Tuesday, 25 November 2014

Thơ của các tác giả Hồn Trẻ 20
















NGUYÊN NGHĨA
Một chút quà sinh nhật em

Gửi em chút ngọt ngào của kẹo
chút đắng cay của rượu pha cùng
như những vui buồn ta đã trải
để cười rạng rỡ để kêu thương

Gửi em cùng một tờ thư mỏng
trong đó hồn tôi trải rất đầy
Lòng kẻ nhiều năm rồi qui ẩn
không hề phơi mở với riêng ai

Người bản xứ kia từng muốn hỏi
những gì ta giấu để trầm tư
Ngôn ngữ Tây phương không đủ nói
mười ngón kèm theo cũng vụng về

Lưu vong! thì đã mang sầu xứ
mà vẫn không mong chuyện giải buồn
Sầu trải bao la ngoài vũ trụ
làm sao cười lấp được không gian?

Sẵn em chia sớt niềm u ẩn
ta có cùng nhau tiếng nói này
thì cũng quê người thôi ở tạm
mà thực, còn ai để giãi bày?

Gửi em, không đáng chi quà mọn
chỉ với lòng riêng đủ tuyệt vời…

Nguyên Nghĩa
(1985)
 


Wednesday, 19 November 2014

Những sáng tác khác của Hồn Trẻ 20

Xích chi hồng màu phú túc 
bài và ảnh: PHÙ SA LỘC


        Vĩnh Thạnh là một huyện vùng sâu, vùng xa của TP Cần Thơ, cách thành phố ven sông Hậu nầy khoảng 70km. Đến đây, chúng tôi choáng ngợp với 15 cánh đồng mẫu lớn trên diện tích 3.281ha. Nhưng càng choáng ngợp hơn khi biết huyện có một tổ hợp tác sản xuất nấm linh chi, lại là xích chi – loại nấm thượng hạng trong họ nhà nấm linh chi – thuần giống Nhất Bản. Đường đến xã Thạnh Tiến, nơi Tổ hợp tác An Bình tọa lạc, ngoằn ngoèo hết lộ nhựa đến đường đan nông thôn cùng những chiếc cầu bê tông xe con lưu thông khá thuận tiện.
          Đón chúng tôi là ông Hoàng Văn Tuyên, tổ trưởng Tổ hợp tác An Bình. Ông đưa chúng tôi vào gian nhà bề bộn những bao tải chứa đầy những tai nấm linh chi. Bắt tay chúng tôi là ông Nguyễn Hữu Kiên. Tuy cao tuổi nhưng ông Kiên vẫn lọ mọ pha ấm nước mời khách. Nhắp ngụm nước màu đỏ nhạt, chúng tôi nghe nước có vị đắng nhẹ, thoảng mùi thơm lạ, không phải là trà thường dùng. Như đoán được băn khoăn của chúng tôi, ông Kiên mỉm cười, giới thiệu một cách tâm đắc: “Nước linh chi đấy”.  Trong khói thơm mùi nước linh chi nóng hổi, chúng tôi được “nhà nông công nghiệp” có thể nói thành đạt, ông Tuyên, thố lộ: “Tổ hợp tác An Bình có mặt trên thị trường nấm cao cấp là nhờ bác Kiên đây”. Rồi ông Tuyên kể xuất thân của ông Kiên: “Như bao người khác trong xã, bác Kiên cũng làm ruộng. Cày sâu cuốc bẩm nhiều năm liền, có số vốn kha khá, bác biết rằng lìa xa con trâu cái cày sẽ giúp mình đổi đời. Cùng tôi, bác quyết chí bỏ tiền thành lập tổ hợp tác trồng nấm bào ngư”. Để công việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng một cách an toàn, ông Tuyên nhờ ông Kiên – người có kiến thức khá rộng – đi nhiều nơi tìm hiểu việc cấy trồng nấm bào ngư khi nó đang là một mặt hàng “nóng”. Nắm được kỹ thuật trồng nấm bào ngư, ông Tuyên và ông Kiên không muốn làm giàu một mình, vận động được 7 tổ viên tham gia. Tổ hợp tác bắt đầu hoạt động vào đầu năm 2012 với 10.000 phôi (bịch) trong một nhà xưởng nhỏ bé. Gần cuối năm 2013, tổ hợp chuyển sang trồng nấm mèo. Kết quả cho thấy cả hai loại nấm đều đạt năng suất cao, mang lại lợi nhuận gấp 20 lần lúa.
Thế nhưng khuyết điểm của việc trồng nấm bào ngư và nấm mèo là phải hái nhiều lần, liên tục, phải làm sạch mới bán được. Việc đưa nấm ra thị trường là vấn nạn khó giải quyết vì vận chuyển sản phẩm đến người mua nhỏ lẻ vất vả, tốn kém; đầu vào đầu ra bị lệ thuộc, ảnh hưởng đến năng suất, lợi nhuận… Cái khó ló cái khôn, nắm bắt thị trường đang nổi lên nấm linh chi, tổ hợp liền chuyển sang mặt hàng nầy. Để ăn chắc trong sản xuất, năm 2012, ông Tuyên theo học Khoa sinh học tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM. Vì đây là một trung tâm nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học hiện đại có tầm cỡ khu vực; là nơi chuyển giao công nghệ sinh học phục vụ trong lĩnh vực nông nghiệp, xử lý môi trường, công nghiệp thực phẩm và y dược học; đào tạo, huấn luyện các kỹ thuật viên về công nghệ sinh học… Cuối năm 2012, ông Kiên ra trường với kiến thức về nấm linh chi tương đối tốt.

