Monday, 30 May 2011

Thơ của các tác giả Hồn Trẻ 20


VÕ MINH ĐƯỜNG
Chiều, em và hoa hoàng hậu


Chiều
Em
Và hoa hoàng hậu
Se vàng theo màu nắng
Một người còn ở lại
Một người về đi thôi
Một người còn thao thức
Những bước chân bên đời…

Vì xa ta yêu em
Vì sao ta yêu em
Hoa nói dùm hoa nhé
Chiều nói dùm cho hoa
Nắng nói thay cho chiều
Chút tình riêng giấu lại
Từ một màu hoa kia

Chiều
Em
Và hoa hoàng hậu
Vàng như một lời ru
Mai kia ta trở lại
Nhớ những buổi bên chiều…

Sunday, 29 May 2011

Các sáng tác khác của Hồn Trẻ 20

NGUYÊN NGHĨA
Nụ cười Ngọc Lan

"Ngọc Lan dòng suối tơ vương, mắt thu hồ dịu ánh vàng..."

Lời hát ấy nhạc sĩ Dương Thiệu Tước đã viết trong bài "Ngọc Lan" do ông sáng tác. Tôi yêu bài hát ấy từ thuở thiếu niên, khi đứng trên sân khấu văn nghệ liên trường trung học vào mỗi dịp phát thưởng cuối năm. Trường Mạc Ðĩnh Chi của tôi lúc ấy luôn luôn dẫn đầu về hợp xướng, nhờ có một ban hợp xướng gồm nam sinh lẫn nữ sinh. Trường Trưng Vương thường được giải nhất về vũ, kế đó giải nhì là trường Lê Văn Duyệt. Tôi thích nét uyển chuyển mềm mại và nên thơ trong các màn vũ của những nữ sinh Lê Văn Duyệt, nên thường đứng trong hậu trường nhìn ra, ngắm những tà áo dài có kết thêm những "đôi cánh" bằng cùng loại vải mỏng tuyền trắng mềm mại. Từ chỗ đứng ấy tôi thấy rõ người nữ giáo sư dạy vũ nhạc của trường Lê Văn Duyệt vừa cầm micro hát "Ngọc Lan", "Thiên Thai", vừa làm hiệu cho các nữ sinh đang vũ trên sân khấu. Tôi bắt đầu yêu thích bài hát này từ đó.

Lời hát trong bài "Ngọc Lan" ấy hôm nay lại văng vẳng trở về từ một góc trí nhớ sâu thẳm của tôi, sau khi tin tức được loan đi rằng Ngọc Lan đã từ giã cõi đời 6 tháng 3 năm 2001, hưởng dương 44 tuổi. Sự ra đi bất ngờ, đúng ra là tin buồn đến bất ngờ, bởi Ngọc Lan đã ngã bệnh, đã lâu không còn xuất hiện trên bất cứ một sân khấu nào, trước một ống kính thu hình nào, không còn hát trong một đĩa nhạc mới nào; điều đó, hàng triệu khán thính giả đã đoán già đoán non, đã đồn đãi cũng như đã nhận thấy sau khi xem Ngọc Lan trình diễn trong chương trình video Asia thu hình tại Toronto mùa hè năm 1996.

Khi Ngọc Lan còn bay đi đây đó ca hát trên cõi đời này, nhiều người đã nói, nhiều bài báo đã viết về Ngọc Lan. Lời ca tụng dành cho Ngọc Lan rất nhiều, nhưng tiết lộ về cuộc sống khép kín của Ngọc Lan thì hình như rất hiếm. Bởi Ngọc Lan e ấp, kín đáo, nên Ngọc Lan đến và đi khỏi cõi đời này cũng "nhẹ thoảng", "mong manh" như loài hoa mang tên Ngọc Lan ấy. Những cây Ngọc Lan người ta vẫn thấy trong những sân nhà ở Sàigòn, có những đóa hoa cánh mỏng màu trắng thanh khiết và thoảng nhẹ mùi hương.

Trong cảm nhận chủ quan của tôi, bất cứ một người nghe nhạc Việt nào cũng đều biết nghệ danh Ngọc Lan, cũng đều yêu mến tiếng hát Ngọc Lan. Ngọc Lan đã gắn bó từ lâu với khán thính giả. Có thể, nếu không được gợi lại, một vài người sẽ không nhớ ra rằng đã có 2 cuốn video Ngọc Lan do đạo diễn Ðặng Trần Thức thực hiện.

Nhưng khi nhắc đến hình ảnh Ngọc Lan với ánh nến hắt hiu mờ ảo, với những tấm màn voan trắng bay phất phơ trên một bãi biển, sóng vỗ... những người đã xem 2 cuốn video ấy đều nhìn nhận đó là 2 tác phẩm nghệ thuật giá trị. Sự thành công đó, một phần do tài dàn dựng của đạo diễn Ðặng Trần Thức và phần khác do chính phần trình diễn của Ngọc Lan.

