PHÙ SA LỘC
Khám phá Hòn Tre
Hòn Tre có tên Traksu, được Le Distour, người Pháp, khám phá từ khi nó mới chỉ có vài gia đình người Việt định cư. Hình dáng hòn đảo này được Le Distour cho đắp bằng ô dước tại ấp 1, nay vẫn còn. Còn sách “Gia Định thành thông chí” thì ghi đó là Đảo Tre với chú thích: ở biển phía Đông Nam trấn, chu vi 20 dặm, làm án ngoại cho hải cảng Kiên Giang…
Từ
thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) vượt khoảng đường gần 30 cây số bằng
tàu cao tốc ra Hòn Tre mất khoảng một tiếng đồng hồ với giá vé 42.000
đồng. Mùa này biển êm như mặt hồ. Cô Thu Ba thường ra vô hòn cho biết,
khi nào tàu chạy không thấy “cái đuôi” Hòn Đất nữa là tới Hòn Tre - thị
trấn chính của huyện đảo Kiên Hải, gồm Hòn Tre, Hòn Sơn Rái (Lại Sơn),
và quần đảo Nam Du với 21 đảo thuộc xã An Sơn và Nam Du - thời Pháp có
tên là Poulo Dama, người địa phương quen gọi là Hòn Củ Tron.
Hòn
Tre có ba ấp với vài ngàn dân. Tùy theo thế đất mà người ta cất nhà.
Nhà áp sát biển, nhà cheo leo sườn núi lẫn bên tảng đá khổng lồ. Đường
đi ngoằn ngoèo chân núi, quanh co sườn dốc cheo leo, khó đi nhưng ngoạn
mục. Con đường chạy quanh hòn dài 12 cây số, rộng khoảng 4 mét bằng bê
tông xi măng được khởi công vào đầu năm 2007, sẽ hoàn thành vào cuối năm
nay với kinh phí 80 tỉ đồng từ Chương trình biển Đông - biển đảo của Bộ
Quốc phòng.
Men
theo con đường này, du khách dễ choáng ngợp vì cảnh đẹp của Hòn Tre.
Một bên là vách núi cheo leo, đầy bóng cây xanh; một bên là vực biển sâu
hun hút. Qua những tàng cây cao, từ chân hòn đá tảng chất chồng, biển
xanh ngắt một màu…
Dinh
Ông Nam Hải thờ bộ xương cá Ông dài 9,4 mét, ngang 3,8 mét, trọng lượng
khi còn sống là 5 tấn. Ngày 26-4 Âm lịch hàng năm (ngày Ông lụy, năm
2006), dân đi biển tổ chức lễ giỗ rất trang trọng với niềm tin sẽ được
Ông phò hộ an lành và may mắn. Gần đó có hòn đá Bà Già nằm bên chân
sóng. Nhìn từ bờ, hòn đá giống chiếc cúp. Nếu đi ghe sẽ thấy hòn đá có
bộ mặt nhăn nheo như mặt bà già.
Đi
chệch thêm trăm mét gặp Thiên Thai cổ tự nằm bên chân núi. Chùa do cha
cô Lan lập ra, sau này do cô trụ trì nên người ta còn gọi là chùa cô
Lan. Rồi gặp Sơn Linh tự. Tiếng gọi là chùa nhưng thật ra đây chỉ là một
hang núi nhỏ, sát chân núi, bên đường. Khom người vào hang một chút sẽ
nghe hơi nước mát lạnh từ ngọn suối gần đó phả ra. Đi mút con đường, bạn
sẽ thỏa thích khi đến Đuôi Hà Bá.
Cầu khỉ đi vào Động Dừa
Nhưng
thích thú hơn cả là Bãi Chén của Hòn Tre. Bãi Chén có cảnh vật đẹp và
hoang sơ. Bãi cát vàng. Nước xanh. Theo truyền thuyết, Nguyễn Ánh đã bỏ
lại rất nhiều chén ở nơi này để tháo chạy khi bị quân Tây Sơn truy bắt.
Nhưng người ta gọi tên như vậy có khi vì cái vịnh biển này có nhiều hòn
đá to tròn giống như cái chén úp nằm khắp nơi. Xung quanh các hòn đá
này, bám dày đặc những con hàu nhỏ cỡ đầu ngón tay cái, gọi là hàu sữa.