Tổ trưởng Hoàng Văn Tuyên giới thiệu một tai nấm xích chi

Ông Kiên đưa chúng tôi mỗi người một tai nấm linh chi màu hồng, rồi phân tích: “Đây là tai nấm linh chi chúng tôi sản xuất. Linh chi (Ganoderma) là các loại nấm gỗ mọc hoang trong thiên nhiên, có đến hàng trăm loài khác nhau cùng họ nấm gỗ (ganodermataceae). Có hai nhánh lớn là: cổ linh chi và linh chi. Cổ linh chi là các loài nấm gỗ không cuống (hoặc cuống rất ngắn), có nhiều tầng (mỗi năm thụ tầng lại phát triển thêm một lớp mới chồng lên). Mũ nấm hình quạt, màu từ nâu xám đến đen sẫm, mặt trên sù sì thô ráp. Nấm rất cứng (cứng như gỗ lim nên còn gọi nấm lim). Cổ linh chi có hàng chục loài khác nhau. Còn linh chi là các loài nấm gỗ mọc hoang ở những vùng cao và lạnh ở các tỉnh Tứ Xuyên, Quảng Tây, Quảng Đông (Trung Quốc). Nấm có cuống có màu (mỗi loài có một màu riêng). Thụ tầng nấm màu trắng ngà hoặc màu vàng. Mũ nấm có nhiều hình dạng, phổ biến là hình trái thận, hình tròn. Mặt trên bóng. Nấm hơi cứng và dai. Tên khoa học của nấm là Ganoderma (Leyss ex Fr)”.
Với kiến thức có được của mình, ông Tuyên dẫn chứng sách Bản thảo cương mục (in năm 1595) của Lý Thời Trân, đại danh y của Trung Quốc đã phân loại linh chi theo màu sắc thành sáu loại, mỗi loại có công dụng chữa bệnh khác nhau. Loại màu vàng gọi hoàng chi hoặc kim chi. Loại màu xanh gọi thanh chi. Loại màu trắng gọi bạch chi hay ngọc chi. Loại màu đen gọi hắc chi hay huyền chi. Loại màu tím gọi tử chi. Loại màu hồng gọi hồng chi, đơn chi hay xích chi. Hớp miếng nước linh chi, ông Tuyên bổ sung điều chúng tôi băn khoăn: Theo GS-TSKH Trịnh Tam Kiệt, công tác tại Khoa Công nghệ sinh học Đại học quốc gia Hà Nội và GS Bae Ki-hwan, công tác tại Khoa Dược, Trường đại học Changnam (Hàn Quốc), nấm linh chi có tên khoa học Ganoderma lucidum (Leyss. Ex Fr.) có tác dụng giúp cơ thể cường tráng, khí huyết lưu thông, tăng sức cho tế bào hấp thu oxy tốt hơn…; trị suy nhược thần kinh, chóng mặt, mất ngủ, viêm gan, viêm khí quản mạn tính, huyết áp cao, đau dạ dày, chán ăn, thấp khớp, thống phong, hen phế quản; đặc biệt kiềm chế tế bào ung thư… Để sử dụng, người ta dùng nấm linh chi phơi hoặc sấy khô, xắt mỏng nấu nước uống như uống trà. Do tác dụng hiệu quả trị nhiều chứng bệnh nên linh chi trong thiên nhiên rất quý hiếm. Thay vào đó là linh chi sản xuất theo công nghệ sinh học. Đó là việc cấy tế bào mô cho ra giống nấm nguyên chủng theo ý thích (gọi là phân lập), có xuất xứ. Đi đầu trong việc trồng nấm linh chi là các nhà khoa học Nhật Bản. Năm 1972 họ trồng thí nghiệm đạt kết quả tốt. Sau đó là Hàn Quốc và Trung Quốc. Ở Việt Nam, Viện Dược liệu – Hà Nội đã trồng linh chi giống Trung Quốc thành công vào năm 1978. Năm 1987, các nhà khoa học thuộc Đại học Khoa học tự nhiên đã chọn được giống linh chi mọc hoang ở rừng núi Lâm Đồng để nhân giống và đưa vào sản xuất tại trại trồng nấm của Xí nghiệp Dược phẩm T.Ư 24, đạt kết quả tốt vào năm 1988.
