Đi Cáp Treo Lên Núi Cấm
Lễ Tình
nhân 14-2-2015, cáp treo lần đầu tiên chính thức đưa các cặp uyên ương lên núi
Cấm (An Hảo, Tịnh Biên, An Giang) thưởng ngoạn cảnh quan đặc sắc của “đệ nhất
danh sơn miền Tây” thay vì đi đường đèo.
Núi Cấm có tên chữ Thiên Cẩm Sơn hay Thiên Cấm Sơn,
còn được gọi núi Ông Cấm. Tên Khmer của ngọn núi nầy là Phnom Tapiel hay Phnom
po piêl. Gia Định thành thông chí gọi
núi Đoài Tốn. Núi cao 50 trượng, sinh sản các loài trầm hương, tóc hương, súc
sa, giáng hương, sao, thông tre… Đại Nam
nhất thống chí miêu tả: “Thế núi cao ngất, cây cối tươi tốt, là một trong
Bảy Núi. Vì núi cao nên ít người lên đến chót”. Trước năm 1975, muốn lên núi
phải vẹt cây rừng mà đi trong sương mù lãng đãng suốt ngày. Những đầu năm 2000,
đã có đường mòn lên núi, xe gắn máy bườn lên những đá sỏi băng băng vượt dốc
một cách đầy mạo hiểm. Năm 2007, đường lên
núi mở rộng, trải nhựa, xe hơi bon bon đưa khách lên tham quan, viếng bái chùa chiền, am thất... Song song
với việc cải thiện cảnh quan ngọn núi được mệnh danh “nóc nhà đồng bằng” nầy,
từ năm 2003, người ta đã thiết kế, thi công tượng Phật Di Lặc cao 33,60m, sừng
sững giữa một vùng cây cối xanh um, tọa lạc trên diện tích 2ha. Mặt tượng Phật
Di Lặc uy nghi với nụ cười bao dung, thánh thiện. Đây là một công trình nghệ
thuật, một kiến trúc tôn giáo đồ sộ nhất từ trước tới nay trên vùng Bảy Núi. Điều thú vị nhất là khi đứng ở bất cứ vồ nào trên núi
cũng đều nhìn thấy tượng phật trắng sáng. Ngày 2-3-2013, Tổ chức Kỷ lục châu Á
công nhận là “Tượng Phật Di Lặc trên đỉnh núi lớn nhất châu Á”.
Tượng Phật Di Lặc trên núi Cấm
Từ đó du khách, khách hành hương khắp nơi đến danh
thắng nầy ngày một nhiều. Để tăng thêm sự hấp dẫn mới mẻ cho núi Cấm, ngày
24-12-2013, Công ty cổ phần phát triển du lịch An Giang (Cty CPPTDLAG), chủ đầu
tư, đã khởi công xây dựng tuyến cáp treo đưa người lên đỉnh núi Cấm với tổng
mức đẩu tư 300 tỷ đồng, do Công ty xây dựng thương mại và dịch vụ Tân Trường
Thịnh (TP.HCM) trực tiếp thi công. Dự án quy mô lớn, với chiều dài 3.461m, được
xây dựng đúng công nghệ Pháp, đảm bảo tiêu chuẩn Hiệp hội cáp treo châu Âu của
công ty Poma. Toàn tuyến cáp có 16 trụ, 89 cabin cáp đôi, mỗi cabin chứa 8
khách, công suất phục vụ 2.000 khách/giờ. Điểm đầu cáp treo xuất phát từ Khu du
lịch Lâm Viên dưới chân núi và điểm cuối ở vồ Ông Bướm trên đỉnh núi. Poma là
một tập đoàn hàng đầu thế giới trong xây dựng các hệ thống điều khiển thang
máy, cáp… Poma đã lắp đặt hơn 7.800 thiết bị trên 5 châu lục, trong 73 quốc
gia. Tại Việt Nam, Poma tham gia thiết kế kỹ thuật, cung cấp thiết bị một số
công trình cáp treo tại những khu du lịch nổi tiếng như: Yên Tử (Quảng Ninh),
Vinpearl (Nha Trang), Tây Thiên (Tam Đảo, Vĩnh Phúc)…
Nhà ga đi và đường cáp treo, nhìn từ trên núi Cấm
Cáp treo núi Cấm không chỉ phục vụ vận chuyển hành
khách lên xuống núi với bốn bề mây phủ, còn là một trong những định hướng phát
triển du lịch của tỉnh An Giang, tạo tiền đề thúc đẩy sự phát triển du lịch
tỉnh biên giới nầy. Hiện tại, ngoài tượng Phật Di Lặc, chùa Phật Lớn, chùa Vạn
Linh, núi Cấm còn thu hút khách tham quan, khám phá “năm non bảy núi”. Non ở
đây là vồ, chỉ một chỏm cao trên núi. Học giả Nguyễn Văn Hầu cho biết “năm non”
gồm: Vồ Bồ Hong, cao nhất, 705m, thờ Ngọc Hoàng Thượng đế. Vồ Đầu, đỉnh cao đầu
tiên của núi Cấm tính từ phía Bắc, 584m. Vồ Bà, 579m, có điện thờ Bà Chúa xứ.