Nền điện ảnh & truyền hình Việt Nam trước 1975 có không ít đạo diễn: Lê Quỳnh, Hoàng Anh Tuấn, Hoàng Vĩnh Lộc, Nguyễn Long, Lê Dân, Ðỗ Tiến Ðức, Lê Hoàng Hoa, Lê Mộng Hoàng, Ðặng Trần Thức, Bùi Sơn Duân... Trong số họ, sau năm 1975, có người đã chết trong nhà tù Cộng sản, có người đã ra hải ngoại nhưng hầu như không còn ai làm phim hoặc làm những việc liên quan đến điện ảnh, ngoại trừ đạo diễn Ðặng Trần Thức. Hai cuốn phim video do đạo diễn Ðặng Trần Thức thực hiện, đến nay vẫn được rất nhiều người nhắc đến là "Mặt Trời Bên Kia Mùa Hạ" và "Như Em Ðã Yêu Anh", dành riêng cho tiếng hát Ngọc Lan. Có thể nói, từ đó, từ khoảng 1991, Ngọc Lan trở thành một "vì sao" bất ngờ hiện ra nhưng rực sáng, hầu như không một vì sao nào khác có thể thay chỗ; ngay cả sau khi "vì sao" Ngọc Lan đã rơi rụng.

Sau khi Ngọc Lan về nước Chúa, rất nhiều người đã viết những dòng tưởng nhớ Ngọc Lan. Thường là những tác giả ấy viết về bản tính khép nép, kín đáo, đặc biệt là vẻ sầu muộn u uẩn toát ra từ đôi mắt, từ tia nhìn, từ đôi môi, từ khuôn mặt, và nhất là ẩn chứa trong giọng hát Ngọc Lan. Ðiều ấy, chắc chắn khán thính giả đã nhận thấy trong suốt thời gian tiếng hát Ngọc Lan còn cất lên, còn rung nên những âm thanh vời vợi trên dây tơ trong hồn người. Hãy nghe lại một bản nhạc nào đó Ngọc Lan hát, chưa cần liên tưởng đến việc Ngọc Lan vừa bỏ cõi đời này, bạn cũng có thể cảm nhận như thoảng nghe tiếng thở dài trong một ngày mưa giăng mây xám.

Nơi bài viết này tôi không muốn lặp lại việc phân tích căn bệnh mà Ngọc Lan mắc phải. Bệnh Multiple Sclerosis (MS), bệnh tiểu đường, hay một thứ bệnh nào khác..., nhiều bài báo đã tiết lộ cho độc giả, khán thính giả biết. Tôi chỉ muốn như một khán thính giả của Ngọc Lan, bày tỏ niềm thương tiếc Ngọc Lan và diễn tả cảm nhận của tôi về nụ cười Ngọc Lan. Nụ cười ấy, vẫn bám lấy trong trí nhớ tôi và trên tấm ảnh tôi đang giữ trong bộ sưu tập. Nếu có phải viết ra nơi đây những chữ "tôi" đáng ghét, tôi mong được hiểu cho rằng đó là điều không tránh được.

Ngọc Lan và Nguyên Nghĩa (ảnh chụp tại Toronto, 1994)

Tôi nhớ rõ lắm, tấm ảnh được chụp ở một show cuối năm 1994 tại Toronto, ở hội trường Ukrainian Cultural Centre trên đường Christie. Người bạn đời của Nguyễn Hưng đã cầm máy chụp tấm ảnh này chung Ngọc Lan và tôi. Tôi vào trong hậu trường trao đổi vài mẩu chuyện ngắn với Ngọc Lan. Ngọc Lan gật đầu nhiều hơn nói, và có nói cũng chỉ là những câu ngắn gọn. Cặp mắt lúc nào cũng có vẻ trũng sâu, cũng thiếu nét tươi tắn yêu đời. Càng nhìn gần tôi càng nhận rõ ra điều đó. Có lúc tôi đã tự hỏi, tại sao như vậy? Có lẽ vì cô make-up quá đậm quanh vùng mắt chăng? Không hẳn. Thời điểm đó báo chí loan tin Ngọc Lan sắp lập gia đình với Kevin Khoa, một nhạc sĩ cùng trong ban nhạc với Don Hồ, vào những năm Don Hồ mới khởi nghiệp. Tôi nói vài câu chúc mừng Ngọc Lan và nhìn Ngọc Lan cười, nhưng là nụ cười rất... "gắng gượng làm vui". Nhìn thấy nụ cười ấy, bỗng dưng tôi không can đảm để nói chuyện lâu hơn nữa, bỏ ý định phỏng vấn Ngọc Lan cho một bài báo Tự Do tháng đó và tôi bước ra ngoài, để Ngọc Lan ngồi một mình với... ý nghĩ riêng tư cùng nụ cười buồn bã ấy. Như một khán giả, tôi mến chuộng tiếng hát Ngọc Lan, nhưng như một người cầm bút, có dịp đến gần Ngọc Lan và Khoa, tôi càng quí trọng Ngọc Lan và cảm thấy ái ngại như ngại chạm vào chiếc bình quí mong manh dễ vỡ.

Tôi gặp lại Ngọc Lan và Khoa trong một đêm nhạc hội Colors of Night, tháng 4 năm 1995, tại Metro Convention Centre, Toronto. Ðêm đó có khá đông đảo ca sĩ: Ái Vân, Phương Hồng Quế, Lilian, Dalena, Nguyễn Hưng, Henri Chúc, Nguyễn Ngọc Ngạn, Nguyễn Cao Kỳ Duyên, và dĩ nhiên có cả Ngọc Lan. Lần ấy Khoa chỉ đi cùng với Ngọc Lan chứ không chơi nhạc, và Thế Sơn cũng chỉ ghé qua thôi, trên đường đi Montreal, và cũng không hát. (Ðó là lần đầu tiên Thế Sơn sang Canada).

