Sunday, 29 May 2011

Các sáng tác khác của Hồn Trẻ 20

NGUYÊN NGHĨA
Nụ cười Ngọc Lan

"Ngọc Lan dòng suối tơ vương, mắt thu hồ dịu ánh vàng..."

Lời hát ấy nhạc sĩ Dương Thiệu Tước đã viết trong bài "Ngọc Lan" do ông sáng tác. Tôi yêu bài hát ấy từ thuở thiếu niên, khi đứng trên sân khấu văn nghệ liên trường trung học vào mỗi dịp phát thưởng cuối năm. Trường Mạc Ðĩnh Chi của tôi lúc ấy luôn luôn dẫn đầu về hợp xướng, nhờ có một ban hợp xướng gồm nam sinh lẫn nữ sinh. Trường Trưng Vương thường được giải nhất về vũ, kế đó giải nhì là trường Lê Văn Duyệt. Tôi thích nét uyển chuyển mềm mại và nên thơ trong các màn vũ của những nữ sinh Lê Văn Duyệt, nên thường đứng trong hậu trường nhìn ra, ngắm những tà áo dài có kết thêm những "đôi cánh" bằng cùng loại vải mỏng tuyền trắng mềm mại. Từ chỗ đứng ấy tôi thấy rõ người nữ giáo sư dạy vũ nhạc của trường Lê Văn Duyệt vừa cầm micro hát "Ngọc Lan", "Thiên Thai", vừa làm hiệu cho các nữ sinh đang vũ trên sân khấu. Tôi bắt đầu yêu thích bài hát này từ đó.

Lời hát trong bài "Ngọc Lan" ấy hôm nay lại văng vẳng trở về từ một góc trí nhớ sâu thẳm của tôi, sau khi tin tức được loan đi rằng Ngọc Lan đã từ giã cõi đời 6 tháng 3 năm 2001, hưởng dương 44 tuổi. Sự ra đi bất ngờ, đúng ra là tin buồn đến bất ngờ, bởi Ngọc Lan đã ngã bệnh, đã lâu không còn xuất hiện trên bất cứ một sân khấu nào, trước một ống kính thu hình nào, không còn hát trong một đĩa nhạc mới nào; điều đó, hàng triệu khán thính giả đã đoán già đoán non, đã đồn đãi cũng như đã nhận thấy sau khi xem Ngọc Lan trình diễn trong chương trình video Asia thu hình tại Toronto mùa hè năm 1996.

Khi Ngọc Lan còn bay đi đây đó ca hát trên cõi đời này, nhiều người đã nói, nhiều bài báo đã viết về Ngọc Lan. Lời ca tụng dành cho Ngọc Lan rất nhiều, nhưng tiết lộ về cuộc sống khép kín của Ngọc Lan thì hình như rất hiếm. Bởi Ngọc Lan e ấp, kín đáo, nên Ngọc Lan đến và đi khỏi cõi đời này cũng "nhẹ thoảng", "mong manh" như loài hoa mang tên Ngọc Lan ấy. Những cây Ngọc Lan người ta vẫn thấy trong những sân nhà ở Sàigòn, có những đóa hoa cánh mỏng màu trắng thanh khiết và thoảng nhẹ mùi hương.

Trong cảm nhận chủ quan của tôi, bất cứ một người nghe nhạc Việt nào cũng đều biết nghệ danh Ngọc Lan, cũng đều yêu mến tiếng hát Ngọc Lan. Ngọc Lan đã gắn bó từ lâu với khán thính giả. Có thể, nếu không được gợi lại, một vài người sẽ không nhớ ra rằng đã có 2 cuốn video Ngọc Lan do đạo diễn Ðặng Trần Thức thực hiện.

Nhưng khi nhắc đến hình ảnh Ngọc Lan với ánh nến hắt hiu mờ ảo, với những tấm màn voan trắng bay phất phơ trên một bãi biển, sóng vỗ... những người đã xem 2 cuốn video ấy đều nhìn nhận đó là 2 tác phẩm nghệ thuật giá trị. Sự thành công đó, một phần do tài dàn dựng của đạo diễn Ðặng Trần Thức và phần khác do chính phần trình diễn của Ngọc Lan.

