Saturday, 30 April 2011

Về một tác giả Hồn Trẻ 20

“Thơ là một nhu cầu tinh thần, 

không thể gượng ép”

 

PHAN HOÀNG

Từ tình yêu đối với bậc tiền bối Bình Nguyên Lộc ở đất đỏ miền Đông, chàng văn trẻ gốc Hoa ở miền sông nước Diệp Ngọc Sơn đã lấy bút danh Phù Sa Lộc và trở thành một trong những thi sĩ khá đậm chất Nam Bộ trên thi đàn mấy mươi năm qua. Giống như vùng Cửu Long quê hương, giọng thơ Phù Sa Lộc mênh mang, da diết. Đọc thơ Phù Sa Lộc, ta như có thể “ngửi” được mùi đất mới ở phương Nam. Cùng với các nhà thơ gốc Hoa nhiều thế hệ như Hồ Dzếnh, La Quốc Tiến, Dư Thị Hoàn… Phù Sa Lộc đã góp phần làm phong phú thêm nền thi ca Việt Nam.
                                                       Phù Sa Lộc

- Thưa ông, là một người gốc Hoa, vậy ông có gặp hạn chế gì khi tiếp xúc với nền văn hóa Việt Nam cũng như trong quá trình sáng tác?

- Ông cố tôi từ Triều Châu, Quảng Đông, di cư sang Nam Bộ từ thế kỷ XIX. Cha mẹ tôi đều gốc Hoa. Còn tôi, tiếng là gốc Hoa nhưng sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, sống chan hòa ở một thị trấn Việt – Hoa - Khmer, tôi tự xem mình là một người Việt Nam, nên quá trình sáng tác chẳng có gì khó khăn.

- Những nhà văn gốc Hoa đương đại nào theo ông là đáng chú ý?
- Trước đây có bậc tiền bối Hồ Dzếnh, sau này có Lý Lan, La Quốc Tiến.

- Ông vốn họ Diệp, lấy bút danh họ Phù, nghe cũng rất lạ. Có giai thoại rằng vì yêu mến nhà văn Bình Nguyên Lộc mà ông lấy bút danh Phù Sa Lộc?
- Tôi vốn rất thích văn chương Bình Nguyên Lộc. Truyện ngắn của ông tinh tế, nhẹ nhàng, khoái nhất là văn phong Nam bộ. Vì vậy tôi mới lấy bút danh có chữ cuối trùng với bút danh ông. Tuy nhiên, ý nghĩa hai chữ Lộc khác nhau. Bình Nguyên Lộc là con nai của bình nguyên miền Đông, còn Phù Sa Lộc là chồi lộc, cái tốt đẹp của phù sa châu thổ sông Cửu Long. Tôi được sinh ra và chịu ơn vùng đất này quá nhiều.

- Ngoài Bình Nguyên Lộc, còn nhà văn nào của Nam Bộ mà ông thích?
- Tôi cũng rất kính nể Sơn Nam, một cây đại thụ khác của văn chương Nam Bộ. Có thể nói, nhờ sự lôi cuốn từ tác phẩm của hai bậc tiền bối Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam mà tôi “sa” vào văn chương.

- Thích truyện của hai “lão trượng” ấy nhưng vì sao ông lại làm thơ?
- Đúng là một nghịch lý. Từ năm 1964 tôi đã có truyện ngắn đầu tiên đăng ở báo Tia Sáng của Sài Gòn, rồi sau đó là các tờ Tiểu thuyết thứ năm, Chọn lọc… Nhưng viết truyện mãi vẫn không nổi bật, trong khi thơ tôi lại được bạn bè và độc giả chú ý. Vậy là tôi “chuyển tông” sang “nàng thơ”. Dù vậy thỉnh thoảng hứng lên tôi vẫn viết truyện.

- Hơn 30 năm gắn bó với “nàng thơ”, ông mới cho ra đời hai tập “Thơ tình tuổi bốn mươi” và “ngọn khói”. Thật quá khiêm tốn. Vì sao ông in ít như vậy? Nhìn lại chặng đường thơ của mình, ông tự đánh giá ra sao?
- Cha tôi vốn là một thương gia. Tôi là con út, được hưởng gia tài, nhưng không có duyên làm ăn, mà lại có vẻ yêu thích văn thơ. Đối với tôi, văn chương ngoài sự giải tỏa còn là một nghề kiếm sống qua ngày. Trong hoàn cảnh khó khăn ấy, tôi không thể có thơ ưng ý để in nhiều hơn những gì đã có. Tôi cảm thấy thơ mình đạt một số thành công nhất định, nhất là cảm xúc về thời khẩn hoang được gợi hứng từ Hương rừng Cà Mau của nhà văn Sơn Nam. Còn hiện tại, tôi thấy thơ mình đã “xưa” lắm rồi.

- Mỗi thi sĩ thường có một quan niệm riêng về thi ca. Với ông quan niệm về thơ có gì đặc biệt?
- Thơ là một nhu cầu tinh thần, không thể gượng ép. Thơ nó tự đến, buộc nhà thơ phải làm, phải đắm chìm trong thế giới sáng tạo. Còn trong thực tế, có khi thơ là một phương tiện kiếm sống. Tôi cũng từng rơi vào trường hợp đau lòng đó và rất lấy làm mắc cỡ.

- Có lúc nào ông dự định lìa bỏ “nàng thơ” không? Thơ ông nhận được phản ứng ra sao từ phía bà nhà?
- Nhiều lúc tôi nghĩ, giá có kiếp sau thì nhất định tôi không những không làm thơ nữa, mà còn không thèm lai vãng đến thế giới… cầm bút. Nhưng, như tôi đã nói, thơ là một nhu cầu tinh thần, không viết không được. Vợ tôi không chỉ là người “đỡ đầu” cho “chàng thơ” mà còn rất quý bạn bè văn nghệ của tôi.

- Là nhà thơ khá hiểu biết về thơ đương đại của đồng bằng sông Cửu Long, theo ông, những nhà thơ nào thực sự giữ được cái chất miền sông nước này?
- Riêng với đồng bằng sông Cửu Long, làm được thơ “đặc chủng” về vùng đất mới này thật khó. Đọc ca dao, dân ca miệt vườn thấy rất sâu sắc, nhưng khi chạm ngòi bút tới thì thấy khó làm sao. Rất vui vì có thơ Thu Nguyệt biểu hiện được chất Nam Bộ.

