Wednesday 19 November 2014

Những sáng tác khác của Hồn Trẻ 20

Xích chi hồng màu phú túc 
bài và ảnh: PHÙ SA LỘC


        Vĩnh Thạnh là một huyện vùng sâu, vùng xa của TP Cần Thơ, cách thành phố ven sông Hậu nầy khoảng 70km. Đến đây, chúng tôi choáng ngợp với 15 cánh đồng mẫu lớn trên diện tích 3.281ha. Nhưng càng choáng ngợp hơn khi biết huyện có một tổ hợp tác sản xuất nấm linh chi, lại là xích chi – loại nấm thượng hạng trong họ nhà nấm linh chi – thuần giống Nhất Bản. Đường đến xã Thạnh Tiến, nơi Tổ hợp tác An Bình tọa lạc, ngoằn ngoèo hết lộ nhựa đến đường đan nông thôn cùng những chiếc cầu bê tông xe con lưu thông khá thuận tiện.
          Đón chúng tôi là ông Hoàng Văn Tuyên, tổ trưởng Tổ hợp tác An Bình. Ông đưa chúng tôi vào gian nhà bề bộn những bao tải chứa đầy những tai nấm linh chi. Bắt tay chúng tôi là ông Nguyễn Hữu Kiên. Tuy cao tuổi nhưng ông Kiên vẫn lọ mọ pha ấm nước mời khách. Nhắp ngụm nước màu đỏ nhạt, chúng tôi nghe nước có vị đắng nhẹ, thoảng mùi thơm lạ, không phải là trà thường dùng. Như đoán được băn khoăn của chúng tôi, ông Kiên mỉm cười, giới thiệu một cách tâm đắc: “Nước linh chi đấy”.  Trong khói thơm mùi nước linh chi nóng hổi, chúng tôi được “nhà nông công nghiệp” có thể nói thành đạt, ông Tuyên, thố lộ: “Tổ hợp tác An Bình có mặt trên thị trường nấm cao cấp là nhờ bác Kiên đây”. Rồi ông Tuyên kể xuất thân của ông Kiên: “Như bao người khác trong xã, bác Kiên cũng làm ruộng. Cày sâu cuốc bẩm nhiều năm liền, có số vốn kha khá, bác biết rằng lìa xa con trâu cái cày sẽ giúp mình đổi đời. Cùng tôi, bác quyết chí bỏ tiền thành lập tổ hợp tác trồng nấm bào ngư”. Để công việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng một cách an toàn, ông Tuyên nhờ ông Kiên – người có kiến thức khá rộng – đi nhiều nơi tìm hiểu việc cấy trồng nấm bào ngư khi nó đang là một mặt hàng “nóng”. Nắm được kỹ thuật trồng nấm bào ngư, ông Tuyên và ông Kiên không muốn làm giàu một mình, vận động được 7 tổ viên tham gia. Tổ hợp tác bắt đầu hoạt động vào đầu năm 2012 với 10.000 phôi (bịch) trong một nhà xưởng nhỏ bé. Gần cuối năm 2013, tổ hợp chuyển sang trồng nấm mèo. Kết quả cho thấy cả hai loại nấm đều đạt năng suất cao, mang lại lợi nhuận gấp 20 lần lúa.
Thế nhưng khuyết điểm của việc trồng nấm bào ngư và nấm mèo là phải hái nhiều lần, liên tục, phải làm sạch mới bán được. Việc đưa nấm ra thị trường là vấn nạn khó giải quyết vì vận chuyển sản phẩm đến người mua nhỏ lẻ vất vả, tốn kém; đầu vào đầu ra bị lệ thuộc, ảnh hưởng đến năng suất, lợi nhuận… Cái khó ló cái khôn, nắm bắt thị trường đang nổi lên nấm linh chi, tổ hợp liền chuyển sang mặt hàng nầy. Để ăn chắc trong sản xuất, năm 2012, ông Tuyên theo học Khoa sinh học tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM. Vì đây là một trung tâm nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học hiện đại có tầm cỡ khu vực; là nơi chuyển giao công nghệ sinh học phục vụ trong lĩnh vực nông nghiệp, xử lý môi trường, công nghiệp thực phẩm và y dược học; đào tạo, huấn luyện các kỹ thuật viên về công nghệ sinh học… Cuối năm 2012, ông Kiên ra trường với kiến thức về nấm linh chi tương đối tốt.

