Saturday, 7 May 2011

Các sáng tác khác của Hồn Trẻ 20

NGUYÊN NGHĨA

Nguyễn Ngọc Ngạn, đằng sau bức màn sân khấu

Đến bây giờ, không phải chỉ riêng người Việt ở hải ngoại mà kể cả 72 triệu người Việt tại quốc nội, hầu như ai cũng biết tiếng Nguyễn Ngọc Ngạn. Người ta biết ông trước nhất như một M.C. rất quen thuộc bên cạnh Nguyễn Cao Kỳ Duyên trong các chương trình video Paris by Night. Hầu hết đều công nhận rằng Nguyễn Ngọc Ngạn có diện mạo sáng sủa, ăn nói hoạt bát, khôi hài dí dỏm, và có trí nhớ bền bỉ. Năm nay ông gần 60 tuổi, tuy vậy, ở ông vẫn toát ra sự tự tin khi đứng trước khán giả, vẫn thu hút và vẫn chứng tỏ bản lãnh của ông không dễ có người nào thay thế nổi.

Người ta thấy rõ rằng cái tên Nguyễn Ngọc Ngạn giờ đây gắn liền với cái tên trung tâm Thúy Nga, nhưng có lẽ không mấy người nhớ chính xác sự gắn liền ấy có từ bao giờ. Bởi từ lâu lắm rồi, đã hơn mười năm nay. Nói rõ ra là từ chương trình video Paris by Night 17. Trong cuốn video đầu tiên đó, mới chỉ một mình Nguyễn Ngọc Ngạn dẫn chương trình, chưa có Nguyễn Cao Kỳ Duyên bên cạnh. Khi video Paris by Night 17 được phát hành, số bán gia tăng một phần nhờ dịp Giáng Sinh, phần khác là do các "feedback" đầy thiện cảm của khán giả dành cho M.C. trong chương trình ấy, nên ngay trong mùa Giáng Sinh đó Nguyễn Ngọc Ngạn đã nhận được một chi phiếu "bonus" do trung tâm Thúy Nga gửi sang! Tôi nhớ rõ, Nguyễn Ngọc Ngạn đã rất vui khi kể lại chuyện này trong một dịp chúng tôi ngồi quán café với nhau. Tuy nhiên một vài chương trình video Paris by Night sau đó, cuốn thì có Nguyễn Ngọc Ngạn làm M.C., cuốn không, cho đến khi khán giả và chính trung tâm Thúy Nga nhận ra sự cách biệt một trời một vực giữa sự có mặt Nguyễn Ngọc Ngạn và sự vắng bóng Nguyễn Ngọc Ngạn, thêm vào đó nhu cầu giá trị nghệ thuật càng ngày càng phải được nâng cao, từ đó Nguyễn Ngọc Ngạn trở thành một cánh tay xông xáo của trung tâm Thúy Nga. Ca sĩ, nhạc sĩ, nhạc công, vũ công… có thể ra đi hẳn hoặc vắng bóng trong một vài chương trình, nhưng Nguyễn Ngọc Ngạn thì luôn luôn có mặt!

Sự thành công của Nguyễn Ngọc Ngạn không chỉ giới hạn trong lãnh vực video mà thôi. Nói cách khác, Nguyễn Ngọc Ngạn vượt trội, Nguyễn Ngọc Ngạn dẫn đầu trong nghề M.C., không hẳn vì ông thu hút khán giả khi họ nhìn thấy ông trên video, mà còn do họ nghe ông kể chuyện, nghe ông khôi hài, nghe ông đối đáp… bằng cái giọng Bắc trầm ấm lôi cuốn.