Ông Tuyên đưa chúng tôi vào nơi trồng xích chi thuần giống Nhật Bản. Đó là gian nhà rộng lớn với nhiều gian, mỗi gian có trang thiết bị khác nhau. Phác tay, ông Tuyên phân tích: “Trồng xích chi bao gồm việc gây bào tử trong ống nghiệm, đưa ra làm quen với môi trường, cấy cơ chất,  ủ nấm, nồi hơi…”.  Cơ chất là bã thực vật (xác rơm, lục bình, bắp, mía ủ rã mục) dù không có tinh dầu, độc tố nhưng cấy vào các loại linh chi khác được nhưng với xích chi phát triển kém. Mày mò tìm hiểu, ông phát hiện chỉ có mạt cưa cây cao su là tác nhân thích hợp nhất với loại nấm nầy. Tổ hợp tác An Bình mua mạt cưa từ Tây Ninh về. Để có xích chi chất lượng cao đòi hỏi cấy trồng theo quy trình khép kín.
Ông Tuyên bảo, tưới nước là một khâu quan trọng. Khi bắt tay trồng nấm bào ngư và nấm mèo, tổ hợp áp dụng biện pháp máy phun sương. Cũng là máy phun sương được gắn dài theo từng dãy kệ trong nhà trồng, nhưng với xích chi đòi hỏi phun với một kỹ thuật đặc biệt. Phun ít hoặc nhiều đều khiến nấm mất giá trị. Để có xích chi sạch đáp ứng yêu cầu khắt khe của đối tác thu mua, đòi hỏi nó phải được cấy trồng trong môi trường sạch, nước tưới sạch…. Cấy trồng từ 65 đến 90 ngày thì hái đợt 1, Sáu tháng sau hái những đợt kế tiếp. Không giống các loại nấm khác, mỗi bịch cấy trồng chỉ cho ra 1 tai nấm xích chi. Chúng tôi được ông Tuyên đưa đi “khám phá” thế giới trồng xích chi. Vén tấm màn trong vô số màn bao quanh nơi trồng nấm, chúng tôi choáng ngợp trước những chiếc kệ nhiều tầng. Trên từng tầng là những bịch nấm hoặc đang nhú mầm, hoặc đã nở xòe tai nấm màu hồng. Nơi nầy, những tai nấm mới nhú như ngón tay con trẻ. Nơi nọ những tai nấm bắt đầu trưởng thành như những nụ hoa. Nơi khác, những tai nấm đến kỳ thu hoạch to như chiếc quạt đẹp mắt. Một màu hồng sâm sậm của những tai nấm như một hàng lính duyệt binh thẳng tắp, từng hàng. Nấm có nhiều hạng tuổi như vậy nhằm khai thác được quanh năm. Đưa tay quẹt nhẹ một mặt nấm, ông Tuyên cho chúng tôi xem lớp bột mịn màu hồng sẫm. Ông cười bảo: “Đây là thứ giá trị nhất của xích chi, gọi là bào tử. Nếu bào tử bị nước phun làm trôi đi thì nó còn rất ít tính dược dù vẫn có vị đắng nguyên thủy”.