- Ông có cảm thấy sự khác biệt nào trong đời sống văn chương giữa miền Tây Nam Bộ với các miền đất khác?
- So với miền Bắc hay miền Trung, tôi thấy một người viết văn có nét ở miền Tây ít có cơ hội được giúp đỡ, nâng lên. Mà họ phải trải qua một quá trình phấn đấu tự lực và công phu. Người Nam Bộ nói chung thường coi văn thơ là thú chơi tao nhã, ít chịu phấn đấu, nên thành tựu khiêm tốn.



***
Mấy năm gần đây, nhà thơ Phù Sa Lộc không chỉ sống bằng văn chương nữa, ông đã có thêm một nghề mới: nghề báo. Trở thành phóng viên văn hóa cho nhật báo Cần Thơ khi tuổi đời đã ngũ tuần nhưng Phù Sa Lộc vẫn tỏ ra sung sức. Ông đọc nhiều, đi nhiều, viết nhiều. Nghề báo giúp ông ổn định việc mưu sinh, đồng thời cũng là một trong những “bệ phóng” cho sáng tác của ông, khi được cập nhật thông tin và có điều kiện đi xa, đi sâu vào vùng đất “chôn nhau cắt rốn”.


 từ: http://phusaloc.blogspot.com

Thơ của các tác giả Hồn Trẻ 20

Trần Kiêu Bạt, chụp tại Hoa Kỳ

LÝ THỪA NGHIỆP
Trần Kiêu Bạt

Nhứt đi, Nhứt bỏ về trời 
Sao nghe nước mắt bỗng rơi ngọt ngào 
Thôi tàn hết cuộc chiêm bao 
Con sông xưa sẽ trôi vào hoang vu 
Đất trời rồi sẽ nghìn thu 
Nghe câu tống biệt, mịt mù khói sương. 
* 
Mày đi hết một con đường 
Bỗng tao hiu hắt tiếc thương não nề 
Ngàn ngày rượu cháy đam mê 
Tiếng vui còn đọng tư bề cỏ cây 
Rót đi trăm chén rượu đầy 
Cong lưng mà uống ly mày ly tao. 
* 
Dường như muối mặn bao đào 
Dường như gan ruột cồn cào biệt ly 
Đành rằng sinh ký tử quy 
Cũng nghe thổn thức sầu bi đầm đìa 
Tình thâm hồ dễ chia lìa 
Cười nheo con mắt, màu bia vàng trời.

trích Tuyển Tập 6 Nhà Thơ Úc Châu,
xuất bản 2010


Thơ của các tác giả Hồn Trẻ 20


LÂM HẢO KHÔI
Áo bà ba mấy vạt biết buồn

Mưa hỏi lá khi về nghiêng nón đợi
Áo bà ba mấy vạt nhuốm phai màu
Ngày tháng đó đã vàng bông điên điển
Cây vàng cây lá gọi lá xanh xao

Thương đâu chỉ mơ màng chăn gối cũ
Dẫu âm thầm như thể lá mơ hoa
Người ở lại đem tim mình ra biển
Đốt vầng trăng mười sáu dưới hiên nhà

Sông không nói bởi mang lòng nặng trĩu
Những phù sa tràn đẫm nợ ân tình
Chuyện vàng đá treo nghiêng triền sóng bạc
Chuyện tao phùng, bọt nước cuốn lênh đênh

Mưa hỏi lá biết ai về thắp lại
Ngọn đèn xưa lãng mạn đợi đêm tàn
Thơm khói thuốc người đi phảng phất
Áo bà ba mấy vạt-áo tình lang.

trícih Tuyển Tập 6 Nhà Thơ Úc Châu,
xuất bản 2010

Friday, 29 April 2011

Thơ của các tác giả Hồn Trẻ 20


NGUYÊN NGHĨA
Yêu dấu


Anh hiểu lòng em khi mỗi sáng
nghe giọt cà-phê nhỏ đậm đà
anh ngó mơ hồ mây lãng đãng
thấy êm đềm trải suốt trời xa

Anh nhận ra đời khi mở cửa
gió lên hắt bụi mắt cay mù
xe qua khói mịt che hơi thở
nhắc nhớ anh ngày lại bắt đầu

Anh nhận ra người khi cất tiếng
chào nhau ngày đẹp cuối tuần vui
quay đi bình thản xong câu chuyện
ai bận tâm chia ngọt sẻ bùi

Anh biết ẩn tàng trong cái ngọt
mỗi ngụm cà-phê có đắng môi
cái đắng không sao từ chối được
như mảnh đời trộn lẫn buồn vui

Anh hiểu lòng em khi mỗi sáng
ngắm nghía bàn tay khuấy muỗng đường
anh gửi mơ hồ trong tĩnh lặng
yêu dấu đời nhau mắt nói giùm.

(tạp chí Văn, số 42, tháng 6 năm 2000)

Hãy giữ lấy kỷ niệm


Ảnh trên đây được chụp năm một nghìn chín trăm... lâu lắm, 
ở bến Ninh Kiều, Cần Thơ.
Thời kỳ đó, làm thơ không sống được mà phải làm thợ kiếm sống. 
Trần Kiêu Bạt thì đi xe bồn, Mường Mán làm công nhân trong viện Đại học Cần Thơ, Phù Sa Lộc chạy xe đạp ôm.

Từ trái sang phải: Trần Kiêu Bạt, Mường Mán và Phù Sa Lộc.
 (Ảnh mượn từ album HT20)

Các sáng tác khác của Hồn Trẻ 20

NGUYÊN NGHĨA

Từ Công Phụng và những tình khúc lãng mạn 

Nhạc sĩ Từ Công Phụng đã có dịp hát lại một vài tình khúc do ông sáng tác, trong chương trình Paris by Night 58 (chủ đề "Những Sắc Màu Trong Kỷ Niệm") đã được phát hành tháng 3 năm 2001. Màn trình diễn này, ngoài Từ Công Phụng còn có Khánh Ly (và ngay cả MC Nguyễn Ngọc Ngạn cũng cùng hát một đoạn Bây Giờ Tháng Mấy). Hình như, sau chương trình ấy, cùng lúc sinh hoạt văn nghệ thính phòng nhộn nhịp trở lại, khán thính giả chợt nhận ra bấy lâu nay họ quên một Từ Công Phụng ca sĩ. Thế nên tiếng hát Từ Công Phụng lại có dịp cất lên, trong Đêm Nhạc Thính Phòng Nhớ Về Kỷ Niệm tại Knott's Berry Farm (21 tháng 4 năm 2001) và tại Đại nhạc hội Paris by Night tổ chức tại Long Beach (29 tháng 9 năm 2001), cũng như tại vài nơi khác nữa.