Dường như dần dà khi nhắc đến tên Nguyễn Ngọc Ngạn, người ta chỉ hình dung ngay ra Nguyễn Ngọc Ngạn M.C., mà quên rằng Nguyễn Ngọc Ngạn còn là nhà văn, mặc dù từ lâu người ta đã biết điều này. Ông là người viết và đọc lời thuyết minh cho nhiều chương trình video Paris by Night, chẳng hạn Paris by Night 49 "Chúng Ta Đi Mang Theo Quê Hương", Paris by Night 59 "Cây Đa Bến Cũ"… Giọng trầm ấm của Nguyễn Ngọc Ngạn trong các cuốn video dần dà đã trở nên gần gũi, quen thuộc với khán giả Paris by Night, khó mà dứt ra được. Chất giọng ấy ngấm sâu vào tiềm thức khán giả từ lúc nào, chính họ cũng khó định rõ thời điểm. Có thể nhận xét rằng giọng Nguyễn Ngọc Ngạn đã trở nên thân mật gần gũi với người nghe, giống như ngày xưa giọng nói dịu dàng của cô Dạ Lan trên đài phát thanh Quân Đội từng làm biết bao nhiêu anh lính Cộng Hòa say mê đắm đuối.   

Trung tâm Thúy Nga được thành hình ở thủ đô Paris nước Pháp, nhưng về sau vì thị trường ở Mỹ càng ngày càng lớn mạnh, nên trung tâm này đã chuyển hướng, sang Hoa Kỳ (Cerritos, Hollywood, Las Vegas, Houston…) rồi bước thêm, sang tận Canada để thu hình các chương trình video. Kể từ giai đoạn đó, băng đọc truyện Nguyễn Ngọc Ngạn bắt đầu ra đời, số lượng tiêu thụ khá mạnh mẽ. Thế là từ sách (books) của tác giả Nguyễn Ngọc Ngạn, Thúy Nga cho ra đời thêm sản phẩm audio books, do chính Nguyễn Ngọc Ngạn đọc, cùng với Hồng Đào, Nguyễn Cao Kỳ Duyên, Ái Vân, Mai Phương, Thanh Lan, Duy Quang…

Giữa "viết" và "nói" hoặc "đọc", có sự liên hệ chặt chẽ, hỗ tương. Truyện của Nguyễn Ngọc Ngạn tự nó đã hấp dẫn bởi ông là người kể chuyện có tài, giờ đây băng đọc truyện Nguyễn Ngọc Ngạn lại do chính giọng ông đọc, nên càng ngày ông càng gắn bó với khán thính giả hơn. Tên tuổi Nguyễn Ngọc Ngạn càng lúc càng có tính cách đại chúng hơn. Sự thành công trong lãnh vực băng đọc truyện khiến ông hứng thú viết tiếp những truyện mới nhằm mục đích đọc vào băng. Năm 1999, Nguyễn Ngọc Ngạn viết truyện kinh dị đầu tiên, tựa là "Đêm Trong Căn Nhà Hoang", rồi ngay sau đó, truyện thứ nhì có tựa là "Tiếng Quạ Réo Vong Hồn". Do tình bạn nhiều năm, Nguyễn Ngọc Ngạn đã cho tạp chí Tự Do tại Toronto đặc quyền đăng hai truyện kinh dị này từ lúc ông mới viết xong. Ngay sau khi đăng tải, tạp chí này đã nhận được vô số lời tán thưởng nồng nhiệt từ độc giả. Thế là sau 49 tựa băng đọc truyện tình cảm, có thêm loạt băng đọc truyện kinh dị mà thính giả gọi một cách đơn giản là "truyện Ma" ra đời. Nguyễn Ngọc Ngạn càng thành công hơn nữa trong lãnh vực truyện kinh dị này, một phần vì ông đi bước trước, trên con đường chưa có người đi.
Nguyễn Ngọc Ngạn (bên phải) và Nguyên Nghĩa

Nguyễn Ngọc Ngạn thường nói "Tái ông thất mã, trong cái rủi có cái may". Ở đây, trong cái may của ông có cái rủi. Sách của tác giả Nguyễn Ngọc Ngạn từ trước đến nay đã có số bán rất cao, giờ đây băng đọc truyện Nguyễn Ngọc Ngạn cũng bán rất chạy, khiến một số người động lòng tham. Tại hải ngoại cũng như quốc nội đều xảy ra những vụ quả tang ăn cắp công trình tim óc của Nguyễn Ngọc Ngạn.