Chỉ cần đặt nhúm lá dừa vào đó, mồi lửa, thời gian chưa tàn điếu thuốc,
những con hàu há vỏ, dùng dao tách lấy thịt là đã có món ăn ngọt ngào
của loài nhuyễn thể.
Trên
vịnh biển, ghe đánh cá dập dềnh. Đôi vợ chồng Trương Hồng Hải - Nguyễn
Thị Loan đang đánh lưới nổi cá đối. Anh Hải cho biết làm nghề này từ lâu
lắm rồi, mỗi ngày làm từ 8 giờ sáng tới 1 giờ chiều, bán cho du khách
hoặc đem ra chợ bán, tệ lắm cũng kiếm khoảng 200.000 đồng, có hôm trúng
được tới 500.000 đồng. Chị Loan đưa thùng cá cho xem. Những con cá đối
trắng bạc quẫy cựa liên hồi, giá 25.000 đồng/ki lô gam. Cân xong, hai vợ
chồng nhanh tay bẻ củi, chất lên tảng đá, đốt lửa. Lửa tàn, họ đặt từng
con cá trên than đỏ lòm. Cá chín, gắp để lên mặt tấm lá chuối xanh dờn
chấm muối ớt. Lai rai với ly rượu đế đục ngầu, nghĩ mà nhớ cái thời cha
ông đi khẩn hoang!
Vợ chồng ngư phủ nướng cá đối
Đi
về Bãi Chén có hai đường. Đường xuyên núi sẽ gặp Hòn Đá Chuông. Hòn đá
này có hình tam giác không cân, nằm lẫn với nhiều hòn đá khác. Cầm viên
đá gõ vào sẽ nghe tiếng kêu thanh như tiếng chuông. Còn gõ vào các hòn
đá kế cận thì chẳng nghe thấy gì.
Đường
quanh co, khúc khuỷu, lên xuống dốc, băng qua những mảnh vườn xanh um,
mát rượi. Mùa nào thức nấy: xoài cát, xoài hòn, mãng cầu, hồng quân,
nhãn, thanh long… Điều lạ lùng là trái cây trên đảo có hương vị ngọt
ngon hơn ở những nơi khác.
Đi
đường này mất cả tiếng đồng hồ. Còn về theo ngả Động Dừa thì bằng xuồng
máy, 15 phút là tới Động Dừa. Rời xuồng, đặt chân lên những tảng đá
chất chồng, lại cẩn trọng làm cuộc mạo hiểm trên mấy thân tre khô của
chiếc cầu khỉ dài trăm mét để vào bờ. Băng hẻm núi nhỏ chừng mươi phút
thì tới trung tâm thị trấn.
Ngày
nắng hanh hao. Đang mùa ve sữa. Đêm đêm, hầu như dân cả thị trấn xúm
nhau lên núi tìm bắt loại côn trùng này. Với ngọn đèn pin, họ tìm bắt
những con vật nhỏ cỡ ngón tay trỏ từ dưới đất chui lên, bò trên thân
cây. Chị Trần Thị Thoa, người chuyên bán ve sữa, cho biết: “Nếu không bị
bắt, trong chốc lát ve sữa sẽ mọc cánh trở thành ve sầu. Ve sữa sau khi
bắt được cho vô thùng nước để không mọc cánh, đem về luộc nước muối giữ
trắng”.
Ở
Hòn Tre chỉ có vài ba người thu gom ve sữa bán, mỗi người có chừng hai
ba ký lô là cùng, giá 70.000 đồng/ki lô gam (năm ngoái giá cao nhất là
40.000 đồng/ki lô gam). Ve sữa ram mặn, ướp mắm muối chiên tươi, cắn cái
“bụp”, nghe mùi thơm đặc trưng và chất béo của ve thấm đẫm tới chân
răng. Ve sữa là đặc sản độc đáo chỉ riêng Hòn Tre mới có. Mùa ve sữa rất
ngắn, khoảng một tuần lễ. Khi mưa xuống là dứt.
Phù Sa Lộc đang dò lại các địa danh trên bản đồ du lịch
No comments:
Post a Comment
Note: only a member of this blog may post a comment.