Thursday 28 April 2011

Nhắc chuyện thi văn đoàn


trích HỒI KÝ LINH PHƯƠNG - kỳ 18

Tôi với Vũ Trọng Quang chơi thân với nhau qua văn nghệ từ thời còn hoc trung học trường Nguyễn Văn Khuê - sau 1963 đổi thành trường trung học Bồ Đề do Thượng Tọa Thích Quảng Liên làm Hiệu trưởng, Thầy Thích Thái Dương làm Tổng giám thị, Giáo sư Xuân Sơn là Trưởng ban báo chí của trường... Vũ Trọng Quang ở thi văn đoàn Vùng Lên, còn tôi ở Văn nghệ Hoa Đông Phương. Tôi học đệ tam C (ban văn chương) còn Quang học ban B chung với Nguyễn Hữu Đức (bây giờ là P.Giáo sư Tiến Sĩ Trường Đại học Y Dược – Sài Gòn). Năm này tôi và Lâm Quốc Trung làm tờ đặc san quay ronéo là Vùng Biển Động, rồi đặc san Hoa Đông Phương. Cũng cần nói thêm trong thời gian này, phong trào thi văn đoàn như trăm hoa đua nở. Ở Gò Công thì Nhóm Thơ 20 Gò Công với Trần Anh Tài, Trần Ngọc Hưởng; Tỉnh An Xuyên (Cà Mau bây giờ, tỉnh lỵ là Quản Long) nhóm Chân Trời Tím với Chu Thiên…, Ba Xuyên (do Bạc Liêu và Sóc Trăng hợp nhất lại thành Tỉnh Ba Xuyên. Tỉnh lỵ là Khánh Hưng ) có nhóm Hồn Trẻ Hai Mươi gồm nhiều tên tuổi như: Linh Trân Phượng (Vũ Ngọc Đức) - Phù Sa Lộc - Trầm Mặc Nghệ Thế - Trần Kiêu Bạt - Thương Tử Tâm - Trần Thanh Tâm - Trương Thanh Thùy - Võ Minh Đường (chồng của nhà thơ Trúc Linh Lan)... Ở Cần Thơ nhóm văn nghệ Về Nguồn với Trúc Khanh - Huyền Vân Thanh - Kiều Diễm Phượng… Riêng Sài Gòn rất nhiều thi văn đoàn, vì Sài Gòn là trung tâm văn hóa của miền nam. Ngoài Văn nghệ Hoa Đông Phương của tôi... thi văn đoàn Vùng Lên của Vũ Trọng Quang... còn nhiều nhóm khác như: Cung Thương Miền Nam với Nguyễn Lệ Tuân – Mây Viễn Xứ - Thương Mặc Uyên…; nhóm Mây Chiều với Nguyễn Việt - Võ Hồng Nhữ Vân - Nguyễn Uyển Thượng (Nguyễn Minh Nữu); Hoa Quê Hương của Lê Hoa Niên - Kiều Linh Giang (Trần Thanh Liêm)... Nhóm Áo Trắng (trường nữ trung học Gia Long) với Uyên Mai - Hoàng Oanh; nhóm Hoa Phượng (trường nữ trung học Trưng Vương) với Uyên Ly - An Khanh..., riêng nhóm văn nghệ của trường nữ trung học Lê Văn Duyệt tôi không còn nhớ tên, chỉ nhớ một người duy nhất là Hoàng Trần Đỗ Quyên.

Khi học đệ tam C, ngoài hai tờ quay ronéo, tôi còn chủ trương biên tập tờ bích báo Động Đất (báo dán tường), một tờ báo tường không qua sự kiểm duyệt của giáo sư Xuân Sơn (tác giả tập thơ Nắng Khuya). Tờ Động Đất là một tờ bích báo lậu, nên tôi chỉ để chủ trương biên tập là nhóm học sinh đệ tam C, không để đích danh ai. Tờ Động Đất chuyên chỉ trích Ban Giám Hiệu nhà trường như thầy Tổng Giám thị Thích Thái Dương hay giáo sư Xuân Sơn, nên chúng tôi phải lén lút dán lên tấm bảng của trường dành riêng cho các tờ bích báo có kiểm duyệt.