Năm 2000, hai bài viết của Hữu Thân "Trò Chơi Mới Của Trung Tâm Thúy Nga" và của Hương Trà "Ai Cho Phép Kinh Doanh Băng Đọc Truyện Ma Của Nguyễn Ngọc Ngạn?" đăng trên báo Công An, một mặt lên án băng đọc truyện là các sản phẩm "độc hại", "phản động", nhưng mặt khác đã không thể che giấu sự thật là băng đọc truyện Nguyễn Ngọc Ngạn đã bị sao chép, làm giả và bày bán công khai "trong hệ thống nhà sách nghiêm túc của thành phố Sài-gòn". Theo tác giả Hữu Thân viết, thì học sinh thường dùng băng đọc truyện Nguyễn Ngọc Ngạn làm quà sinh nhật tặng nhau và trên các chuyến xe đò đường trường, tài xế cũng thường mở băng đọc truyện Nguyễn Ngọc Ngạn cho hành khách nghe.

Không cần phải nói, ai cũng biết nếu công an có bố ráp các băng đọc truyện ấy thì cũng chỉ làm cho có lệ thôi. Bởi lẽ đó là món hàng đẻ ra tiền, và có sự bao che của nhà nước cho việc buôn bán băng lậu hay không thì ai cũng đoán được. Năm 2001vừa qua, lại xảy ra chuyện nhà xuất bản Văn Học, là nhà xuất bản chính thức của đảng, đã in cuốn sách có tựa đề "Chuyến xe ma quái" gồm những truyện ngắn kinh dị ăn cắp của Nguyễn Ngọc Ngạn, với các tựa truyện và tên tác giả đã bị sửa cho khác đi để qua mặt tác giả Nguyễn Ngọc Ngạn và cũng để qua mặt nhà nước. Sau vụ đổ bể này, Bộ Văn Hóa Thông Tin trong nước đã phạt nhà xuất bản Văn Học một số tiền rất khiêm tốn là 15 triệu đồng Việt Nam. Nếu đó không phải nhà xuất bản Văn Học của đảng mà là tư nhân hoặc thân nhân của viên chức chế độ cũ, bản án sẽ nặng hơn gấp bao nhiêu lần! Tương tự như trường hợp Bảo Chấn, bài "Tình Thôi Xót Xa" mà Bảo Chấn ký tên tác giả rõ ràng là nhạc ăn cắp (giống bài I've never been to me của tác giả Mỹ đến 99%), nhưng Bảo Chấn vẫn cãi là "bị nhiễm nhạc nước ngoài, vô tình viết ra mà không biết" và Bảo Chấn chỉ bị Hội Nhạc Sĩ trong nước cảnh cáo thôi!

Nói tóm lại là vì Nguyễn Ngọc Ngạn đã trở thành một tên tuổi có tính cách đại chúng, nên một số phần tử vô lương tâm khai thác tên tuổi ông cho việc làm ăn bất chính của họ. Nhưng những ai có lương tâm hẳn phải thấy rằng Nguyễn Ngọc Ngạn đã gặp nạn, đã chết đi sống lại trên đường vượt biển, và cũng đã bỏ ra biết bao công lao khó nhọc mới có được chỗ đứng trong giới cầm bút, giới văn nghệ như hôm nay. Bên cạnh yếu tố đa tài, Nguyễn Ngọc Ngạn còn làm việc một cách say sưa chăm chỉ và tuân theo kỷ luật làm việc, kể cả tìm tòi, học hỏi đến nơi đến chốn.