Nền điện ảnh & truyền hình Việt Nam trước 1975 có không ít đạo diễn: Lê Quỳnh, Hoàng Anh Tuấn, Hoàng Vĩnh Lộc, Nguyễn Long, Lê Dân, Ðỗ Tiến Ðức, Lê Hoàng Hoa, Lê Mộng Hoàng, Ðặng Trần Thức, Bùi Sơn Duân... Trong số họ, sau năm 1975, có người đã chết trong nhà tù Cộng sản, có người đã ra hải ngoại nhưng hầu như không còn ai làm phim hoặc làm những việc liên quan đến điện ảnh, ngoại trừ đạo diễn Ðặng Trần Thức. Hai cuốn phim video do đạo diễn Ðặng Trần Thức thực hiện, đến nay vẫn được rất nhiều người nhắc đến là "Mặt Trời Bên Kia Mùa Hạ" và "Như Em Ðã Yêu Anh", dành riêng cho tiếng hát Ngọc Lan. Có thể nói, từ đó, từ khoảng 1991, Ngọc Lan trở thành một "vì sao" bất ngờ hiện ra nhưng rực sáng, hầu như không một vì sao nào khác có thể thay chỗ; ngay cả sau khi "vì sao" Ngọc Lan đã rơi rụng.

Sau khi Ngọc Lan về nước Chúa, rất nhiều người đã viết những dòng tưởng nhớ Ngọc Lan. Thường là những tác giả ấy viết về bản tính khép nép, kín đáo, đặc biệt là vẻ sầu muộn u uẩn toát ra từ đôi mắt, từ tia nhìn, từ đôi môi, từ khuôn mặt, và nhất là ẩn chứa trong giọng hát Ngọc Lan. Ðiều ấy, chắc chắn khán thính giả đã nhận thấy trong suốt thời gian tiếng hát Ngọc Lan còn cất lên, còn rung nên những âm thanh vời vợi trên dây tơ trong hồn người. Hãy nghe lại một bản nhạc nào đó Ngọc Lan hát, chưa cần liên tưởng đến việc Ngọc Lan vừa bỏ cõi đời này, bạn cũng có thể cảm nhận như thoảng nghe tiếng thở dài trong một ngày mưa giăng mây xám.

Nơi bài viết này tôi không muốn lặp lại việc phân tích căn bệnh mà Ngọc Lan mắc phải. Bệnh Multiple Sclerosis (MS), bệnh tiểu đường, hay một thứ bệnh nào khác..., nhiều bài báo đã tiết lộ cho độc giả, khán thính giả biết. Tôi chỉ muốn như một khán thính giả của Ngọc Lan, bày tỏ niềm thương tiếc Ngọc Lan và diễn tả cảm nhận của tôi về nụ cười Ngọc Lan. Nụ cười ấy, vẫn bám lấy trong trí nhớ tôi và trên tấm ảnh tôi đang giữ trong bộ sưu tập. Nếu có phải viết ra nơi đây những chữ "tôi" đáng ghét, tôi mong được hiểu cho rằng đó là điều không tránh được.

Ngọc Lan và Nguyên Nghĩa (ảnh chụp tại Toronto, 1994)

Tôi nhớ rõ lắm, tấm ảnh được chụp ở một show cuối năm 1994 tại Toronto, ở hội trường Ukrainian Cultural Centre trên đường Christie. Người bạn đời của Nguyễn Hưng đã cầm máy chụp tấm ảnh này chung Ngọc Lan và tôi. Tôi vào trong hậu trường trao đổi vài mẩu chuyện ngắn với Ngọc Lan. Ngọc Lan gật đầu nhiều hơn nói, và có nói cũng chỉ là những câu ngắn gọn. Cặp mắt lúc nào cũng có vẻ trũng sâu, cũng thiếu nét tươi tắn yêu đời. Càng nhìn gần tôi càng nhận rõ ra điều đó. Có lúc tôi đã tự hỏi, tại sao như vậy? Có lẽ vì cô make-up quá đậm quanh vùng mắt chăng? Không hẳn. Thời điểm đó báo chí loan tin Ngọc Lan sắp lập gia đình với Kevin Khoa, một nhạc sĩ cùng trong ban nhạc với Don Hồ, vào những năm Don Hồ mới khởi nghiệp. Tôi nói vài câu chúc mừng Ngọc Lan và nhìn Ngọc Lan cười, nhưng là nụ cười rất... "gắng gượng làm vui". Nhìn thấy nụ cười ấy, bỗng dưng tôi không can đảm để nói chuyện lâu hơn nữa, bỏ ý định phỏng vấn Ngọc Lan cho một bài báo Tự Do tháng đó và tôi bước ra ngoài, để Ngọc Lan ngồi một mình với... ý nghĩ riêng tư cùng nụ cười buồn bã ấy. Như một khán giả, tôi mến chuộng tiếng hát Ngọc Lan, nhưng như một người cầm bút, có dịp đến gần Ngọc Lan và Khoa, tôi càng quí trọng Ngọc Lan và cảm thấy ái ngại như ngại chạm vào chiếc bình quí mong manh dễ vỡ.