Khoa cùng tôi ngồi xuống một bậc thềm gần bên sân khấu. Tôi hỏi thăm Khoa sức khỏe của Ngọc Lan và ngỏ ý muốn viết một bài về Ngọc Lan "để đời". Khoa tâm sự: "Người ta đồn rằng chắc là tụi em (Khoa và Ngọc Lan) có con nên bấy lâu nay Ngọc Lan nghỉ hát, nhưng sự thật đâu phải như vậy. Nếu có con thì tụi em đã mừng và có ngại gì mà không cho thiên hạ biết. Sự thật là Ngọc Lan bị bệnh nên phải nghỉ một thời gian". Tôi an ủi: "Hơi sức nào mà bận tâm vì tin đồn! Ngọc Lan đi hát lại được là mừng rồi, từ từ rồi mọi tin đồn loại đó sẽ tan biến".

Nhưng tại sao Khoa phải nói điều đó nhỉ? Bây giờ tôi mới hiểu! Lúc đó Khoa lo âu và hình như Khoa muốn nói thật rằng Ngọc Lan bệnh nặng lắm rồi, nhưng Khoa cố dằn lại và chỉ tâm sự nửa vời. Lúc đó tôi ngước mắt nhìn lên sân khấu, thấy Ngọc Lan đang đứng hát, thỉnh thoảng nở nụ cười nhưng là nụ cười sầu muộn và tia nhìn của Ngọc Lan đã xa vời mông lung lắm. Tôi biết Ngọc Lan chưa khỏe hẳn, rõ ràng là Ngọc Lan cần người nắm tay để bước lên những nấc thang ra sân khấu, nhưng tôi vẫn chưa dám nghĩ rằng thị giác của Ngọc Lan đã yếu lắm, yếu hơn tôi tưởng.

Khi nghỉ giải lao, thấy tôi mang máy ảnh, một nữ khán giả quen biết đã bước đến xin tôi chụp cho cô và cháu bé một pose ảnh chung với Ngọc Lan. Sau đó, thấy tôi đang đứng cạnh Ngọc Lan nên ban tổ chức đã nhờ tôi "theo trông chừng" cho Ngọc Lan bước qua dãy phòng thay y phục vì từ sân khấu đến đó phải băng qua một khoảng sân. Ðến màn trình diễn của Ngọc Lan sau đó, tôi đã phải nắm tay đưa Ngọc Lan bước lên những bậc thang sân khấu.

Hầu như sau chương trình video Asia thu hình tại Molson Amphitheatre, Toronto năm 1996, Ngọc Lan không còn xuất hiện trước công chúng. Khán thính giả lúc đó đã chứng kiến Ngọc Lan được đưa ra sân khấu thu hình Asia, chứng tỏ thị giác Ngọc Lan đã yếu lắm rồi. Ðĩa nhạc cuối cùng Ngọc Lan hát, tựa đề "Vĩnh Biệt Tình Anh" đã được Khoa và Ngọc Lan thực hiện, được hiểu là một linh cảm trước rằng Ngọc Lan sẽ phải chia tay cha mẹ, chị em, chia tay Khoa, chia tay khán thính giả, chia tay cõi đời này vĩnh viễn.

Trong một bài viết tưởng nhớ Ngọc Lan, tựa là "Mặt Trời Bên Kia Mùa Hạ", anh Hoàng Trọng Thụy (người "dẫn chương trình" cùng với Quỳnh Hương trong những cuốn video Asia Video trước đây, hiện là biên tập viên kiêm xướng ngôn viên đài VNCR tại Garden Grove, Cali) kể lại lời Ngọc Lan đã tâm sự trong buổi quay phim "Mặt Trời Bên Kia Mùa Hạ":

Lúc đó chúng tôi đang quay Video thứ hai, Ngọc Lan còn khỏe lắm. Cảnh ngoài bãi biển trên ghềnh đá, tôi đang cầm đàn Guitar, Ngọc Lan dựa vào lưng tôi để nghe đàn (cảnh này không nhớ có được đạo diễn Thức cho vào phim hay không, vì nhiều cảnh quay rồi mà cuối cùng không xuất hiện). Trong lúc nghỉ giải lao chờ ông đạo diễn đi một vòng tìm hình ảnh, tôi ngồi hỏi han về đời sống Ngọc Lan. Tình cờ tôi hỏi Ngọc Lan có tin vào bói toán hay không. Ngọc Lan không nói chỉ kể tôi nghe một câu chuyện, giọng cô có vẻ hơi sờ sợ nhưng cũng vừa cười vừa nói: "Không biết, nhưng hồi còn đi học ở Việt Nam, tình cờ bạn bè dắt đi xem bói mà bạn cho là xem hay lắm. Bà ấy xem chỉ tay của Lan rồi nói là Lan sau này sẽ nổi tiếng khủng khiếp lắm, ai ai cũng biết đến hết từ trong nước đến ngoài nước, khắp thế giới. Nhưng rồi bà ấy nói, cô sống nổi tiếng bao nhiêu thì khi cô chết đi, chẳng một ai biết hết". Ngọc Lan có vẻ hơi rụt rè khi kể lại chuyện này, rồi cô nói thêm: "Lời xem bói của bà ấy đã đúng phân nửa rồi, không biết phân nửa còn lại ra sao...?"