Giàn nấm xích chi đang kỳ phát triển

Xích chi chỉ có giá trị khi còn bào tử nên việc phun nước đòi hỏi công phu. Việc phơi nấm càng khó hơn, tuy nhiên sấy nấm là tốt hơn cả. Riêng muốn sản xuất đơn thuần bào tử linh chi thì việc phun nước và thu hoạch cực kỳ khó khăn. Bào tử dùng làm mỹ phẩm cao cấp, nên giá của nó lên đến 2.000USD. Hằng tháng, Tổ hợp tác An Bình cung xích chi khô cho Công ty Trang Sinh 200kg, Công ty Nấm Việt 300kg, Công ty Hoàng Gia 800kg (các công ty nầy đều ở TP.HCM) với giá giao động 500.000 đồng/kg. Bán lẻ từ 1 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng/kg. Trong tương lai, Tổ hợp tác An Bình sẽ cung xích chi khô cho Công ty Thuận Gia, ước tính khoảng 100.000kg/tháng.
Trước lúc chia tay, ông Tuyên vào bên trong phòng khách đem ra chai rượu mời chúng tôi nhấp. Ông bảo: “Rượu ngâm xích chi đấy”. Ngon. Vì nếp rặt, có lẽ ngon nhất là vị xích chi đăng đắng ngấm thấm cổ họng một cách thú vị. Ông Kiên đem sách “Bản thảo cương mục” ra khẳng định thêm tác dụng dược liệu của xích chi: làm tăng trí nhớ, dưỡng tim, bổ gan khí, an thần; chữa tức ngực, ích phổi, thông mũi, chữa ho nghịch hơi, ích tì khí; chữa bí tiểu, bổ thận khí, chữa đau nhức khớp xương, gân cốt; ăn nhiều lần cơ thể nhẹ đi mà không già, sống lâu như thần tiên… Nghĩa là xích chi có thể ngăn chặn và chữa trị rất nhiều bệnh.

Ông Tuyên bên chiếc nồi hơi

Nắng chói chang sân nhà, nơi các công nhân đang chuyển từng bao xích chi lên xe tải nhỏ. Một công nhân cho biết: “Tổ hợp hầu như được cơ giới hóa, chỉ mỗi việc lên xuống hàng xe hoặc ghe máy là phải nhờ đến chúng tôi. Bình quân có đến 20 anh em phụ trách nhiều công việc như vô bịch mạt cưa, cấy meo, đặt bịch meo lên kệ….”. Nghe vậy, ông Tuyên tiếp lời: “Đi lên từ một tổ hợp tác sản xuất nấm bào ngư, nấm mèo với 7 tổ viên, nhà xưởng hạn hẹp, thời gian ngắn, Tổ hợp tác An Bình đã “nở nồi”, tọa lạc trên tổng diện tích 5.000m2, đầu tư trang thiết bị trên 1 tỷ đồng, có 18 tổ viên. Các tổ viên đều trở nên những người khá giả vì giá bán nấm xích chi gấp 30 đến 40 lần giá lúa”. Hỏi về dự kiến tương lai, chúng tôi được ông Tuyên dự phóng: “Sẽ mở rộng cơ xưởng, trở thành hợp tác xã. Có thành hợp tác xã mới có điều kiện pháp nhân, mới ký được nhiều hợp đồng lớn, giải quyết hết đầu ra của xích chi. Song song việc bảo vệ sức khỏe con người, khi trở thành hợp tác xã những tai nấm xích chi sẽ giúp nhiều người dân địa phương thêm đỏ màu phú túc”. Siết tay từ giã hai vị chủ nhà mến khách, chúng tôi rời Tổ hợp tác An Bình khi mặt trời đứng bóng. Ánh nắng một trưa sắp có cơn mưa lớn thường gay gắt nhưng sao chúng tôi không cảm nhận được như vậy. Phải chăng là nhờ mấy ly rượu xích chi mà ông Tuyên thân mật mời?  
Bài, ảnh: PHÙ SA LỘC

Những bài viết khác

Các Mác & Việt Nam Hôm Nay

Hạ Đình Nguyên

Người ta đều biết Các Mác là một nhà tư tưởng lớn có tầm thời đại, với ảnh hưởng kéo dài đã ngót 200 năm. Tư tưởng của ông có tính chất cách mạng và nhân bản, hướng đến giải phóng loài người với mục tiêu tự do và bình đẳng. Nhưng trải qua tác động của tư tưởng đó, bằng sự so sánh lợi và hại, người ta nói, giá như đừng có ông thì hơn!

Thật đáng thán phục vừa là kinh ngạc, khi đọc kỹ một đoạn văn sau đây của ông, giống như ông vừa mới nói hôm qua ở một vài xứ sở:

Các chế độ chính trị lỗi thời đã trải qua một lịch sử đầy thảm trạng bởi vì cơ chế quyền lực của nó đã biến ước vọng tự do của con người thành ảo vọng.
Sở dĩ chế độ này mang bản chất bi thảm là vì nó tự buộc cho mình một nội dung hãnh tiến vô vọng.

Hễ cái chế độ này vẫn ngoan cố chống lại nguyên tắc và lý lẽ mới của thời đại, thì chính tự bản chất của nó là một lỗi lầm lịch sử... 

Chế độ này là vở hài kịch to lớn của thế giới mà tất cả những anh hùng của nó đều đã bị khai tử. Lịch sử tiến bước và sẽ không bỏ sót một ai. 

