Friday, 29 April 2011

Các sáng tác khác của Hồn Trẻ 20

VÕ MINH ĐƯỜNG
Chùa Dơi

Trên đường từ Sóc Trăng về huyện Mỹ Xuyên đến chợ Mùa Xuân thuộc phường 3 rẽ vào con lộ đất đi thêm một khoảng 1 cây số khách sẽ gặp ngôi chùa Mã Tộc mà dân địa phương gọi là chùa Dơi.


 Cổng chính vào chùa (Ảnh: Nguyễn Thanh Quang)

Ngay từ đàng xa khách đã nghe thấy tiếng kêu "rít rít" và tiếng đập cánh của loài dơi quạ, loại dơi lớn ở miền Nam. Bước qua cổng chùa nhìn lên tàng cây, khách trông thấy cảnh tượng lạ mắt. Hàng trăm, hàng ngàn cánh dơi đang treo ngược đầu xuống đất từ trên những cành cao xuống đến những cành thầp phe phẩy đôi cánh quạt mát cho giấc ngủ ngày vì dơi là loài ăn đêm. Những chú dơi lớn đôi cánh căng ra có đến cả mét, ngực phủ lớp lông màu vàng hực. Với hàm răng bén nhọn dơi ăn được những quả trái có lớp vỏ cứng và dày như dừa, gòn...

Sân chùa Mã Tộc ờ Sóc Trăng (Ảnh: Đỗ Tuấn Hưng)

Khu vườn chùa có diện tích gần 3 hécta với những loầi cây sao, dầu, vú sữa, xoài, thốt nốt... dày đặc bóng dáng loài dơi đeo bám trên cành nhánh. Theo các vị sư sãi chùa đã được xây cất cách nay hơn hai trăm năm với vật liệu ban đầu la cây ván và lợp lá. Chùa được trùng tu lại nhiều lần trong nhiều thời gian khác nhau mới có được hình dáng như hiện nay. Loài dơi cũng đến đây sinh sống sau khi chùa được xây cất, đặc biệt là chúng chỉ sống quanh khu vườn chùa, không sống lan qua khu lân cận dù ở sát ngay bên cạnh.

Qua khỏi cổng chùa một quãng là điện Sư Cả, nhà ở của Tỳ kheo, hội trường, phòng học giáo lý xây kế tiếp nhau. Ngôi chính điện nằm ngay phía trước cách khoảng một sân gạch lớn được xây cất trên hai tầng nền. Tầng nền dưới lót đá cao 1 mét, tầng nền trên nhỏ hơn được đúc chắc chắn. Hàng cột tròn với hình tiên nữ hai tay chắp vào nhau dọc quanh 4 vách chùa ở phần gàn giáp mái. Mái chùa gồm hai lớp mái cách khoảng, lợp ngói được sơn phết nhiều màu sặc sỡ. Hai mái giao nhau thành góc 30 độ, có tháp nhỏ nhiều tầng, đầu mái mang hình đuôi rắn vút thẳng lên không. Loài dơi sinh sống nơi đây như đã thuần hóa, gần gũi, thân thuộc với nếp sinh hoạt nơi này. Dơi đẻ con vào mùa mưa, nuôi con bằng đôi vú nằm lệch về phía hông với tuyến sữa dày. Thường dơi mẹ trong thời kỳ nuôi con chúng không thể bay ăn xa, chỉ quanh quẩn những nơi gần và đặc biệt nhất là chúng không ăn quả trái trong khu vườn chùa nơi chúng cư ngụ.

 Nhiều đàn dơi lớn đổ về chùa Dơi

Trên bệ thờ của ngôi chính điện là tượng phật ngồi cao 2 mét bằng đá tạc nguyên khối. Một tượng Phật nằm phía trước và chung quanh là hàng chục tượng lớn nhỏ làm bằng nhiều loại vật liệu, dáng vẻ khác nhau. Bao quanh điện thờ là bức hoành lớn chạm khắc công phu hình hoa kiểng, chim cá đặc biệt có hình hai con dơi đang bay lượn. Bức hoành này đã có ngay từ lúc chùa được xây dựng lần đầu trải đến ngày nay.

Nét độc đáo của chùa Mã Tộc là hình ảnh của loài dơi qua quen thuộc sinh sống nơi đây tự lâu đời. Nó cũng hoà nhập vào cuộc sống của con người, vùng đất tạo cho cảnh trí thiên nhiên vốn dĩ trầm mặc u tịch của đền chùa nét sinh động gần gũi giữa người và vật. Kích thích óc tò mò, trí tưởng tượng của khách phương xa khi có dịp đến viếng Sóc Trăng.

No comments:

Post a Comment

Note: only a member of this blog may post a comment.