Tôi gặp lại Ngọc Lan và Khoa trong một đêm nhạc hội Colors of Night, tháng 4 năm 1995, tại Metro Convention Centre, Toronto. Ðêm đó có khá đông đảo ca sĩ: Ái Vân, Phương Hồng Quế, Lilian, Dalena, Nguyễn Hưng, Henri Chúc, Nguyễn Ngọc Ngạn, Nguyễn Cao Kỳ Duyên, và dĩ nhiên có cả Ngọc Lan. Lần ấy Khoa chỉ đi cùng với Ngọc Lan chứ không chơi nhạc, và Thế Sơn cũng chỉ ghé qua thôi, trên đường đi Montreal, và cũng không hát. (Ðó là lần đầu tiên Thế Sơn sang Canada).

Khoa cùng tôi ngồi xuống một bậc thềm gần bên sân khấu. Tôi hỏi thăm Khoa sức khỏe của Ngọc Lan và ngỏ ý muốn viết một bài về Ngọc Lan "để đời". Khoa tâm sự: "Người ta đồn rằng chắc là tụi em (Khoa và Ngọc Lan) có con nên bấy lâu nay Ngọc Lan nghỉ hát, nhưng sự thật đâu phải như vậy. Nếu có con thì tụi em đã mừng và có ngại gì mà không cho thiên hạ biết. Sự thật là Ngọc Lan bị bệnh nên phải nghỉ một thời gian". Tôi an ủi: "Hơi sức nào mà bận tâm vì tin đồn! Ngọc Lan đi hát lại được là mừng rồi, từ từ rồi mọi tin đồn loại đó sẽ tan biến".

Nhưng tại sao Khoa phải nói điều đó nhỉ? Bây giờ tôi mới hiểu! Lúc đó Khoa lo âu và hình như Khoa muốn nói thật rằng Ngọc Lan bệnh nặng lắm rồi, nhưng Khoa cố dằn lại và chỉ tâm sự nửa vời. Lúc đó tôi ngước mắt nhìn lên sân khấu, thấy Ngọc Lan đang đứng hát, thỉnh thoảng nở nụ cười nhưng là nụ cười sầu muộn và tia nhìn của Ngọc Lan đã xa vời mông lung lắm. Tôi biết Ngọc Lan chưa khỏe hẳn, rõ ràng là Ngọc Lan cần người nắm tay để bước lên những nấc thang ra sân khấu, nhưng tôi vẫn chưa dám nghĩ rằng thị giác của Ngọc Lan đã yếu lắm, yếu hơn tôi tưởng.

Khi nghỉ giải lao, thấy tôi mang máy ảnh, một nữ khán giả quen biết đã bước đến xin tôi chụp cho cô và cháu bé một pose ảnh chung với Ngọc Lan. Sau đó, thấy tôi đang đứng cạnh Ngọc Lan nên ban tổ chức đã nhờ tôi "theo trông chừng" cho Ngọc Lan bước qua dãy phòng thay y phục vì từ sân khấu đến đó phải băng qua một khoảng sân. Ðến màn trình diễn của Ngọc Lan sau đó, tôi đã phải nắm tay đưa Ngọc Lan bước lên những bậc thang sân khấu.

Hầu như sau chương trình video Asia thu hình tại Molson Amphitheatre, Toronto năm 1996, Ngọc Lan không còn xuất hiện trước công chúng. Khán thính giả lúc đó đã chứng kiến Ngọc Lan được đưa ra sân khấu thu hình Asia, chứng tỏ thị giác Ngọc Lan đã yếu lắm rồi. Ðĩa nhạc cuối cùng Ngọc Lan hát, tựa đề "Vĩnh Biệt Tình Anh" đã được Khoa và Ngọc Lan thực hiện, được hiểu là một linh cảm trước rằng Ngọc Lan sẽ phải chia tay cha mẹ, chị em, chia tay Khoa, chia tay khán thính giả, chia tay cõi đời này vĩnh viễn.