Trước đây Nguyễn Ngọc Ngạn có kể thoáng qua trên video rằng ông là người dựng nên cái sườn cho các vở kịch trên sân khấu Thúy Nga. Nếu khán giả chưa quên, thì M.C Nguyễn Ngọc Ngạn & Nguyễn Cao Kỳ Duyên đã giới thiệu lần đầu tiên "nhóm kịch Thúy Nga" với vở hài kịch "Thiên Duyên Tiền Định". Vở hài kịch này dĩ nhiên do Nguyễn Ngọc Ngạn phác thảo, câu chuyện xoay quanh vấn đề mê tín dị đoan, bói toán. Vở này do Hồng Đào, Quang Minh, Trang Thanh Lan thủ diễn. Từ sau vở hài kịch này, một số diễn viên trong "nhóm kịch Thúy Nga", nhất là Quang Minh, đã nổi bật hẳn lên một cách bất ngờ. Một vở kịch được coi là thành công, dĩ nhiên do các diễn viên thủ diễn sống động, nhưng bên cạnh đó phần kịch bản phải hay, trong đó bao gồm đề tài lôi cuốn, sự dàn dựng hợp lý ăn khớp… Khán giả để ý thấy rằng từ sau vở hài kịch đó, hầu như mỗi chương trình video Paris by Night đều có một vở kịch, đặc biệt là hài kịch. Nguyễn Ngọc Ngạn vốn có sẵn óc khôi hài, điều này được thấy rõ qua các truyện ngắn truyện dài của ông, qua những câu chuyện mà ông đã kể trên video Paris by Night. Ông khai thác các ý tưởng dí dỏm cho các vở hài kịch chế giễu tật mê bói toán, phong thủy, bệnh sợ vợ, chuyện Việt kiều về nước… Từ những vở kịch do Nguyễn Ngọc Ngạn viết sườn này mà có thêm nhiều tài năng mới độc đáo trên sân khấu Paris by Night như: Kiều Linh, Chí Tài, Calvin Hiệp, Nguyễn Cao Kỳ Duyên, Ái Vân, Trúc Lam, Mỹ Trinh, Mỹ Huyền…

Trong đĩa DVD Paris by Night 73, được phát hành đầu tháng 7-2004, có vở hài kịch "Việt Kiều Hồi Hương" do Chí Tài, Kiều Linh, Minh Phượng và Văn Chung thủ diễn. Sau màn kịch này, Văn Chung có dịp bày tỏ đôi lời cùng khán giả, khi đó mọi người sẽ được nghe Văn Chung xác nhận rằng Nguyễn Ngọc Ngạn là người đã viết vở hài kịch này và cho Văn Chung có cơ hội diễn một vai trên sân khấu Thúy Nga. Như vậy từ nay khi đề cập đến vai trò của Nguyễn Ngọc Ngạn trong trung tâm Thúy Nga, chắc chắn người ta không thể bỏ quên Nguyễn Ngọc Ngạn tác giả của những kịch bản rất thành công của Paris by Night.

Càng ngày Nguyễn Ngọc Ngạn càng làm việc nhiều hơn, càng gắn chặt với trung tâm Thúy Nga hơn. Đến giờ này không ai có thể chối cãi rằng Nguyễn Ngọc Ngạn cùng với Nguyễn Cao Kỳ Duyên, là đôi M.C. gần như không có đối thủ. Riêng Nguyễn Ngọc Ngạn, do khả năng đa dạng, ông đã trở thành nhân vật tối quan trọng đối với trung tâm Thúy Nga và nghệ thuật sân khấu hải ngoại. Dù người ta thương hay ghét cá nhân ông, thì cũng nên nhìn nhận một sự thật rằng văn hóa nghệ thuật Việt Nam cần bàn tay của Nguyễn Ngọc Ngạn tiếp tục vun bồi, ít nhất là cho đến khi ông về hưu…

NGUYÊN NGHĨA
6-2004

No comments:

Post a Comment

Note: only a member of this blog may post a comment.