Nó sẽ đi qua những sân khấu mà chung cuộc sẽ vất bỏ những chế độ lạc hậu vào nghĩa trang. Sân khấu cuối cùng mà lịch sử vừa mới bước qua là cả một vở bi hài kịch khủng khiếp

(Góp phần phê phán triết học pháp quyền Heghen)

Cái nhìn của của ông có tầm bao quát lịch sử xã hội, nhìn rõ một cách sắc sảo đúng như bản chất của thời đại mà ông đang sống, đồng thời lý tưởng mà ông hướng tới, diễn ra sau ông một trăm năm, lại y hệt điều mà ông lên án nó. 

Mỉa mai thay, hiện thực đó lại nhân danh chính lý tưởng của ông. Nhân danh ông, người ta thực hiện chính điều mà ông phê phán:

Các chế độ chính trị lỗi thời đã trải qua một lịch sử đầy thảm trạng bởi vì cơ chế quyền lực của nó đã biến ước vọng tự do của con người thành ảo vọng”.

Bằng vào hiện thực hôm nay, tại các nước XHCN nhân danh ông, đã tạo nên cơ chế quyền lực biến ước vọng tự do của con người thành ảo vọng, các chế độ đó đã trải qua một lịch sử đầy thảm trạng ra sao, tại các quốc gia nói trên, còn lại ít nhất là ở Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên! Và nó đang diễn ra từng ngày từng giờ, trước mắt toàn nhân loại. Cái lý tưởng nhân quyền đã khai sinh ra từ thời đại ông cho đến nay gần 200 năm, vẫn chưa thấm đến được ở những phần đất nói trên. Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên không phải là một hang động bí hiểm nào ở xứ Nam Cực hay Bắc Cực, mà nó ở một vùng giữa châu Á đông dân cư và sôi động nhất thế giới, mà người cầm trên tay tờ giấy “Tuyên ngôn nhân quyền” có thể bị bỏ tù, bởi chính những người nhân danh lý tưởng của ông. Ông nói về một chế độ trước mắt mà ông muốn đánh đổ ở ngay thời đại của ông, nó lại tái hiện nguyên hình đằng sau tư tưởng của ông ở vào thế kỷ sau!

Nhưng bằng cách nào nó vẫn tiếp tục tồn tại trong khi bản thân nó là sự bi thảm?

Chính ông đã nói: “Sở dĩ chế độ này mang bản chất bi thảm là vì nó tự buộc cho mình một nỗi hãnh tiến vô vọng”.

Nó tồn tại, bởi sự hãnh tiến cao đến mức che lấp sự vô vọng, và không nhìn ra nỗi bi thảm, một sự hảnh tiến vô cùng nông nổi, một sự tự tin không hề có bằng chứng, và không nhận thấy đất sụt dưới chân mình. Bằng sự dối trá, họ tin vào lý tưởng mà ông nêu ra. Họ hiểu và biến khái niệm giai cấp của ông thành ra một sức mạnh cơ bắp, họ tin vào bạo lực mà ông đã truyền dạy. Cái bi thảm mà ông nói, trước hết nó đến với đám đông bị cai trị, sau đó, nửa đời hay trọn một đời, mới đến phiên họ, và kéo theo nhiều thế hệ trong cùng một dạng bi thảm ấy. Cái năng lượng đấu tranh giai cấp của ông tự biến tướng làm hai luồng. Một, hy sinh để đánh đổ giai cấp thống trị. Hai, cái còn lại thay thế vai trò thống trị tàn khốc hơn. Ông đã tạo nên đồng thời một loại “thánh” bất đắc dĩ, và một loại quỷ dữ. Mà ý của ông chỉ muốn phục hồi con người, một loại người mà ông muốn biến đổi gien, gọi là Vô sản, lại không phải là một thứ người có thật ở cõi người ta (tèrre des hommes). Nhưng rốt cuộc, người nhân danh “vô sản” lại hữu sản hơn cái giai cấp hữu sản mà họ đánh đổ. Cái hữu sản của giai cấp tư bản mà ông nói, là tạo nên bởi sự bóc lột sức lao động của người bị trị, nay cũng thế và ở một trình độ khốc liệt hơn, bao gồm hàng loạt triệu sinh mạng tập thể. Phương chi, “giai cấp” chỉ là sự đội lốt và nhan danh!. Sự thật đã diễn ra như thế gần một thế kỷ ở một nửa trái đất, chứ không phải là lý luận hay suy diễn từ đâu cả. Cái nhìn giai cấp của ông có lợi chỉ một, cái hại gấp trăm ngàn lần, cộng lại thành số âm to tướng. Ông làm cho cõi ta bà này nhiễu nhương thêm lên.