Trong chương trình Paris by Night "Những Sắc Màu Trong Kỷ Niệm" nói trên, khán thính giả đã nghe Từ Công Phụng tâm sự đôi lời về một số nhạc phẩm của ông.

Dù có muốn tránh nhắc lại điều làm tác giả mất vui, nhưng tôi vẫn thấy cần nói qua về một trong những nhạc phẩm Từ Công Phụng; bởi tôi nghĩ, mỗi sự việc đều có mặt phải mặt trái của nó, và không ít khi, bên trong lớp vỏ đen đủi lại là một thứ ruột trắng ngần. Dường như bất cứ một người lớn nào cũng biết là lời nhạc Bây Giờ Tháng Mấy đã từng bị sửa đi một cách "kém lịch sự" và mang ra làm câu ca giễu "thuộc hạng thấp". Nhưng điều đó ít ra cũng chứng tỏ rằng, âm điệu và lời nhạc Bây Giờ Tháng Mấy đã ngấm sâu vào tiềm thức người nghe, đã trở nên "câu hát dân gian", được truyền bá rộng rãi. Và khi một bài nhạc đã được người nghe thuộc nằm lòng, có nghĩa là tên tuổi người sáng tác bài nhạc ấy không dễ gì phai nhạt nữa.



Mới đây, tôi được dịp hỏi nhạc sĩ Từ Công Phụng vài điều liên quan đến những ca khúc của ông.

Nguyên Nghĩa: Thưa anh, anh có nghĩ rằng đối với thính giả thì bài Bây Giờ Tháng Mấy là bài tiêu biểu nhất của Từ Công Phụng?


Từ Công Phụng: Tôi viết bài Bây Giờ Tháng Mấy khi tôi đang học thi Tú-tài đôi, đầu thập niên 60. Lúc đó tôi mới 18 tuổị Đến năm 1963 lần đầu tiên tôi hát trên làn sóng điện đài phát thanh Đà-lạt thì được rất nhiều thư của thính giả khen tặng. Khi tôi vào Sài-gòn tiếp tục học chương trình Đại học thì bài này được tung ra lần đầu tiên trên đài phát thanh Quân Đội và đài phát thanh Sài-gòn qua tiếng hát Nhật Trường. Và từ đó Bây Giờ Tháng Mấy trở thành bài hát thời thượng (theo như nhiều bằng hữu cho tôi biết như vậy khi gặp lại ở quê người). Trải qua ba thập niên sau, khi tôi xuất hiện lại tại hải ngoại thì bài hát này vẫn tiếp tục được yêu cầu hát lại bất cứ nơi nào tôi đặt chân đến. Và tôi nghĩ anh đã nói đúng khi anh cho rằng đây là bài hát tiêu biểu nhất của Từ Công Phụng.

Với riêng tôi, nét nhạc Từ Công Phụng bỗng "lạ" một cách bất ngờ khi ca khúc Trên Ngọn Tình Sầu của ông (phổ từ thơ Du Tử Lê) được phổ biến, mà tôi nghe lần đầu tiên tiếng hát Xuân Sơn, và không lâu sau đó Nguyễn Chánh Tín hát ngay trước mặt tôi tại phòng thu của đài Truyền Hình Việt Nam băng tần số 9, chương trình Tình Cạ Tôi cho rằng, tình khúc ấy đã đưa cả ba người (nhạc sĩ, thi sĩ và ca sĩ) đến thêm gần người thưởng thức âm nhạc và văn chương. Về sự ra đời của Trên Ngọn Tình Sầu, nhạc sĩ Từ Công Phụng cho biết:


TCP: Bài Trên Ngọn Tình Sầu là bài nhạc đầu tiên phổ từ thơ Du Tử Lê ở năm 1968. Năm 1969 tôi tung ra bài này từ những buổi sinh hoạt văn nghệ Sinh viên ở bãi cỏ trường Đại học Văn Khoa cũ (đường Nguyễn Trung Trực) và cũng được đón nhận nồng nhiệt từ thuở ấỵ Trước Trên Ngọn Tình Sầu tôi đã tung ra nhiều bài khác như Mùa Thu Mây Ngàn, Mùa Xuân Trên Đỉnh Bình Yên, Bài Cho Em, Lời Cuối, v.v...

NN: Động cơ hoặc hoàn cảnh nào đưa anh tới chỗ sáng tác, thưa anh?


TCP: Không có động cơ nào thúc đẩy tôi viết nhạc bằng một tấm lòng yêu thích âm nhạc ngay từ thuở tôi còn bé. Tôi có một trái tim rất mẫn cảm. Từ thuở nhỏ tôi đã biết xúc động khi nghe một bản nhạc hay, tôi đã ứa nước mắt khi đọc một truyện ngắn hay xem một chuyện phim buồn. Cho đến bây giờ nhiều khi tôi vẫn nổi da gà khi chợt nghe một bản nhạc hay ở đâu đó trên con đường đi... Như tôi đã nói với anh khi tôi viết những ca khúc đầu tiên ở thập niên 60 thì tôi còn là cậu học sinh ở trường Trung học và sau đó là sinh viên ở các phân khoa Đại học Sài-gòn.

Như tôi vừa viết ở phần trên, khi một bài nhạc đã được người nghe thuộc nằm lòng, có nghĩa là tên tuổi người sáng tác bài nhạc ấy không dễ gì phai nhạt nữa. Hơn thế, tôi tin rằng tên tuổi Từ Công Phụng không bao giờ phai nhạt đối với âm nhạc Việt Nam. Hôm nay dòng nhạc tình Từ Công Phụng có dịp tuôn chảy lại, đến gần hơn, với người nghe nhạc, qua một chương trình Nhạc Thính Phòng đã được thu hình tại Knott's Berry Farm (Cali) hồi cuối tháng 1-2002 và được phát hành vào đầu tháng 6 này: video Paris by Night 64.

Dường như dòng nhạc tình lãng mạn Từ Công Phụng miên man chảy không muốn dứt, với Trên Tháng Ngày Đã Qua, Như Chiếc Que Diêm, Mắt Lệ Cho Người, Mùa Thu Mây Ngàn, Giọt Lệ Cho Ngàn Sau, Kiếp Dã Tràng, Mãi Mãi Bên Em. Trong số đó, tôi nghĩ, đặc biệt nhất, thú vị nhất là ca khúc Mãi Mãi Bên Em do chính tác giả hát.

