Sunday, 29 January 2023

Thơ của tác giả Hồn Trẻ 20

Đoản thi
Nguyên Nghĩa
 
Quên
Tới lúc nào ai cũng sẽ quên
Bệnh già sẽ phủi hết tình riêng
Bạn già tôi thấy trong đôi mắt
những đám mây trời bay nhẹ tênh.
 
Dỗi
Khi về già bạn như trẻ lại
mà trẻ hơn ngay cả trẻ con 
Đứa trẻ con mới hay hờn dỗi
rồi lúc một mình khóc tủi thân.

Saturday, 28 January 2023

Tác phẩm khác của tác giả Hồn Trẻ 20

Phong vị 
ngày Xuân
PHÙ SA LỘC

     
Sau nhiều tháng trời khổ sở lo âu vì cúm Tàu, lật bật rồi mùa xuân cũng đến. “Ngày xuân con én đưa thoi”. Thơ xưa cụ Nguyễn Du nói vậy, khiến nhớ lại những ngày xuân xưa xa. Đó là “mùa vui” với nhiều niềm vui nhỏ. Tháng Chạp, gió chướng lao rao ngọn qua nền trời xanh thanh khiết. Rồi chướng già lồng lộng thổi như làm bật tung ngực áo những nàng thiếu nữ xuân xanh, làm nhổ giò những chàng trai trẻ măng tơ lún phún râu mép. Tháng Chạp hăm ba, người ta rộn ràng việc cúng bái khi nghe tiếng trẻ con chạy rong ruổi ngoài chợ rao: “Cò bay ngựa chạy đưa ông Táo về trời”. Mâm cúng tươm tất dọn ra đưa tiễn người quản lý mấy ông đầu râu trong nhà về thiên đình tấu việc trần gian với Ngọc Hoàng bằng mớ giấy tiền vàng bạc và những con cò con ngựa giấy oằn mình cháy trong ngọn lửa đỏ hồng.

      Ngày tháng như trôi nhanh. Lụi hụi Tết gần sát một bên. Mấy bà mấy chị ép chuối xiêm thành từng miếng mỏng “dán” lên mặt sau nia, hoặc lên mấy tấm vỉ tre, đem phơi. Nắng rực rỡ, chỉ hơn một buổi, chuối đã se mình, vừa đủ để bắt chục cho vô keo thủy tinh. Số còn lại được xắt nhỏ trộn với gừng xắt sợi, đậu phộng rang, trộn đều, ép chặt, cho vô hộp nhựa. Chuối khô hoặc chuối mứt đều là sản phẩm dân dã dành để vừa nhân nha vừa thưởng thức hương vị trà thơm cánh mũi.

      Ngọn nắng tháng Chạp nóng nhưng không oi nhờ những ngọn gió chướng thổi tràn không gian. Đó cũng là thời điểm người ta xúm nhau giặt giũ áo quần, mùng mền chăn nệm chuẩn bị ăn Tết. “Nắng Tết”, bà con gọi vậy, ngoài làm khô đồ đạc, còn lưu lại một mùi thơm – mùi nắng – vô cùng thích thú phất phơ cánh mũi. Đêm đêm người ta rủ nhau quết bánh phồng vần công. Bánh khô mình trong ngọn nắng cuối năm. Để ngày Tết nướng “phồng” như cái mâm cúng rước ông bà hoặc đưa tiễn các đấng sau khi đoàn viên cùng con cháu ba ngày xuân. Đã nghe lác đác mấy tiếng pháo chuột, pháo đập trẻ con chơi đùa. “Mùi Tết” đậm đà trong sinh hoạt với tiếng pháo tiểu nổ ngày một nhiều hơn, càng rộn ràng với ba đêm chợ Tết mỗi năm chỉ diễn ra một lần. Đủ thứ sản vật phục vụ con người trong Tết. Đi chợ Tết là thưởng thức mùi thơm của những bó rau cải trồng không phân phướng thuốc men. Trưa ba mươi Tết, mâm cúng dọn ra với ê hề thức ăn ngon bổ. Bữa cơm đoàn tụ gia đình. Vui. Với trẻ con càng vui hơn vì vào buổi chiều, sau khi tắm táp sạch sẽ được bận quần áo mới thơm nồng mùi vải và mùi băng phiến. Tết tới. Chúc thọ ông bà, nhận lì xì… Có chút tiền mừng tuổi, ra ngã ba, ngã tư đường, tấp vô mấy sòng bầu cua cá cọp, bài ba lá… thử vận lấy may. Thua một ít, chẳng sao. Ăn một ít coi như hên suốt năm.