Vồ Ông Bướm (hay Ông Voi), 480m, tương truyền xưa kia có hai người Khmer lưu
lạc tên Ông Bướm và Ông Voi đến cư trú. Vồ Thiên Tuế, 541m, trước kia là rừng
cây thiên tuế. Thực ra núi Cấm còn có nhiều vồ nữa, nhưng người ta thường nói
“năm non, bảy núi” có thể do sự tác động của những quan niệm thần bí, siêu
nhiên trong dân gian.
Tham quan núi Cấm gần đây còn có Cao Đài Tự, là một
thánh thất cổ với nhiều điều hấp dẫn khách du lịch. Khách còn tham quan vườn
cây ăn trái, vườn hoa Đà Lạt, rẫy rau cải mơn mởn suốt bốn mùa trên những con đồi
trên núi… Để núi Cấm thêm sắc xanh của nước biếc, sẽ có một hồ lớn là hồ Thanh
Long do Cty CPPTDLAG và Bộ NN-PTNT đầu tư. Hồ là một thung lũng rộng 30,6ha, gấp
3 lần hồ Thủy Liêm. Bờ kè và đường lót đá xanh quanh hồ đã hoàn chỉnh. Hồ tích
nước từ các mạch nước ngầm đổ qua các khe đá. Ngoài cung cấp nước sinh hoạt cho
dân núi, điều tiết khí hậu, giúp khu vực lúc nào cũng lãng đãng sương mù. Mặt
và bờ hồ là nơi du khách tiêu khiển với nhiều hình thức, chắc chắn sẽ khiến
khách một lần đến sẽ trở lại trong nay mai… Khi đầy nước, nước từ hồ sẽ theo
đập tràn đổ xuống suối Thanh Long khiến thắng cảnh này vốn đẹp càng thêm quyến
rũ, bốn mùa lúc nào cũng ầm ào dòng nước cuộn, là nơi tắm mát của khách theo
đường bộ lên núi.
Cabin vận hành thử nghiệm
Cùng với công trình hồ Thanh Long là các công trình
khác như khu tái định cư 8,9ha, đường lên khu định cư, bãi giữ xe và đường đến
Cao Đài Tự. Đặc biệt, để giữ chân khách, Cty CPPTDLAG, Công ty cổ phần phát
triển Nam Sài Gòn, Công ty Dịch vụ lữ hành sẽ tiếp tục đầu tư 6 dự án mới: khu
biệt thự sinh thái, khu hội nghị, khu nghỉ dưỡng, khu trung tâm điều hành, khu
dịch vụ hành hương 3, với tổng diện tích trên 70ha. Riêng khu nghỉ dưỡng được
xây trên diện tích 8,4ha, kết hợp khu hội nghị (21ha), được thiết kế xây dựng
dạng resort, tạo thành quần thể công trình cao cấp, mang đậm bản sắc dân tộc.
Song song đó, khu du lịch hành hương 1 (4ha) bố trí cạnh đường lên chùa Phật
Lớn, chùa Vạn Linh, động Thủy Liêm sẽ tổ chức lại các điểm bán những mặt hàng
truyền thống phục vụ tuyến đường đi bộ… Tất cả sẽ làm thay đổi diện mạo núi Cấm
theo hướng tích cực.
Lên/xuống ngọn núi cao 716m nầy bằng cáp treo chỉ mất
8 phút, khách sẽ thưởng lãm cảnh quan rừng nhiệt đới Tây Nam bộ được bảo tồn
xanh một màu quyến rũ. Nếu đi đường bộ sẽ có những chuyến xe chuyên dụng hiện
đại, thay toàn bộ xe chuyên dụng cũ, đưa đón an toàn…
----
Nguồn: Tác giả gửi.
No comments:
Post a Comment
Note: only a member of this blog may post a comment.