NN: Được biết Mãi Mãi Bên Em là một bài hát mới và là chủ đề của một đĩa nhạc mới. Trong chương trình Paris by Night 58, anh đã nói: "Giọt Lệ Cho Ngàn Sau là một bài hát để xin lỗi những người tình đã đi qua đời tôi, dù một khoảnh khắc sớm phai tàn nhưng đã để lại những kỷ niệm và đã nuôi lớn tôi trong tình yêu". Cũng như anh đã nói: "Tạ Ơn Em là một bài thơ của Du Tử Lê (Từ Công Phụng phổ nhạc, đặt tựa là Giữ Đời Cho Nhau). Tôi đã mượn lời thơ của anh Du Tử Lê để tạ ơn người đã cứu vớt đời tôi sau năm 1975. Có phải anh sáng tác nhạc tình cho người tình? Như vậy, lần này với Mãi Mãi Bên Em, có phải anh có ý muốn tặng riêng, nói riêng với ai?


TCP: Vâng. Mãi Mãi Bên Em là tựa đề của bài hát mới trong một loạt bài mới mà tôi viết cách đây vài năm (ở hải ngoại). Có một lần trong buổi trình diễn nhạc thính phòng Từ Công Phụng tại Houston Texas do nhóm Viet Arts tổ chức, có một khán giả đã hỏi tôi giống như anh vừa nóị Nghĩa là mỗi bản tình ca là viết tặng cho một người tình. Anh thử tính xem tôi có ngót một trăm bản tình ca để tặng cho cả trăm người tình sao? Tôi không nghĩ tôi là một người hoàn toàn đạo đức, nhưng tôi không có một lối sống buông thả như nhiều khán thính giả vẫn thường gán cho các văn nghệ sĩ. Và đôi khi chính nghệ sĩ cũng nghĩ nghệ sĩ là phải có lối sống buông thả để tìm cảm hứng. Tôi chọn cho tôi một lối sống trầm lặng tĩnh mặc trong khi tôi vẫn biết cuộc đời không phẳng lặng. Những biến động đột ngột trong cuộc đời làm cho tôi đau lòng nhưng tôi vẫn viết những bản tình ca dịu dàng để đền đáp trái tim đã một thời dâng hiến trọn vẹn cho tôi, đã nuôi tôi khôn lớn trong tình yêu dù không trọn vẹn. Đâu cần phải yêu nhiều người mới viết được nhiều bản tình ca. Chúng ta có nhiều lối diễn tả khác nhau cho một cuộc tình. Vài cuộc tình cũng đủ cho tâm hồn chúng ta rộng mở và khôn lớn. Miễn là chúng ta biết sống và biết dâng hiến trọn vẹn cho tình yêu và cuộc đờị Anh có đồng ý không? Mỗi bản tình ca của tôi là một dâng hiến trọn vẹn. Và bản Mãi Mãi Bên Em chính là một dâng hiến dành cho người bạn đời hiện tại của tôi trong chặng đường cuối của cuộc đời ngắn ngủi này. 


 Từ trái sang phải: Nguyên Nghĩa, Như Quỳnh, Marie Tô Ngọc Thủy (producer Paris by Night), Từ Công Phụng, và Khánh Ly. (Ảnh chụp tại phim trường của đài CBC, Toronto).

NN: Theo anh, tới tuổi nào người ta mới hết, không còn có thể sáng tác nhạc tình nữa?


TCP: Tôi không biết rõ. Vì cho đến bây giờ ở cái tuổi 60 tôi nghĩ vẫn còn có khả năng sáng tác. Bởi vì, mỗi ngày khi mở mắt chúng ta còn nhìn thấy cuộc đời sinh động thì chúng ta còn có khả năng sáng tác nếu chúng ta chịu khó suy nghĩ về quá khứ về hiện tại để lúc nào cũng sẵn sàng bước vào tương laị Những biến động trong cuộc sống chung quanh luôn luôn là nguồn cảm hứng cho chúng ta.

Như Từ Công Phụng đã tâm sự, những người tình đã đi qua đời ông, dù một khoảnh khắc sớm phai tàn, nhưng đã để lại những kỷ niệm và đã nuôi lớn ông trong tình yêu. Sau Mãi Mãi Bên Em, ước mong ông sẽ còn viết nhiều tình khúc khác nữa, những bài tình ca hạnh phúc, để chúng ta được thấy dòng nhạc Từ Công Phụng không bao giờ thôi ca tụng tình yêu.

NGUYÊN NGHĨA
(tháng 6 năm 2002)

tìm lại từ:
Văn Nghệ Magazine (Westminster, CA) tháng 6-2002
tạp chí Đại Chúng (Virginia) số 106, 16-8-2002

Các sáng tác khác của Hồn Trẻ 20

VÕ MINH ĐƯỜNG
Chùa Dơi

Trên đường từ Sóc Trăng về huyện Mỹ Xuyên đến chợ Mùa Xuân thuộc phường 3 rẽ vào con lộ đất đi thêm một khoảng 1 cây số khách sẽ gặp ngôi chùa Mã Tộc mà dân địa phương gọi là chùa Dơi.


 Cổng chính vào chùa (Ảnh: Nguyễn Thanh Quang)

Ngay từ đàng xa khách đã nghe thấy tiếng kêu "rít rít" và tiếng đập cánh của loài dơi quạ, loại dơi lớn ở miền Nam. Bước qua cổng chùa nhìn lên tàng cây, khách trông thấy cảnh tượng lạ mắt. Hàng trăm, hàng ngàn cánh dơi đang treo ngược đầu xuống đất từ trên những cành cao xuống đến những cành thầp phe phẩy đôi cánh quạt mát cho giấc ngủ ngày vì dơi là loài ăn đêm. Những chú dơi lớn đôi cánh căng ra có đến cả mét, ngực phủ lớp lông màu vàng hực. Với hàm răng bén nhọn dơi ăn được những quả trái có lớp vỏ cứng và dày như dừa, gòn...

Sân chùa Mã Tộc ờ Sóc Trăng (Ảnh: Đỗ Tuấn Hưng)

Khu vườn chùa có diện tích gần 3 hécta với những loầi cây sao, dầu, vú sữa, xoài, thốt nốt... dày đặc bóng dáng loài dơi đeo bám trên cành nhánh. Theo các vị sư sãi chùa đã được xây cất cách nay hơn hai trăm năm với vật liệu ban đầu la cây ván và lợp lá. Chùa được trùng tu lại nhiều lần trong nhiều thời gian khác nhau mới có được hình dáng như hiện nay. Loài dơi cũng đến đây sinh sống sau khi chùa được xây cất, đặc biệt là chúng chỉ sống quanh khu vườn chùa, không sống lan qua khu lân cận dù ở sát ngay bên cạnh.