      Phong vị ngày xuân xưa với nhiều cổ tục đang ngày một phôi phai trong cuộc sống bộn bề cơm áo gạo tiền. Không còn nữa cây nêu pháo đỏ, ngồi canh lửa bánh chưng, bánh tét suốt đêm ba mươi, kể chuyện làm nên sự nghiệp của ông bà, dòng họ… Không còn nữa những tối quết bánh phồng trai thanh gái tú sánh đôi nhau hát hò đậm đà duyên thôn dã. Không còn nữa tiếng rao “cò bay ngựa chạy đưa ông Táo về trời”, thay vào đó là bọc nylon đựng mấy con cá chép nhỏ để ngày hăm ba trút xuống sông hoặc ao hồ. Không còn nữa ba đêm chợ Tết vui ơi là vui, vì bây giờ chợ đêm suốt sáng quanh năm suốt tháng hầu như nơi nào cũng có. Trẻ con không thèm ăn mứt me, mứt tầm ruột, mứt chuối, không thèm ăn bánh phồng, bánh bông lan, bánh phục linh, bánh tét, bánh ít… nhà làm. Chê dính tay, không ngon bằng bánh công nghiệp với hàng hà sa số chủng loại vừa quyến rũ mắt nhìn vừa vệ sinh vừa tiện dụng, chỉ cần mở bọc là có ăn ngay. Ngọt lừ. Béo ngậy. Thơm phức. Mê mẩn chân răng! Quần áo mới ư? Không cần. Vì chúng lúc nào cũng có những bộ quần áo may sẵn thuộc loại thời trang nhập ngoại, đâu phải mất công tới ông thợ may đo đo, cắt cắt mất thời giờ. Sòng bầu cua cá cọp, bài ba lá không thu hút chúng. Chúng suốt ngày dán mắt vô màn hình chiếc điện thoại thông minh với trò chơi games, chat vô cùng hấp dẫn! Đâu ai hưỡn canh lửa, châm nước nồi bánh tét, bánh chưng cùng kể “cổ tích” ông bà cho con  cháu. Cứ “a lô” là có bánh mang tới tận nhà… Có thể tán thán một tiếng “Tết xưa đâu rồi!”.

      Tết xưa đâu rồi? Câu trả lời nằm trong tâm trí người lớn tuổi còn hoài vọng. Họ hoài nhớ những buổi Chợ Tết trong thơ Đoàn Văn  Cừ:

      “Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon 
      Vài cụ già chống gậy bước lom khom
      Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ
      Thằng em bé núp đầu bên yếm mẹ
     
      Mấy cô gái ôm nhau cười rũ rượi
      Cạnh anh chàng bán pháo dưới cây đa
      Những sọt cam đỏ chót tựa son pha
      Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết”…

      Tết xưa đâu rồi? Người ta càng ngày càng bị cuộc sống xô bồ quấn lấy “trôi” theo không sao cưỡng được. Vậy là đang ngày càng có một nếp sống văn hóa ngày xuân mới phủ trùm lên chúng ta, tạo ra phong vị ngày xuân mới.     

