Saturday, 21 January 2023

Tác phẩm khác của tác giả Hồn Trẻ 20

Mùa xưa lúa cũ
PHÙ SA LỘC
 
 
 
 
       Khi ngọn gió bấc se se lạnh thổi tràn qua bờ bãi ruộng vườn đồng bằng sông Cửu Long, sao nhớ quá những mùa xưa lúa cũ. Đó là khi ta còn nhỏ, thấp chũn, lẹt đẹt đi chân không trên những bờ mẫu cao nghệu. Khi đó, ta thấy dưới thăm thẳm sâu là những ngọn lúa cao ngọn trỗ oằn những chùm bông hươm vàng cong vòng lắt lay trong gió. Ta bồi hồi nôn nao nghĩ đến tương lai gần. Đó là khi ngọn gió chướng mạnh liệt thổi ào ào làm xuyến xao cây cỏ, những ngọn lúa trỗ màu vàng sậm đong đưa chờ bàn tay gặt hái của nhà nông. Tiếng gọi nhau í ới của những người dân quê vừa no bụng nắm cơm đầu ngày, nhanh chân xuống ruộng, thoăn thoắt tay liềm tay cù nèo gặt những bó lúa đậm màu no ấm. Đâu đó, từ xa xưa, trong cổ tích có lẽ, là tiếng hát tiếng hò huê tình vang vang trong nắng sớm chiều hoe. Tiếng hát tiếng hò làm vơi bao mệt nhọc của ngày lao động cật lực nhưng cũng là sợi dây kết nối tình cảm gái trai của những thanh niên nam nữ vừa chớm xuân thì. Mùa vụ thu hoạch no nê, người nông dân túa ra thành thị mua sắm. Nào quần áo, dày giép, nồi niêu xoong chảo cùng bao thứ linh tinh khác chuẩn bị đón Tết đang từng bước gần kề. Niềm vui đó chỉ đến với người nông dân mỗi năm chỉ có một lần, bởi họ làm lúa mùa.
      Lúa mùa có độ dài sinh trưởng tới nửa năm mới cho thu hoạch, từ khi gieo trồng nhổ cấy. Lúa mùa khiến nông dân có đời sống không cao nhưng giúp ta có những bữa cơm đậm đà bổ dưỡng mà bây giờ khó tìm thấy nơi những hạt gạo ngắn ngày. Làm sao sánh được gạo lúa mùa, khi gạo lúa ngắn ngày thu hoạch sau gieo sạ chỉ trong vòng ba tháng. Chợt nhớ và ngậm ngùi câu “dục tốc bất đạt” của cổ nhân. Nhưng con người ngày càng nhiều thêm, nông sản phải lớn mau, lớn nhiều mới kịp đáp ứng nhu cầu. Và, lúa mùa có thể đã thành dĩ vãng với những huyền thoại đẹp qua các công đoạn gieo trồng cổ điển. Vậy mà một bữa ta bất chợt gặp lại “người xưa” trên cánh đồng Nguyệt Hóa (Trà Vinh) khi rong xe trên Quốc lộ 54. Đó là cảnh cặp vợ chồng người Khmer đang cần mẫn trên cánh đồng lất phất mưa của một ngày áp thấp nhiệt đới. Chị vợ vừa nhổ mạ vừa chất thành đống trên mặt nước sâm sấp của cánh đồng. Anh chồng gom thành bó vừa ôm, nắm bó ngọn mạ quất mạnh vào chân cho sạch bùn trước khi đặt lên chiếc bàn nhổ mạ bằng tre, bó thành bó. Họ làm việc cần mẫn, không biết rằng ta đang hoài nhớ những mùa lúa xưa, với những ngọn lúa mùa cao ngút đầu con trẻ, khi ta sục chân xuống bùn tìm bắt những con cua ngơ ngác huơ càng, và những chén cơm nóng hổi ngon bây giờ hiếm khi có được.