Tôi thường xuyên ăn ngủ ở nhà Vũ Trọng Quang trong Khu Dân Sinh (thời Bình Xuyên gọi là Kim Chung). Hồi đó chúng tôi hay ăn cơm tấm đường Hồ Văn Ngà (trước quận nhì, bây giờ là quận một), đi chơi ở đâu cũng đi một cặp nên cô Sáu (mẹ Vũ Trọng Quang) đã nói trong lần tôi thăm cô cách đây mấy năm: "Hồi đó tao tưởng mày với thằng Ngọc (tên ở nhà của VTQ) là PD (pédé)". Tình bạn hữu của chúng tôi cho đến bây giờ đã 40 năm trôi qua vẫn thân thiết như hồi nào, dù trải qua bao thăng trầm của cuộc sống. Nhiều lúc Quang biết tôi không có tiền xài, hắn lại gửi tiền qua một người bạn nói là tiền nhuận bút trao cho tôi xài. Tôi nhận được tiền cảm động lắm, nhưng chỉ phone cho bạn biết là tôi đã nhận được tiền, chỉ thế thôi là bạn cũng ngầm hiểu, vì chúng tôi không cần dùng chữ “cám ơn" với nhau. như những người khác. Trong 40 năm làm bạn , hai chúng tôi chưa một lần nào giận hờn, chưa lần nào cãi nhau hay làm cho nhau đau lòng.

Sống trong Khu Dân Sinh tôi còn có những người bạn như: Nguyễn Mộng Hòa Bình bút hiệu làm thơ, nhưng chúng tôi thường gọi là Long Ghiền (vì hắn ghiền thuốc lá). Vũ Trọng Tuấn (em của Vũ Trọng Quang),  Ba Phong (sau 1975 trong Ủy Ban Quân Quản và Chủ tịch UBND Phường ở Quận 1 Sài Gòn), Huỳnh Súy, Vũ Giáo Trường, Lắm thiết Giáp, Khoa Nhảy Dù… Hồi đó, chúng tôi không có tiền nên thường thường mua rượu đế về pha với xá xị, bỏ đá cục vào nhậu cho đến chừng nào say xỉn thì thôi. Vũ Trọng Quang lúc ấy ốm ròm (không như bây giờ) nên chúng tôi gọi hắn là Sáu Ròm. Hắn có một bức tranh khắc trên một tấm ván ép nhỏ hình một người và một vật gì tròn tròn, tôi đặt tên cho bức tranh của hắn là “Đá banh bể", hắn cười hề hê.

Lúc trong quân đội, về Sài Gòn chơi dù có phép hay không phép thì tôi cũng không bao giờ dừng lại khi Quân cảnh chận xét giấy tờ. Tôi nhớ lần đi chơi với mấy người bạn Thương phế binh và ở các binh chủng khác. Tất cả bảy người trên ba chiếc xe Honda chạy lòng vòng Sài Gòn đến gần 22 giờ, chúng tôi đến đường Tự Do. Ở đây có rất nhiều Bar dành riêng cho người Mỹ, cấm người Việt Nam đến đây. Chúng tôi dừng xe Bar Họa Mi, và bước vào. Trong bóng đèn mờ, có vài quân nhân Mỹ đang khiêu vũ cùng những tiếp viên Việt Nam. Thấy chúng tôi mặc quân phục rằn ri, những quân nhân Mỹ lần lượt biến mất. Chúng tôi gọi bia uống, nhưng họ không tiếp, bà chủ Bar điện thoại cho xe tuần tiễu hỗn hợp đến bắt chúng tôo. Đang ngồi đợi họ đem bia ra thì một Quân cảnh cầm súng M.16 từ ngoài cửa ló đầu vô nhìn. Lúc đó, chúng tôi đã dự tính sẽ đấu với toán tuần cảnh hỗn hợp bằng lựu đạn và súng ngắn. Tên quân cảnh thấy chúng tôi cũng ớn, nên nói với bà chủ bar: “Mấy anh này đâu có làm gì đâu mà bà nói là phá bar của bà". Nói xong gã bước ra lên jeep cùng đồng đội của mình chạy đi.