Qua khỏi cổng chùa một quãng là điện Sư Cả, nhà ở của Tỳ kheo, hội trường, phòng học giáo lý xây kế tiếp nhau. Ngôi chính điện nằm ngay phía trước cách khoảng một sân gạch lớn được xây cất trên hai tầng nền. Tầng nền dưới lót đá cao 1 mét, tầng nền trên nhỏ hơn được đúc chắc chắn. Hàng cột tròn với hình tiên nữ hai tay chắp vào nhau dọc quanh 4 vách chùa ở phần gàn giáp mái. Mái chùa gồm hai lớp mái cách khoảng, lợp ngói được sơn phết nhiều màu sặc sỡ. Hai mái giao nhau thành góc 30 độ, có tháp nhỏ nhiều tầng, đầu mái mang hình đuôi rắn vút thẳng lên không. Loài dơi sinh sống nơi đây như đã thuần hóa, gần gũi, thân thuộc với nếp sinh hoạt nơi này. Dơi đẻ con vào mùa mưa, nuôi con bằng đôi vú nằm lệch về phía hông với tuyến sữa dày. Thường dơi mẹ trong thời kỳ nuôi con chúng không thể bay ăn xa, chỉ quanh quẩn những nơi gần và đặc biệt nhất là chúng không ăn quả trái trong khu vườn chùa nơi chúng cư ngụ.

 Nhiều đàn dơi lớn đổ về chùa Dơi

Trên bệ thờ của ngôi chính điện là tượng phật ngồi cao 2 mét bằng đá tạc nguyên khối. Một tượng Phật nằm phía trước và chung quanh là hàng chục tượng lớn nhỏ làm bằng nhiều loại vật liệu, dáng vẻ khác nhau. Bao quanh điện thờ là bức hoành lớn chạm khắc công phu hình hoa kiểng, chim cá đặc biệt có hình hai con dơi đang bay lượn. Bức hoành này đã có ngay từ lúc chùa được xây dựng lần đầu trải đến ngày nay.

Nét độc đáo của chùa Mã Tộc là hình ảnh của loài dơi qua quen thuộc sinh sống nơi đây tự lâu đời. Nó cũng hoà nhập vào cuộc sống của con người, vùng đất tạo cho cảnh trí thiên nhiên vốn dĩ trầm mặc u tịch của đền chùa nét sinh động gần gũi giữa người và vật. Kích thích óc tò mò, trí tưởng tượng của khách phương xa khi có dịp đến viếng Sóc Trăng.

Thursday, 28 April 2011

Nhắc chuyện thi văn đoàn


trích HỒI KÝ LINH PHƯƠNG - kỳ 18

Tôi với Vũ Trọng Quang chơi thân với nhau qua văn nghệ từ thời còn hoc trung học trường Nguyễn Văn Khuê - sau 1963 đổi thành trường trung học Bồ Đề do Thượng Tọa Thích Quảng Liên làm Hiệu trưởng, Thầy Thích Thái Dương làm Tổng giám thị, Giáo sư Xuân Sơn là Trưởng ban báo chí của trường... Vũ Trọng Quang ở thi văn đoàn Vùng Lên, còn tôi ở Văn nghệ Hoa Đông Phương. Tôi học đệ tam C (ban văn chương) còn Quang học ban B chung với Nguyễn Hữu Đức (bây giờ là P.Giáo sư Tiến Sĩ Trường Đại học Y Dược – Sài Gòn). Năm này tôi và Lâm Quốc Trung làm tờ đặc san quay ronéo là Vùng Biển Động, rồi đặc san Hoa Đông Phương. Cũng cần nói thêm trong thời gian này, phong trào thi văn đoàn như trăm hoa đua nở. Ở Gò Công thì Nhóm Thơ 20 Gò Công với Trần Anh Tài, Trần Ngọc Hưởng; Tỉnh An Xuyên (Cà Mau bây giờ, tỉnh lỵ là Quản Long) nhóm Chân Trời Tím với Chu Thiên…, Ba Xuyên (do Bạc Liêu và Sóc Trăng hợp nhất lại thành Tỉnh Ba Xuyên. Tỉnh lỵ là Khánh Hưng ) có nhóm Hồn Trẻ Hai Mươi gồm nhiều tên tuổi như: Linh Trân Phượng (Vũ Ngọc Đức) - Phù Sa Lộc - Trầm Mặc Nghệ Thế - Trần Kiêu Bạt - Thương Tử Tâm - Trần Thanh Tâm - Trương Thanh Thùy - Võ Minh Đường (chồng của nhà thơ Trúc Linh Lan)... Ở Cần Thơ nhóm văn nghệ Về Nguồn với Trúc Khanh - Huyền Vân Thanh - Kiều Diễm Phượng… Riêng Sài Gòn rất nhiều thi văn đoàn, vì Sài Gòn là trung tâm văn hóa của miền nam. Ngoài Văn nghệ Hoa Đông Phương của tôi... thi văn đoàn Vùng Lên của Vũ Trọng Quang... còn nhiều nhóm khác như: Cung Thương Miền Nam với Nguyễn Lệ Tuân – Mây Viễn Xứ - Thương Mặc Uyên…; nhóm Mây Chiều với Nguyễn Việt - Võ Hồng Nhữ Vân - Nguyễn Uyển Thượng (Nguyễn Minh Nữu); Hoa Quê Hương của Lê Hoa Niên - Kiều Linh Giang (Trần Thanh Liêm)... Nhóm Áo Trắng (trường nữ trung học Gia Long) với Uyên Mai - Hoàng Oanh; nhóm Hoa Phượng (trường nữ trung học Trưng Vương) với Uyên Ly - An Khanh..., riêng nhóm văn nghệ của trường nữ trung học Lê Văn Duyệt tôi không còn nhớ tên, chỉ nhớ một người duy nhất là Hoàng Trần Đỗ Quyên.

