  
-    Khu du lịch Nhà Mát – Quan Âm Phật đài ở khóm Nhà Mát, phưởng Nhà Mát, TP Bạc Liêu.



No comments:

Post a Comment

Note: only a member of this blog may post a comment.