Tổ trưởng Hoàng Văn Tuyên giới thiệu một tai nấm xích chi

Ông Kiên đưa chúng tôi mỗi người một tai nấm linh chi màu hồng, rồi phân tích: “Đây là tai nấm linh chi chúng tôi sản xuất. Linh chi (Ganoderma) là các loại nấm gỗ mọc hoang trong thiên nhiên, có đến hàng trăm loài khác nhau cùng họ nấm gỗ (ganodermataceae). Có hai nhánh lớn là: cổ linh chi và linh chi. Cổ linh chi là các loài nấm gỗ không cuống (hoặc cuống rất ngắn), có nhiều tầng (mỗi năm thụ tầng lại phát triển thêm một lớp mới chồng lên). Mũ nấm hình quạt, màu từ nâu xám đến đen sẫm, mặt trên sù sì thô ráp. Nấm rất cứng (cứng như gỗ lim nên còn gọi nấm lim). Cổ linh chi có hàng chục loài khác nhau. Còn linh chi là các loài nấm gỗ mọc hoang ở những vùng cao và lạnh ở các tỉnh Tứ Xuyên, Quảng Tây, Quảng Đông (Trung Quốc). Nấm có cuống có màu (mỗi loài có một màu riêng). Thụ tầng nấm màu trắng ngà hoặc màu vàng. Mũ nấm có nhiều hình dạng, phổ biến là hình trái thận, hình tròn. Mặt trên bóng. Nấm hơi cứng và dai. Tên khoa học của nấm là Ganoderma (Leyss ex Fr)”.
Với kiến thức có được của mình, ông Tuyên dẫn chứng sách Bản thảo cương mục (in năm 1595) của Lý Thời Trân, đại danh y của Trung Quốc đã phân loại linh chi theo màu sắc thành sáu loại, mỗi loại có công dụng chữa bệnh khác nhau. Loại màu vàng gọi hoàng chi hoặc kim chi. Loại màu xanh gọi thanh chi. Loại màu trắng gọi bạch chi hay ngọc chi. Loại màu đen gọi hắc chi hay huyền chi. Loại màu tím gọi tử chi. Loại màu hồng gọi hồng chi, đơn chi hay xích chi. Hớp miếng nước linh chi, ông Tuyên bổ sung điều chúng tôi băn khoăn: Theo GS-TSKH Trịnh Tam Kiệt, công tác tại Khoa Công nghệ sinh học Đại học quốc gia Hà Nội và GS Bae Ki-hwan, công tác tại Khoa Dược, Trường đại học Changnam (Hàn Quốc), nấm linh chi có tên khoa học Ganoderma lucidum (Leyss. Ex Fr.) có tác dụng giúp cơ thể cường tráng, khí huyết lưu thông, tăng sức cho tế bào hấp thu oxy tốt hơn…; trị suy nhược thần kinh, chóng mặt, mất ngủ, viêm gan, viêm khí quản mạn tính, huyết áp cao, đau dạ dày, chán ăn, thấp khớp, thống phong, hen phế quản; đặc biệt kiềm chế tế bào ung thư… Để sử dụng, người ta dùng nấm linh chi phơi hoặc sấy khô, xắt mỏng nấu nước uống như uống trà. Do tác dụng hiệu quả trị nhiều chứng bệnh nên linh chi trong thiên nhiên rất quý hiếm. Thay vào đó là linh chi sản xuất theo công nghệ sinh học. Đó là việc cấy tế bào mô cho ra giống nấm nguyên chủng theo ý thích (gọi là phân lập), có xuất xứ. Đi đầu trong việc trồng nấm linh chi là các nhà khoa học Nhật Bản. Năm 1972 họ trồng thí nghiệm đạt kết quả tốt. Sau đó là Hàn Quốc và Trung Quốc. Ở Việt Nam, Viện Dược liệu – Hà Nội đã trồng linh chi giống Trung Quốc thành công vào năm 1978. Năm 1987, các nhà khoa học thuộc Đại học Khoa học tự nhiên đã chọn được giống linh chi mọc hoang ở rừng núi Lâm Đồng để nhân giống và đưa vào sản xuất tại trại trồng nấm của Xí nghiệp Dược phẩm T.Ư 24, đạt kết quả tốt vào năm 1988.