Khi học đệ tam C, ngoài hai tờ quay ronéo, tôi còn chủ trương biên tập tờ bích báo Động Đất (báo dán tường), một tờ báo tường không qua sự kiểm duyệt của giáo sư Xuân Sơn (tác giả tập thơ Nắng Khuya). Tờ Động Đất là một tờ bích báo lậu, nên tôi chỉ để chủ trương biên tập là nhóm học sinh đệ tam C, không để đích danh ai. Tờ Động Đất chuyên chỉ trích Ban Giám Hiệu nhà trường như thầy Tổng Giám thị Thích Thái Dương hay giáo sư Xuân Sơn, nên chúng tôi phải lén lút dán lên tấm bảng của trường dành riêng cho các tờ bích báo có kiểm duyệt.

Tôi thường xuyên ăn ngủ ở nhà Vũ Trọng Quang trong Khu Dân Sinh (thời Bình Xuyên gọi là Kim Chung). Hồi đó chúng tôi hay ăn cơm tấm đường Hồ Văn Ngà (trước quận nhì, bây giờ là quận một), đi chơi ở đâu cũng đi một cặp nên cô Sáu (mẹ Vũ Trọng Quang) đã nói trong lần tôi thăm cô cách đây mấy năm: "Hồi đó tao tưởng mày với thằng Ngọc (tên ở nhà của VTQ) là PD (pédé)". Tình bạn hữu của chúng tôi cho đến bây giờ đã 40 năm trôi qua vẫn thân thiết như hồi nào, dù trải qua bao thăng trầm của cuộc sống. Nhiều lúc Quang biết tôi không có tiền xài, hắn lại gửi tiền qua một người bạn nói là tiền nhuận bút trao cho tôi xài. Tôi nhận được tiền cảm động lắm, nhưng chỉ phone cho bạn biết là tôi đã nhận được tiền, chỉ thế thôi là bạn cũng ngầm hiểu, vì chúng tôi không cần dùng chữ “cám ơn" với nhau. như những người khác. Trong 40 năm làm bạn , hai chúng tôi chưa một lần nào giận hờn, chưa lần nào cãi nhau hay làm cho nhau đau lòng.

Sống trong Khu Dân Sinh tôi còn có những người bạn như: Nguyễn Mộng Hòa Bình bút hiệu làm thơ, nhưng chúng tôi thường gọi là Long Ghiền (vì hắn ghiền thuốc lá). Vũ Trọng Tuấn (em của Vũ Trọng Quang),  Ba Phong (sau 1975 trong Ủy Ban Quân Quản và Chủ tịch UBND Phường ở Quận 1 Sài Gòn), Huỳnh Súy, Vũ Giáo Trường, Lắm thiết Giáp, Khoa Nhảy Dù… Hồi đó, chúng tôi không có tiền nên thường thường mua rượu đế về pha với xá xị, bỏ đá cục vào nhậu cho đến chừng nào say xỉn thì thôi. Vũ Trọng Quang lúc ấy ốm ròm (không như bây giờ) nên chúng tôi gọi hắn là Sáu Ròm. Hắn có một bức tranh khắc trên một tấm ván ép nhỏ hình một người và một vật gì tròn tròn, tôi đặt tên cho bức tranh của hắn là “Đá banh bể", hắn cười hề hê.

Lúc trong quân đội, về Sài Gòn chơi dù có phép hay không phép thì tôi cũng không bao giờ dừng lại khi Quân cảnh chận xét giấy tờ. Tôi nhớ lần đi chơi với mấy người bạn Thương phế binh và ở các binh chủng khác. Tất cả bảy người trên ba chiếc xe Honda chạy lòng vòng Sài Gòn đến gần 22 giờ, chúng tôi đến đường Tự Do. Ở đây có rất nhiều Bar dành riêng cho người Mỹ, cấm người Việt Nam đến đây. Chúng tôi dừng xe Bar Họa Mi, và bước vào. Trong bóng đèn mờ, có vài quân nhân Mỹ đang khiêu vũ cùng những tiếp viên Việt Nam. Thấy chúng tôi mặc quân phục rằn ri, những quân nhân Mỹ lần lượt biến mất. Chúng tôi gọi bia uống, nhưng họ không tiếp, bà chủ Bar điện thoại cho xe tuần tiễu hỗn hợp đến bắt chúng tôo. Đang ngồi đợi họ đem bia ra thì một Quân cảnh cầm súng M.16 từ ngoài cửa ló đầu vô nhìn. Lúc đó, chúng tôi đã dự tính sẽ đấu với toán tuần cảnh hỗn hợp bằng lựu đạn và súng ngắn. Tên quân cảnh thấy chúng tôi cũng ớn, nên nói với bà chủ bar: “Mấy anh này đâu có làm gì đâu mà bà nói là phá bar của bà". Nói xong gã bước ra lên jeep cùng đồng đội của mình chạy đi.

Đám tuần tiễu hỗn hợp rời khỏi bar, chúng tôi kêu bà chủ bar lại: "Hồi nãy chúng tôi không phá bar, nhưng bà gọi tuần tiễu hỗn hợp đến. Bây giờ thì chúng tôi phá bar của bà". Bà ta xuống nước năn nỉ và chiêu đãi chúng tôi uống bia hoặc rượu thả dàn không tính tiền. Uống xong hơn một giờ sáng, chúng tôi kêu bà ta tính tiền, mặc dù bà ta không tính .Chúng tôi ép bà ta phải tính tiền , tôi cỡi tấm plaque đeo tay một lượng vàng, đưa cho bà ta và nói: “Bà giữ cái này, mai tôi đem tiền lại thanh toán cho bà".

Thời đó, sống chết không biết lúc nào, nên lính tráng trong lực lượng tổng trừ bị thường trở nên ngang tàng nếu không muốn gọi là kiêu binh. Vì chuyện tử sinh đối với họ là đương nhiên khi tham dự trò chơi chiến tranh:


Dăm thằng đánh trận dăm thằng chết
Chỉ sót mình ta cứ sống nhăn
Đù má nhiều khi buồn hết biết
Lo mãi sau này cụt mất chân

Mấy tháng hành quân chưa ngơi nghỉ
Tóc tai dài thượt giống người rừng
Kinh Kha vác súng qua Dịch Thủy
Thề chẳng trở về với tay không

Chiến hữu ta toàn dân thứ dữ
Uống rượu say chửi đổng dài dài
Bồ bỏ. Tức mình xâm bốn chữ
“Hận kẻ bạc tình“ trên cánh tay

Chiều qua sém chết vì viên đạn
Du kích bên sông bắn tỉa hù
Cũng may gặp phải thằng cà chớn
Thấy mặt ta ngầu bắn đéo vô

Nhớ hôm bắt được em Việt Cộng
Xinh đẹp như con gái Sài Gòn
Ta nổi máu giang hồ hảo hán
Gật đầu ra lệnh thả mỹ nhân

Mai mốt này đây nơi trận tuyến
Gặp ta em bắn chớ ngại ngùng
Cuộc chiến đâu dành cho nhân nghĩa
Đời nào đạo lý với bao dung

(Hành quân - trong tập KVCE)

Trò chơi chiến tranh dài quá, mất mát đau thương nhiều quá, bao chuyện tình bi thảm cứ nhân lên mãi. Có những người lính cứ phải đi năm này đến năm khác, những người yêu, người vợ của họ mõi mòn trông đợi. Rồi những cạm bẫy cuộc đời, những phồn hoa đô thị đã cuốn hút một số ít người sa ngã, quên đi người thân yêu của mình nơi mặt trận.