      PHÙ SA LỘC  

 
 

Friday, 27 January 2023

Hồn Trẻ 20 và bạn hữu

Hồ Triệu Ngọc Luân
CẢM TÁC KHI ĐỌC 
TRUYỆN NGUYỄN VĂN SÂM

Lời thơ nghiêng mình nhớ 
Những chuyện kể cho đời 
Về quê hương vụn vỡ 
Buồn vui những con người 

Ai dừng chân đồng nội 
Nhìn khói sóng nhìn sông 
Câu hò nào rất ngọt 
Bâng khuâng trĩu nỗi lòng 

(Nhân đọc các truyện ngắn trong các sách 'Giọt Nước Nghiêng Mình', 'Quê Hương Vụn Vỡ', 'Khói Sóng Trên Sông' của nhà văn Nguyễn Văn Sâm.)
Hồ Triệu Ngọc Luân
 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Photo credit: vanmau.com.vn

Tuesday, 24 January 2023

Thơ của tác giả Hồn Trẻ 20

Thơ Thương Tử Tâm
Thơ gởi người tình muộn
 
Sau cuộc vui đêm này qua đêm khác
Anh trở về vẫn một bóng một thân
Đóng cánh cửa cho căn phòng bóng tối
Tiếng hát nào ngoài vách gió tường ngăn
 
Mưa đã xuống sâu trong anh, ngoài đêm
Biết làm chi sáng mai trời mưa nữa
Uống rượu say ngủ vùi (?) nửa kiếp
Tình quen nào mai sớm (?) tình quên
 
Thôi vĩnh biệt em cuộc tình lỡ muộn
Tình sau trước gì, bóng trước thân sau
Anh vốc nước dòng sông mùa trở mặn
Tay chợt sững sờ chiều nước vực mau
 
Những tàn thuốc đã ném từ buổi xa
Anh làm sao đếm nổi bao lần nhớ
Khuôn mặt lạnh đã xuôi về sông lạ
Em dĩ nhiên xa như thời gian sẽ qua

Chiều dàn thân anh chiều mãi bao giờ
Trong tội tình nầy – em trời mưa xuống
Mưa sắp hết chiều anh sắp chết chưa

Sao em về đành mặc chiếc áo đen
Em vào đêm hay đêm đã vào em
Giọt mưa thừa lạc trên đôi mắt tối
(Tình quen nào rồi cũng sẽ tình quên)./.
 
Thương Tử Tâm

Saturday, 21 January 2023

Tác phẩm khác của tác giả Hồn Trẻ 20

Mùa xưa lúa cũ
PHÙ SA LỘC
 
 
 