Đám tuần tiễu hỗn hợp rời khỏi bar, chúng tôi kêu bà chủ bar lại: "Hồi nãy chúng tôi không phá bar, nhưng bà gọi tuần tiễu hỗn hợp đến. Bây giờ thì chúng tôi phá bar của bà". Bà ta xuống nước năn nỉ và chiêu đãi chúng tôi uống bia hoặc rượu thả dàn không tính tiền. Uống xong hơn một giờ sáng, chúng tôi kêu bà ta tính tiền, mặc dù bà ta không tính .Chúng tôi ép bà ta phải tính tiền , tôi cỡi tấm plaque đeo tay một lượng vàng, đưa cho bà ta và nói: “Bà giữ cái này, mai tôi đem tiền lại thanh toán cho bà".

Thời đó, sống chết không biết lúc nào, nên lính tráng trong lực lượng tổng trừ bị thường trở nên ngang tàng nếu không muốn gọi là kiêu binh. Vì chuyện tử sinh đối với họ là đương nhiên khi tham dự trò chơi chiến tranh:


Dăm thằng đánh trận dăm thằng chết
Chỉ sót mình ta cứ sống nhăn
Đù má nhiều khi buồn hết biết
Lo mãi sau này cụt mất chân

Mấy tháng hành quân chưa ngơi nghỉ
Tóc tai dài thượt giống người rừng
Kinh Kha vác súng qua Dịch Thủy
Thề chẳng trở về với tay không

Chiến hữu ta toàn dân thứ dữ
Uống rượu say chửi đổng dài dài
Bồ bỏ. Tức mình xâm bốn chữ
“Hận kẻ bạc tình“ trên cánh tay

Chiều qua sém chết vì viên đạn
Du kích bên sông bắn tỉa hù
Cũng may gặp phải thằng cà chớn
Thấy mặt ta ngầu bắn đéo vô

Nhớ hôm bắt được em Việt Cộng
Xinh đẹp như con gái Sài Gòn
Ta nổi máu giang hồ hảo hán
Gật đầu ra lệnh thả mỹ nhân

Mai mốt này đây nơi trận tuyến
Gặp ta em bắn chớ ngại ngùng
Cuộc chiến đâu dành cho nhân nghĩa
Đời nào đạo lý với bao dung

(Hành quân - trong tập KVCE)

Trò chơi chiến tranh dài quá, mất mát đau thương nhiều quá, bao chuyện tình bi thảm cứ nhân lên mãi. Có những người lính cứ phải đi năm này đến năm khác, những người yêu, người vợ của họ mõi mòn trông đợi. Rồi những cạm bẫy cuộc đời, những phồn hoa đô thị đã cuốn hút một số ít người sa ngã, quên đi người thân yêu của mình nơi mặt trận.

Ngược lại, cũng có những người con gái, những người vợ thủy chung, dù biết người lính ấy ra đi không trở lại, vẫn chờ - vẫn đợi.

“Xin cho em thắp một nén hương
Xin cho em một nụ hôn nồng
Để biết rằng người ta đã chết
Để biết rằng em buồn trong lòng…

Xin cho em làm chim núi non
Chắp cánh bay cao ấp ủ hồn
Ôi ! Người tình bây giờ khuất mặt
Em sống hoài hoài với đứa con

Xin cho bài dân ca phương đông
Xác chết trên đê dưới ruộng đồng
Để biết rằng anh em mặt lạ
Ở bên này-bên kia dòng sông…”

(Lời cho người khuất mặt- trong tập KVCE)


Xin xem Hồi ký Linh Phương từ đầu, ở:
Ghi chú của Blog Hồn Trẻ 20:
Trong bài của nhà thơ Linh Phương trên đây có chỗ tác giả nhớ lầm, chúng tôi mạn phép sửa giùm tác giả: Nhóm Cung Thương Miền Nam gốc ở Sóc Trăng chứ không phải ở Sài-gòn. Cung Thương Miền Nam lúc đó do Mặc Huyền Thương (một bút hiệu khác của nhà thơ Trần Phù Thế) làm trưởng nhóm. (Mặc Huyền Thương chứ không phải Thương Mặc Uyên).
Trong số các thành viên nhóm đó, còn có nhà thơ Lưu Vân.

No comments:

Post a Comment

Note: only a member of this blog may post a comment.