Ông truyền cái duy vật lịch sử (lịch sử loài người là lịch sử đấu tranh giai cấp) vào những não bộ của những con người chưa trưởng thành, kích thích bản năng và biến họ thành một thứ chiến binh hung hăng, chỉ biết “tiến mà không lui”, bằng cách tự đặt ra cho mình những thách đố vô nghĩa “ai thắng ai”, và cuối cùng dù thắng hay không, cũng không để làm gì cả, ngoài việc tạo nên vô vàn những nghĩa trang cho loại “thánh bất đắc dĩ”, trong khi những con ngưởi này, chỉ một lòng muốn sống như một con người bình thường và bình đẳng.

Ông lên án các loại tôn giáo, chỉ vì khía cạnh tiêu cực của nó, rồi đánh đổ nó toàn diện, để tạo nên và thay vào một thứ dị giáo quái đản mới, cũng gọi là “đức tin” đấy! (1). Ông tiêm chủng chủ nghĩa duy vật, là nâng cao, là tuyệt đối hóa khía cạnh sinh vật và vật lý, vào con người để tước bỏ tính người của họ, làm cho họ không còn mộng mơ tơ tưởng gì ráo vào đời sống tinh thần, chỉ biết găm miệng mình và ghìm miệng tha nhân vào vật chất, ăn ngay vào xác sống con người, không giống như bầy kênh kênh chỉ ăn vào xác chết mà thôi. Đệ tử của ông đã cai trị thế gian theo cách đó. Và dĩ nhiên, đệ tử của ông cũng phải sống với trạng huống bi thảm tận cùng nội tạng, với thủ đoạn và thái độ chùng lén nhưng rất hãnh tiến mà ông từng mô tả: “Chúng ca len lén bài ca nửa thú vật, nửa thiên thần.

Tiếng ca ấy đang rên rỉ khắp nơi bằng bài ca “Đúng quy trình!”.

Ông nêu tiếp trong đoạn văn nói trên:

Hễ cái chế độ này vẫn ngoan cố chống lại nguyên tắc và lý lẽ mới của thời đại, thì tự bản chất của nó là một lỗi lầm của lịch sử…


Ý kiến của ông là không sai. Đúng như thế, mà nó vẫn ngoan cố đấy, và nó vẫn nhân danh điều ông nói, và nó cứ để cho cái lỗi lầm ấy cứ diễn ra trong lịch sử. Họ chống nạnh lên và nói: Thì sao nào? Lịch sử bỗng dưng phải lao ra chịu trách nhiệm! Chẳng có ý nghĩa gì cả! Lịch sử là cái nó diễn ra, chứ chẳng có thứ gì là chủ thể của cái từ lịch sử để quy là lỗi lầm của nó! Thà nói rằng đó là sự dắt dẫn bởi vô minh (bản năng u tối - Phật), cũng như nói đó là sự trừng phạt của Thượng Đế (Chúa) thì vẫn còn có thể hữu ích hơn, hoặc dễ chịu hơn là cách nói của một thứ dị giáo quái đản kia.

Vâng, nó vẫn đang tiếp tục ngoan cố chống lại nguyên tắc và lý lẽ mới của thời đại, và vẫn kiên trì nhân danh ông đấy thôi! 

Ông đã khẳng định:

Chế độ này là vở hài kịch to lớn của thế giới mà tất cả những anh hùng của nó đều đã bị khai tử. Lịch sử tiến bước và sẽ không bỏ sót một ai…


Điều này quả thật là tôi tin tưởng, nhưng ông nói về đối tượng thời đại của ông, tôi tin tưởng vào thực thể của thời đại tôi. Cái vở hài kịch của thế giới mà ông đề cập quả đã chấm dứt, nhưng ông lại không dự đoán được rằng, chính ông mở ra một vở hài kịch mới, là cái vở hài kịch mà con người đang chứng kiến nó cố giằng co chưa chịu chấm dứt. Những anh hùng của nó đều bị khai tử, khai tử trên thực thể xã hội và trong tâm trí mọi người, những hình tượng của nó đã bị chôn vùi hoặc đang bị đập vỡ ra từng mảnh; nhưng lại có những kẻ đang cố nhón gót để làm anh hùng…, rồi cũng sẽ bị khai tử không sót một ai, cho dù ở vùng đất trũng này bước tiến của lịch sử quá chậm chạp.