Giờ đây đám tang Ngọc Lan với đầy đủ nghi thức Công giáo đã hoàn tất. Ngọc Lan đã yên nghỉ. Hàng ngàn người mến mộ đã đến viếng và đưa tiễn Ngọc Lan về nơi yên nghỉ cuối cùng. Bà thầy bói trong câu chuyện mà Ngọc Lan kể cho anh Hoàng Trọng Thụy nghe, nói "sai" hay nói "đúng", tôi chưa dám chắc, nhưng đối với riêng tôi, một trong những nguyên do thôi thúc tôi viết những dòng này là vì muốn chứng tỏ bà thầy bói ấy nói "sai". Không thể nào Ngọc Lan chết mà "chẳng một ai biết hết". Cho dù, sau khi Ngọc Lan mất chưa bao lâu, các cơ quan truyền thông còn đang tập trung những bài viết về Ngọc Lan thì đến lượt nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời đầu tháng 4 năm 2001. Rất nhiều tác giả đã và đang viết những dòng chiêu niệm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, dư luận còn đang bàn tán và ngay cả tranh cãi về "khuynh hướng chính trị" của người nhạc sĩ này, vì lẽ đó, tôi muốn có thêm một người bày tỏ riêng niềm thương tiếc Ngọc Lan, qua những dòng này.

Mong Ngọc Lan được yên nghỉ. Từ đây, khi mọi người nhắc đến Ngọc Lan, mong hãy bày tỏ tấm lòng yêu mến đối với một vì sao rụng sớm, một tiếng hát sớm tắt không cất cao được nữa vào muôn trùng không gian để vượt cả đại dương đến với nhiều chục triệu thính giả ở khắp thế giới. Từ đây, chắc chắn khán thính giả mến mộ sẽ giữ lại mãi trong lòng họ khuôn mặt Ngọc Lan, tiếng hát Ngọc Lan vời vợi buồn.

Tôi muốn phổ biến tấm ảnh mang nụ cười Ngọc Lan này, như một ao ước đóng góp thêm cho bộ sưu tập về Ngọc Lan, dành cho những khán thính giả yêu dấu của Ngọc Lan, và nhất là dành cho gia đình Ngọc Lan. Ngay cả khi Ngọc Lan nở nụ cười, vẫn vương vất nỗi héo hắt và toàn khuôn mặt Ngọc Lan cũng không đánh dạt được nét buồn bã.

Nhưng ít ra, Ngọc Lan có nở được nụ cười, vẫn chứng tỏ rằng có giây phút hiếm hoi Ngọc Lan còn thấy cuộc đời bớt héo úa. Tươi được một chút nào hay chút ấy thôi.

4-2001  

Nguyên Nghĩa

Thursday, 26 May 2011

Các sáng tác khác của Hồn Trẻ 20

MÙA HẠ NHỎ
Thơ Võ Minh Đường
Quỳnh Hợp phổ nhạc 

Có một mùa phượng cũ
Trong phố nắng chiều nay
Có một người ngồi nhớ
Giọt nào mưa hạ bay

Trong veo mùa áo trắng
Cỏ hẹn bước chân ai
Mùa cây xanh phố lặng
Bàn tay nhớ bàn tay

Đôi mắt nhớ đôi mắt
Em nhớ biển mù khơi
Nhớ trường xưa kín cổng
Qua đi chín mươi ngày

Nhớ phòng học im vắng
Lặng theo từng tiếng ve
Sáo diều vi vu hát
Cho em trọn mùa hè

Và em mùa phượng xa
Tóc bay trong nắng hè
Mưa chiều rơi nhè nhẹ
Mưa chiều xanh tiếng ve

Có một người ở lại
Nhớ thương một mùa hè.

(in trong tập thơ "Góí Mây Trong Áo")


theo http://quynhhop.wordpress.com


Tuesday, 24 May 2011

Thơ của các tác giả Hồn Trẻ 20

THƯƠNG TỬ TÂM
Tiếc xưa

tiếc xưa quá chén không v kp
xuân đã vì ai s
m n hoa
qua sông tình ph
em v bin
m
t vết chim bay xung cõi nào

sáng nay thuy
n mc căng bum rách
b
t mng đi ta thiếu tay chèo
thuy
n đi chm quá trên lưng sóng
n
a kiếp tìm nhau chng thy nhau

bi
n Đông th được không lá thm
h
i âu vài tiếng rt trong chiu
ta v
n nh bây gi vn nh
đ
thơ lưu lc gi bao la

hàn sĩ chi
u nay như đo sĩ
neo thuy
n bên hang đng do chơi
c
nhân đánh chén trên bàn thch
nay ta ng
m l đng bên tri.

Monday, 23 May 2011

Thơ của các tác giả Hồn Trẻ 20

VÕ MINH ĐƯỜNG
Tự khúc

Và những buổi chiều hương gió chưa tan
Nhớ con sông dài nước trong mây trắng
Cánh lá mùa thu vàng mùa thu qua
Trôi mênh mông trong ký ức đầy
Nhánh khúc của sông hòa vào dòng chảy
Thời quá vãng rêu xanh

Nắng trên tầng lá trên cành xa trên đường
Trên đôi mắt em còn như điều quyến rũ
Còn như điệp khúc phơi trong vườn thơ
Một mai héo hoắc ngỡ ngàng trên đất

Mùa thu và vầng trăng ngát
Xõa tóc em bay cùng tiếng tình xưa
Bụi của nỗi buồn bết lên
Vầng trăng tan từ đầu nguồn gió

Bình minh chim hót lời tình tự
Chiếc lá bay hoang
Bên dòng nước lấp lánh bên đường chiều
Anh hỏi màu nắng ấy
Tình yêu mình đi đâu
Giữa vô cùng tháng năm yên lặng.

Thơ của các tác giả Hồn Trẻ 20

ĐỖ THỊ MINH GIANG
Nhã Hoa

Lưu ly sầu biếc mảnh hồn thơ
Tơ dệt nghiêng dòng bao ước mơ
Khép kín song buồn trăm hạt vỡ
Vươn từ ảo mộng bước bơ vơ.