Ông Tuyên đưa chúng tôi vào nơi trồng xích chi thuần giống Nhật Bản. Đó là gian nhà rộng lớn với nhiều gian, mỗi gian có trang thiết bị khác nhau. Phác tay, ông Tuyên phân tích: “Trồng xích chi bao gồm việc gây bào tử trong ống nghiệm, đưa ra làm quen với môi trường, cấy cơ chất,  ủ nấm, nồi hơi…”.  Cơ chất là bã thực vật (xác rơm, lục bình, bắp, mía ủ rã mục) dù không có tinh dầu, độc tố nhưng cấy vào các loại linh chi khác được nhưng với xích chi phát triển kém. Mày mò tìm hiểu, ông phát hiện chỉ có mạt cưa cây cao su là tác nhân thích hợp nhất với loại nấm nầy. Tổ hợp tác An Bình mua mạt cưa từ Tây Ninh về. Để có xích chi chất lượng cao đòi hỏi cấy trồng theo quy trình khép kín.
Ông Tuyên bảo, tưới nước là một khâu quan trọng. Khi bắt tay trồng nấm bào ngư và nấm mèo, tổ hợp áp dụng biện pháp máy phun sương. Cũng là máy phun sương được gắn dài theo từng dãy kệ trong nhà trồng, nhưng với xích chi đòi hỏi phun với một kỹ thuật đặc biệt. Phun ít hoặc nhiều đều khiến nấm mất giá trị. Để có xích chi sạch đáp ứng yêu cầu khắt khe của đối tác thu mua, đòi hỏi nó phải được cấy trồng trong môi trường sạch, nước tưới sạch…. Cấy trồng từ 65 đến 90 ngày thì hái đợt 1, Sáu tháng sau hái những đợt kế tiếp. Không giống các loại nấm khác, mỗi bịch cấy trồng chỉ cho ra 1 tai nấm xích chi. Chúng tôi được ông Tuyên đưa đi “khám phá” thế giới trồng xích chi. Vén tấm màn trong vô số màn bao quanh nơi trồng nấm, chúng tôi choáng ngợp trước những chiếc kệ nhiều tầng. Trên từng tầng là những bịch nấm hoặc đang nhú mầm, hoặc đã nở xòe tai nấm màu hồng. Nơi nầy, những tai nấm mới nhú như ngón tay con trẻ. Nơi nọ những tai nấm bắt đầu trưởng thành như những nụ hoa. Nơi khác, những tai nấm đến kỳ thu hoạch to như chiếc quạt đẹp mắt. Một màu hồng sâm sậm của những tai nấm như một hàng lính duyệt binh thẳng tắp, từng hàng. Nấm có nhiều hạng tuổi như vậy nhằm khai thác được quanh năm. Đưa tay quẹt nhẹ một mặt nấm, ông Tuyên cho chúng tôi xem lớp bột mịn màu hồng sẫm. Ông cười bảo: “Đây là thứ giá trị nhất của xích chi, gọi là bào tử. Nếu bào tử bị nước phun làm trôi đi thì nó còn rất ít tính dược dù vẫn có vị đắng nguyên thủy”.