Nó sẽ đi qua những sân khấu mà chung cuộc sẽ vất bỏ những chế độ lạc hậu vào nghĩa trang. Sân khấu cuối cùng mà lịch sử vừa mới bước qua là cả một vở bi hài kịch khủng khiếp

Tôi lại tán thành một lần nữa về câu nói trên. Chung cuộc, là cái cuộc dâu bể cuối cùng chứ không phải ai hết, sẽ vứt bỏ những chế độ lạc hậu vào nghĩa trang. Và đó đúng là vở bi hài kịch khủng khiếp. Cái khủng khiếp sau thì hơn cái khủng khiếp trước mà ông đã nhìn thấy, lại dính dáng đến ông một cách khá nghiêm trọng. Nhưng để có cái cuối cùng thì cần chôn luôn một lần vào nghĩa trang chính cái chủ thuyết của ông, mà sau này người ta ăn có/ăn hôi, và gọi bằng nhiều thứ tên, theo cách ghép thêm đuôi vào.

Các học giả vừa bênh vực ông, lại vừa chống đối ông, đã tốn rất nhiều bút mực, giấy in và chỗ để, cả công sức để nghiên cứu tư tưởng ông. Cái tích cực trong tư tưởng ông là phát ra những tư duy mới mẻ góp phần tiến bộ cho nhân loại, nhưng phần tiêu cực lại quá lớn, đó là sự thúc đẩy về bạo lực. 

Đoạn văn trên của ông thật kích động và thôi thúc một sự tiến lên và phá hủy, đầy rẫy sự căm hận bản năng mênh mông: bi thảm, thảm trạng, ngoan cố, bi hài kịch, nghĩa trang, khai tử không sót một ai…nhưng kết cuộc thì là gì? Cái não trạng bạo lực ấy càng dâng cao. Cái đối tượng mà ông chỉ ra là hãnh tiến, nay nó vượt lên thành kiêu ngạo, sự kiêu ngạo cộng sản. Họ nêu cao khẩu hiệu “thế lực thù địch” để nhân danh sứ mạng “chống” thế lực thù địch, nhằm củng cố vai trò bạo lực của mình. Những khó khăn bất cứ loại nào xuất hiện, họ đều gọi là sự “thách thức”, nhưng chẳng ai thách gì cả. Họ tạo nên căm thù, lấy đó làm động lực, và muốn “đấu tố’ luôn cả lịch sử của dân tộc họ.

Cái sân khấu cuối cùng mà lịch sử vừa bước qua quả là một vở bi hài khủng khiếp”. Nhưng vở kịch bi hài khủng khiếp ấy chưa phải là cuối cùng như ông mong muốn, vì lịch sử đã vừa bước lại, và nó tái hiện khủng khiếp hơn, mà lần này người ta nhân danh ông là đạo diễn. Cái bi hài đó càng bi hài hơn.

Suốt quá trình hình thành, phát triển và tàn lụi, nó chưa từng đóng góp được một phát kiến tí teo nào về khoa học cho đời sống văn minh vật chất, cũng chưa từng có một đóng góp nào có giá trị cho đời sống tinh thần con người, nếu không nói là kéo lùi lại tình trạng thô thiển hơn trong tư duy, đơn cử như cái định nghĩa hết sức thối nát: “Con người là tổng hòa mối quan hệ xã hội”, đã biến con người thành một hỗn hợp không có bản thể, một sản phẩm không thể có tên gọi, trở thành vô danh trong đống xà bần mà xã hội đã biến thành, dưới sự cai trị của những người nhân danh học thuyết của ông. Nếu có một chút giá trị gì chăng, đó là quá trình thực nghiệm theo phương pháp loại suy, nó nằm trong trường hợp mà nhân loại phải loại trừ, không lặp lại phương án thực nghiệm khốn cùng ấy nữa.

Nhiều người rất thương mến ông, vì những phát kiến tiến bộ, nhưng họ nghĩ không có ông thì vẫn hơn, hơn rất nhiều, vì cái ảo vọng về vai trò cực kỳ tào lao của cái gọi là “giai cấp” đã quá nhiều tàn hại. Người ta mong đừng có một người nào giống kiểu như ông xuất hiện lần nữa. Đã có Chúa và Phật, và các thứ, là quá đủ cho cái hành tinh khá nhốn nháo này, cho con người còn có cớ để mơ mộng, tròng trành giữa Địa ngục với Thiên đàng hay Niết bàn, thay vì cái dị giáo toàn bạo lực mà tín đồ của ông đang hoành hành, với não trạng ấu trĩ hơn cả sự hãnh tiến.

Ông đã đẩy lịch sử tiến lên một bước, nhưng rất đáng tiếc, nó quá đà. Giá như ông có thể sống dậy, để mà xem!