Nghe lòng thầm lặng bóng chiều thu
Đồi thấp sương mù giấc lãng du
Bàng bạc lưng trời mây trắng phủ
Lá thông reo gió trầm êm ru.

Duyên kiếp hồn mang nét nhã hoa
Đàn buông tơ luyến nhạc vang xa
Tâm tình trao gửi người thương cảm
Dâng tặng cuộc đời vương tiếng ca.

1-08

(trích từ tập thơ Thương Về Kỷ Niệm
tác giả xuất bản tại Hoa Kỳ năm 2010)

Saturday, 21 May 2011

Về một tác giả Hồn Trẻ 20


LÝ THỪA NGHIỆP, qua Bọt Nước Xao

NGUYÊN NGHĨA viết

Lý Thừa Nghiệp, người bạn thơ và đàn anh của tôi thời chúng tôi còn trẻ, còn hồn nhiên say sưa sáng tác và hăng hái gửi những bài thơ chưa ráo mực ấy cho các tờ báo tên tuổi ở Sài-gòn. Người bạn thơ và cũng là đàn anh đó từng ký bút hiệu Trầm Mặc Nghệ Thế, trong nhóm thơ Hồn Trẻ 20 gồm khoảng mười người chúng tôi. Càng lớn lên, đời sống và cuộc chiến càng đẩy chúng tôi đi xa nhau. Người ra chiến trường, người trở thành ký giả chuyên nghiệp, người vào Đại Học... Dù vậy, nhưng tâm tưởng chúng tôi lúc nào cũng gắn bó lấy nhau. Gắn bó cho tới bây giờ. Cuộc lưu lạc từ 1975 vẫn không đánh bạt được chúng tôi ra khỏi ký ức của nhau. Mối dây Hồn Trẻ 20 từ gần 40 năm nay vẫn bền bỉ, vẫn giúp chúng tôi tìm lại được nhau.

Nhưng cái hồn thơ, nhân sinh quan, do kinh nghiệm từng trải, tùy hoàn cảnh sống, ở mỗi người chúng tôi đã đổi khác ít nhiều, không còn hồn nhiên được nữa như thời mới lớn. Lý Thừa Nghiệp thoát được khỏi Việt-nam, sang Úc. Anh không dùng bút hiệu Trầm Mặc Nghệ Thế nữa mà lấy tên thật làm bút hiệu, và mức sáng tác của anh bây giờ dồi dào hơn cả ngày xưa. Tôi đoán rằng, vì anh không còn bận bịu chuyện quân ngũ như ngày xưa nên có nhiều thì giờ dành cho tĩnh lặng, hứng lấy những nguồn cảm xúc lan đến và rót xuống trên giấy thành những dòng thơ.

Điều trước nhất tôi nhận thấy, qua tập thơ Bọt Nước Xao vừa do Cỏ Reo ấn hành tại Úc cuối năm 2003, thơ  Lý Thừa Nghiệp giờ đây "trầm mặc" hơn so với thơ của anh thời Hồn Trẻ 20 chúng tôi in chung tập thơ năm 1967. Bài tiêu biểu Buổi Lâm Hành của anh trong tập thơ đó chứa đựng những ngôn ngữ và hình ảnh mạnh và sắc:

lần giã biệt đi quanh thành phố cũ
giọng hét la và tay níu hận thù
mưa buổi chiều dựng cao rừng biểu ngữ
thấy tường mây tang giăng phủ mịt mù.
(LTN - Buổi lâm hành)

Và đây một số đoạn tiêu biểu thơ Lý Thừa Nghiệp bây giờ trong Bọt Nước Xao:

Rồi như một nhánh sông khô
Dang tay ta níu mấy bờ quạnh hiu
Lạc loài dăm tiếng chim kêu
Ngó quanh chỉ thấy bóng chiều giăng-giăng
Ô-hay! có một màu trăng
Long lanh như hạt sương tan bên trời.
(LTN - Hoại diệt)

Người trở lại khu vườn cổ-tích
Chuyện buồn vui bỏ lại bên đường
Xin tạ ơn trọn niềm cô tịch
Sắc và không lộng lẫy một cội nguồn.
(LTN - Trở lại)

Sư tử hống, tiếng tiêu hề! tịch mịch
Nhân gian hề! hoa tuyết trắng đầu non
Gã thi sĩ cười giòn
Xếp chân ngồi bên núi
Nghe biển vỗ yêu thương.
(LTN – Đơm hoa)

Trông ra mấy ngõ hoa vàng
Núi xanh ngắt đứng từ ngàn năm qua
Đất trời tự tại trổ hoa
Mùa xuân hay tiếng chim ca rất giòn.
(LTN - Hoa vàng)

Sau cùng, tôi trích đăng nơi đây nguyên bài Cài Then, cho thấy rõ nét nhất về thơ Lý Thừa Nghiệp - cũng như về cách nghĩ, cách sống của thi sĩ bây giờ: 

Cài then đóng cánh cửa đời
Khép đôi mắt thấy đất trời thênh thang
Lá khua hay tiếng ai đàn
Dường như rừng đã nhuộm vàng một phương
Tuổi nào khoác áo mù sương
Nghiêng vai trông cuộc vô thường trôi mau.
(LTN - Cài then)
   

NGUYÊN NGHĨA
(Canada, tháng 1/2004)