Ngược lại, cũng có những người con gái, những người vợ thủy chung, dù biết người lính ấy ra đi không trở lại, vẫn chờ - vẫn đợi.

“Xin cho em thắp một nén hương
Xin cho em một nụ hôn nồng
Để biết rằng người ta đã chết
Để biết rằng em buồn trong lòng…

Xin cho em làm chim núi non
Chắp cánh bay cao ấp ủ hồn
Ôi ! Người tình bây giờ khuất mặt
Em sống hoài hoài với đứa con

Xin cho bài dân ca phương đông
Xác chết trên đê dưới ruộng đồng
Để biết rằng anh em mặt lạ
Ở bên này-bên kia dòng sông…”

(Lời cho người khuất mặt- trong tập KVCE)


Xin xem Hồi ký Linh Phương từ đầu, ở:
Ghi chú của Blog Hồn Trẻ 20:
Trong bài của nhà thơ Linh Phương trên đây có chỗ tác giả nhớ lầm, chúng tôi mạn phép sửa giùm tác giả: Nhóm Cung Thương Miền Nam gốc ở Sóc Trăng chứ không phải ở Sài-gòn. Cung Thương Miền Nam lúc đó do Mặc Huyền Thương (một bút hiệu khác của nhà thơ Trần Phù Thế) làm trưởng nhóm. (Mặc Huyền Thương chứ không phải Thương Mặc Uyên).
Trong số các thành viên nhóm đó, còn có nhà thơ Lưu Vân.

Tuesday, 26 April 2011

Lại gặp lại ở Sóc Trăng


"Lại gặp lại ở Sóc Trăng", lần HT20 gặp HT20 
này cũng đã khá lâu rồi.
Trong ảnh: Lệ Lệ (bên trái) và Lý Thừa Nghiệp (bên phải), 
chụp ở Hồ Nước Ngọt, Sóc Trăng, năm 2010.
(Ảnh từ album HT20)



Trong ảnh: Vũ Ngọc Đức (bên trái) và Lý Thừa Nghiệp (bên phải)
(Ảnh từ album HT20)

Thơ của các tác giả Hồn Trẻ 20

PHÙ SA LỘC
Bài hành vợ ta

Người xưa ngậm mật nuôi chí lớn
Cơm áo đời thường hề không uổng
Ta nay múa bút đã lâu rồi
Chí bự ngang đầu con tép ruộng

Nuôi ta vợ tốn hai sông cạn
Một dải phì nhiều lúa bạt đồng
Vải đo mươi thước may không chán
Chỉ để lo mình ta đấy thôi

Chí ta, ta biết, hề văn nghệ
Vui thú anh em quên lối về
Một con ngựa sắt mê rong ruổi
Sáng sớm: mù tăm, chẳng thấy: khuya

Đón ta chiều muộn say như chết
Khật khưỡng chân này hất chân kia
Ở nhà, bạn đến, em lo tất
Cơm nước không nề cả râu ria

Bạn bè một lứa tơi bời rách
Mọi sự đều trông vô nhuận bút
Máu óc vắt run bàn tay kiệt
Không đủ cà phê không đủ thuốc

Khi buồn ớ lún dăm tuần lễ
Thơ chửa làm ra văn chẳng trơn
Việc nhà bề bộn hầm như bễ
Mắng vợ, làm nư, ném cả xoong
Con bệnh. Thuốc chi? Hề, dốt đặc
Chuyện thường ngớ ngẩn cứ như hâm
Văn chương siêu thánh hề ta dạy
Thiên hạ ai người sống thẳng băng

Bạch lạp quá xưa; đèn điện, cũ
Tù mù trứng vịt tối tân hơn
Câu thơ tâm đắc hề ta đọc
Lồng lộng làng trên xóm dưới rầu
Cái giàu ta chẳng màng đâu nhé
Chỉ bẩn ta người gớm bợn nhơ
Nghèo khổ với ta bạn chí thiết
Một lòng trinh tiết với nàng thơ

Quân tử hề ta không thể cắp
Của người dù chỉ một que diêm
Trí thức hề ta không thể bắt
Tay chân mình lấm bụi nhân sinh

Vợ ta quần vén lên tận háng
Chạy gạo nuôi chồng – chuyện tất nhiên
Nuôi con - ta chẳng bao giờ cản
Đóng thuế - nuôi luôn công nhân viên

Câu thơ ta viết chưa hề biết
Nịnh lấy vợ yêu một chữ nào
Làm người trung thực nên ta viết
Thơ tặng cho Hường, cho Huệ, Loan…

Chí lớn hề ta không nếm mật
Vợ nhà đắng miệng bấy nhiêu năm
Mây khói ta đi buồn tím ruột
Hưỡn chuyện hà nhân mới ghé thăm
Vợ ta hớn hở mừng ra mặt
Biết chắc mình đang có được chồng!

Cần Thơ, 1-3-1988

Thơ của các tác giả Hồn Trẻ 20

LÝ THỪA NGHIỆP 

Nhánh rong
Tiếng cười dường vẫn chưa tan
Là khi lệ cũng hàng hàng chực rơi
Chút xương thịt, chút tăm hơi
Nắng mưa nhựt nguyệt vẽ vời đục trong
Thấy mình như một nhánh rong
Trôi đi biền biệt còn mong điều gì!?
  
Biển xanh sóng vỗ tư bề
Chúng sinh như bọt tan về ngàn phương
Còn ai đi giữa con đường
Nắng vàng Phật Pháp, mưa nguồn Như Lai
Núi rừng từ buổi sơ khai
Cơn mưa sinh tử còn bay chập chùng.


Rừng tràm

Ghe trôi vô tận rừng tràm
Thiền sư bỏ núi về làm tiều phu
Đêm đêm trong cõi sương mù
Lá rơi có chạm dọc bờ tử sinh
Rừng già soi bóng u linh
Nước trong cá lội đợi bình minh lên.