 
       Khi ngọn gió bấc se se lạnh thổi tràn qua bờ bãi ruộng vườn đồng bằng sông Cửu Long, sao nhớ quá những mùa xưa lúa cũ. Đó là khi ta còn nhỏ, thấp chũn, lẹt đẹt đi chân không trên những bờ mẫu cao nghệu. Khi đó, ta thấy dưới thăm thẳm sâu là những ngọn lúa cao ngọn trỗ oằn những chùm bông hươm vàng cong vòng lắt lay trong gió. Ta bồi hồi nôn nao nghĩ đến tương lai gần. Đó là khi ngọn gió chướng mạnh liệt thổi ào ào làm xuyến xao cây cỏ, những ngọn lúa trỗ màu vàng sậm đong đưa chờ bàn tay gặt hái của nhà nông. Tiếng gọi nhau í ới của những người dân quê vừa no bụng nắm cơm đầu ngày, nhanh chân xuống ruộng, thoăn thoắt tay liềm tay cù nèo gặt những bó lúa đậm màu no ấm. Đâu đó, từ xa xưa, trong cổ tích có lẽ, là tiếng hát tiếng hò huê tình vang vang trong nắng sớm chiều hoe. Tiếng hát tiếng hò làm vơi bao mệt nhọc của ngày lao động cật lực nhưng cũng là sợi dây kết nối tình cảm gái trai của những thanh niên nam nữ vừa chớm xuân thì. Mùa vụ thu hoạch no nê, người nông dân túa ra thành thị mua sắm. Nào quần áo, dày giép, nồi niêu xoong chảo cùng bao thứ linh tinh khác chuẩn bị đón Tết đang từng bước gần kề. Niềm vui đó chỉ đến với người nông dân mỗi năm chỉ có một lần, bởi họ làm lúa mùa.
      Lúa mùa có độ dài sinh trưởng tới nửa năm mới cho thu hoạch, từ khi gieo trồng nhổ cấy. Lúa mùa khiến nông dân có đời sống không cao nhưng giúp ta có những bữa cơm đậm đà bổ dưỡng mà bây giờ khó tìm thấy nơi những hạt gạo ngắn ngày. Làm sao sánh được gạo lúa mùa, khi gạo lúa ngắn ngày thu hoạch sau gieo sạ chỉ trong vòng ba tháng. Chợt nhớ và ngậm ngùi câu “dục tốc bất đạt” của cổ nhân. Nhưng con người ngày càng nhiều thêm, nông sản phải lớn mau, lớn nhiều mới kịp đáp ứng nhu cầu. Và, lúa mùa có thể đã thành dĩ vãng với những huyền thoại đẹp qua các công đoạn gieo trồng cổ điển. Vậy mà một bữa ta bất chợt gặp lại “người xưa” trên cánh đồng Nguyệt Hóa (Trà Vinh) khi rong xe trên Quốc lộ 54. Đó là cảnh cặp vợ chồng người Khmer đang cần mẫn trên cánh đồng lất phất mưa của một ngày áp thấp nhiệt đới. Chị vợ vừa nhổ mạ vừa chất thành đống trên mặt nước sâm sấp của cánh đồng. Anh chồng gom thành bó vừa ôm, nắm bó ngọn mạ quất mạnh vào chân cho sạch bùn trước khi đặt lên chiếc bàn nhổ mạ bằng tre, bó thành bó. Họ làm việc cần mẫn, không biết rằng ta đang hoài nhớ những mùa lúa xưa, với những ngọn lúa mùa cao ngút đầu con trẻ, khi ta sục chân xuống bùn tìm bắt những con cua ngơ ngác huơ càng, và những chén cơm nóng hổi ngon bây giờ hiếm khi có được.
      Bây giờ hiếm khi có được là những bữa cơm ngon nấu bằng gạo lúa sóc. Đó là những hạt gạo nhỏ như cọng tăm, nấu thành cơm khô, tơi như cơm tấm, càng nhai càng nghe vị ngọt thoảng thơm mùi vị núi rừng hoang dã biên cương. Lúa sóc được đồng bào Khmer miệt Tịnh Biên, Tri Tôn (An Giang) trồng sát chân núi nên còn gọi là “lúa ruộng trên”. Cũng như lúa mùa, lúa sóc mỗi năm chỉ canh tác một vụ nên sản lượng không nhiều. Lại trồng quanh chân núi diện tích chẳng là bao. Năng suất lúa sóc không cao còn vì không dùng phân hóa học, không dùng thuốc trừ sâu, chỉ canh tác theo phương pháp cổ truyền. Chính vì vậy gạo lúa sóc tuy hiếm nhưng quý vì là loại ngũ cốc rất sạch và nhiều bổ dưỡng.
      Gạo lúa sóc nấu cơm ở đồng bằng đã ngon. Ta đã từng lên tới đỉnh Thiên Cấm Sơn (núi Cấm, Tịnh Biên, An Giang), và đã được thưởng thức mùi vị tuyệt vời của nó. Không phải nhờ bàn tay khéo léo của những người nội trợ trên ngọn núi bốn mùa đỉnh mù mây trắng, mà bởi vì khí lạnh lan tỏa khắp nơi khiến hột cơm vốn đã khô tơi càng thêm tơi khô, vốn đã ngon ngọt càng thêm ngon ngọt và nồng ấm. Gạo lúa sóc còn làm nên món ngon trứ danh của núi rừng Tịnh Biên. Đó là bánh xèo núi Cấm. Bột làm bánh được xay từ những hột gạo sơn cước này nên khi cầm miếng bánh “quê mùa” với nhưn tép rang và măng tre mạnh tông trong tay chấm chén nước mắm giấm tỏi ớt tuềnh toàng, cắn nhai mới biết cái sự sanh thú ở đời nó thấm thía ra sao!
      Lạc vào lịch sử cây lúa nước, ta nhớ tới một loại lúa có sức sống hầu như vô tận. Đó là lúa ma, người địa phương gọi lúa trời, Trịnh Hoài Đức viết trong sách “Gia Định thành thông chí” gọi lúa là “quỷ cốc”. Hằng năm, vào khoảng tháng tư âm lịch, trời đổ mưa, lúa bắt đầu nẩy mầm. Tháng 4 dương lịch, mầm lúa nhú cao chừng năm tấc, thân cứng, lá to bản. Mùa nước nổi về, từ tháng 8 tới 12 dương lịch, lúa trỗ đòng. Nước dâng tới đâu, ngọn và hột lúa vươn cao lên khỏi mặt nước tới đó. Một tháng sau lúa chín, đặc biệt vào ban đêm. Sáng sớm, nắng lên, lúa rụng hột, chờ năm sau tới mùa tiếp tục nẩy mầm... Lúa trời là đặc sản của thiên nhiên, người xưa thu hoạch bằng cách bơi chiếc xuồng con, chính giữa căng bức màn vải. Xuồng lướt qua ruộng lúa, người ta dùng sào đập hai bên rèm cho hột lúa chín chạm vào bức màn rơi xuống khoang. Lúa thu hoạch về ngâm nước khoảng ba ngày rồi đem phơi nắng cho đuôi lúa rụng trước khi xay, giã thành gạo. Gạo lúa ma rất ngon cơm nhờ dẻo và thơm. Loại lúa sạch này ngày rất xưa mọc tràn đồng, nhờ vậy con người mới có cái ăn. Và có lẽ lúa ma là thủy tổ của những loại lúa bây giờ ta đang “được sống” với những tên gọi TN, OM, MTL, gắn liền những con số vô hồn như chất lượng hơi hơi “vô hồn” của chúng. No thì có no nhưng ngon chẳng thể sánh bằng “lúa cha lúa ông” thuở trước./.
      PHÙ SA LỘC
 