Những sáng tác khác của Hồn Trẻ 20

PHÙ SA LỘC
Khám phá Hòn Tre

Hòn Tre có tên Traksu, được Le Distour, người Pháp, khám phá từ khi nó mới chỉ có vài gia đình người Việt định cư. Hình dáng hòn đảo này được Le Distour cho đắp bằng ô dước tại ấp 1, nay vẫn còn. Còn sách “Gia Định thành thông chí” thì ghi đó là Đảo Tre với chú thích: ở biển phía Đông Nam trấn, chu vi 20 dặm, làm án ngoại cho hải cảng Kiên Giang…
Từ thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) vượt khoảng đường gần 30 cây số bằng tàu cao tốc ra Hòn Tre mất khoảng một tiếng đồng hồ với giá vé 42.000 đồng. Mùa này biển êm như mặt hồ. Cô Thu Ba thường ra vô hòn cho biết, khi nào tàu chạy không thấy “cái đuôi” Hòn Đất nữa là tới Hòn Tre - thị trấn chính của huyện đảo Kiên Hải, gồm Hòn Tre, Hòn Sơn Rái (Lại Sơn), và quần đảo Nam Du với 21 đảo thuộc xã An Sơn và Nam Du - thời Pháp có tên là Poulo Dama, người địa phương quen gọi là Hòn Củ Tron.

Hòn Tre có ba ấp với vài ngàn dân. Tùy theo thế đất mà người ta cất nhà. Nhà áp sát biển, nhà cheo leo sườn núi lẫn bên tảng đá khổng lồ. Đường đi ngoằn ngoèo chân núi, quanh co sườn dốc cheo leo, khó đi nhưng ngoạn mục. Con đường chạy quanh hòn dài 12 cây số, rộng khoảng 4 mét bằng bê tông xi măng được khởi công vào đầu năm 2007, sẽ hoàn thành vào cuối năm nay với kinh phí 80 tỉ đồng từ Chương trình biển Đông - biển đảo của Bộ Quốc phòng.
Men theo con đường này, du khách dễ choáng ngợp vì cảnh đẹp của Hòn Tre. Một bên là vách núi cheo leo, đầy bóng cây xanh; một bên là vực biển sâu hun hút. Qua những tàng cây cao, từ chân hòn đá tảng chất chồng, biển xanh ngắt một màu…
Dinh Ông Nam Hải thờ bộ xương cá Ông dài 9,4 mét, ngang 3,8 mét, trọng lượng khi còn sống là 5 tấn. Ngày 26-4 Âm lịch hàng năm (ngày Ông lụy, năm 2006), dân đi biển tổ chức lễ giỗ rất trang trọng với niềm tin sẽ được Ông phò hộ an lành và may mắn. Gần đó có hòn đá Bà Già nằm bên chân sóng. Nhìn từ bờ, hòn đá giống chiếc cúp. Nếu đi ghe sẽ thấy hòn đá có bộ mặt nhăn nheo như mặt bà già.
Đi chệch thêm trăm mét gặp Thiên Thai cổ tự nằm bên chân núi. Chùa do cha cô Lan lập ra, sau này do cô trụ trì nên người ta còn gọi là chùa cô Lan. Rồi gặp Sơn Linh tự. Tiếng gọi là chùa nhưng thật ra đây chỉ là một hang núi nhỏ, sát chân núi, bên đường. Khom người vào hang một chút sẽ nghe hơi nước mát lạnh từ ngọn suối gần đó phả ra. Đi mút con đường, bạn sẽ thỏa thích khi đến Đuôi Hà Bá.
Anh Nguyễn Tấn Cương, làm việc ở Ban Tuyên giáo huyện Kiên Hải, giải thích: “Nhìn từ Rạch Giá, Hòn Tre như con rùa biển khổng lồ. Hòn có đầu rùa, mình rùa nhưng đuôi chè bè, không phải đuôi rùa. Theo dân gian, hà bá là con vật gắn liền với biển nên người ta gọi nơi này là Đuôi Hà Bá”. Đuôi Hà Bá là biển nước sâu, đón gió Nam. Từ đây có thể nhìn thấy Lại Sơn và quần đảo Nam Du. Nơi cuối gành, phải cẩn trọng đặt chân lên từng hòn đá cheo leo, trắc trở trước khi đến những hòn đá bàn. Ngồi trên mặt đá phẳng lì, thả cần câu, nghe gió muối mặn từ khơi xa thổi vào, nghe tiếng ve râm ran át cả tiếng máy khoan đá làm đường.
Cầu khỉ đi vào Động Dừa 
Nhưng thích thú hơn cả là Bãi Chén của Hòn Tre. Bãi Chén có cảnh vật đẹp và hoang sơ. Bãi cát vàng. Nước xanh. Theo truyền thuyết, Nguyễn Ánh đã bỏ lại rất nhiều chén ở nơi này để tháo chạy khi bị quân Tây Sơn truy bắt. Nhưng người ta gọi tên như vậy có khi vì cái vịnh biển này có nhiều hòn đá to tròn giống như cái chén úp nằm khắp nơi. Xung quanh các hòn đá này, bám dày đặc những con hàu nhỏ cỡ đầu ngón tay cái, gọi là hàu sữa. Chỉ cần đặt nhúm lá dừa vào đó, mồi lửa, thời gian chưa tàn điếu thuốc, những con hàu há vỏ, dùng dao tách lấy thịt là đã có món ăn ngọt ngào của loài nhuyễn thể.
Trên vịnh biển, ghe đánh cá dập dềnh. Đôi vợ chồng Trương Hồng Hải - Nguyễn Thị Loan đang đánh lưới nổi cá đối. Anh Hải cho biết làm nghề này từ lâu lắm rồi, mỗi ngày làm từ 8 giờ sáng tới 1 giờ chiều, bán cho du khách hoặc đem ra chợ bán, tệ lắm cũng kiếm khoảng 200.000 đồng, có hôm trúng được tới 500.000 đồng. Chị Loan đưa thùng cá cho xem. Những con cá đối trắng bạc quẫy cựa liên hồi, giá 25.000 đồng/ki lô gam. Cân xong, hai vợ chồng nhanh tay bẻ củi, chất lên tảng đá, đốt lửa. Lửa tàn, họ đặt từng con cá trên than đỏ lòm. Cá chín, gắp để lên mặt tấm lá chuối xanh dờn chấm muối ớt. Lai rai với ly rượu đế đục ngầu, nghĩ mà nhớ cái thời cha ông đi khẩn hoang!