Friday, 22 April 2011

Lại gặp lại ở Toronto


HT20 Lâm Hảo Khôi lại gặp lại HT20 Nguyên Nghĩa, 
nhân dịp Lâm Hảo Khôi sang Canada lần thứ nhì, 
mùa hè năm 2010.
Từ trái sang phải: Phan Ni Tấn, Nguyên Nghĩa và Lâm Hảo Khôi.

Bút tích Võ Minh Đường

NGUYÊN NGHĨA

Sáng nay thứ sáu, trời thật đẹp. Good Friday. Thứ sáu Tuần Thánh. Lúc chuẩn bị thêm một số bài thơ của các tác giả Hồn Trẻ 20 để viết vào Blog, tình cờ tôi "nhặt ra được" từ Google một mẩu bút tích của Võ Minh Đường (nhà thơ Triều Phượng Dung của thời Hồn Trẻ 20 chúng tôi).

Theo tiểu sử ghi Võ Minh Đường từ giã cõi đời năm 2004. Tôi đang một mặt nhờ vài tác giả Hồn Trẻ 20 hỏi xin thân nhân anh, một mặt tìm ở các "bô máy sục sạo" (search engines) trên lưới xem có tấm ảnh cũ nào đó của anh trôi dạt trên đó chăng mà chưa tìm được, thì bất ngờ thấy một hình .jpg thủ bút của anh. 

Đó là bốn câu thơ Võ Minh Đường đã viết tay, như sau:

Câu thơ dở đọc hoài nghe cũng được
Thằng bạn tôi chí quyết làm thơ
Ngồi một chút rút viết ghi ghi chép chép
Thơ đâu phải lá mùa gom đống để người xem?

Ừ thì "thơ đâu phải lá mùa", nhưng không lo "gom đống" sẵn thì về sau thơ tản lạc. Tôi đang lo "gom đống" thơ Hồn Trẻ 20 và không biết còn bao nhiêu bài thơ Võ Minh Đường tản lạc...

  
Tôi vừa viết thêm vào Blog Hồn Trẻ 20 hai bài thơ của Võ Minh Đường: Thư viết cho con trước căn nhà cũCâu Vọng Cổ giữa biển trời Nha Trang.

Thơ của các tác giả Hồn Trẻ 20

VÕ MINH ĐƯỜNG
Câu Vọng Cổ giữa biển trời Nha Trang

Nhịp song lang gõ cùng sóng biển
Dây đào dây kép luyến đưa nhau
Hò Cần Thơ hay hò Đồng Tháp
Xê, xáng, u, liu, cống, xứ, hề…

Khách xa như lục bình trôi dạt
Mà đây cũng thể lục bình trôi
Vướng víu dưới lòng cầu sông cạn
Câu oán đưa duyên đến xứ này?

Thanh long ửng hồng mùa trái chín
Rợp bóng vườn nho chiều Phan Rang
Câu vọng cổ leo đèo vượt suối
Tháp cổ mây che, nhìn núi trong mưa

Cánh cò dầu dãi bên nương mạ
Non tơ trải lòng cùng gió mưa
Đông Bắc trở mùa xuân ngóng đợi
Vọng cổ lắng tình trong biển xanh
Lưu Thủy, Nam Xuân… độc huyền gởi lại
Cho đá trở mình chạnh nhớ những ngày quen.

Thơ của các tác giả Hồn Trẻ 20

VÕ MINH ĐƯỜNG
Thư viết cho con trước căn nhà cũ
 
-Gởi con Gia Thi
 
Ờ, đây rồi chút gió của hương
Của cây Kim Điệp nở hoa mùa trước
Của con bướm bay chiều ly biệt
Đã xa từ đó căn nhà

Quê người ba đã đi qua
Nấn ná bước chân đậu bạc
Nôi võng đong đưa là ba nhớ quá
Căn nhà mơ ước tuổi thơ?

Nắng chiếu ngời hoa mận trong sân
Tiếng chim hót và dịu dàng cơn gió
Vạt nắng sớm, giọt mưa… ba mẹ quen từ đó
Đất kết thành mùa nhớ, mùa xa

Giữ cho mình chút gió hương đưa
Chút xa lạ của người quê cũ
Con hãy lớn khôn đừng hỏi thêm gì nữa
Rằng quê ba sao chẳng thấy ba về?

Thơ của các tác giả Hồn Trẻ 20

PHÙ SA LỘC
Rưng chiều

*tặng Dũng

Chiều đỏ lựng màu son
Trên môi người con gái
Trong quán bia Sài Gòn

Chiều vàng ong hổ phách 
Sóng sánh tràn trong ly 
Ta uống niềm vui nhất 

Các em liên lỉ hát 
Những khúc tình ca buồn 
Niềm vui đau nước mắt 

Ta đâu hay chiều chết 
Ngoài bên kia bức tường 
Trong bình phong kín khuất 

Ta uống đỏ chiều môi 
Ta uống vàng chiều rượu 
Chắc chắn say lắm rồi 

Chia tay người con gái 
Tóc dài lưng mượt mà 
Sao ta buồn đến vậy? 

- Em tuổi bằng con ta!











Thơ của các tác giả Hồn Trẻ 20

TRẦN KIÊU BẠT
Ngày qua đời sống

Trong một chiều cuối tuần
Thật buồn và thật nhớ 
Làm sao anh cản ngăn hồn mình
Đang cuồn cuộn xót xa
Trên đôi mắt em nhìn theo
Ôi đôi mắt thật gầy
Thăm thẳm từng chiều mong đợi

Anh không hiểu rõ lòng mình
Để biết vui hay buồn
Ngày cuối cùng còn bên em
Một hạnh phúc nào đã cho
Làm sao anh trả nghĩa
Của lòng em ngày một hao mòn
Cưu mang giọt đời nhỏ xuống

Đó là lần đi xa
Trong cơn hồi tưởng đắm chìm
Trí nhớ một dòng ảo giác
Con đảo nhỏ mù xa âm dạng
Em muộn phiền như chim
Cho đôi cánh sầu bi
Vời vợi biển dài bao nhiêu hải lý

Cứ yên vui trên đời sống tình cờ
Em đã hiểu và anh đã thấy
Nhớ nhau làm niềm tin
Đời chúng mình như vậy.

(Trích tuyển tập Lãng Mạn Đời Trăng –
Tuyển tập 16 tác giả—nxb Mũi Cà Mau 1989)