Giàn nấm xích chi đang kỳ phát triển

Xích chi chỉ có giá trị khi còn bào tử nên việc phun nước đòi hỏi công phu. Việc phơi nấm càng khó hơn, tuy nhiên sấy nấm là tốt hơn cả. Riêng muốn sản xuất đơn thuần bào tử linh chi thì việc phun nước và thu hoạch cực kỳ khó khăn. Bào tử dùng làm mỹ phẩm cao cấp, nên giá của nó lên đến 2.000USD. Hằng tháng, Tổ hợp tác An Bình cung xích chi khô cho Công ty Trang Sinh 200kg, Công ty Nấm Việt 300kg, Công ty Hoàng Gia 800kg (các công ty nầy đều ở TP.HCM) với giá giao động 500.000 đồng/kg. Bán lẻ từ 1 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng/kg. Trong tương lai, Tổ hợp tác An Bình sẽ cung xích chi khô cho Công ty Thuận Gia, ước tính khoảng 100.000kg/tháng.
Trước lúc chia tay, ông Tuyên vào bên trong phòng khách đem ra chai rượu mời chúng tôi nhấp. Ông bảo: “Rượu ngâm xích chi đấy”. Ngon. Vì nếp rặt, có lẽ ngon nhất là vị xích chi đăng đắng ngấm thấm cổ họng một cách thú vị. Ông Kiên đem sách “Bản thảo cương mục” ra khẳng định thêm tác dụng dược liệu của xích chi: làm tăng trí nhớ, dưỡng tim, bổ gan khí, an thần; chữa tức ngực, ích phổi, thông mũi, chữa ho nghịch hơi, ích tì khí; chữa bí tiểu, bổ thận khí, chữa đau nhức khớp xương, gân cốt; ăn nhiều lần cơ thể nhẹ đi mà không già, sống lâu như thần tiên… Nghĩa là xích chi có thể ngăn chặn và chữa trị rất nhiều bệnh.

Ông Tuyên bên chiếc nồi hơi

Nắng chói chang sân nhà, nơi các công nhân đang chuyển từng bao xích chi lên xe tải nhỏ. Một công nhân cho biết: “Tổ hợp hầu như được cơ giới hóa, chỉ mỗi việc lên xuống hàng xe hoặc ghe máy là phải nhờ đến chúng tôi. Bình quân có đến 20 anh em phụ trách nhiều công việc như vô bịch mạt cưa, cấy meo, đặt bịch meo lên kệ….”. Nghe vậy, ông Tuyên tiếp lời: “Đi lên từ một tổ hợp tác sản xuất nấm bào ngư, nấm mèo với 7 tổ viên, nhà xưởng hạn hẹp, thời gian ngắn, Tổ hợp tác An Bình đã “nở nồi”, tọa lạc trên tổng diện tích 5.000m2, đầu tư trang thiết bị trên 1 tỷ đồng, có 18 tổ viên. Các tổ viên đều trở nên những người khá giả vì giá bán nấm xích chi gấp 30 đến 40 lần giá lúa”. Hỏi về dự kiến tương lai, chúng tôi được ông Tuyên dự phóng: “Sẽ mở rộng cơ xưởng, trở thành hợp tác xã. Có thành hợp tác xã mới có điều kiện pháp nhân, mới ký được nhiều hợp đồng lớn, giải quyết hết đầu ra của xích chi. Song song việc bảo vệ sức khỏe con người, khi trở thành hợp tác xã những tai nấm xích chi sẽ giúp nhiều người dân địa phương thêm đỏ màu phú túc”. Siết tay từ giã hai vị chủ nhà mến khách, chúng tôi rời Tổ hợp tác An Bình khi mặt trời đứng bóng. Ánh nắng một trưa sắp có cơn mưa lớn thường gay gắt nhưng sao chúng tôi không cảm nhận được như vậy. Phải chăng là nhờ mấy ly rượu xích chi mà ông Tuyên thân mật mời?  
Bài, ảnh: PHÙ SA LỘC

No comments:

Post a Comment

Note: only a member of this blog may post a comment.