Và tín đồ của ông cần nghiền ngẫm câu nói của Mandela:

Khi tôi bước đến với tự do, tôi biết rằng nếu không bỏ lại nỗi đau và sự căm thù lại phía sau, tôi sẽ vẫn ở trong tù”.

Hay cố làm những con “mèo béo”? (2).

Ngày nhân quyền 10-12-2013
Hạ Đình Nguyên

(1) “Le marxisme n'est pas mort, il continuera à exister […] ce n'est pas une science mais une croyance” (Chủ nghĩa Mác không chết, học thuyết này tiếp tục tồn tại, đó không phải là một môn khoa học mà là đức tin.). Jeannine Verdès-Leroux, La foi des vaincus (Đức tin của những người thất bại). Paris: Éditions Fayard, 2005.

(2) Lời của Mandela, trong dịp tranh cử Tổng Thống 1994, “Chúng ta sẽ không sống như những con mèo béo”. Tôi hiểu ý là lẩn trốn trách nhiệm và chuyên ăn vụng.


Nguồn: Tác giả gửi trực tiếp cho Bauxite Việt Nam, 17/12/2013

Saturday, 15 November 2014

Những bài thơ lục lại từ ký ức Nguyên Nghĩa

PHÙ HƯ
Ngậm thẻ qua sông
thơm lửa hương khoai tiếng hát rừng
ven thôn vừa ghé buổi di quân
khói mẹ sau lều cơm chín tới
nước em chè lá đậm phèn sông
tôi đời trận mạc xa quê quán
buổi ghé nương em núp bóng nhà
em nhớ thương chồng đóng đồn ải xa
lâu tin vắng trông mòn đường xóm
tôi ở quá bên hông nhà gió sớm
đợi dùm em tin chinh chiến gời về
đêm nay mưa em mắt ngủ khuya
tôi lạnh gió tin địch về vẫn thức
làng em ở gió Lào qua rất độc
ngày mưa mùa khuất núi mù sông
mẹ già mong một mụn cháu đầu lòng
em nhắn gởi bao lần tin vẫn biệt
ruộng vườn em trăng sương ngày tháng Chạp
tôi gác đêm như bóng người rình
tối nay đạn nổ nhẹ mạn sông
sương mỏng quá nhìn hoa ngàn con mắt
tôi giữa đêm nghe mình như thất lạc
thương xóm nhà biết nổ đạn vào đâu
đồng đội tôi ngủ mệt thôn sâu
ngại làm động mẹ ho vừa chợp mắt
tôi nương bóng nhà trăng che khuất
ngồi co mình cho bóng bớt riêng tôi
nhìn xa trăng định trốn sau đồi
sông tiếng bạc dặm buồn như tiếng cú
thức có khuya mới nghe hồn bớt ngủ
mới hay trăng tháng chạp úa quanh đời
nghe em thở não mãi không nguôi
em thở đó hay gió kêu mùa giá
nhà em ở miệt đông xóm hạ
bên triền sông không bến phải vắng thuyền
đầu trăng con nước rất vô duyên
lên mấp mé vườn em vai phơi áo
em rất nhỏ ngày trông vào gánh gạo
mẹ thì già vồn cải với nương rau
bước sau hiên vun mẹ dây trầu
mùa tốt lá xanh hồn tôi mới ghé
buổi mới đến cau cao vừa nhú bẹ
em thẹn thùa tôi tưởng thuở bình yên
tôi đâu hay em có nỗi hờn riêng
trông chinh chiến gọi hồn chồng theo gió
một tháng tròn ngỡ như ngày thuở nhỏ
em là em mẹ là mẹ xưa
tôi lêu nghêu lúc đi sớm về trưa
cơm nửa buổi giữa khuya kêu bụng đói
nhà thưa quạnh tôi gượng vui chẳng nổi
mẹ thẫn thờ em heo bóng trong sân
tôi trận mạc nhầu không kể đến thân
sương nhiều lắm trời không che nằm đất
em vẫn bảo tôi mái tranh không chật
tôi cười xòa xó xỉnh mãi đâm quen
tròn tháng rồi đây nhớ không em
hôm từ biệt quanh thôn nhà cửa khép
lúc quân đi chắc em không hề biết
đội tôi ngùi ngùi ngậm thẻ qua sông
còn tôi co ro lạnh mãi gió đông
một lần cuối nhìn nhà em đóng kín
tin chồng em chắc chưa về đến bến
như tin tôi mấy thuở gởi thăm nhà
cũng mấy năm rồi biền biệt phương xa
em còn nhớ một lần tôi ghé ở
thơm lửa hương khoai vùi bếp cũ
hồn em xa lắm cũng quanh đây.
1972
Phù Hư