      Bây giờ hiếm khi có được là những bữa cơm ngon nấu bằng gạo lúa sóc. Đó là những hạt gạo nhỏ như cọng tăm, nấu thành cơm khô, tơi như cơm tấm, càng nhai càng nghe vị ngọt thoảng thơm mùi vị núi rừng hoang dã biên cương. Lúa sóc được đồng bào Khmer miệt Tịnh Biên, Tri Tôn (An Giang) trồng sát chân núi nên còn gọi là “lúa ruộng trên”. Cũng như lúa mùa, lúa sóc mỗi năm chỉ canh tác một vụ nên sản lượng không nhiều. Lại trồng quanh chân núi diện tích chẳng là bao. Năng suất lúa sóc không cao còn vì không dùng phân hóa học, không dùng thuốc trừ sâu, chỉ canh tác theo phương pháp cổ truyền. Chính vì vậy gạo lúa sóc tuy hiếm nhưng quý vì là loại ngũ cốc rất sạch và nhiều bổ dưỡng.
      Gạo lúa sóc nấu cơm ở đồng bằng đã ngon. Ta đã từng lên tới đỉnh Thiên Cấm Sơn (núi Cấm, Tịnh Biên, An Giang), và đã được thưởng thức mùi vị tuyệt vời của nó. Không phải nhờ bàn tay khéo léo của những người nội trợ trên ngọn núi bốn mùa đỉnh mù mây trắng, mà bởi vì khí lạnh lan tỏa khắp nơi khiến hột cơm vốn đã khô tơi càng thêm tơi khô, vốn đã ngon ngọt càng thêm ngon ngọt và nồng ấm. Gạo lúa sóc còn làm nên món ngon trứ danh của núi rừng Tịnh Biên. Đó là bánh xèo núi Cấm. Bột làm bánh được xay từ những hột gạo sơn cước này nên khi cầm miếng bánh “quê mùa” với nhưn tép rang và măng tre mạnh tông trong tay chấm chén nước mắm giấm tỏi ớt tuềnh toàng, cắn nhai mới biết cái sự sanh thú ở đời nó thấm thía ra sao!
      Lạc vào lịch sử cây lúa nước, ta nhớ tới một loại lúa có sức sống hầu như vô tận. Đó là lúa ma, người địa phương gọi lúa trời, Trịnh Hoài Đức viết trong sách “Gia Định thành thông chí” gọi lúa là “quỷ cốc”. Hằng năm, vào khoảng tháng tư âm lịch, trời đổ mưa, lúa bắt đầu nẩy mầm. Tháng 4 dương lịch, mầm lúa nhú cao chừng năm tấc, thân cứng, lá to bản. Mùa nước nổi về, từ tháng 8 tới 12 dương lịch, lúa trỗ đòng. Nước dâng tới đâu, ngọn và hột lúa vươn cao lên khỏi mặt nước tới đó. Một tháng sau lúa chín, đặc biệt vào ban đêm. Sáng sớm, nắng lên, lúa rụng hột, chờ năm sau tới mùa tiếp tục nẩy mầm... Lúa trời là đặc sản của thiên nhiên, người xưa thu hoạch bằng cách bơi chiếc xuồng con, chính giữa căng bức màn vải. Xuồng lướt qua ruộng lúa, người ta dùng sào đập hai bên rèm cho hột lúa chín chạm vào bức màn rơi xuống khoang. Lúa thu hoạch về ngâm nước khoảng ba ngày rồi đem phơi nắng cho đuôi lúa rụng trước khi xay, giã thành gạo. Gạo lúa ma rất ngon cơm nhờ dẻo và thơm. Loại lúa sạch này ngày rất xưa mọc tràn đồng, nhờ vậy con người mới có cái ăn. Và có lẽ lúa ma là thủy tổ của những loại lúa bây giờ ta đang “được sống” với những tên gọi TN, OM, MTL, gắn liền những con số vô hồn như chất lượng hơi hơi “vô hồn” của chúng. No thì có no nhưng ngon chẳng thể sánh bằng “lúa cha lúa ông” thuở trước./.
      PHÙ SA LỘC
 
      Hình: Lúa chín cúi đầu. 
      https://nguyenxuanbinhminh.com

No comments:

Post a Comment

Note: only a member of this blog may post a comment.