Vợ chồng ngư phủ nướng cá đối 
Đi về Bãi Chén có hai đường. Đường xuyên núi sẽ gặp Hòn Đá Chuông. Hòn đá này có hình tam giác không cân, nằm lẫn với nhiều hòn đá khác. Cầm viên đá gõ vào sẽ nghe tiếng kêu thanh như tiếng chuông. Còn gõ vào các hòn đá kế cận thì chẳng nghe thấy gì.
Đường quanh co, khúc khuỷu, lên xuống dốc, băng qua những mảnh vườn xanh um, mát rượi. Mùa nào thức nấy: xoài cát, xoài hòn, mãng cầu, hồng quân, nhãn, thanh long… Điều lạ lùng là trái cây trên đảo có hương vị ngọt ngon hơn ở những nơi khác.
Đi đường này mất cả tiếng đồng hồ. Còn về theo ngả Động Dừa thì bằng xuồng máy, 15 phút là tới Động Dừa. Rời xuồng, đặt chân lên những tảng đá chất chồng, lại cẩn trọng làm cuộc mạo hiểm trên mấy thân tre khô của chiếc cầu khỉ dài trăm mét để vào bờ. Băng hẻm núi nhỏ chừng mươi phút thì tới trung tâm thị trấn.
Ngày nắng hanh hao. Đang mùa ve sữa. Đêm đêm, hầu như dân cả thị trấn xúm nhau lên núi tìm bắt loại côn trùng này. Với ngọn đèn pin, họ tìm bắt những con vật nhỏ cỡ ngón tay trỏ từ dưới đất chui lên, bò trên thân cây. Chị Trần Thị Thoa, người chuyên bán ve sữa, cho biết: “Nếu không bị bắt, trong chốc lát ve sữa sẽ mọc cánh trở thành ve sầu. Ve sữa sau khi bắt được cho vô thùng nước để không mọc cánh, đem về luộc nước muối giữ trắng”.
Ở Hòn Tre chỉ có vài ba người thu gom ve sữa bán, mỗi người có chừng hai ba ký lô là cùng, giá 70.000 đồng/ki lô gam (năm ngoái giá cao nhất là 40.000 đồng/ki lô gam). Ve sữa ram mặn, ướp mắm muối chiên tươi, cắn cái “bụp”, nghe mùi thơm đặc trưng và chất béo của ve thấm đẫm tới chân răng. Ve sữa là đặc sản độc đáo chỉ riêng Hòn Tre mới có. Mùa ve sữa rất ngắn, khoảng một tuần lễ. Khi mưa xuống là dứt.
Tạm biệt Đảo Tre, chợt nhớ sách “Gia Định thành thông chí” ngày xưa từng viết: “Ở biển phía Đông Nam trấn, chu vi 20 dặm, làm án ngoại cho hải cảng Kiên Giang”…

Phù Sa Lộc đang dò lại các địa danh trên bản đồ du lịch

Thơ của các tác giả Hồn Trẻ 20

PHÙ SA LỘC
Đã hết rồi em thời hoa mộng

Chiều nay hồn thấy như cằn cỗi
Như gốc sao già góc phố xưa
Đứng rụng lơ thơ từng tóc lá
Trong lòng gió lạnh nắng vàng thưa

Chiều nay nào phải chiều năm cũ
Anh nhẹ cùng em bước rất đều
Giữa phố với đông người thác lũ
Mà trong không khí thiếu hương yêu

Có phải không em thời hoa mộng
Đã theo chùm cánh thời gian đi
Chúng ta ngơ ngác như chim lạc
Hót nhớ ngày vui chẳng có gì

Ngày vui như bóng câu qua cửa
Sót lại lòng ta bụi gió trùm
Soi kiếng thấy già thêm mấy tuổi
Giật mình con trẻ đã thêm năm

Chiều nay hoa mộng trôi theo nước
Theo bóng thời gian quá phũ phàng
Có thấy chăng em em đã lớn
Đã thêm trách nhiệm mỗi năm tàn

Chiều nay anh thấy anh thu lại
Sống giữa thời xưa rất thái bình
Chúng ta trẻ nhỏ vui như Tết
Chơi những miền quê rất hữu tình. 

Sài Gòn, tháng 9-1971
 

Friday, 20 May 2011

Thơ của các tác giả Hồn Trẻ 20

LÝ THỪA NGHIỆP
Sóc Trăng

Ai về gửi mấy lời thăm
lòng tôi con phố mưa dầm chưa phai
tuổi nào tạc dấu mê say
em tà áo trắng còn bay trên đường
tạ ơn mưa nắng sân trường
máu tim còn thở điệu buồn trong veo.

