Saturday 28 January 2023

Tác phẩm khác của tác giả Hồn Trẻ 20

Phong vị 
ngày Xuân
PHÙ SA LỘC

     
Sau nhiều tháng trời khổ sở lo âu vì cúm Tàu, lật bật rồi mùa xuân cũng đến. “Ngày xuân con én đưa thoi”. Thơ xưa cụ Nguyễn Du nói vậy, khiến nhớ lại những ngày xuân xưa xa. Đó là “mùa vui” với nhiều niềm vui nhỏ. Tháng Chạp, gió chướng lao rao ngọn qua nền trời xanh thanh khiết. Rồi chướng già lồng lộng thổi như làm bật tung ngực áo những nàng thiếu nữ xuân xanh, làm nhổ giò những chàng trai trẻ măng tơ lún phún râu mép. Tháng Chạp hăm ba, người ta rộn ràng việc cúng bái khi nghe tiếng trẻ con chạy rong ruổi ngoài chợ rao: “Cò bay ngựa chạy đưa ông Táo về trời”. Mâm cúng tươm tất dọn ra đưa tiễn người quản lý mấy ông đầu râu trong nhà về thiên đình tấu việc trần gian với Ngọc Hoàng bằng mớ giấy tiền vàng bạc và những con cò con ngựa giấy oằn mình cháy trong ngọn lửa đỏ hồng.

      Ngày tháng như trôi nhanh. Lụi hụi Tết gần sát một bên. Mấy bà mấy chị ép chuối xiêm thành từng miếng mỏng “dán” lên mặt sau nia, hoặc lên mấy tấm vỉ tre, đem phơi. Nắng rực rỡ, chỉ hơn một buổi, chuối đã se mình, vừa đủ để bắt chục cho vô keo thủy tinh. Số còn lại được xắt nhỏ trộn với gừng xắt sợi, đậu phộng rang, trộn đều, ép chặt, cho vô hộp nhựa. Chuối khô hoặc chuối mứt đều là sản phẩm dân dã dành để vừa nhân nha vừa thưởng thức hương vị trà thơm cánh mũi.

      Ngọn nắng tháng Chạp nóng nhưng không oi nhờ những ngọn gió chướng thổi tràn không gian. Đó cũng là thời điểm người ta xúm nhau giặt giũ áo quần, mùng mền chăn nệm chuẩn bị ăn Tết. “Nắng Tết”, bà con gọi vậy, ngoài làm khô đồ đạc, còn lưu lại một mùi thơm – mùi nắng – vô cùng thích thú phất phơ cánh mũi. Đêm đêm người ta rủ nhau quết bánh phồng vần công. Bánh khô mình trong ngọn nắng cuối năm. Để ngày Tết nướng “phồng” như cái mâm cúng rước ông bà hoặc đưa tiễn các đấng sau khi đoàn viên cùng con cháu ba ngày xuân. Đã nghe lác đác mấy tiếng pháo chuột, pháo đập trẻ con chơi đùa. “Mùi Tết” đậm đà trong sinh hoạt với tiếng pháo tiểu nổ ngày một nhiều hơn, càng rộn ràng với ba đêm chợ Tết mỗi năm chỉ diễn ra một lần. Đủ thứ sản vật phục vụ con người trong Tết. Đi chợ Tết là thưởng thức mùi thơm của những bó rau cải trồng không phân phướng thuốc men. Trưa ba mươi Tết, mâm cúng dọn ra với ê hề thức ăn ngon bổ. Bữa cơm đoàn tụ gia đình. Vui. Với trẻ con càng vui hơn vì vào buổi chiều, sau khi tắm táp sạch sẽ được bận quần áo mới thơm nồng mùi vải và mùi băng phiến. Tết tới. Chúc thọ ông bà, nhận lì xì… Có chút tiền mừng tuổi, ra ngã ba, ngã tư đường, tấp vô mấy sòng bầu cua cá cọp, bài ba lá… thử vận lấy may. Thua một ít, chẳng sao. Ăn một ít coi như hên suốt năm.


      Phong vị ngày xuân xưa với nhiều cổ tục đang ngày một phôi phai trong cuộc sống bộn bề cơm áo gạo tiền. Không còn nữa cây nêu pháo đỏ, ngồi canh lửa bánh chưng, bánh tét suốt đêm ba mươi, kể chuyện làm nên sự nghiệp của ông bà, dòng họ… Không còn nữa những tối quết bánh phồng trai thanh gái tú sánh đôi nhau hát hò đậm đà duyên thôn dã. Không còn nữa tiếng rao “cò bay ngựa chạy đưa ông Táo về trời”, thay vào đó là bọc nylon đựng mấy con cá chép nhỏ để ngày hăm ba trút xuống sông hoặc ao hồ. Không còn nữa ba đêm chợ Tết vui ơi là vui, vì bây giờ chợ đêm suốt sáng quanh năm suốt tháng hầu như nơi nào cũng có. Trẻ con không thèm ăn mứt me, mứt tầm ruột, mứt chuối, không thèm ăn bánh phồng, bánh bông lan, bánh phục linh, bánh tét, bánh ít… nhà làm. Chê dính tay, không ngon bằng bánh công nghiệp với hàng hà sa số chủng loại vừa quyến rũ mắt nhìn vừa vệ sinh vừa tiện dụng, chỉ cần mở bọc là có ăn ngay. Ngọt lừ. Béo ngậy. Thơm phức. Mê mẩn chân răng! Quần áo mới ư? Không cần. Vì chúng lúc nào cũng có những bộ quần áo may sẵn thuộc loại thời trang nhập ngoại, đâu phải mất công tới ông thợ may đo đo, cắt cắt mất thời giờ. Sòng bầu cua cá cọp, bài ba lá không thu hút chúng. Chúng suốt ngày dán mắt vô màn hình chiếc điện thoại thông minh với trò chơi games, chat vô cùng hấp dẫn! Đâu ai hưỡn canh lửa, châm nước nồi bánh tét, bánh chưng cùng kể “cổ tích” ông bà cho con  cháu. Cứ “a lô” là có bánh mang tới tận nhà… Có thể tán thán một tiếng “Tết xưa đâu rồi!”.

      Tết xưa đâu rồi? Câu trả lời nằm trong tâm trí người lớn tuổi còn hoài vọng. Họ hoài nhớ những buổi Chợ Tết trong thơ Đoàn Văn  Cừ:

      “Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon 
      Vài cụ già chống gậy bước lom khom
      Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ
      Thằng em bé núp đầu bên yếm mẹ
     
      Mấy cô gái ôm nhau cười rũ rượi
      Cạnh anh chàng bán pháo dưới cây đa
      Những sọt cam đỏ chót tựa son pha
      Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết”…

      Tết xưa đâu rồi? Người ta càng ngày càng bị cuộc sống xô bồ quấn lấy “trôi” theo không sao cưỡng được. Vậy là đang ngày càng có một nếp sống văn hóa ngày xuân mới phủ trùm lên chúng ta, tạo ra phong vị ngày xuân mới.     

      PHÙ SA LỘC  

 
 

No comments:

Post a Comment

Note: only a member of this blog may post a comment.