Trong một bài viết tưởng nhớ Ngọc Lan, tựa là "Mặt Trời Bên Kia Mùa Hạ", anh Hoàng Trọng Thụy (người "dẫn chương trình" cùng với Quỳnh Hương trong những cuốn video Asia Video trước đây, hiện là biên tập viên kiêm xướng ngôn viên đài VNCR tại Garden Grove, Cali) kể lại lời Ngọc Lan đã tâm sự trong buổi quay phim "Mặt Trời Bên Kia Mùa Hạ":

Lúc đó chúng tôi đang quay Video thứ hai, Ngọc Lan còn khỏe lắm. Cảnh ngoài bãi biển trên ghềnh đá, tôi đang cầm đàn Guitar, Ngọc Lan dựa vào lưng tôi để nghe đàn (cảnh này không nhớ có được đạo diễn Thức cho vào phim hay không, vì nhiều cảnh quay rồi mà cuối cùng không xuất hiện). Trong lúc nghỉ giải lao chờ ông đạo diễn đi một vòng tìm hình ảnh, tôi ngồi hỏi han về đời sống Ngọc Lan. Tình cờ tôi hỏi Ngọc Lan có tin vào bói toán hay không. Ngọc Lan không nói chỉ kể tôi nghe một câu chuyện, giọng cô có vẻ hơi sờ sợ nhưng cũng vừa cười vừa nói: "Không biết, nhưng hồi còn đi học ở Việt Nam, tình cờ bạn bè dắt đi xem bói mà bạn cho là xem hay lắm. Bà ấy xem chỉ tay của Lan rồi nói là Lan sau này sẽ nổi tiếng khủng khiếp lắm, ai ai cũng biết đến hết từ trong nước đến ngoài nước, khắp thế giới. Nhưng rồi bà ấy nói, cô sống nổi tiếng bao nhiêu thì khi cô chết đi, chẳng một ai biết hết". Ngọc Lan có vẻ hơi rụt rè khi kể lại chuyện này, rồi cô nói thêm: "Lời xem bói của bà ấy đã đúng phân nửa rồi, không biết phân nửa còn lại ra sao...?"

Giờ đây đám tang Ngọc Lan với đầy đủ nghi thức Công giáo đã hoàn tất. Ngọc Lan đã yên nghỉ. Hàng ngàn người mến mộ đã đến viếng và đưa tiễn Ngọc Lan về nơi yên nghỉ cuối cùng. Bà thầy bói trong câu chuyện mà Ngọc Lan kể cho anh Hoàng Trọng Thụy nghe, nói "sai" hay nói "đúng", tôi chưa dám chắc, nhưng đối với riêng tôi, một trong những nguyên do thôi thúc tôi viết những dòng này là vì muốn chứng tỏ bà thầy bói ấy nói "sai". Không thể nào Ngọc Lan chết mà "chẳng một ai biết hết". Cho dù, sau khi Ngọc Lan mất chưa bao lâu, các cơ quan truyền thông còn đang tập trung những bài viết về Ngọc Lan thì đến lượt nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời đầu tháng 4 năm 2001. Rất nhiều tác giả đã và đang viết những dòng chiêu niệm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, dư luận còn đang bàn tán và ngay cả tranh cãi về "khuynh hướng chính trị" của người nhạc sĩ này, vì lẽ đó, tôi muốn có thêm một người bày tỏ riêng niềm thương tiếc Ngọc Lan, qua những dòng này.

Mong Ngọc Lan được yên nghỉ. Từ đây, khi mọi người nhắc đến Ngọc Lan, mong hãy bày tỏ tấm lòng yêu mến đối với một vì sao rụng sớm, một tiếng hát sớm tắt không cất cao được nữa vào muôn trùng không gian để vượt cả đại dương đến với nhiều chục triệu thính giả ở khắp thế giới. Từ đây, chắc chắn khán thính giả mến mộ sẽ giữ lại mãi trong lòng họ khuôn mặt Ngọc Lan, tiếng hát Ngọc Lan vời vợi buồn.

Tôi muốn phổ biến tấm ảnh mang nụ cười Ngọc Lan này, như một ao ước đóng góp thêm cho bộ sưu tập về Ngọc Lan, dành cho những khán thính giả yêu dấu của Ngọc Lan, và nhất là dành cho gia đình Ngọc Lan. Ngay cả khi Ngọc Lan nở nụ cười, vẫn vương vất nỗi héo hắt và toàn khuôn mặt Ngọc Lan cũng không đánh dạt được nét buồn bã.

Nhưng ít ra, Ngọc Lan có nở được nụ cười, vẫn chứng tỏ rằng có giây phút hiếm hoi Ngọc Lan còn thấy cuộc đời bớt héo úa. Tươi được một chút nào hay chút ấy thôi.

4-2001  

Nguyên Nghĩa

No comments:

Post a Comment

Note: only a member of this blog may post a comment.