(trong tuyển tập thơ "Cát Vân" in tại Úc)

Thơ của các tác giả Hồn Trẻ 20

LÝ THỪA NGHIỆP
Gặp lại bạn ở Sydney

Mặt đất này đâu có chi lớn rộng 
Đi man thiên rồi cũng gặp một ngày 
Nửa cuộc đời hay giấc ngủ say
Thì sá gì vài nét nhăn trên mặt.
* 
Dù đã có vài đứa về với đất 
Nghe dế reo và sâu bọ hát hò 
Đánh giấc dài, rũ sạch sầu lo 
Từng cánh nhạn bay về chốn cũ. 
* 
Mình đi giữa mùa đông xứ Úc 
Lạnh Sydney làm nhớ nắng Sóc-Trăng 
Khi lên đường sao chẳng hẹn về thăm 
Đồng lúa chín vàng thơm trời Bố-Thảo. 
* 
Cũng có lúc chợt thấy đời vô đạo 
Sương mù giăng lớp lớp ở trong lòng 
Con ngựa già còn gõ nhịp lưu vong 
Đi cho hết những con đường phiêu bạt.

(trích Tuyển Tập 6 Nhà Thơ Úc Châu, xuất bản năm 2010) 


Ảnh trên: Hai thi sĩ HT20 gặp lại nhau tháng 11 năm 2000. Lý Thừa Nghiệp (bên trái) và Lâm Hảo Khôi (bên phải) tại một buổi tiệc cưới (Ảnh từ album HT20).
 

Thursday, 19 May 2011

Lại thơ Hồn Trẻ 20 trên video ca nhạc

Hoàng Đặng:

Theo cơn mộng, bước tôi về
thở hương đồng lúa miền quê thanh bình
tôi thơ trẻ lại hồn nhiên
chiều ngoài đê gió thả lên cánh diều.
(Paris by Night 59 "Cây đa bến cũ")

Nguyễn Thị Đoan Trang:

Như chim non côi cút lạc loài
ôi bé thơ vất vưởng giữa đời
mắt nhìn ngơ ngác phương vô định
ngước tìm không thấy bóng tương lai.
(Paris by Night 59 "Cây đa bến cũ")
 
Mạc Đĩnh:

Ngày trở lại hỏi con đò năm cũ
đưa qua bờ cho tôi gặp vầng trăng
đò tách bến lâu rồi không đợi nữa
tôi với người nay cách một dòng sông.
(Paris by Night 59 "Cây đa bến cũ")

Lê Thị Mai:

Lòng em giăng lá reo cùng gió
rủ bầy chim về hót rộn ràng
ngõ trúc người xa vừa trở lại
thềm cũ mong chờ đã mấy trăng.
(Paris by Night 59 "Cây đa bến cũ")
 
Bùi Viên Mỵ:

Còn cây đa ở cạnh đình làng
già thêm bao tuổi với thời gian
nhìn lên màu ngói rêu phong nhuốm
tôi ước chim về chơi trước sân.
(Paris by Night 59 "Cây đa bến cũ")

Lý Thừa Nghiệp:

Khi trở lại và dòng sông vẫn mở
bên bờ xưa một hình bóng bơ vơ
con nước lớn chảy lan tràn thương nhớ
từ bao năm cây lá đứng mong chờ.
(Paris by Night 59 "Cây đa bến cũ")

Nguyên Nghĩa:

Cuồn cuộn Hồng Hà, lờ lững Hương giang
dòng Cửu Long tưới ngọt đất miền Nam
những con sông cùng xuôi về biển mẹ
trời tự do reo tiếng lúa thanh bình.
(Paris by Night 59 "Cây đa bến cũ", phần kết thúc)

Wednesday, 18 May 2011

Thơ của các tác giả Hồn Trẻ 20


LÂM HẢO KHÔI

Những cơn mưa ở Sóc Trăng

 

Sóc Vồ

khi buồn muốn cưới vợ Miên

mắm kho bông súng cơn ghiền Sóc Trăng

tôi đi khắp chốn xa gần

vẫn không quên được cái lần đụt mưa

nhà em tre lá đơn sơ

bếp thơm khói ấm bay mờ tóc em

ví dù mình chẳng hề quen

thì đâu có chuyện chong đèn viết thơ

mái chùa ngói đỏ như mơ

tôi mơ mà có bao giờ thấy ai

rất tình cờ rất là may

cơn mưa hạt vắn hạt dài làm duyên

phải em má lúm đồng tiền

cho tôi say mãi cơn ghiền Sóc Trăng.

 

Cù lao Dung

em đi về phía cù lao

mưa đâu ướt đẫm câu chào làm quen

áo hường mặc để khoe duyên

thương người hôm tối đỏ đèn mình ên

bởi tôi xuồng nhỏ lặng thinh

bởi ông cầm lái nên mình mất nhau

vườn ai đom đóm bay cao.

 

Lò đường ông Biện Miêng

nhạn về bậu xuống thăm tôi

dấu trong túi áo chuyện đời bể dâu

trời buồn đất thấp sông sâu

áo bà ba trắng chuyến tàu mắc mưa

ở đây quen đuốc lá dừa

khuya ca vọng cổ vẫn chưa đỡ buồn

mía đường thèm ngọt môi hôn

thuốc rê giấy quyến rượu cồn cầu Quan

sớm mai đò vắng sương tan

sóng đưa tiếng thở dịu dàng bậu xa.