      Hình: Lúa chín cúi đầu. 
      https://nguyenxuanbinhminh.com

Chúc Mừng Năm Mới Quý Mão 2023

Photo credit: cafebiz.vn

Friday, 20 January 2023

Thơ của tác giả Hồn Trẻ 20

Trần Kiêu Bạt
Khoảng giã từ cho một đời người
 
Xin giã từ anh 
Một cái bắt tay
Lúc đó đừng cười quá buồn
Bởi không còn hy vọng gì
Ngày khuất mặt
Và chúng ta sắp không nhận diện được nhau
Xin giã từ anh
Thành phố hai mùa mưa nắng
Con đường hằn sâu rêu phủ dấu chân
Đầu đời hò hẹn
Xin giã từ anh
Mẹ già run run tựa cửa
Buổi chiều ngồi khóc
Ngôi nhà nắng dột quanh năm
Sách vở tháng ngày mong đợi người về
Một đời hy vọng
Xin giã từ anh
Ba năm làm tên lính thú
Kiêu bạt nào từng bước chân đi
Ngó hoài con chim đời sống
Bay qua vẫn còn khốn khổ
Làm sao không tự thú
Xin giã từ anh
Giã từ người yêu anh em bè bạn
Giã từ lần chót
Trên lá cờ buồn nếp đỏ áo quan
Đất hứa người đã có
Đi tìm bao năm qua
Dựng lên vòng hoa trắng
Xin giã từ… giã từ.

TRẦN KIÊU BẠT


Nguồn: Số đặc biệt kỷ niệm đệ nhứt chu niên thành lập Thi văn Về Nguồn, khoảng 1970. 


Photo credit: https://www.itl.cat